3 thg 2, 2020

HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẠO PHẬT

ĐÔI LỜI NHẮN GỬI THẾ GIAN
Chân Tâm.

Đạo Phật ngày nay được hiểu khá lệch lạc và nông cạn, không còn giữ được những giá trị cốt lõi. Con người hiện tại đã hướng Đạo Phật theo một tư tưởng đa thần giáo hoặc nhất thần giáo, thậm chí còn biến tướng thành tà giáo cực đoan. Họ biến Đức Phật và các vị Thánh hiền thành công cụ thỏa mãn những ước vọng của họ thông qua hũ tục lễ bái, cúng kiến và cầu xin. Họ thông minh, nên họ nghĩ rằng chẳng phải tốn kém sức lực gì mà vẫn có thể đạt được thành tựu, chỉ cầu xin, bố thí dăm bạc lẻ là được an vui, họ phó mặc trách nhiệm cho thần, Phật và ung dung rung đùi ngồi hưởng lạc. Ý nghĩ ấy thật sự quá ngây thơ.
Chúng ta cần phải nhận thức lại Đạo Phật. Đạo Phật là đạo cứu khổ, đạo Pháp mang đến cho con người giá trị thực tế về nhu cầu giải thoát khỏi khổ đau trong cuộc sống, mang lại những giá trị sống cao đẹp, hạnh phúc và bình an, bằng chính hành động thực tiễn của mình chứ không phải chỉ bằng sự cầu xin. Chúng ta lễ lạy Đức Phật không phải vì Ngài là thần thánh hay thượng đế mà chính là vị thầy đáng kính của mình. Chúng ta tôn kính vì Ngài đã dạy cho chúng ta tu sửa bản thân để trở thành một người lương thiện, đạo đức và sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua những Pháp môn mà Đức Phật giảng dạy, chúng ta phải học, phải hiểu và phải thực hành thì mới nhận được kết quả của bình an và hạnh phúc, mới giải thoát khỏi khổ. Đó là cốt lõi của đạo Phật. Đó cũng là điều mà chúng ta cần tư duy và thấu hiểu.
Trên thực tế, những ai đã trải qua đau khổ cùng cực, những ai đã đủ khổ rồi và có nhu cầu thoát khổ, thì họ mới tiếp cận với Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca. Còn lại đa số mọi người đến với Phật giáo vì thỏa mãn ham muốn dục lạc cho bản thân: tài sản, địa vị, danh lợi và sự cứu rỗi.
Khi đã chọn cho mình con đường đi đến sự bình yên và hạnh phúc đích thực, hãy sáng suốt lựa chọn đúng đường. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ và sâu sắc về đạo Phật. Đạo Phật là gì? Bối cảnh hình thành lịch sử Phật giáo ra sao? Lý do gì mà đạo Phật xuất hiện trên thế gian này? Vị giáo chủ của Phật giáo là ai? Sự nghiệp thành đạo của Đức Phật như thế nào? Ý nghĩa của Phật Pháp là gì? Phật Pháp mang lại giá trị gì cho cuộc sống? Chúng ta phải giải đáp được hết những câu hỏi này mới xứng đáng làm đệ tử của Phật. Hãy tự hỏi mình rằng, “Điều gì quan trọng nhất trong đời sống, chúng ta làm tất cả mọi thứ gì cái gì?” Hiểu rõ mục tiêu sống để đừng biến cuộc đời mình trở nên vô nghĩa.
Cuối cùng tôi muốn gửi đến các bạn một ý nghĩa sâu xa mà thiền sư Ajahn Brahm đã chia sẻ, đó là câu chuyện về một con giun quá yêu thích đống phân nơi nó sống đến nổi không sẳn lòng từ bỏ, kể cả khi nó được hứa hẹn một nơi như trên thiên đường. Nhiều người thích ở yên trong đống phân của họ. Bạn lôi họ ra ngoài một chút, và rồi họ lại quyết định bò vào trong. Con giun xem đống phân như là điều quan trọng nhất trong đời.
Sự buông bỏ có vẻ đẹp và sự an bình lớn, nhưng do hầu hết mọi người chưa hiểu về khổ, họ không nhận ra điều này. Nhiều người thích ngụp lặn trong dục lạc và cho đó là hạnh phúc. Tôi đã từng như vậy, đã làm vậy, và tôi biết thế nào là khổ. Mọi người cho rằng họ cần tự mình trải nghiệm, vậy là họ đưa tay vào lửa và tất nhiên, bị lửa đốt cháy. Rồi họ nhận ra Đức Phật đã đúng. Nhưng lúc này họ đã bị ràng buộc quá chặt vào thế gian.
Nhận thức sai lầm khiến chúng ta đi sai đường và tiến dần đến vực thẳm của khổ. Khi chúng ta nằm dưới đáy vực, vật vã với đống phân, lúc ấy chúng ta mới biết trân trọng những điều mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta thấy hối tiếc vì đã tiêu phí quá nhiều thời gian cho những ảo tưởng của mình. Nhưng đừng tuyệt vọng! Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp cận với Chánh Pháp. Hãy thức tỉnh, bước ra khỏi đống phân và thực hành theo lời Đức Phật. Đã đến lúc bạn nên thay đổi nhận thức của mình.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

