29 thg 7, 2022

ĐÚNG VÀ SAI – TÀ KIẾN

Thiền sư Ajahn Chah


Trong việc huấn luyện tâm, không dễ gì có thể tìm được một tiêu chuẩn tốt nếu bạn vẫn chưa phát triển cái “tâm chứng kiến” bên trong chính mình. Nhưng chúng ta có thể lấy Giáo pháp làm tiêu chuẩn. Chúng ta có Giáo pháp chưa? Chúng ta suy nghĩ có đúng không? Và nếu sự suy nghĩ đã đúng, chúng ta có thể xả bỏ sự đúng đó chưa hay vẫn còn dính mắc vào đó?

Đây là điều quan trọng: bạn phải quán chiếu cho đến khi bạn đạt tới một điểm nơi mà bạn xả bỏ, nơi không có một thứ gì nữa, nơi không có tốt hay xấu, đúng hay sai, được hay mất. Rồi bạn vứt nó đi. Bạn vứt bỏ tất cả. Nếu tất cả đã ra đi hết, thì đâu còn có gì khiến bạn phải khổ nữa.

Cùng thế ấy, tất cả những thứ thuộc về cái bên ngoài, hãy để chúng với cái bên ngoài. Đừng mang vào trong. Hãy nhận biết, biết mà không nắm giữ, biết và để sự việc diễn ra một cách tự nhiên.

Nếu biết Giáo pháp, bạn phải biết theo cách này. Đó là, biết trong một cách có thể vượt lên khổ đau. Loại kiến thức này rất quan trọng. Biết cách chế tạo đồ đạc, biết cách dùng các dụng cụ, biết tất cả những công nghệ và kỹ thuật của thế gian – những thứ này đều có chỗ dụng của nó, nhưng chúng không phải là kiến thức tối thượng. Bạn không cần phải biết thật nhiều; chỉ bấy nhiêu là đủ để tu hành – biết và buông bỏ. Bạn không cần phải chết trước khi có thể vượt lên khổ đau. Bạn vượt lên sự khổ đau ngay trong đời này bởi vì bạn biết cách giải quyết vấn đề. Bạn biết cái bên ngoài, bạn biết cái bên trong. Hãy biết chúng ngay trong đời này, trong khi bạn tu hành ở đây.

Phật pháp làm sao có thể dạy điều gì khác hơn là sự thật? Nhưng dầu nó là sự thật, đừng vội tin! Bạn phải tự mình trải nghiệm. Nếu bạn bám vào nó một cách mù quáng, nó trở thành sai. Cũng như khi bạn nắm cái đuôi con rắn. Nếu bạn không thả ra, con rắn sẽ quay lại cắn bạn. Cứ thử đi. Nếu bạn không thả ra, nó không có sự lựa chọn nào khác hơn là cắn bạn. Thế giới của những hình sắc cũng như thế. Chúng ta sống thuận theo những quy ước mà chúng ta đặt ra, nhưng nếu chúng ta bám chặt vào chúng, chúng dẫn đến đau khổ.

Mỗi khi chúng ta cảm thấy mình rất đúng, đến độ chúng ta không còn muốn xem xét một thứ gì khác hay nghe ý kiến một người nào khác, chúng ta trở thành sai. Chúng ta có tà kiến. Khi đau khổ phát sinh, nó đến từ đâu? Từ tà kiến.

Nếu bạn hiểu bản chất của những quy ước, bạn có thể sống bình an. Nhưng nếu bạn tin rằng một người, một vật, cái đúng “của tôi”, cái sai “của họ”, v.v… là nhưng phẩm chất có thực, bạn sẽ phải cười và khóc vì chúng. Nếu chúng ta xem những thứ đó là “của chúng ta”, chúng chắc chắn sẽ làm bạn đau khổ.

Cho nên, “Hãy thư giãn, đừng bám giữ sự việc”. “Đúng” chỉ là một sự giả định, cứ để nó đi qua. “Sai” cũng là một điều kiện bên ngoài, cứ để nó là thế. Nếu bạn cảm thấy mình đúng và những người khác cho là bạn sai, đừng tranh cãi, cứ buông bỏ nó. Bạn vừa nhận biết ra, là buông bỏ ngay. Đây là con đường thẳng.

Nhưng thường thì không như vậy. Thông thường người ta không chịu thua. Đó là tại sao có nhiều người, ngay cả những người tu hành mà chưa hiểu biết chính mình, có thể thốt ra những điều rất tệ, đến nỗi không ai muốn nghe. Thế mà họ nghĩ là họ khôn ngoan hơn những người khác. Lại có người không thể lắng nghe Pháp, nhưng họ nghĩ là họ khôn, là họ đúng. Họ chỉ quảng bá cái tệ hại của mình.

Đó là tại sao kẻ trí nói, “Bất cứ lời nói nào không hiểu biết sự vô thường đều không phải là lời của kẻ trí, mà là lời của người ngu. Nó là lời nói lừa gạt của một người không biết rằng sự khổ đang phát sinh ngay tại đó”. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên ứng xử một cách bình thường với tất cả mọi sự việc. Nếu chúng ta không thật sự nghiền ngẫm điều này, ảo tưởng sẽ vẫn nằm bên trong chúng ta – chúng ta sẽ chìm đắm trong “cái tôi”, “cái của tôi”, tài sản, địa vị, sự khen tặng. Bởi vì chúng biến chúng ta trở thành một thứ khác: chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt hơn trước, rằng chúng ta là một thứ gì đặc biệt.

Còn nhiều hơn thế nữa. Sự tu hành ngày càng trở nên tế nhị hơn. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy Giáo pháp, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang nói đúng khi sự thật là bạn sai, và bạn rời xa bản chất thật của sự việc với mỗi lời nói. Nói ngắn gọn: bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm mà mang đến khổ đau đều là tà kiến. Nó là sự ảo tưởng.

Đa số con người không nghĩ như thế. Bất cứ thứ gì họ thích, họ nghĩ là đúng, họ tin tưởng ngay. Nếu họ nhận một món quà, một tước hiệu mới, hay một sự thăng chức, hay ngay cả một lời khen tặng, họ cho rằng điều đó là tốt đẹp, là vĩ đại và rồi lòng kiêu hãnh của họ được thổi phồng lên. Họ không xem xét, “Ta là ai? Cái gọi là tốt đẹp này ở đâu vậy? Nó từ đâu đến? Những người khác có cùng thứ đó không?”

Thật ra, con người không là một thứ gì cả. Bất cứ chúng ta là gì, nó chỉ ở thế giới bên ngoài. Nếu chúng ta lấy đi cái vẻ bên ngoài và nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy rằng không có thứ gì ở đó cả. Chỉ là những tính chất vô thường của thế gian – sinh vào lúc đầu, thay đổi ở lúc giữa, và diệt ở lúc cuối. Nếu chúng ta nhìn thấy điều này, vấn để sẽ không thể phát sinh, và chúng ta có sự bình an và mãn nguyện.

(Trích trong bài thuyết giảng của Thiền sư Ajanh Chah).


27 thg 7, 2022

THẤU HIỂU LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG

Chân Tâm

Nếu bạn có những trải nghiệm khác với mọi người về một sự việc nào đó, vậy hãy nên suy ngẫm về điều này: “Trong cùng một sự việc, mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau, do những yếu tố khác nhau tác động vào sự việc sẽ cho ra kết quả khác nhau”. Hãy nhớ rằng, mọi thứ đều có nguyên nhân và điều kiện để tạo ra nó.

Chân Tâm ví dụ: Lấy 1 khối Rubic có 6 mặt, mỗi mặt có mỗi màu riêng biệt (đỏ, xanh, vàng...) tượng trưng cho một sự việc. Vấn đề của bạn có 6 khía cạnh khác nhau, như khối Rubic. Khi bạn có được 1 trải nghiệm, tức bạn nhìn thấy được 1 mặt màu đỏ của khối Rubic. Và bạn nhận thức rằng Rubic có màu đỏ. Nhưng một người khác cũng nhìn vào một mặt khác của khối Rubic và khẳng định khối Rubic này chỉ có màu xanh. Và người khác nữa phán xét là nó màu vàng. Nhưng trên thực tế khối Rubic có tới 6 màu khác nhau trên 6 mặt của nó.

Vấn đề ở đây là bạn chỉ nhìn nhận sự việc dựa trên sự hiểu biết một hoặc hai khía cạnh, bạn không suy xét các khía cạnh còn lại. Nên bạn không có cái nhìn chân thật về sự việc đó. Giống như bạn khẳng định chắc chắn rằng khối Rubic chỉ có màu đỏ hoặc màu xanh, sự khẳng định ấy hoàn toàn không đúng với thực tế. Bạn chưa hiểu vấn đề nhưng bạn bảo thủ và từ đó dẫn đến mâu thuẫn vì bất đồng quan điểm. Mà cốt lõi chính là sự thiếu sót thông tin và trải nghiệm chưa đủ, nên nhận thức của bạn sai lệch.

Có một con ếch nằm dưới đáy giếng, nó nhìn lên bầu trời và nghĩ rằng bầu trời nhỏ bằng cái miệng giếng. Rồi một ngày nọ, khi nó lên khỏi miệng giếng, nhìn thấy bầu trời thật bao la. Nó mới nhận ra rằng bấy lâu nay nó hiểu không đúng về thực tế. Chỉ khi bạn vượt lên chính mình, buông bỏ quan điểm, thoát khỏi sự ràng buộc vào nhận thức sai lầm, bạn mới có cái nhìn rộng mở hơn, đúng đắn hơn và THẤU HIỂU tất cả mọi sự vật.

Do vậy Chân Tâm khuyên các bạn: Khi nghĩ hay làm điều gì, đừng vội phán xét, đừng áp đặt quan điểm của mình vào sự việc, mà nên nhìn thấy cho được các mặt của vấn đề, để HIỂU rõ bản chất nó. Khi bạn đã hiểu, và bằng sự hiểu biết ấy, bạn sẽ có suy nghĩ, hành động, lời nói không còn tạo ra khổ cho mình và cho người khác nữa


25 thg 7, 2022

THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Chân Tâm

Nhận thức của con người bắt nguồn từ việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của họ trong cuộc sống. Nếu bạn có trải nghiệm thực tế, nhận thức của bạn phù hợp với chân lý hơn. Tuy nhiên, mọi người đều không như vậy, họ nhìn nhận các vấn đề một cách phiến diện, chỉ dựa theo quan điểm của họ và không có sự suy xét thấu đáo.

