22 thg 3, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần cuối - Chương 81)

Thích Nhất Hạnh

Chương 81

Đường xưa mây trắng.

Trời đã sáng, đại đức Anuruddha bảo đại đức Ananda:

- Sư huynh hãy đi vào thành phố Kusinara và báo cho những người hữu trách biết đức đạo sư của chúng ta đã diệt độ, để họ làm những việc họ thấy cần làm.

Đại đức Ananda vâng lời. Thầy khoác áo đi vào thành phố. Những vị chức sắc của bộ tộc Malla đang họp bàn công vụ. Được tin đại đức cho biết Bụt đã nhập diệt, tất cả đều đau buồn và luyến tiếc. Họ lập tức bỏ ngang buổi nghị sự đang bàn và đề cập tới công việc cần làm. Khi mặt trời lên tới ngọn cây thì tất cả dân chúng trong thành phố đều biết tin Bụt đã nhập diệt tại rừng Sala. Nhiều người đấm ngực than khóc, tiếc rằng đã không được nhìn mặt Bụt và làm lễ Người trước khi Người nhập diệt. Dân chúng lũ lượt kéo nhau ra rừng, người thì đem theo hoa, người thì đem theo hương, người thì đem theo nhạc khí, người thì đem theo vải lụa. Ra tới rừng Sala, họ quỳ lạy và rải hương hoa lên thi thể Bụt để cúng dường. Họ cũng tổ chức vũ nhạc tang lễ truyền thống, vây quanh chỗ nằm của Bụt. Vải lều ngũ sắc được căng lên khắp rừng. Dân chúng đã đem theo thức ăn để cúng dường cho năm trăm vị khất sĩ. Rừng Sala trở nên nhộn nhịp như một ngày hội. Thỉnh thoảng đại đức Anurudda lại thỉnh một tiếng cồng ra lệnh cho mọi người im lặng và đại đức hướng dẫn mọi người đọc những đoạn trong Pháp Cú.

Trong suốt sáu ngày sáu đêm, dân chúng trong hai thị trấn Kusinara và Pava liên tục cúng dường Bụt bằng hoa, hương, vũ và nhạc. Hoa Mandarava và các thứ hoa khác đã phủ lấp giữa hai cây sala. Đến ngày thứ bảy, tám vị tộc trưởng của bộ tộc Malla tắm gội bằng nước ngũ hương, mặc lễ phục và bắt đầu đưa rước thi hài của Bụt vào thành phố. Tất cả các vị khất sĩ và dân chúng đều đi theo sau, hướng về cửa Bắc mà vào thành, rồi lại đi ra khỏi thành bằng cửa Đông và dừng lại trước sân đền Makuta-bandhana, ngôi đền chính của bộ tộc Malla. Thi hài Bụt được an táng ngay trước đền.

Các vị chức sắc kinh thành ra lệnh làm lễ hỏa táng Bụt theo nghi thức hỏa táng của một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Thi hài Bụt được vấn bằng vải mới, rồi đến bông gòn, rồi đến vải mới, cứ như thế cho đến nhiều lớp vải và bông. Sau cùng thi hài được đặt trong một áo quan bằng sắt, và áo quan này lại được đặt trong một áo quan bằng sắt lớn hơn nữa. 

Kim quan được đưa lên một hỏa đàn vĩ đại chất toàn bằng các loại gỗ thơm.

Giờ châm lửa hỏa đàn đã đến. Bốn vị tộc trưởng bộ tộc Malla tiến tới; họ vừa định làm lễ châm lửa hỏa đàn thì bỗng có một vị sứ giả đi tới bằng ngựa. Vị sứ giả này cho biết đại đức Mahakassapa đang lãnh đạo năm trăm vị khất sĩ tiến về Kusinara. Đại đức và các vị khất sĩ đang ở giữa chặng đường Pava và Kusinara. Nghe nói thế, đại đức Anuruddha liền đề nghị hoãn lại giờ hành lễ để chờ đại đức Mahakassapa và đoàn khất sĩ.

Đại đức Mahakassapa đã khởi hành từ Campa để đi hành hóa miền Bắc. Tới Vesali, đại đức được tin Bụt tuyên bố sẽ nhập niết bàn trong ba tháng và hiện Người đang đi về hướng Bắc. Đại đức liền lên đường đi tìm Bụt, tới đâu cũng có các vị khất sĩ xin đi theo. Khi đại đức tới Bhandagama, số các vị khất sĩ đi theo đã lên tới năm trăm vị.

Rời Pava, đại đức gặp một khách bộ hành đi ngược chiều, túi áo có cài hoa sala. Người này cho đại đức biết Bụt đã nhập diệt tại rừng Sala ở Kusinara từ bảy hôm trước. Đóa hoa trên áo đã được nhặt lên từ trong rừng nơi chỗ Bụt nhập diệt. Nghe tin, đại đức Mahakassapa không còn chần chừ nữa, liền tiếp tục hướng dẫn đoàn khất sĩ đi về Kusinara. Nhân gặp một người đi ngựa cùng hướng, đại đức nhờ người này phi nhanh tới trước và nhắn tin cho đại đức Ananda biết là đại đức và năm trăm vị khất sĩ khác đang trên con đường tới dự lễ trà tỳ của Bụt.

