31 thg 7, 2020

6. PHÁP LUẬN

Nội dung phần 6 này gồm: (click vào tựa bài để xem nội dung)

- Hạnh Phúc Đích Thực

- Hai Mặt Của Thực Tại

- Công Đức Của Việc Nghe Pháp

- Ý Nghĩa Của Những Biểu Tượng Trong Phật Giáo

- Buông Xả Là Hạnh Phúc

- Lòng Từ Bi Trong Cuộc Sống Hiện Đại

- Câu Chuyện "Năm Thầy Bói Mù Xem Voi"

- Buông Bỏ Là Gì?

- Trên Đường Về Nhà

- Bài Học Từ Thiên Nhiên

- Nghiệp Lực Tác Động Đến Cái Chết Của Con Người

- Mười Nghiệp Lành

- Đi Tu Là Đi Đâu?

- Ai Cũng Cần Có Khổ Đau

- Ai Làm Mình Khổ?

- Ánh Sáng Nội Tâm

- Hoa Và Rác

- 12 Nguyên Tắc Quan Trọng Để Sống Như Một Thiền Sư

- Bản Chất Thật Của Thân

- Ăn Để Sống, Chứ Không Phải Sống Để Ăn

- 12 Câu Tự Vấn Cuộc Đời

- 7 Điều Di Huấn Của Một Thiền Sư

- Bất Kỳ Bạn Ở Đâu, Giác Ngộ Ở Đó!

- An Cư, Nổ Lực Thực Tập Pháp Phật

- Đúng & Sai - Tà Kiến

- An Lạc Và Tự Tại Trong Đời Sống Thường Nhật

- Bạn Thích Kiểu Tự Do Nào Hơn?

- Bắt Đầu Từ Nơi Đâu?

- Thay Đổi Nhận Thức

- Thấu Hiểu Là Điều Quan Trọng

- Hiểu Đúng Về Đạo Phật

*** Ăn Mày Cửa Phật - Lê Sỹ Minh Tùng

    - Phần Mở Đầu

    - Phần 1. Hành Trình Giải Thoát

    - Phần 2. Bát Chánh Đạo

    - Phần 3. Nghiệp Quả Hay Số Mạng Con Người

    - Phần 3-1. Chiếc Nhẫn Rớt Vào Giữa Dòng Đời

    - Phần 4. Ngũ Uẩn

    - Phần 5. Ý Thức Và Vô Thức

    - Phần 6. "Linh Hồn", "Tái Sinh" Và Giải Thoát

*** Trở Về Cuội Nguồn 

    - Chương 1 - Tiêu Trừ Bản Ngã Để Đạt Đến Phúc Lạc Vô Tận

    - Chương 2 - Khi Im Lắng Cất Lời

    - Chương 3 - Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất

    - Chương 4 - Để Đây Là Lần Cuối

    - Tóm Lược

... Tiếp tục cập nhật...

20 thg 7, 2020

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC!

Truyện ngắn    

Chân Tâm.

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC!

Người đàn ông ngồi lặng im, đôi mắt nhoè đi vì nhìn chăm chăm mãi vào chiếc lá bồ đề trên tay. Anh ta ngồi rất lâu trong tư thế ngồi thiền. Một mình, trên chiếc ghế đá, dưới tán cây. Trời đã tối hẳn, vài ngôi sao lấp lánh trên đỉnh đầu. Bất giác, anh mỉm cười, nhẹ nhàng buông bỏ chiếc lá xuống, hít một hơi dài như trút đi gánh nặng. Có lẽ anh đã hiểu ra điều gì từ chiếc lá ấy, chiếc lá mang tên "giác ngộ".

Có một đứa bé sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm 3 tuổi, lần đầu tiên trong đời đứa bé ấy đã chứng kiến sự tan nát của một gia đình không hạnh phúc. Khi ấy cậu chỉ biết chui vào một góc và sợ hãi. Đó là dấu ấn mà cậu không bao giờ quên, nó in sâu trong tâm trí cậu mãi tận bây giờ. Từ lúc ấy, cha mẹ cậu mỗi người một nơi. Cậu đi theo mẹ. Cuộc sống vật vã với cơm áo gạo tiền đè nặng lên người mẹ gầy gò ốm yếu. Cậu bé thương mẹ lắm, thấy mẹ buồn, nhưng chẳng biết phải làm sao.

Hồi học lớp 4, mẹ có một số người bạn ghé thăm, mẹ vui lắm. Họ bày cho mẹ đi chỗ này chỗ kia, cậu bé biết mẹ buồn, nên muốn gặp ai đó để khuây khỏa, cậu cũng vui vì điều đó. Mỗi tối mẹ đi chơi, cậu ở nhà học bài và trông nhà đợi mẹ. Khi rãnh, thì chơi với mấy đứa cùng xóm, khi không ai chơi thì tự chơi một mình. Mẹ về có lúc thì 8h, nhưng có lúc đến tận giữa đêm. Đứa bé buồn ngủ nhưng không dám ngủ vì sợ ma, và mong ngóng mẹ. Hồi ấy, ba tháng nghĩ hè, mẹ gửi cậu về ngoại cho dì chăm, và cậu bé chỉ được gặp mẹ vỏn vẹn có 3 lần trong suốt kỳ nghỉ. Cậu nhớ mẹ lắm!

Thời gian cứ trôi, tuổi thơ cậu bé cứ lững lờ như chiếc lá trên dòng nước. Năm học lớp 9, đứa bé được cha đón về bên nội ở để tiện bề chăm nom, nhưng cha thì lại ở bên nhà vợ mới. Từ lúc về ở nhà nhà nội, cậu đã có cảm giác một nơi mà đối với cậu là địa ngục. Cha cậu thường nạt nộ và đánh đập, các bà cô thì hùa lại chửi bới đuổi xua. Cậu bị mắc chứng bệnh trầm cảm vì sợ hãi lo lắng bởi sự tàn bạo của cha mình và sự khinh ghét của những người bên nội. Khi học xong lớp 11, cậu có ý định bỏ đi, thoát khỏi căn nhà ám ảnh đó. Cậu bắt đầu một cuộc sống đầu đường xó chợ. Cậu sống nhờ những người bạn, có được chén cơm ăn, nằm dưới mái hiên để ngủ. Nhưng cậu bé cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc lạ thường, bởi cậu đã giải thoát khỏi nơi địa ngục ấy. Rồi cậu bé gia nhập vào nhóm xã hội đen, tham gia vào những vụ án phi pháp, và đương nhiên, cái kết là sa vào tù tội. Lúc người cha hay tin cậu bị công an bắt, ông đã vội vã chạy đến nơi, thì cậu đã bị tống giam vào ngục. Không thể thăm hỏi, không được phép tiếp xúc hay nói lời nào với cậu. Ông lo lắng, tìm đủ mọi cách để vận động nhà trường cùng chính quyền địa phương tìm cách để cứu lấy con trai của mình.

Ngày ra tù, cậu bé đã tự hứa với lòng rằng sẽ làm lại cuộc đời. Cậu bé bây giờ đã là anh thanh niên rồi. Anh quyết tâm tiếp tục việc học để bù đắp lỗi lầm và công ơn cha mẹ. Anh đỗ tú tài, sau đó học tiếp đại học ngành xây dựng. Tuy nhiên, không phải lựa chọn nào cũng phù hợp với mình. Anh không thể theo đuổi sự nghiệp của người kỹ sư xây dựng, bởi không đủ sức khoẻ. Anh lại long đong khắp nơi tìm công việc phù hợp cho mình. Một hôm, cha anh hẹn ra gặp mặt và nói với anh rằng: “Hãy cố gắng trở nên có ích. Con phải trở thành một Kiến trúc sư hoặc chí ít cũng phải tốt nghiệp đại học Kiến Trúc thì cha chết mới có thể an lòng”. Anh thương cha, không để cha phải bận tâm về anh nữa. Anh bắt đầu tiếp tục bương chãi, học tập điên cuồng, tìm cách lấy cho được bằng đại học Kiến Trúc. Và rồi, ngày ấy thực sự đã đến, anh đã làm được điều mà anh tưởng chừng không thể. Anh bước vào trong buổi lễ tốt nghiệp với niềm hãnh diện và kiêu ngạo của mình. Nghĩ rằng mọi thứ anh muốn, anh đều có thể làm được. Anh bắt đầu công việc kiếm tiền rất thuận lợi, và lần đầu tiên trong 5 năm, anh có thể tiết kiệm một số tiền lớn để mua nhà và ăn chơi thoả thích. Vì kiếm tiền quá dễ, anh sa vào những thú vui thâu đêm và những cuộc tình chóng vánh… Nhưng ở đời đâu có gì là vui mãi. Mọi thứ chỉ là một giấc mộng. Anh trượt dài trong trong vũng bùn tội lỗi và bắt đầu mất dần mọi thứ. Sự nghiệp lao dốc, tài sản bốc hơi, những người bên cạnh anh lần lượt rời bỏ, thậm chí con bé mà anh yêu quý nhất cũng không còn trên cõi trần này nữa. Cuộc đời dạy cho anh rất nhiều thứ. Đó là những vui thú ngắn ngũi, những cái được và cái mất, những đau thương và tủi nhục. Anh đã trải qua thăng trầm của kiếp người, cho đến lúc anh chán chường và ngã quỵ. Anh bất cần tất cả và bỏ mặc nó tự trôi.

Thời gian thấm thoát đi qua, giờ anh đã ngoài bốn mươi, trở thành một người đàn ông với hai bàn tay trắng. Đồng lương ít ỏi của anh chỉ đủ nuôi thân và phụ cho người mẹ già. Bệnh tim của anh lại làm gánh nặng thêm cho gia đình. Người đàn ông đánh mất chính mình trong những giây phút sai lầm của tuổi trẻ. Giờ đây, anh chợt nhận ra mình đã hoang phí quá nhiều cho những thứ rác rưởi ở thế gian này. Anh đau khổ và tuyệt vọng, anh nuốt vội nước mắt trong sự tiếc nuối muộn màng, bởi mọi thứ không còn trở lại như xưa được nữa.

Một ngày kia, anh tình cờ đọc một quyển sách của vị thiền sư người Anh. Trong sự chán đời vô vị ấy, anh cứ đọc, cứ đọc, và rồi anh chợt như vỡ òa vì vui sướng. Cảm tưởng như có một bàn tay nhẹ nhàng nâng anh dậy sau một giấc ngủ dài mộng mị của cuộc đời. Người thầy tôn kính. Người đã cho anh cơ hội sống lại với chính mình. Từng câu chữ như xâu chuỗi lại quãng đời vô nghĩa của anh và khiến anh nhìn thấu rõ vào chân lý - một mặt khác rất nhiệm màu của sự sống. Anh bắt đầu thực hành theo cuốn sách. Nó đã trở thành tài sản quý giá nhất mà anh có được lúc cuối đời của mình. Hằng ngày anh luôn dành thời gian còn lại sau giờ làm việc để ngồi thiền, tập tĩnh lặng. Đã được gần 4 năm rồi, anh luôn cần mẫn như thế. Tâm anh dần trở nên sáng suốt và hiểu biết hơn trước. Anh không còn tự dằn vặt mình và người khác, anh tha thứ tất cả, anh buông xả để có được bình an và hạnh phúc đích thực trong tâm hồn. Anh biết mình đang trở nên có ích, và trở nên sống tốt hơn với bản thân và người khác. Anh cũng biết định tâm rất quan trọng, bởi nếu anh chỉ cần lơ là một chút, anh sẽ tự làm khổ mình. Rồi anh nguyện với lòng nếu anh không còn mẹ nữa, anh sẽ đi tu.