Ví dụ, bạn có một chiếc áo khoác hai lớp. Bên ngoài màu đen và bên trong màu sáng. Nhận thức đầu tiên của bạn sẽ cho rằng cái áo ấy mặc lên sẽ rất nóng vì nó hấp thu nhiệt của mặt trời. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy, bởi đơn giản là bạn đã bỏ qua những khía cạnh khác của sự việc. Đó là nó có hai lớp, dù bên ngoài hấp thụ nhiệt nhưng lớp bên trong có tác dụng giải nhiệt, cộng hưởng với sức gió tác động lên bề mặt bên ngoài của áo khi di chuyển trên xe. Và còn rất nhiều yếu tố khác tác động vào sự việc. Do vậy mà người mặc áo đó dù chạy xe giữa trưa nắng vẫn không cảm thấy nóng. Bạn có thể trải nghiệm điều này để có cái nhìn chân thật.

Đó chỉ là một trong rất nhiều những sự việc hằng ngày mà chúng ta gặp phải. Ta nhận thấy rõ ràng nếu đưa ra một phán xét dựa trên quan điểm thiếu xót và nhận thức sai lầm sẽ làm cho vấn đề méo mó đi, không đúng với thực tế. Trải nghiệm thực tế mới là điều quan trọng, nó cho chúng ta cái nhìn trực tiếp vào sự việc và từ đó nhận thức của chúng ta mới đúng đắn. Do vậy, khi nghĩ và làm những việc gì, chúng ta không nên phán xét mà hãy tập quan sát, cân nhắc kỹ lưỡng mọi khía cạnh của vấn đề, nhìn thấu tận gốc rễ của nó, để hiểu trọn vẹn về nó và đưa ra một quyết định đúng đắn hơn, có lợi ích hơn cho bản thân và người khác.


14 thg 7, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 38

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 38

LỜI BẠT.

Khi nào bạn mới ngừng? Hay là bạn tiếp tục học hỏi Giáo Pháp theo kiểu này? Thế cũng được, nhưng bạn phải biết rằng không phải cái học bên ngoài mà là cái học bên trong mới quan trọng. Với cái học bên trong, bạn khảo sát con mắt, lỗ tai, cái mũi, cái lưỡi, cái thân và cái tâm này. Đây là cái học thật. Học hỏi từ sách vở chỉ là bên ngoài, cái học này không biết bao giờ mới kết thúc.

Khi con mắt nhìn thấy hình sắc, điều gì xảy ra? Khi tai, mũi, lưỡi kinh nghiệm âm thanh, mùi vị, điều gì xảy ra? Khi thân và tâm tiếp xúc với những thứ hữu tình và những cảm thọ khác nhau, điều gì xảy ra? Tham, sân, si có còn ở đó không? Chúng ta có lạc lối trong những hình sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm và cảm xúc không? Đây là cái học bên trong. Cái học này có điểm dừng, điểm hoàn tất.

Nếu chúng ta học mà không hành, chúng ta sẽ không đạt được kết quả. Nó cũng giống như một người nuôi bò. Buổi sáng ông dẫn bò ra đồng; buổi chiểu ông dẫn chúng về chuồng – nhưng ông không bao giờ uống sữa bò. Học hỏi cũng tốt, nhưng đừng để nó giống như thế. Bạn nên nuôi bò và uống sữa của nó luôn. Để có được kết quả tốt nhất, bạn phải học và hành.

Giống như một người nuôi gà, nhưng không nhặt trứng gà. Tất cả những gì ông có được là phân gà! Đây là điều mà tôi nói với những người nuôi gà. Đừng để mình trở thành như thế! Điều này có nghĩa là chúng ta nghiên cứu kinh điển, nhưng chúng ta không biết cách dứt trừ phiền não, chúng ta không biết cách xóa tham, sân, si ra khỏi tâm. Học mà không hành, không dứt trừ được phiền não, sẽ không đi tới đâu cả.

Đức Phật muốn chúng ta nghiên cứu kinh điển, và rồi từ bỏ những hành động bất thiện từ thân, khẩu, ý; để phát triển sự thiện lành trong hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nói suông mà không hành động tương ứng, sự tu hành đó vẫn chưa hoàn thành. Cho nên học và hành đều phải tốt.

Bát Chánh Đạo của Đức Phật, con đường tám nhánh để tu hành, chính là cái thân thể này: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một cái lưỡi, và một cái thân. Đây là Đạo. Và tâm là người đi trên con đường Đạo. Cho nên, cả sự học hỏi lẫn sự tu hành phải hiện diện trong hành động, lời nói, và ý nghĩ của chúng ta.

Bạn có bao giờ thấy kinh điển giảng dạy về điều gì khác hơn thân, khẩu, ý không? Kinh điển chỉ giảng dạy về điều này, không gì khác. Phiền não sinh ra tại đây. Nếu bạn hiểu biết chúng, chúng biến mất ngay tại đây. Cho nên bạn phải hiểu rằng, cả sự tu hành lẫn sự nghiên cứu đều hiện diện ngay nơi đây. Chúng ta chỉ cần hiểu bấy nhiêu thôi, chúng ta biết tất cả. Trong lời nói, thì một lời nói chân thật sẽ tốt hơn cả một đời nói sai. Nói cách khác, một người học mà không hành cũng giống như cái môi (để múc) trong một nồi súp. Nó ở trong nồi súp cả ngày, nhưng nó không biết mùi vị của súp.

Nếu bạn không tu hành, bạn có thể học hỏi cho đến chết, mà vẫn không biết mùi vị của sự giải thoát.

-----  Hết -----

13 thg 7, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 37

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 37

VÔ DUYÊN KHỞI(1).

Khi tâm vượt lên sự hữu vi, nó biết sự vô vi.

Tâm trở thành vô vi,

một cảnh giới không còn những yếu tố có điều kiện.

Tâm không còn bị chi phối những vấn đề của thế gian.

Mục đích chúng ta nghe Pháp là, thứ nhất, để hiểu biết sự việc mà chúng ta chưa hiểu biết, để làm sáng tỏ sự việc, và thứ hai, để cải thiện sự hiểu biết của chúng ta đối với những điều chúng ta đã hiểu. Chúng ta phải dựa vào các buổi thuyết giảng để tăng thêm sự hiểu biết, và lắng nghe là một yếu tố chủ yếu. Tâm là một thành phần quan trọng. Cái tâm phân biệt giữ cái tốt và xấu, đúng và sai. Nếu chúng ta thiếu chánh niệm dầu chỉ một phút thôi, chúng ta điên loạn trong phút đó. Nếu chúng ta thiếu chánh niệm trong nữa giờ, chúng ta điên loạn trong nữa giờ đó. Tâm chúng ta thiếu chánh niệm trong bao lâu, thì chúng ta điên loạn bấy lâu. Đó là tại sao việc chú tâm nghe Pháp là một điều vô cùng quan trọng.

Tất cả những chúng sinh trong thế gới này đều kinh nghiệm khổ đau. Mục đích của vệc tu hành là để dứt trừ sự khổ đau này. Nếu khổ đau phát sinh, đó là bởi vì chúng ta không thật sự biết nó. Bất kể chúng ta điều khiển nó chừng nào, qua ý lực hay qua tài sản thế gian, đều không thể được. Chỉ qua sự hiểu biết rõ ràng, qua hiểu biết chân lý của sự khổ, thì khổ đau mới tan biến.

Những bản chất tốt và xấu là những sự thật không thay đổi. Pháp có nghĩ là một thứ mà bản chất không thay đổi, nó duy trì chính nó. Sự rối ren duy trì sự rối ren của nó, sự tĩnh lặng duy trì sự tĩnh lặng của nó. Tốt và xấu duy trì tình trạng của chúng – nó không thay đổi vì một người nào: dầu bạn già hay trẻ, quốc tịch là gì, nó cũng không thay đổi. Cho nên Pháp được định nghĩ là cái duy trì tình trạng của nó. Trong sự tu hành, chúng ta phải biết cái nóng và cái mát, đúng và sai, tốt và xấu. Nếu chúng ta biết sự bất thiện, chúng ta sẽ không tạo ra nguyên nhân của nó – cái lý do kiến nó phát sinh.

Đây là tu hành. Tuy nhiên, phần lớn người tu hành là những người nghiên cứu hay thực hành Giáo Pháp, nhưng chưa hợp nhất với Giáo Pháp, chưa dập tắt nguyên nhân của sự bất thiện và rối ren trong tâm. Chừng nào nguyên nhân của sự việc vẫn còn hiện diện, chúng ta không thể tránh được phiền não. Cùng thế ấy, chừng nào nguyên nhân của sự rối ren vẫn còn trong tâm, chúng ta không thể tránh được sự rối ren, bởi vì nó phát sinh từ gốc ngọn này. Chừng nào cái gốc chưa được dập tắt, sự rối ren sẽ phát sinh trở lại.

Mỗi khi chúng ta làm điều thiện, sự thiện lành phát sinh trong tâm. Nó phát sinh từ nguyên nhân của nó. Khi chúng ta biết nguyên nhân, chúng ta có thể tạo ra chúng, và kết quả chắc chắn sẽ theo sau. Nhưng thông thường, người ta không tạo ra những nguyên nhân đúng đắn. Họ rất muốn sự thiện lành, nhưng họ không làm gì đế mang nó đến với mình. Tất cả những gì họ có là những kết quả xấu, chúng cuốn hút tâm vào sự khổ. Tất cả những gì người ta muốn thời nay là tiền bạc. Họ nghĩ rằng nếu họ có đủ tiền, mọi thứ sẽ tốt đẹp, cho nên họ giành hết thời giờ để kiếm tiền. Họ không tìm kiếm sự thiện lành. Điều này cũng giống như muốn có thịt ăn, nhưng không muốn dùng muối để bảo quản nó. Bạn cứ để miếng thịt ở đó cho đến khi nó thối rữa. Những ai muốn tiền không chỉ biết cách kiếm tiền, và phải biết cách bảo quản nó. Nếu bạn muốn thịt, bạn không thể cứ mua nó rồi để nó nằm đó. Nó sẽ thối rửa.

Kết quả của sự suy nghĩ sai lạc là sự rối ren, hỗn loạn. Đức Phật giảng dạy Giáo Pháp để chúng ta thực hành, để có thể biết Giáo Pháp và hợp nhất với nó – để khiến cho tâm là Giáo Pháp. Khi tâm là Giáo Pháp, nó sẽ hạnh phúc và mãn nguyện. Sự vận hành của luật luân hồi nằm trong thế giới này, và sự chấm dứt khổ đau cũng nằm ngay tại đây.

Mục đích của sự tu hành là khiến cho tâm vượt lên sự khổ đau. Thân thể không thể vượt lên khổ đau – một khi sinh ra, nó phải kinh nghiệm bệnh đau, già, và chết. Chỉ có tâm mới vượt lên sự bám giữ và dính mắc. Tất cả giáo lý của Đức Phật đều là những phương tiện để đạt mục đích này.