Mặt trời vừa đứng bóng thì đại đức Mahakassapa và đoàn khất sĩ tới được đền Makuta-bandhara, nơi dựng hỏa đàn của lễ trà tỳ. Tới nơi, đại đức trật áo tăng già lê bên vai phải, chắp tay, cung kính và im lặng, độc hành quanh hỏa đàn ba lần. Rồi đại đức dừng lại, chắp tay hướng về nhục thân Bụt để lạy xuống. Năm trăm vị khất sĩ đi theo cũng đồng thời lạy xuống. Đại đức vừa lạy xong ba lạy và đứng lên thì hỏa đàn đột nhiên bốc lửa lớn. Tất cả các vị khất sĩ đều quỳ xuống chắp tay hướng về hỏa đàn. Hàng ngàn người có mặt cũng đều làm như thế. Đại đức Anuruddha lại thỉnh chuông và hướng dẫn mọi người đọc những đoạn pháp về vô thường, vô ngã, xả ly và giải thoát. Giọng đọc trầm hùng vang dội khắp một vùng.

Sau khi lửa đã cháy tàn, nước thơm được tưới lên giàn hỏa. Kim quan được thỉnh xuống, mở ra và xá lợi của Bụt được các vị tộc trưởng thâu lượm và an trí trong một chậu vàng đặt trên bàn thờ trung ương trong đền. Các vị khất sĩ lớn được thay phiên canh giữ và bảo vệ xá lợi của Người.

Tin Bụt diệt độ ở Kusinara đã được báo về các thủ đô từ nhiều hôm trước. Sứ đoàn các nước đã cử đến chiêm bái và thỉnh một phần xá lợi của Bụt về các tòa tháp được xây dựng trang nghiêm hoành tráng. Đại diện Magadha, Vesali, Sakya, Koliya, Bulaya, Pava và Vetha đều có một phần xá lợi của Bụt. Xá lợi Bụt đã được chia ra làm tám phần để an trú trong tám chiếc bảo tháp tại địa phương họ: người Magadha sẽ xây tháp ở Rajagaha, dân Licchavi sẽ xây tháp ở Vesali, dân Sakya sẽ xây tháp ở Kapilavatthu, dân Buli sẽ xây tháp ở Allakappa, dân Koliya sẽ xây tháp ở Ramagama, dân Vetha sẽ xây tháp ở Vethadipa, dân Malla sẽ xây tháp một tháp ở Kusinara và một tháp khác ở Pava.

Khi các sứ đoàn đã ra về; một ngàn vị khất sĩ cũng tuần tự giải tán và trở về trú sở của mình để hành đạo. Các đại đức Mahakassapa, Anaruddha và Ananda cũng đưa bình bát của Bụt về tu viện Trúc Lâm.

Chưa đầy một tháng sau, đại đức Mahakassapa quyết định triệu tập một đại hội quan trọng với sự có mặt của các vị khất sĩ, tụ về thủ đô Rajagaha để ôn lại những lời dạy của Bụt và kết tập tất cả những lời Người đã thuyết giảng thành kinh và luật. Đại hội gồm năm trăm vị khất sĩ có thật tu và thật chứng nghiệm được chọn lựa trong giáo đoàn khất sĩ. Đại hội sẽ khai mạc vào đầu mùa an cư tới và sẽ kéo dài trong sáu tháng.

Đại đức Mahakassapa thường được các vị khất sĩ trong giáo đoàn tôn trọng như vị đại đệ tử Bụt, sau các vị Kondanna, Sariputta, và Moggallana. Đại đức nổi tiếng là người ưa sống đơn giản và đạm bạc. Đại đức đã được Bụt tin tưởng và thương mến không khác gì các đại đức Moggallana và Sariputta. Hơn hai mươi năm trước, áo cà sa sanghati của đại đức là một chiếc áo bách nạp kết lại bằng hàng ngàn mảnh vải vụn. Có lần đại đức đã xếp tư chiếc áo ấy và trải ra trong rừng mời Bụt ngồi. Đại đức đã ngỏ ý cúng dường Bụt chiếc áo bách nạp ấy. Bụt mỉm cười nhận lời và tặng lại đại đức chiếc áo sanghati của chính Người. Trong đại chúng, ai cũng biết chuyện này. Đại đức là người đã mỉm cười khi Bụt đưa cành sen lên mà không nói gì ở giảng đường Cấp Cô Độc, là Người đã tiếp nhận được “kho tàng của con mắt chánh pháp” do Bụt trao truyền.

Vua Ajatasattu đứng ra bảo trợ đại hội kết tập kinh luật này. Trong đại hội, đại đức Upali vốn nổi tiếng về luật học đã được mời lên ôn lại giới luật. Nhờ những câu hỏi của đại đức Mahakassapa mà đại đức Upali nhắc lại được hết những nhân duyên, do đó các giới luật được thiết lập.

Đại đức Ananda được đại hội thỉnh lên trùng tuyên tất cả những bài pháp thoại của Bụt nói, và tập kết lại nội dung gọi là kinh. Nhờ những câu hỏi của đại đức Mahakassapa và của đại chúng mà đại đức Ananda có dịp nói ra hết những chi tiết về thời gian, nơi chốn và cơ duyên đã đưa tới mỗi bài pháp thoại của Bụt.