Ai đã từng tu tập thực sự, hẳn sẽ biết rằng thử thách cuộc đời là điều không tránh khỏi. Anh cũng vậy, anh cũng đang gặp một thử thách lớn tiếp theo. Đó là câu chuyện tình cờ, anh gặp một cô gái xinh đẹp trên mạng. Anh nghĩ rằng mình có thể tự tin làm một người bạn bình thường với cô ấy, không có gì phải bận tâm nhiều. Tuy nhiên… có một sức hút kỳ lạ. Một cô gái đến với anh như trong câu truyện cổ tích. Viễn cảnh một cuộc hôn nhân mĩ mãn và hạnh phúc nhất trần đời. Anh chống cự, nhưng bản năng trỗi dậy và suýt nữa anh không thể làm chủ được mình. “Tôi phải làm sao đây! Tôi không thể tập trung ngồi thiền được, hình ảnh em đã chiếm khắp tâm trí tôi”. Anh gào lên trong không gian tĩnh mịch.

Nhớ lời thầy dạy. “Hạnh phúc đích thực có được khi tâm luôn bình an và tĩnh lặng”. Anh quyết sẽ không chịu thua, không để ham muốn ấy lôi anh xuống địa ngục thêm một lần nào nữa. Bởi anh biết rằng nếu bước thêm bước nữa thì khổ đau chờ đợi anh phía trước. Anh sẽ cố hết sức có thể…

Đêm đã khuya dần, anh vẫn ngồi đó, trên chiếc ghế đá, hồi tưởng lại những năm tháng đã qua của mình. Anh đang nhìn lại cuộc đời, và mãn nguyện vì giờ đây anh được giải thoát khỏi khổ, khỏi sự giam cầm của quá khứ và ảo tưởng tới tương lai. Anh ở ngay đây, ngay giây phút này, nhìn những chiếc lá vàng rơi, nhìn chung quanh bằng đôi mắt nhân từ và thấu hiểu. Anh hiểu được tất cả đều vô thường, mọi thứ đều có nguyên nhân, điều kiện và kết quả, như cuộc đời của anh vậy. Anh biết mình thật may mắn, trải qua bao khó khăn, bên anh còn có người vợ luôn tận tụy vì chồng, chăm lo cho anh từng miếng ăn giấc ngủ. Anh sẽ tận hưởng thời gian còn lại của mình trong niềm vui an bình và hạnh phúc đích thực. Mọi thứ vẫn cứ lặng trôi, hãy luôn mĩm cười và đón nhận tất cả. Đời là những nốt thăng, nốt trầm, như một bản nhạc tình ca du dương trong vũ điệu cuộc sống.

 

18 thg 7, 2020

HOA VÀ RÁC

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trong rác sẵn có hoa

Trong hoa sẵn có rác

Hoa và rác không hai

Mê và giác tương tức.

Hình ảnh hoa và rác được dùng để ví dụ cho giác ngộ và mê mờ. Thường thường chúng ta nghĩ rằng giác ngộ không dính gì đến mê mờ và có khuynh hướng tách riêng giác ngộ ra khỏi mê mờ. Nhưng giác là gì? Giác khởi từ mê mà có. Nếu không có mê thì không có giác. Cũng như hai đầu phải và trái của một cây bút. Hễ có phải thì phải có trái và ngược lại. Phải và trái tương tức. Phải và trái có tính chất y tha. Cái này do cái kia mà thành, cái kia do cái này mà thành. Phải thấy cho được điều đó. Cho nên nói rằng tôi muốn chấm dứt luân hồi, tôi chỉ chấp nhận giải thoát mà thôi là chưa thấy được tự tánh tự y tha. Các tổ nhiều lần đã nói rằng: "Tịnh độ nằm ngay ở trong tâm". Tâm thanh tịnh thì cõi này tự nhiên thành tịnh độ.

Vô tác

Bỏ cái này để chạy theo cái khác là trái chống với hết thảy các giáo lý căn bản của Đạo Bụt. Lấy ví dụ về giáo lý vô tác (apranihita, aimless-ness). Vô tác là không chạy theo một cái gì. Khi chạy theo một cái tức là muốn bỏ một cái. Ví như mình muốn thành Phật chẳng hạn. "Tôi không muốn làm phàm phu nữa, tôi chỉ muốn làm Phật". Đó là một đòi hỏi chính đáng của người tu. Nhưng quan niệm đó chứng tỏ là mình chưa tu. Tại vì Đạo Bụt dạy rằng mình phải thực tập vô tác.

Nếu muốn bỏ một cái để đi tìm một cái khác thì không thể tìm thấy cái khác đó được. Cái khác này Bụt dạy phải tìm ở trong cái kia. Niết bàn phải tìm trong luân hồi. Nước phải tìm trong sóng.

Phiền não tức Bồ đề.

Có một câu nói khá phổ thông, nhưng ít người hiểu được: "Phiền não tức Bồ đề". Phiền não là những tâm trạng khổ đau, là những tâm sở bất thiện. Muốn tìm Bồ đề thì phải nắm lấy những phiền não ấy mà chuyển hóa, nếu không thì không thể nào có Bồ đề. Đó là giáo lý tương tức. Giác với mê là một.

Khi sắp chết khát mà chỉ có một ly nước trong đó có bùn. Nếu đổ ly nước đi thì lấy đâu nước để uống? Phải tìm cách lọc ly nước bùn cho trong để uống vậy. Cho nên tất cả những phiền não, tất cả những gì có mặt hôm nay trong thế giới, trong thân tâm của chúng ta, chúng ta phải chấp nhận hết để chuyển hóa. Đừng trốn chạy để đi tìm một cái khác, để đi tìm một cõi tịnh độ, một cõi thiên đường ở một nơi nào xa xôi. Như vậy mới đúng theo con đường Bụt dạy. Địa, thủy, hỏa, phong, không gian, thời gian, phương hướng tất cả đều nằm ở trong Thức. Chúng ta nghĩ rằng cõi Tịnh Độ nằm ở phương Tây và đi tìm một cõi ở phương Tây mà không biết rằng phương Tây cũng nằm ở phương Đông. Phương Tây và phương Đông tương tức.

Không thể nào thoát khỏi cái mà mình đang ghét được, chỉ có thể chuyển cái ghét thành ra cái thương mà thôi. Cũng như khi làm vườn mà biết chuyển rác thành hoa. Những phiền não, những hoàn cảnh đau thương mình phải chấp nhận, phải nắm lấy mà chuyển hóa thành an lạc, hạnh phúc, giải thoát. Giác và mê tương tức. Giác nằm trong mê. Bồ đề nằm trong phiền não.

Nhận thức được điều này chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa Đạo Bụt với một số lớn các tôn giáo khác. Bụt đã dạy chúng ta phải chấp nhận cái bây giờ và ở đây, dầu cho cái bây giờ và ở đây chứa đựng khổ đau, phiền não. Nếu không chấp nhận thì chúng ta đánh mất cái mà chúng ta đang tìm, vì cái giác được làm bằng cái mê, hạnh phúc được làm bằng khổ đau, chân như được làm bằng luân hồi.

Chấp nhận bây giờ và ở đây là điều kiện tiên quyết của sự thực tập. Chấp nhận được rồi thì tuy chưa thực tập mà đã bắt đầu có an lạc. Bài kệ 42 này đã đem ý niệm tương tức áp dụng vào sự tu học. Nhiều người tu Tịnh Độ 20, 30 năm mà vẫn không đạt đạo, cứ nghĩ rằng tịnh độ là một cõi hoàn toàn khác biệt, xa cách không có dính líu tới cõi này. Sống trong cõi Ta-bà này có nhiều khổ đau, nhiều bất như ý rồi sinh tâm chán ghét và chỉ mong cầu tới cõi kia, cái cõi ở một không gian khác. Xét cho cùng thì quan niệm đó không phù hợp với giáo lý căn bản của Đạo Bụt.

Trong trại học tập cải tạo, tất cả mọi người đều bị bó buộc phải tuân theo những người lính gác, những ông cán bộ. Nếu cứ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có được khi nào rời khỏi trại thì những giờ phút ở trong trại sẽ vô cùng đau khổ. Trái lại nếu nghĩ rằng "Bây giờ ta đang ở trong trại học tập cải tạo, không có cơ hội thoát. Vậy ta phải chấp nhận trại này và làm cho trại này thành ra một chỗ dễ chịu nhất mà ta có thể làm được" thì ta bắt đầu có an lạc, có hạnh phúc. Người đó có thể thực tập hơi thở, thực tập bước chân chánh niệm và có thể có sức khỏe và an lạc mà người khác không thể có. Đã có người cho biết rằng họ đã thực tập thiền quán trong trại tù nhưng những người gác tù cho đó là một hình thức thách đố. Và những người ấy phải đợi đến lúc ban đêm, sau khi tắt đèn để ngồi thiền. Ngồi trong tư thế kiết già trong tù, tự nhiên cái thế giới khổ đau biến thành thế giới an lạc. Hoặc là mặc dầu không ngồi trong tư thế kiết già đi nữa mà chỉ nằm xuống trong tư thế thoải mái, để cho thân tâm buông thư  là đỡ khổ hơn những người khác lắm rồi.

Chấp nhận "bây giờ và ở đây" không có nghĩa là bó tay chịu chết. Chấp nhận bây giờ và ở đây là để mình có một cái thấy sâu sắc, để có khả năng chuyển hóa được tới chừng nào hay chừng đó cái hoàn cảnh đang sống. Đó là đích thực tu học. Còn nếu cứ nghĩ rằng sau này ra khỏi trại cải tạo về nhà mình sẽ không màng chi danh lợi, mình sẽ lập một cái chùa, một cái am để tu thì điều đó không bao giờ tới cả. Tóm lại, điều chúng ta học được trước tiên là phải chấp nhận bây giờ và ở đây, phải thực tập ngay trong giờ phút hiện tại và ở đây để chuyển hóa.