Ví dụ, Đức Phật dạy về pháp hữu vi và vô vi. Pháp hữu vi thì hằng hà sa số - hữu hình và vô hình, lớn hay nhỏ - nếu tâm chúng ta còn chịu ảnh hưởng của ảo giác, nó sẽ chế biến ra những thứ này, phân loại chúng thành tốt hay xấu, ngắn hay dài, thô và vi tế. Tại sao tâm chế biến như thế? Bởi vì nó không biết cái thực tại tương đối. Nó không biết chút gì về luật duyên khởi. Không biết những điều này, tâm không nhìn thấy Pháp. Không nhìn thấy Pháp, tâm nắm giữ đủ thứ. Chừng nào tâm còn bị trói buộc bởi sự nắm giữ, con người không thể ra khỏi cảnh giới của duyên khởi. Chừng nào con người còn chưa ra khỏi cảnh giới của duyên khởi, họ còn rối rắm, và còn chịu ảnh hưởng của sinh, lão, bệnh và tử, ngay cả trong suy nghĩ. Cái tâm như thế là một pháp hữu vi.

Pháp vô vi nói về cái tâm đã nhìn thấy Pháp, thấy sự thật về ngũ uẩn, biết rằng chúng là tạm bợ, bất toàn, và vô chủ. Tất cả những ý tưởng về “tôi” hay “của tôi”, “họ” hay “của họ”, đều thuộc về cái thực tại tương đối. Thật vậy, chúng đều là những điều kiện. Khi chúng ta biết thực chất của những điều kiện không phải là chúng ta, không thuộc về chúng ta, chúng ta buông bỏ tất cả điều kiện và quy ước. Khi chúng ta buông bỏ các điều kiện, chúng ta ngộ Đạo, chúng ta giác ngộ Pháp. Khi chúng ta ngộ Đạo, chúng ta biết rõ ràng. Chúng ta biết điều gì? Chúng ta biết rằng ngoài những điều kiện và quy ước ra, không có gì cả. Không có tự ngã, không có “chúng ta” hay “họ”. Đây là hiểu biết bản chất của sự việc.

Nhìn thấy sự việc như thế, tâm vượt lên chúng. Thân thể có thể già, bệnh, và chết, nhưng tâm vượt lên trên những trạng thái này. Khi tâm vượt lên sự hữu vi, nó biết sự vô vi. Tâm trở thành vô vi, một trạng thái không còn những yếu tố có điều kiện. Tâm không còn bị chi phối bởi những vấn đề của thế gian. Các điều kiện không còn ô nhiễm tâm. Hạnh phúc và khổ đau không còn ảnh hưởng tâm. Không có thứ gì ảnh hưởng tâm, hay thay đổi nó. Tâm đã thoát khỏi mọi sự dính mắc. Nhìn thấy bản chất của điều kiện và quy ước, tâm giải thoát.

Cái tâm giải thoát này gọi là vô vi, không còn bị chi phối bởi năng lực chế biến. Nếu tâm không thật sự biết những điều kiện và quy ước, nó bị những thứ này ảnh hưởng. Khi gặp sự tốt, xấu, vui, buồn, tâm chế biến thuận theo những cảm thọ đó. Nó chế biến bởi vì còn có nguyên nhân ở đó. Nguyên nhân là sự tin tưởng rằng thân thể là “ta” hay “của ta”; cái cảm giác đó là “ta” hay “của ta”; cái quan điểm đó là “ta” hay “của ta”. Xem xét sự việc theo cách này là nguồn gốc của hạnh phúc, đau khổ, sinh, lão, bệnh, tử. Đây là cái tâm hữu vi – nó xoay chuyển và thay đổi mãi dưới sự chi phối của những điều kiện thế gian.

Khi bạn vừa có được một thứ gì, tâm liền bị chi phối bởi nó. Nó khiến cho tâm cảm thấy sung sướng, nhưng khi nó mất đi, tâm đau khổ. Tâm trở thành nô lệ của những điều kiện, nô lệ của sự ham muốn. Bất kể tâm tiếp nhận điều gì từ thế gian, nó đều bị ảnh hưởng. Cái tâm này không có chổ ẩn náu, nó chưa biết rõ chính mình, chưa giải thoát. Nó chưa có một nền móng vững chắc.

Ngay cả một đứa trẻ cũng khiến bạn tức giận. Ngay cả một đứa trẻ cũng có thể phỉnh gạt bạn, khiến bạn khóc hay cười. Ngay cả một người già cũng bị lừa. Các điều kiện uốn nắn cái tâm ảo tưởng, khiến nó lúc thương, lúc ghét, lúc vui, lúc buồn. Chúng uốn nắn tâm như thế bởi vì chúng ta là nô lệ của chúng. Chúng ta là nô lệ của tham ái (tanhà). Tham ái ra lệnh, là chúng ta vâng lời ngay.

Tôi nghe người ta than phiền, “Tôi khổ quá. Tối ngày tôi làm việc ở ngoài đồng. Tôi không có thời gian ở nhà. Ngay cả giữa trưa, tôi cũng phải làm việc dưới cái nắng cháy da. Những lúc trời lạnh buốt, tôi cũng không thể ở nhà, tôi phải đi làm. Tôi bị áp bức quá”.

Nếu tôi hỏi họ, “Tại sao bạn không bỏ nhà đi tu luôn cho rồi?” họ nói, “Không được, tôi còn có trách nhiệm”. Tham ái giữ họ lại. Đôi lúc đang cày ruộng, bạn mắc tiểu đến độ phải tiểu ngay ra đó, giống như những con trâu vậy! Chúng ta làm nô lệ cho tham ái đến thế!

Khi tôi hỏi, “Cuộc sống lúc này ra sao rồi? Bạn có thời giờ đến tu viện không?” thì họ nói, “Bận quá thôi!” Tôi không biết có chuyện gì mà nó nghiêm trọng đến thế! Đây chỉ là những điều kiện, những sự chế biến. Chúng ta nên nhìn thấy bản chất của những thứ bên ngoài, của những điều kiện. Đây là nhìn thấy Pháp, nhìn thấy bản chất của sự việc. Nếu bạn thật sự nhìn thấy hai thứ này, bạn sẽ buông bỏ chúng.

Bất cứ điều gì bạn có được, nó không có thực chất. Mới đầu, nó có vẻ tốt, nhưng cuối cùng nó trở thành xấu. Và rồi nó khiến bạn yêu, ghét, khóc, cười. Tại sao thế? Bởi vì tâm vẫn chưa phát triển.

Vào thời xưa, khi có người chết, người ta mời sư thầy đến để tụng bài kinh về bản chất vô thường của thế gian. Tất cả điều kiện đều vô thường. Thân và tâm đều vô thường, chúng biến đổi mãi. Có thứ gì trong cái thân này mà không thay đổi không? Tóc, móng tay, răng, da – chúng có giống như xưa không? Cái tâm – nó có ổn định không? Thử nghĩ đi. Sự sinh và diệt xảy ra bao nhiêu lần trong một ngày? Cho nên cả thân và tâm luôn sinh và diệt, luôn rối rắm.

Bạn không thể nhìn thấy những thứ này đúng với sự thật là vì bạn cứ tin vào sự giả dối. Bạn như bị một người đui chỉ đường, dẫn bạn vào tận rừng sâu. Làm sao họ có thể đưa bạn đến chổ an toàn khi họ không thấy gì cả? Cùng thế ấy, tâm của chúng ta bị gạt bởi những điều kiện, khiến chúng ta đau khổ trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc, khiến chúng ta bị trở ngại trong công cuộc tìm kiếm bình an. Chúng ta muốn dứt trừ khổ đau và trở ngại, nhưng lại tạo ra chính những thứ đó. Và rồi chúng ta than phiền. Chúng ta tạo ra những nguyên nhân xấu, vì chúng ta không biết sự thật về những cái bên ngoài và những điều kiện.

Những quan niệm như “xuất gia” và “tại gia” cũng chỉ là những quy ước, những sự chế biến. Chúng ta tạo ra chúng cũng bởi vì lúc ban đầu chúng không có ở đó. Nó giống như một cái đĩa trống – bạn có thể đặt bất cứ thứ gì vào đó bởi vì nó trống trơn. Đây là bản chất của thực tại tương đối. Đàn ông và đàn bà chỉ là những quy ước, cũng như mọi thứ khác chung quanh chúng ta.

Nếu bạn hiểu bản chất của những quy ước, bạn có thể sống bình an. Nhưng nếu bạn tin rằng một người, một vật, cái “của tôi”, cái “của họ”, v.v… là những phẩm chất có thực, bạn sẽ phải cười và khóc vì chúng. Nếu chúng ta xem những thứ đó là “của chúng ta”, chúng ta chắc chắn đau khổ. Đây là tà kiến.

Nhưng chúng ta muốn không đè nén những điều kiện này, mà mang theo với mình và đau khổ vì chúng. Chúng ta lạc lối trong những điều kiện như thế đó. Thiên đàn, địa ngục, và Niết bàn đều được tìm thấy tại điểm này.

------------------------------------------------------

(1) Cảnh giới vô duyên là một cảnh giới không còn có những yếu tố có điều kiện (duyên), không còn chịu ảnh hưởng của luật nhân duyên. Xem phụ lục Thập Nhị Nhân Duyên.


12 thg 7, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 36

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 36

SỰ SIÊU VIỆT.

Nguyên nhân của tất cả những sự rối rắm này là tự ngã.

Tự ngã chỉ là cái vỏ bên ngoài.

Chúng ta lột cái lớp vỏ bên ngoài để có thể nhìn thấy cái cốt tủy,

tức là cái siêu việt.

Khi nhóm năm người tu khổ hạnh rời bỏ Đức Phật, Ngài xem đó là một sự may mắn, bởi Ngài sẽ có thể tiếp tục tu hành mà không bị cản trở. Những người này rời bỏ Ngài vì họ nghĩ rằng Ngài chểnh mảng việc tu hành và trở lại lối sống buông thả. Trước đó, Ngài rất chuyên tâm tu tập theo lối tu khổ hạnh ép xác. Đối với miếng ăn, giấc ngủ, Ngài đã hành hạ mình rất nhiều, nhưng Ngài không thấy lối tu hành đó có kết quả. Sự tu hành của Ngài xuất phát từ sự kiêu hãnh và bám giữ. Ngài lẫn lộn những giá trị thế gian và tính ích kỷ với chân lý.

Ví dụ, nếu có người tu khổ hạnh ép xác để được người đời tôn kính – đây là sự tu hành vì thế gian: tu hành vì danh lợi. Tu hành với ý muốn như thế gọi là lẫn lộn con đường thế gian với chân lý.

Một lối tu hành khác, là “lẫn lộn quan điểm của mình với chân lý”. Bạn chỉ tin vào chính mình, vào sự tu hành của chính bạn. Bất kể người khác nói gì, bạn nhất định bám chặt vào quan điểm của mình. Đây gọi là lẫn lộn chính mình với chân lý.

Bất kể bạn xem thế gian hay xem chính bạn là chân lý, đó đều là sự ràng buộc mù quáng. Đức Phật nhìn thấy điều này, và Ngài thấy rằng ở đó không có sự đi theo Giáo Pháp, không có sự tu hành vì chân lý. Cho nên, vào lúc ấy, sự tu hành của Ngài chưa có kết quả, Ngài vẫn chưa dứt trừ phiền não.

