2 thg 10, 2020

VÔ THƯỜNG - KHỔ - VÔ NGÃ

Chân Lý Về Sự Vận Hành Của Quy Luật Tự Nhiên Trong Vũ Trụ

Đây chính là ba chân lý về quy luật vận hành tự nhiên của mọi thứ trong thế giới vật chất. Ba chân lý này đan xen vào nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất và chi phối toàn bộ vạn vật trong tự nhiên, kể cả con người. Các giáo lý tu tập của đạo Phật đều mang ý nghĩa của ba pháp ấn này làm kim chỉ nam để các Phật tử hiểu rõ về bản chất hiện tượng, sự vật và hiểu rõ về quy luật tự nhiên của vạn Pháp. Do tính chất quan trọng Tam pháp ấn luôn được nhắc đến trong hầu hết kinh điển, từ Kinh tạng Nam truyền đến Bắc truyền. Đức Phật từng dạy Tôn giả La Hầu La:

“Này Ràhula, mắt, tai, mũi, lưỡi thân, ý; cùng với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sắc, thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?”

Ràhula bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng là vô thường!”

Đức Phật nói:  “Cái gì là vô thường là khổ hay vui?”

Ràhula bạch: “Là khổ, bạch Thế Tôn!” (Khổ).

Đức Phật lại nói: “Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu xem cái ấy: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

Ràhula bạch Phật: “Thưa không, bạch Thế Tôn!” (Vô ngã).

(Kinh Tương Ưng II, Tương Ưng Ràhula, phẩm 1)

Pháp ấn thứ nhất: VÔ THƯỜNG

Pháp ấn đầu tiên là Vô thường, tiếng Phạn là Anitya, hàm nghĩa sự biến chuyển, thay đổi, không cố định. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian đều vô thường. Nói cách khác, sự vật không bao giờ đứng yên hoặc mang tính đồng nhất bất biến mà luôn vận động, lưu chuyển. Từ sơn hà, đại địa cho đến cỏ cây, hạt bụi và cả thân tâm con người luôn biến đổi, không bao giờ cố định và phải chịu sự tác động của vô thường. Không chỉ trong thế giới vật chất mà ngay cả trong thế giới tâm thức, vô thường vẫn luôn hiện hữu.

Con người, theo Phật giáo, là hợp thể của năm uẩn. Trong đó, phần thân thể vật chất tứ đại (sắc uẩn) thuộc về Sắc và phần tinh thần gồm Thọ (cảm giác), Tưởng (tri giác, Hành (tư duy) và Thức (nhận thức) thuộc về Danh. Năm uẩn hay Danh-Sắc này luôn ở trong trạng thái biến đổi như một dòng sông chảy mãi không ngừng trong đời sống con người.

Sự vật không bao giờ đứng yên hoặc mang tính đồng nhất bất biến mà luôn vận động, lưu chuyển.

Thân thể con người nếu nhìn thật sâu vào bản chất, nó chỉ là một trạm trung chuyển của các yếu tố tứ đại. Đất nước gió lửa từ bên ngoài đi vào thân, sau đó lại đi ra và vòng tròn đó luân chuyển bất tận. Nhờ sự vận hành ấy, thân này được nuôi dưỡng, lớn lên, già đi rồi chết, tất cả hoàn trả về cho tứ đại. Vì thế, khi một trong các yếu tố tứ đại bị mất cân bằng, bệnh tật hoặc hư hoại xảy ra, khi đó dòng chảy tứ đại ngừng luân chuyển, cái chết sẽ ập đến. Quá trình này, con người chỉ điều khiển được một phần, còn đa phần là mất tự chủ. Vì thế, chuyện sống chết của thân này là chân lý và không ai có thể thay đổi chân lý này được.

Về tâm lý của con người cũng vậy, các trạng thái tâm lý luôn thay đổi, chuyển biến trong từng sát na. Tâm thức con người với muôn ngàn ý niệm tuôn trào, trôi chảy như thác lũ. Tất cả vui buồn, thương ghét, tha thứ hay hận thù v.v..., luôn hiện khởi và vận hành trong tâm thức.