2 thg 2, 2020

CHIA SẺ VỀ CON ĐƯỜNG TU TẬP CHÂN CHÁNH

Chân Tâm.
Trong quá trình tu tập Phật Pháp, tôi cần có một kim chỉ nam để xác định hướng đi cho mình. Và đó là những điều tôi được giảng dạy qua lời dạy của bậc minh sư của nhiều tông phái khác nhau. Tôi không chú trọng vào một tông phái nào của Phật giáo. Điều tôi chú trọng là mục đích học Phật của tôi là gì, và tôi cần phải làm gì để đi đến đó. Tôi cần sự thấu hiểu chân chánh về bản thân, về cuộc đời và về mọi thứ đang diễn ra xung quanh tôi. Tôi cần một cái nhìn thật sâu sắc và đúng đắn của Đức Phật. Do vậy, thầy nào dạy dỗ đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ quan tâm vào việc người thầy đó dạy điều gì, điều đó có phù hợp với Chân lý hay không? Lời dạy đó có ứng dụng vào cuộc sống được không? Và điều quan trọng là khi áp dụng nó có mang lại lợi ích, trí huệ và giải thoát cho tôi hay không?
Thông qua tìm hiểu về Phật Pháp và đúc kết từ nhiều bài giảng của các vị thầy, tôi rút ra cho mình một con đường tu tập. Tôi đã và đang đi trên con đường đó - con đường hoàn thiện bản thân mình - trong đó có tám chi phần quan trọng làm nền tảng, đó là Bát Chánh Đạo.
Tôi bắt đầu từ chi phần là Chánh Niệm. Bởi vì đây là chìa khóa tôi cần để mở ra cánh cửa của sự tỉnh thức. Đây cũng là chìa khóa quan trọng nhất để mở các cánh cửa còn lại. Nhớ tưởng đúng đắn, đó là điều cần làm cho bài tập đầu tiên của tôi. Tôi phải luôn tập trung và nhớ đến hơi thở của mình, nhớ đến việc tôi đang làm gì, nói gì, nghĩ gì trong phút giây hiện tại. Bởi chúng ta thường xuyên sinh hoạt theo thói quen và bản năng vốn có của mình, nên khi bắt đầu tu tập, chúng ta cần phải nhớ đến bài tập mà mình đang thực hành, phải nhắc nhở luôn nhớ về giây phút này, mọi hành động, suy nghĩ cần phải được quán sát. Đó là sống tỉnh thức.
Song song với bài tập chánh niệm, nhớ biết những việc mình làm, tôi bắt đầu các bài tâp về Thiền Định. Đây là cánh cửa thứ hai. Tại sao lại thiền định mà không đi ngay vào thiền quán (Vipassana). Thực ra thiền định và thiền quán đều không thể thiếu trong bài tập thiền của tôi. Tôi biết tâm mình như thế nào mà! Khi Chánh niệm của tôi chưa đủ tốt, các tư tưởng thường kéo tôi đi rất xa đối tượng thiền và đôi khi cả buổi thiền tôi chỉ mơ về chuyện ăn uống hay vui chơi trò chuyện hoặc tức giận một ai đó… Tôi cần phải kéo nó lại với đối tượng, đó là điều tôi cần làm khi mới bắt đầu thiền tập. Khi tôi kéo nó lại, tức tôi đang áp dụng Chánh niệm để biết mình đang làm gì, cần làm gì trong khi ngồi thiền, đó là sự tập trung của định tâm và quan sát đối tượng thiền chính là nội quán. Cả hai không thể tách rời mà bổ trợ cho nhau. Ban đầu, tôi sử dụng đối tượng thiền là niệm Phật, khi đã thuần thục và có chánh niệm nhiều hơn, tôi đổi sang theo dõi hơi thở và tiếp đến quan sát diễn biến thân tâm mình. Hãy nhớ một điều rằng, nếu bạn muốn thực hành quán sát thân tâm và mọi thứ được mạch lạc và thấu suốt, bạn cần phải có một định lực mạnh mẽ bỗ trợ cho sự quán chiếu này của bạn, bạn phải nhận biết mọi diễn biến từ trong ra ngoài một cách rõ ràng ngay lúc này. Nếu không bạn sẽ không thể quán chiếu được suông sẽ mà là bạn đang thả hồn theo tư tưởng của mình và chạy rong khắp nơi.