Rồi Ngài thay đổi hoàn toàn và xem xét lại tất cả nỗ lực tu hành của Ngài từ lúc ban đầu. Kết quả của sự tu hành đó là gì? Xem xét kỹ, Ngài mới thấy nó chứa đầy tính chất kiêu hãnh và thế tục. Không có Giáo Pháp, không có trí huệ về sự vô thường, không có sự rỗng không hay xả bỏ hoàn toàn.

Sau khi cân nhắc sự việc cẩn thận, Đức Phật biết rằng dầu Ngài có giải thích điều này tới năm vị đồng tu, họ cũng sẽ không hiểu. Nó không phải là một thứ mà Ngài có thể truyền đạt dễ dàng, bởi vì họ vẫn bám chặt vào lối suy nghĩ và tu hành cũ. Đức Phật thấy rằng nếu bạn tu hành theo cách đó, thì dầu có đến chết, bạn cũng không đạt được điều gì, bởi vì sự tu hành được thúc đẩy bởi những giá trị thế gian và lòng kiêu hãnh. Quán xét sâu xa, Ngài hiểu ra sự tu hành đúng: tâm là tâm, thân thể là thân thể. Thân thể không phải là nguồn gốc của sự ham muốn hay phiền não. Dầu bạn có tiêu hủy thân thể, bạn vẫn không thể tiêu hủy phiền não. Dầu bạn có nhịn đói và không ngủ cho đến thân thể chỉ còn da bọc xương, bạn vẫn không thể dập tắt phiền não. Nhưng sự tin tưởng rằng phiền não có thể được xóa tan bằng cách đó – giáo lý của pháp môn ép xác đã ăn sâu vào tâm trí của năm tu sĩ khỗ hạnh đó.

Và rồi Đức Phật bắt đầu ăn uống bình thường và tu hành một cách tự nhiên hơn. Khi năm tu sĩ này thấy sự thay đổi trong lối tu hành của Đức Phật, họ nghĩ rằng Ngài đã từ bỏ tu hành và quay lại với dục lạc thế gian. Sự nhận thức của Đức Phật vượt lên một đẳng cấp cao hơn, nhưng năm vị tu sĩ đó cho rằng đang thái hóa. Họ không thể buông bỏ lối suy nghĩ của mình, nhưng Đức Phật đã nhìn thấy sự sai lầm của mình và buông bỏ nó.

Giống như con chim rời khỏi một cội cây không còn cho đủ bóng mát, hay như con cá rời khỏi cái hồ nước quá nhỏ, quá dơ, năm vị tu sĩ rời bỏ Đức Phật cùng thế ấy.

Bấy giờ, Đức Phật tập trung vào việc quán chiếu Đạo. Ngài sống thoải mái hơn, tự nhiên hơn. Ngài cho phép tâm là tâm, thân thể là thân thể. Ngài không cưỡng ép sự tu hành của mình một cách quá đáng, chỉ vừa đủ để tháo lỏng gông cùm của tham, sân, si. Trước đó, Ngài rơi vào hai thái cực. Khi hạnh phúc và tình thương phát sinh, Ngài bị khuấy động và dính mác vào chúng. Ngài đồng hóa mình với chúng và không thể buông bỏ. Ngài mắc kẹt vào đó. Đó là một thái cực. Thái cực kia là khi Ngài tu khổ hạnh ép xác với năm tu sĩ kia. Hai thứ cực đoan này, Ngài gọi là mê đắm trong dục lạc và mê đắm trong khổ hạnh.

Đức Phật đã từng dính mắc vào các điều kiện. Ngài nhìn thấy rõ hai đường lối này không phải là đường lối của người xuất gia chân chánh. Nếu Ngài loanh quanh trong đó, Ngài chẳng bao giờ trở thành một người thấu hiểu thế gian. Và rồi Đức Phật tập trung hoàn toàn vào tâm và sự huấn luyện tâm.

Các pháp thế gian diễn tiến thuận theo những điều kiện hỗ trợ của chúng. Ví dụ, thân thể kinh nghiệm đau đớn, bệnh hoạn, nóng, lạnh, v.v… Những thứ này tự động xảy ra, và tự chúng không có vấn đề. Thật ra, con người quá lo lắng về thân thể của họ. Tà kiến khiến họ lo lắng và ràng buộc với thân thể của họ quá nhiều, đến độ họ không thể buông bỏ.

Hãy xem xét cái chánh điện ở đây. Chúng ta xây nó lên và nói rằng nó là của chúng ta, nhưng thằn lằn đến sống ở đây, chuột cũng đến sống ở đây, và chúng ta luôn đuổi chúng đi, bởi vì chúng ta cho rằng, cái nhà này thuộc về chúng ta, không phải cho chuột hay thằn lằn ở.

Bệnh hoạn của thân thể cũng vậy. Chúng ta xem cái thân thể này là nhà của chúng ta, thuộc về chúng ta. Đây là nơi chúng ta bị phỉnh gạt và rời xa chân lý. Chúng ta chỉ là khách khứa của thân thể này. Giống như cái chánh điện này, nó không thật sự là của chúng ta. Chúng ta chỉ là người ở tạm, như mấy con chuột, con thằn lằn ở đây vậy. Nhưng chúng ta không hiểu biết điều này. Đức Phật đã dạy rằng, không có một tự ngã lâu dài bên trong thân thể này, nhưng chúng ta nắm giữ nó như thể nó là chúng ta. Khi thân thể thay đổi, chúng ta không thích. Nhưng nếu tôi nói thẳng ra, bạn lại càng bối rối. “Đây không phải là bạn”, tôi nói thế, và bạn càng hoang mang hơn, sự tu hành của bạn chỉ củng cố thêm cái bản ngã mà thôi.

Cho nên, đa số người không thật sự nhìn thấy chính họ. Người nhìn thấy chính mình là người biết rằng sự việc không phải là họ và không thuộc về họ. Đây là quán sát các pháp hữu vi đúng với bản chất của nó. Hiểu biết bản chất của các pháp hữu vi là trí huệ. Nếu bạn không biết bản chất thực của các pháp hữu vi, bạn luôn xung đột với chúng, luôn kháng cự chúng. Bạn nghĩ sao? Chúng ta nên buông bỏ các pháp hữu vi hay cố kháng cự chúng? Thế nhưng chúng ta van xin chúng tuân theo những ước muốn của chúng ta. Chúng ta tìm đủ mọi cách để sắp xếp chúng hay thương lượng với chúng. Nếu thân thể bị bệnh và đau nhức, chúng ta không muốn nó như thế, nên chúng ta tìm kiếm đủ thứ kinh, chú khác nhau. Chúng ta không muốn thân thể đau nhức, chúng ta muốn bảo vệ nó, điều kiển nó. Những kinh tụng này có thể trở thành một hình thức lễ tục huyền bí, khiến chúng ta càng bị ràng buộc thêm khi chúng ta tụng kinh để đuổi bệnh, tăng tuổi thọ, v.v… Thật ra, Đức Phật cho chúng ta những giáo lý này để giúp ta nhìn thấy rõ, nhưng chúng ta lại tụng chúng để tăng thêm vô minh của mình. Kinh điển là để chúng ta biết sự thật về thân tâm, để rồi chúng ta có thể xả bỏ nó và xả bỏ sự ràng buộc của chúng ta.

Đây gọi là tụng kinh để cắt giảm sự việc, nhưng chúng ta thường tụng kinh để có thể nới rộng chúng thêm. Hoặc là, nếu chúng ta cảm thấy một thứ gì đó quá dài, chúng ta thử tụng kinh làm cho nó ngắn lại, để ép buộc thiên nhiên làm theo ý chúng ta. Tất cả đều là ảo tưởng. Mọi người ngồi đây trong chánh điện này đều bị phỉnh gạt. Những người tụng kinh đều bị phỉnh gạt, người ngồi nghe cũng bị phỉnh gạt, tất cả đều bị phỉnh gạt! Tất cả những gì họ có thể nghĩ là, “Làm sao để tránh khổ?” Khi nào họ mới chịu tu hành?

Khi bệnh hoạn phát sinh, “người biết” không thấy điều đó có gì lạ cả. Sinh ra trong thế gian này là phải kinh nghiệm bệnh hoạn. Khi Đức Phật và các Thánh Nhân bị bệnh, họ chữa bệnh bằng thuốc men; đó chỉ là vấn đề điều chỉnh nguyên tố thôi. Họ không bám vào thân thể một cách mù quán hay thực hiện nghi lễ này nọ để đuổi bệnh. Họ chữa bệnh với Chánh Kiến, không phải với ảo tưởng. “Nếu nó lành bệnh thì tốt. Nếu nó không lành bệnh, cũng không sao”. Họ xem xét sự việc như thế đó.

Người ta nói rằng Phật Giáo đang hưng thịnh tại Thái Lan, nhưng theo tôi nó suy thoái quá xa. Các thính đường thuyết pháp luôn đầy người, nhưng họ đặt tâm không đúng chỗ - ngay cả thành viên cao tuổi Đạo của cộng đồng cũng vậy. Vì thế họ chỉ dẫn nhau đi sâu vào ảo tưởng.

Những người đó vượt lên đau khổ bằng cách nào? Họ có những bài kinh tụng để nhận biết chân lý, nhưng họ chỉ dùng chúng tăng thêm ảo tưởng của mình. Họ quay lưng với Chánh Đạo. Đạo đi phía bắc, họ đi phía nam – làm sao hai bên có thể gặp nhau? Chúng cũng không thể gần nhau. Họ tụng kinh, nhưng họ tụng với sự vô minh, không phải với trí huệ. Họ học hỏi, nhưng họ học hỏi với sự vô minh. Họ biết, nhưng họ biết với sự vô minh. Nó là vậy đó. Còn những sự giảng dạy thì sao? Tất cả những gì họ làm thời nay là dạy người ta trở thành người ngu. Họ nói rằng họ dạy cho con người khôn ngoan hơn, truyền bá kiến thức, nhưng khi bạn xem xét chúng dựa vào chân lý, bạn sẽ thấy họ thật sự đang dạy người ta đi sai đường và nắm giữ những điều dối trá.

Sự giảng dạy là để giúp con người nhìn thấy tự ngã là rỗng không, không có cá tính cố định, không có thực chất. Nhưng người ta học hỏi Giáo Pháp để cũng cố bản ngã của họ, cho nên họ không muốn kinh nghiệm khổ đau hay trở ngại. Họ muốn mọi thứ đều êm đẹp. Họ có thể muốn vượt lên đau khổ, nhưng nếu còn có một tự ngã ở đó, họ sẽ làm thế bằng cách nào?

