24 thg 4, 2024

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

***

Sự bất ổn bắt nguồn từ việc áp đặt quan điểm của mình vào người khác. Khi bạn nhìn thấy mọi mặt của sự việc và thấu hiểu nó, bạn sẽ không còn muốn nói điều gì nữa. Mọi vấn đề đều có nguyên nhân và điều kiện để tạo ra nó. Đây là bản chất của thế gian. Khi thấy mọi người làm những điều ngu ngốc cũng là một phần của thế gian, và mình chẳng thể làm được gì nhiều, bạn mỉm cười và buông bỏ.

***

26 thg 2, 2024

ĐÔI LỜI NHẮN GỬI THẾ GIAN

Chân Tâm.

 

Đạo Phật ngày nay được hiểu khá lệch lạc và nông cạn, không còn giữ được những giá trị cốt lõi. Con người hiện tại đã hướng Đạo Phật theo một tư tưởng đa thần giáo hoặc nhất thần giáo, thậm chí còn biến tướng thành tà giáo cực đoan. Họ biến Đức Phật và các vị Thánh hiền thành công cụ thỏa mãn những ước vọng của họ thông qua hũ tục lễ bái, cúng kiến và cầu xin. Họ thông minh, nên họ nghĩ rằng chẳng phải tốn kém sức lực gì mà vẫn có thể đạt được thành tựu, chỉ cầu xin, bố thí dăm bạc lẻ là được an vui, họ phó mặc trách nhiệm cho thần, Phật và ung dung rung đùi ngồi hưởng lạc. Ý nghĩ ấy thật sự quá ngây thơ.

Chúng ta cần phải nhận thức lại Đạo Phật. Đạo Phật là đạo cứu khổ, đạo Pháp mang đến cho con người giá trị thực tế về nhu cầu giải thoát khỏi khổ đau trong cuộc sống, mang lại những giá trị sống cao đẹp, hạnh phúc và bình an, bằng chính hành động thực tiễn của mình chứ không phải chỉ bằng sự cầu xin. Chúng ta lễ lạy Đức Phật không phải vì Ngài là thần thánh hay thượng đế mà chính là vị thầy đáng kính của mình. Chúng ta tôn kính vì Ngài đã dạy cho chúng ta tu sửa bản thân để trở thành một người lương thiện, đạo đức và sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua những Pháp môn mà Đức Phật giảng dạy, chúng ta phải học, phải hiểu và phải thực hành thì mới nhận được kết quả của bình an và hạnh phúc, mới giải thoát khỏi khổ. Đó là cốt lõi của đạo Phật. Đó cũng là điều mà chúng ta cần tư duy và thấu hiểu.

Trên thực tế, những ai đã trải qua đau khổ cùng cực, những ai đã đủ khổ rồi và có nhu cầu thoát khổ, thì họ mới tiếp cận với Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca. Còn lại đa số mọi người đến với Phật giáo vì thỏa mãn ham muốn dục lạc cho bản thân: tài sản, địa vị, danh lợi và sự cứu rỗi.

Khi đã chọn cho mình con đường đi đến sự bình yên và hạnh phúc đích thực, hãy sáng suốt lựa chọn đúng đường. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ và sâu sắc về đạo Phật. Đạo Phật là gì? Bối cảnh hình thành lịch sử Phật giáo ra sao? Lý do gì mà đạo Phật xuất hiện trên thế gian này? Vị giáo chủ của Phật giáo là ai? Sự nghiệp thành đạo của Đức Phật như thế nào? Ý nghĩa của Phật Pháp là gì? Phật Pháp mang lại giá trị gì cho cuộc sống? Chúng ta phải giải đáp được hết những câu hỏi này mới xứng đáng làm đệ tử của Phật. Hãy tự hỏi mình rằng, “Điều gì quan trọng nhất trong đời sống, chúng ta làm tất cả mọi thứ vì cái gì?” Hiểu rõ mục tiêu sống để đừng biến cuộc đời mình trở nên vô nghĩa.

Cuối cùng tôi muốn gửi đến các bạn một ý nghĩa sâu xa mà thiền sư Ajahn Brahm đã chia sẻ, đó là câu chuyện về một con giun quá yêu thích đống phân nơi nó sống đến nổi không sẳn lòng từ bỏ, kể cả khi nó được hứa hẹn một nơi như trên thiên đường. Nhiều người thích ở yên trong đống phân của họ. Bạn lôi họ ra ngoài một chút, và rồi họ lại quyết định bò vào trong. Con giun xem đống phân như là điều quan trọng nhất trong đời.

