30 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 24

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 24

PHÁP TÁNH.

Vô số những thay đổi xảy ra trong sự chuyển tiếp từ sinh đến tử cho chúng ta thấy Pháp, đó là, tất cả mọi thứ đều vô thường, đều hư hoại và tan rã đúng như bản chất tự nhiên của chúng.

Đôi lúc, một cây ăn trái đang trổ hoa, thì một ngọn gió nhẹ khuấy động và làm tản mác một số hoa. Những nụ hoa còn lại chuyển thành những trái xanh nho nhỏ. Một ngọn gió lớn thổi đến, và một số trái xanh này rụng xuống đất. Những trái còn lại chín đỏ và rồi cuối cùng cũng rụng.

Con người cũng vậy. Giống như hoa và trái trong gió, rơi rụng ở những giai đoạn khác nhau trong đời. Có người chết lúc còn ở trong bào thai. Có người sanh ra vài ngày rồi chết. Có người chết vài năm sau đó, hay chết sau khi trưởng thành. Những người khác sống đến già mới chết.

Nhìn thấy đời sống con người, chúng ta nghĩ đến tình trạng của những trái cây trong gió: cả hai đều không chắc chắn. Ngay cả trong đời sống xuất gia, bạn cũng có thể nhìn thấy sự không chắc chắn đó. Có người đến tu với ý định xuất gia, nhưng đổi ý và ra về, với cái đầu vừa mới cạo. Có người đã là sa di, nhưng quyết định thôi tu. Có người xuất gia chỉ được một kỳ kiết hạ là đã muốn hoàn tục. Giống như trái cây trong gió – tất cả đều không chắc chắn.

Tâm chúng ta cũng vậy. Một cảm thọ sinh khởi, lôi kéo tâm, và rồi tâm sa đọa.

Đức Phật hiểu rõ bản chất không chắc chắn của sự việc. Ngài quan sát hiện tượng những trái cây trong gió và nghĩ đến những đệ tử của mình. Ngài thấy họ cũng có cùng bản chất – không chắc chắn! Có gì khác đâu? Đây là bản chất của các pháp hữu vi.

Cho nên, nếu bạn tu hành với sự tỉnh giác, bạn không cần một người nào giảng cho bạn nhiều đến thế để bạn có thể thấy và hiểu. Ví dụ, trong một tiền kiếp, Đức Phật là Quốc vương Janaka Kumàra. Ngài không cần nghiên cứu quá nhiều. Tất cả những gì Ngài làm là quan sát cây xoài.

Một hôm, Ngài cùng với đoàn tùy tùng đến viến thăm một vườn cây. Từ trên lưng voi, nhà vua nhìn thấy một cây xoài nặng trĩu với những trái xoài chín thơm ngon. Không thể ngừng lại vào lúc đó, nhà vua quyết dịnh sẽ trở lại sau để hái một ít ăn. Nhưng ông không ngờ rằng đoàn tùy tùng đi theo sau đã tham lam vơ vét tất cả những trái xoài chín, bằng cách rung cây và bẻ gãy các nhánh cây làm rơi rụng rất nhiều lá.

Chiều hôm đó, khi nhà vua quay trở lại vườn xoài, thì thấy cây xoài đó không còn một trái chín nào nữa. Không những thế, cành cây và lá xoài rơi rụng khắp nơi.

Trong lúc thất vọng và tức giận, nhà vua nhận thấy một cây xoài khác gần đó, cành lá vẫn còn nguyên vẹn. Ngài hiểu ngay: cây xoài này không có trái. Nếu cây không có trái, không ai quấy nhiễu nó, cho nên nó không bị hư hại. Trên đường về, nhà vua trầm tư liên tục về sự kiện này: “Làm vua thật là phiền toái, bực bội, và khó khăn. Một vị vua phải luôn lo lắng cho thần dân của mình. Nếu có kẻ muốn tấn công, cướp đoạt, và chiếm cứ một phần vương quốc của mình thì phải làm sao?” Nhà vua không thể an ổn, ngay cả khi ngủ, ông cũng thấy ác mộng. Ông thấy trong tâm mình, một cây xoài không có trái, những cành lá còn nguyên vẹn. “Nếu chúng ta có thể giống như cây xoài đó”, ông nghĩ, “cành lá của chúng ta cũng sẽ không bị hư hại”.

Nhà vua về cung điện và ngồi thiền. Cuối cùng ông quyết định đi tu, sau khi nhận ra bài học từ cây xoài. Ông so sánh mình với cây xoài đó và kết luận rằng nếu một người không dính dấp đến con đường thế gian, kẻ đó sẽ thật sự độc lập, tự tại, và không còn lo âu. Tâm sẽ không bị quấy nhiễu. Nghĩ như thế, nhà vua trở thành một vị du tăng khất sĩ.

Từ đó về sau, bất cứ ông đi đến đâu, hễ có người hỏi thầy ông là ai, ông trả lời, “Cây xoài”. Ông không cần tiếp thu nhiều giáo lý như chúng ta ở đây. Một cây xoài là đủ thức tỉnh ông đến sự giảng dạy dẫn vào nội tâm. Và với sự thức tỉnh này, ông trở thành một nhà sư, một người thiểu dục tri túc, một người vui hưởng sự tĩnh mịch. Ông đã buông bỏ thân thế hoàng gia của mình, và tâm ông cuối cùng đã bình an.

Chúng ta cũng phải như vậy. Giống như Đức Phật khi Ngài là Quốc vương Janaka Kumàra, chúng ta nên xem xét sự việc quanh mình với sự tỉnh giác, bởi mọi thứ trong thế gian đều sẳn sàng dạy dỗ chúng ta. Với một chút trực giác, chúng ta có thể nhìn thấy rõ bản chất của thế gian. Chúng ta hiểu ra rằng mọi thứ đều có thể là thầy của chúng ta. Cây cỏ, chẳng hạn, có thể tiết lộ bản chất của thực tại. Với trí huệ, bạn không cần hỏi ai điều gì, không cần nghiên cứu. Chỉ học hỏi từ thiên nhiên thôi cũng đủ cho chúng ta khai ngộ, bởi vì mọi thứ đều đi theo nguyên tắc bất di bất dịch. Tất cả không rời khỏi chân lý.

Trí huệ đi kèm với sự kiềm thúc và điềm tĩnh có thể dẫn tới sự giác ngộ xâu xa hơn về quy luật tự nhiên. Bằng cách này, chúng ta sẽ nhận ra chân lý rốt ráo của vạn vật, đó là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Thử xem xét cây cối. Cây cối trên mặt đất đều như nhau, đều là một, đều vô thường, khổ, vô ngã. Trước tiên, chúng sinh ra, rồi chúng lớn lên và trưởng thành, thay đổi không ngừng, cho đến khi chúng chết.

Cùng thế ấy, con người và thú vật sinh ra, lớn lên và thay đổi không ngừng trong thời gian chúng sống, cho đến khi chúng chết đi. Vô số những thay đổi xảy ra trong sự chuyển tiếp từ sinh đến tử cho chúng ta thấy Pháp, có nghĩ là, tất cả mọi thứ đều vô thường, đều hư hoại và tan rã như bản chất tự nhiên của chúng. Nếu chúng ta có sự tỉnh giác và hiểu biết, nếu chúng ta xem xét với trí huệ và chánh niệm, chúng ta sẽ nhìn thấy Pháp ở khắp mọi nơi. Chúng ta sẽ nhìn thấy con người không ngừng sinh ra, thay đổi, và chết đi. Mọi người đều phải chịu sự sinh tử luân hồi. Tất cả chúng ta đều như là một. Nhìn thấy một người rõ ràng thì cũng giống như nhìn thấy mọi người rõ ràng.

Cùng thế ấy, mọi thứ đều là Pháp – không chỉ những thứ chúng ta thấy bằng mắt trần mà cả những thứ chúng ta thấy trong tâm. Một ý tưởng nảy sinh, thay đổi và hủy diệt. Nó chỉ là một ấn tượng sinh và diệt. Đây là bản chất của tâm. Nếu một người không xem xét và khảo sát như thế này, kẻ đó không thật sự thấy! Nếu một người thật sự thấy, kẻ đó sẽ có trí huệ để nghe Pháp đúng như lời Phật dạy.

Phật ở đâu?

Phật ở trong Pháp.

Pháp ở đâu?

Pháp ở trong Phật.

Ngay nơi đây, bây giờ!

Tăng ở đâu?

Tăng ở trong Pháp.

Phật, Pháp, Tăng hiện hữu trong tâm chúng ta, chúng ta cần phải nhìn thấy điều này rõ ràng. Có người tùy tiện nói, “Ồ, Phật, Pháp, Tăng ở trong tâm tôi”. Thế nhưng sự tu hành của họ thì không phù hợp với chân lý chút nào. Tâm như thế làm sao nhìn thấy Phật, Pháp, Tăng. Bởi vì cái tâm trước hết phải là cái tâm biết Pháp. Chỉ khi đó, chúng ta mới biết chân lý thật sự tồn tại, và rồi chúng ta mới có thể tu hành và nhận biết nó.

Ví dụ, cảm xúc hay tư tưởng đều không chắc chắn. Khi sự tức giận phát sinh, nó lớn lên, thay đổi, và cuối cùng thì tan biến. Hạnh phúc cũng vậy, nó phát sinh, lớn lên, thay đổi và cuối cùng thì biến mất. Chúng đều rỗng không. Chúng không thật sự là một thứ gì. Bên trong thì có thân và tâm này. Bên ngoài thì có cây cỏ, cùng với những thứ khác – tất cả đều phơi bày quy luật vô thường này của vũ trụ.

Dầu đó là cây, là núi, hay là một con vật, nó đều là Pháp. Mọi thứ đều là Pháp. Pháp này ở đâu vậy? Nói ngắn gọn thì những gì không phải là Pháp, không tồn tại. Pháp là sự tự nhiên. Đây gọi là chân Pháp. Kẻ nhìn thấy quy luật tự nhiên, nhìn thấy Pháp. Kẻ nhìn thấy Pháp, nhìn thấy quy luật tự nhiên.

Vậy thì nghiên cứu nhiều để làm gì khi thực tại rốt ráo của đời sống, trong từng phút từng giây, trong mỗi động thái, đều chỉ là một chuỗi sinh diệt bất tận. Nếu chúng ta tỉnh giác và nhận biết rõ ràng trong mọi tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi), thì trí huệ sẽ tự động phát sinh, có nghĩ là cái biết Đạo Pháp, ở ngay tại đây và bây giờ.

Ngay bây giờ, Đức Phật – vị Phật thật sự - vẫn đang sống, bởi Ngài chính là Pháp. Và cái Pháp có thể khiến con người thành Phật đó, vẫn tồn tại. Nó không hề chạy đi đâu cả! Nó sinh ra hai vị Phật: Một người trong thân và người kia trong tâm.

“Chân Pháp”, Đức Phật bảo Ananda, “chỉ có thể được nhận biết xuyên qua sự tu hành”. Bất cứ ai thấy Pháp, thấy Phật. Bất cứ ai thấy Phật, thấy Pháp. Và thế nghĩ là gì? Trước đó thì không có Phật, đến khi đấng Siddhatta Gotama giác ngộ Pháp, thì Ngài thành Phật. Nếu chúng ta giải thích theo cách này, thì Ngài cũng giống như chúng ta. Nếu chúng ta giác ngộ Pháp, chúng ta sẽ giống như Đức Phật. Đây gọi là Phật trong tâm.

Chúng ta phải có chánh niệm về mọi thứ chúng ta làm, bởi chúng ta sẽ là người gặt hái kết quả của những hành động thiện hay ác của mình. Làm thiện chúng ta có kết quả thiện. Làm ác, chúng ta có kết quả ác. Tất cả những gì bạn phải làm là xem xét cuộc sống hàng ngày của mình để hiểu rõ tiến trình nhân quả này. Đức Siddhatta Gotama đã giác ngộ chân lý này, và nó dẫn tới kết quả là sự xuất hiện của một vị Phật trên thế giới. Cùng thế ấy, nếu mỗi một người đều tu hành để đạt đến chân lý này, thì họ cũng sẽ thành Phật.