15 thg 7, 2020

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN (Tóm lược)

TÓM LƯỢC

Trở Về Cội Nguồn là nội dung thực hành tu tập đầy đủ ý nghĩa cho những ai muốn đi trên con đường giác ngộ và giải thoát. Cuốn sách là kim chỉ nam rất cần thiết cho bản thân tôi cũng như người Phật tử tu tập chân chính, muốn hiểu đến tận cùng về bản chất chân thật của chính mình  và vạn vật; hiểu về sự vận động của những quy luật tự nhiên trong thế gian; tiếp xúc với một chiều không gian an bình, tĩnh lặng. Từ đó an định các hành để giải thoát khỏi thế giới khổ đau này, không còn vướn vào luân hồi sanh tử.

Mục đích thực sự của việc tu tập Phật pháp là xả bỏ mọi thứ, chứ không để có thêm nhiều thứ, chẳng hạn thêm nhiều thành tựu để thể hiện với người khác. Khi ta xả bỏ thứ gì đó, phải thực tâm xả bỏ và nó biến mất. Mọi thiền giả tu tập chân chính đều là những người mất mác, họ mất sự dính mắc. Các bậc giác ngộ mất mọi thứ, họ đích thực là những kẻ mất mác lớn, bởi họ buông xả tất cả, để được giác ngộ và tự do (1).

Khi đã quyết tâm tu tập, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Phật pháp (2), có chánh kiến, hiểu được điều gì là chân lý của cuộc đời, từ đó tìm ra lời giải cho những câu hỏi lớn của bạn:

- Ta là ai?

- Tại sao ta có mặt ở đây và ý nghĩa của cuộc sống này là gì?

- Mục đích tối hậu là gì?

- Giác ngộ và giải thoát là gì, và tại sao ta cần phải giác ngộ để giải thoát?

- Nếu không có tu tập thì cuộc sống ta sẽ như thế nào?

1. Thấy được bức tranh toàn cảnh:

Để có được lời giải cho những câu hỏi trên, đầu tiên, chúng ta phải biết được nguồn gốc về sự hiện hữu của mọi thứ trong thế gian. Điều gì đang tồn tại ở đây? Điều gì khiến chúng ta rơi vào đau khổ và thất vọng? Điều gì đã trói buộc chúng ta chìm đắm mãi trong thế giới này? Điều gì sẽ giải thoát chúng ta khỏi mớ hỗn độn đó? Hãy bắt đầu bằng những quy luật cơ bản đang chi phối toàn bộ thế gian - nơi khởi nguồn cho sự sống, tồn tại và kết thúc. 


Hình mình họa 1

Vô thường là quy luật được xem xét đầu tiên, nó mang những yếu tố tự nhiên về sự Thành-Trụ-Hoại-Diệt. Trong thế giới vật chất (3), mọi thứ đều do duyên sanh mà Thành, từ đó phát triển là Trụ, sau khi phát triển đến cực thịnh sẽ đi đến thời kỳ hủy Hoại và sau cùng là Diệt vong. Đó cũng là biểu hiện cho sự sinh - tử; được - mất; hạnh phúc - khổ đau v.v... của con người và vạn vật.

Khi suy xét quá trình vận động của Vô thường như vậy, chúng ta thấy được rằng, dầu chúng ta luôn mong muốn cuộc sống của mình diễn ra êm đẹp, nhưng mọi thứ chẳng như mong đợi. Bởi cái “không mong đợi” ấy chính là điều tự nhiên trong cuộc sống này, nó sinh và diệt, đến rồi đi mà không có một năng lực ý chí nào có thể thay đổi được. Do vậy, Khổ ải lớn nhất của nhân loại cũng bắt đầu hình thành cùng với quy luật tự nhiên của Vô thường.

2. Thấu hiểu nổi khổ:

Mỗi khi bạn rơi vào đau buồn, bực tức hay gặp khó khăn vướn mắc, hãy luôn nhớ đến ý nghĩa sâu xa của Khổ: Bạn đòi hỏi cuộc đời này một thứ mà nó không thể cho bạn. Chúng ta đòi hỏi mọi chuyện hoàn hảo, mọi sắp đặt hoàn hảo, vào đúng lúc, đúng chỗ. Tất nhiên đó là đòi hỏi một thứ không thể được. Đó không phải là sự vận hành của thế gian này. Nếu bạn đòi hỏi một thứ không thể được, thì bạn nên hiểu rằng mình đang đòi hỏi sự Khổ!

Hãy trải nghiệm điều này với tất cả những kinh nghiệm mà chúng ta đã và đang có được, suy ngẫm và soi xét chúng thật cẩn thận. Bạn sẽ có được những mãnh ghép về cuộc đời. Nếu bạn chưa từng va vấp hay chưa từng rơi vào tuyệt vọng, đó chỉ là vấn đề thời gian. Rồi bạn cũng bước tới và trải nghiệm, không chỉ ở hiện tại mà tiếp đến vô lượng kiếp nữa. Đến khi có đủ những mảnh ghép, chúng ta sẽ thấy được một Bức tranh toàn cảnh về cuộc đời và thấu hiểu được bản chất thực sự của nó.

Sự suy ngẫm về Khổ là một phần quan trọng trong quá trình tu tập Phật pháp. Chúng ta không nên kiểm soát khổ, hay trốn chạy hoặc thay đổi, mà hiểu nó bằng cách xem xét nguyên nhân nó hiện hữu. Khi không cưỡng lại cuộc đời, hiểu một cách trọn vẹn, chúng ta có một phản ứng tự nhiên, là nibbida - sự chán ghét và buông bỏ. Điều đó mang đến động lực tu tập, có quyết tâm tinh tấn và những gì cần làm trở nên rõ ràng hơn.

3. Buông bỏ sự dính mắc:

Mỗi khi suy ngẫm về cuộc sống, bạn đi đến chỗ nhận ra nó hoàn toàn không kiểm soát được. Và bất cứ thứ gì không thể kiểm soát được thì không phải việc của bạn.

Có một thực tế là chúng ta luôn bị dính mắc vào mọi thứ. Chẳng hạn, khi mắt nhìn thấy điều gì mà bạn yêu thích hay ghét bỏ, bạn sẽ bị dính vào đó. Bạn mang nó vào trong đầu và mặc nhiên suy tư, tưởng tượng và phán xét, dùng tất cả mọi khái niệm mà bạn có được để thỏa mãn thêu dệt về nó theo bản ngã của mình. Dòng suy tư và vọng tưởng này liên tục tuông trào ra trong đầu không ngừng và sẽ còn tuông mãi khi bạn tiếp tục thấy một thứ khác, nghe một âm thanh khác và cảm nhận... Đó là lậu hoặc - thức ăn của bản ngã - đang vận động và chi phối toàn bộ cơ thể và sự chú tâm của bạn.

Tất cả những khổ đau trong cuộc sống đều phát sinh từ cảm nhận “cái Tôi” rất sai lầm như thế. Sự dính mắc vào mọi thứ đã chiếm hữu lấy bạn và bạn không còn nhận ra bản chất thật của mình. Bạn cố tạo ra cho mình một cá tính, một nhân cách khác biệt, bám víu vào cái bản ngã nhỏ bé giả tạo để cuối cùng tự làm khổ mình và người khác.

Đó là sự chấp thủ.  Là người hành thiền, tôi thấy rất rõ chúng tạo ra thế giới riêng cho mình như thế. Nhưng khi bạn buông bỏ dính mắc, “xa lìa” mọi thứ, ở đó không phải việc của bạn, và bạn không lưu tâm đến nó nữa, nó biến mất khỏi tâm trí. Thực tế là bạn phá bỏ thế giới quan của mình - những chấp thủ mà chính bạn tạo nên. Bạn rời xa những thứ khiến mình mệt mõi, câu thúc và giới hạn.

Để có một kết quả tu tập tốt đẹp, bạn cần thấu hiểu nổi khổ một cách trọn vẹn, đó là điểu cốt lõi. Khi có một nhận thức rõ ràng mình chỉ là sự trống rỗng, bạn từ bỏ mọi thứ ở thế gian, bước vào cuộc hành trình trên con đường dẫn đến tịch diệt và giải thoát. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn thực sự buông xả.

Hình minh họa 2

4. Dịch chuyển về phía trống rỗng:

Khi suy ngẫm về tuổi già, bệnh và chết hoặc những va vấp, khó khăn trong cuộc sống, những khủng hoảng thực sự, chúng ta đi đến chổ nó hoàn toàn không thể kiểm soát được. Bạn thấy rõ vận động của Vô thường, mọi thứ hủy hoại, sụp đổ và biến mất. Một khi hiểu rằng mọi thứ đẹp đẽ mà mình yêu thích đều phải trả giá về sau, bạn sẽ đạt được nibbida - sự chán ghét và buông bỏ - đối với toàn bộ trải nghiệm mà giác quan mang lại: với cơ thể, với ham muốn và dục lạc, với mọi thứ ở thế gian. Khi đã hiểu chúng thấu đáo, bạn chẳng còn bao giờ theo đuổi những thứ ấy nữa.

Vì vậy, khi thấu hiểu nổi khổ ấy rõ ràng, bạn thấy thế gian như một đống rác. Do vì là rác nên bạn xa lìa. Bạn buông xả và chấp thủ tiêu tan. Đây là quá trình tự nhiên của Tâm khi nó thấy Khổ. Bạn hiểu càng sâu, chúng càng tan đi. Cuối cùng chúng không còn là một phần trong tâm trí của bạn. Rồi bạn nhìn toàn bộ thế giới bên ngoài tan đi, suy nghĩ biến mất, cơ thể biến mất, chỉ còn sự tĩnh lặng. Bạn hiểu thiền định là vậy. Mọi thứ bốc hơi, nó là sự dịch chuyển về phía trống rỗng.

Đây là điều bạn nên làm, chỉ có con đường nibbida dẫn đến hạnh phúc đích thực. Nơi mà sự tĩnh lặng và an bình xãy ra khi mọi thứ biến mất. Bạn di chuyển theo một hướng khác: đi vào trong Tâm thay vì hướng ra ngoài thế giới.

5. Tĩnh lặng:

Khi tu tập, bạn bắt đầu thấy việc cố gắn kiểm soát mọi thứ là vô vọng. Bạn nhận ra không có được sự hài lòng nào bằng con đường kiểm soát mọi thứ theo ý muốn. Và bạn hiểu cố gắn kiểm soát cuộc đời là nguyên nhân của Khổ. Bạn buông xả kiểm soát, bản ngã tan đi, cảm giác về "cái Tôi" biến mất, mọi thứ trở nên tĩnh lặng, và bạn tan biến. Cuối cùng là an lạc. Bạn hiểu thế nào là Vô ngã.

Nếu như thật sự hiểu Vô ngã, bạn sẽ nhận ra nó là quy luật tự nhiên của thế giới vật chất. Chẳng hạn khi bạn tạo ra một nhân tốt, ý nghĩ tốt, bạn sẽ có hành động tốt và lời nói tốt, điều đó dẫn đến kết quả tốt đẹp, hoặc ngược lại. Nó cũng được gọi là quá trình nhân quả. Và điều đó cũng thể hiện qua việc bạn áp dụng quy luật Vô ngã vào tu tập, buông bỏ bản ngã và khổ đau biến mất, bạn có được tĩnh lặng, hạnh phúc và tự do.

