26 thg 2, 2024

ĐÔI LỜI NHẮN GỬI THẾ GIAN

Chân Tâm.

 

Đạo Phật ngày nay được hiểu khá lệch lạc và nông cạn, không còn giữ được những giá trị cốt lõi. Con người hiện tại đã hướng Đạo Phật theo một tư tưởng đa thần giáo hoặc nhất thần giáo, thậm chí còn biến tướng thành tà giáo cực đoan. Họ biến Đức Phật và các vị Thánh hiền thành công cụ thỏa mãn những ước vọng của họ thông qua hũ tục lễ bái, cúng kiến và cầu xin. Họ thông minh, nên họ nghĩ rằng chẳng phải tốn kém sức lực gì mà vẫn có thể đạt được thành tựu, chỉ cầu xin, bố thí dăm bạc lẻ là được an vui, họ phó mặc trách nhiệm cho thần, Phật và ung dung rung đùi ngồi hưởng lạc. Ý nghĩ ấy thật sự quá ngây thơ.

Chúng ta cần phải nhận thức lại Đạo Phật. Đạo Phật là đạo cứu khổ, đạo Pháp mang đến cho con người giá trị thực tế về nhu cầu giải thoát khỏi khổ đau trong cuộc sống, mang lại những giá trị sống cao đẹp, hạnh phúc và bình an, bằng chính hành động thực tiễn của mình chứ không phải chỉ bằng sự cầu xin. Chúng ta lễ lạy Đức Phật không phải vì Ngài là thần thánh hay thượng đế mà chính là vị thầy đáng kính của mình. Chúng ta tôn kính vì Ngài đã dạy cho chúng ta tu sửa bản thân để trở thành một người lương thiện, đạo đức và sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua những Pháp môn mà Đức Phật giảng dạy, chúng ta phải học, phải hiểu và phải thực hành thì mới nhận được kết quả của bình an và hạnh phúc, mới giải thoát khỏi khổ. Đó là cốt lõi của đạo Phật. Đó cũng là điều mà chúng ta cần tư duy và thấu hiểu.

Trên thực tế, những ai đã trải qua đau khổ cùng cực, những ai đã đủ khổ rồi và có nhu cầu thoát khổ, thì họ mới tiếp cận với Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca. Còn lại đa số mọi người đến với Phật giáo vì thỏa mãn ham muốn dục lạc cho bản thân: tài sản, địa vị, danh lợi và sự cứu rỗi.

Khi đã chọn cho mình con đường đi đến sự bình yên và hạnh phúc đích thực, hãy sáng suốt lựa chọn đúng đường. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ và sâu sắc về đạo Phật. Đạo Phật là gì? Bối cảnh hình thành lịch sử Phật giáo ra sao? Lý do gì mà đạo Phật xuất hiện trên thế gian này? Vị giáo chủ của Phật giáo là ai? Sự nghiệp thành đạo của Đức Phật như thế nào? Ý nghĩa của Phật Pháp là gì? Phật Pháp mang lại giá trị gì cho cuộc sống? Chúng ta phải giải đáp được hết những câu hỏi này mới xứng đáng làm đệ tử của Phật. Hãy tự hỏi mình rằng, “Điều gì quan trọng nhất trong đời sống, chúng ta làm tất cả mọi thứ vì cái gì?” Hiểu rõ mục tiêu sống để đừng biến cuộc đời mình trở nên vô nghĩa.

Cuối cùng tôi muốn gửi đến các bạn một ý nghĩa sâu xa mà thiền sư Ajahn Brahm đã chia sẻ, đó là câu chuyện về một con giun quá yêu thích đống phân nơi nó sống đến nổi không sẳn lòng từ bỏ, kể cả khi nó được hứa hẹn một nơi như trên thiên đường. Nhiều người thích ở yên trong đống phân của họ. Bạn lôi họ ra ngoài một chút, và rồi họ lại quyết định bò vào trong. Con giun xem đống phân như là điều quan trọng nhất trong đời.

Sự buông bỏ có vẻ đẹp và sự an bình lớn, nhưng do hầu hết mọi người chưa hiểu về khổ, họ không nhận ra điều này. Nhiều người thích ngụp lặn trong sung sướng của dục lạc và cho đó là hạnh phúc. Tôi đã từng như vậy, đã làm vậy, và tôi biết thế nào là khổ. Mọi người cho rằng họ cần tự mình trải nghiệm, vậy là họ đưa tay vào lửa và tất nhiên, bị lửa đốt cháy. Rồi họ nhận ra Đức Phật đã đúng. Nhưng lúc này họ đã bị ràng buộc quá chặt vào thế gian.

Nhận thức sai lầm khiến chúng ta đi sai đường và tiến dần đến vực thẳm của khổ. Khi chúng ta nằm dưới đáy vực, vật vã với đống phân, lúc ấy chúng ta mới biết trân trọng những điều mà Đức Phật đã dạy. Chúng ta thấy hối tiếc vì đã tiêu phí quá nhiều thời gian cho những ảo tưởng của mình. Nhưng đừng tuyệt vọng! Đây cũng là cơ hội để chúng ta tiếp cận với Chánh Pháp. Hãy thức tỉnh, bước ra khỏi đống phân và thực hành theo lời Đức Phật. Đã đến lúc bạn nên thay đổi nhận thức của mình.

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 

25 thg 2, 2024

HIỂU VỀ VÔ THƯỜNG

Chân Tâm

Trong cuộc sống, có những lúc bạn lo lắng về một điều gì đó. Chẳng hạn, bạn nâng niu một cái ly. “Tôi rất thích cái ly này, tôi hy vọng nó không bao giờ vỡ” và khi có người chạm vào nó, bạn nói, “Đừng làm vỡ cái ly đó!” Vài bữa sau, một con chó làm vỡ nó. Bạn la lên: “Tao muốn giết con chó đó!” Bạn căm ghét con chó vì nó làm vỡ cái ly yêu quý của bạn. Nếu có người nào đó làm vỡ cái ly đó, bạn cũng sẽ ghét họ luôn. Tại sao vậy? Bởi vì bạn đang bám víu vào cái ly đó, bạn bị ràng buộc vào sự sở hữu về một thứ gì đó như là "cái của tôi", và nó trói chặt bạn lại. Dính mắc vào cái ly khiến bạn đau khổ, lo lắng vì sợ mất nó. Điều này rất dễ dàng nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Thực tế, bạn có thể ngăn cản một thứ gì để nó đừng hư hoại được không? Không! Nó sẽ hư hoại, sớm hay muộn thôi. Đó là bản chất của nó. Nếu bạn không làm vỡ cái ly đó, một người khác sẽ làm. Đức Phật bảo chúng ta nên hiểu rõ điều này, Ngài nhìn thấy rằng, cái ly này vốn đã vỡ rồi. Sự hiểu biết của Đức Phật là như thế. Ngài nhìn thấy cái ly vỡ bên trong cái ly chưa vỡ. Mỗi khi bạn dùng cái ly này, bạn nên suy ngẫm rằng nó đã vỡ. Khi thời gian đến, đủ nhân duyên, nó sẽ vỡ. Hãy dùng cái ly, hãy chăm sóc nó, cho đến ngày nó tụt khỏi tay bạn và vỡ tan. Không sao cả. Bởi vì bạn đã nhìn thấy sự vỡ tan của nó từ trước!

