3 thg 2, 2022

CHỮ VIẾT TRÊN ĐÁ, CHỮ VIẾT TRÊN ĐẤT, CHỮ VIẾT TRÊN NƯỚC.

Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tăng Chi Bộ Kinh - Chương 3 - Phẩm Kusinàra / 130

1. - Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người như chữ viết trên nước.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, được tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đá.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đất.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên nước? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên nước.

Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.


2 thg 2, 2022

BẢN CHẤT CẦU NGUYỆN

Thích Châu Viên

Cầu nguyện là một phương pháp tâm linh giúp chúng ta có thể tháo gỡ phần nào những nỗi khổ niềm đau, những suy nghĩ bế tắc, những thái độ tuyệt vọng bị vấp phải trong đời sống hàng ngày.

Thông qua con đường cầu nguyện, mỗi cá nhân như được tiếp thêm năng lượng để làm cho ý chí kiên định và bản thân có niềm tin hơn vào cuộc sống, khi biết mình đã có bến đỗ bình yên vào một đấng thần linh nào đó. Có thể nói “cầu nguyện” là chất liệu không thể thiếu trong đời sống tâm linh mỗi người, đặc biệt hơn, sinh hoạt đó thường được ứng dụng như một món ăn tinh thần của tín đồ trong các tôn giáo.

Trong đạo Phật, phương pháp cầu nguyện đóng vai trò quan trọng đối với các vị xuất gia cũng như hàng Phật tử tại gia, đó là năng lượng với từ trường vô biên, giúp cho hành giả có thể an tịnh thân tâm và cảm thấy thoải mái, sáng suốt hơn sau những phút giây cầu nguyện. Cầu nguyện trong Phật giáo được xem là sợi dây vô hình, có thể thiết lập cầu nối giữa người cầu nguyện và đối tượng hướng đến trên tinh thần từ bi và vô ngã.

Tuy nhiên, câu hỏi người viết muốn nêu ra ở đây là: “Cầu nguyện có thực sự là con đường cứu cánh để dứt trừ hay tháo gỡ những khổ đau như: khủng hoảng kinh tế, bạo lực gia đình, tình yêu lận đận, tình bạn rạn nứt, cầu về một thế giới xa xôi nào đó sau khi chết…?”. Câu trả lời ở đây chắc chắn là “Không!”, bởi vì cầu nguyện là một phương pháp chữa bệnh tạm thời, nó chỉ giống như một liều thuốc an thần giúp cho bệnh nhân giảm đau tức thời. Cầu nguyện giúp cho chúng ta tạm thời lắng xuống những bất an, sầu muộn, nhưng gốc rễ về nguyên nhân của khổ vẫn chưa được đoạn trừ. Phương pháp này cũng giống như lấy đá đè cỏ, cỏ phiền muộn, cỏ bất an sẽ trỗi dậy khi tảng đá được nhấc lên. Cho nên, mục đích chính yếu của người tu Phật là biết chuyển hóa gốc rễ khổ đau từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.

Ngày nay, rất nhiều người đến lễ Phật với mong ước Đức Phật sẽ mang lại cho mình nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái, thực ra đây là một quan niệm không đúng với tinh thần của Phật giáo. Việc thờ phượng Đức Phật dưới hình thức một đấng thần linh, mang đậm tính chất tôn giáo làm chúng ta quên mất việc quan trọng chính yếu là tự nỗ lực tu tập, hành đạo, ứng dụng giáo pháp trong đời sống thực tế để giác ngộ và giải thoát.

Nhiều người có quan niệm rằng, cầu nguyện là phương pháp có thể giải trừ hết phiền não, ác nghiệp của họ. Cho nên cứ đến rằm, ba mươi, mồng một thì người đến chùa làm lễ sám hối thật đông đúc, họ tụng kinh và lạy sám hối với một ước nguyện là xin Đức Phật hiển linh, hãy tha thứ tội lỗi cho con và họ thầm nghĩ rằng hành động bất thiện của mình đã được giải trừ. Trên thực tế, khi trở về với đời sống gia đình, họ không tiếc những lời cay đắng dành cho người thân, nói chuyện thị phi làm tổn thương đến người khác, họ không loại trừ dùng những thủ đoạn để vì những lợi nhuận kinh tế cá nhân trước mắt.