Thật đẹp biết bao khi chạm tới sự an bình đích thực của Tâm trong khi toàn bộ thế giới bên ngoài biến mất, còn bạn thì tĩnh lặng. Tâm trở nên bất động, không kết nối với cơ thể, với ham muốn cũng như quá khứ và tương lai. Nó bất động về thời gian và không gian, sự tĩnh lặng ấy để cho mọi thứ tan dần và biến mất.

Khi nó tan đi, sự đắm chìm bên ngoài thế gian của bạn sẽ bị phá vỡ, bạn bắt đầu đi vào thế giới bên trong - thế giới của sự tĩnh lặng. Bạn đi theo hướng ngược lại, không phải bên ngoài, mà là vào trong Tâm. Cuối cùng, bạn cũng xả bỏ cả tâm trí, trải nghiệm sự tịch diệt hoàn hoàn, chạm đến niết bàn, lúc ấy bạn trở thành một A-la-hán.

Cánh cửa của sự bất diệt đang chờ đón bạn. Đó là điều tuyệt diệu biết bao!


Sơ đồ trải nghiệm Vô ngã

(1) tự do: tức thoát khỏi sự giam cầm, lệ thuộc vào mọi thứ ở thế gian. Khi chúng ta dính mắc vào điều gì, thì chúng ta tự tạo ra sự ràng buộc và bị chi phối bởi thứ đó. Mọi người đều có khái niệm cho rằng, chỉ khi bị tống giam vào ngục, hay bị một thế lực khác ép buộc họ phải làm theo điều mà họ không muốn, thì họ mới gọi là mất tự do. Đó chỉ là một khái niêm hạn hẹp thiển cận. Trên thực tế, khi bạn dính vào mọi thứ (cơ thể, vật chất, địa vị, tiền tài, tình cảm, ham muốn và dục lạc, quá khứ và tương lai...), thì bạn đã là nô lệ của chúng, bạn bị chúng giam hãm và chi phối cuộc đời bạn. Chỉ đến khi bạn thực sự buông bỏ và chúng không còn là một phần trong tâm trí của bạn nữa. Đó chính là tự do, là giải thoát.

(2) kiến thức cơ bản về Phật pháp: đây cũng là những kiến thức quan trọng mà chúng ta cần trang bị, điều này sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa nội dung của cuốn sách. Bạn có thể xem tại mục Phật Học trong Blog Giác Ngộ.

(3) thế giới vật chất: một tên gọi khác của thế gian mà tôi muốn các bạn làm quen với nó. Thế giới vật chất là một khái niệm bao hàm cho tất cả các thế giới được hình thành từ vật chất hữu vi trong vũ trụ, như trái đất mà chúng ta đang sống. Chúng được cấu tạo từ các nguyên tử, phân tử, tế bào rất nhỏ mắt thường không nhìn thấy được, cho đến các hình thái đa dạng mà chúng ta có thể nhìn thấy trong tự nhiên. Mọi thứ là sự liên kết, gắn liền với nhau, không có vật chất nào là chủ thể, chúng nương nhau mà thành và cũng theo nhau mà diệt. Thế giới vật chất này luôn bị chi phối hoàn toàn bởi quy luật tự nhiên Vô thường và Vô ngã. Đó cũng là nguồn gốc Khổ đau của loài người. Thế giới vật chất rất nhỏ bé và mong manh, so với thế giới của sự tĩnh lặng thì nó chỉ là hạt bụi - khi bạn có cái nhìn toàn cảnh qua lăng kính của vũ trụ này.

14 thg 7, 2020

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN - Chương 4

Ajahn Brahm 

Chương 4

ĐỂ ĐÂY LÀ LẦN CUỐI


Bài 14.  BẠN NHƯ MỘT CON BÒ ĐANG BỊ DẪN ĐẾN LÒ MỔ

Tuổi già, bệnh tật và cái chết đang đợi sẵn chúng ta. Khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh, suy ngẫm này càng quan trọng hơn, bởi lẽ hầu hết mọi người thấy khó mà hình dung về thực tế ấy. Sự thật là tuổi năm mươi bắt đầu suy sụp, sang tuổi sáu mươi thực sự xuống dốc. Đến tuổi bảy mươi, bạn đang ngồi trong phòng chờ đợi ngày ra đi.

Đời người quả thực trôi rất nhanh, chẳng bao lâu thức dậy và bạn đã thấy mình ngoài bảy mươi. Suy ngẫm như vậy cho ta thấy cái nhìn toàn cảnh và tránh hành xử như kẻ say rượu, lãng phí thời gian, và giờ đây ta đã già.

Một trong những câu chuyện ưa thích của tôi trong các bản văn Pali không thuộc kinh tạng là câu chuyện trong Biên niên sử Mahavamsa về người em của vua A-dục (Asoka). Giống như hầu hết những người ham thích dục lạc, người em của đức vua thèm khát quyền lực và theo đuổi ham muốn ấy dù cho trả giá bất cứ thứ gì. Người em luôn hy vọng có một ngày lật đổ người anh để trở thành vua. Nhưng đức vua vốn là một Phật tử nhân từ, thấy em không hiểu và không quan tâm đến Phật pháp, nên quyết định dạy cho em mình một bài học. Có một ngày, khi đi tắm, ngài đã để tất cả y phục hoàng đế của mình bên ngoài nhà tắm. Ngài sắp xếp một cận thần đưa người em đi ngang qua chỗ đặt y phục. Khi họ đi ngang qua nhà tắm, người cận thần nói với người em của A-dục: “Nhìn xem, đó là y phục của nhà vua - hẳn ngài đang tắm. Sẽ có ngày ông trở thành vua, sao ông không mặc thử xem?” Em của vua A-dục đáp: “Ta không thể; thế là phạm luật và sẽ chịu tội tử hình”. Người cận thần thôi thúc: “Không, không sao đâu, ông có thể thử; sẽ không ai biết”. Người em làm theo, và ngay lập tức A-dục ra khỏi phòng tắm và nói: “Ngươi đang làm gì vậy? Đó là tội tử hình! Dù ngươi là em ta, ta vẫn phải áp dụng luật pháp một cách công bằng. Ta xin lỗi, em trai, nhưng ngươi sẽ bị xử tử”.

A-dục tiếp: “Tuy nhiên vì ngươi là em ta, ta ban cho ngươi một ân huệ. Ngươi có thể được làm vua trong bảy ngày được thụ hưởng mọi thú vui của một vị vua. Nhưng ngươi không thể thay đổi bản án và sau bảy ngày ta sẽ xử tử ngươi”.

Và thời hạn bảy ngày đã đến, nhà vua đem người em ra pháp trường, đao phủ chờ sẵn. A-dục hỏi người em: “Ngươi có vui không trong bảy ngày vừa qua?” Người em đáp: “Tôi vui sao được khi biết trong vài ngày nữa mình sẽ chết! Thậm chí tôi còn không thể ngủ được”. Trước khi trả tự do cho người em, vua A-dục giảng giải bài học: “Dù là bảy ngày, bảy tháng, bảy năm hay bảy mươi năm, sao ngươi có thể thiếu suy nghĩ mà đắm chìm trong dục lạc khi biết rằng cái chết đang đợi chờ mình?”

Đây là một bài học có tác động lớn với tất cả chúng ta. Như kinh nói, bạn giống như một con bò đang bị đưa tới lò mổ, bước dần tới cái chết của chính mình mà không cách gì thay đổi được. Những suy nghĩ như vậy sẽ làm bạn thức tỉnh.

-----o0o-----


Bài 15.  SUY NGẪM VỀ TUỔI GIÀ, BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT

Một trong những cách khiến bạn mở mắt trước Phật pháp là thấy được bức tranh toàn cảnh, hiểu cuộc đời thực sự là gì. Nếu thực sự hiểu trọn vẹn điều ấy một cách nghiêm túc, nó sẽ đưa bạn tới buông xả. Đã có nhiều hoàn cảnh, cái chết, với tôi đó là một khả năng hoàn toàn xảy ra; nó là lời nhắc nhở quan trọng về những điều không chắc chắn trong cuộc sống này.

Ngay cả khi bạn sống ở một nơi không chiến tranh và bạo lực, hãy nhớ, bản chất của cơ thể là bệnh tật có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể ngay lúc này bạn đang mang một căn bệnh mà chưa phát hiện ra hoặc dịch bệnh đang bủa vây lấy bạn. Bạn thực sự đã sẵn sàng đối diện điều đó chưa? Nếu lúc này bạn chưa thì hãy nên suy ngẫm, bởi đây là thực tế về sự tồn tại của bạn.

Sự suy ngẫm cho bạn thấy được cả những hạn chế lẫn cơ hội của cuộc sống. Khi hiểu được những hạn chế của mình – là tuổi già, là bệnh tật và cái chết - điều gì cần làm sẽ trở nên rõ ràng. Để thấy sự hạn chế của mình, hãy nhìn vào bản chất của cơ thể: nó rất mong manh, với một chuỗi các vấn đề xảy ra bất tận mà không thể tránh được. Vậy thay vì cứ đồng nhất mình với cơ thể đó, chìm đắm trong nó, quan tâm thái quá đến nó, bạn làm khác đi, không sa vào mớ hỗn độn của cơ thể này một lần nữa. Đó là cơ hội.

Mê lầm có khuynh hướng làm chúng ta quên mất việc tận dụng cơ hội để giải thoát. Hầu hết mọi người bị mắc kẹt trong ảo tưởng, tự làm khổ mình, đầu độc sức khoẻ của mình. Nếu bạn khoẻ mạnh hoặc chỉ là những bệnh nhẹ, bạn nghĩ đó là bình thường; nếu bạn trẻ, bạn nghĩ mình được vui sướng như thế mãi, nên rốt cục hiện tại bạn cứ làm đủ thứ điều tệ hại mà thôi. Trong cuộc sống, vui thú đến trước, nếu không cẩn thận, bạn sẽ trả giá về sau.

Đức Phật nói việc ham muốn và dục lạc giống như một khoản vay; bất kỳ sự vui thú nào bạn có được từ trải nghiệm của các giác quan, bạn sẽ phải trả giá bằng sự thất vọng, vỡ mộng và khổ. Có thể thấy điều đó khi người ta yêu, có thể bạn có được một chút vui vẻ khi mới yêu, nhưng chắc chắn bạn sẽ mất vài thứ, có thể là mất đi sự vui vẻ ban đầu, hay mất nhiều thời gian khi bị ràng buộc nhau trong đau khổ, mất đi sự bình yên hoặc thậm chí mất luôn cả người mà bạn yêu quý... Nó như món nợ vay khi đến hạn phải trả.