Cùng thế ấy, mọi sự việc không có gì là chắc chắn. Tất cả đều vô thường. Mọi thứ đều thay đổi. Cảm xúc của bạn vô thường và cơ thể của bạn cũng thế. Khi bạn biết được bản chất của chúng sinh khởi trong tâm và buông bỏ nó, đó là bạn hiểu Đạo. Sự bình an chính là khi bạn hiểu nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Như cách mà bạn nhìn thấy cái ly sẽ vỡ tan vào một ngày nào đó.


23 thg 2, 2024

PHÚC LẠC CỦA ĐOẠN DIỆT

Thiền sư Ajahn Brahm

Càng đi sâu vào con đường buông xả để mọi thứ tan đi, bạn sẽ hiểu sự sâu xa trong lời dạy của Đức Phật. Khi nhận ra sáu căn, giống như lửa, tự nhiên bạn phản ứng bằng cách làm chúng dịu lại cho đến khi không còn lửa, không còn nhiên liệu để cháy, không còn gì nữa. Các căn càng biến mất, bạn càng thấy nhiều tự do hơn, và thiền cứ vậy xảy ra như một phần của quá trình. Bạn hiểu con đường là một sự dịch chuyển về phía trống rỗng. Bạn nhận ra “không có gì đáng để bám vào” Hiểu điều này đã tốt đẹp, nhưng trải nghiệm nó còn tốt đẹp hơn nhiều.

Đôi lúc bạn nghĩ có thể mình không thể tĩnh lặng hơn được nữa, nhưng rồi bạn vẫn thực hiện. Ít thứ chuyển động hơn, nhiều thứ biến mất hơn. Những niềm vui tột bậc cũng không sánh được với trải nghiệm thiền sâu. Tâm càng ngày càng trống rỗng, ngày càng tĩnh lặng, ngày càng phúc lạc. Bạn hiểu tại sao niết bàn tức sự đoạn diệt lại là phúc lạc và niềm vui tối thượng. Con đường bình an và tri kiến là con đường hạnh phúc: nó là con đường hạnh phúc nhất bạn có thể đi, và càng đi sâu, nó càng hạnh phúc hơn. Khi mọi người đi vào con đường ấy và tu tập của họ thăng hoa, nó có tác động tự thúc đẩy bên trong giống như quả bóng tuyết: trong quá trình lăn xuống dưới đồi, quả bóng tuyết càng lúc càng lớn hơn và nhanh hơn; tu tập cũng mỗi lúc một sâu hơn. Phần khó khăn duy nhất là lúc mới đầu.

Một khi bắt đầu nhận thức được phúc lạc, bạn cũng bắt đầu trải nghiệm mọi Pháp trên thế gian ngay ở đó, trong tâm bạn. Bạn thấy toàn bộ Tam tạng kinh điển mở ra khi các căn biến mất và tâm đi vào trạng thái phúc lạc. Các uẩn được nhìn nhận chỉ như chúng là. Bạn hiểu tại sao các căn đang bốc cháy, tại sao chúng ta khổ, và bạn chối bỏ tất cả. Bạn có một cảm giác chối bỏ, tức nibbida, từ đó bạn không chấp thủ, bạn đi tới đoạn diệt, mọi thứ chấm dứt. Đây là cách bạn trở nên tự do, giải thoát khỏi tất cả. Con đường tri kiến, phúc lạc, và thiền định này ở ngay trong tâm bạn. Tất cả những gì bạn cần là làm theo hướng dẫn: ngồi xuống, lặng lẽ, quan sát, và đừng dính mắc. Dần dần trải nghiệm thiền định tự nó sẽ mở ra.

(Trích trong Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất - Thiền Sư Ajahn Brahm)


20 thg 2, 2024

NGUỒN GỐC CỦA SỰ BẤT ỔN

Chân Tâm

"Tôi chỉ sống phù hợp với chân lý chứ không sống bằng quan điểm thế gian!"

Bạn sẽ thấy rằng, khi bạn sống bằng quan điểm thế gian, bạn sẽ luôn gặp khó khăn, lo lắng và khổ sở. Bởi quan điểm là thứ khiến con người luôn tạo ra mâu thuẫn, gây ra xung đột, chiến tranh và đổ máu. Và điều này được minh chứng ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Hãy quan sát, khi bạn ở một mình, hành động và suy nghĩ của bạn có khi xảy ra mâu thuẫn. Khi bạn ở cùng với người khác, xung đột xảy ra giữa bạn và người đó. Khi có một tập thể, chúng ta lại kết bè kéo phái gây chia rẽ nội bộ. Khi có nhiều quốc gia, chúng ta lại xung đột dẫn đến chiến tranh tàn khốc...

Mọi thứ ấy đều bắt nguồn từ quan điểm khác biệt, dẫn đến những điều không như ý mình và hình thành tiêu cực, chống đối thù địch lẫn nhau. Bản chất của con người luôn hiếu thắng và cho rằng quan điểm của mình mới là chân lý. Nhưng họ đã sai ngay từ nhận thức này.

Chân lý là điều bình thường và giản dị nhất trong cuộc sống. Chân lý chỉ có một, và không ai có thể chối cãi hay áp đặt quan điểm của mình vào nó được. Ví dụ: không ăn thì đói, ăn thì no; hoặc có sinh thì có diệt.... Đó là chân lý, điều mà ai cũng biết nhưng không thể chối cãi. Chân lý dung hoà tất cả mọi thứ trong thế gian này, bản chất của nó đều tuỳ thuộc vào nguyên nhân, điều kiện mà tạo ra kết quả. Điều quan trọng là nguyên nhân đó bắt nguồn từ đâu? Từ thái độ sống phù hợp với chân lý hay từ quan điểm sai lầm mà tạo ra bình an hay đau khổ.

Chân lý ở khắp mọi nơi, trong từng sự việc bạn làm và bạn nghĩ. Nhưng tiếc thay, bạn không sống với nó. Khi sự việc xảy ra, điều bạn quan tâm không phải là vấn đề có phù hợp với chân lý hay không, mà là có hợp với bản ngã của bạn, quan điểm của bạn hay không, mọi thứ có hợp ý mình hay chưa? Bạn phải biết rằng, không có thứ gì trên đời có thể làm bạn hài lòng mãi được. Nếu bạn vẫn cứ sa vào những thứ suy nghĩ cực đoan như vậy, thì cuộc sống của bạn sẽ rất khổ sở, và không có được hạnh phúc và bình an.