Khi định lực của tôi bắt đầu tạm ổn và có sự duy trì, khi ấy tôi cũng bắt đầu quán sát rõ hơn về tôi, về mọi thứ xung quanh, tôi không còn phán xét điều này điều nọ, giận hờn trách móc người này người kia, tôi nhìn nó thật sự rõ ràng như bản chất thật của nó vậy. Bởi tôi đã thấu hiểu. Tôi biết nó là gì. Cánh cửa thứ ba và thứ tư bắt đầu hé mở - cánh cửa Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Nhờ sự trau dồi thực tập Chánh Niệm và Chánh Định trong một thời gian dài mà trí huệ sinh khởi, từ khi ấy, mọi thứ tôi nhìn, tôi nghĩ đều đúng đắn và phù hợp với chân lý tự nhiên của sự sống, phù hợp với sự vận hành vũ trụ này. Mọi sự vật hiện tượng và bản thân tôi đều nằm trong sự tổng hòa của vạn vật, sự sinh diệt vô thường và quy luật nhân-duyên-quả cũng từ đó mà được thông suốt.
Tôi áp dụng trí huệ này vào cuộc sống của mình, kết quả mang lại thay đổi rõ rệt là sự phù hợp và thanh tịnh hơn cho thân, khẩu và ý. Ba cánh cửa tiếp theo được mở đó là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Tôi đã có chánh niệm để nhận biết rõ ràng hiên tại, không mơ hồ suy tưởng lung tung, tôi có định tâm và nội quán để thấu hiểu sự việc, tôi có tri kiến đúng đắn và suy nghĩ phù hợp với sự thật của cuộc đời. Tất cả những điều đó đã hướng cho thân, khẩu, ý của tôi nương vào và phát triển theo đường lối ấy. Điều đó xảy ra một cách tự nhiên, chứ không gượng ép hay tạo dựng. Nó giống như một cổ máy vận hành tự động, khi bạn mở công tắc, rồi bạn khởi động máy, và tất cả mọi mắc xích đều theo đó mà vận hành. Nó là điều tự nhiên thế thôi.
Nhưng khi tôi đã đạt được hầu hết các chi phần trong Bát Chánh Đạo, điều quan trọng mà tôi cần lưu ý là phải có Chánh Tinh Tấn. Không có gì duy trì mãi cho một thái độ lười biếng và buông lung. Tôi cần phải duy trì liên tục, sự liên tục sẽ tạo ra thói quen và dần dần nó trở thành phản xạ. Đến khi mọi sự tu tập đã thành phản xạ, đó là lúc tôi buông xả toàn bộ tiến trình học tập của mình để hòa quyện cùng tự nhiên vốn có (khi ấy bạn có thể gọi là chứng đắc quả vị Vô lậu học - sống trong thế gian nhưng đã giải thoát hoàn toàn khỏi thế gian). Thật ra tôi chưa đi đến đích, nhưng tôi thấy rõ đích đến của mình. Nó giống như khi bạn đi vào con đường hầm tối và đầu bên kia là cửa hầm tỏa ánh nắng chói chang vậy.
Thực tế tu tập cho thấy các chi phần của Bát Chánh Đạo đều là yếu tố bổ trợ cho nhau mà thành, và được gom lại thành 3 môn học cơ bản là Giới-Định-Tuệ. Con đường tu hành chân chánh cần phải đi xuyên qua ba cột mốc này. Hạnh Phúc, bình an và giải thoát nhiều hay ít nằm trong thái độ tu tập của từng người.
Để đi đến con đường giải thoát khỏi sự dính mắc vào mọi ràng buộc thân tâm với thế gian, tôi cần kiên trì không ngơi nghỉ. Tôi biết đó là sứ mệnh của mình. Sự tu tập này là tất cả những gì mà tôi lưu giữ và tôi biết rằng nó sẽ gắn kết tôi bước tiếp trong vô lượng kiếp lai sinh. Tận đáy lòng tôi biết ơn Đức Phật, biết ơn Pháp, biết ơn các vị chư Tăng đã truyền dạy cho chúng tôi những sự thật cao quý. Ba ngôi tam bảo đã cho tôi một con đường sáng, cho tôi động lực để tiếp tục cuộc đời với những điều ý nghĩa, mang đến những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT



Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...