Giả sử, chúng ta sở hữu một món đồ rất đắt tiền. Ngay khi món đồ đó trở thành sở hữu của chúng ta, tâm chúng ta thay đổi. “Bây giờ mình phải cất nó ở đâu đây? Nếu mình để nó ở đó, liệu có thể sẽ mất không?” Chúng ta lo lắng, tìm kiếm một nơi để cất giữ nó. Và tâm trạng thay đổi ngay khi chúng ta nhận được món đồ - khổ đau phát sinh ngay lúc đó. Bất kể chúng ta để món đồ đó ở đâu, chúng ta cũng không an tâm. Dầu đi, đứng, nằm, hay ngồi, chúng ta đều chìm đắm trong sự lo lắng.

Đây là khổ. Và nó phát sinh lúc nào vậy? Nó phát sinh ngay khi chúng ta biết rằng chúng ta nhận được một thứ gì, hay mất đi một thứ gì đó. Trước khi chúng ta có được món đồ đó, thì không có sự khổ. Nó chưa phát sinh bởi vì chưa có một thứ gì để nó bám giữ.

Nguyên nhân của tất cả những sự rối rắm này là tự ngã. Chúng ta lột bỏ lớp vỏ thô thiển để có thể nhìn thấy cái siêu việt. Tự ngã chỉ là cái vỏ bên ngoài. Bạn phải lột đi lớp vỏ bên ngoài để có thể nhìn thấy cái cốt tủy, là cái siêu việt. Đạp đổ cái vỏ bên ngoài để tìm cái siêu việt.

Bạn có thể so sánh nó với gạo chưa đập, trước khi có thể sử dụng gạo, bạn phải đập nó. Giũ bỏ cái vỏ và bạn sẽ tìm thấy hạt gạo ở bên trong.

Bây giờ, nếu chúng ta không đập lúa, chúng ta không tìm thấy hạt gạo. Giống như, chúng ta học hỏi, nhưng nếu chúng ta không tu hành thích đáng, chúng ta sẽ vẫn không biết gì. Thật xấu hổ! Cũng như vậy: có gạo, nhưng cái gì che đậy nó vậy? Vỏ thóc che đậy hạt gạo. Và sự siêu việt, cái gì che đậy nó? Hình dáng bên ngoài che đậy sự siêu việt. Người ta ngồi trên một đống gạo như không thể ăn nó – đó là, không thể tu hành, không thể nhìn thấy sự siêu việt. Họ mắc kẹt vào những cái bên ngoài hết lần này đến lần khác. Nếu bạn mắc kẹt vào những thứ bên ngoài, khổ đau sẽ chờ đợi bạn: bạn sẽ bị bao vây bởi sự trở thành, sinh, lão, bệnh và tử.

Cho nên, không có gì khác đang cản trở con người. Họ bị cản trở ngay tại đây. Một người học hỏi Giáo Pháp mà không thấu hiểu ý nghĩa thật của nó thì cũng giống như người bị đói ngồi trên đống lúa chưa đập. Bất kể chúng ta nghiên cứu giáo lý nhiều bao nhiêu, chúng ta sẽ không nhìn thấy được chân lý, nếu chúng ta không tu hành.

Giống như một thứ trái cây ngon ngọt. Dầu trái cây có vẻ ngon ngọt, chúng ta cũng phải nếm thử, trước khi chúng ta biết mùi vị của nó. Nhưng dầu không ai nếm nó, trái cây đó vẫn ngon ngọt không khác. Giáo lý của Đức Phật cũng vậy. Mặc dầu nó là chân lý, nó vẫn không là chân lý đối với những người không thật sự biết nó. Bất kể nó tuyệt vời và kỳ diệu biết bao nhiêu, nó vẫn vô giá trị đối với họ.

Tại sao người ta nắm giữ sự khổ? Không ai muốn khổ, nhưng người ta cứ tạo nguyên nhân của sự khổ, gần như thể họ lang thang khắp nơi tìm kiếm nó. Con người thật sự muốn tìm hạnh phúc, nhưng tâm tạo ra quá nhiều đau khổ. Chỉ nhìn thấy bấy nhiêu cũng đủ. Đó là bởi vì chúng ta không biết sự khổ, không biết nguyên nhân của sự khổ, không biết sự chấm dứt khổ và không biết con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Đó là tại sao người ta cư xử như vậy.

Những người này có quan niệm sai lầm, tức tà kiến. Bất cứ điều gì chúng ta nói, tin tưởng hay làm mà nó dẫn tới khổ đau đều là tà kiến. Nếu nó không phải là tà kiến, nó sẽ không dẫn đến khổ đau. Chúng ta sẽ không dính mắc vào khổ đau hay hạnh phúc, bất cứ tình trạng nào. Chúng ta để sự việc diễn ra tự nhiên, như một dòng nước. Chúng ta không phải ngăn cản nó lại. Chúng ta cứ để nó trôi chảy theo hướng tự nhiên.

Giáo Pháp cũng thế, nó trôi chảy tự nhiên. Nhưng cái tâm vô mình thì cứ chống lại Giáo Pháp dưới hình thức tà kiến. Nó nhảy lung tung, nhìn thấy tà kiến ở những nơi khác, ở những người khác. Trong khi đó, chính chúng ta cũng có tà kiến, nhưng chúng ta không nhìn thấy. Hãy xem xét điều này.

Đa số con người vẫn mắc kẹt trong mạng lưới khổ đau, vẫn lang thang trong luân hồi. Nếu đau bệnh phát sinh, tất cả những gì họ làm là nghĩ cách dứt trừ nó. Họ muốn nó ngừng càng sớm càng tốt. Họ không quán chiếu rằng đây là bản chất tự nhiên của các pháp hữu vi. Thân thể thay đổi và con người không thể chấp nhận điều đó. Họ phải dứt trừ cái đau nhứt bằng mọi giá. Tuy nhiên, đến cuối cùng, họ vẫn không thắng, họ không thể đánh bại chân lý. Tất cả đều sụp đổ. Đây là một thứ mà người ta không muốn xem xét.

Tu hành để giác ngộ chân lý là điều tuyệt vời nhất. Tại sao Đức Phật phát triển tất cả ba-la-mật-đa(1)? Để Ngài có thể giác ngộ chân lý và cho phép những người khác tu hành và đắc Đạo như Ngài.

Để hạnh phúc hay khổ đau phát sinh, phải có tự ngã. Phải có cái “tôi” và “của tôi”, phải có cái hình dáng bên ngoài này. Nếu khi tất cả những thứ này phát sinh, tâm đi thẳng tới cái siêu việt, thì nó xóa đi những hình thức bên ngoài. Nó xóa đi sự vui thích, sự chán ghét, và sự dính mắc vào những thứ đó. Giống như khi chúng ta đánh mất một thứ gì chúng ta yêu chuộng: khi chúng ta tìm thấy lại nó, sự lo lắng của chúng ta tan biến. Khi chúng ta tu hành và ngộ Đạo, thì mỗi khi có vấn đề, chúng ta giải quyết nó tại đó và ngay đó. Vấn đề tan biến hoàn toàn.

Tại sao chúng ta vẫn chưa khai ngộ, chưa thể buông bỏ? Bởi vì chúng ta chưa thấy rõ sự nguy hại. Sự hiểu biết của chúng ta sai lạc. Nếu chúng ta biết rõ như Đức Phật hay những đệ tử a-la-hán của Ngài, chúng ta chắc chắn sẽ buông bỏ, và rồi vấn đề của chúng ta sẽ tan biến hoàn toàn mà không có gì khó khăn cả.

Khi tai bạn nghe âm thanh, hãy để chúng làm công việc của chúng. Khi mắt bạn làm phận sự của nó với những hình sắc, hãy để chúng làm thế. Khi mũi bạn làm việc với mùi vị chung quanh, hãy để nó làm công việc của nó. Khi thân thể bạn kinh nghiệm sự xúc chạm, hãy để nó hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nếu chúng ta cứ để các giác quan của mình làm bổn phận tự nhiên của chúng, vấn đề từ đâu mà phát sinh? Không có vấn đề nữa.

Cùng thế ấy, tất cả những thứ thuộc về cái bên ngoài, hãy để chúng với cái bên ngoài. Và nhận biết cái siêu việt là gì. Chỉ việc làm “người biết”, biết mà không nắm giữ, biết và để sự việc diễn ra tự nhiên.

Để biết Giáo Pháp, bạn phải biết theo cách này. Đó là, biết trong một cách có thể vượt lên khổ đau. Loại kiến thức này rất quan trọng. Biết cách chế tạo đồ đạc, biết cách dùng các dụng cụ, biết tất cả những kỹ thuật của thế gian – những thứ này đều có chỗ dụng của nó, nhưng chúng không phải là kiến thức tối thượng. Giáo Pháp phải được biết như cách tôi giải thích ở đây. Bạn không cần phải biết thật nhiều; chỉ bấy nhiêu là đủ để tu hành – biết và rồi buông bỏ. Bạn không cần phải chết trước khi có thể vượt lên khổ đau. Bạn vượt lên sự khổ đau ngay trong đời này bởi vì bạn biết cách giải quyết vấn đề. Bạn biết cái bên ngoài, bạn biết cái siêu việt. Hãy biết chúng ngay trong đời này, trong khi bạn tu hành ở đây.

Bạn có thể bâng khuâng, “Tại sao ông thầy cứ nói điều này mãi?” Tôi làm sao có thể dạy điều gì khác hơn là sự thật? Nhưng dầu nó là sự thật, đừng vội tin! Nếu bạn bám vào nó một cách mù quáng, nó trở thành sai. Cũng như khi bạn nắm cái đuôi con rắn. Nếu bạn không thả ra, con rắn sẽ quay lại cắn bạn. Cứ thử đi. Nếu bạn không thả ra, nó không có sự lựa chọn nào khác hơn là cắn bạn. Thế giới của những hình sắc cũng như thế. Chúng ta sống thuận theo những quy ước, nhưng nếu chúng ta bám chặt vào chúng, chúng dẫn đến khổ đau. Cứ để sự việc đi qua.

Mỗi khi chúng ta cảm thấy mình rất đúng, đến độ chúng ta không muốn xem xét một thứ gì khác hay một người nào khác, chúng ta trở thành sai. Chúng ta có tà kiến. Khi đau khổ phát sinh, nó đến từ đâu? Từ tà kiến.

Cho nên tôi nói, “Hãy thư giãn, đừng bám giữ sự việc”. “Đúng” chỉ là một sự giả định, cứ để nó đi qua. “Sai” cũng là một điều kiện bên ngoài, cứ để nó là thế. Nếu bạn cảm thấy mình đúng và những người khác cho là bạn sai, đừng tranh cãi, cứ buông bỏ nó. Bạn vừa biết ra, là buông bỏ ngay. Đây là con đường thẳng.

Nhưng thường thì không như vậy. Thông thường người ta không chịu thua. Đó là tại sao có người, ngay cả những người tu hành mà chưa biết chính mình, có thể thốt ra những điều rất là ngu ngốc, đến nỗi không ai muốn nghe. Thế nhưng họ nghĩ là họ khôn ngoan hơn những người khác. Lại có người không thể lắng nghe Pháp, nhưng họ nghĩ là họ khôn, là họ đúng. Họ chỉ quảng bá cái ngu xuẩn của mình.