Không những thế, mọi thứ đẹp đẽ - dù là một bông hoa, một con thú cưng, một quang cảnh hay cơ thể bạn – đều héo tàn và cuối cùng trở nên xấu xí và băng hoại. Lúc này bạn sẽ thấy quá trình vận động của Vô thường (25), mọi thứ hư hỏng, sụp đổ và biến mất. Một khi hiểu rằng mọi thứ đẹp đẽ ban đầu sẽ phải trả giá về sau, bạn sẽ đạt được nibbida - sự buông bỏ - đối với toàn bộ trải nghiệm mà các giác quan mang lại: với cơ thể, với mọi thứ xung quanh, đối với vạn vật. Kể cả trái đất xinh đẹp này rồi sẽ đến một ngày bị mặt trời nuốt chửng – chẳng còn lại gì – nó sẽ xoá sạch tất cả di sản mà con người tạo ra, không còn dấu tích nào của loài người, không còn gì cả. Mọi thứ biến mất, kể cả Phật pháp. Đây là một tiến trình tự nhiên của vũ trụ mà khoa học đã chứng mình được.

Nếu tiếp tục suy ngẫm, “Mình chắc chắn phải rời xa những thứ yêu thương và dễ chịu”, dần dần bạn nhận ra mọi thứ không còn ý nghĩa gì nữa, bạn mất đi sự quan tâm đến ham muốn và dục lạc. Khi đã hiểu chúng thấu đáo, bạn chẳng bao giờ còn theo đuổi những thứ ấy nữa.

Thực vậy, khi quán chiếu quá trình vận động của tự nhiên, hoặc tiến trình hoả tán hay quan sát sự phân hủy tử thi diễn ra, sự hiểu biết ấy thấm sâu, bạn đã nội quán một trong những khổ ải lớn nhất về sự tồn tại của con người. Thông điệp rất rõ: dính mắc đến cơ thể hay bất cứ thứ gì ở thế gian chỉ mang lại cho bạn sự khổ. Chính sự suy ngẫm về tuổi già, bệnh tật và chết đã khiến Đức Phật lên đường tìm sự giải thoát khỏi những điều này.

Nỗi khổ và cái chết của ai đó là một lời nhắc nhở bạn về bản chất cuộc sống. Khi hiểu thực sự về cái chết trở nên rõ ràng, bạn có cái nhìn mới và thực tế hơn. Đa số mọi người không suy nghĩ như vậy, họ có khuynh hướng cho rằng cái chết là một điều gì đó xa xôi, họ sẽ xử lý nó khi nó tới. Nhưng chính những người đó lại không thể chấp nhận khi nó tới, họ sợ hãi và cố làm mọi thứ để né tránh nó.

Tuổi già là lúc hầu hết mọi người nhìn lại, nghĩ về quá khứ, xem mình đã sống cuộc đời như thế nào. Với tôi, việc nhìn lại không hề khiến tôi khó chịu, bởi tôi đã buông bỏ và sống một cuộc sống thanh tĩnh, rèn luyện tâm, có được an bình, hạnh phúc từ việc phụng sự người khác. Và bạn nên dành thời gian còn lại của mình để suy ngẫm và sử dụng nó một cách sáng suốt, thực hiện tu tập một cách sâu sắc hơn, thường xuyên hơn.

Quán chiếu về tuổi già và cái chết như vậy có khả năng chuyển hoá cách bạn nhìn nhận cuộc đời. Thay vì dính mắc đến mọi thứ ở thế gian, bạn buông bỏ, bạn có được niết bàn đối với nó.

(25) Vô thường: như các bài trước đã đề cập, đó là những vận động tự nhiên trong vũ trụ, cách vận hành theo quy luật sinh-diệt rồi lại sinh-diệt liên tục, có sinh thì có diệt, có được rồi sẽ mất, dựa vào duyên sinh mà thành, rồi hết duyên tan rã, cái gì đã đến thì chắc chắn sẽ đi. Đó là quy luật của Vô thường, là chân lý.

-----o0o-----


Bài 16.  GIẢI THOÁT KHỎI CƠ THỂ

Như vậy, lý do bạn tu tập là để quán chiếu (tức suy ngẫm và soi xét) về mọi thứ ở thế gian, về cơ thể, hiểu được bản chất thực sự của nó, để bạn có khả năng từ bỏ nó. Bạn nghĩ “đi rồi” khi bàn tay biến mất; “đến lúc rồi” khi chân biến mất, “thật thoải mái” khi lưng biến mất; “vui thay” khi hơi thở tan dần. Toàn bộ cơ thể cứ thế mà tan biến. Cuối cùng bạn cũng giải thoát khỏi nó. Và do bạn đã xả bỏ cơ thể, bạn thấy trước về cách chết đúng đắn. Đây là bài học lớn cuối cùng cho chúng ta.

Nếu không biết buông bỏ cơ thể từ khi còn khoẻ mạnh, làm sao bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ làm được vậy khi đã già, mắc bệnh và đau đớn? Ngay cả bây giờ khi nhức nhối trong cơ thể, bị hành hạ liệu việc hành thiền có dễ không? Quán sát hơi thở có dễ không? Mọi việc sẽ ra sao khi đã yếu đi và không còn bao nhiêu năng lượng? Vậy khi còn sức khoẻ, khi cơ thể còn chấp nhận được, bất kể trạng thái nào hiện giờ, hãy dành thời gian học cách buông bỏ.

Hãy rèn luyện: ngồi xuống, bắt chéo chân, nhắm mắt, thực hành yên lặng và nhận biết khoảnh khắc hiện tại. Các ý nghĩ liên miên trong đầu dừng lại, các vọng tưởng, ham muốn, quá khứ và tương lai đều dừng lại. Hãy dừng lại tất cả! Hiện hữu với hơi thở, nhận biết nó, hít vào biết hơi thở vào, thở ra biết hơi thở ra. Theo dõi sát hơi thở như thế đến khi nó trở thành hơi thở đẹp và cơ thể dần biến mất. Khi đang tập trung hoàn toàn vào hơi thở, bạn sẽ không cảm thấy đầu và chân mình hiện diện. Cơ thể dần biến mất do bạn không còn chú ý đến nó nữa. Bạn cũng chẳng bận tâm; nó biến mất, tất cả những gì bạn còn là hơi thở, nó trở thành một hơi thở đẹp – nhẹ nhàng dịu êm. Rồi tâm ảnh nổi lên. Lúc ấy, cơ thể và hơi thở hoàn toàn tan biến mất. Và bạn tiến sâu vào thời khắc lớn.

Giải thoát khỏi cơ thể: đây là điều xảy ra khi bạn chết. Nhưng đừng sợ. Nó cũng xảy ra chính lúc bạn ngồi thiền, khi bạn thiền định đủ sâu. Tâm ảnh cũng chính là ánh sáng mà mọi người thấy khi họ trải qua giai đoạn cận tử nghiệp, khi hấp hối. Giai đoạn tâm ảnh mang lại phúc lạc tuyệt diệu – hơn mọi lạc thú thế gian – và không khó đạt đến được nếu bạn buông bỏ cơ thể. Nếu thấy sự dính mắc vào cơ thể vẫn còn đó, hãy nhắc nhở mình rằng bạn thật ra đang dính tới khổ, đang bám vào mớ than cháy. Hãy buông bỏ cơ thể, bỏ rơi nó, và ra khỏi ngọn lửa.

Nếu bạn chưa từng trải nghiệm điều này, có thể nghe như một chuyện viễn vông. Nhưng khi bạn tu tập nghiêm túc, sự tiến bộ giúp bạn dần nhận ra đây không phải là tưởng tượng, những trạng thái này tồn tại trong thiền định và điều tôi nói là đúng. Tất cả những điều bạn cần tiến xa trên con đường tu tập, là buông xả tất cả và buông bỏ cơ thể nhiều hơn. Bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm phúc lạc, ngay hiện tại và cả khi bạn già yếu hoặc sắp chết.

Có một dây thòng lọng tròng vào cổ bạn, đó là ham muốn, sân hận và dục lạc, dính mắc tới cơ thể. Nó siết lấy cổ, bạn chưa từng có khả năng hít thở bình thường, nhưng bạn không nhận ra điều đó. Bạn nghĩ đây là một điều bình thường, là cuộc sống. Rồi một ngày, bạn có một thời khắc hành thiền tốt đẹp, sợi dây được nới lỏng ra một chút. Bạn hít thở và nghĩ: “Thật an bình, thật dễ chịu!” Rồi bạn đến giai đoạn tâm ảnh, sợi dây gần như được nới lỏng hoàn  toàn: “Thật đáng kinh ngạc!” Khi bạn tiến sâu hơn, bắt đầu nhập định và trải qua các tầng thiền, sợi dây đã được tháo bỏ, và bạn đạt cảnh giới phúc lạc vượt ra ngoài sức hiểu biết của bạn về cuộc sống này.

Bạn đang thực chứng một chân lý lớn của Phật giáo, điều mà Đức Phật cũng đã thực chứng: lý do bạn hạnh phúc là bởi khổ đau tan biến. Thòng lọng của bạn đã được vứt bỏ và bạn có thể hít thở trở lại bình thường. Thật tuyệt vời khi trải nghiệm điều này, nó cho bạn cái nhìn trực tiếp vào những gì chúng ta đang tìm cách đạt được. Khi bạn thực hiện điều này một cách trọn vẹn, không thay đổi, bạn đã đạt đến bậc Thánh với quả vị bất lai, sẽ không bao giờ còn sinh trở lại vào cảnh giới của thân xác thể chất – thế giới vật chất đầy khổ đau – một lần nào nữa.

Còn nếu không nhận ra được điều này, không có sự tu tập, ai mà biết tái sinh sắp tới bạn sẽ ở đâu và thành gì!

-----o0o-----


Bài 17.  CÁNH CỬA TỚI SỰ BẤT DIỆT

Bạn hay bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm phúc lạc của giải thoát. Khi ấy bạn hiểu lời dạy của Đức Phật và có thể tiếp tục hành trình một cách độc lập. Bạn sẽ không cần đến người khác, không quan tâm điều họ nói hay làm. Bạn sẽ chỉ tu tập, một mình, hạnh phúc và trở thành giải thoát. Chẳng lẽ bạn không muốn vậy?

Nó đang được trao cho bạn, và bạn có thể làm được. Nếu chưa làm được, đó chỉ là vấn đề thời gian. Cánh cửa tới sự bất diệt đã mở. Tuỳ thuộc vào bạn có đi qua cánh cửa đó hay không, và rồi bạn sẽ không còn già đi, không còn mắc bệnh, không còn chết.

Hãy biến lần này thành lần cuối cùng!