Cho nên, Đức Phật vẫn tồn tại. Nghe thế, có người vui vẻ nói rằng: “Nếu Đức Phật còn tại thế, thì tôi sẽ tu hành!” Bạn nên hiểu nó theo cách này.

Pháp mà Đức Phật giác ngộ là thứ Pháp vĩnh viễn tồn tại trong thế gian. Nó giống như nước ngầm. Một khi người ta muốn đào giếng, họ phải đào đủ sâu để tới được nguồn nước. Nước ngầm vốn sẳn ở đó. Họ không tạo ra nó, họ chỉ khám phá ra nó. Tương tự như thế, Đức Phật không phát minh ra Pháp. Ngài chỉ khám phá cái vốn đã sẳn ở đó. Qua sự quán chiếu, Đức Phật nhìn thấy Pháp. Rồi chúng ta nói Đức Phật giác ngộ, bởi sự giác ngộ là sự nhận biết Pháp. Pháp là chân lý của thế giới này. Bởi vì Ngài thấy điều này, Đức Siddhatta Gotama được gọi là “Phật”. Và Pháp là cái cho phép người khác trở thành một vị Phật: “người hiểu biết”, người biết Pháp. Những ai có đức hạnh và tận tụy với Phật Pháp, kẻ đó không bao giờ thiếu sự thiện lành. Nếu chúng ta hiểu Pháp, ngay lúc đó, chúng ta nhìn thấy Phật.

Ai thật sự tu hành, kẻ đó sẽ nghe Phật Pháp dầu đang đi, đứng, nằm, hay ngồi. Đây không phải là một thứ để suy nghĩ. Nó phát sinh từ cái tâm thanh tịnh. Chúng ta phải tu hành mới có thể nhìn thấy điều này, và rồi sự tu hành của chúng ta sẽ hoàn tất. Bất kể là đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta sẽ luôn nghe Pháp của Phật.

Đức Phật dạy chúng ta sống ở nơi yên tĩnh để có thể tập tự chủ và kiềm thúc lục căn. Lục căn là nền tảng của sự tu hành, bởi đây là nơi tất cả các pháp sinh khởi, và chúng chỉ sinh khởi từ những nơi này. Cho nên chúng ta tự chủ và kiềm thúc lục căn để có thể biết được điều kiện phát sinh tại đó. Tất cả điều thiện và ác đều phát sinh từ sáu căn này. Chúng là những tính năng chiếm ưu thế trong cơ thể. Mắt chiếm ưu thế về sự nhìn thấy; tai về sự nghe; mũi về sự ngửi; lưỡi về sự nếm; thân thể trong sự xúc chạm nóng, lạnh, cứng, mềm; và tâm phát sinh những ấn tượng. Tất cả những gì chúng ta phải làm là vun bồi sự tu hành của mình chung quanh những điểm này.

Sự tu hành của chúng ta đã dễ dàng hơn rất nhiều, những gì cần thiết đã được vạch sẳn bởi Đức Phật, như thể Đức Phật đã trồng một vườn cây ăn trái, và Ngài mời chúng ta đến nếm những trái cây này. Chúng ta không cần trồng một cây nào cả. Dầu cái mà chúng ta quan tâm là giới, định, huệ, chúng ta không phải đi tìm tòi, sáng lập, hay suy đoán. Chúng ta chỉ cần làm theo những gì đã được chỉ dẫn trong giáo lý của Phật.

Cho nên, chúng ta là những người có nhiều phước báu, bởi chúng ta được nghe Phật Pháp. Vườn cây ăn trái đã sẳn ở đó, trái cây đã chín. Mọi thứ đều đã sẳn sàng và hoàn mỹ. Chỉ cần có người hái trái cây đó mà ăn – một người có đủ đức tin để tu hành.

Chúng ta rất may mắn. Cứ nhìn chung quanh chúng ta thì biết. Những loài vật khác không có cơ hội để nghe Pháp, không có cơ hội để tu hành. Đây là vì những chúng sinh này đang trả nghiệp. Khi một người không có cơ hội nghe Pháp và tu hành, người đó không có cơ hội thoát khỏi khổ đau.

Là con người, chúng ta không thể để cho mình trở thành những kẻ vô đức, vô kỷ luật. Đừng tự biến mình thành kẻ thiếu may mắn! Đừng trở thành một người không có hy vọng đắc Đạo và giải thoát, không có hy vọng phát triển đức hạnh. Đừng nghĩ rằng chúng ta không còn hy vọng! Với lối suy nghĩ đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ bất hạnh như những con vật kia.

Chúng ta là những chúng sinh đã bước vào phạm vi ảnh hưởng của Phật. Cho nên chúng ta đã sẵn sàng có đủ phước báu và khả năng. Nếu chúng ta sửa đổi và phát triển sự hiểu biết, quan niệm, và kiến thức của mình trong hiện tại, chúng sẽ khiến cho chúng ta ứng xử và tu hành đúng cách để có thể thấy và biết Pháp ngay trong đời này.

Cho nên chúng ta khác với loài vật. Chúng ta là những chúng sinh có khả năng và cơ hội để giác ngộ. Đức Phật dạy rằng Pháp hiện diện trước mắt chúng ta ngay lúc này. Đức Phật ngồi đối diện chúng ta ngay nơi đây, và bây giờ! Vậy thì bạn tính tìm thấy Phật ở đâu và nơi nào nữa?

Nếu chúng ta không suy nghĩ đúng đắn, nếu chúng ta không tu hành đúng đắn, chúng ta sẽ rơi xuống lại làm thú vật, chúng sinh trong địa ngục, ma đói, và quỷ dữ? Thế nào?

Cứ xem xét tâm của bạn. Khi sự tức giận phát sinh, nó là gì vậy? Ngay tại đó, chỉ việc xem xét nó! Khi sự si mê phát sinh, nó là gì vậy? Đúng thế, ngay tại đó! Khi tham ái phát sinh, cái gì đó? Hãy xem xét nó ngay tại đó!

Khi tâm không nhận biết và hiểu rõ những trạng thái này, nó không còn là tâm của con người. Tất cả mọi điều kiện đều không ngừng “trở thành”. Sự trở thành dẫn đến sự “sinh khởi” hay tồn tại như được quyết định bởi điều kiện trong hiện tại. Do đó, chúng ta trở thành và tồn tại khi tâm điều kiện hóa chúng ta.


29 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 23

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 23

QUÁN CHIẾU LÀ GÌ?

Sự giảng dạy sau đây được trích từ buổi vấn đáp tại tu viện Wat Gor Nork trong kỳ kiết hạ năm 1979, giữa Đại Đức Ajahn Chah và một nhóm đệ tử nói tiếng Anh. Các câu hỏi được sắp xếp trình tự chuyển tiếp để giúp bạn đọc dễ hiểu hơn.

Sự giác ngộ vượt lên trên tiến trình tư duy.

Và rồi, hành giả không còn bị lừa gạt bởi sự tư duy nữa.

Hỏi: Khi ngài dạy về giá trị của sự quán chiếu, có phải ngài đang nói về việc ngồi thiền và suy tư về một đề mục nào đó không – về 32 phần của thân thể, chẳng hạn?

Đáp:  Điều đó không cần thiết khi tâm đã hoàn toàn tĩnh lặng. Khi sự tĩnh lặng đã được thiết lập, bạn sẽ biết được đối tượng thích hợp cho sự khảo sát. Nếu đó là sự quán chiếu “thật”, thì sẽ không có sự phân biệt giữa “đúng” và “sai”, “tốt” và “xấu”, không có những thứ như thế. Bạn không ngồi đó suy nghĩ, “Ồ, điều này giống như thế này, điều kia giống như thế kia, v.v…”. Đó là một hình thức quán chiếu thô tạp. Sự quán chiếu trong thiền định không chỉ là vấn đền về suy tư mà đúng ra phải gọi nó là “sự quán chiếu trong tĩnh lặng”. Trong khi làm công việc của mình hàng ngày, chúng ta suy tư với sự tỉnh thức về bản chất của sự việc xuyên qua sự so sánh. Đây là một loại khảo sát thô tạp, nhưng nó dẫn đến điều thật.

Hỏi: Khi ngài nói về việc quán chiếu thân và tâm, chúng ta có dùng đến sự suy nghĩ không? Sự suy nghĩ có thể nào đưa đến sự chứng ngộ không? Đây phải là thiền minh sát không?

Đáp: Lúc ban đầu, chúng ta cần sử dụng sự suy nghĩ, mặc dầu sau này chúng ta vượt lên khỏi đó. Khi chúng ta quán chiếu thật sự, tất cả mọi tư tưởng nhị nguyên đều chấm dứt, mặc dầu lúc đầu chúng ta cần phải suy nghĩ theo lối nhị nguyên để khởi sự. Cuối cùng thì tất cả mọi suy nghĩ đều kết thúc.

Hỏi: Ngài nói rằng tâm cần có đủ tĩnh lặng (thiền định) trước khi quán chiếu. Vậy tĩnh lặng đến bao nhiêu là đủ?

Đáp: Tĩnh lặng đủ để có sự hiện diện của tâm.

Hỏi: Ngài nói ở lại với hiện tại. Có phải đó là không suy nghĩ về quá khứ và tương lai?

Đáp: Suy nghĩ về quá khứ và tương lai không sao cả, nếu bạn hiểu thực chất của những điều này, nhưng bạn không được dính mắc vào chúng. Khi bạn xem sự suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, đó là trí huệ. Đừng tin vào những thứ đó! Hãy nhận ra rằng tất cả những thứ đó chỉ sinh rồi diệt. Cứ xem mọi thứ là như thế thôi – tâm là tâm – nó không là một thứ gì, hay một người nào. Hạnh phúc chỉ là hạnh phúc, khổ chỉ là khổ - nó chỉ vậy thôi. Khi bạn nhìn thấy được như vậy, bạn sẽ không còn nghi ngờ.

Hỏi: Sự quán chiếu thật có giống như sự suy nghĩ không?

Đáp: Chúng ta dùng sự suy nghĩ như một công cụ, nhưng cái biết phát sinh từ đó thì vượt lên trên tiến trình của tư duy, và từ cái biết này, chúng ta không còn bị lừa gạt bởi sự suy nghĩ của chúng ta nữa. Bạn nhận ra rằng tất cả những suy nghĩ chỉ là sự dao động của tâm, và cái biết thì không sinh và không diệt. Theo bạn nghĩ thì sự dao động gọi là “tâm” xuất phát từ đâu? Cái mà chúng ta gọi là “tâm” – tất cả sự dao động – chỉ là cái trạng thái tâm trí thông thường. Nó không thật là tâm. Cái tâm thật chỉ ở đó; nó không sinh và không diệt.

Nhưng nếu chỉ nói thôi, thì bạn sẽ không thể hiểu những thứ này. Chúng ta cần xem xét tính chất vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Chúng ta cần phải sử dụng sự suy nghĩ để quán chiếu bản chất của các pháp hữu vi. Kết quả của việc làm này là trí huệ, và nếu đó là trí huệ thật, mọi thứ sẽ kết thúc, hoàn tất – chúng ta nhận ra sự rỗng không. Dầu sự suy nghĩ còn đó, nó hoàn toàn rỗng không – bạn không bị nó ảnh hưởng.

Hỏi: Làm thế nào để đạt đến cái tâm thật này?

Đáp: Làm việc với cái tâm bạn sẳn có, dĩ nhiên! Hãy quán chiếu rằng tất cả các pháp phát sinh trong tâm đều không chắc chắn, không có gì bền vững cả. Hãy thấy nó rõ ràng và thấy rằng không có một nơi nào để nắm giữ một thứ gì cả - tất cả đều rỗng không.

Khi bạn nhìn thấy thực chất của các pháp sinh khởi trong tâm, bạn sẽ không cần làm việc với sự suy nghĩ nữa. Bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa về điều này.