18 thg 2, 2024

TAM PHÁP ẤN - TÍNH CHẤT CỦA TỰ NHIÊN

Chân Tâm

Có sáu cảnh giới mà chúng ta thường lặn ngụp mỗi ngày: trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Đôi lúc bạn đang rất vui sướng, hưởng cực lạc ở cảnh giới trời, nhưng lát sau, ai đó làm bạn tức giận, hoặc đau đớn, bạn lại rơi vào cảnh giới địa ngục. Bạn cứ trôi lăn như thế suốt ngày này, đến ngày nọ, đến tận lúc chết và tiếp tục trong kiếp lai sinh. Dầu bạn đang ở cảnh giới nào thì kết quả cũng chỉ dẫn đến khổ. Kể cả khi bạn đang tận hưởng bình an và hạnh phúc trong thiền, hay đang trải nghiệm sự vui thích trong cuộc sống, nếu bạn bám chấp vào những thứ đó, bạn sẽ khổ.

Tu hành là quá trình đưa chúng ta bước lên từng bậc thang của đỉnh cao giác ngộ, khi bạn lên càng cao, bạn càng thấy rõ hơn, bạn có cái nhìn bao quát về một bức tranh toàn cảnh và bạn hiểu bản chất thật của cuộc đời.

Khi đã hiểu, bạn đang thực chứng lời dạy của Đức Phật thông qua trải nghiệm thực tế của mình, không chỉ bằng lý thuyết. Từ cái nhìn bao quát ấy, bạn nhận ra rằng dính mắc vào bất cứ thứ gì đều là khổ cả. Khi bạn hiểu khổ một cách trọn vẹn, bạn có động lực cho sự tu hành của mình và buông bỏ dính mắc. Mọi thứ không còn quan trọng với bạn, kể cả cơ thể và những thứ bên bên ngoài. Cuối cùng, bạn xả bỏ hoàn toàn ảo tưởng về một "cái tôi hiện hữu".

Càng tiến sâu hơn trên con đường đạo, bạn càng nhận ra rằng ngay từ đầu mọi thứ chỉ là giả tạm, tạm hợp rồi tạm tan, tạm sinh rồi tạm diệt. Tất cả chỉ tồn tại vận hành theo quy luật tự nhiên và không thuộc sở hữu của bất cứ đối tượng nào, ngay cả cơ thể của bạn. Chúng chỉ mang tính chất của vô thường, khổ và vô ngã. Nếu thật sự giác ngộ điều này, bạn sẽ không còn đắm chìm trong thế giới các giác quan, với tên gọi và hình tướng, mà tiến dần về tĩnh lặng. Bạn không tạo ra cho mình một bản ngã nào nữa. Mọi thứ trở nên lắng dịu và không còn sinh khởi. Bạn được giải thoát và bình an. Đó thật sự là một điều tuyệt diệu!


16 thg 2, 2024

HIỂU VỀ GIỚI, ĐỊNH VÀ TUỆ

Thiền sư Ajahn Chah

Chúng ta ngồi thiền để thiết lập sự bình an, chứ không phải để đua theo xu hướng thời đại. Thiền Minh Sát tự nó là Thiền Chỉ. Nhưng có người nói, “Bây giờ chúng ta thiền, rồi sau đó chúng ta sẽ thiền minh sát”. Đừng tách rời chúng như thế! Sự tĩnh lặng là cơ sở để phát triển trí huệ. Trí huệ là kết quả của sự tĩnh lặng. Nói rằng chúng ta thiền chỉ, rồi sau sẽ thiền minh sát – bạn không thể làm vậy! Bạn chỉ có thể tách rời chúng trong sách vở, nhưng trên thực tế nó là một. Cũng như với con dao, có lưỡi dao và có lưng dao; bạn không thể tách rời chúng. Sự tĩnh lặng dẫn đến sự phát sinh trí huệ cũng như thế đó.

Đức hạnh là cha mẹ của Pháp. Lúc đầu, chúng ta phải có đức hạnh. Đức hạnh cũng là sự bình an. Điều này có nghĩa là lời nói và hành động phải trong sạch. Khi chúng ta không làm sai, chúng ta không bị kích động, sự bình an và điềm tĩnh phát sinh.

Cho nên chúng ta nói rằng Giới, Định, Tuệ là đạo mà các vị Thánh Nhân đã đi để đạt đến sự giác ngộ. Sự thật thì ba thứ này là một: Giới luật là Thiền định, và Thiền định là Giới luật; Thiền định là Trí huệ, và Trí huệ là Thiền định. Cũng giống như một trái xoài. Khi nó là hoa, chúng ta gọi nó là hoa. Khi nó trở thành trái, ta gọi nó là trái xoài. Khi nó chín, ta gọi nó là một trái xoài chín. Nó luôn là một trái xoài, nhưng nó liên tục thay đổi. Chúng ta có thể gọi nó bằng những cái tên khác nhau hay cùng một tên. Trái xoài từ lúc là một nụ hoa, trưởng thành rồi chín. Bất kể người ta gọi nó là gì không thành vấn đề. Một khi nó sinh ra, nó lớn lên và già đi, và rồi đi đâu? Chúng ta nên quán chiếu điều này.

(Trích trong bài thuyết giảng của thiền sư Ajahn Chah)


15 thg 2, 2024

ĐÚNG VÀ SAI – TÀ KIẾN

Thiền sư Ajahn Chah.


Trong việc huấn luyện tâm, không dễ gì có thể tìm được một tiêu chuẩn tốt nếu bạn vẫn chưa phát triển cái “tâm chứng kiến” bên trong chính mình. Nhưng chúng ta có thể lấy Giáo pháp làm tiêu chuẩn. Chúng ta có Giáo pháp chưa? Chúng ta suy nghĩ có đúng không? Và nếu sự suy nghĩ đã đúng, chúng ta có thể xả bỏ sự đúng đó chưa hay vẫn còn dính mắc vào đó?

Đây là điều quan trọng: bạn phải quán chiếu cho đến khi bạn đạt tới một điểm nơi mà bạn xả bỏ, nơi không có một thứ gì nữa, nơi không có tốt hay xấu, đúng hay sai, được hay mất. Rồi bạn vứt nó đi. Bạn vứt bỏ tất cả. Nếu tất cả đã ra đi hết, thì đâu còn có gì khiến bạn phải khổ nữa.

Cùng thế ấy, tất cả những thứ thuộc về cái bên ngoài, hãy để chúng với cái bên ngoài. Đừng mang vào trong. Hãy nhận biết, biết mà không nắm giữ, biết và để sự việc diễn ra một cách tự nhiên.

Nếu biết Giáo pháp, bạn phải biết theo cách này. Đó là, biết trong một cách có thể vượt lên khổ đau. Loại kiến thức này rất quan trọng. Biết cách chế tạo đồ đạc, biết cách dùng các dụng cụ, biết tất cả những công nghệ và kỹ thuật của thế gian – những thứ này đều có chỗ dụng của nó, nhưng chúng không phải là kiến thức tối thượng. Bạn không cần phải biết thật nhiều; chỉ bấy nhiêu là đủ để tu hành – biết và buông bỏ. Bạn không cần phải chết trước khi có thể vượt lên khổ đau. Bạn vượt lên sự khổ đau ngay trong đời này bởi vì bạn biết cách giải quyết vấn đề. Bạn biết cái bên ngoài, bạn biết cái bên trong. Hãy biết chúng ngay trong đời này, trong khi bạn tu hành ở đây.

