15 thg 2, 2024

ĐÚNG VÀ SAI – TÀ KIẾN

Thiền sư Ajahn Chah.


Trong việc huấn luyện tâm, không dễ gì có thể tìm được một tiêu chuẩn tốt nếu bạn vẫn chưa phát triển cái “tâm chứng kiến” bên trong chính mình. Nhưng chúng ta có thể lấy Giáo pháp làm tiêu chuẩn. Chúng ta có Giáo pháp chưa? Chúng ta suy nghĩ có đúng không? Và nếu sự suy nghĩ đã đúng, chúng ta có thể xả bỏ sự đúng đó chưa hay vẫn còn dính mắc vào đó?

Đây là điều quan trọng: bạn phải quán chiếu cho đến khi bạn đạt tới một điểm nơi mà bạn xả bỏ, nơi không có một thứ gì nữa, nơi không có tốt hay xấu, đúng hay sai, được hay mất. Rồi bạn vứt nó đi. Bạn vứt bỏ tất cả. Nếu tất cả đã ra đi hết, thì đâu còn có gì khiến bạn phải khổ nữa.

Cùng thế ấy, tất cả những thứ thuộc về cái bên ngoài, hãy để chúng với cái bên ngoài. Đừng mang vào trong. Hãy nhận biết, biết mà không nắm giữ, biết và để sự việc diễn ra một cách tự nhiên.

Nếu biết Giáo pháp, bạn phải biết theo cách này. Đó là, biết trong một cách có thể vượt lên khổ đau. Loại kiến thức này rất quan trọng. Biết cách chế tạo đồ đạc, biết cách dùng các dụng cụ, biết tất cả những công nghệ và kỹ thuật của thế gian – những thứ này đều có chỗ dụng của nó, nhưng chúng không phải là kiến thức tối thượng. Bạn không cần phải biết thật nhiều; chỉ bấy nhiêu là đủ để tu hành – biết và buông bỏ. Bạn không cần phải chết trước khi có thể vượt lên khổ đau. Bạn vượt lên sự khổ đau ngay trong đời này bởi vì bạn biết cách giải quyết vấn đề. Bạn biết cái bên ngoài, bạn biết cái bên trong. Hãy biết chúng ngay trong đời này, trong khi bạn tu hành ở đây.

Phật pháp làm sao có thể dạy điều gì khác hơn là sự thật? Nhưng dầu nó là sự thật, đừng vội tin! Bạn phải tự mình trải nghiệm. Nếu bạn bám vào nó một cách mù quáng, nó trở thành sai. Cũng như khi bạn nắm cái đuôi con rắn. Nếu bạn không thả ra, con rắn sẽ quay lại cắn bạn. Cứ thử đi. Nếu bạn không thả ra, nó không có sự lựa chọn nào khác hơn là cắn bạn. Thế giới của những hình sắc cũng như thế. Chúng ta sống thuận theo những quy ước mà chúng ta đặt ra, nhưng nếu chúng ta bám chặt vào chúng, chúng dẫn đến đau khổ.

Mỗi khi chúng ta cảm thấy mình rất đúng, đến độ chúng ta không còn muốn xem xét một thứ gì khác hay nghe ý kiến một người nào khác, chúng ta trở thành sai. Chúng ta có tà kiến. Khi đau khổ phát sinh, nó đến từ đâu? Từ tà kiến.

Nếu bạn hiểu bản chất của những quy ước, bạn có thể sống bình an. Nhưng nếu bạn tin rằng một người, một vật, cái đúng “của tôi”, cái sai “của họ”, v.v… là nhưng phẩm chất có thực, bạn sẽ phải cười và khóc vì chúng. Nếu chúng ta xem những thứ đó là “của chúng ta”, chúng chắc chắn sẽ làm bạn đau khổ.

Cho nên, “Hãy thư giãn, đừng bám giữ sự việc”. “Đúng” chỉ là một sự giả định, cứ để nó đi qua. “Sai” cũng là một điều kiện bên ngoài, cứ để nó là thế. Nếu bạn cảm thấy mình đúng và những người khác cho là bạn sai, đừng tranh cãi, cứ buông bỏ nó. Bạn vừa nhận biết ra, là buông bỏ ngay. Đây là con đường thẳng.

Nhưng thường thì không như vậy. Thông thường người ta không chịu thua. Đó là tại sao có nhiều người, ngay cả những người tu hành mà chưa hiểu biết chính mình, có thể thốt ra những điều rất tệ, đến nỗi không ai muốn nghe. Thế mà họ nghĩ là họ khôn ngoan hơn những người khác. Lại có người không thể lắng nghe Pháp, nhưng họ nghĩ là họ khôn, là họ đúng. Họ chỉ quảng bá cái tệ hại của mình.

Đó là tại sao kẻ trí nói, “Bất cứ lời nói nào không hiểu biết sự vô thường đều không phải là lời của kẻ trí, mà là lời của người ngu. Nó là lời nói lừa gạt của một người không biết rằng sự khổ đang phát sinh ngay tại đó”. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên ứng xử một cách bình thường với tất cả mọi sự việc. Nếu chúng ta không thật sự nghiền ngẫm điều này, ảo tưởng sẽ vẫn nằm bên trong chúng ta – chúng ta sẽ chìm đắm trong “cái tôi”, “cái của tôi”, tài sản, địa vị, sự khen tặng. Bởi vì chúng biến chúng ta trở thành một thứ khác: chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt hơn trước, rằng chúng ta là một thứ gì đặc biệt.

Còn nhiều hơn thế nữa. Sự tu hành ngày càng trở nên tế nhị hơn. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy Giáo pháp, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang nói đúng khi sự thật là bạn sai, và bạn rời xa bản chất thật của sự việc với mỗi lời nói. Nói ngắn gọn: bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm mà mang đến khổ đau đều là tà kiến. Nó là sự ảo tưởng.

Đa số con người không nghĩ như thế. Bất cứ thứ gì họ thích, họ nghĩ là đúng, họ tin tưởng ngay. Nếu họ nhận một món quà, một tước hiệu mới, hay một sự thăng chức, hay ngay cả một lời khen tặng, họ cho rằng điều đó là tốt đẹp, là vĩ đại và rồi lòng kiêu hãnh của họ được thổi phồng lên. Họ không xem xét, “Ta là ai? Cái gọi là tốt đẹp này ở đâu vậy? Nó từ đâu đến? Những người khác có cùng thứ đó không?”

Thật ra, con người không là một thứ gì cả. Bất cứ chúng ta là gì, nó chỉ ở thế giới bên ngoài. Nếu chúng ta lấy đi cái vẻ bên ngoài và nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy rằng không có thứ gì ở đó cả. Chỉ là những tính chất vô thường của thế gian – sinh vào lúc đầu, thay đổi ở lúc giữa, và diệt ở lúc cuối. Nếu chúng ta nhìn thấy điều này, vấn để sẽ không thể phát sinh, và chúng ta có sự bình an và mãn nguyện.

(Trích trong bài thuyết giảng của Thiền sư Ajahn Chah).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...