Chúng ta tạm gọi là cái “tâm thật” hay “chân tâm” để cho dễ hiểu và tiện việc nghiên cứu, nhưng thật sự thì thiên nhiên như thế thôi. Ví dụ, chúng ta ngồi trên sàn đá ở đây. Sàn nhà là nền – nó không di động hay đi đâu cả. Lầu, bên trên chúng ta, là cái được xây cất lên từ cái nền này. Lầu cũng giống như những thứ mà chúng ta nhìn thấy trong tâm: hình sắc, cảm xúc, ký ức, suy nghĩ. Thật ra, chúng không tồn tại theo cách chúng ta nghĩ, chúng chỉ là cái tâm trí thông thường. Chúng sinh khởi rồi lại hủy diệt; chúng không có thực chất, không thật sự tồn tại.

Có một câu chuyện trong kinh nói về việc đức Xá-lợi-phất sát hạch một tỳ kheo trước khi cho phép ông ấy trở thành một du tăng khổ hạnh. Ngài hỏi vị tỳ kheo, ông ta sẽ trả lời như thế nào nếu có người hỏi ông, “Điều gì xảy ra sau khi Đức Phật chết?” vị tỳ kheo trả lời, “Khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sinh khởi, chúng lại hoại diệt”. Đức Xá-lợi-phất để ông ấy đi.

Tuy nhiên, tu hành không phải là ở đó để bàn về sự sinh và diệt. Bạn phải tự mình nhìn thấy điều này. Khi ngồi thiền, chỉ việc nhìn thấy những gì đang thật sự diễn ra. Đừng chạy theo một thứ gì. Quán chiếu không có nghĩa là dính mắc vào suy nghĩ. Sự suy nghĩ trong thiền của một hành giả tầm Đạo không giống như sự suy nghĩ ở thế gian. Chừng nào bạn chưa hiểu quán chiếu là gì, thì bạn càng suy nghĩ, sự việc càng trở nên rối rắm.

Lý do mà tôi nhấn mạnh về sự phát triển chánh niệm là, chúng ta cần nhìn rõ những gì đang xảy ra. Chúng ta phải hiểu những quá trình của tâm. Khi sự chánh niệm và hiểu biết như thế hiện diện, mọi thứ sẽ được chăm sóc. Tại sao một người hiểu Đạo không bao giờ hành xử từ sự tức giận hay vô minh? Những điều kiện hay nguyên nhân phát sinh những thứ này không tồn tại. Chúng đến từ đâu? Chánh niệm đã khống chế tất cả mọi thứ.

Hỏi: Có phải cái tâm mà ngài đang nói đến là “Tâm Nguyên Thủy” không?

Đáp: Ý bạn là sao?

Hỏi: Theo ngài nói thì hình như có một thứ gì khác bên ngoài cái thân-tâm thông thường. Có thứ gì khác không? Ngài gọi nó là gì?

Đáp: Không có gì cả, và chúng ta không gọi nó là một thứ gì. Hãy kết thúc với chúng. Ngay cả cái biết cũng không thuộc về một người nào, cho nên hãy kết thúc nó luôn! Tâm thức không phải là một cá thể, không phải là một tự ngã, cho nên hãy kết thúc với nó – kết thúc tất cả mọi thứ! Không có gì đáng để ham muốn! Chúng chỉ là một đống phiền phức. Khi bạn nhìn thấy điều này rõ ràng, mọi thứ đều kết thúc.

Hỏi: Chúng ta có thể gọi nó là “Tâm Nguyên Thủy” không?

Đáp: Bạn có thể gọi nó là bất cứ thứ gì bạn muốn. Nhưng bạn phải hiểu điều này rõ ràng. Nếu bạn không sử dụng cái thực tại hữu vi, chúng ta sẽ không có từ ngữ và khái niệm để quán xét cái thực tại vô vi – tức là Pháp. Điểm này rất quan trọng.

Hỏi: Mức định ở giai đoạn này là gì? Và sự chánh niệm phải như thế nào?

Đáp: Bạn không cần suy nghĩ kiểu đó. Nếu bạn không có đủ định lực, bạn sẽ không thể đối phó với những câu hỏi này. Bạn cần có đủ định lực để biết điều gì đang xảy ra – đủ để sự sáng suốt và hiểu biết phát sinh.

Những câu hỏi như thế này chứng tỏ bạn vẫn còn nghi ngờ. Bạn cần đủ tĩnh lặng để không còn nghi ngờ vào những gì mình đang làm. Nếu bạn thật sự tu hành, bạn sẽ hiểu điều này. Càng tiếp tục hỏi những câu như thế, bạn càng làm cho mình rối rắm thêm. Thảo luận thì không sao nếu sự thảo luận có thể giúp cho sự quán chiếu, nhưng nó không cho bạn thấy thực chất của sự việc. Bạn không thể hiểu Đạo qua một người khác. Bạn phải tự mình nhìn thấy Đạo.

Nếu bạn đã hiểu những gì tôi nói, bạn không cần phải làm gì nữa. Nếu vẫn còn việc để làm, thì bổn phận của bạn là làm điều đó.

Chỉ việc tiếp tục buông bỏ tất cả, và biết rằng đó là điều bạn đang làm. Bạn không phải chất vấn mình mãi, lo lắng về những việc như “Bao nhiêu thiền định?” Bất cứ thứ gì phát sinh trong sự tu hành của bạn, cứ buông bỏ nó, biết rằng tất cả đều không chắc chắn, đều tạm bợ. Hãy nhớ như thế! Tất cả đều không chắc chắn. Hãy kết thúc với chúng! Đây là con đường dẫn bạn tới cội nguồn – cái Tâm Nguyên Thủy của bạn.


28 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 2 - CHƯƠNG 22

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 2

THIỀN ĐỊNH

CHƯƠNG 22

TRONG MÀN ĐÊM DÀY ĐẶC.

Đừng chạy theo cảm xúc của bạn.

Hãy huấn luyện chính mình.

Trong sự tu hành, bạn cần phải đánh liều mạng sống.

Trời đã về chiều, và tôi không có gì khác để làm. Nếu tôi suy nghĩ thêm, tôi biết tôi sẽ không đi, nên tôi kéo một sa di, và chúng tôi cùng đi. “Đã đến lúc phải nhìn vào sự sợ hãi của mình”, tôi tự nhủ. “Nếu cuộc sống tôi đã tận, thì để nó tận. Nếu tâm tôi cứ ngoan cố và vô minh như thế này mãi, thì để nó chết cho rồi”. Tôi nghĩ như thế. Thật ra, tôi không muốn đi, tôi tự ép mình đi. Với những việc như thế này, nếu bạn đợi cho đến khi đúng thời điểm, bạn sẽ không bao giờ đi. Cho nên, tôi cứ đi đại.

Tôi chưa bao giờ ở trong một nghĩa địa. Đó là một cảm giác vô cùng khó tả. Đứa sa di muốn cắm lều ngay bên cạnh tôi, nhưng tôi không chịu. Tôi buộc nó phải ở cách tôi rất xa. Thật ra tôi rất muốn nó ở bên cạnh, nhưng tôi không cho phép điều này xảy ra.

“Nếu sự sợ hãi sẽ kinh khiếp, hãy để nó chết trong đêm nay”. Tôi thách thức chính mình. Tôi sợ, nhưng tôi cũng can đảm. Trước sau gì bạn cũng chết thôi.

Đến gần tối, thì tôi có cơ hội. Từ trong làng, người ta khiêng ra một cái xác chết. Hay quá! Tôi không cảm thấy bàn chân của mình nữa, tôi muốn chạy khỏi đó ngay. Họ muốn tôi làm lễ cầu siêu, nhưng tôi không làm. Tôi bỏ đi nơi khác. Khi họ đi rồi, tôi mới quay lại. Tôi nhìn thấy họ chôn cái xác chết gần cạnh chỗ tôi. Tôi cầm mấy cây tre mà họ khiêng xác chết để lót chỗ ngồi cho mình. Bây giờ tôi làm gì đây? Làng mạc thì cách đây khá xa, khoảng ba cây số.

“Được, nếu phải chết thì chết thôi”.

Nếu bạn không dám làm điều này, bạn sẽ không bao giờ biết nó như thế nào. Thật là một kinh nghiệm nhớ đời. Trời tối dần, và tôi không biết mình phải chạy đi đâu trong cái nhà mồ đó.

“Ôi, cứ chết đi, người ta sinh ra là để chết mà”.

Tôi không muốn đi kinh hành. Tôi chỉ muốn vào trong mùng. Mỗi khi tôi thử cố đi về phía cái xác, thì làm như có thứ gì kéo tôi lại, không cho tôi đi tiếp. Tôi có cảm giác như sự sợ hãi và lòng can đảm của tôi đang đấu tranh kịch liệt. Nhưng tôi đã đi. Bạn phải huấn luyện mình như vậy.

Khi trời tối, tôi vào ngồi trong mùng. Tôi có cảm tưởng như có bảy lớp tường bao quanh mình. Nhìn thấy cái bát ăn quen thuộc bên cạnh mình, tôi cảm thấy rất an ủi. Nó giống như một người bạn cố tri của tôi. Phải, đôi lúc, ngay cả cái bát cũng có thể làm bạn! Tôi ngồi trong mùng quan sát cái mộ suốt đêm. Tôi không nằm xuống và cũng không ngủ. Tôi chỉ ngồi yên lặng. Dầu có muốn ngủ, tôi cũng không ngủ nổi. Tôi quá sợ, nhưng tôi vẫn ngồi đó. Suốt đêm.

Có ai trong chúng ta ở đây dám làm như thế? Bạn dám ngồi suốt đêm trong nhà mồ không? Nếu bạn không thể làm thế, bạn không thật sự biết tu hành.

Khi trời sáng, tôi nói với mình, “Ồ! Tôi vẫn còn sống!” Tôi rất vui. “Có gì đâu”, tôi nghĩ. “Chỉ là sự sợ hãi của mình thôi”.

Sau khi đi khất thực và ăn uống đầy đủ, tôi cảm thấy sảng khoái. Trời nắng ấm. Tôi nghĩ ngơi một chút rồi đi kinh hành. “Đêm nay mình nên có một buổi thiền tốt và yên lặng, bởi mình đã trải qua tất cả đêm qua rồi”, tôi suy nghĩ, “Chắc không còn gì khác nữa đâu”.

Rồi, chiều hôm đó, người ta khiêng đến một xác chết thật lớn. Có lẽ lần này sẽ dễ sợ hơn lần trước. Họ mang cái xác vào và hỏa táng ngay bên cạnh chỗ ngồi của tôi, ngay phía trước. Tôi nghĩ, “Được lắm. Hỏa táng cái xác ngay đây sẽ giúp cho tôi”. Lần này tôi cũng không chịu làm lễ cầu siêu cho người dân làng. Tôi đợi cho họ về trước khi quay trở lại.

Rồi tôi ngồi đó và quan sát cái xác chết bị thiêu đốt đó suốt đêm. Không có gì diễn tả được nỗi sợ của tôi. Trong đêm đen – ngọn lửa từ xác chết cứ chập chờn và nổ lách tách. Tôi muốn đi kinh hành trước cái xác chết, nhưng không đủ can đảm làm thế. Mùi hôi thối bốc ra từ xác chết đang cháy. Cuối cùng tôi cũng phải vào trong mùng.

Tôi quay lưng về phía ngọn lửa. Tôi quên cả ngủ, tôi cũng chẳng nhớ đến điều đó nữa. Mắt tôi cứng đơ vì sợ hãi. Không có ai ở gần đó, không có nơi nào để lẫn tránh trong cái đêm đem nghịt đó.

“Được, tôi sẽ ngồi, và chết ở đây. Tôi sẽ không rời khỏi chỗ này”.

Một cái tâm bình thường có muốn đặt bạn vào một tình huống như vậy không? Nếu bạn cứ lý luận với nó, bạn sẽ không bao giờ đi. Ai lại muốn đi làm một việc như thế? Nếu bạn không có niềm tin mãnh liệt vào giáo lý của Đức Phật, bạn sẽ chẳng bao giờ làm thế.

Lúc đó là khoảng 10 giờ tối, tôi ngồi quay lưng về phía ngọn lửa. Tôi không biết đó là gì, nhưng có tiếng sột soạt từ phía ngọn lửa sau lưng tôi. Không lẽ cái xác vừa sụp đổ? Hay có lẽ một con chó đang đến gần cái xác chết? Nhưng không, tiếng động này giống tiếng bước chân chậm chạp của một con trâu.