Phật pháp làm sao có thể dạy điều gì khác hơn là sự thật? Nhưng dầu nó là sự thật, đừng vội tin! Bạn phải tự mình trải nghiệm. Nếu bạn bám vào nó một cách mù quáng, nó trở thành sai. Cũng như khi bạn nắm cái đuôi con rắn. Nếu bạn không thả ra, con rắn sẽ quay lại cắn bạn. Cứ thử đi. Nếu bạn không thả ra, nó không có sự lựa chọn nào khác hơn là cắn bạn. Thế giới của những hình sắc cũng như thế. Chúng ta sống thuận theo những quy ước mà chúng ta đặt ra, nhưng nếu chúng ta bám chặt vào chúng, chúng dẫn đến đau khổ.

Mỗi khi chúng ta cảm thấy mình rất đúng, đến độ chúng ta không còn muốn xem xét một thứ gì khác hay nghe ý kiến một người nào khác, chúng ta trở thành sai. Chúng ta có tà kiến. Khi đau khổ phát sinh, nó đến từ đâu? Từ tà kiến.

Nếu bạn hiểu bản chất của những quy ước, bạn có thể sống bình an. Nhưng nếu bạn tin rằng một người, một vật, cái đúng “của tôi”, cái sai “của họ”, v.v… là nhưng phẩm chất có thực, bạn sẽ phải cười và khóc vì chúng. Nếu chúng ta xem những thứ đó là “của chúng ta”, chúng chắc chắn sẽ làm bạn đau khổ.

Cho nên, “Hãy thư giãn, đừng bám giữ sự việc”. “Đúng” chỉ là một sự giả định, cứ để nó đi qua. “Sai” cũng là một điều kiện bên ngoài, cứ để nó là thế. Nếu bạn cảm thấy mình đúng và những người khác cho là bạn sai, đừng tranh cãi, cứ buông bỏ nó. Bạn vừa nhận biết ra, là buông bỏ ngay. Đây là con đường thẳng.

Nhưng thường thì không như vậy. Thông thường người ta không chịu thua. Đó là tại sao có nhiều người, ngay cả những người tu hành mà chưa hiểu biết chính mình, có thể thốt ra những điều rất tệ, đến nỗi không ai muốn nghe. Thế mà họ nghĩ là họ khôn ngoan hơn những người khác. Lại có người không thể lắng nghe Pháp, nhưng họ nghĩ là họ khôn, là họ đúng. Họ chỉ quảng bá cái tệ hại của mình.

Đó là tại sao kẻ trí nói, “Bất cứ lời nói nào không hiểu biết sự vô thường đều không phải là lời của kẻ trí, mà là lời của người ngu. Nó là lời nói lừa gạt của một người không biết rằng sự khổ đang phát sinh ngay tại đó”. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên ứng xử một cách bình thường với tất cả mọi sự việc. Nếu chúng ta không thật sự nghiền ngẫm điều này, ảo tưởng sẽ vẫn nằm bên trong chúng ta – chúng ta sẽ chìm đắm trong “cái tôi”, “cái của tôi”, tài sản, địa vị, sự khen tặng. Bởi vì chúng biến chúng ta trở thành một thứ khác: chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt hơn trước, rằng chúng ta là một thứ gì đặc biệt.

Còn nhiều hơn thế nữa. Sự tu hành ngày càng trở nên tế nhị hơn. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy Giáo pháp, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang nói đúng khi sự thật là bạn sai, và bạn rời xa bản chất thật của sự việc với mỗi lời nói. Nói ngắn gọn: bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm mà mang đến khổ đau đều là tà kiến. Nó là sự ảo tưởng.

Đa số con người không nghĩ như thế. Bất cứ thứ gì họ thích, họ nghĩ là đúng, họ tin tưởng ngay. Nếu họ nhận một món quà, một tước hiệu mới, hay một sự thăng chức, hay ngay cả một lời khen tặng, họ cho rằng điều đó là tốt đẹp, là vĩ đại và rồi lòng kiêu hãnh của họ được thổi phồng lên. Họ không xem xét, “Ta là ai? Cái gọi là tốt đẹp này ở đâu vậy? Nó từ đâu đến? Những người khác có cùng thứ đó không?”

Thật ra, con người không là một thứ gì cả. Bất cứ chúng ta là gì, nó chỉ ở thế giới bên ngoài. Nếu chúng ta lấy đi cái vẻ bên ngoài và nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy rằng không có thứ gì ở đó cả. Chỉ là những tính chất vô thường của thế gian – sinh vào lúc đầu, thay đổi ở lúc giữa, và diệt ở lúc cuối. Nếu chúng ta nhìn thấy điều này, vấn để sẽ không thể phát sinh, và chúng ta có sự bình an và mãn nguyện.

(Trích trong bài thuyết giảng của Thiền sư Ajahn Chah).


14 thg 2, 2024

HAI MẶT CỦA THỰC TẠI

Chân Tâm

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy mọi thứ đều có hai mặt của nó. Nhưng con người thường thích cái đẹp, cái tốt và không thích cái xấu xí, cái hư hoại. Như hoa và rác vậy. Chúng ta thường bị quyến rũ bởi cái yêu thích. Nếu có thứ gì tốt đẹp chúng ta cứ bị dính vào nó, cái này đẹp, cái kia đẹp, anh này đẹp, cô kia đẹp... Bạn hãy ngắm nhìn một bông hoa. Cái hoa này có đẹp không? Bạn thấy gì bên trong đó? Nó đẹp như thế được bao lâu? Trong vài ngày, khi nó tàn phai, bạn có vứt nó đi không? Và rồi nó có trở thành rác không?

Đức Phật dạy chúng ta hãy nhìn cho thật kỹ, và nhận biết đúng bản chất của sự việc, chứ đừng bám dính vào nó. Hai mặt tốt và xấu như bàn tay của chúng ta vậy, khi lật ngữa nó trắng, lập úp nó đen, nhưng bạn không thể tách rời hai mặt trái ngược ấy khỏi bàn tay được. Thực tại luôn chứa đựng cả hai mặt của nó. Hạnh phúc hay khổ đau, hoặc sự tốt đẹp hay xấu xí đều nằm ngay đó, và chúng là những thứ không thật, chúng luôn biến đổi, chúng không trường tồn. Không có gì là chắc chắn cả. Đây là một chân lý. Chúng ta “đầu tư” sức lực và tâm trí vào những thứ tạm bợ như thế, rồi chúng ta chịu khổ, cứ bám lấy như kiểu chúng thuộc về mình. Cái đẹp hiển lộ và nhanh chóng tàn phai. Kẻ trí thấy rõ điều đó.

Chúng ta nên tập nhìn sự việc thuận theo tự nhiên như thế. Và rồi chúng ta sẽ nhìn thấy sự thật bên trong những thứ không thật. Chúng ta đi từ vô mình đến giác ngộ. Sự hiểu biết phát sinh từ sự không biết, hạnh phúc phát sinh từ khổ đau. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Trong hoa sẳn có rác. Trong rác sẳn có hoa. Hoa và rác không hai. Mê và giác tương tức”.