Đó là tại sao kẻ trí nói, “Bất cứ lời nói nào không hiểu biết sự vô thường đều không phải là lời của kẻ trí, mà là lời của người ngu. Nó là lời nói lừa gạt của một người không biết rằng sự khổ đang phát sinh ngay tại đó”. Ví dụ, giả sử bạn quyết định đi Bangkok ngày mai và có người hỏi, “Bạn đi Bangkok vào ngày mai phải không?” Bạn trả lời, “Tôi hy vọng đi tới Bangkok. Nếu không có gì trở ngại, tôi có lẽ sẽ đi”. Đây là một câu nói với Giáo Pháp trong tâm, nói chuyện với sự vô thường trong tâm, hiểu biết cái chân lý, đó là bản chất không chắc chắn và tạm bợ của thế gian. Bạn không chỉ nói, “Đúng, tôi chắc chắn sẽ đi Bangkok vào ngày mai.

Còn nhiều hơn thế nữa. Sự tu hành ngày càng trở nên tế nhị hơn. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy Giáo Pháp, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang nói đúng khi sự thật là bạn sai, và bạn rời xa bản chất thật của sự việc với mỗi lời nói. Nói ngắn gọn: bất cứ điều gì chúng ta nói hay làm mà mang đến khỏ đau đều là tà kiến. Nó là sự ảo tưởng và là sự ngu ngốc.

Đa số người tu hành không nghĩ như thế. Bất cứ thứ gì họ thích, họ nghĩ là đúng, họ tin tưởng ngay. Nếu họ nhận một món quà, một tước hiệu mới, hay một sự thăng chức, hay ngay cả một lời khen tặng, họ cho rằng điều đó là tốt đẹp, là vĩ đại và rồi lòng kiêu hãnh của họ được thổi phồng lên. Họ không xem xét, “Ta là ai? Cái gọi là tốt đẹp này ở đâu vậy? Nó từ đâu đến? Những người khác có cùng thứ đó không?”

Đức Phật dạy rằng chúng ta nên ứng xử một cách bình thường. Nếu chúng ta không thật sự nghiền ngẫm điều này, ảo tưởng sẽ vẫn nằm bên trong chúng ta – chúng ta sẽ chìm đắm trong tài sản, chức vị, sự khen tặng. Bởi vì chúng biến chúng ta trở thành một người khác: chúng ta nghĩ rằng chúng ta tốt hơn trước, rằng chúng ta là một thứ gì đặc biệt.

Thật ra, con người không là một thứ gì cả. Bất cứ chúng ta là gì, nó chỉ ở thế giới bên ngoài. Nếu chúng ta lấy đi cái vẻ bên ngoài và nhìn vào bên trong cái siêu việt, chúng ta sẽ thấy rằng không có thứ gì ở đó cả. Chỉ là những tính chất của thế gian – sinh vào lúc đầu, thay đổi ở lúc giữa, và diệt ở lúc cuối. Nếu chúng ta nhìn thấy điều này, vấn đề sẽ không thể phát sinh, và chúng ta có sự mãn nguyện và bình an.

Vấn đề phát sinh khi chúng ta nghĩ giống như năm vị đệ tử tu khổ hạnh của Đức Phật. Họ làm theo sự hướng dẫn của vị thầy, nhưng khi vị thầy thay đổi đường lối tu hành của mình, họ không hiểu nổi. Họ cho rằng Đức Phật bỏ cuộc. Chúng ta có lẽ cũng làm như thế, mắc kẹt trong những lối mòn của chúng ta và tin là mình đúng.

Cho nên tôi nói: Hãy tu hành, nhưng cũng xem xét kết quả của sự tu hành. Xem xét kỹ những nơi mà bạn không chịu làm theo lời thầy, hay sự giảng dạy. Nơi nào có sự xung đột, có sự tắc nghẽn. Bạn tạo ra một tự ngã và sự việc dường như có thực chất. Đây là tà kiến. Ngay cả cái đúng, nếu bạn bám chặt vào đó, không chịu nhượng bộ người nào, thì nó trở thành sai. Bám chặt vào điều đúng là sự xuất hiện của cái ngã và không có sự buông bỏ.

Nhiều người không hiểu điểm này. Nếu bạn hiểu và nhanh trí, bạn sẽ lập tức buông bỏ. Sự bám giữ vừa phát sinh, thì lập tứ có sự buông bỏ. Bạn để tâm buông bỏ ngay tại đó và lúc đó.

Bạn phải nhìn thấy cả hai thứ: Sự bám giữ và người chống lại sự bám giữ. Mỗi khi bạn kinh nghiệm một cảm thọ, bạn nên quan sát cách hai thứ này làm việc. Chỉ quan sát chúng thôi. Hãy quán chiếu và liên tục tu hành như thế, và rồi sự bám giữ sẽ yếu dần, trở nên thưa thớt dần. Chánh Kiến tăng lên khi tà kiến phai mờ dần. Sự bám giữ giảm dần, sự không bám giữ phát sinh. Đây là cách tu hành. Hãy xem xét điểm này. Học cách giải quyết vấn đề của bạn ngay lúc này.

------------------------------------------------------

(1) Những phép Ba-la-mật-đa là những đức hạnh viên mãn của một Bồ-tát. Xem phụ lục Lục Độ


11 thg 7, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 35

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 35

DÒNG NƯỚC TĨNH LẶNG.

Tâm của bạn sẽ giống như dòng nước chảy,

thế nhưng nó tĩnh lặng.

Tĩnh lặng nhưng trôi chảy.

Cho nên tôi gọi nó là “dòng nước tĩnh lặng chảy”

Trí huệ có thể phát sinh tại đây.

Ngay bây giờ, làm ơn chú ý. Đừng để tâm đuổi theo những thứ khác. Cứ tưởng tượng là bạn đang ngồi trên một ngọn núi hay ở một nơi nào đó trong rừng, chỉ một mình thôi. Bạn đang làm gì vào lúc này? Thân và tâm, chỉ có hai thứ này thôi. Tất cả những gì nằm bên trong con người ngồi ở đây được gọi là thân thể. Tâm là cái nhận biết và suy nghĩ vào lúc này. Cả hai thứ này cũng được gọi là nàmarùpa. Nàma chỉ cái không có rùpa hay hình thể. Tất cả tư tưởng và cảm xúc, hay bốn uẩn: thọ, tưởng, hành, thức, đều là nàma. Chúng đều không có hình thể. Khi mắt nhìn thấy hình thể đó gọi là nàmarùpa, hay chỉ là thân và tâm.

Hãy hiểu rằng cái ngồi đây bây giờ chỉ là thân và tâm. Nhưng chúng ta thường lẫn lộn hai thứ này với nhau. Nếu bạn muốn được bình an, bạn phải biết sự thật về chúng. Tâm trong tình trạng hiện tại của nó là cái tâm chưa được huấn luyện. Nó không trong sạch và sáng tỏ. Nó chưa phải là cái tâm thuần khiết. Chúng ta phải huấn luyện cái tâm này thêm nữa xuyên qua sự hành thiền.

Có người nghĩ rằng thiền là ngồi trong một tư thế đặc biệt nào đó, nhưng thật sự thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là những phương tiện để hành thiền. Bạn có thể tu hành suốt ngày đêm. Định(1) có nghĩa là “tâm thiết lập vững vàng”. Để phát triển định lực, bạn không cần phải giam cái tâm lại. Có người cố đạt sự bình an bằng cách ngồi yên lặng, và không cho phép thứ gì quấy nhiễu họ, nhưng như thế cũng không đúng. Tu hành là để phát triển trí huệ và sự hiểu biết.

Định là cái tâm vững vàng, tâm nhất điểm. Nó cố định ở điểm nào vậy? Nó cố định tại cái điểm thăng bằng. Nhưng người tu thiền bằng cách cố yên lặng tâm của họ, sẽ nói, “Tôi cố ngồi thiền, nhưng tâm tôi không đứng yên lấy một phút. Lúc thì nó bay qua bên này, lúc thì nó bay qua bên kia. Làm sao để cho nó dừng lại?” Bạn không cần phải làm cho nó dừng lại, đó không phải là vấn đề. Nơi nào có sự chuyển động, nơi đó sự hiểu biết có thể phát sinh. Người ta than phiền, “Nó cứ chạy mất, và tôi kéo nó lại, nhưng rồi nó chạy đi nữa, và tôi lại kéo nó lại. Họ cứ ngồi đó giằng tới kéo lui mãi.

Họ nghĩ rằng tâm của họ đang chạy lung tung khắp chốn, nhưng thật sự, nó chỉ có vẻ như đang chạy thôi. Ví dụ, hãy xem xét cái chánh điện ở đây. “Ồ! Nó lớn quá!” bạn nói. Thật ra nó không lớn chút nào. Nó lớn hay nhỏ đều tùy thuộc vào nhận thức của bạn về nó. Thật sự thì cái chánh điện này chỉ rộng như thế thôi, không lớn, không nhỏ, nhưng người ta cứ chạy theo cảm xúc của họ. Thiền là để tìm thấy sự bình an nội tâm: trước hết bạn phải hiểu sự bình an là gì. Nếu bạn không hiểu nó, bạn sẽ không thể tìm thấy nó.

Thí dụ, hôm nay bạn đến tu viện, mang theo một cây bút đắt tiền. Giả sử, trên đường đến đây, bạn để cây bút trong túi áo của bạn, nhưng sau đó, bạn lấy nó ra và để nó ở một nơi khác – trong túi quần sau của bạn, chẳng hạn. Rồi giờ bạn thò tay vào túi áo… Nó không có ở đó! Bạn hoảng hốt. Bạn hoảng hốt vì bạn hiểu lầm, vì bạn không biết sự thật của vấn đề. Và rồi bạn đau khổ vì nghĩ mình đánh mất cây bút. Sự hiểu biết sai lầm của bạn khiến cho bạn khổ. “Buồn quá! Mới mua cây bút được vài ngày mà đã mất rồi”.

Nhưng rồi bạn nhớ ra, “Ồ, biết rồi! Khi tôi sử dụng nó xong thì tôi đã để cây bút ở túi quần sau”. Thế là bạn thấy nhẹ nhõm ngay! Thấy không? Bạn vui vẻ rồi. Bạn không còn lo lắng về cây bút của mình. Khi bạn sờ vào túi quần sau, nó ở đó. Tâm của bạn đánh lừa bạn suốt thời gian qua. Bây giờ nhìn thấy cây bút, nỗi lo của bạn lắng dịu. Thứ bình an này đến tự sự nhìn thấy nguyên nhân của vấn đề, hay nguyên nhân của sự khổ. Bạn vừa tìm thấy cây bút nằm trong túi quần sau, thì sự khổ chấm dứt.