“Thôi đi, mặc kệ nó…”.

Nhưng nó bắt đầu đi về phía tôi, như thể nó là một con người! Nó đi tới phía sau tôi, bước chân nặng nề, giống như bước chân của một con trâu, nhưng không phải thế. Có tiếng lá bị giẫm khi nó đi vòng ra phía trước. Làm sao đây? Tôi chạy đi đâu bây giờ?  Nhưng rõ ràng là nó đi đến trước mặt tôi. Rồi nó đi vòng lại và đi về hướng người sa di. Sự yên lặng trở lại. Tôi không biết đó là gì, nhưng sự sợ hãi khiến tôi suy đoán đủ thứ.

Đâu chừng nửa giờ sau, thì bước chân đó bắt đầu quay trở lại. Cứ như là một người! Lần này nó đi thẳng về phía tôi, đâm thẳng vào như thể sắp giẫm lên người tôi. Tôi nhắm mắt thật chặt và nhất định không mở ra.

“Tôi sẽ chết nhắm mắt”.

Nó đến gần dần, gần dần, và ngừng ngay trước mặt tôi, nó đứng sững lại. Tôi có cảm tưởng là nó đang đưa cái bàn tay cháy đen của nó vào mặt tôi. Ồ, tôi chịu hết nổi rồi! Tôi muốn vứt bỏ hết mọi thứ, bỏ luôn Phật, Pháp, Tăng. Tôi quên hết tất cả. Chỉ có sự kinh hoàng tột độ. Tôi không nghĩ đến chuyện gì khác nữa. Từ ngày sinh ra đến giờ, tôi chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Phật và Pháp biến mất hết, tôi không biết chúng đi đâu. Chỉ có sự sợ hãi dâng tràn trên ngực, nó như miếng da đang căng cứng trên mặt trống.

“Cứ vậy. Tôi làm gì bây giờ?”

Tôi ngồi mà không cảm giác có mặt đất. Nỗi sợ quá lớn lấp đầy tâm trí tôi như một cái bình nước đầy. Nếu bạn đổ nước vào bình cho đến khi  bình đầy nước, mà vẫn cố đổ thêm nữa, nước sẽ tràn ra ngoài. Nỗi sợ trong lòng tôi lúc đó cũng như thế. Nó gần như đã đến tột đỉnh và sắp tràn ra ngoài.

“Nhưng ngươi sợ cái gì chứ?” Một giọng nói bên trong hỏi tôi.

“Tôi sợ chết”, giọng nói khác đáp lại.

“Thế à, nhưng cái “chết” này ở đâu vậy? Tại sao hoảng sợ đến thế? Hãy nhìn xem sự chết này ở đâu?”

“Tại sao chứ, sự chết ở trong tôi mà!”

“Nếu sự chết ở bên trong bạn, thì bạn chạy đi đâu để trốn nó đây? Nếu bạn chạy trốn, bạn chết. Nếu bạn ở lại đây, bạn cũng chết. Bạn đi tới đâu, cái chết đi theo bạn tới đó, bởi vì cái chết nằm ngay bên trong bạn. Sợ hay không sợ, bạn cũng chết. Không có nơi nào có thể tránh được cái chết.

Vừa nghĩ như thế, sự nhận thức của tôi đảo ngược hoàn toàn. Tất cả sự sợ hãi tan biến, dễ dàng như trở bàn tay. Thật là kinh ngạc. Sợ hãi nhiều như vậy, mà lại có thể tan biến trong chớp nhoáng! Cảm giác không sợ đã thay thế vào đó. Tâm của tôi lúc bấy giờ, cứ đi lên cao dần cho đến khi tôi cảm tưởng mình đang ở trên mây.

Tôi vừa chế ngự được sự sợ hãi, thì trời bắt đầu mưa. Gió rất mạnh. Nhưng tôi không sợ nữa. Tôi cũng không sợ những nhánh cây có thể gãy đổ đè lên tôi. Tôi không quan tâm đến nó. Trời mưa tầm tả, mưa như trút nước. Khi trời ngừng mưa, mọi thứ đều ướt đẫm.

Tôi ngồi bất động.

Ướt nhèm như thế, tôi làm gì sau đó. Tôi khóc! Nước mắt chảy xuống má tôi. Tôi nghĩ, “Tại sao tôi ngồi đây giống như một đứa trẻ mồ côi, ướt nhẹp, như một người vô gia cư, như một người bị lưu dày vậy?”

Và rồi tôi nghĩ thêm, “Tất cả những người nằm thoải mái trong nhà lúc này có lẽ không bao giờ nghĩ rằng có một vị sư ngồi đây, tắm mưa suốt đêm như thế này. Làm vậy để làm gì?” Nghĩ thế rồi tôi bắt đầu thấy tội nghiệp cho mình, nên nước mắt tuôn tràn.

“Những giọt nước mắt này có gì tốt đâu, cứ để chúng chảy ra hết”.

Tôi tu hành như vậy đó.

Sau khi chế ngự cảm xúc của mình, tôi ngồi đó và quan sát mọi thứ bên trong. Có quá nhiều thứ phát sinh, tôi không thể diễn tả được. Rồi tôi nhớ đến lời Đức Phật: “Kẻ trí sẽ tự mình biết”.

Kinh nghiệm này tôi đã trải qua, chỉ tôi mới hiểu mà thôi. Một nỗi sợ kinh hoàng, nhưng nó tan biến hết. Đây là một kinh nghiệm cá nhân. Dầu tôi có kể cho người khác, họ cũng không hiểu. Đó là điều mà mỗi người phải tự kinh nghiệm lấy. Tôi càng quán chiếu sự việc này, nó càng sáng tỏ hơn. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn dần. Niềm tin của tôi càng lúc càng vững chắc, cho đến khi trời sáng.

Khi tôi mở mắt, mọi thứ đều là một màu vàng. Vào lúc giữa đêm tôi muốn đi tiểu, nhưng cảm giác đó đã ngừng hẳn. Khi tôi đứng dậy từ chỗ ngồi, mọi thứ chung quanh đều ửng vàng. Khi tôi đi tiểu, tôi thấy có máu.

“Cái gì vậy? Ruột tôi bị rách à?” Có tiếng nói. “Nếu nó rách thì thôi, chết thì chết. Tôi chỉ ngồi đó suốt đêm, đâu làm gì có hại đâu. Nếu nó sắp nổ tung, cứ để nó nổ”, có giọng nói như thế.

Tâm tôi cứ như đang tranh cãi với chính nó. Giọng nói từ phía này, nói “Ê, nguy hiểm quá!” Một giọng nói khác sẽ phản đối, thách thức nó, và thắng thế.

“Hừm, mình đi đâu tìm thuốc đây?” Tôi suy nghĩ. Nhưng rồi một ý tưởng phát sinh , “Ai cần những thứ đó, người tu đâu thể cắt cây cỏ để làm thuốc. Chết thì chết, có sao đâu? Có gì khác để làm đâu? Nếu tôi chết trong khi đang tu hành như thế này, tôi sẳn sàng. Nếu tôi đang làm một điều gì xấu, thì không tốt. Nhưng tôi sẳn sàng chết trong khi tu hành như thế”.

Đừng chạy theo cảm xúc của bạn. Hãy huấn luyện chính mình. Trong sự tu hành, bạn cần phải đánh liều mạng sống. Có đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ, đến độ bạn khóc sướt mướt. Đúng vậy. Tu hành là thế đó. Nếu bạn buồn ngủ và muốn nằm xuống, đừng cho phép mình ngủ. Đánh tan sự buồn ngủ trước khi bạn nằm xuống.

Đôi lúc, sau khi đi khất thực và đang quán tưởng trước khi ăn, bạn sẽ không giữ được sự điềm tĩnh. Tâm của bạn giống như một con chó điên, nước dãi chảy lòng thòng, bạn quá đói. Có lúc bạn cũng quán tưởng, bạn cứ cắm đầu ăn, ăn, ăn… Tai họa là đó. Nếu tâm không chịu lắng dịu xuống và nhẫn nại, hãy đẩy bát cơm ra và không ăn. Hãy huấn luyện mình, kỷ luật bản thân. Đó là tu hành. Đừng chạy theo ham muốn của mình. Hãy đẩy cái bát đi, đứng dậy và rời khỏi chỗ đó. Đừng cho phép mình ăn. Nếu tâm rất muốn ăn nhưng vẫn ngoan cố, đừng cho nó ăn. Nước miếng sẽ ngừng chảy. Nếu phiền não biết rằng nó sẽ không có gì để ăn, nó sẽ biết sợ. Ngày hôm sau, nó sẽ không dám quấy rầy bạn nữa. Hãy thử đi, nếu bạn không tin tôi.

Con người không tin vào sự tu hành. Họ không dám thử. Họ sợ đói, sợ chết. Nếu bạn không thử, bạn không biết nó là như thế nào. Đa số chúng ta không dám làm, không dám thử, chúng ta quá sợ.

Thử nghĩ đi: điều quan trọng nhất là gì? Không có gì khác ngoại trừ sự chết. Chết là điều quan trọng nhất trong thế gian. Nếu bạn không có quần áo mặc, bạn không chết. Nếu bạn không có trầu cau để ăn hoặc thuốc lá để hút, bạn vẫn không chết. Nhưng nếu bạn không có gạo, lửa và nước, bạn sẽ chết. Chỉ có ba thứ này là quan trọng ở đây. Bạn cần gạo, lửa và nước để nuôi dưỡng thân thể. Cho nên tôi không quan tâm đến những thứ khác. Tôi mãn nguyện với những gì người ta cho. Chừng nào tôi có gạo, lửa và nước, tôi có thể tu hành, và tôi mãn nguyện.

Bạn có thấy như thế là đủ không? Những thứ khác đều dư thừa. Bạn có chúng hay không cũng không quan trọng. Điều duy nhất là quan trọng là cơm và nước.

“Nếu sống như thế, tôi có sống nổi không?” Tôi tự hỏi mình. “Đủ để tiếp tục tu hành. Ít nhất tôi cũng sẽ có cơm để ăn, mỗi nhà cho một miếng. Nước thì có sẳn chung quanh đây. Chỉ hai thứ này là đủ”.

Cái tâm này đã bị lừa gạt quá nhiều kiếp rồi. Bất cứ thứ gì chúng ta không thích, chúng ta muốn tránh. Chúng ta nói là mình tu hành, nhưng thật ra chúng ta đang chìm đắm trong sự sợ hãi. Đây không thể gọi là tu hành. Nếu là tu hành thật. Bạn sẽ đánh liều cả mạng sống của mình. Nếu đã quyết tâm tu hành, tại sao bạn lại quan tâm đến những chuyện nhỏ mọn? “Tôi chỉ được một chút, bạn có nhiều hơn”. “Bạn cãi với tôi, cho nên tôi cãi lại”. Tôi không có những tư tưởng này, bởi tôi không quan tâm đến những thứ đó. Ai tu cao, ai tu thấp, tôi không để ý. Tôi chỉ lo việc của mình. Và vì vậy, tôi dám tu hành, và sự tu hành dẫn đến trí huệ, và sự giác ngộ.

Khi sự tu hành của bạn có kết quả, đó mới thật sự là tu hành. Bạn tu hành cả ngày lẫn đêm. Ban đêm, lúc yên tĩnh, tôi ngồi thiền, rồi đi kinh hành. Tôi cứ thay đổi như vậy ít nhất là hai, ba lần mỗi đêm. Đi, rồi ngồi, rồi lại đi. Tôi không thấy chán.

Có lúc trời mưa nhẹ, và tôi nghĩ đến cái thời tôi còn làm ruộng. Quần tôi đến hôm sau vẫn còn ướt. Nhưng tôi phải thức dậy trước khi trời sáng và mặc nó vào lại. Và tôi đi xuống để dẫn trâu ra khỏi chuồng. Tất cả những thứ gì tôi có thể thấy là con trâu và cái cổ của nó, bởi ở trong đó đầy cả sình. Sợi dây thừng mà tôi nắm dính đầy phân trâu. Rồi đuôi trâu cứ quất qua quất lại, bét thêm phân trâu vào người tôi. Bàn chân tôi đau nhức và bị nhiễm trùng, tôi vừa đi vừa suy nghĩ, “Tại sao đời sống khổ quá thế?” Và bây giờ đây, tôi đang đi kinh hành… một chút mưa đâu có ăn nhằm gì với tôi? Nghĩ như thế, tôi tự khích lệ mình trong sự tu hành.