Sự buông bỏ có vẻ đẹp và sự an bình lớn, nhưng do hầu hết mọi người chưa hiểu về khổ, họ không nhận ra điều này. Nhiều người thích ngụp lặn trong sung sướng của dục lạc và cho đó là hạnh phúc. Tôi đã từng như vậy, đã làm vậy, và tôi biết thế nào là khổ. Mọi người cho rằng họ cần tự mình trải nghiệm, vậy là họ đưa tay vào lửa và tất nhiên, bị lửa đốt cháy. Rồi họ nhận ra Đức Phật đã đúng. Nhưng lúc này họ đã bị ràng buộc quá chặt vào thế gian.

Nhận thức sai lầm khiến chúng ta đi sai đường và tiến dần đến vực thẳm của khổ. Khi chúng ta nằm dưới đáy vực, vật vã với đống phân, lúc ấy chúng ta mới biết trân trọng những điều mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta thấy hối tiếc vì đã tiêu phí quá nhiều thời gian cho những ảo tưởng của mình. Nhưng đừng tuyệt vọng! Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp cận với Chánh Pháp. Hãy thức tỉnh, bước ra khỏi đống phân và thực hành theo lời Đức Phật. Đã đến lúc bạn nên thay đổi nhận thức của mình.

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 

25 thg 2, 2024

HIỂU VỀ VÔ THƯỜNG

Chân Tâm

Trong cuộc sống, có những lúc bạn lo lắng về một điều gì đó. Chẳng hạn, bạn nâng niu một cái ly. “Tôi rất thích cái ly này, tôi hy vọng nó không bao giờ vỡ” và khi có người chạm vào nó, bạn nói, “Đừng làm vỡ cái ly đó!” Vài bữa sau, một con chó làm vỡ nó. Bạn la lên: “Tao muốn giết con chó đó!” Bạn căm ghét con chó vì nó làm vỡ cái ly yêu quý của bạn. Nếu có người nào đó làm vỡ cái ly đó, bạn cũng sẽ ghét họ luôn. Tại sao vậy? Bởi vì bạn đang bám víu vào cái ly đó, bạn bị ràng buộc vào sự sở hữu về một thứ gì đó như là "cái của tôi", và nó trói chặt bạn lại. Dính mắc vào cái ly khiến bạn đau khổ, lo lắng vì sợ mất nó. Điều này rất dễ dàng nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Thực tế, bạn có thể ngăn cản một thứ gì để nó đừng hư hoại được không? Không! Nó sẽ hư hoại, sớm hay muộn thôi. Đó là bản chất của nó. Nếu bạn không làm vỡ cái ly đó, một người khác sẽ làm. Đức Phật bảo chúng ta nên hiểu rõ điều này, Ngài nhìn thấy rằng, cái ly này vốn đã vỡ rồi. Sự hiểu biết của Đức Phật là như thế. Ngài nhìn thấy cái ly vỡ bên trong cái ly chưa vỡ. Mỗi khi bạn dùng cái ly này, bạn nên suy ngẫm rằng nó đã vỡ. Khi thời gian đến, đủ nhân duyên, nó sẽ vỡ. Hãy dùng cái ly, hãy chăm sóc nó, cho đến ngày nó tụt khỏi tay bạn và vỡ tan. Không sao cả. Bởi vì bạn đã nhìn thấy sự vỡ tan của nó từ trước!

Cùng thế ấy, mọi sự việc không có gì là chắc chắn. Tất cả đều vô thường. Mọi thứ đều thay đổi. Cảm xúc của bạn vô thường và cơ thể của bạn cũng thế. Khi bạn biết được bản chất của chúng sinh khởi trong tâm và buông bỏ nó, đó là bạn hiểu Đạo. Sự bình an chính là khi bạn hiểu nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Như cách mà bạn nhìn thấy cái ly sẽ vỡ tan vào một ngày nào đó.