Cho nên, bạn phải quán chiếu để có thể tìm thấy sự bình an. Điều mà người ta nói là sự bình an, chỉ là sự lắng yên của tâm, không phải sự lắng yên của phiền não. Phiền não chỉ tạm thời bị chặn đứng, giống như mảng cỏ bị tảng đá đè lên trên. Nếu ba, bốn ngày bạn lấy tảng đá đi, thì không bao lâu, cỏ sẽ mọc trở lại. Cỏ không chết, nó chỉ bị đè nén. Nó cũng giống như việc ngồi thiền: tâm lắng dịu nhưng phiền não thì không. Thiền định mang tới một sự bình an, nhưng nó cũng giống như đá đè lên cỏ. Nó chỉ tạm thời. Để đạt được bình an thật sự, bạn phải phát triển trí huệ. Sự bình an của trí huệ thì giống như việc đặt tảng đá lên mảng cỏ và không nhấc nó lên, cứ để nó ở đó. Cỏ không thể nào mọc lên lại. Đây chính là sự bình an thật, sự lắng dịu của phiền não.

Chúng ta nói về trí huệ và sự tĩnh lặng như hai thứ riêng biệt, nhưng thật ra, chúng là một và giống nhau. Trí huệ là chức năng động của thiền định; thiền định là khía cạnh tĩnh của trí huệ. Chúng phát sinh cùng một chỗ nhưng có chức năng khác nhau, khuynh hướng khác nhau. Giống như trái xoài ở đây. Lúc đầu, nó là một trái xoài xanh nhỏ, rồi nó lớn lên dần cho đến khi nó chín. Trái nhỏ, trái lớn, và trái chín, đều là cùng một trái xoài, nhưng điều kiện của nó thay đổi. Trong sự tu hành, một điều kiện gọi là thiền định, điều kiện đến sau gọi là trí huệ, nhưng thật sự thì giới, định, huệ đều là một thứ, giống như trái xoài vậy.

Trong trường hợp nào cũng vậy, bất kể bạn nói đến khía cạnh nào của sự tu hành, bạn phải luôn bắt đầu với cái tâm. Bạn có biết cái tâm này là gì không? Nó ở đâu vậy? Không ai biết cả. Chúng ta chỉ biết là chúng ta muốn đi qua bên này hay bên kia, chúng ta muốn điều này hay điều kia, chúng ta cảm thấy tốt hay xấu, nhưng tâm thì thật khó biết. Tâm là cái gì? Tâm không có hình thể. Cái tiếp nhận những cảm thọ tốt và xấu, chúng ta gọi là “tâm”. Nó giống như người chủ nhà. Người chủ nhà ở mãi trong nhà, còn khách khứa thì đến gặp họ. Chủ nhà là người tiếp khách. Ai tiếp nhận các cảm thọ? Đó là cái chúng ta gọi là “tâm”. Nhưng con người không thể nhìn thấy nó, cho nên họ cứ suy nghĩ lòng vòng. “Tâm là gì? Nó có phải là bộ óc không?” Đừng làm vấn đề rối rắm như thế. Nhưng cái tiếp nhận các cảm thọ là gì? Có cảm thọ nó thích, có cái nó không thích. Ai thế? Có một người nào đó thích hay không thích sao? Hẳn nhiên, nhưng chúng ta không thể thấy nó. Chúng ta cho nó là một tự ngã, nhưng thật ra, nó chỉ là một pháp vô hình (nàma-dhamma).

Do đó, chúng ta bắt đầu tu hành bằng cách lắng dịu tâm. Đặt sự nhận biết vào trong tâm. Nếu tâm nhận biết, nó sẽ được bình an. Có người không thiết lập sự nhận biết, họ chỉ muốn được bình an, kiểu trống rỗng. Vì thế họ không bao giờ học hỏi được điều gì. nếu chúng ta không có “người biết” này, chúng ta lấy gì làm nền tảng cho sự tu hành của mình?

Nếu không có dài, sẽ không có ngắn.  Nếu không có đúng, sẽ không có sai. Con người thời nay cứ nghiên cứu mãi, tìm kiếm điều thiện và điều ác. Nhưng cái vượt lên trên sự thiện ác thì họ không biết chút nào cả. Họ chỉ biết cái đúng và cái sai – “Tôi chỉ muốn cái đúng thôi. Tôi không muốn biết về cái sai. Để làm gì?” Nếu bạn chỉ cố lấy cái đúng thôi, thì không ba lâu nó sẽ lại sai. Đúng dẫn tới sai. Họ nghiên cứu về cái dài và cái ngắn, nhưng cái không dài , không ngắn thì họ không biết chút nào cả. Một con dao có cạnh bén, cạnh cùn, và một cái tay cầm. Cái tay cầm, cạnh cùn, cạnh bén đều là những phần của cùng một con dao: khi bạn nhặt con dao lên, bạn được cả ba phần.

Cùng thế ấy, nếu bạn lấy cái tốt, cái xấu theo sau. Nếu bạn lấy cái hạnh phúc, đau khổ theo sau. Sự tu hành dính mắc vào sự tốt lành và khước từ sự xấu là Đạo của trẻ con. Nó giống như đồ chơi. Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ có thể hiểu được bấy nhiêu, thì cũng không sao, nhưng nếu bạn bám vào điều tốt, thì điều xấu sẽ đi theo. Khúc cuối của con đường sẽ rối rắm. Nếu bạn không nghiên cứu điều này, sự tu hành của bạn không thể hoàn tất.

Thử lấy một ví dụ. Nếu bạn có con, giả sử bạn chỉ muốn yêu thương chúng và không bao giờ giận ghét chúng. Đây là lối suy nghĩ của những người không biết bản chất của con người. Nếu bạn nắm giữ tình thương, sự thù ghét sẽ theo sau. Tương tự thế, người ta học hỏi Giáo Pháp để phát triển trí huệ, cho nên họ xem xét kỹ điều thiện và điều ác. Rồi sau khi nhận ra điều thiện và điều ác, họ làm gì? Họ cố bám vào điều thiện, và điều ác đi theo sau. Họ không học hỏi cái vượt lên trên thiện ác. Đây là điều bạn nên quán xét.

Những người như thế nói, “Tôi sẽ như thế này”, “Tôi sẽ như thế kia”, nhưng họ không bao giờ nói, “Tôi không là thứ gì cả, bởi vì đâu có thứ gì thật sự là tôi”. Họ chưa học hỏi điều này. Tất cả những gì họ muốn chỉ là sự thiện lành, và nếu họ đạt được điều đó, họ lạc lối trong đó. Thế nhưng, khi sự việc trở nên sáng sủa, thuận lợi, họ thối đọa và trở nên xấu, cho nên, con người cứ tốt rồi xấu, xấu rồi tốt như thế mãi.

Hãy huấn luyện tâm cho đến khi nó thuần khiết. Tâm thuần khiết lên trên cả thiện và ác, vượt lên cả sự thuần khiết. Thế là hoàn tất. Đó là khi sự tu hành kết thúc. Chỉ khi bạn có thể khiến cho tâm vượt lên cả hạnh phúc lẫn khổ đau, bạn mới tìm thấy sự bình an thật. Đó là sự bình an chân chánh. Đây là đề tài mà đa số người không nghiên cứu; họ không thật sự nhìn thấy điều này. Đừng nghĩ rằng huấn luyện tâm là chỉ ngồi đó yên lặng. Có người than phiền, “Tôi không thể thiền, tôi quá hiếu động. Mỗi khi ngồi xuống, tôi nghĩ đến chuyện này, chuyện kia. Tôi không thể tu hành. Nghiệp chướng tôi nặng nề quá. Tôi nên dừng hết những nghiệp ác của mình trước, rồi mới trở lại để tu thiền”. Được, cứ thử đi. Dừng cho hết nghiệp ác của bạn.

Những cái gọi là chướng ngại là những cái chúng ta phải học hỏi. Mỗi khi chúng ta ngồi, tâm liền chạy ra ngoài. Chúng ta đi theo nó, rồi cố mang nó lại và quan sát nó. Nhưng rồi nó lại chạy nữa. Đây là điều bạn cần quán xét! Đa số người không muốn học bài học của họ từ thiên nhiên – giống như một cậu học trò nghịch ngợm không muốn làm bài tập của mình. Họ không muốn nhìn thấy tâm thay đổi. Nhưng như vậy thì họ phát triển trí huệ bằng cách nào? Chúng ta phải sống với sự thay đổi này. Khi chúng ta biết rằng đây là bản chất của nó, chúng ta sẽ hiểu nó.

Giả sử bạn có một con khỉ nuôi trong nhà. Con khỉ không ở yên một chỗ được lâu, nó nhảy quanh và chụp cái này, nắm cái kia. Nhưng khỉ là vậy đó. Bây giờ, bạn đến tu viện và nhìn thấy một con khỉ ở đây. Con khỉ này cũng không đứng yên một chỗ, nó nhảy nhót lung tung giống như con khỉ ở nhà vậy. Nhưng nó không làm phiền bạn, phải không? Nếu bạn đã từng nuôi một con khỉ, bạn sẽ biết chúng ra sao. Khi bạn hiểu biết một con khỉ, thì bất kể bạn đi đâu, nhìn thấy bao nhiêu con khỉ, bạn sẽ không bị chúng phiền nhiễu, đúng không? Đó là bởi vì bạn là người hiểu bản chất của con khỉ.

Nếu chúng ta hiểu khỉ, chúng ta sẽ không trở thành khỉ. Nhưng nếu bạn không hiểu khỉ, bạn có thể trở thành một con khỉ! Hiểu không? Nếu bạn thấy chúng nắm cái này, chụp cái kia, và bạn la lên, “Ê, ngừng lại!” rồi bạn tức giận – “Con khỉ mất dạy đó!” – Thế thì bạn là một người không biết gì về khỉ. Một người hiểu khỉ nhận thấy rằng con khỉ ở nhà và con khỉ ở tu viện cũng như nhau. Tại sao lại tức giận? Một khi bạn nhìn thấy bản chất của loài khỉ, thế là xong; bạn có thể được bình an bằng sự hiểu biết đó.

Sự bình an là như thế. Chúng ta phải biết các cảm xúc. Có cảm xúc thoải mái, có cảm xúc khó chịu, nhưng điều đó không quan trọng. Đó là vấn đề của chúng. Cũng giống như con khỉ vậy. Chúng ta nên hiểu cảm xúc và biết cách buông bỏ chúng. Cảm xúc không chắc chắn. Chúng tạm bợ, không hoàn mỹ và vô chủ. Mọi thứ chúng ta tiếp cận đều là như thế cả. Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý tiếp nhận cảm xúc, chúng ta biết chúng giống như loài khỉ. Và rồi chúng ta có thể bình an.