Nếu sự tu hành đã dự lưu (đạt đến thánh quả đầu tiên) thì không có gì để so sánh. Không còn cái khổ giống như cái khổ của một tu sĩ. Không có sự hăng hái hay biếng nhác giống như sự hăng hái hay biếng nhác của một tu sĩ. Những người tu hành theo chánh pháp là tối thượng. Cho nên, nếu bạn thật sự tu hành, bạn sẽ tự mình nhìn thấy điều kỳ diệu mà tôi muốn nói.

Nhưng đa số chúng ta chỉ nói về sự tu hành. Chúng ta giống như một người mà mái nhà bị dột, nên phải ngủ tránh qua một bên. Khi trời nắng rọi vào phía đó, hắn lăn qua bên kia và suy nghĩ, “Không biết bao giờ mình mới có được một căn nhà tử tế như những người khác?” Nếu mái nhà chỗ nào cũng dột, hắn đứng dậy và bỏ đi. Đây không phải là cách để làm việc, nhưng đây là cách mà đa số người làm.

Cái tâm này của chúng ta, những phiền não này, nếu bạn chạy theo chúng, bạn sẽ gây phiền phức cho chính mình. Bạn càng chạy theo chúng, sự tu hành của bạn càng thối hóa. Nếu tu hành đúng, đôi lúc bạn ngạc nhiên với sự hăng say của mình. Bất kể người khác tu hành tốt hay không, đừng để ý. Chỉ quan tâm đến sự tu hành của mình. Ai đến, ai đi, không quan trọng, cứ tu hành.

Nơi nào bạn còn vụng về, nơi nào bạn còn khiếm khuyết, đó là nơi bạn phải tu hành. Nếu bạn chưa giải quyết được, đừng bỏ cuộc. Vừa giải quyết xong một vấn đề, bạn lại bị kẹt vào một vấn đề khác, hãy cứ kiên trì cho đến khi bạn giải quyết xong tất cả. Đừng hài lòng cho đến lúc đó. Đặt tất cả sự chú tâm của bạn vào nơi này. Trong khi ngồi, nằm, hay đi, hãy xem xét nơi đây.

Hãy giống như một người nông dân chưa hoàn tất thửa ruộng của mình. Mỗi năm ông đều trồng lúa và năm nay ông chưa trồng xong. Cho nên tâm ông bị kẹt vào đó. Ông không an tâm. Ngay cả khi ông đang tiếp khách, ông cũng không thể thư giãn, ông luôn nghĩ tới công việc đồng án của mình. Hoặc giống như một người mẹ để con mình nằm ngủ trên lầu, trong khi bà đi xuống lầu cho gia súc ăn: bà luôn nghĩ đến đứa bé, sợ nó té xuống lầu. Bà có thể đang làm những việc khác, nhưng đứa con bà không bao giờ rời khỏi tâm trí bà.

Sự tu hành của chúng ta cũng vậy. Chúng ta không bao giờ quên nó. Dẫu đang làm việc khác, sự tu hành của chúng ta không bao giờ rời khỏi tâm trí của chúng ta. Nó luôn ở bên chúng ta, ngày lẫn đêm. Sự tu hành của bạn phải giống như vậy nếu bạn thật sự muốn tiến bộ.

Lúc ban đầu, bạn phải nương vào một vị thầy để được chỉ dẫn, khuyên bảo. Khi vị thầy chỉ dạy bạn, hãy làm theo sự chỉ dạy đó. Nếu bạn đã hiểu, thì không cần vị thầy bên cạnh, bạn tự mình tu. Khi những phẩm chất bất thiện hay buông lung phát sinh, hãy tự mình nhận biết, tự dạy dỗ mình. Tâm là “người biết”, là người chứng kiến. Tâm biết bạn còn vô minh nhiều hay ít.

Tu hành là như thế đó. Bạn có thể nói rằng mình bị điên. Khi bạn thật sự tu hành, bạn giống như người điên. Bạn chối bỏ nhận thức trước kia và rồi bạn điều chỉnh sự nhận thức của mình. Nếu bạn không điều chỉnh nó, nó sẽ phiền phức và khốn khổ như lúc trước.

Cho nên, tu hành sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu bạn không nhận biết sự đau khổ của mình, bạn sẽ không hiểu Chân Lý về sự khổ(1). Để hiểu sự khổ, để đập tan nó, bạn phải đối diện với nó. Nếu bạn muốn ăn, nhưng không đi ra ngoài để tìm thức ăn, làm sao có để ăn? Đau khổ, đó là điều Đức Phật dạy: sự khổ của sinh, sự khổ của già, sự khổ của tử. Nếu bạn không chịu kinh nghiệm sự khổ, bạn sẽ không hiểu rõ về khổ, bạn sẽ không thể dứt trừ nó.

Người ta không muốn nhìn thấy sự khổ. Họ không muốn kinh nghiệm sự khổ. Nếu họ khổ ở đây, họ sẽ chạy qua bên kia. Họ chỉ kéo cái khổ đi theo họ, chứ không bao giờ dứt trừ nó. Họ không quán chiếu hay khảo sát nó. Chừng nào bạn còn vô minh, dầu đi tới đâu, bạn cũng thấy khổ. Bạn lên máy bay, nó cũng lên máy bay với bạn. Bạn lặng xuống nước, nó cũng lặn xuống với bạn. Sự khổ nằm bên trong chúng ta. Nhưng chúng ta không hiểu điều này. Nếu nó đã nằm bên trong chúng ta, chúng ta chạy đi đâu để trốn nó?

Bạn phải xem xét điểm này thật kỹ, cho đến khi bạn không còn nghi ngờ. Bạn phải dám tu hành. Đừng sợ, dầu tu với một nhóm người, hay tu một mình. Nếu những người khác biếng nhác, không quan trọng. Bất cứ ai đi kinh hành nhiều, tu hành nhiều… tôi bảo đảm kết quả. Nếu bạn thật sự kiên trì, dầu ai đi, ai ở, hay bất cứ gì, chỉ một kỳ kiết hạ là đủ. Hãy tu hành như tôi đã nói ở đây. Tu hành kiên trì, đều đặn. Đừng tu hành như kiểu Đại đức Peh. Trong một kỳ kiết hạ, Ông quyết định tịnh khẩu. Ông ngừng nói, được lắm, nhưng ông bắt đầu viết: “Ngày mai, làm ơn rang cho tôi ít gạo”. Ông muốn ăn gạo rang! Ông ngừng nói, nhưng viết lại rất nhiều đến độ tâm càng tán loạn hơn lúc trước. Cứ mỗi phút, ông lại viết một thứ. Thật là buồn cười!

Tôi không biết tại sao ông quyết định tịnh khẩu. Ông không hiểu tu hành là gì cả.

Thật ra, sự tu hành của chúng ta là tập hài lòng với rất ít, và chỉ cần để tự nhiên. Đừng lo là bạn sẽ giải đãi hay tinh tấn. Cũng đừng nói, “Tôi tinh tấn”, hay “Tôi giải đãi”. Đa số người tu chỉ tu khi họ tinh tấn. Nếu họ cảm thấy lười biếng, họ không màng tu. Nhưng người xuất gia không nên nghĩ như thế. Khi bạn tinh tấn, hãy tu hành. Khi bạn giải đãi, hãy tu hành. Đừng để ý đến chuyện khác. Hãy ném chúng ra ngoài, hãy huấn luyện mình. Hãy tu hành kiên trì, ngày và đêm, năm này lẫn năm tới, bất cứ lúc nào. Đừng để tâm đến những quan niệm tinh tấn hay giải đãi. Đừng lo là trời nóng hay lạnh, cứ tu. Đây gọi là tu hành đúng.

Có người dốc sức tu hành trong sáu, bảy ngày liên tục, nhưng khi không nhìn thấy kết quả mà họ mong muốn,  họ ngừng lại, và quay trở về với lối sống thế tục, chuyện trò, giao hảo, v.v… Rồi họ nhớ đến sự tu hành và phấn đấu thêm sáu, bảy ngày nữa, rồi lại ngừng tu. Đó là cách làm việc của vài nông dân. Lúc đầu, họ xông xáo làm việc một cách hăng say. Rồi khi họ ngừng, họ không màng đến việc nhặt những dụng cụ làm rẫy của mình, mà cứ việc bỏ chúng ở đó. Sau đó, khi đất bị khô cứng hết, họ nhớ lại công việc của mình và làm thêm một chút nữa, rồi lại bỏ đó. Làm việc kiểu này, họ sẽ không bao giờ có được được một mảnh vườn hay thửa ruộng màu mỡ.

Sự tu hành của chúng ta cũng tương tự, nếu bạn không cho sự tu hành của mình là quan trọng, bạn sẽ không đi tới đâu cả. Tu hành đúng là điều rất quan trọng. Hãy kiên trì. Đừng nghe theo cảm xúc của mình. Nếu bạn thấy khoan khoái thì sao chứ? Đức Phật không màng tới những điều này. Ngài đã kinh nghiệm tất cả điều thiện và điều ác, điều đúng lẫn điều sai. Đó là sự tu hành của Ngài. Chỉ lấy những gì bạn thích và bỏ những thứ bạn không thích, không phải là tu hành, đó là tai họa. Bất kể đi tới đâu, bạn cũng sẽ không mãn nguyện, và bất kể ở đâu, bạn cũng thấy khổ.

Có người tu hành vì muốn đạt được điều gì đó. Nếu không đạt được điều mình muốn, họ sẽ không muốn tu hành nữa. Nhưng Đức Phật dạy rằng tu hành là xả bỏ, là ngừng lại, là dứt trừ tận gốc.

Có một người, khi mới bắt đầu tu hành, đôi lúc ông ta nhịn đói đến mười lăm ngày, rồi khi ăn, ông chỉ ăn lá cây và cỏ. Ông cho rằng ăn thịt là nghiệp chướng, nên ông chỉ ăn lá và cỏ. Sau một thời gian, “Hừm, làm nhà sư phiền toái quá, khó ăn chay lâu được. Có lẽ mình nên là một sa di”. Thế là ông bỏ áo tu và trở thành một sa di. Từ đó, ông có thể nhặt lá, cỏ và đào củ để ăn, điều mà khi còn là một tỳ kheo, ông không thể làm. Ông tiếp tục như thế một thời gian, cho đến khi ông không biết mình phải làm điều gì nữa. Thế là ông bỏ hết. Ông bỏ làm tỳ kheo, bỏ làm sa di, bỏ hết tất cả. Dạo này, tôi không biết ông đang làm gì. Có lẽ ông đã chết. Tôi không biết. Nhưng ông bỏ cuộc bởi vì ông không tìm thấy điều gì thích hợp với tâm của mình. Ông không nhận ra rằng những gì mà ông đang làm là chạy theo phiền não. Phiền não đang dẫn ông đi, nhưng ông không biết.

“Đức Phật có hoàn tục và trở thành một sa di không? Ngài tu hành như thế nào? Ngài đã làm gì?” Ông ta không suy ngẫm về điều này, Đức Phật có đi tìm lá cây và cỏ để ăn không? Dĩ nhiên, nếu bạn muốn ăn như thế, cứ tự nhiên, nếu đó là tất cả những gì bạn có thể làm, nhưng đừng đi quanh chỉ trích những người khác. Bất cứ tiêu chuẩn tu hành nào mà bạn thấy thích thì cứ theo đuổi nó. “Đừng đục, đừng cắt quá nhiều, nếu không bạn sẽ không có một cái tay cầm tử tế”.