Tuy vậy, chung ta cần phải cảm ơn Vô thường. Bởi thực tế, nếu không có vô thường thì sẽ không có sự sống và phát triển. Nếu hạt lúa không có vô thường, nó sẽ không bao giờ thay đổi, không thể nảy mầm để trở thành cây lúa cho ra những hạt gạo được. Nếu không có sự vận hành của vô thường thì lịch sử tiến hóa của nhân loại không thể phát triển. Và nếu không có vô thường thì chúng ta sẽ không bao giờ có hy vọng chuyển hóa đoạn tận tập khí tham ái, phiền não đang tiềm ẩn sâu kín trong nội tâm chúng ta. Giáo lý vô thường mang lại tuệ giác, nhận thức đúng về bản chất của các sự vật hiện thượng (pháp), đồng thời mang lại niềm tin cho nỗ lực chuyển hóa, sáng tạo và phát triển của con người. Vì thế vô thường là ý nghĩa quan trọng của Chánh pháp trong Phật Giáo.

 Pháp ấn thứ hai: KHỔ

Khổ, theo tiếng Hán tự, nghĩa là đắng, tức là mọi sự đau khổ trong đời chứa đựng nhiều đắng cay... Tiếng Pàli, khổ là Dukkha, ngoài ý nghĩa là cảm giác khổ đau, bức bách, khó chịu, bất như ý... còn mang ý nghĩa sự bất toàn; thế gian vốn trống rỗng, đáng khinh miệt, không đáng để bám víu (Narada, Đức Phật và Phật pháp, tr.88).

Khổ đau trong đời sống con người rất phổ biến, thường được trình bày qua các phương diện là: Khổ của sinh lý (sinh, lão, bệnh, tử), Khổ về tâm lý (mong cầu, ước muốn không được, yêu ghét, thích chê, được mất... ). Khổ vì ngũ uẩn. Sự thật về khổ này là pháp Tứ Diệu Đế được Đức Phật nói cho năm đệ tử trong pháp thoại đầu tiên tại vườn Nai (Kinh Chuyển Pháp Luân).

Khổ còn được phân biệt thành ba loại khổ là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.

Khổ khổ nghĩa là có cảm thọ khó chịu, thuộc khổ thọ. Những cảm giác thống khổ đau đớn  trong thân thể và các trạng thái tâm sinh lý bất an đều là khổ thọ.

Hoại khổ là sự thay đổi, biến chuyển, tiêu hoại tạo ra khổ. Nói cách khác, sự biến đổi trạng thái này sang trạng thái khác, sự biến hoại theo khuynh hướng xấu trong cơ chế tâm - sinh - vật lý của con ngườiđem lại sự bất an, khổ đau là hoại khổ.

Hành khổ nghĩa là  các pháp do nhân duyên tạo thành đều vô thường, sinh diệt trong từng sát na nên tạo ra khổ. Thân thể, thế giới, hoàn cảnh sống, các trạng thái tâm lý của con người  như đã nói đều do nhân duyên sinh nên phải chịu sự tác động của vô thường, khi thay đổi thì đưa đến khổ. Cho nên trong các sự vận hành, các hiện tượng đều chứa đựng sẳn mầm mống của khổ, gọi là hành khổ.

Tuy nhiên, mọi đau khổ đều có xuất phát từ nội tâm bất an và có cội rễ từ vô minh, ái dục. Mặc dù vô thường là căn nguyên của mọi khổ đau trong cuộc sống, nhưng nguyên nhân chính của khổ lại nằm trong nhận thức và thái độ sống tích cực hay tiêu cực của con người. Sự vật luôn biến đổi vô thường mà ta cứ ngỡ và mong ước chúng là bình thường, trường tồn mãi mãi. Chính nhận thức sai lạc này đã phát sinh ra mọi đau khổ.

Cần phải nhận diện khổ đau để chấp nhận đồng thời tìm ra nguyên nhân và phương pháp diệt khổ. Như vật khổ đau là chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế. Chỉ cần nhận thức toàn triệt về khổ thì các chân lý khác sẽ hiện bày ra. Do vậy, chung ta phải quán sát, nhận thức thường trực về khổ đau trong thực tại cuộc sống và cả trong ý thức. Như chúng ta đau bệnh chỉ có thể trị được bệnh ý thức được rằng chúng ta đang bệnh. Cũng vậy, con người muốn giải thoát khỏi khổ đau trong cuộc sống thực tại, trước hết phải thừa nhận chúng ta đang bị khổ đau chi phối, bức bách thường trực. Chính sự ảo tưởng về cuộc đời là hạnh phúc, bị ràng buộc vào vật chất thế gian, sự dễ dãi trong quan hệ giới tính... con người tự mình gông xiềng chính mình và không thể nào vượt lên để hướng đến giải thoát bản thân và làm cho mình an tịnh.  