Vào thời Đức Phật, thói quen cầu nguyện của người Ấn Độ chẳng khác chúng ta bây giờ. “Một lần, có một người Bà-la-môn, tên Asibandhakaputta đến hỏi Đức Phật rằng: Ngài có thể làm cho một người sau khi chết được sanh lên cõi thiện lành hay không. Đức Phật hỏi lại Asibandhakaputta rằng, giả như có một người sống hay giết hại sinh mạng, ăn trộm, ăn cắp, nói láo, nói gạt, nhận thức sai lầm và làm điều ác, khi chết đi, nhiều người tụ lại để cầu cho người đó được sanh lên cõi thiện lành. Vậy thì người đó có sanh lên cõi thiện lành nhờ được cầu nguyện hay không? Rõ ràng là không”.

Đức Thế Tôn còn đưa ra hình ảnh minh họa rằng: nếu chúng ta thả tảng đá xuống hồ nước, dù ta ra sức cầu cho tảng đá nổi lên, thì nó vẫn chìm. Cũng như vậy, người sống làm ác, chết sẽ không sanh lên cõi thiện lành được. Ngược lại, chúng ta đổ dầu xuống nước và cầu cho dầu chìm xuống, chúng ta có cầu cách mấy thì dầu cũng không chìm. Cũng như vậy, người sống làm việc thiện, chết sẽ sanh lên cõi thiện lành, dù không cần cầu.

Đức Phật còn dạy:

“Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai”.

Kinh Phật tự thuyết nhấn mạnh rằng: “Sự trong sạch do rửa bằng nước không bao giờ có. Người nào tắm trong dòng nước chân thật và thiện pháp thì người đó mới là trong sạch”.

Đức Phật đã nói: “Người trở nên trong sạch, trở thành thánh nhân”. Đó mới chính là nước thanh tịnh rửa được vô minh phiền não trong tâm của chúng sinh.

Trong Trung bộ kinh, Đức Thế Tôn cũng dạy: “Này thầy Bà-la-môn! Thầy nên tắm, rửa thứ nước mà Như Lai đã dạy là: không nói dối, không làm hại chúng sinh khác, không nên lấy của người khác, không nên bỏn sẻn keo kiệt. Tất cả mọi khổ đau hay hạnh phúc đều do chúng ta tự tạo ra và tự nhận lấy kết quả. Ngược lại, dù thầy có đi đến sông Hằng, tắm gội và uống nước ấy cũng không lợi ích gì cho thầy”.

Người Phật tử phải biết lấy giáo lý nhân quả để làm hệ quy chiếu mà hướng về, chứ không chỉ đơn thuần dành thời gian cho việc cầu nguyện van xin sám hối suông, rồi đâu vẫn còn nguyên đấy. Cầu nguyện phải kết hợp với sống, tu tập đúng theo Chánh pháp thì mới là lời cầu nguyện chân chính và thiết thực nhất. Mỗi hành giả hãy xây dựng cho riêng mình một cõi Tây phương Tịnh độ ngay tại cuộc sống này, thay vì đi tìm những thứ xa xôi hão huyền sau khi chết. Muốn như vậy, hãy ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để chuyển hóa những tâm lý bất an, nỗi phiền muộn, khổ đau để đạt được hạnh phúc thiết thực trong tự tánh của mỗi chúng ta.

Hơn nữa, thay vì cầu nguyện một cách thiếu tuệ giác, chúng ta cần phải áp dụng chân lý Tứ diệu đế hay còn gọi là Tứ Thánh đế mà Đức Phật đã giác ngộ với tuệ giác của mình để giải quyết vấn đề một cách sâu sắc và thực tiễn:

- Thứ nhất là Khổ đế: Chúng ta phải ý thức rõ được những bế tắc, khủng hoảng mà chúng ta đang bị gặp phải là gì?

- Thứ hai là Tập đế: Nguyên nhân chính và phụ dẫn đến khổ đau là gì?

- Thứ ba là Diệt đế: Để có một đời sống hạnh phúc an vui, thì phải cần tháo gỡ những nỗi khổ niềm đau đó.