----- Kết thúc -----

13 thg 7, 2020

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN - Chương 3

Ajahn Brahm 

Chương 3

HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ SỰ BIẾN MẤT


Bài 11.  HÀI LÒNG VỚI KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI

Câu chuyện của Ngài Ajahn Brahm: Vài năm trước, tôi tới Nhật Bản, được đón về một khách sạn năm sao. Nhưng người ta quên rằng theo giới luật, các tu sĩ chỉ ăn trước buổi trưa (giờ Ngọ). Đến lúc chúng tôi đến một nhà hàng chay thì đã sang buổi chiều. Tôi từ chối bữa ăn, thế là cả ngày đó tôi không ăn gì. Tôi mệt mỏi, chỉ muốn yên lặng và hành thiền, nhưng đó lại là một khách sạn ồn ào. Kết cục, tôi ngồi trong căn phòng sang trọng và nghĩ: “Mình đang ở trong tù”. Tôi ở tù trong một khách sạn năm sao vì tôi không muốn ở nơi này! Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra thái độ của mình và tôi chấm dứt thái độ ngu ngốc đó.

Nhưng ý nghĩa đó là ở chỗ bạn có thể ở tù trong một khách sạn năm sao sang trọng, hoặc trên bãi biển của một Resort nổi tiếng. Bạn ở đâu cũng không quan trọng, bất kỳ nơi nào bạn không muốn hiện diện đều là nhà tù của chính bạn.

Vậy khi bạn đang ở một nơi sang trọng hay tồi tàn nhất, hoặc thậm chí là trong nhà tù thực sự, hãy tự hỏi: “Mình có muốn ở đây, trong khoảnh khắc này không, hay mình muốn ở nơi nào khác?” Nếu bạn đang phải ở đây mà luôn muốn nghĩ đến một nơi nào khác, bạn sẽ không bao giờ được bình an. Nhưng nếu bạn dừng cái mong muốn ấy lại, trí tuệ sẽ nói cho bạn biết: Không, thế này là đủ tốt rồi!  Mình muốn ở đây, trong khoảnh khắc hiện tại này, với cảm giác này, trong căn nhà ồn ào này, với tâm trí rối loạn này - mình chỉ muốn ở đây, và hài lòng những gì mình đang có. Nếu bạn không dính vào những ước muốn nào khác mà chỉ cần sự hài lòng ở hiện tại, bạn sẽ được tự do.

Đây là lời dạy trí tuệ rất sâu xa, dù bạn đang ở đâu, làm gì, nơi khu rừng vắng hay ở ngoài chợ trời ồn ào đông đúc, nếu bạn không đòi hỏi mà chỉ muốn ở đó, Tâm bạn sẽ trở nên tĩnh lặng. Đơn giản bạn chỉ cần nói: “Đã đủ tốt rồi”. Bạn đang thực hành chân lý cao quý mà Đức Phật đã dạy: chấm dứt ham muốn. Mỗi lần bạn nghĩ “Mình đang hạnh phúc với những gì mình có tại giây phút này”, đó là lúc bạn đang chấm dứt một số biểu hiện tiềm tàng của khổ.

Khi bạn hài lòng trong khoảnh khắc này, bạn sẽ buông bỏ được nhiều thứ, từ vật chất đến những phiền não trong đầu. Sao chúng ta vẫn không thể hài lòng, khi mọi chuyện đã đủ tốt rồi! Đó chính là biểu hiện chấp niệm của tham-sân-si. Bạn nên trân trọng những gì mình đang có trong phút giây hiện tại này, thứ mà bạn chẳng bao giờ bận tâm đến nó, nhưng rất quan trọng với cuộc đời của bạn: Đó là hơi thở của chính bạn. Liệu có gì quan trọng hơn hơi thởTâm của bạn?

Chúng ta hãy tập hài lòng với sự thở của mình, trước khi có ham muốn điều gì khác hơn, bởi nếu không có nó bạn sẽ chẳng tận hưởng được gì trong thế giới vật chất này. Bạn nên xa lìa những ham muốn ấy, nó chẳng giúp gì cho bạn được thoải mái ngoài những thứ phiền não hơn thôi.

Vậy bạn có thể hoàn toàn an lạc, tự do trong một nơi tồi tàn, hoặc như ở tù trong khách sạn năm sao? Thật tuyệt vời khi biết rằng dù ở địa điểm nào, môi trường nào, với trạng thái tâm lý như thế nào, bạn luôn có thể tự giải thoát cho mình ra khỏi những vấn đề về ham muốn.

Hãy hiểu thật kỹ điều ấy, hiểu cách nào trí tuệ có thể giải thoát bạn. Đây là “không chấp thủ” của chân lý cao quý thứ ba mà Đức Phật đã nói đến, tức không có nơi nào mà thứ gì đó có thể bám vào khi đã rũ bỏ tất cả. Ý nghĩa đích thực của sự xa lìa, là điều dẫn đến giác ngộ.

-----o0o-----


Bài 12.  HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ SỰ BIẾN MẤT

Khi tu tâp theo con đường này, bạn đang biến mất từ từ. Nếu hiểu ý tưởng về sự tiêu tan và biến mất, hay nói cách khác, sự tĩnh lặng và an bình, bạn đang bắt hiểu về Vô ngã. Đó là bởi bạn càng lắng dịu thì càng ít tồn tại, càng ít có cảm giác về “cái Tôi”. Điều này có vẻ lạ lùng, nhưng thật ra rất đẹp đẽ. Trên thực tế nó là hạnh phúc đích thực duy nhất có ở đó, bởi lẽ càng buông bỏ cảm giác về một “cái Tôi”, bạn càng giải thoát khỏi mọi thứ mà bạn bám dính vào và lệ thuộc. Bạn giải thoát khỏi nỗi khổ dưới mọi hình tướng và tên gọi của nó. Điều đó dẫn bạn tiến xa hơn trên chặn đường đạo pháp. Nó có thể mất nhiều năm hoặc chỉ vài năm, nhưng cuối cùng, duy nhất có ý nghĩa để làm là kiên nhẫn đi trên con đường tìm sự giải thoát trong hạnh phúc, có được bởi những gì biến mất.

Trong đời sống tu sĩ, cũng như những người cư sĩ thành tựu, một phần của sự biến mất ấy không thể hiện dấu hiệu nào. Họ có khuynh hướng giữ im lặng. Họ không cần phải chứng tỏ hay phải nói về điều đó! Khi yên lặng, ta biến mất, tan vào hậu cảnh cho đến khi hầu như không còn ai biết ta ở đó, kể cả bản thân ta. Càng biến mất bạn càng ít dính mắc vào mọi thứ, bạn càng được hạnh phúc hơn; càng tiêu tan, bạn càng trải nghiệm tự do; càng ít tồn tại, bạn càng cảm thấy nhiều phúc lạc. Điều này khiến cho bạn biết Pháp rốt cục là gì, khi trải ngiệm ấy mang lại.

Cuối cùng bạn sẽ tĩnh lặng tới mức tâm bất động, bạn trải nghiệm phúc lạc do không bị quấy rầy bởi ý muốn. Nó cũng là trải nghiệm khi hành thiền, đặc biệt giai đoạn nhị thiền (21), bạn thấy rõ điều đó. Cảm giác thật tuyệt vời! Vẻ đẹp ấy chính là sự tự do, của giải thoát khỏi ham muốn và các lậu hoặc (22), bạn không muốn đi bất kỳ đâu; bạn không cần bất cứ thứ gì; không có gì thiếu cả. Bạn ở đó với niềm hạnh phúc đích thực.

(21) nhị thiền: tức cảnh giới thiền định thứ hai, sau khi đạt được sơ thiền, xem mục Thực Hành - Thiền định Jhana.

(22) lậu hoặc: là những ý nghĩ tuôn trào ra trong đầu, nó là quá khứ, là tương lai, là mong muốn, là thù hận... là mọi thứ bạn bám lấy , nuôi dưỡng cái Tôi và duy trì mọi phiền não của bạn.

-----o0o-----


Bài 13.  TRẢI NGHIỆM TRỌN VẸN VÔ NGÃ

Có hai thành trì ảo tưởng về “cái Tôi”: cho rằng mình là “tôi làm” và cho rằng mình là “tôi biết”. Hầu hết mọi người cho rằng biết và làm là việc họ có thể kiểm soát hoàn toàn. Nhưng khi tu tập, bạn bắt đầu thấy việc cố gắng kiểm soát mọi thứ là vô vọng. Bạn nhận ra không có được sự hài lòng nào bằng con đường kiểm soát mọi thứ theo như ý bạn muốn.

Nếu bắt đầu hiểu rõ những lời dạy trong kinh văn, bạn sẽ chuyển sang một hướng khác. Ý muốn bắt đầu biến mất, và bạn cảm thấy thú vị; bạn tĩnh lặng hơn, thêm nhiều thứ tan đi. Bạn đang đi trên con đường mà Đức Phật đã đi. Và bạn hiểu cố gắng kiểm soát cuộc đời là nguyên nhân của khổ. Bạn buông xả kiểm soát, bản ngã tan đi, cảm giác về “cái Tôi” biến mất, mọi thứ trở nên tĩnh lặng, và bạn tan biến. Cuối cùng là an lạc. Khi ấy bạn đã hiểu thế nào là Vô ngã.

Nếu đã thật sự hiểu Vô ngã, bạn có thể gọi mình là người nhập lưu (23), một người đang đi trên con đường giải thoát. Một khi thấy rõ điều đó, bạn không bao giờ quên, và hiểu biết ấy chỉ lối cho mọi quá trình thân và tâm, cũng như mọi hoạt động, tạo tác của bạn trong cuộc sống. Ý muốn không còn liên quan đến bạn, năm thức (24) và ý thức cũng vậy.

Chúng ta hay hiểu sai về bản chất thật của cuộc sống. Đức Phật dạy, những gì người bình thường nói là hạnh phúc, thì bậc giác ngộ nói là khổ; những gì bậc giác ngộ nói là hạnh phúc, người bình thường lại nói là khổ! Hạnh phúc của bậc giác ngộ là sự an bình, tĩnh lặng và đoạn diệt mọi phiền não. Người bình thường thấy ai đó dành hai, ba tuần hoặc cả đời sống một mình trong một túp lều, nơi sơn lâm cùng cốc, không nói chuyện với ai, người ta gọi đó là sự giam hãm đơn độc trong ngục tù. Nhưng cái họ nói ngục tù ấy chính là sự phúc lạc của người giác ngộ. Nếu bạn thực sự có trí tuệ, bạn sẽ có cách nhìn cuộc sống hoàn toàn khác: cách nhìn của Đức Phật.

Đức Phật nói chỉ vài người trên thế gian có thể hiểu sự an định hoàn toàn các hành - bạn phải là người nhập lưu thì mới hiểu. An định ý muốn cũng được gọi là an định các hành. Vậy hãy ẩn dật, ngồi và không nghĩ gì, xả bỏ ham muốn, giữ sự tĩnh lặng. Khi ở một mình, không có gì nhiều để nhận thức, không có gì nhiều để ham muốn, không cần đòi hỏi, một người hầu như không để lại dấu chân trên đời, người ấy sẽ có được hạnh phúc đích thực.