Cần phải can đảm nhìn thẳng vào khổ đau để giải quyết mọi vấn đề phát sinh từ nó, đó là nhận thức căn bản, phương châm tu tập xuyên suốt toàn bộ hệ tư tưởng của Phật Giáo. Căn bản kinh điển của Phật Giáo vẫn không ngoài khổ và con đường diệt khổ này. 

Pháp ấn thứ ba: VÔ NGÃ

Vô ngã (Anatma) là giáo lý đặc thù của Phật Giáo. Giáo lý này là hệ quả của quá trình quán sát một cách sâu sắc nguyên lý duyên khởi. Với pháp ấn Vô thường, chúng ta thấy được sự vận động trong tự thân của sự vật và hiện tượng. Nếu nhìn sâu hơn qua lăng kính duyên khởi, ngoài sự vận động thì bản chất của sự vật và hiện tượng luôn mang tính tương tác, kết hợp lẫn nhau mà tạo thành. Do vậy tuyệt nhiên không có tính chủ thể, đồng nhất, bất biến trong nó. Vì thế Phật dạy: “Các pháp là vô ngã”.

Chiếc lá được cấu tạo bởi tứ đại thuộc về vật chất của cả vũ trụ.

Khi thấy chiếc lá vàng rơi, bình thường ta chỉ biết đó là chiếc lá vàng, nhưng nếu nhìn sâu sắc hơn thì trong chiếc lá có những khoáng chất của đất, có ánh sáng ấm áp của mặt trời, có nước từ những đám mây, có gió của bầu trời... và có cả một chút bâng khuâng của lòng người. Như thế, chiếc lá kia được cấu tạo bởi tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thuộc về vật chất của cả vũ trụ mà hợp thành chứ chẳng phải chỉ có một nguyên tố hay phân tử riêng biệt nào tạo nên chiếc lá. Vì vậy trong nó không có riêng một vật chất chủ thể bất biến trường tồn nào. Từ chiếc lá xanh, theo thời gian chuyển qua lá vàng, đó là sự vận động vô thường, nhưng dù lá xanh hay vàng thì bản chất chúng vẫn là những yêu tố duyên khởi tạo nên mà kết hợp lại thành chiếc lá. Do đó chiếc lá vốn là Vô ngã.

Con người cũng vậy, là hợp thể của tứ đại cũng như ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ngay trong bài pháp thứ hai tại Lộc uyển, Đức Phật đã dạy tính vô ngã của thân năm uẩn. “Này các tỳ kheo, sắc (thân thể) này là vô ngã. Này các tỳ kheo, nếu trong sắc có ngã như vậy, sắc không chịu đau khổ và ta có thể tùy ý muốn sắc phải làm thế này hoặc thế kia. Nhưng vì sắc không có ngã (vô ngã), nên sắc này phải chịu khổ đau và không thể tùy ý muốn phải như thế này hay thế kia được”. Thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như thế (Kinh Vô Ngã Tướng). Trong kinh điển Bắc tông, thiền quán về năm uẩn đều “Không” cũng là một trong những giáo lý trọng yếu được thấy trong Bát Nhã Đa Tâm Kinh vậy.

Tuy nhiên, vì nghiệp lực con người luôn lầm tưởng chấp thân năm uẩn này là một thể đồng nhất, có một linh hồn trường tồn theo thời gian, bất biến và không thay đổi, từ mê mờ ấy đã hình thành nên “cái tôi”, “bản ngã” giả tạo, nên con người dễ dàng sanh ra tâm lý  tham dục, mê đắm, sân hận, ôm ấp bảo thủ và chấp dính vào những gì thuộc về năm uẩn (cái của tôi). Thế nhưng, mọi sự vật hiện tượng luôn sinh diệt, chuyển biến trong từng sác na (tích tắc). Sự sinh thành và hoại diệt của năm uẩn là kết quả của các điều kiện nhân duyên và quá trình tồn tại cũng như thay đổi đến hoại diệt luôn là một sự thật cho con người, tất cả muôn loài và mọi vật.

Vì không nhận thức được tính vô ngã của vạn sự, vạn vật (vô minh), nên chúng ta cứ chấp thủ tham, sân, si, mạn, nghi và đó cũng là cội nguồn của mọi tà kiến, khổ đau. Pháp ấn vô ngã không những xác thực tiên quyết tính pháp định của Chánh pháp mà còn mang đặc thù của giáo lý đạo Phật. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...