Và rồi bạn không còn gì cả và cuối cùng thì bỏ cuộc. Thử nghĩ xem bạn tu hành để làm gì. Sự tu hành ở đây là xả bỏ. Tâm muốn thương người này, ghét người kia. Chúng ta tu hành là để xả bỏ những thứ này. Ngay cả khi bạn đạt được bình an, hãy ném sự bình an đó đi. Nếu kiến thức phát sinh, ném kiến thức đó đi. Nếu bạn biết, thì biết, nhưng nếu bạn biến cái đó thành của riêng, thì bạn sẽ cho rằng mình biết một điều gì đó. Bạn nghĩ rằng bạn hay hơn người khác. Sau một hồi, bạn không thể sống ở bất cứ nơi nào, bởi vì dầu bạn sống ở đâu, vấn đề cũng nảy sinh. Nếu bạn tu hành sai, thì cũng giống như bạn không tu hành gì cả.

Hãy tu hành tùy vào khả năng của bạn. Bạn có ngủ nhiều quá không? Vậy hãy cố ngủ ít bớt. Bạn có ăn nhiều quá không? Vậy hãy cố ăn ít bớt. Hãy tu tập thuận theo nhu cầu của bạn, với giới, định, huệ là nền tảng, và rồi ném thêm vào đó hạnh Đầu Đà (dhutanga). Tu hạnh đầu đà là để đào sâu vào sự phiền não. Bạn có thể nhận ra rằng những pháp tu hành căn bản vẫn không đủ để nhổ tận gốc rễ phiền não, cho nên bạn kết hợp với pháp tu khổ hạnh. Sống nơi gốc cây, sống trong nhà xác – hãy thử đi. Bạn thấy sống trong nhà xác ra sao? Nó có giống như sống trong một đoàn thể không?

Dhatanga có nghĩa là “những pháp tu khó làm”. Đây là sự tu hành của Đấng Giác Ngộ. Ai muốn trở thành Thánh Nhân Giác Ngộ phải sử dụng pháp tu khổ hạnh để dứt trừ phiền não. Pháp tu khổ hạnh không dễ thực hiện và có rất ít người có đủ quyết tâm, bởi vì pháp tu này đi ngược lại với khuynh hướng của con người. Bạn chỉ được phép giữ bên mình ba cái y căn bản, chỉ ăn những gì bạn xin được, chỉ ăn từ bát của mình, và không ăn bất cứ gì khác sau đó.

Giữ được giới cuối cùng ở miền trung Thái Lan thì dễ, bởi vì thức ăn ở đó rất phong phú, và người ta cho rất nhiều thức ăn vào bát của bạn. Nhưng khi bạn lên phía bắc, ở đây pháp tu khổ hạnh này có ý nghĩ rất tế nhị - bạn chỉ nhận được cơm trắng mà thôi! Ở những vùng này, theo tục lệ, người ta chỉ cho bạn cơm trắng thôi. Pháp tu khổ hạnh này trở nên quá hành xác. Bạn chỉ được ăn cơm trắng, và bất cứ món ăn nào được mang đến cúng dường sau đó, bạn không thể dùng. Và bạn chỉ ăn mỗi ngày một lần duy nhất, từ bình bát của mình – khi ăn xong, bạn đứng dậy và trong ngày hôm đó bạn không ăn nữa. Thời nay, khó có người nào có đủ quyết tâm tu hành như thế, bởi vì nó quá khó, nhưng đó là lý do tại sao nó rất có lợi.

Thời nay, cái mà người ta gọi là tu hành thì không thật sự là tu hành. Nếu bạn thật sự tu hành, nó không dễ đâu. Đa số người ta không dám tu hành thật sự, không dám đi ngược lại thói thường. Họ không muốn làm điều gì đi ngược cảm giác của họ. Họ không dám chống lại phiền não, họ không muốn đào sâu vào phiền não để dứt trừ chúng.

Trong sự tu hành, đừng chạy theo cảm xúc của mình. Chúng ta đã bị lừa gạt trong vô số kiếp rằng cái tâm này là của riêng ta. Thật ra nó chỉ là một kẻ lừa đảo. Nó lôi kéo chúng ta vào tham, sân, si, vào sự trộm cướp, ham muốn, và thù hận. Những thứ này không thuộc về chúng ta. Cứ tự hỏi mình, “Tôi có muốn là người tốt không?” Người ta làm điều ác, nhưng họ cứ muốn là người tốt. Đó là tại sao tôi nói những thứ này là kẻ lừa đảo. Chúng chỉ vậy thôi.

Đức Phật không muốn chúng ta chạy theo cái tâm này, Ngài muốn chúng ta huấn luyện nó. Nếu nó muốn qua bên này, hãy đem nó qua bên kia. Khi nó qua bên kia, hãy đem nó trở lại đây. Nói tóm lại, bất cứ tâm muốn gì, đừng để nó có điều đó. Như thể chúng ta đã từng là bạn bè đã nhiều năm, nhưng đến một lúc nào đó, quan điểm của chúng ta không còn giống nhau. Chúng ta chia tay và đường ai nấy đi. Chúng ta không những không hiểu nhau nữa, mà còn cãi vả nhau, cho nên chúng ta chia tay. Cho nên đừng chạy theo cái tâm của bạn. Ai chạy theo tâm của mình, chạy theo sự ưa thích và ham muốn của nó, người đó chưa biết tu hành là gì. Đây là lý do tôi nói rằng điều mà người ta gọi là tu hành không thật sự là tu hành. Nó chỉ là tai họa. Nói ngắn gọn, trong sự tu hành, bạn phải phó thác ngay cả cuộc đời mình. Sự tu hành này đòi hỏi bạn phải kinh nghiệm một ít đau khổ. Nhất là trong một hay hai năm đầu, bạn đau khổ rất nhiều. Những tỳ kheo và sa di trẻ tuổi phải trải qua nhiều thử thách.

Tôi cũng phải khổ sở rất nhiều trong quá khứ, nhất là với thức ăn. Bạn nghĩ sao? Trở thành một tỳ kheo lúc hai mươi tuổi, khi bạn đang thèm ăn, thèm ngủ… Có những ngày, tôi chỉ ngồi đó mà nghĩ đến thức ăn. Tôi muốn ăn một trái chuối ngâm nước xi-rô, hay một đĩa xà lách đu đủ, và tôi bắt đầu chảy nước miếng. Đây là một phần của sự huấn luyện. Thật không dễ chút nào. Miếng ăn và sự uống có thể khiến cho con người  gây ra rất nhiều nghiệp ác. Hãy quan sát một đứa trẻ mới lớn, chỉ biết ăn và ngủ, và giam nó trong chiếc áo tu này – cảm xúc của nó chạy lồng lên. Nó giống như việc xây đập để ngăn nước lũ, đôi lúc cái đập nước vỡ tung ra.

Sự thiền hành của tôi trong năm đầu không có gì khác ngoại trừ thức ăn. Có lúc, tôi chỉ ngồi đó, mà cứ như thể tôi đang nhai trái chuối trong miệng. Tôi có cảm giác như mình đang bẻ trái chuối thành từng miếng nhỏ và bỏ chúng vào miệng. Và đây là tất cả sự tu hành của tôi lúc đó.

Cho nên đừng sợ những điều này. Tất cả chúng ta đã bị phỉng gạt từ vô số kiếp rồi, cho nên để huấn luyện chính mình, sửa đổi chính mình, không phải là chuyện dễ. Nhưng dầu là khó, nó đáng làm lắm.

Tại sao chúng ta phải bận tâm với những chuyện dễ làm? Chúng ta nên huấn luyện mình để làm những việc khó làm.

Đức Phật hẳn đã trải qua những kinh nghiệm tương tự. Nếu Ngài chỉ quan tâm đến gia đình và thân quyến, sự giàu sang và những thú vui dục lạc của mình, Ngài đã chẳng bao giờ thành Phật. Những thứ này cũng không phải là chuyện nhỏ; chúng là những thứ mà đa số người tìm kiếm. Cho nên, xuất gia khi còn trẻ và phải buông bỏ những thứ này cũng giống như chết đi vậy. Thế mà có người nói với tôi rằng, “Ồ, với ngài thì dễ rồi. Ngài không có vợ và con để lo lắng!” Tôi nói, “Đừng đến gần tôi quá khi bạn nói thế, nếu không bạn bị đánh đấy!” cứ như thể tôi không có trái tim hay sao ấy!

Hãy thiết lập sự bình an bên trong bạn. Rồi từ từ bạn sẽ hiểu. Tu hành, quán chiếu, xem xét, và kết quả của sự tu hành sẽ ở đó. Nhân và quả luôn cân xứng với nhau. Đừng làm nô lệ cho cảm xúc của bạn. Mới đầu, ngay cả việc tìm thấy số lượng giờ ngủ thích hợp cho bạn đã là khó. Bạn có thể quyết định chỉ ngủ bao nhiêu giờ đó thôi, nhưng không thể thực hiện được. Bạn phải huấn luyện mình. Bất cứ giờ nào bạn quyết định thức giấc, hãy ngồi dậy khi đã tới giờ đó. Có lúc bạn làm được, nhưng lúc vừa thức giấc, bạn cần phải nói với mình, “Một… hai… Nếu tôi đếm đến ba mà vẫn không ngồi dậy, tôi sẽ rơi vào địa ngục!” Bạn phải dạy đỗ mình như thế. Khi bạn đếm đến ba, bạn sẽ lập tức ngồi ngay dậy. Bạn sợ bị rớt xuống địa ngục. Cái tâm được huấn luyện tốt sẽ không dám gây phiền phức. Có người xuất gia chỉ vì muốn có được cuộc sống thoải mái, nhưng sự thoải mái xuất phát từ đâu thế? Điều kiện của nó là gì? Tất cả sự thoải mái phải đến sau sự đau khổ. Bạn phải làm việc rồi mới có tiền, có phải vậy không? Bạn phải cày ruộng mới có gạo ăn. Trong bất kỳ việc gì cũng vậy, bạn phải trải qua sự khó khăn trước. Nếu bạn không học, làm sao bạn có thể đọc và viết?

Đây là lý do mà tại sao đa số những người nghiên cứu, học hỏi nhiều rồi xuất gia, không đi tới đâu cả. Kiến thức của họ là một loại kiến thức khác, một con đường khác. Họ không tự huấn luyện. Họ không xem xét tâm của họ. Họ chỉ khuấy động tâm trí của họ, khiến cho nó rồi rắm, và tìm kiếm những thứ không có lợi ích gì cho sự tĩnh lặng và kiềm thúc. Kiến thức của Đức Phật không phải là kiến thức của thế gian, mà là kiến thức xuất thế gian – đó là một thứ kiến thức hoàn toàn khác.

Đây là tại sao bất cứ ai muốn xuất gia tu theo Phật pháp phải vứt bỏ tất cả địa vị xã hội mà họ có từ trước. Ngay cả một vị vua khi xuất gia cũng phải vứt bỏ địa vị quốc vương của mình. Ông không thể mang quyền lực thế gian vào nơi tu hành để hù dọa thiên hạ. Sự tu hành đòi hỏi sự buông bỏ, ngừng lại và nhổ tận gốc. Phải hiểu điều này, rồi bạn mới có thể làm cho sự tu hành của mình có kết quả.

Nếu bạn bị bệnh mà không uống thuốc, bạn có nghĩ bệnh sẽ tự lành không? Bất cứ nơi nào bạn sợ hãi, hãy đi đến nơi đó. Nếu bạn biết một nhà xác hay một nghĩa địa nào rất kinh sợ, hãy đi đến đó. Mặc áo vào, đi đến đó và quán tưởng sự vô thường, khổ, và vô ngã… Đứng ngay đó hay đi kinh hành chung quanh đó. Nhìn vào trong, và tìm ra nơi mà nỗi sợ của bạn ngự trị. Nó sẽ lộ diện rõ ràng. Hãy hiểu bản chất của các pháp hữu vi. Ở lại nơi đó và quán sát đến khi trời tối, cho đến khi bạn ở lại đó suốt đêm.

Đức Phật nói, “Bất cứ ai thấy Pháp, thấy Như Lai. Bất cứ ai thấy Như Lai, thấy Niết Bàn”. Nếu chúng ta không theo gương Ngài, làm sao chúng ta thấy được Pháp? Nếu chúng ta không thấy Pháp, làm sao chúng ta biết được Phật? Chỉ khi nào chúng ta đi theo bước chân của Phật, chúng ta mới biết rằng những gì mà Đức Phật dạy là hoàn toàn chắc chắn, rằng sự giảng dạy của Đức Phật là chân lý tối thượng.