Đi khắp thế gian để mưu cầu hạnh phúc là điều vô nghĩa. Rồi đến lúc cơ thể bạn hoàn toàn biến mất. Khi có một nhật thức trọn vẹn và bao trùm rằng mình thực sự chỉ là sự trống rỗng tĩnh lặng, bạn từ bỏ sự dính mắc đến mọi thứ ở thế gian, kể cả ý nghĩ và ham muốn. Không có gì ở đó, không có gì tái sinh. Hạt giống tái sinh đã bị trừ bỏ, không có gì mới được tạo ra. Đây là trải nghiệm niết bàn, là giải thoát và bình an tối hậu.

(23) người nhập lưu: trong phần chú thích trước có đề cập đến Tứ Thánh Quả, quả vị Nhập lưu là quả vị đầu tiên để nhập vào dòng Thánh theo giáo lý của Phật học nguyên thủy. Tham khảo thêm tại mục Phật Học.

(24) năm thức: là cái nhận biết của năm giác quan (năm căn) gồm: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân khi duyên với năm cảnh trần là sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần và xúc trần, tạo thành năm thức.


12 thg 7, 2020

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN - Chương 2

Ajahn Brahm & Eckhart Tolle

Chương 2

KHI IM LẮNG CẤT LỜI


Bài 8.  SỰ TĨNH LẶNG VÀ IM LẮNG

Khi bạn đánh mất liên lạc với sự im lắng ở nội tâm, bạn sẽ đánh mất liên lạc với chính mình và khi bạn đánh mất liên lạc với chính mình, bạn sẽ tự đánh mất mình trong thế giới của Hình tướng(12). Cảm nhận nội tại về chính tự thân mình, tức bản chất chân thực của bạn là gì, bản chất ấy không thể tách rời khỏi sự im lắng. Đây chính là cái Chân Ngã (13) sâu kín của bạn vượt lên trên Tên gọiHình tướng ở thế gian này (14).

Sự tĩnh lặng chính là bản chất chân thực của bạn. Vậy sự tĩnh lặng là gì? Đó chính là khoảng không gian im lắng ở trong bạn, là khả năng nhận thức được vạn vật từ đó những chữ trên trang giấy này được tạo thành khái niệm và trở thành những ý nghĩ sáng suốt ở trong đầu bạn. Nếu không có khả năng nhận biết đó, sẽ không có khái niệm đúng đắn, không có ý tưởng rõ ràng, không có thế giới này tồn tại. Bạn chính là khả năng nhận biết đó được che giấu dưới hình dáng của một con người.

Bạn quán sát, tương đương với tiếng động ở bên ngoài là sự ồn ào của những suy tưởng bên trong, tương đương với sự im lặng ở bên ngoài là sự tĩnh lặng ở nội tâm. Khi nào có sự yên tĩnh ở chung quanh – bạn hãy lặng yên để nghe sự yên tĩnh đó. Tức là chỉ để ý, chú tâm đến sự yên tĩnh đó. Lắng nghe sự yên tĩnh như thế sẽ làm thức dậy một chiều không gian tĩnh lặng ở trong bạn, vì qua sự im lắng ở nội tâm thì bạn mới có thể nhận ra sự tĩnh lặng này. Bạn sẽ nhận ra rằng giây phút bạn lưu ý đến sự yên lặng ở chung quanh, lúc ấy bạn không hề suy nghĩ. Bạn chỉ nhận biết, nhưng không hề suy tư.

Khi bạn chú tâm đến sự yên lặng, ngay lập tức có một trạng thái cảnh giác nhưng rất tĩnh lặng ở nội tâm. Đó là lúc bạn đang hiện diện. Bạn đã nhận thức được chính mình và bước ra khỏi thói quen suy tưởng của tâm thức cộng đồng, của nhân loại, một thói quen đã bị thâm nhiễm trong hàng ngàn năm qua.

Hãy nhìn một thân cây, hay một bông hoa. Hãy để cho nhận thức của bạn đậu lên trên vật thể đó – như một cánh bướm. Bông hoa ấy tĩnh lặng biết bao! Thân cây và bông hoa đang cắm rễ trong trạng thái an nhiên tự tại biết bao nhiêu. Hãy để thiên nhiên dạy cho ta thế nào là tĩnh lặng. Khi bạn nhìn vào một thân cây và nhận ra sự tĩnh lặng của thân cây đó, chính bạn cũng trở thành sự tĩnh lặng. Bạn tiếp xúc với thân cây ở một mức độ rất sâu. Bạn sẽ cảm thấy đồng nhất với những gì bạn đang cảm nhận qua sự tĩnh lặng.

Sự im lặng rất hữu ích. Nhưng bạn không cần phải có sự im lặng thì mới giúp bạn tìm ra sự tĩnh lặng. Ngay cả những khi có tiếng ồn, bạn vẫn có thể nhận ra đang có sự tĩnh lặng bên dưới những ồn ào, nhận ra khoảng không gian từ đó tiếng động được phát sinh. Đó chính là không gian bên trong của nhận thức thuần khiết, đó cũng chính là Tâm (15)Bạn chợt nhận ra rằng có một sự nhận biết như là một cái nền nằm sau tất cả những nhận thức của các giác quan, tất cả những suy tư. Nhận ra sự nhận biết đó là sự phát sinh của sự tĩnh lặng ở nội tâm.

Bất kỳ một tiếng ồn đáng ghét nào cũng đều hữu ích như sự lặng yên. Làm cách nào? Bằng cách buông bỏ sự chống đối trong nội tâm về tiếng ồn, cho phép tiếng ồn ấy được như nó đang là trong thế giới tự nhiên. Bạn không cần dính mắc đến chúng. Hãy chú tâm vào khoảng trống rỗng, cái nền bên dưới của mọi âm thanh, hoạt động ấy, sự chú tâm này sẽ giúp bạn bước vào cõi an bình ở nội tâm, tức là sự tĩnh lặng. 

Khi nào bạn chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất chân thật của vạn vật – bất kể hình thức phút giây ấy đang biểu hiện là gì – bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có được sự an tịnh. Hãy chú tâm đến khoảng trống – khoảng trống giữa hai ý tưởng, khoảng không ngắn ngủi giữa những chữ trong một câu chuyện, giữa những nốt nhạc của tiếng dương cầm, hoặc khoảng trống giữa hơi hít vào và hơi thở ra của bạn.

Bạn hãy chú tâm đến những khoảng trống đó, nhận thức về một cái gì đó, lúc ấy chỉ còn là nhận thức thuần khiết. Chiều không gian không hình thể ấy  nhận thức thuần khiết được phát sinh từ bên trong bạn, thay thế cho thói quen mà bạn thích tự đồng hóa mình(16) với những biểu hiện bên ngoài của hình tướng, và bên trong của bản ngã. 

Sự thông thái chân chính hoạt động một cách im lặng. Sự tĩnh lặng là nơi sự sáng tạo và giải pháp cho những vấn đề của bạn có thể được tìm ra. Như thế sự tĩnh lặng có phải là sự vắng mặt của tiếng ồn và những tình huống không? Không, sự tĩnh lặng chính là tự thân của sự thông thái – là Tâm nằm ở bên dưới, từ đó mọi thứ hữu hình được phát sinh. Và làm sao "cái Đó" có thể tách rời với bản chất chân thực của bạn? Những biểu hiện tạm bợ của hình tướng liên hệ đến bạn(17), mà bạn nghĩ chính là bạn, được phát sinh và nuôi dưỡng bởi Tâm. "Cái Đó" cũng là tinh chất của tất cả vũ trụ, những thiên hà cho đến mỗi ngọn cỏ; của tất cả những bông hoa, cây cối, chim chóc và tất cả mọi vật thể khác. 

Sự tĩnh lặng là thực thể duy nhất trên cõi đời này không mang một hình tướng. Nói rộng ra thì sự tĩnh lặng không phải là một vật thể, nó không thuộc về thế giới vật chất này, nó là khoảng không bao trùm mọi thứ, có mặt ở mọi nơi trong vũ trụ. Nó thuộc về một thế giới riêng, đan xen vào thế giới vật chất.

Khi bạn nhìn vào một thân cây hay một con người... bằng sự tĩnh lặng ở trong bạn, thì ai đang nhìn vậy? Có một cái gì đó, sâu hơn là con người của bạn, đang nhìn. Đó là Tâm đang nhìn vào cái vật mà chính Tâm đã sáng tạo ra. Một cảm giác hài lòng mà bạn cảm thấy khi ngắm nhìn một thân cây, hay một con người, từ sự tĩnh lặng, không vướng bận chút suy tư. Đó cũng là sự thông tuệ. Sự thông tuệ chỉ có được qua khả năng giữ cho lòng mình được lắng yên. Chỉ cần tập nhìn và lắng nghe. Bạn không cần gì thêm cả. Hãy tĩnh lặng, khi ấy sẽ làm phát sinh một sự thông thái, nhưng không phải bằng suy tư ở trong bạn.

Hãy để cho sự tĩnh lặng hướng dẫn tất cả những lời nói và hành động của bạn. Đó là lúc bạn sẽ nhận biết thật rõ ràng về bản chất thật của bạn và thế gian này.

(12) Tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng: Vì không nhận biết được bản chất chân thật của mình, chúng ta thường tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng tức là lệ thuộc vào bản ngã, cơ thể, vật chất, danh lợi, tiền tài, khái niệm phân biệt hẹp hòi (giàu nghèo, đẹp xấu, được mất, thắng thua, những đấu tranh, giành giật với nhau) trong đời sống, trong những thói quen nghiện ngập,…để lấp đầy sự trống vắng, khổ đau của một con người đã đánh mất gốc rễ, cội nguồn.

(13) Chân Ngã: tức là bản chất chân thực, bất hoại, vĩnh cửu của mình. Chúng ta thường nhầm lẫn chân ngã của mình với những biểu hiện tạm bợ của tên gọi, hình tướng như: tên họ, địa vị, nghề nghiệp, danh tiếng, hình dáng bề ngoài,… mà không nhận ra bản chất chân thật của mình bên trong.

(14) Tên gọi và Hình tướng: là những quy ước ở thế gian dùng để nhận biết mọi vật, tên gọi của chúng ta về những biểu hiện tạm bợ của đời sống. Ví dụ: tôi tên A, tên gọi của những mảnh giấy khi chúng ta trao đổi với nhau mua bán là tiền...  Dĩ nhiên, Tên gọi và Hình tướng chỉ là danh từ, khái niệm mà chúng ta dùng để mô tả một thực tại sinh động, mà đã là danh từ và khái niệm… thì nó không thể nắm bắt được chân lý, nó chỉ là quy ước của con người đặt ra và nó luôn bị giới hạn, liên tục chuyển biến trong từng phút, từng giây.

(15) Tâm: như đã giải thích ở Chương 1,  tức là không gian tĩnh lặng tồn tại bên trong bạn, cái Biết linh hoạt và sống động nhưng không có hình tướng. Đó chính là bản chất chân thực của chúng ta.