Tu hành là để hiểu bản chất của sự vic, xả bỏ sự dính mắc, phiền não không còn phát sinh. Bình an khởi lên khi khổ đau tan biến. Hai mặt của thực tại không còn chi phối chúng ta nữa. Đây là con đường Trung Đạo. Chúng ta không còn nghiêng về một bên nào nữa. Chúng ta không thích cũng không ghét điều gì, bởi chúng ta đã thấu hiểu nó rõ ràng. Đó đơn giản chỉ là hai mặt của cuộc sống mà thôi.

Hương vị của Phật Pháp cũng giống như một thứ trái cây, khi tôi nói với bạn là nó ngọt, bạn chưa thể hình dung được, bạn phải tự mình trải nghiệm và nếm được vị ngọt ấy như thế nào.

 

13 thg 2, 2024

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC! (tiếp theo và hết)

Truyện ngắn    

Chân Tâm.

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC!

Người đàn ông ngồi lặng im, đôi mắt nhoè đi vì nhìn chăm chăm mãi vào chiếc lá bồ đề trên tay. Anh ta ngồi rất lâu trong tư thế ngồi thiền. Một mình, trên chiếc ghế đá, dưới tán cây. Trời đã tối hẳn, vài ngôi sao lấp lánh trên đỉnh đầu. Bất giác, anh mỉm cười, nhẹ nhàng buông bỏ chiếc lá xuống, hít một hơi dài như trút đi gánh nặng. Có lẽ anh đã hiểu ra điều gì từ chiếc lá ấy, chiếc lá mang tên "giác ngộ".

Có một đứa bé sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm 3 tuổi, lần đầu tiên trong đời đứa bé ấy đã chứng kiến sự tan nát của một gia đình không hạnh phúc. Khi ấy cậu chỉ biết chui vào một góc và sợ hãi. Đó là dấu ấn mà cậu không bao giờ quên, nó in sâu trong tâm trí cậu mãi tận bây giờ. Từ lúc ấy, cha mẹ cậu mỗi người một nơi. Cậu đi theo mẹ. Cuộc sống vật vã với cơm áo gạo tiền đè nặng lên người mẹ gầy gò ốm yếu. Cậu bé thương mẹ lắm, thấy mẹ buồn, nhưng chẳng biết phải làm sao.

Hồi học lớp 4, mẹ có một số người bạn ghé thăm, mẹ vui lắm. Họ bày cho mẹ đi chỗ này chỗ kia, cậu bé biết mẹ buồn, nên muốn gặp ai đó để khuây khỏa, cậu cũng vui vì điều đó. Mỗi tối mẹ đi chơi, cậu ở nhà học bài và trông nhà đợi mẹ. Khi rãnh, thì chơi với mấy đứa cùng xóm, khi không ai chơi thì tự chơi một mình. Mẹ về có lúc thì 8h, nhưng có lúc đến tận giữa đêm. Đứa bé buồn ngủ nhưng không dám ngủ vì sợ ma, và mong ngóng mẹ. Hồi ấy, ba tháng nghĩ hè, mẹ gửi cậu về ngoại cho dì chăm, và cậu bé chỉ được gặp mẹ vỏn vẹn có 3 lần trong suốt kỳ nghỉ. Cậu nhớ mẹ lắm!

Thời gian cứ trôi, tuổi thơ cậu bé cứ lững lờ như chiếc lá trên dòng nước. Năm học lớp 9, đứa bé được cha đón về bên nội ở để tiện bề chăm nom, nhưng cha thì lại ở bên nhà vợ mới. Từ lúc về ở nhà nhà nội, cậu đã có cảm giác một nơi mà đối với cậu là địa ngục. Cha cậu thường nạt nộ và đánh đập, các bà cô thì hùa lại chửi bới đuổi xua. Cậu bị mắc chứng bệnh trầm cảm vì sợ hãi lo lắng bởi sự tàn bạo của cha mình và sự khinh ghét của những người bên nội. Khi học xong lớp 11, cậu có ý định bỏ đi, thoát khỏi căn nhà ám ảnh đó. Cậu bắt đầu một cuộc sống đầu đường xó chợ. Cậu sống nhờ những người bạn, có được chén cơm ăn, nằm dưới mái hiên để ngủ. Nhưng cậu bé cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc lạ thường, bởi cậu đã giải thoát khỏi nơi địa ngục ấy. Rồi cậu bé gia nhập vào nhóm xã hội đen, tham gia vào những vụ án phi pháp, và đương nhiên, cái kết là sa vào tù tội. Lúc người cha hay tin cậu bị công an bắt, ông đã vội vã chạy đến nơi, thì cậu đã bị tống giam vào ngục. Không thể thăm hỏi, không được phép tiếp xúc hay nói lời nào với cậu. Ông lo lắng, tìm đủ mọi cách để vận động nhà trường cùng chính quyền địa phương tìm cách để cứu lấy con trai của mình.

Ngày ra tù, cậu bé đã tự hứa với lòng rằng sẽ làm lại cuộc đời. Cậu bé bây giờ đã là anh thanh niên rồi. Anh quyết tâm tiếp tục việc học để bù đắp lỗi lầm và công ơn cha mẹ. Anh đỗ tú tài, sau đó học tiếp đại học ngành xây dựng. Tuy nhiên, không phải lựa chọn nào cũng phù hợp với mình. Anh không thể theo đuổi sự nghiệp của người kỹ sư xây dựng, bởi không đủ sức khoẻ. Anh lại long đong khắp nơi tìm công việc phù hợp cho mình. Một hôm, cha anh hẹn ra gặp mặt và nói với anh rằng: “Hãy cố gắng trở nên có ích. Con phải trở thành một Kiến trúc sư hoặc chí ít cũng phải tốt nghiệp đại học Kiến Trúc thì cha chết mới có thể an lòng”. Anh thương cha, không để cha phải bận tâm về anh nữa. Anh bắt đầu tiếp tục bương chãi, học tập điên cuồng, tìm cách lấy cho được bằng đại học Kiến Trúc. Và rồi, ngày ấy thực sự đã đến, anh đã làm được điều mà anh tưởng chừng không thể. Anh bước vào trong buổi lễ tốt nghiệp với niềm hãnh diện và kiêu ngạo của mình. Nghĩ rằng mọi thứ anh muốn, anh đều có thể làm được. Anh bắt đầu công việc kiếm tiền rất thuận lợi, và lần đầu tiên trong 5 năm, anh có thể tiết kiệm một số tiền lớn để mua nhà và ăn chơi thoả thích. Vì kiếm tiền quá dễ, anh sa vào những thú vui thâu đêm và những cuộc tình chóng vánh… Nhưng ở đời đâu có gì là vui mãi. Mọi thứ chỉ là một giấc mộng. Anh trượt dài trong trong vũng bùn tội lỗi và bắt đầu mất dần mọi thứ. Sự nghiệp lao dốc, tài sản bốc hơi, những người bên cạnh anh lần lượt rời bỏ, thậm chí con bé mà anh yêu quý nhất cũng không còn trên cõi trần này nữa. Cuộc đời dạy cho anh rất nhiều thứ. Đó là những vui thú ngắn ngũi, những cái được và cái mất, những đau thương và tủi nhục. Anh đã trải qua thăng trầm của kiếp người, cho đến lúc anh chán chường và ngã quỵ. Anh bất cần tất cả và bỏ mặc nó tự trôi.