Cố nhiên là các đại đức Upali và Ananda không thể nhớ hết được tất cả mọi chi tiết; vì vậy sự có mặt của năm trăm vị khất sĩ có thật học và thật chứng trong đại hội đã bổ túc cho hai đại đức rất nhiều. Tất cả những tài liệu về giới và luật sau khi kết tập được gom lại thành một kho tàng luật học được gọi là Luật tạng -vinaya pitaka. Tất cả những tài liệu về giáo lý được gom thành một kho tàng kinh giáo gọi là Kinh tạng -sutta pitaka. Các kinh Bụt nói được phân làm bốn bộ, căn cứ trên sự dài ngắn của kinh và cũng được xếp đặt theo đề tài và pháp số. Về luật, đại đức Ananda có thông cáo với đại hội là Bụt đã từng dặn rằng sau khi Người diệt độ, những giới điều nhỏ nhặt có thể được bỏ bớt. Đại hội hỏi đại đức Ananda xem Bụt có nói rõ là những giới điều nhỏ nhặt ấy là những giới điều nào không, đại đức trả lời và vì đại đức không hỏi nên Bụt đã không nói. Đại hội thảo luận rất lâu về vấn đề này và cuối cùng quyết định giữ lại tất cả mọi giới điều, trong giới bản khất sĩ cũng như trong giới bản nữ khất sĩ, đã có khoảng hai trăm năm mươi giới điều được tập kết.

Nhớ lời Bụt, đại hội không chấp nhận việc dịch các kinh văn ra cổ ngữ của truyền thống Vệ Đà. Ngôn ngữ Ardhamagadhi được xem như là sinh ngữ chính của Tạng kinh và Tạng luật. Đại hội khuyến khích việc phiên dịch kinh văn ra các sinh ngữ địa phương để dân chúng các nước có thể học hỏi và hành trì giáo lý bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Đại hội cũng khuyến khích việc tăng cường số lượng các vị bhanaka, có nhiệm vụ tụng đọc thường xuyên các kinh văn để phổ biến và truyền tụng trong hiện tại và trong vị lai.

Đại hội hoàn mãn, mọi người lại trở về trú sở để tu học và hành hóa.

*****

Trên bờ sông Neranjara, đại đức Svastika đứng nhìn dòng nước chảy. Mấy em bé chăn trâu ở phía bờ bên kia đang lùa bầy trâu xuống sông để lội qua bên này. Mỗi em bé đều có mang theo liềm và giỏ. Bên này sông, cỏ kusa đã lên xanh mướt. Các bé đang làm y hệt như đại đức Svastika trước đây bốn mươi lăm năm. Chúng để trâu ăn cỏ trong khi chúng dùng liềm cắt cỏ kusa cho thật đầy những chiếc giỏ đem theo.

Dòng sông này ngày xưa Bụt thường xuống tắm. Cây Bồ đề vẫn xanh tốt như tự bao giờ. Đại đức đã tới đây từ chiều hôm qua và đã ngủ đêm dưới cội cây thân yêu đó. Rừng không còn hoang vu như xưa, bởi vì cây Bồ đề đã trở nên quá nổi tiếng. Cây Bồ đề đã trở thành một nơi để thiên hạ đến chiêm bái, vì vậy khu đồi đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn rậm rạp và nhiều gai góc như ngày xưa.

Đại đức Svastika may mắn có mặt trong đại hội kết tập kinh và có cơ duyên nghe lại hết kinh luật. Đại đức năm nay đã năm mươi sáu tuổi. Người bạn tu thân thiết nhất của đại đức là đại đức Rahula đã viên tịch trước đây năm năm. Rahula đã được các đại đức lớn công nhận là một vị khất sĩ có chí nguyện và hành động lớn. Tuy là con nhà vương giả, đại đức Rahula đã học được nếp sống đơn giản và bình dị. Công đức hóa độ của ngài rất lớn nhưng ít ai biết đến, vì đại đức Rahula không hề có tính khoe khoang; trái lại đại đức rất kín đáo và khiêm nhường. Tuy lớn hơn đại đức Rahula, nhưng đại đức Svastika đã học được rất nhiều từ người bạn của mình. Đại đức Svastika cũng đã được theo Bụt trong chuyến đi cuối cùng của Người từ Rajagaha đến Kusinara và đã được chứng kiến những ngày giờ cuối cùng mà Bụt còn tại thế.

Đại đức còn nhớ trên đường từ Pava đến Kusinara, đại đức đã nghe ngài Ananda hỏi Bụt dự định đi tới đâu. Bụt trả lời: “Đi về phương Bắc”. Lúc ấy, đại đức Svastika có cảm tưởng là mình đã hiểu được Bụt. Suốt cuộc đời, Bụt đã đi, nhưng Người chỉ đi để mà đi chứ không cần tới. Vì vậy, nên Người cứ đi thong thả, mỗi bước chân của Người đưa Người tới phút giây hiện tại. Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, ngay ở chỗ mình đứng. Đại đức Svastika thấy Bụt hướng về phía Bắc mà đi, cũng như một con voi chúa hướng về quê hương của nó, khi nó biết đã tới lúc để trở về. Bụt đâu cần phải về tới Kapilavatthu hoặc vườn Lumbini mới có thể nhập Niết bàn. Hướng về phương Bắc là đủ. Kusinara cũng chính là vườn Lumbini vậy.