- Cuối cùng là Đạo đế: Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau và khủng hoảng thông qua Bát chánh đạo. Điều quan trọng ở đây, mỗi hành giả chúng ta cần phải có chánh niệm tỉnh giác, cái nhìn chánh kiến và có chánh tư duy về những tri giác sai lầm, những hành động chúng ta đang làm và phải có ý thức rằng: điều đó có đúng với tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo hay không? Nếu đó là không, thì phải nhận diện và chuyển hóa hành động đó theo một chiều hướng tích cực và đúng đắn.

Mặt khác, thay vì ta dành thời gian để liên tưởng những thứ không tốt đẹp trong quá khứ hoặc cầu nguyện về một tương lai xa vời ngoài tầm tay, thì tốt nhất mỗi Phật tử hãy quán chiếu sự sống trong giây phút hiện tại, mỗi người con Phật hãy nỗ lực tinh tấn tu tập để chuyển hóa bất thiện nghiệp thành thiện nghiệp và thực tập hạnh bố thí. Bởi vì bố thí là nhịp cầu thiết lập tình thân thương giữa ta và người trên nền tảng hiểu rõ vô ngã sở hữu để đạt được hạnh phúc và giá trị thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cuối cùng, một điều cần nhấn mạnh đó là, cầu nguyện là vấn đề không thể thiếu trong mỗi tôn giáo nói chung, trong đạo Phật nói riêng. Tuy nhiên, là người học Phật, chúng ta cần hiểu rằng cầu nguyện không phải là phương pháp cứu cánh giải quyết tất cả các phiền não, tuyệt vọng, bế tắc và khủng hoảng do gặp phải trong đời sống hằng ngày. Phương pháp tối ưu nhất là chúng ta phải áp dụng là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo để chuyển hóa cho được phiền não thành hạnh phúc an vui. 

Thêm vào đó, chúng ta hãy dành thời gian thực tập chánh niệm và thiền định để nhận diện giây phút hạnh phúc trong hiện tại, thay vì đi cầu nguyện những thứ xa vời mà thiếu đi tuệ giác theo tinh thần nguyên thủy của đạo Phật. 


1 thg 2, 2022

12 QUY TẮC QUAN TRỌNG ĐỂ SỐNG NHƯ MỘT THIỀN SƯ

Leo Babauta - Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến

(12 Essential Rules To Live More Like A Zen Monk - Leo Babauta)

Đây là bài viết về một số kinh nghiệm được rút ra từ một người không phải là Thiền sư và cũng không phải là một Phật tử, tuy nhiên họ đã thực tập theo phương pháp thiền để trải nghiệm cuộc sống an lạc mà thiền mang lại cho họ.


LỜI NGƯỜI CHUYỂN NGỮ (NCN):

Dựa theo ý của bài viết, NCN dịch 'Zen monk' là Thiền Sư (thay vì là nhà sư tu Thiền).

"Trong mỗi giây phút, chúng ta sẵn có nhiều cơ-hội hơn là chúng ta nhận biết." - Thích Nhất Hạnh

Tôi không phải là một Thiền Sư, và tôi cũng không xuất gia để trở thành một Thiền Sư. Tuy nhiên, tôi tìm được nguồn cảm hứng tuyệt vời trong lối sống của họ: Họ sống đơn giản, họ chú tâm và tỉnh thức trong mọi hoạt động, mỗi ngày họ sống bình an và thư thái.

Có lẽ bạn cũng không muốn xuất gia trở thành một Thiền Sư, tuy nhiên bạn có thể sống theo phong cách nhà Thiền, bằng cách tuân theo một số quy tắc đơn giản sau đây:

Tại sao chúng ta lại muốn sống như một Thiền Sư? Bởi vì trong cuộc sống, ai trong chúng ta đôi lúc cần ít nhiều sự tập trung, sự yên tĩnh, và sự tỉnh thức, có phải thế không? Trải qua hàng trăm năm, các Thiền Sư nguyện sống cả đời chú tâm vào mọi công việc họ làm, để họ cống hiến và phục vụ người khác. Họ là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, tuy nhiên, ở đây chúng ta không bàn tới chuyện chúng ta có bao giờ luôn sống được, với các lý tưởng tốt đẹp nầy hay không.