Thời gian thấm thoát đi qua, giờ anh đã ngoài bốn mươi, trở thành một người đàn ông với hai bàn tay trắng. Đồng lương ít ỏi của anh chỉ đủ nuôi thân và phụ cho người mẹ già. Bệnh tim của anh lại làm gánh nặng thêm cho gia đình. Người đàn ông đánh mất chính mình trong những giây phút sai lầm của tuổi trẻ. Giờ đây, anh chợt nhận ra mình đã hoang phí quá nhiều cho những thứ rác rưởi ở thế gian này. Anh đau khổ và tuyệt vọng, anh nuốt vội nước mắt trong sự tiếc nuối muộn màng, bởi mọi thứ không còn trở lại như xưa được nữa.

Một ngày kia, anh tình cờ đọc một quyển sách của vị thiền sư người Anh. Trong sự chán đời vô vị ấy, anh cứ đọc, cứ đọc, và rồi anh chợt như vỡ òa vì vui sướng. Cảm tưởng như có một bàn tay nhẹ nhàng nâng anh dậy sau một giấc ngủ dài mộng mị của cuộc đời. Người thầy tôn kính. Người đã cho anh cơ hội sống lại với chính mình. Từng câu chữ như xâu chuỗi lại quãng đời vô nghĩa của anh và khiến anh nhìn thấu rõ vào chân lý - một mặt khác rất nhiệm màu của sự sống. Anh bắt đầu thực hành theo cuốn sách. Nó đã trở thành tài sản quý giá nhất mà anh có được lúc cuối đời của mình. Hằng ngày anh luôn dành thời gian còn lại sau giờ làm việc để ngồi thiền, tập tĩnh lặng. Đã được gần 4 năm rồi, anh luôn cần mẫn như thế. Tâm anh dần trở nên sáng suốt và hiểu biết hơn trước. Anh không còn tự dằn vặt mình và người khác, anh tha thứ tất cả, anh buông xả để có được bình an và hạnh phúc đích thực trong tâm hồn. Anh biết mình đang trở nên có ích, và trở nên sống tốt hơn với bản thân và người khác. Anh cũng biết định tâm rất quan trọng, bởi nếu anh chỉ cần lơ là một chút, anh sẽ tự làm khổ mình. Rồi anh nguyện với lòng nếu anh không còn mẹ nữa, anh sẽ đi tu.

Ai đã từng tu tập thực sự, hẳn sẽ biết rằng thử thách cuộc đời là điều không tránh khỏi. Anh cũng vậy, anh cũng đang gặp một thử thách lớn tiếp theo. Đó là câu chuyện tình cờ, anh gặp một cô gái xinh đẹp trên mạng. Anh nghĩ rằng mình có thể tự tin làm một người bạn bình thường với cô ấy, không có gì phải bận tâm nhiều. Tuy nhiên… có một sức hút kỳ lạ. Một cô gái đến với anh như trong câu truyện cổ tích. Viễn cảnh một cuộc hôn nhân mĩ mãn và hạnh phúc nhất trần đời. Anh chống cự, nhưng bản năng trỗi dậy và suýt nữa anh không thể làm chủ được mình. 

Nhớ lời thầy dạy. “Hạnh phúc đích thực có được khi tâm luôn bình an và tĩnh lặng”. Anh quyết sẽ không chịu thua, không để ham muốn ấy lôi anh xuống địa ngục thêm một lần nào nữa. Bởi anh biết rằng nếu bước thêm bước nữa thì khổ đau chờ đợi anh phía trước. Anh sẽ cố hết sức có thể…

Đêm đã khuya dần, anh vẫn ngồi đó, trên chiếc ghế đá, hồi tưởng lại những năm tháng đã qua của mình. Anh đang nhìn lại cuộc đời, và mãn nguyện vì giờ đây anh được giải thoát khỏi khổ, khỏi sự giam cầm của quá khứ và ảo tưởng tới tương lai. Anh ở ngay đây, ngay giây phút này, nhìn những chiếc lá vàng rơi, nhìn chung quanh bằng đôi mắt nhân từ và thấu hiểu. Anh hiểu được tất cả đều vô thường, mọi thứ đều có nguyên nhân, điều kiện và kết quả, như cuộc đời của anh vậy. Anh biết mình thật may mắn, trải qua bao khó khăn, bên anh còn có người vợ luôn tận tụy vì chồng, chăm lo cho anh từng miếng ăn giấc ngủ. Anh sẽ tận hưởng thời gian còn lại của mình trong niềm vui an bình và hạnh phúc đích thực. Mọi thứ vẫn cứ lặng trôi, hãy luôn mĩm cười và đón nhận tất cả. Đời là những nốt thăng, nốt trầm, như một bản nhạc tình ca du dương trong vũ điệu cuộc sống.

 

9 thg 2, 2024

BUÔNG BỎ LÀ GÌ?

Chân Tâm

Trong tu tập Phật pháp, chúng ta thường hay nói về sự buông bỏ để đạt đến giác ngộ. Thực vậy, mục đích tu tập Phật pháp là xả bỏ mọi thứ, khi chúng ta buông bỏ, phải thật tâm buông bỏ và nó sẽ biến mất. Các bậc giác ngộ là những người mất mác lớn, họ mất mọi thứ, bởi họ buông bỏ mọi thứ để được an lạc, giải thoát và tự do.

Vậy sự buông bỏ là gì? Tại sao chúng ta lại buông bỏ? Làm cách nào để ta có thể buông bỏ mọi thứ hiện hữu đang “thuộc” về chúng ta?

Nói đến sự buông bỏ, đó chỉ là khái niệm qua lời nói, chứ thực ra chẳng có gì để buông bỏ cả. Bởi thực chất tất cả vạn vật trong vũ trụ không thuộc về riêng ai. Kể cả trong cuộc sống của chúng ta, tất cả mọi thứ mà chúng ta đang sở hữu, chưa sở hữu hoặc không sở hữu, như là những thứ vật chất hữu hình (một hạt bụi, một mớ tiền, một cơ ngơi sang trọng, một con vật hay con người...), hoặc những của cải trong đầu ta chẳng hạn (ý nghĩ, tình cảm, thù hận, mong muốn, ghét bỏ...) và tất cả v.v... Nó đều là một pháp trong vạn pháp, là một vật chất trong tất cả mọi vật chất ở trên thế gian này. Bản chất của chúng chỉ là tự tánh chân thật của vạn pháp, vậy thôi! Mọi thứ, chúng hòa quyện vào nhau như những vệt sơn tạo nên bức tranh tổng thể về cuộc đời vậy.