Cũng chính vì nghĩ như thế mà đại đức đã về đây, bên bờ sông Neranjara này là quê hương của ngài. Đại đức thấy mình vẫn còn là cậu bé chăn trâu mười một tuổi, một mình phải chăn cả bầy trâu cho người khác để nuôi ba đứa em thơ. Thôn Uruvela vẫn còn đó với những cây đu đủ sai trái trước mọi nhà. Những cánh đồng lúa vẫn còn, con sông hiền lành vẫn chảy. Lũ trâu hiền từ và các em bé chăn trâu vẫn còn giữ trâu, tắm trâu và cắt cỏ như những ngày nào. Tuy chị Sujata không còn đây, tuy ba đứa em đã có chồng có vợ đi làm ăn xa xứ, thôn Uruvela và bờ sông Neranjara vẫn là quê hương của đại đức. Đại đức nhớ lại lần đầu gặp vị sa môn trẻ Siddhatta đi thiền hành trong rừng, nhớ lại những bữa cơm trưa được ăn chung với vị sa môn và với các em bé khác trong làng dưới gốc cây Pipala râm mát. Tất cả những hình ảnh đó tuy đã qua đi nhưng vẫn còn là hiện thực. Đại đức biết rằng nếu muốn, đại đức có thể làm cho những hình ảnh đó trở thành hiện tại. Một lát nữa đây, khi bọn trẻ đưa trâu sang tới bờ bên này, đại đức sẽ đến làm quen với chúng. Đứa nào cũng đang là Svastika. Đại đức cũng vẫn là Svastika. Nếu một ngày năm xưa đã đưa đại đức vào con đường an lạc giải thoát thì hôm nay đại đức cũng sẽ đưa các em bé này vào con đường an lạc giải thoát.

Đại đức Svastika mỉm cười. Tháng trước tại Kusinara, thầy có nghe đại đức Mahakassapa kể chuyện vị khất sĩ Subhada. Vị khất sĩ này cùng đi với đại đức từ trên đường từ Pava tới Kusinara. Khi nghe tin Bụt nhập diệt, vị này đã tỏ ý mừng rỡ, ông ta nói: “Ông già đã tịch rồi, không còn ai kiểm soát và rầy la mình nữa, sướng quá”. Nghe nói như thế đại đức Mahakassapa đã ngạc nhiên mở tròn hai mắt nhìn vị đại đức trẻ tuổi Subhada này. Sao mà trong giáo đoàn của Bụt lại có người dại dột đến thế, đại đức nghĩ, nhưng cuối cùng, đại đức đã không la rầy vị khất sĩ Subhada kia một lời nào.

Đại đức Mahakassapa không rầy la thầy Subhada, nhưng đại đức Svastika nghe nói rằng đại đức Mahakassapa đã rầy la đại đức Ananda, dù đại đức Ananda là một vị đại đức lớn, trên đầu đã có lấm tấm hoa râm. Ai cũng biết rằng trong đại hội kết tập kinh luật, sự có mặt của đại đức Ananda là rất cần thiết, vậy mà chỉ ba hôm trước ngày khai mạc đại hội, đại đức Ananda đã bị sư huynh Mahakassapa khiển trách và dự tính sẽ không chấp nhận vào trong số năm trăm vị khất sĩ thành viên của đại hội. Lý do đưa ra là đại đức Ananda tuy kiến thức về đạo lý uyên bác, nhưng sự chứng đắc chưa được vững vàng. Ai cũng e ngại đại đức sẽ phật ý bỏ đi. Ai ngờ đại đức Ananda đã đóng cửa tĩnh tu trong suốt ba ngày đêm. Ngay trong đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội, đại đức đã khai tâm đại ngộ. Theo các bạn tu kể lại, việc này xảy ra lúc giữa giờ Sửu. Thiền tọa suốt đêm đến gần sáng, đại đức mới chịu ngã lưng xuống để nghỉ ngơi, chính vào lúc mà đại đức ngã lưng xuống thì đại đức đạt tới giác ngộ. Sáng hôm đó, khi gặp đại đức Ananda, nhìn vào mặt đại đức, đại đức Mahakassapa biết ngay việc gì đã xảy ra. Đại đức mời ngay đại đức Ananda vào tham dự đại hội mà không cần nói thêm một lời hỏi han nào khác.

Nắng lên cao, những đám mây trắng nhỏ vẫn còn lơ lững trên nền trời xanh biếc. Bờ sông bên kia vẫn xanh mướt cỏ non. Con đường bờ sông này ngày xưa Bụt đã qua lại nhiều lần. Con đường bờ sông này có thể dẫn về Banarasi, có thể dẫn về thủ đô Savatthi, có thể dẫn về thủ đô Rajagaha, mà cũng có thể dẫn đi khắp chốn. Bụt đã ghi dấu chân trên mọi nẻo đường hành hóa. Đi đâu đại đức cũng sẽ bước theo dấu chân của Người. Đường xưa còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an nhiên và tỉnh thức, thì con đường ngày xưa và những đám mây trắng cũng sẽ mầu nhiệm biến thành con đường của ngày hôm nay và những đám mây trắng bay lững lờ trong hiện tại. Những đám mây trắng ngày xưa còn đó và con đường ngày xưa hiện thực nằm dưới chân ta.