Một trong những Thiền Sư mà tôi yêu thích là Thầy Thích Nhất Hạnh, Thầy đã đơn giản hóa các quy tắc, chỉ còn vài chữ như sau: "Mỉm cười, hít thở và đi thật chậm". Chẳng có gì hay hơn thế nữa.

Tuy nhiên, đối với những người muốn có nhiều chi tiết hơn, tôi nghĩ đến việc chia sẻ các sự hiểu biết, và các trải nghiệm mà tôi đã có, khi tôi sống như một Thiền Sư. Tôi không phải là một Thiền Sư... Và, tôi cũng không phải là một Phật Tử theo Thiền Tông. Tuy nhiên, tôi tìm  ra được một số nguyên tắc nhất định, mà có thể áp dụng cho bất cứ ai, không cần biết tôn giáo của họ, hoặc là tiêu chuẩn sống của họ như thế nào.

"Thiền không giúp cho chúng ta có các cảm xúc dâng trào mạnh mẽ, mà Thiền giúp cho chúng ta sự chú tâm khi làm các công việc thường ngày." - Shunryu Suzuki

 1. Mỗi lúc, hãy chỉ làm một công việc thôi.

Quy tắc nầy (và các quy tắc còn lại) đã trở nên quen thuộc đối với quý vị thường hay vào đọc trang mạng nầy của tôi (Zen Habits). Đây là một phần trong triết lý sống của tôi, và cũng là một phần trong cách sống của một Thiền Sư: hãy chỉ làm từng việc, và không làm nhiều việc trong cùng một lúc. Khi chúng ta rót nước, chỉ rót nước. Khi chúng ta ăn, chỉ ăn. Khi chúng ta tắm, chỉ tắm. Không nên cố gắng làm thêm một vài công việc trong khi ăn, hoặc là trong khi tắm. Trong tu  Thiền có câu nói thông dụng như sau: "Khi chúng ta đi bộ, chỉ đi bộ. Khi chúng ta ăn, chỉ ăn."  

2. Hãy làm việc thong thả, và hãy chú tâm khi làm công việc này.

Mỗi lúc chúng ta có thể làm một việc, nhưng chúng ta thường hay làm vội vàng. Thay vào đó, chúng ta nên làm việc thong thả, và chậm rãi. Hãy hành động với sự chú tâm, không vội vã, và không mất trật tự. Điều nầy cần nhiều sự thực hành, nhưng sẽ giúp cho chúng ta tập trung hơn vào công việc đang làm.  

3. Hãy hoàn tất công việc đang làm, trước khi làm công việc kế tiếp.

Tâm chúng ta nên đặt hoàn toàn vào công việc đang làm. Không nên chuyển sang công việc kế tiếp, cho đến khi nào chúng ta hoàn tất công việc đang làm. Nếu vì lý do nào đó nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta, thì chúng ta hãy cố gắng thu xếp, và dọn dẹp công việc đang làm dở dang, trước khi làm công việc mới. Khi chúng ta chuẩn bị xong một miếng bánh mì kẹp (xăng-uých), chúng ta nên dọn dẹp các vật dụng chuẩn bị, lau dọn quầy, và rửa bát dĩa dùng khi chuẩn bị, trước khi chúng ta ăn. Khi chúng ta hoàn tất một công việc làm, tâm chúng ta buông xả và sẽ dễ dàng tập trung hoàn toàn vào công việc kế tiếp. 

4. Làm ít hơn, nhưng hãy làm một cách hoàn thiện nhất.

Một Thiền Sư không sống một cuộc đời lười biếng: ông thức dậy sớm, và một ngày của ông có đầy các công việc cần làm. Tuy nhiên, ông không có một danh sách hoạch định với cả đống việc làm không thể kể xiết, ông có một số công việc chắc chắn sẽ làm vào ngày hôm nay và ngay bây giờ, và ông sẽ không làm nhiều hơn thế. Nếu chúng ta làm ít, chúng ta có thể làm các việc nầy thong thả hơn, làm hoàn thiện hơn, làm với sự tập trung hơn, và kết quả sẽ tốt hơn. Nếu danh sách việc phải làm quá nhiều, chúng ta sẽ làm gấp rút hết việc nầy sang việc khác, và sẽ làm qua loa cho xong, vì vậy tâm chúng ta sẽ không có phút giây nào dừng lại, để suy nghĩ về những gì chúng ta đang làm.