-------------------------------------------------

(1) Chân lý thứ nhất trong Tứ Diệu Đế.


27 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 2 - CHƯƠNG 21

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 2

THIỀN ĐỊNH

CHƯƠNG 21

CHÁNH ĐỊNH TU HÀNH VỚI SỰ XẢ BỎ

Mọi thứ phát sinh trong tâm đều là những cảm thọ.

Chúng đều tạm bợ. Chúng sinh khởi, tồn tại và tan biến.

Chỉ bấy nhiêu thôi. Chúng không có tự ngã.

Chúng không đáng để chúng ta nắm giữ và dính mắc.

Hãy xem Đức Phật. Trong sự tu hành cũng như sự giảng dạy, Ngài đều làm gương. Đức Phật dạy chúng ta cách tu hành để dứt trừ tâm kiêu mạn. Ngài không thể tu hành cho chúng ta. Sau khi nghe sự giảng dạy này, chúng ta sẽ phải giảng dạy chính mình, tu hành cho chính mình. Kết quả sẽ phát sinh nơi đây, không phải nơi lời dạy.

Sự giảng dạy của Đức Phật có thể cho chúng ta sự hiểu biết về Đạo Pháp, nhưng Đạo đó vẫn chưa ở trong tâm chúng ta. Tại sao không? Bởi vì chúng ta chưa tu hành, chúng ta chưa dạy dỗ chính mình. Đạo đến từ sự tu hành. Bạn biết Đạo qua sự tu hành. Nếu bạn nghi ngờ nó, bạn sẽ nghi ngờ nó khi tu hành. Sự giảng dạy của các chân sư có thể là đúng, nhưng chúng chỉ cho chúng ta thấy con đường. Để ngộ Đạo, chúng ta phải mang giáo lý đó vào trong tâm. Phần nào thuộc về thân thể, chúng ta áp dụng vào thân thể; phần nào thuộc về lời nói, chúng ta áp dụng vào lời nói; phần nào thuộc về tâm, chúng ta áp dụng vào tâm. Điều này có nghĩa là, sau khi nghe pháp, chúng ta phải dạy dỗ chính mình thêm nữa để hiểu rõ Đạo, để hợp nhất với Đạo.

Đức Phật nói rằng những ai dễ tin vào người khác không phải là kẻ trí. Người khôn tu hành cho đến khi họ hợp nhất với Đạo, cho đến khi họ hoàn toàn tin tưởng vào chính mình, mặc kệ người khác nghĩ gì. Sự kiến giải có thể mang hình thức khác nhau. Có thứ kiến giải hợp với Đạo, cũng có thứ kiến giải nghịch với Đạo. Kiến giải thứ hai là sự thiếu xót, dại dột và vô ích – gọi là tà kiến hay quan niệm sai lầm.

Hãy lấy ví dụ về vị phạm thiên Dighanakha. Vị phạm thiên này chỉ tin vào chính mình. Có một lần, khi Đức Phật ngự tại Vương Xá, Dighanakha đến nghe thuyết pháp. Nói đúng ra ông đến để dạy dỗ Đức Phật, bởi vì ông ta muốn trình bày kiến giải của mình.

“Theo tôi hiểu thì không có gì thỏa mãn ta cả”, Dighanakha nói.

Đức Phật nói, “Brahmin, thế thì cả quan điểm này cũng không thỏa mãn ông phải không?”

Câu trả lời của Đức Phật làm cho Dighanakha bí lối. Ông không biết nên nói gì. Sau đó, Đức Phật giải thích bằng nhiều cách khác nhau, cho đến khi Brahmin hiểu rõ, “Hừm, quan điểm này của mình không đúng”.

Sau khi nghe sự giảng giải của Đức Phật, ông buông bỏ những quan điểm kiêu hãnh của mình và lập tức nhận ra chân lý. Ông thay đổi ngay tại đó và ngay lúc đó, ông thay đổi hoàn toàn, như trở bàn tay. Ông ca ngợi sự giảng dạy của Đức Phật như sau:

“Nghe lời dạy của Đấng Giác Ngộ, tâm tôi sáng tỏ, như kẻ sống trong bóng tối vừa thấy ánh sáng. Tâm tôi giống như một cái chậu lật sấp vừa được lật đứng trở lại, như một người lạc lối vừa tìm thấy hướng đi”.

Lúc đó, một kiến giải mới được phát sinh trong cái tâm mới vừa lật đứng lại. Tà kiến biến mất và Chánh Kiến thay vào đó. Bóng tối tan biến và ánh sáng hiển bày.

Đức Phật tuyên bố rằng Brahmin Dighanakha là người đã mở Mắt Huệ. Trước đó, Dighanakha bám chặt vào sự kiến giải của mình và không có ý định thay đổi nó. Nhưng khi ông nghe Đức Phật giảng dạy, tâm ông nhìn thấy chân lý, ông thấy rằng sự bám víu vào những quan điểm này của ông là sai lầm.

Chúng ta cũng phải thay đổi như thế. Trước khi chúng ta có thể dứt tận phiền não, chúng ta phải thay đổi quan điểm của mình. Chúng ta tu hành chưa tốt, mặc dầu chúng ta cho là tốt. Ngay khi chúng ta hiểu thấu sự việc, chúng ta thay đổi hoàn toàn, cứ như trở bàn tay. Điều này có nghĩa là Phật, “người biết”, hay trí huệ, phát sinh trong tâm và nhìn thấy sự việc một cách khác hẳn.

Lúc ban đầu, “cái tâm thức hiểu biết” không có ở đó. Cái biết của chúng ta không rõ ràng, không hoàn toàn, không đúng. Sự hiểu biết này quá non nớt để có thể huấn luyện tâm. Nhưng rồi tâm thay đổi, hay đảo ngược xuyên qua sự tỉnh giác mới, gọi là trí huệ, và sự tỉnh giác này trội hơn sự tỉnh giác trước kia của chúng ta.

Vì thế Đức Phật dạy chúng ta nhìn vào bên trong. Đừng nhìn ra bên ngoài. Hoặc, nếu bạn nhìn ra ngoài thì sau đó hãy nhìn vào trong, để thấy rõ tiến trình nhân quả của sự việc. Hãy xem xét chân lý của mọi thứ, bởi vì những thứ bên trong và bên ngoài luôn ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng ta tu hành là để làm cho sự tỉnh giác của mình mạnh mẽ hơn. Điều này khiến cho trí huệ và sự khai ngộ phát sinh, khiến cho chúng ta biết sự việc của tâm, ngôn ngữ của tâm, và đường lối của mọi phiền não.

Khi Đức Phật rời khỏi cung điện tìm đường thoát khổ, có lẽ Ngài cũng không rõ là Ngài nên làm gì, cũng như phần lớn chúng ta. Ngài thử rất nhiều pháp môn để phát triển trí huệ của mình. Ngài tìm đến vài vị thầy nổi tiếng, và học thiền với họ… chân phải để lên chân trái, bàn tay phải để lên bàn tay trái… lưng thẳng… mắt nhắm… buông bỏ mọi thứ, cho đến khi Ngài đạt đến một mức độ thiền định rất sâu. Nhưng khi Ngài ra khỏi định, những suy nghĩ củ lại xuất hiện và Ngài dính mắc vào nó như trước. Lúc ấy, Ngài mới biết là trí huệ của mình chưa phát sinh. Sự hiểu biết của Ngài chưa rốt ráo, chưa hoàn mỹ, và còn thiếu sót. Tuy thế, Ngài đã hiểu được đôi chút – Ngài hiểu rằng, đây chưa phải là cứu cánh của sự tu hành – cho nên Ngài rời khỏi họ và tự mình tìm đường giải thoát. Ngài không ngừng xem xét kết quả tu hành của chính mình.

Sau khi thử phương pháp tu hành xác, Ngài nhận ra rằng nhịn đói cho đến khi cơ thể thành một bộ xương vẫn chỉ là vấn đề của thân thể. Thân thể không hiểu biết điều gì cả. Phương pháp hành xác cũng giống như hành hình một người vô tội và bỏ sót kẻ cướp thật sự. Tu hành, Ngài nhận thấy, không phải là vấn đề của thân thể, mà là vấn đề của tâm – tam thế chư Phật đều giác ngộ tại tâm.

Thân và tâm đều vô thường, khổ, và vô ngã. Chúng chỉ là tình trạng của tự nhiên. Chúng phát sinh dựa vào những yếu tố hỗ trợ, tồn tại một thời gian, và rồi tan biến. Tất cả chúng sinh, kể cả con người, cho rằng sự phát sinh là họ, sự tồn tại là họ, và sự hoại diệt là họ. Vì thế họ bám giữ mọi thứ. Khi hạnh phúc, họ không muốn đau khổ. Nếu đau khổ phát sinh, họ muốn đi khỏi càng nhanh càng tốt. Đó là bởi vì họ cho rằng thân và tâm này là của họ, thuộc về họ, và vì thế họ luôn muốn sự việc xảy ra theo ý họ. Đức Phật nhận thấy rằng lối suy nghĩ đó là nguyên nhân của khổ, cho nên Ngài đã buông bỏ nó.

Chúng ta tu hành là để biết sự việc như thế đó. Chúng ta không thể điều khiển những thứ này, bởi chúng ta không phải là chủ nhân của chúng. Cố điều khiển chúng chỉ dẫn đến khổ đau. Nếu chúng ta biết bản chất của những thứ này, chúng ta sẽ thấy rõ. Chúng ta thấy chân lý, chúng ta trở thành một với chúng. Giống như một cục sắt nóng đỏ vừa lấy ra khỏi lò, phía nào chúng ta chạm vào cũng nóng. Bạn phải nhìn thấy sự việc như thế đó.

Thường thì khi mới bắt đầu tu hành, chúng ta muốn thấy, muốn biết ngay, nhưng chúng ta không biết là chúng ta sẽ thấy hay biết điều gì. Có một đệ tử của tôi, một người rối rắm, và nghi ngờ đủ thứ. Nhưng anh ta kiên trì tu hành, và tôi tiếp tục chỉ dạy anh ta cho đến khi anh ta bắt đầu tìm được một chút bình an. Nhưng khi đạt được một chút bình an, anh ta lại nghi ngờ nữa. “Tôi phải làm gì kế tiếp đây?” Anh ta hỏi tôi. Lại nữa! Sự rối rắm lại phát sinh. Anh ta nói anh ta muốn được bình an, nhưng khi anh ta có nó, anh không muốn nó. Anh muốn biết phải làm gì sau đó!

Cho nên, trong sự tu hành, chúng ta phải làm mọi thứ với sự xả bỏ. Chúng ta xả bỏ bằng cách nhìn thấy sự việc rõ ràng. Hãy biết những phẩm chất đích thực của thân và tâm.

Khi tu tập thiền định, chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào hơi thở ra và hơi thở vào tại chóp mũi hay môi trên. Sự chú tâm này gọi là vitakka, hay “sự nhấc lên”. Khi chúng ta “nhấc” tâm lên và tập trung vào một đối tượng, đây gọi là vicàra, sự quán chiếu hơi thở tại chóp mũi. Phẩm chất này của vicàra sẽ tự động hòa lẫn cùng những cảm thọ khác, và chúng ta có thể nghĩ rằng tâm của mình không tĩnh lặng, không bình an, nhưng thât ra đây chỉ là sự làm việc của vicàra khi nó hòa lẫn với các cảm thọ. Nhưng nếu điều này đi lạc hướng quá xa, tâm sẽ đánh mất sự điềm tĩnh, cho nên chúng ta phải kéo tâm lại, nhấc nó lên tới đối tượng cần tập trung. Ngay khi chúng ta tái lập sự chú ý của mình, vicàra tiếp quản, hòa lẫn vào những cảm thọ khác nhau.

Nhìn thấy điều này, nếu thiếu hiểu biết, chúng ta có thể nghĩ, “Tại sao tâm mình cứ đi lang thang? Mình muốn nó đứng yên, nhưng tại sao nó không yên?” Đây là tu hành với sự dính mắc.