(16) Thói quen thích tự đồng hóa mình: là thói quen cho rằng mình chính là một cảm xúc, ý tưởng, hay cảm giác một cái gì đó ở trong mình. Ví dụ khi có một cảm giác khổ sở, bất hạnh đang phát sinh ở trong lòng, ta không dừng lại ở chỗ nhận biết “Ồ có một cảm giác bất hạnh đang có mặt ở trong lòng tôi”, mà chúng ta nhanh chóng đồng hóa mình với cảm giác bất hạnh ấy và tự kết luận rằng “Tôi là một kẻ bất hạnh” hay tệ hơn nữa, “Tôi chính là sự bất hạnh của cuộc đời”.

(17) Những biểu hiện tạm bợ của hình tướng liên hệ đến bạn: ví dụ cơ thể, tuổi tác, cảm xúc, ý nghĩ, hành động, nghề nghiệp, tài sản,.v.v. nó là sự biểu hiện của các hình tướng thông qua cơ thể, ý nghĩ và vật chất ở thế gian gắn kết vào nhau mà ta thường lầm tưởng là bản chất của mình.


-----o0o-----

Bài 9.  BẢN NGÃ

Tâm trí bạn luôn tìm kiếm không ngừng những đề tài để cho bạn suy tư một cách điên cuồng; đó cũng là cách tâm trí bạn đi tìm những thứ để cung cấp cho chính nó một sự xác minh, một cảm nhận về tự thân (19). Đây cũng là phương cách để bản ngã của bạn trở thành hiện hữu và tiếp tục được tồn tại ở trong bạn.

Khi ta suy nghĩ hay nói về chính mình: “Tôi”, là thực ra điều bạn muốn nói là: “Tôi và những gì là của tôi”. Đây chính là “cái Tôi” của những cái thích, hoặc không thích, sợ hãi và ham muốn, “cái Tôi” không bao giờ cảm thấy thỏa mãn được lâu. Đó là cảm nhận về tự thân của bạn được làm nên bởi ý nghĩ, thường bị tha hóa bởi quá khứ và luôn muốn tìm sự thỏa mãn ở tương lai.

Mỗi lúc một ý nghĩ khởi lên ở trong đầu chiếm lấy toàn bộ sự chú tâm của bạn, điều này có nghĩa là bạn đã hoàn toàn đồng nhất mình với tiếng nói vang vang ở trong đầu. Ý nghĩ của bạn đã được đầu tư với một cảm nhận về chính mình. Đây chính là bản ngã, “cái Tôi” được làm nên bởi suy tư và những cảm xúc miên man ở trong đầu bạn. “Cái Tôi” luôn luôn cảm thấy bất toàn và mong manh. Do đó bạn thường cảm thấy sợ hãi và ham muốn, đây là hai cảm giác luôn thống trị và thúc đẩy bản ngã ở trong bạn.

Khi bạn thấy rằng có một giọng nói ở trong đầu bạn, nó luôn giả vờ là chính bạn và giọng nói ấy luôn lảm nhảm, đó là lúc bạn tỉnh thức và ra khỏi sự đồng hóa một cách vô thức với dòng suy tư ở trong mình. Khi bạn nhận ra giọng nói vang vang đó, bạn sẽ nhận thức rằng bạn không phải là giọng nói ồn ào đó.

Bạn chính là Cái Biết, là Tâm nhận thức nằm ở đằng sau giọng nói luôn lảm nhảm đó: Đó chính là sự giải thoát.

Bản ngã ở trong bạn luôn có nhu yếu đi tìm, tích lũy thêm cái này hoặc cái kia để vun bồi cho cảm nhận về tự thân, chỉ là để giúp cho “cái tôi” của bạn cảm thấy toàn vẹn hơn.

Bạn có nhận ra rằng “cái Tôi” này rất dễ phôi pha, vì đó chỉ là một sự hình thành rất tạm bợ của ý nghĩ và vọng tưởng, như một đợt sóng biểu hiện trên mặt nước. Nó thay đổi liên tục trong từng sát na, biến diệt theo cảm nhận của lục căn cùng với sự ham muốn, sự sợ hãi của nó. Ấy vậy mà trong cuộc đời mỗi người luôn luôn tạo ra cho mình cái bản ngã đó để thỏa mãn cái ham muốn và che đậy sự yếu ớt sợ sệt, dựng lên cái bề ngoài giả tạo và cái bên trong đầy dục vọng. Nhưng bạn đâu biết rằng bạn đang nuôi dưỡng một thứ không phải là bạn, mà chính là thứ mang đến khổ đau và phiền não cho bạn mà thôi. Bạn cung phụng cho nó đủ thứ bằng cả cuộc đời mình để rồi cuối cùng bạn chính là người tuyệt vọng khi nhìn những thứ bạn tạo ra chẳng có ích gì cho sự giải thoát khỏi khổ đau ở thế giới tối tăm này. (Hãy xem nạn dịch Covid-19 ở Ấn Độ và trên toàn thế giới hiện nay, hãy cảm nhận nổi tuyệt vọng ấy, những con người đang rơi vào cùng cực, để thấy rằng chúng ta rồi cũng không thoát khỏi được nó. Chỉ còn là vấn đề thời gian! Đây là quá trình tự nhiên của quy luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt chi phối trong thế giới vật chất này.)

Đời người không phải chỉ sống trong kiếp hiện tại rồi xong, bạn sẽ còn phải bước tiếp đến vô lượng kiếp nữa, bởi sự vay - trả nghiệp mà bạn đã tạo ra trong hiện tại và quá khứ, quy luật nhân - duyên - quả không chừa một ai, cứ xoay vần vô tận cho đến khi bạn hiểu cuộc đời này là gì? Khi thấu hiểu được, bạn dừng lại tất cả để quay về nguồn cội, trở về với chính bản chất chân thật của mình, bạn mới có cơ hội thoát khỏi sự luân hồi này. 

 "cái gì" ở trong bạn nhận thức được điều này? Cái gì ở trong bạn nhận thức được những biểu hiện này của bạn? Đó chính là Bạn. Đó chính là Tâm, một cái gì rất chân thật, sâu xa, vượt ra khỏi giới hạn của bản ngã, của quá khứ và tương lai.

Vậy cái gì sẽ còn lại sau bản ngã của bạn? Khi những sợ hãi, ham muốn,... trong đời sống nhiều rối rắm đang ngày càng chiếm hết sự chú tâm của bạn? Chính là một cái gạch ngang ngắn ngủi – khoảng một, hai phân giữa ngày sinh và ngày mất – trên bia mộ. Chỉ thế thôi!

(19) Cảm nhận về tự thân: Qua suy tư, trí năng ở trong ta cảm thấy “Ồ, tôi là một cái gì có thực” hay nói một cách khác có một cái gọi là “Tôi” hiện hữu”. Nhưng đây chỉ là cảm nhận rất sai lầm về chính mình, vì quả thực cái mà ta gọi là “Tôi” ấy không thực sự hiện hữu , đó là những suy tư không chủ đích của bạn. Những mặc cảm mà ta có về bản thân mình như “Tôi là một kẻ bất tài”, đây cũng là những cảm nhận không thực sự hiện hữu, mà chỉ là những kết luận sai lầm của riêng mình về chính mình mà thôi.

-----o0o-----

Bài 10.  PHÚT GIÂY HIỆN TẠI

Mỗi ngày chúng ta trải qua hàng ngàn những phút giây mà trong đó mọi chuyện được xảy ra liên tục. Nhưng nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy chỉ duy nhất có một phút giây ở ngay trong hiện tại mới thực sự là phút giây hiện hữu trong đời. Cuộc sống không phải luôn luôn chỉ xảy ra ở phút giây này hay sao?

Phút giây này – Phút Giây Hiện Tại – là thứ duy nhất mà bạn không thể trốn tránh được, đó cũng là thứ duy nhất bạn có được ngay khi bạn tỉnh thức và nhận biết được nó. Cho dù chuyện gì xảy ra, cho dù cuộc đời của bạn có thay đổi bao nhiêu, có một thứ mang đến cho bạn sự trải nghiệm thật rõ ràng: Đó là Giây Phút Hiện Tại.

Bạn đang nhận biết với phút giây này như thế nào? Chúng ta luôn đánh mất chính mình trong từng phút giây, khi bạn cứ chạy theo ký ức về quá khứ và mãi vọng tưởng ở tương lai. Cuộc đời bạn cứ chôn vùi vào đó, cả ngày lẫn đêm với những giấc mơ, bạn chưa bao giờ thức tỉnh. Bạn đã tước đi quyền được nhận biết và trải nghiệm trong phút giây hiện tại của chính mình.

Hầu như mọi người ai cũng thường sống theo lối sống này. Quá khứ là những gì bạn đã bước qua, còn tương lai sẽ chẳng bao giờ đến cả, ngoại trừ đang đến trong phút giây hiện tại. Cho nên hồi tưởng về quá khứ và mong đợi ở tương lai là một lối sống rất băng hoại. Lối sống ấy tạo ra một dòng chảy ngầm của những bất an, căng thẳng, khổ đau và không cảm thấy được thỏa mãn. Lối sống ấy không tôn trọng sự sống, không tôn trọng những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại này.

Hãy cảm nhận sức sống trong cơ thể bạn, hãy chú tâm vào việc bạn đang làm, hay những gì đang diễn ra, hoặc chú tâm vào hơi thở. Điều này sẽ giúp cho bạn thoát ra khỏi ảo tưởng do bạn tạo ra. Phút giây hiện tại đang như vậy vì nó không thể khác đi được. Tất cả mọi thứ đều như thế, đều có liên hệ rất mật thiết với nhau, đều là một phần của toàn thể vũ trụ để tạo nên thế giới của hình tướng, đó là những gì mà phút giây hiện tại đang biểu hiện.

Lúc mà bạn đi vào phút giây hiện tại với tràn đầy ý thức, bạn sẽ nhận thức rằng đời sống thực mầu nhiệm biết bao. Có một sự thiêng liêng trong mọi thứ mà bạn cảm nhận được, khi bạn có mặt sâu sắc ngay tại giây phút này chừng nào, thì bạn càng cảm nhận được niềm vui, sự an lạc rất đơn thuần nhưng rất sâu sắc của trạng thái an nhiên tự tại.

Điều này có được khi kinh nghiệm như thể bạn vừa thức dậy sau một giấc mơ, giấc mơ của suy tư, giấc mơ của quá khứ và tương lai. Thực trong sáng biết bao! Thực đơn giản biết bao! Một sự chú tâm, không thể lay chuyển như thế ở trong bạn, sẽ không còn thừa một khoảng trống nào trong đầu để bạn có thể tạo ra những vấn đề rối rắm gì cho mình nữa. Lúc đó, bạn chỉ có mặt với chính giây phút này và trải nghiệm nó thật trọn vẹn.


Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...