Khi ta có những ham muốn, những mong cầu, ước vọng, thì ta còn bị ràng buộc vào bản ngã của mình, ta luôn muốn sở hữu mọi thứ trên thế gian này. Nhưng thực chất ta đang cố làm một điều không thể. Bởi vật chất nó hiện hữu như chính nó là ở trong thế giới tự nhiên, cho nên khi ta muốn sở hữu, đó chỉ là sự ham muốn có được của ta, chứ thật sự chúng không thuộc về bất cứ ai, cũng không thuộc về bất cứ thứ gì cả.

Nó là chính nó, chúng có mặt trong tự nhiên này là do nhân duyên mà sanh, và cũng do nhân duyên mà tự diệt, không có một năng lực ý chí nào ngăn cản được sự sinh diệt của chúng. Nên nói như vậy để hiểu, dầu rằng bạn đang sở hữu chúng, nhưng đó chỉ là sự sở hữu tạm bợ mà thôi. Một sự sở hữu ước lệ theo luật lệ thế gian đặt ra cho cái gọi là có được cái gì đó. Thực ra, bạn chẳng sở hữu được bất cứ thứ gì, ngay cả cơ thể của bạn. 

Khi chúng ta được sinh ra, bất cứ ai cũng không thể theo ý muốn của mình. Bạn muốn có một cơ thể xinh đẹp không? Muốn được sinh ra trong gia đình giàu có không? Hay muốn sở hữu tất cả mọi thứ trên thế gian không? Nhưng điều mong muốn đó là không thể được. Bởi cơ thể và hoàn cảnh sống của bạn là do nghiệp báo và phước báo mà bạn đã làm trong quá khứ và tương lai thì nằm ngay trong hành động của bạn ở phút giây này. Bạn chẳng thể nắm giữ  được cái gì. Đó là một điều chắc chắn, ngay từ đầu, mọi thứ đều không thuộc về bạn, và cái không thuộc về ai đó sẽ làm bạn đau khổ nếu bạn đặt quá nhiều kỳ vọng vào nó. Mọi thứ hiện hữu một cách tự nhiên như cỏ, cây, hoa, lá, đất, cát, chim muôn và con người trong thiên nhiên vậy. Và bạn đừng nghĩ rằng mình có thể sở hữu được chúng.

Hãy nhìn vào thiên nhiên, những bông hoa, những thân cây, tảng đá... chúng vẫn tĩnh lặng, vẫn an bình như thế, và chúng chẳng cần phải sở hữu gì, chúng vẫn có sự hiểu biết, nhưng chỉ là cái Biết, vậy thôi! Không như chúng ta cứ suy tư để tìm cách chiếm hữu mọi thứ. Cái bản ngã của bạn khi nó còn hiện hữu, nó khiến bạn làm vô số thứ tệ hại, khiến bạn luôn ham muốn và sợ hãi, luôn thấy thiếu thốn và khao khát để chiếm hữu, để mang vào trong nó, thỏa mãn với nó. Nhưng bạn đâu biết, nó cũng chỉ là một pháp trong tự nhiên, bản chất riêng của nó là thế, cũng như bản chất riêng của cái cây, bản chất của hòn sỏi, nó cũng chỉ xuất hiện trên thế gian này như nó là, thế mà bạn xem nó là của bạn. Cơ thể này cũng vậy, cũng như tất cả mọi thứ, cơ thể này cũng là vật chất, như động vật, thực vật, mọi thứ... thuộc về tự nhiên. Bạn không nên dính mắc vào chúng.

Nghĩ như thế, bạn hiểu được rằng thế gian này chẳng có gì. Cuộc đời chúng ta cứ chạy theo hết thứ này đến thứ khác. Bởi chúng ta đang mê lầm. Nó không có thật, nó chẳng thuộc về ai. Vậy buông bỏ chẳng qua chỉ là buông bỏ vậy thôi, chứ thực sự bạn đâu có gì để buông bỏ.

Hãy thức tĩnh, bạn phải rời khỏi giấc mộng ấy, và hiểu rằng mình chỉ là sự trống rỗng, mình chẳng có gì, kể cả xác thân này, kể cả ý nghĩ, kể cả những ham muốn... những thứ như thế chúng luôn có mặt trên thế gian bởi vì chúng có mặt như vậy thôi! Chúng rất vô thường, rất tạm bợ. Do vậy, bạn dính mắc tới chúng, chỉ tạo thêm khổ cho bạn và cứ lẩn quẩn mãi luân hồi, không thể giải thoát được. Khi bạn hiểu được rằng sự thật bạn là ai, bạn sẽ biết được những thứ bạn đang dính mắc tới liệu nó có thật không hay chỉ là bản ngã của bạn dựng lên bằng ham muốn? Hãy tự suy ngẫm đi nhé!


8 thg 2, 2024

CÂU CHUYỆN "NĂM THẦY BÓI MÙ XEM VOI"

Chân Tâm

Hơn ai hết, trong chúng ta thuở bé đều đã được đọc qua câu chuyện "Năm thầy bói mù xem Voi", nhưng rất ít ai hiểu rõ hàm ý sâu xa của câu chuyện này. Thậm chí khi bạn đã già vẫn chỉ hiểu một cách rất giới hạn về ý nghĩa câu chuyện đó.

Nếu ai đó có thể lục lọi trong ký ức của mình, hoặc tìm đọc lại câu chuyện ấy, liệu nó mang đến cho bạn một cái gì đó, như là thấu hiểu về bản thân mình và cuộc sống. Hãy suy ngẫm để có được một bức tranh toàn vẹn về chân lý cuộc đời.

Chúng ta như những thầy bói mù ấy, khi trí tuệ bị che mờ bởi vô minh. Bạn sờ nắn, nhìn, nghe và cảm nhận mọi vật bằng sự hiểu biết hời hợt của mình. Ví như một người mù sờ vào chân Voi và cho rằng con Voi giống cái cột đình, người mù khác sờ vào tai Voi và phán quyết cho rằng con Voi phải giống như cái quạt v.v... Nhưng trên thực tế con Voi hoàn toàn khác, bạn chỉ thấy được một hoặc hai khía cạnh của sự việc mà thôi, và bạn nghĩ rằng mình đã đúng. Và cứ thế phán xét mọi thứ theo cách nhìn nhận và khái niệm mà bạn tự đặt ra cho bản thân và cho người khác. Cứ thế, chúng ta chấp thủ quan điểm và xung đột lẫn nhau về những gì mình thấy và cảm nhận được. Những thói quen trong cách hiểu biết sự việc đó tạo ra nhận thức sai lầm, chủ nghĩa cá nhân về một "cái tôi" được hình thành trong bạn. Chúng ta đang tạo ra khổ cho chính mình.