Bụt đã nhập diệt, nhưng nhìn vào đâu đại đức cũng thấy sự có mặt của Người. Hạt giống Bồ đề đã được gieo trồng nuôi dưỡng khắp nơi trong thế gian này; những hạt giống ấy đã nứt mầm và mọc lên tươi tốt. Bốn mươi mấy năm về trước đã có ai nghe nói tới Bụt đâu, đã có ai nghe nói đến đạo lý tỉnh thức đâu; vậy mà bây giờ đây, không nơi nào mà không có bóng dáng những vị khất sĩ áo vàng, không nơi nào mà không có những trung tâm tu học. Các bậc vua chúa cũng đã quy y. Các giới trí thức và quyền quý cũng đã quy y, các giới nghèo khổ bị xã hội khinh miệt nhất cũng đã quy y và đã tìm thấy trong đạo tỉnh thức con đường giải phóng cho thân phận và cho tâm linh mình. Bốn mươi năm về trước, Svastika chỉ là một chú bé chăn trâu nghèo khổ thuộc giới ngoại cấp. Bây giờ Svastika đã trở nên một vị khất sĩ vượt thoát xích xiềng của giai cấp, của mặc cảm, đứng lên trên mọi sự kỳ thị và bất công. Svastika đã từng được các quốc vương thỉnh mời và chào hỏi với tất cả niềm cung kính của họ. Bụt là ai mà công năng giải phóng lớn lao như vậy? Đại đức Svastika vừa nhìn các em bé chăn trâu đang cắt cỏ bên bờ sông vừa đặt câu hỏi ấy. Tuy một số các đại đệ tử của Bụt đã nối tiếp nhau viên tịch, giáo đoàn khất sĩ vẫn còn đầy những vị đại đức xuất sắc, trong đó có rất nhiều giới trẻ, Bụt như hạt giống của một cây Bồ đề vĩ đại; Hạt giống không mất; hạt giống đã trở thành cây Bồ đề. Bụt đã từng dạy không có gì từ có mà trở nên không. Bụt chỉ hóa thân nhưng  chẳng hề biến diệt. Những ai có pháp nhãn nhìn vào giáo đoàn là sẽ thấy Bụt. Người có pháp nhãn nhìn vào các vị khất sĩ trẻ có đạo phong, có đức độ và có tuệ giác thì cũng thấy Bụt. Đại đức Svastika thấy mình có bổn phận phải chăm lo vun tưới cho pháp thân Bụt. Pháp thân đó là giáo pháp và giáo đoàn. Chừng nào giáo pháp và giáo đoàn còn hưng thịnh thì chừng đó Bụt còn hiển hiện giữa muôn loài.

Nhìn các em bé đã qua tới bên này sông, đại đức lại mỉm cười. Nếu ta không tiếp tục sự nghiệp của Bụt để đem lại bình đẳng, an lạc và giải phóng cho các em bé này, thì ai sẽ làm? Bụt chỉ mới bắt đầu công cuộc chuyển đổi. Môn đệ của Người sẽ cần phải có trách nhiệm kế tiếp sự nghiệp của Người. Những hạt giống Bồ đề mà Bụt đã gieo trồng sẽ còn tiếp tục nẩy mầm và bén rễ trong cuộc sống. Đại đức thấy mình phải cẩn trọng gìn giữ và vun tưới thân tâm để những hạt giống ấy được mọc lên thành những cây Bồ đề tươi tốt. Người ta nói Bụt đã nhập diệt nhưng thầy Svastika lại thấy Bụt hiện thực hơn bao giờ hết. Chính thân tâm của thầy cũng mang theo sự có mặt của Bụt.

Nhìn cây Bồ đề, nhìn dòng sông Neranjara, nhìn bờ cỏ xanh mướt, nhìn làn mây trắng, nhìn khung trời trong xanh, nhìn chiếc lá Pipala rung rinh trước gió, đại đức thấy ở đâu cũng có Bụt. Những em bé chăn trâu đang bắt đầu cắt cỏ bên bờ sông kia cũng là Bụt. Đại đức nhận thức được mối liên hệ giữa mình và các em bé ấy, và biết rằng mình sẽ phải nói gì và sẽ phải làm gì để các em bé ấy trở thành sự tiếp nối của Bụt. Đại đức Svastika thấy rõ phương cách tiếp nối sự nghiệp của Bụt là nhìn mọi vật một cách tỉnh thức như Bụt đã nhìn, bước những bước chân thanh thản như Bụt đã bước, và mỉm cười nụ cười từ bi như Bụt đã cười. Bụt là suối nguồn. Thầy Svastika và các em bé chăn trâu bên bờ sông là những dòng sông liên tục chảy từ suối nguồn đó. Dòng sông đi tới đâu là Bụt đi tới đó.


----- Hết -----


21 thg 3, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần cuối - Chương 80)

Thích Nhất Hạnh

Chương 80

Hãy tinh tiến lên để đạt giải thoát!

Khi Bụt và các vị khất sĩ tới được rừng Sala thì trời đã gần xế chiều, Bụt bảo thầy Ananda chuẩn bị chỗ nằm cho Bụt giữa hai cây sala, rồi Bụt nằm xuống trong tư thế sư tử tọa, đầu hướng về phương Bắc. Các vị khất sĩ chia nhau ngồi bao quanh Bụt. Họ biết rằng trong đêm nay, tại rừng cây sala này, Bụt sẽ nhập Niết bàn.