Phải có những thứ này. Nếu không có các cảm xúc, bạn không thể phát triển trí huệ. Với một người học trò nghiêm túc, thì càng có nhiều cảm xúc càng tốt. Nhưng nhiều thiền giả rất sợ các cảm xúc. Họ không muốn đối phó với chúng. Đây là học trò không muốn đi tới trường, không nghe lời thầy. Những cảm xúc này đang dạy dỗ chúng ta. Khi chúng ta nhận biết các cảm xúc, chúng ta đang tu hành. Sự bình an bên trong các cảm xúc thì cũng giống như sự hiểu biết con khỉ ở đây. Khi bạn hiểu bản chất của tâm, bạn sẽ không còn bị nó phiền nhiễu.

Sự tu hành cũng vậy. Đạo không ở đâu xa, nó ở ngay trong chúng ta. Đạo không liên quan đến những ông thần trên trời hay những thứ như thế. Nó chỉ là chúng ta, về những gì chúng ta đang làm ngay bây giờ và ở đây. Hãy quan sát chính mình. Đôi lúc có sự hạnh phúc, đôi lúc có khổ đau, đôi lúc thương, đôi lúc ghét. Đây là Đạo. Bạn phải học hỏi kinh nghiệm của mình.

Bạn phải biết các cảm xúc trước khi bạn có thể buông bỏ chúng. Khi bạn nhìn thấy rằng các cảm xúc đều vô thường, chúng sẽ không làm phiền bạn nữa. Khi một cảm xúc vừa nảy sinh, chỉ việc nói với mình, “Nó là một thứ không chắc chắn”. Khi tâm trạng thay đổi, “Hừm, không chắc”. Bạn có thể sống bình an với những thứ này, giống như khi nhìn thấy con khỉ mà không bị quấy rầy. Nếu bạn biết sự thật về những cảm xúc, đó là bạn hiểu Đạo. Bạn buông bỏ các cảm xúc, vì thấy rằng chúng đều không chắc chắn.

Sự không chắc chắn mà chúng ta nói đến ở đây là Phật. Phật là Pháp. Pháp là tính chất của sự không chắc chắn. Bất cứ ai nhìn thấy sự không chắc chắn của sự việc nhìn thấy cái thực tại không thay đổi của chúng. Pháp là như vậy đó. Và đó là Đức Phật. Nếu bạn nhìn thấy Pháp, bạn nhìn thấy Phật. Nhìn thấy Phật, bạn nhìn thấy Pháp. Nếu bạn biết sự vô thường, không chắc chắn, bạn sẽ buông bỏ sự việc và không nắm giữ chúng nữa.

Bạn nói, “Đừng làm vỡ cái ly của tôi!” Bạn có thể ngăn cản một thứ có thể vỡ để nó đừng vỡ không? Nó sẽ vỡ, sớm hay muộn thôi. Nếu bạn không làm vỡ nó, một người khác sẽ làm. Đức Phật bảo chúng ta chấp nhận điều này, Ngài nhìn thấy rằng, cái ly này vốn đã vỡ rồi. Sự hiểu biết của Đức Phật là như thế. Ngài nhìn thấy cái ly vỡ bên trong cái ly chưa vỡ. Mỗi khi bạn dùng cái ly này, bạn nên ngẫm nghĩ rằng nó đã vỡ. Khi thời gian đến, nó sẽ vỡ. Hãy dùng cái ly, hãy chăm sóc nó, cho đến ngày nó tụt khỏi tay bạn và vỡ tan. Không sao cả. Bởi vì bạn đã nhìn thấy sự vỡ tan của nó từ trước!

“Tôi rất thích cái ly này”, bạn nói, “Tôi hy vọng nó không bao giờ vỡ”. Vài bữa sau, con chó làm vỡ nó. “Tôi sẽ giết con chó khốn nạn đó!” Bạn ghét con chó vì nó làm vỡ cái ly yêu thích của bạn. Nếu có người nào đó làm vỡ cái ly đó, bạn cũng ghét họ luôn. Tại sao vậy? Bởi vì bạn ngăn mình lại, và nước không có chỗ thoát. Bạn xây một cái đập nước mà không có đập tràn. Điều duy nhất cái đập có thể làm là vỡ tung, phải không? Khi bạn xây một cái đập, bạn cũng phải làm một cái đập tràn. Khi nó dâng quá cao, nó có thể chảy ra ngoài một cách an toàn. Bạn phải có một cái van an toàn như thế. Sự vô thường là cái van an toàn của Thánh Nhân. Nếu bạn có cái van an toàn này, bạn sẽ bình an.

Đi, đứng, nằm, ngồi, hãy tu hành liên tục, dùng chánh niệm để canh gác và bảo vệ tâm. Chừng nào bạn không vứt bỏ Phật, bạn sẽ không đau khổ. Vừa vứt bỏ Phật, vừa vứt bỏ sự quán chiếu về tính chất tạm bợ, bất toàn, và vô chủ, là bạn đau khổ ngay. Nếu bạn có thể tu hành được bấy nhiêu, thì đã đủ. Đau khổ sẽ không phát sinh, hoặc nếu nó có phát sinh, bạn có thể giải quyết ổn thỏa, và điều này khiến cho sự khổ không phát sinh trong tương lai. Đây là dứt điểm của sự tu hành, một điểm nơi sự khổ không còn phát sinh. Và tại sao sự khổ không còn phát sinh? Bởi vì chúng ta đã nhận ra nguyên nhân của sự khổ. Bạn không cần đi xa hơn điểm này. Chỉ bấy nhiêu là đủ.

Quán chiếu điều này trong tâm của bạn. Tất cả các bạn đều có Năm Giới làm nền tảng. Không cần phải nghiên cứu tam tạng kinh điển. Chỉ việc tập trung vào Năm Giới này. Lúc đầu, bạn sẽ phạm lỗi lầm. Khi bạn nhận ra điều này, hãy dừng lại ngay, quay lại và tái thiết lập giới hạnh của bạn. Có thể bạn sẽ đi lạc và làm một lỗi lầm khác. Khi bạn nhận ra điều này, tái thiết lập chính mình. Nếu bạn tu hành như thế này, bạn sẽ có chánh niệm liên tục, trong mọi tư thế. Khi đến giờ ngồi thiền, bạn ngồi thiền. Nhưng thiền không chỉ là ngồi. Bạn phải cho phép tâm kinh nghiệm sự việc hoàn toàn, cho phép sự việc diễn ra tự nhiên và xem xét bản chất của chúng. Bạn xem xét chúng như thế nào? Hãy nhìn thấy chúng là vô thường, bất toàn, và vô chủ. Tất cả đều không chắc chắn. “Cái này đẹp quá. Tôi phải có nó”. Đó không phải là một điều chắc chắn. “Tôi không thích cái này chút nào cả”. Hãy nói với mình ngay lúc đó, “Không chắc!” Nhưng nếu bạn cố xem sự việc là thật: “Tôi sẽ lấy cho được thứ này…”. Bạn đã đi lạc hướng. Đừng làm thế. Bất kể bạn thích một điều gì đến chừng nào, bạn nên suy nghĩ là nó không chắc chắn. Có một món ăn có vẻ rất thơm ngon, nhưng bạn nên suy nghĩ rằng nó không phải là điều chắc chắn. Nó có thể trông rất chắc chắn, trông rất ngon, nhưng bạn vẫn phải nói với mình, “Không chắc!” Nếu bạn muốn kiểm tra xem nó có chắc chắn không, hãy thử ăn món đó mỗi ngày. Mỗi một ngày, nhớ nhé. Cuối cùng, bạn sẽ than phiền, “Món này ngán quá, không thấy ngon nữa”. Vậy là bạn sẽ nghĩ, “Thật ra, tôi thích món kia hơn”. Nhưng đó cũng không phải là một điều chắc chắn!

Có người ngồi thiền cho đến đờ đẫn cả ra, chẳng khác gì người chết. Họ không thể phân biệt phía nào là nam, phía nào là bắc. Đừng đi đến chỗ cực đoan như vậy. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ khi đi kinh hành, hãy thay đổi tư thế. Hãy có trí huệ. Nếu bạn mệt mỏi quá, hãy nghỉ một lát. Khi vừa thức giấc, hãy tiếp tục tu hành; đừng để mình rơi vào trạng thái đờ đẫn. Bạn phải tu hành như vậy. Phải hợp lý, có trí huệ, và thận trọng.

Khởi sự tu hành từ chính thân và tâm của bạn, nhìn thấy chúng vô thường. Hãy nhớ như thế khi thấy thức ăn thơm ngon. Bạn tự nhủ, “Không phải là một điều chắc chắn!” Bạn phải đánh trước. Thường thì lần nào bạn cũng bị nó đánh trước, phải vậy không? Nếu bạn không thích một thứ gì, bạn khổ sở vì điều đó. Đây là cách sự việc đánh đấm chúng ta. Bạn chưa bao giờ có cơ hội ra tay trước!

Hãy tu hành trong mọi tư thế. Đi, đứng, nằm, ngồi – bạn có thể kinh nghiệm sự tức giận trong bất cứ tư thế nào, đúng không? Bạn có thể nổi giận khi bạn đang đi, khi đang ngồi, hay đang nằm. Bạn có thể kinh nghiệm ham muốn trong bất kỳ tư thế nào. Cho nên, sự tu hành của chúng ta phải nới rộng đến mọi tư thế. Đừng chỉ phô trương, hãy thật sự làm. Khi ngồi thiền, một điều gì đó có thể phát sinh. Trước khi nó lắng dịu, thì một thứ khác đã chạy xông vào. Bất cứ khi nào những thứ này xuất hiện, chỉ việc nói với bạn, “Không chắc, không chắc”. Hãy đấm nó trước khi nó có cơ hội đấm bạn.

Đây là điểm quan trọng. Nếu bạn biết rằng mọi việc điều vô thường, sự suy nghĩ của bạn sẽ tháo mở dần. Khi bạn quán chiếu về sự không chắc chắn của những chuyện đã qua, bạn sẽ nhìn thấy rằng mọi thứ đều đi cùng một đường. Mỗi khi có điều gì đó phát sinh, tất cả những gì bạn cần nói là, “Ồ, lại một đứa khác!”

Nếu tâm bạn bình an, nó sẽ giống như dòng nước tĩnh lặng đang trôi chảy. Bạn có bao giờ thấy dòng nước tĩnh lặng đang trôi chảy không? Đúng như thế! Bạn đã từng thấy dòng nước chảy và dòng nước tĩnh lặng, nhưng có lẽ chưa bao giờ thấy một dòng nước tĩnh lặng chảy. Ngay tại đó, ngay cái nơi mà suy nghĩ không thể mang bạn tới, ngay trong sự bình an, bạn có thể phát triển trí huệ. Tâm của bạn sẽ giống như dòng nước chảy, thế nhưng nó tĩnh lặng. Tĩnh lặng nhưng trôi chảy. Cho nên tôi gọi nó là “dòng nước tĩnh lặng chảy”. Trí huệ có thể phát sinh tại đây.

------------------------------------------------------

(1) Định (samàdhi), hay thiền định, là một trạng tái tâm lý chứng được bằng phép tu thiền.


Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...