Điều đó thể hiện rằng bạn vẫn chưa hiểu gì về cuộc sống, những gì đang đợi bạn ở phía trước. Một khi bản ngã vẫn còn khống chế cuộc đời bạn, thì nó vẫn còn che lấp trí tuệ hiểu biết của bạn. Cuộc sống cứ mãi trôi, và con người cứ loay hoay trong luân hồi từ đời sống này đến đời khác... Cho đến khi bạn mệt mỏi và tuyệt vọng, bạn muốn dừng lại tất cả mọi thứ. Vậy thì hãy buông bỏ đi. Hãy để yên cho lòng mình lắng dịu và tĩnh lặng. Khi có trí tuệ, thấu suốt vào chân lý, bạn sẽ có cái nhìn rõ nét bức tranh toàn cảnh về cuộc đời. Cũng như nhìn một cách đầy đủ và chính xác về con Voi. Khi ấy bạn sẽ không còn phán xét, không còn áp đặt quan điểm vào thứ gì nữa, không có gì để nghĩ, không có gì để bàn, bạn để chúng thuận theo tự nhiên, không cần can thiệp vào điều gì nữa. 

Bằng cách buông bỏ quan điểm, tiêu trừ bản ngã, bạn hiểu được lời dạy của Đức Phật. Từ đó bạn sửa đổi lại nhận thức của mình. Hạnh phúc phát sinh khi chúng ta biết buông bỏ những thứ làm ta đau khổ, ràng buộc và giới hạn. Rồi bạn sẽ được tự do, không còn là nô lệ của bất cứ thứ gì. Lúc ấy bạn sẽ tận hưởng niềm phúc lạc vô tận. 


7 thg 2, 2024

BẠN THÍCH KIỂU TỰ DO NÀO HƠN?

Thích Châu Viên 

Chuyển ngữ từ cuốn sách  "Opening the Door of Your Heart" của Thiền sư Ajahn Brahm

Hai vị tăng sĩ người Thái được mời đến nhà một vị cư sĩ để thọ trai. Trong căn phòng khách nơi mà các vị đang ngồi, có đặt một bể nuôi cá cảnh rất đẹp với nhiều loài khác nhau. Nhà sư trẻ hơn than phiền rằng việc nuôi cá trong chậu kiến là trái ngược với giáo lý từ bi trong nhà Phật. Nó giống như nhốt chúng trong một nhà tù. Những chú cá này đã làm gì sai mà bây giờ phải bị tống giam trong nhà tù với bốn vách tường bằng kính xung quanh?

Chúng nên được tự do bơi lội trong những dòng sông và các ao hồ, đi đến bất cứ nơi nào chúng thích. Vị sư thứ hai không đồng ý. Điều đó đúng, ngài thừa nhận, những con cá đó không được tự do để làm những điều chúng muốn, nhưng sống trong một cái bể cá chúng sẽ được giải thoát khỏi nhiều mối nguy hiểm. Sau đó ngài liệt kê ra những sự tự do của chúng:

1. Có bao giờ sư nhìn thấy một anh chàng ngư dân thả lưới trong một bể cá trong nhà ai đó chưa? Không! Vì vậy sự tự do thứ nhất của những chú cá trong bể là được thoát khỏi mối nguy hiểm từ những người đánh bắt cá.

Tưởng tượng xem những gì sẽ xảy ra cho một con cá sống trong tự nhiên. Khi chúng thấy một con giun mập mạp hoặc là một con ruồi béo bở chúng không bao giờ có thể chắc chắn rằng liệu đó có phải là miếng mồi an toàn để thưởng thức hay là không. Rất nhiều lần, chúng thấy bạn và bà con thân thuộc của chúng đang xơi một con giun ngon lành thì đột nhiên biến mất mãi mãi. Đối với một con cá trong tự nhiên, kiếm ăn là việc đầy nguy hiểm và kết cục thường là những bi kịch. Mỗi bữa ăn là cuộc mạo hiểm để lại những chấn thương tâm lý nặng nề. Tất cả loài cá chắc chắn bị bệnh tiêu hóa kinh niên hành hạ mà nguyên nhân của căn bệnh là từ nỗi lo lắng luôn rình rập trong mỗi bữa ăn, và những con bị thêm bệnh hoang tưởng chắc chắn sẽ nhịn đói cho đến chết. Cá trong tự nhiên hầu hết rơi vào tình trạng hoảng loạn tinh thần. Còn cá sống trong bể sẽ được thoát khỏi những mối nguy hiểm này.

2. Cá trong tự nhiên cũng sẽ phải lo lắng về những con cá lớn sẽ ăn thịt chúng. Chẳng có con cá bé nào dám đi lang thang trong một con kênh rạch vào ban đêm vì nó quá nguy hiểm cho chúng. Tuy nhiên, không có người chủ nào nuôi cá cảnh để làm mồi cho những con cá khác. Vì vậy cá ở trong bể sẽ thoát khỏi mối nguy hiểm từ những loài cá chuyên ăn thịt đồng loại của chúng.

3. Trong chu trình của tự nhiên, có những lúc cá trong tự nhiên rơi vào cảnh khan hiếm thức ăn. Nhưng đối với cá nuôi trong bể, chúng giống như đang được sống sát bên cạnh một nhà hàng. Một ngày hai bữa, mỗi bữa ăn rất cân đối, đầy đủ chất được đưa đến tận nơi, còn tiện lợi hơn việc giao bánh pizza tận nhà,  bởi vì chúng không cần phải trả thêm phí giao hàng. Do đó cá sống trong bể cũng được thoát khỏi trình trạng đói kém.

4. Những lúc đổi mùa, sông ngòi và ao hồ chính là nơi có nhiệt độ thay đổi nhiều nhất. Mùa đông thì quá lạnh, có lúc đóng băng. Vào mùa hạ, nước trong sông hồ có thể quá nóng đối với cá, đôi khi khô cạn. Nhưng cá trong bể thì có máy điều hòa không khí đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho chúng. Nhiệt độ nước trong bể được giữ ổn định và phù hợp quanh năm suốt tháng. Vì lẽ đó cá sống trong một cái bể được thoát khỏi mối nguy hiểm của cái nóng và lạnh.

5. Khi cá trong tự nhiên bị dịch bệnh, chẳng có ai ở đó để chữa trị cho chúng. Nhưng cá trong bể thì có bảo hiểm y tế miễn phí. Chủ nhân của chúng sẽ gọi một bác sĩ chuyên điều trị bệnh cho cá đến nhà chữa trị cho chúng bất cứ lúc nào chúng có triệu chứng ốm đau. Chúng không cần phải đến phòng khám. Vì vậy cá trong bể được tự do khỏi những mối nguy hiểm về sức khỏe.

Vị sư thứ hai, vị lớn tuổi hơn, kết luận quan điểm của mình. Ngài nói có rất nhiều ưu điểm của cá sống trong một cái bể kính. Đúng là chúng không có tự do để làm những gì chúng muốn và không có tự do bơi từ nơi này đến nơi khác, nhưng chúng được thoát khỏi rất nhiều mối nguy hiểm và lo âu.

Vị cao tăng tiếp tục giải thích rằng điều đó giống như người tu hành sống một cuộc đời đức hạnh khiêm cung. Đúng họ không được tự do để theo đuổi những ham muốn, dục lạc thế gian và ăn chơi đây đó, nhưng mặt khác họ có được rất nhiều sự tự do khác, họ được giải thoát khỏi nhiều mối nguy hiểm và lo âu.

Bạn thích kiểu tự do nào hơn?


Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...