Bụt đưa mắt nhìn rừng cây rồi nói với Ananda:

- Này Ananda, thầy hãy nhìn xem, bây giờ đâu phải là mùa hoa, mà những cây sala này đang nở hoa trắng xóa. Hoa rụng trên áo Như Lai và trên cả áo các vị khất sĩ, thầy thấy không? Rừng này đẹp lắm! Thầy có thấy mặt trời đang ngã về phía Tây và chân trời thật rạng rỡ hay không? Thầy có nghe gió nhẹ rì rào trong các cành sala không? Vạn vật đối với Như Lai thật mầu nhiệm. Này các vị khất sĩ, nếu các vị muốn tỏ lòng cung kính và biết ơn Như Lai thì các vị chỉ có thể bày tỏ điều đó bằng cách sống đúng chánh pháp và đi trong chánh pháp mà thôi.

Lúc đó trời vẫn còn nóng và đại đức Upavana đang đứng trước mặt Bụt để quạt cho Người. Bụt bảo đại đức đứng sang một bên để đại đức có dịp nhìn lại cảnh rừng cây và cảnh trời chiều huy hoàng đang diễn ra trước mắt.

Bụt hỏi đại đức Anuruddha:

- Ananda ở đâu, Như Lai không thấy?

Một vị khất sĩ thưa:

- Con thấy sư huynh Ananda đang đứng nấp và khóc sau một cội cây. Sư huynh nói một mình: “Ta chưa thành tựu được đạo nghiệp mà thầy ta đã tịch. Có ai thương ta bằng thầy ta thương ta đâu”.

Bụt bảo vị khất sĩ đi gọi đại đức Ananda về.

Người an ủi đại đức Ananda:

- Ananda, đừng buồn khổ nữa, Như Lai đã từng nhắc thầy là vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt, có thành thì có hoại, có hợp thì có tan. Làm sao có sinh mà không có diệt cho được? Làm sao có thành mà không có hoại cho được? Làm sao có hợp mà không có tan cho được? Ananda, mấy mươi năm nay thầy đã thân cận Như Lai, chăm sóc Như Lai với tất cả tấm lòng thương mến của thầy. Thầy đã đem hết lòng hết sức để giúp đỡ Như Lai, Như Lai rất cảm ơn thầy, công đức của thầy rất lớn. Nhưng Ananda, thầy có thể đi xa hơn, nếu thầy cố gắng thêm chút nữa thì thầy sẽ thoát được sinh tử, đạt tới tự do, và vượt thoát mọi đau khổ và bi ai. Điều đó tin chắc thầy làm được và cũng là điều sẽ làm cho Như Lai vui lòng nhất.

Xoay qua các vị khất sĩ, Bụt nói:

- Làm thị giả cho Như Lai, thầy Ananda đã làm rất tốt công việc của mình, giúp đở và chăm sóc Như Lai tận tình chu đáo. 

Đại đức Ananda lau nước mắt, bạch:

- Thưa Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng nhập Niết bàn ở đây. Kurinara chỉ là một đô thị nhỏ, tường vôi vách đất. Có nhiều nơi xứng đáng hơn để Thế Tôn nhập Niết bàn như Sampa, như Rajagaha, như Savatthi, như Sakata, như Kosambi, hay Banarasi. Xin đức Thế Tôn chọn một nơi như thế để nhập diệt để cho đông đảo quần chúng có cơ duyên nhìn mặt Thế Tôn một lần cuối.

Bụt bảo:

- Ananda, Kusinara cũng là một nơi quan trọng, dù nó chỉ là một đô thị tường vôi vách đất. Ananda, Như Lai muốn thầy hiểu được tâm ý của Như Lai.

Rồi Bụt bảo đại đức Ananda vào thành phố Kusirana báo tin cho những người trong bộ tộc Malla biết rằng đêm nay vào canh cuối, Bụt sẽ nhập Niết bàn trong rừng cây sala của họ.

Những người trong bộ tộc Malla nghe tin Bụt sắp nhập diệt liền vội vã đi gặp Người. Một du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda nghe nói có Bụt ở ngoài rừng cũng theo họ tìm tới. Trong khi những người trong bộ tộc Malla thay phiên nhau tới ra mắt và làm lễ Bụt thì du sĩ Subhadda tới thương thuyết với đại đức Ananda để ông được gặp và hầu chuyện Bụt. Đại đức không cho, bảo là Bụt đang mệt không thể tiếp được ông.

Nghe được những câu trao đổi giữa hai người, Bụt bảo Ananda:

- Thầy cứ cho du sĩ Subhadda vào đi, Như Lai có thể tiếp ông ấy.

Du sĩ Subhadda ra trình diện trước Bụt, đã từng nghe nói tới đạo phong của Bụt, ông sẵn có lòng mến mộ Bụt từ lâu, ông lạy xuống và bạch:

- Bạch đức Thế Tôn, con đã nghe nói tới các vị lãnh đạo các giáo phái như Purana Kassapa, Makhali Gosala, Ajita Kesakambali, Pakudha Kaccayana, Sanjaya Belatthiputta và Nigantha Nathaputta ... Con muốn hỏi Thế Tôn xem trong những vị đó có ai thật sự là người đạt đạo không?