23 thg 2, 2024

PHÚC LẠC CỦA ĐOẠN DIỆT

Thiền sư Ajahn Brahm

Càng đi sâu vào con đường buông xả để mọi thứ tan đi, bạn sẽ hiểu sự sâu xa trong lời dạy của Đức Phật. Khi nhận ra sáu căn, giống như lửa, tự nhiên bạn phản ứng bằng cách làm chúng dịu lại cho đến khi không còn lửa, không còn nhiên liệu để cháy, không còn gì nữa. Các căn càng biến mất, bạn càng thấy nhiều tự do hơn, và thiền cứ vậy xảy ra như một phần của quá trình. Bạn hiểu con đường là một sự dịch chuyển về phía trống rỗng. Bạn nhận ra “không có gì đáng để bám vào” Hiểu điều này đã tốt đẹp, nhưng trải nghiệm nó còn tốt đẹp hơn nhiều.

Đôi lúc bạn nghĩ có thể mình không thể tĩnh lặng hơn được nữa, nhưng rồi bạn vẫn thực hiện. Ít thứ chuyển động hơn, nhiều thứ biến mất hơn. Những niềm vui tột bậc cũng không sánh được với trải nghiệm thiền sâu. Tâm càng ngày càng trống rỗng, ngày càng tĩnh lặng, ngày càng phúc lạc. Bạn hiểu tại sao niết bàn tức sự đoạn diệt lại là phúc lạc và niềm vui tối thượng. Con đường bình an và tri kiến là con đường hạnh phúc: nó là con đường hạnh phúc nhất bạn có thể đi, và càng đi sâu, nó càng hạnh phúc hơn. Khi mọi người đi vào con đường ấy và tu tập của họ thăng hoa, nó có tác động tự thúc đẩy bên trong giống như quả bóng tuyết: trong quá trình lăn xuống dưới đồi, quả bóng tuyết càng lúc càng lớn hơn và nhanh hơn; tu tập cũng mỗi lúc một sâu hơn. Phần khó khăn duy nhất là lúc mới đầu.

Một khi bắt đầu nhận thức được phúc lạc, bạn cũng bắt đầu trải nghiệm mọi Pháp trên thế gian ngay ở đó, trong tâm bạn. Bạn thấy toàn bộ Tam tạng kinh điển mở ra khi các căn biến mất và tâm đi vào trạng thái phúc lạc. Các uẩn được nhìn nhận chỉ như chúng là. Bạn hiểu tại sao các căn đang bốc cháy, tại sao chúng ta khổ, và bạn chối bỏ tất cả. Bạn có một cảm giác chối bỏ, tức nibbida, từ đó bạn không chấp thủ, bạn đi tới đoạn diệt, mọi thứ chấm dứt. Đây là cách bạn trở nên tự do, giải thoát khỏi tất cả. Con đường tri kiến, phúc lạc, và thiền định này ở ngay trong tâm bạn. Tất cả những gì bạn cần là làm theo hướng dẫn: ngồi xuống, lặng lẽ, quan sát, và đừng dính mắc. Dần dần trải nghiệm thiền định tự nó sẽ mở ra.

(Trích trong Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất - Thiền Sư Ajahn Brahm)


20 thg 2, 2024

NGUỒN GỐC CỦA SỰ BẤT ỔN

Chân Tâm

"Tôi chỉ sống phù hợp với chân lý chứ không sống bằng quan điểm thế gian!"

Bạn sẽ thấy rằng, khi bạn sống bằng quan điểm thế gian, bạn sẽ luôn gặp khó khăn, lo lắng và khổ sở. Bởi quan điểm là thứ khiến con người luôn tạo ra mâu thuẫn, gây ra xung đột, chiến tranh và đổ máu. Và điều này được minh chứng ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Hãy quan sát, khi bạn ở một mình, hành động và suy nghĩ của bạn có khi xảy ra mâu thuẫn. Khi bạn ở cùng với người khác, xung đột xảy ra giữa bạn và người đó. Khi có một tập thể, chúng ta lại kết bè kéo phái gây chia rẽ nội bộ. Khi có nhiều quốc gia, chúng ta lại xung đột dẫn đến chiến tranh tàn khốc...

Mọi thứ ấy đều bắt nguồn từ quan điểm khác biệt, dẫn đến những điều không như ý mình và hình thành tiêu cực, chống đối thù địch lẫn nhau. Bản chất của con người luôn hiếu thắng và cho rằng quan điểm của mình mới là chân lý. Nhưng họ đã sai ngay từ nhận thức này.