5. Hãy thêm vào một khoảng thời gian trống (khoảng lặng) giữa mỗi công việc làm.

Liên quan đến quy tắc "Làm ít" ở trên, quy tắc nầy dùng để thu xếp lịch trình làm việc, để chúng ta luôn luôn có đủ thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ. Đừng sắp các việc làm cận kề nhau, thay vào đó, chúng ta hãy đặt các khoảng thời gian trống giữa các công việc. Điều nầy giúp cho chúng ta có một lịch trình thoải mái, vì khoảng thời gian trống trong lịch trình sẽ hữu ích, cho công việc nào mà làm mất nhiều thời gian hơn là chúng ta dự định.

6. Tạo ra thói quen như một nghi thức trong công việc.

Các Thiền Sư có nghi thức cho mọi điều họ làm, từ cách ăn uống, cho đến cách lau dọn, cho đến cách thiền định. Nghi thức tạo ra một cảm giác quan trọng, bởi vì phải có sự quan trọng đúng mức mới có nhu cầu viết ra các nghi thức, do đó chúng ta cần phải hoàn toàn chú tâm để thực hành các nghi thức nầy một cách thong thả, và chính xác. Chúng ta không cần phải học các nghi thức của Thiền Tông, chúng ta có thể tự tạo ra quy tắc cho chính mình, như lúc chuẩn bị thức ăn, lúc ăn, lúc lau dọn, những gì chúng ta nên làm trước khi chúng ta bắt đầu làm việc, những gì chúng ta nên làm sau khi chúng ta thức dậy, và trước khi chúng đi ngủ, và những gì chúng ta nên làm trước khi chúng ta tập thể dục. Chúng ta tạo nghi thức cho bất cứ điều gì chúng ta muốn, thật sự là như thế.

7. Hãy tạo ra lịch trình giờ giấc cho công việc làm.

Các Thiền Sư dành các hoạt động nhất định, vào các thời điểm nhất định trong ngày. Thời điểm để tắm, thời điểm để làm việc, thời điểm để lau dọn, thời điểm để ăn. Điều nầy để đảm-bảo các việc làm sẽ được thực hiện thường xuyên. Chúng ta có thể chọn các thời điểm cho các hoạt động của chúng ta, cho dù đó là công việc làm, hoặc là lau dọn, hoặc là thể dục, hoặc là sự suy ngẫm trong yên lặng. Khi chúng ta cảm thấy có sự quan trọng đúng-mức để thực hiện thường xuyên, chúng ta hãy dành một thời điểm cho việc làm nầy.

8. Hãy dành thời gian ngồi thiền.

Trong cuộc sống của một Thiền Sư, ngồi thiền (zazen) là một trong những phần quan trọng nhất trong ngày của họ. Mỗi ngày, họ có một thời gian nhất định để ngồi thiền. Sự thực tập về thiền định thật-sự là việc học hỏi cách sống trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể dành thời gian cho việc ngồi thiền, hoặc là làm những-gì tôi đang làm: tôi xử-dụng việc chạy bộ để thực tập cách sống trong giây phút hiện tại. Chúng ta có thể xử dụng bất kỳ hoạt động nào, miễn là chúng ta làm việc nầy thường xuyên, và thực tập như là cách sống trong giây phút hiện tại. 

9. Hãy mỉm cười khi phục vụ người khác.

Thiền Sư dành một phần trong ngày của họ để phục vụ những người khác, cho dù đó là các nhà sư khác đang sống trong tu viện, hoặc là cho những người thế tục bên ngoài. Điều nầy dạy cho họ sự khiêm tốn, và đảm bảo rằng họ không sống ích kỷ, vì họ đã dành thời gian để giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta là bố mẹ, hầu như chúng ta đã dành thời gian để phục vụ các thành viên khác trong gia đình, và đối với những người không-phải là bố mẹ, họ cũng đã làm các điều tương tự. Mỉm cười và tử tế với mọi người có lẽ là một cách tốt đẹp nhất để cải thiện cuộc sống của những người chung quanh chúng ta. Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc tình nguyện làm các công tác từ thiện, để giúp đỡ người khác.