Bụt hỏi:

- Subhadda, họ có đạt đạo hay không đạt đạo, việc đó không nên bàn tới bây giờ vì không cần thiết. Subhadda, Như Lai sẽ chỉ cho ông con đường tu học để tự ông có thể đạt ngộ.

Rồi Bụt dạy cho Subhadda về đạo lý Bát chánh đạo.

Và Người kết luận:

- Subhadda, ở đâu trong đoàn thể nào mà có sự thực hành Bát chánh đạo một cách chuyên cần là ở đó có người đạt đạo. Subhadda, ông cố thực tập phép này đi rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo, không cần phải đặt câu hỏi người này hay người khác có thật là người đạt đạo hay không.

Được Bụt dạy, du sĩ Subhadda thấy tâm hồn mở rộng, ông sung sướng quá. Ông xin Bụt được xuất gia là đệ tử, Bụt chấp nhận. Người giao Ananda làm lễ xuất gia tại chỗ cho du sĩ Subhadda.

Subhadda cũng là người đệ tử cuối cùng của Bụt.

Sau khi Subhadda đã được cạo đầu, thọ giới, khoác áo cà sa và được trao cho một bình bát, Bụt đưa mắt nhìn các vị khất sĩ ngồi bao quanh Người. Lúc bấy giờ số lượng các vị khất sĩ đã tăng lên gần năm trăm vị, trong đó có các vị từ địa phương khác tới, Bụt nói:

- Này các vị khất sĩ! Nếu vị nào con thắc mắc điều gì về giáo pháp thì đây là lúc nên hỏi Như Lai. Đừng để dịp này trôi qua về sau lại hối hận rằng: “Hôm ấy tôi được diện kiến Bụt vậy mà tôi quên không hỏi ...”

Bụt lặp lại câu nói của Người tới ba lần, vẫn không có vị khất sĩ nào lên tiếng.

Đại đức Ananda nói:

- Bạch đức Thế Tôn, thật là vi diệu! Con có đức tin nơi giáo đoàn khất sĩ, con có đức tin nơi Tăng đoàn, ai cũng thấy được những lời Thế Tôn nói và giáo pháp của Thế Tôn dạy sáng tỏ như ban ngày, và không ai còn có thắc mắc nghi ngờ gì nữa về giáo pháp ấy và về con đường thực hiện.

Bụt nói:

- Ananda, đó là thầy nói từ niềm tin của thầy, Như Lai thì thấy bằng cái thấy trực tiếp của Như Lai, Như Lai thấy trong đại chúng khất sĩ ở đây ai cũng có đức tin vững vàng nơi Tam Bảo, và trình độ thấp kém nhất trong số các các vị cũng đã là quả vị nhập lưu.

Bụt đưa mắt im lặng nhìn đại chúng, rồi Người nói:

- Này các vị khất sĩ, hãy nghe Như lai nói đây: “Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt, các vị hãy tinh tấn lên để đạt tới giải thoát”.

Nói xong, Bụt nhắm mắt. Đó là lời nói sau cùng của Người.

Bỗng nhiên đại địa rung động, hoa sala rụng xuống như mưa, mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Ai cũng biết là Bụt đã nhập Niết bàn.

(Đọc tới đây xin độc giả tạm ngưng và thở thật nhẹ vài ba phút rồi hãy đọc tiếp).

Bụt đã diệt độ. Một số các vị khất sĩ giang hai tay lên, nằm bò ra đất và khóc thương thảm thiết. Họ rên rỉ:

- Bụt đã nhập Niết bàn! Thế Tôn đã diệt độ! Con mắt của thế gian không còn nữa! Chúng ta biết nương tựa vào đâu?

Trong khi những vị khất sĩ này lăn lộn và khóc than như thế thì một số các vị khất sĩ khác ngồi bất động, theo dõi hơi thở và quán chiếu về những điều Bụt dạy. Đại đức Anuruddha lên tiếng:

- Này các huynh đệ! Các huynh đệ đừng khóc thương thảm sầu như thế! Đức Thế Tôn đã dạy có sinh thì có diệt, có thành thì có hoại, có hợp thì có tan. Nếu các huynh đệ hiểu và vâng theo lời đức Thế Tôn, thì xin các huynh đệ đừng làm náo loạn. Xin trở về chỗ ngồi của mình, và xin im lặng, theo dõi hơi thở. Hãy tôn trọng sự tĩnh lặng của giây phút này.

Mọi người trở về chỗ ngồi theo lời chỉ dạy của đại đức Anuruddha. Đại đức hướng dẫn đại chúng khất sĩ đọc lên những đoạn pháp mà đa số đã thuộc lòng, những đoạn nói về vô thường, vô ngã, buông bỏ và giải thoát. Không khí trở lại trang nghiêm như cũ.

Những cây đuốc đã được dân chúng trong bộ tộc Malla thắp lên, bập bùng tỏa chiếu ánh sáng trên khung cảnh huyền diệu.