Thật ra tâm chỉ chạy theo tính chất tự nhiên của nó. Vấn đề là chúng ta cộng thêm vào đó cái ý muốn đứng yên, và cái ý nghĩ tại sao tâm không đứng yên. Sự ghét phát sinh và chúng ta cộng luôn cái ghét đó vào, làm tăng thêm sự hoài nghi, tăng thêm đau khổ, và tăng thêm sự rối rắm của chúng ta. Thế nên nếu có vicàra đang phản ánh về những sự kiện trong tâm như thế này, chúng ta nên khéo léo suy nghĩ như sau: “À, tâm là thế mà”. Đó là “người biết” đang nói chuyện, đang bảo bạn nhìn thấy thực chất của sự việc. Tâm là thế đó. Chúng ta xả bỏ ngay đó, và tâm trở nên bình an. Cứ thế, mỗi khi tâm mất tập trung, chúng ta lại mang vitakka lên, và không bao lâu sự bình an sẽ trở lại. Vitakka và vicàra làm việc với nhau như thế đó. Chúng ta dùng vicàra để quán chiếu những cảm thọ phát sinh. Khi vicàra trở nên rời rạc dần, chúng ta lại nhấc sự chú ý của chúng ta lên với vitakka.

Điều quan trọng là ở giai đoạn này, chúng ta phải tu hành với sự xả bỏ. Nhìn thấy vicàra tương tác với các cảm thọ, chúng ta có thể nghĩ rằng tâm rối loạn, và chúng ta khởi niệm ghét. Chính nơi đây, chúng ta khiến cho mình đau khổ. Chúng ta không vui bởi vì chúng ta muốn tâm mình yên lặng. Đây là tà kiến. Nếu chúng ta sửa chữa quan điểm của mình một chút để thấy rằng động thái này chỉ là bản chất của tâm, chỉ vậy thôi là đủ để khuất phục sự rối loạn. Đây gọi là xả bỏ.

Và rồi, nếu chúng ta không dính mắc, nếu chúng ta tu hạnh xả bỏ trong hành động – và hành động với sự xả bỏ - thì vicàra sẽ tự nhiên làm việc ít hơn. Nếu tâm chúng ta không còn bị quấy nhiễu, vicàra sẽ muốn quán tưởng Pháp. Bởi nếu tâm chúng ta không quán tưởng Pháp, nó sẽ lại phóng ra bên ngoài.

Cho nên, có vitakka rồi có vicàra, vitakka rồi vicàra… và cứ thế, cho đến khi vicàra dần dần trở nên vi tế hơn. Lúc đầu vicàra đi khắp nơi, giống như nước chảy. Nếu chúng ta bực bội điều này và muốn ngừng dòng nước chảy, chúng ta sẽ khổ. Nếu chúng ta hiểu rằng nước chảy là việc tự nhiên, chúng ta không đau khổ. Vicàra là thế đó. Có vitakka rồi có vicàra tương tác với các cảm thọ. Chúng ta có thể dùng cảm thọ này làm đối tượng để thiền của mình, lắng dịu tâm bằng cách nhận biết những cảm thọ này.

Nếu chúng ta biết bản chất của tâm là thế, chúng ta sẽ xả bỏ, giống như việc để nước chảy tự nhiên. Vicàra càng lúc càng vi tế hơn. Có lẽ tâm muốn quán tưởng cơ thể hay sự chết, hay những đề mục khác. Khi đề mục quán tưởng thích hợp với chúng ta, một cảm giác khoan khoái sẽ phát sinh. Sự khoan khoái đó là gì vậy? Nó là trạng thái hỉ lạc (pìti), có thể trong hình thức mát mẻ, nhẹ nhõm, hay sởn ốc. Tâm mê mẩn. Sự hỉ lạc này đi kèm với sự hạnh phúc (sukha), sự phát sinh và tan biến của nhiều thứ cảm xúc, và trạng thái nhất tâm (ekaggatà).

Trong giai đoạn đầu của sự tập trung, chúng ta có vitakka, vicàra, pìti, sukha, và ekaggatà. Vậy thì giai đoạn thứ hai sẽ ra sao? Khi tâm trở nên thanh nhẹ hơn, vitakka và vicàra trở nên thô tạp, nên chúng bị loại bỏ, chỉ còn lại pìti, sukha và ekaggatà. Tâm tự nó làm điều này. Chúng ta không phải suy đoán gì cả, chúng ta chỉ biết sự việc là thế.

Khi tâm trở nên thanh nhẹ hơn, ngay cả pìti cũng bị thải bỏ, chỉ còn lại sukha và ekaggatà, và rồi chúng ta nhận biết điều này. Pìti đi đâu vậy? Nó không đi đâu cả, chỉ là tâm càng lúc càng trở nên tinh vi hơn nên nó phải thải bỏ những phẩm chất quá thô tạp đối với nó. Bất cứ thứ gì quá thô tạp, nó thải bỏ, và nó tiếp tục thải bỏ như thế mãi cho đến khi nó đạt đến tột đỉnh của sự tinh vi, đây gọi là tứ thiền, hay cảnh giới thiền định cao nhất. Tâm lúc này chỉ còn lại ekaggatà và upekkhà, hay sự bình thản. Không còn gì hơn thế nữa.

Khi tâm đi ngang qua các cảnh giới thiền định, nó phải tiến triển theo cách này. Chúng ta muốn làm cho tâm yên lặng, nhưng nó không yên lặng. Đây là tu hành với lòng ham muốn sự bình an. Tâm như thế đã bị khuấy động rồi. Chúng ta càng khuấy động thêm bằng ước muốn cho nó được bình an. Chính sự ham muốn này là nguyên nhân. Chúng ta không nhìn thấy rằng cái muốn cho tâm bình an chính là sự tham ái (tanhà). Chúng ta càng muốn bình an, tâm càng bị khuấy động. Và rồi cuối cùng chúng ta đấu tranh với chính mình, cho đến khi chúng ta bỏ cuộc.

Nếu chúng ta thấy rằng, tâm chỉ đi theo bản chất tự nhiên của nó, và nếu chúng ta không quá dính mắc đến nó, chúng ta có thể hiểu cách làm việc của nó, như cách cha mẹ hiểu con cái của mình. Trẻ con có thể sẽ nói đủ thứ chuyện. Nếu chúng ta hiểu chúng, chúng ta cứ để chúng nói. Trẻ con nói chuyện như thế bởi vì chúng không biết gì hơn thế. Khi chúng ta xả bỏ, chúng ta không bực bội với đứa trẻ, chúng ta có thể nói chuyện với bạn bè của mình mà không cảm thấy bị quấy nhiễu, trong lúc đứa trẻ vẫn tiếp tục nói huyên thuyên và chơi đùa. Tâm giống như thế. Nó không có hại gì cả trừ khi chúng ta nắm bắt nó và dính mắc đến nó. Khi đó mới là phiền phức.

Khi pìti phát sinh, hành giả cảm giác một niềm an lạc khó tả, điều mà chỉ ai kinh nghiệm mới hiểu được. Sukha phát sinh, và sự nhất tâm cũng hiện diện. Vitakka, vicàra, pìti, sukha, và ekaggatà đều hiện diện. Năm phẩm chất này đều hợp nhất tại một điểm. Mặc dầu chúng là những phẩm chất khác nhau, chúng đều quy tụ tại một nơi, và chúng ta có thể nhìn thấy tất cả ở đó, giống như nhìn thấy nhiều thứ trái cây khác nhau trong một cái giỏ. Cũng như vậy, vitakka, vicàra, pìti, sukha, và ekaggatà – chúng ta có thể nhìn thấy tất cả trong một cái tâm. Chúng quy tụ trong tâm, chúng ta sẽ tự mình nhận thấy.

Sự tu hành của chúng ta vào lúc này sẽ có sự khác biệt. Chúng ta phải có chánh niệm và sự nhận biết, không đánh mất chính mình. Biết bản chất đích thực của sự việc. Đây là những giai đoạn của thiền. Đừng nghi ngờ điều gì liên quan đến sự tu hành. Dầu bạn có lún xuống đất hay bay lên trên không, hay có “chết” trong khi ngồi thiền, cũng đừng để cho sự nghi ngờ phát sinh. Bất kể những phẩm chất của tâm lúc đó là gì, cứ việc nhận biết chúng. Đây là nguyên tắc của chúng ta: có chánh niệm, có sự nhận biết rõ ràng trong mọi hành động đi, đứng, nằm, ngồi. Bất kỳ thứ gì phát sinh, cứ để nó ở đó, đừng dính mắc. Thích hay không thích, hạnh phúc hay khổ đau, nghi ngờ hay chắc chắn – hãy quán tưởng với vicàra và đo lường kết quả của những phẩm chất đó. Đừng cố đặt tên cho mọi thứ, chỉ nhận biết nó. Hãy biết rằng mọi thứ phát sinh trong tâm đều là những cảm thọ. Chúng đều tạm bợ. Chúng sinh khởi, tồn tại, và hoại diệt. Chỉ bấy nhiêu thôi. Chúng không có tự ngã. Chúng không đáng để chúng ta nắm giữ và quan tâm.

Khi chúng ta nhìn thấy mọi vật thể và tâm thái theo cách này với trí huệ, chúng ta nhìn thấy sự vô thường của tâm, của thân, của sự hạnh phúc và đau khổ, của sự thương và ghét. Tất cả đều vô thường. Nhận ra điều này, tâm trở nên mệt mỏi, chán nản và buông bỏ với thân và tâm, với những thứ sinh diệt và tam bợ. Tâm không còn muốn dính mắc vào những thứ này, nó nhìn thấy sự bất toàn của thế gian và bất toàn của sự sinh khởi.

Khi tâm nhìn thấy như thế, thì bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng nhìn thấy sự vô thường, khổ và vô ngã. Không có gì để nắm giữ. Dầu chúng ta có ngồi ở gốc cây hay trên đỉnh núi, chúng ta đều nghe sự giảng dạy của Đức Phật. Mọi thứ sinh khởi, tồn tại một thời gian, và rồi hủy diệt, tất cả đều là vậy. Nếu chúng ta nhìn thấy thân và tâm đều là thế, sẽ không có sự khổ nào tồn tại, bởi vì chúng ta không bám chặt vào chúng. Dầu ở đâu, chúng ta cũng có trí huệ. Ngay cả khi nhìn một cái cây, chúng ta vẫn có thể nghĩ về nó với trí huệ. Nhìn cỏ hay nhìn côn trùng, đây đều là những đề mục cho sự quán tưởng.

Nói cho cùng, chúng đều là Pháp. Không hơn, không kém. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy điều này, hành trình tâm linh của chúng ta kể như hoàn tất. Đây gọi là sự giác ngộ - nhận thức thế gian rõ ràng như nó là. Tâm biết chính nó hoàn toàn và đoạn trừ nguyên nhân của khổ đau. Khi không còn nhân nữa, quả sẽ không thể phát sinh.

Những điều căn bản mà chúng ta cần phát triển là: thứ nhất, phải thẳng thắn và thành thật; thứ hai, tránh xa mọi điều ác, luôn khiêm tốn, hài lòng với hiện tại. Nếu chúng ta nói ít, mãn nguyện với một ít, chúng ta sẽ nhìn thấy chính mình, chúng ta sẽ không mất sự chú tâm. Tâm sẽ có nền tảng của giới, định, và huệ.

Cho nên, người tu hành không nên giải đãi. Ngay cả khi bạn đúng, cũng đừng dễ dãi. Tại sao tôi nói “đừng dễ dãi”? Bởi vì mọi thứ đều không chắc chắn. Hãy biết chúng là như thế. Nếu bạn được bình an, cứ để sự bình an ở đó. Bạn có thể rất muốn buông thả trong đó, nhưng bạn chỉ nên nhận biết bản chất của nó. Đối với sự khổ cũng vậy.

Sự tu hành này tùy thuộc nơi bạn. Không ai khác biết rõ tâm của bạn bằng chính bạn. Bạn phải thành thật với chính mình. Tu hành chân chính, không tu nửa vời, cũng không làm cho mình kiệt sức. Chỉ cần bạn có chánh niệm và sự tự nhận biết, bạn sẽ có thể phân biệt đâu là sai, đâu là đúng bên trong bạn. Bạn chỉ cần bấy nhiêu thôi. Không cần nhiều hơn nữa.


Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...