10. Hãy xem sự lau chùi và việc nấu ăn như là sự thực tập về thiền định.

Bên cạnh sự thiền tập nói trên, việc nấu ăn cùng sự lau chùi (và giặt giũ) là hai việc làm hạnh phúc, và có vị trí cao nhất trong ngày của một Thiền Sư. Các việc làm nầy dùng để thực tập sự tỉnh thức, và cũng là các nghi thức lớn để thực hiện mỗi ngày. Nếu việc nấu ăn cùng sự lau chùi có vẻ như là một việc làm nhàm chán, thì chúng ta hãy làm các công việc nầy dưới hình thức thiền định. Hãy đặt toàn bộ tâm chúng ta vào các công việc nầy, hãy tập trung, hãy thực hiện và hãy hoàn tất các công việc nầy một cách thong thả. Điều nầy sẽ làm thay đổi tâm chúng ta trong suốt một ngày (và cũng giúp cho chúng ta có một căn nhà sạch sẽ hơn).

11. Hãy nghĩ về những gì tích cực và cần thiết trong cuộc sống.

Trong cuộc sống của một Thiền Sư, có rất ít điều họ làm mà không cần thiết. Họ không có một tủ đựng toàn giày dép, hoặc là không có một tủ chứa đầy những bộ quần áo hợp thời trang. Họ không có một tủ lạnh, và không có một tủ để đầy các thức ăn vặt. Họ không có các thiết bị mới nhất, không có các xe hơi, không có các máy truyền hình, hoặc là không có các máy nghe nhạc iPod. Họ mặc quần áo đơn giản, có nơi cư trú đơn giản, có các vật dụng trong nhà đơn giản, có các dụng cụ đồ nghề đơn giản, và họ ăn các thức ăn thật đơn giản (các bữa ăn chay thường có cơm, súp đậu hũ miso, rau, và cái loại dưa muối). Tôi không muốn nói là chúng ta phải sống y hệt như một Thiền Sư. những hãy học theo cách họ sống. Đây là một lời nhắc nhở cho chúng ta rằng, có rất nhiều điều không cần thiết trong cuộc sống của chúng ta, và thật là điều hữu ích khi chúng ta suy nghĩ về những gì chúng ta thật sự cần, (những gì chúng ta không cần, liệu rằng nó quan trọng để chúng ta sở hữu hay dành chú tâm đến nó hay không?)

12. Hãy sống đơn giản.

Qua kết quả tất nhiên của quy tắc 11, cái gì chúng ta sống mà không cần, đó chính là cái không cần thiết. Và như thế, sống đơn giản có nghĩa là chúng ta loại bỏ đi những gì không cần thiết, và giữ lại những gì cần thiết. Mỗi người lựa chọn các điều cần thiết khác biệt nhau. Đối với tôi, gia đình của tôi; những bài viết của tôi, các cuộc chạy bộ của tôi, và nhu cầu đọc sách của tôi là các điều cần thiết. Đối với một số người khác, tập thể dục yoga và dành thời gian cho bạn bè thân thiết có thể là điều cần thiết. Còn đối với một số người khác, săn sóc cho người đau ốm (hoặc người mẹ cho con bú sữa mẹ), tham gia công việc tình-nguyện, đi nhà thờ, và thu-thập các truyện bằng tranh comic, là điều cần thiết. Chẳng có quy luật nào cho chúng ta biết điều gì cần thiết cho chúng ta,  tuy nhiên, chúng ta nên xem xét những gì quan trọng nhất trong đời mình, rồi dọn dẹp và giữ chỗ cho những điều nầy, bằng cách loại bỏ đi những gì không cần thiết.    

"Trước khi giác ngộ, chúng ta chẻ củi và gánh nước. Sau khi giác ngộ, chúng ta chẻ củi và gánh nước. " - Wu Li


Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...