Chân lý là điều bình thường và giản dị nhất trong cuộc sống. Chân lý chỉ có một, và không ai có thể chối cãi hay áp đặt quan điểm của mình vào nó được. Ví dụ: không ăn thì đói, ăn thì no; hoặc có sinh thì có diệt.... Đó là chân lý, điều mà ai cũng biết nhưng không thể chối cãi. Chân lý dung hoà tất cả mọi thứ trong thế gian này, bản chất của nó đều tuỳ thuộc vào nguyên nhân, điều kiện mà tạo ra kết quả. Điều quan trọng là nguyên nhân đó bắt nguồn từ đâu? Từ thái độ sống phù hợp với chân lý hay từ quan điểm sai lầm mà tạo ra bình an hay đau khổ.

Chân lý ở khắp mọi nơi, trong từng sự việc bạn làm và bạn nghĩ. Nhưng tiếc thay, bạn không sống với nó. Khi sự việc xảy ra, điều bạn quan tâm không phải là vấn đề có phù hợp với chân lý hay không, mà là có hợp với bản ngã của bạn, quan điểm của bạn hay không, mọi thứ có hợp ý mình hay chưa? Bạn phải biết rằng, không có thứ gì trên đời có thể làm bạn hài lòng mãi được. Nếu bạn vẫn cứ sa vào những thứ suy nghĩ cực đoan như vậy, thì cuộc sống của bạn sẽ rất khổ sở, và không có được hạnh phúc và bình an.


18 thg 2, 2024

TAM PHÁP ẤN - TÍNH CHẤT CỦA TỰ NHIÊN

Chân Tâm

Có sáu cảnh giới mà chúng ta thường lặn ngụp mỗi ngày: trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Đôi lúc bạn đang rất vui sướng, hưởng cực lạc ở cảnh giới trời, nhưng lát sau, ai đó làm bạn tức giận, hoặc đau đớn, bạn lại rơi vào cảnh giới địa ngục. Bạn cứ trôi lăn như thế suốt ngày này, đến ngày nọ, đến tận lúc chết và tiếp tục trong kiếp lai sinh. Dầu bạn đang ở cảnh giới nào thì kết quả cũng chỉ dẫn đến khổ. Kể cả khi bạn đang tận hưởng bình an và hạnh phúc trong thiền, hay đang trải nghiệm sự vui thích trong cuộc sống, nếu bạn bám chấp vào những thứ đó, bạn sẽ khổ.

Tu hành là quá trình đưa chúng ta bước lên từng bậc thang của đỉnh cao giác ngộ, khi bạn lên càng cao, bạn càng thấy rõ hơn, bạn có cái nhìn bao quát về một bức tranh toàn cảnh và bạn hiểu bản chất thật của cuộc đời.

Khi đã hiểu, bạn đang thực chứng lời dạy của Đức Phật thông qua trải nghiệm thực tế của mình, không chỉ bằng lý thuyết. Từ cái nhìn bao quát ấy, bạn nhận ra rằng dính mắc vào bất cứ thứ gì đều là khổ cả. Khi bạn hiểu khổ một cách trọn vẹn, bạn có động lực cho sự tu hành của mình và buông bỏ dính mắc. Mọi thứ không còn quan trọng với bạn, kể cả cơ thể và những thứ bên bên ngoài. Cuối cùng, bạn xả bỏ hoàn toàn ảo tưởng về một "cái tôi hiện hữu".

Càng tiến sâu hơn trên con đường đạo, bạn càng nhận ra rằng ngay từ đầu mọi thứ chỉ là giả tạm, tạm hợp rồi tạm tan, tạm sinh rồi tạm diệt. Tất cả chỉ tồn tại vận hành theo quy luật tự nhiên và không thuộc sở hữu của bất cứ đối tượng nào, ngay cả cơ thể của bạn. Chúng chỉ mang tính chất của vô thường, khổ và vô ngã. Nếu thật sự giác ngộ điều này, bạn sẽ không còn đắm chìm trong thế giới các giác quan, với tên gọi và hình tướng, mà tiến dần về tĩnh lặng. Bạn không tạo ra cho mình một bản ngã nào nữa. Mọi thứ trở nên lắng dịu và không còn sinh khởi. Bạn được giải thoát và bình an. Đó thật sự là một điều tuyệt diệu!


Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Sự bất ổn bắt nguồn từ việc áp đặt quan điểm của mình vào người khác.  Khi bạn nhìn thấy mọi mặt của sự việc và thấu hiểu nó, bạn sẽ khô...