Sau thời tĩnh mặc, đại đức Anuruddha bắt đầu nói pháp thoại. Pháp thoại của đại đức ca ngợi công hạnh của Bụt, ca ngợi trí tuệ của Bụt và đức đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả của Người. Đại đức Anuruddha nói xong thì đến lượt đại đức Ananda lên tiếng. Đại đức kể lại những kỷ niệm đẹp đẽ đã trôi qua ra giữa Bụt và đại đức trong suốt trên bốn mươi năm trời. Suốt đêm, hai đại đức thay nhau nói pháp thoại. Đại chúng năm trăm vị khất sĩ và ba trăm vị cư sĩ đều ngồi im lặng lắng nghe. Những cây đuốc gần tàn đã được nối tiếp bằng những cây đuốc khác. Cứ như thế cho đến khi trời sáng.


20 thg 3, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần cuối - Chương 79)

Thích Nhất Hạnh

Phần cuối

Niết bàn tịch tĩnh.

Chương 79

Nấm chiên đàn.

Một hôm, đại đức Ananda tới gần Bụt, ngồi xuống bên Người và bạch nhỏ:

- Thưa Thế Tôn, bốn mươi năm nay con chưa từng thấy Người ốm đau nặng như kỳ rồi. Hôm Thế Tôn bệnh nặng, con cảm thấy bủn rủn cả chân tay. Đầu óc của con lúc ấy không được sáng suốt và con không thấy được sự việc một cách rõ ràng. Hôm đó ai cũng nghĩ rằng Thế Tôn sẽ không qua khỏi, nhưng con tự hỏi: Đức Thế Tôn chưa dặn dò gì cho giáo đoàn khất sĩ thì Thế Tôn chưa nhập Niết Bàn đâu. Nhờ nghĩ như vậy mà con không đến nỗi nào.

Bụt nói:

- Này Ananda, giáo đoàn khất sĩ còn chờ đợi gì ở Như Lai ? Chánh pháp đã được Như Lai giảng bày cặn kẽ cho mọi người, có điều gì mà Như Lai chưa giảng dạy cho quý vị đâu? Ananda, chỗ nương tựa của giáo đoàn là chánh pháp; các vị đừng đi tìm một chỗ nương tựa bên ngoài nào khác nữa. Mỗi người phải lấy chánh pháp làm nơi nương tựa, phải sống theo chánh pháp; mỗi người phải là một ngọn đuốc soi sáng cho chính mình. Ananda, Tam Bảo đã có sẵn trong mỗi người: khả năng giác ngộ là Bụt, pháp môn tu học là Pháp, những yếu tố hỗ trợ cho sự tu tập là Tăng. Không ai lấy đi Tam Bảo ra khỏi tự thân quí vị được, dù đất trời có nghiêng ngã, tự tính Tam Bảo nơi nỗi người vẫn còn nguyên vẹn. Đó là nơi nương tựa an ổn nhất của mỗi người. Vị khất sĩ trở về an trú trong chánh niệm, quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý, đó là vị khất sĩ đang thắp sáng ngọn đuốc cho chính mình, đang có nơi nương tựa vững chãi nhất. Một người nào khác, dù là giáo chủ, dù là trưởng thượng, dù là thầy mình, cũng vẫn không phải là chỗ nương tựa vững bền hơn chánh niệm, hơn tự tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.

Vào cuối mùa an cư, sức khỏe của Bụt đã được hồi phục. Một buổi sáng, chú tiểu Cunda, vị thị giả của đại đức Sariputta tìm tới tịnh thất của đại đức Ananda, chú báo tin thầy của chú, đại đức Sariputta đã viên tịch tại Nala, rồi chú trình lên đại đức áo cà sa, bình bát và xá lợi của đại đức Sariputta, rồi chú ôm mặt khóc. Đại đức Ananda cũng rưng rưng. Cunda kể là đại đức Sariputta đã về đến Nala thăm mẹ và đã chăm sóc bà cho đến khi bà lâm chung. Làm lễ trà tỳ mẹ xong, đại đức triệu tập người thân thuộc và dân cư trong vùng lại, giảng giải pháp cho họ nghe, làm lễ quy y cho họ và dặn dò hành trì theo chánh pháp, rồi đêm đó đại đức ngồi lại trong tư thế kiết già và nhập diệt. Trước đó, đại đức đã dặn Cunda rằng sau khi đại đức tịch thì chú phải đem y bát và xá lợi của đại đức về trình Bụt và xin Bụt cho đi theo Người. Đại đức có nói là ngài muốn nhập diệt trước ngày đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.

Đại đức Ananda lau nước mắt đứng dậy và cùng chú tiểu Cunda đi gặp Bụt, đem theo cà sa, bình bát và xá lợi của đại đức Sariputta.

Bụt lặng yên nhìn kỷ vật còn lại của vị đại đệ tử. Người không nói gì trong một lúc lâu, rồi Người xoa đầu chú Cunda.

Đại đức Ananda lên tiếng:

- Lạy Bụt, khi con nghe tin sư huynh đã viên tịch, con thấy bủn rủn cả chân tay và đầu óc con mất hết sáng suốt, con buồn quá.

Bụt nhìn đại đức Ananda:

- Này Ananda, sư huynh của thầy khi nhập diệt có đem đi theo tất cả giới, định, tuệ và sự giải thoát của thầy đâu?

Đại đức Ananda trần tình:

- Không phải như thế, bạch đức Thế Tôn, con nghĩ đến sư huynh con lúc sống đã phục vụ chánh pháp đắc lực như thế nào, để nâng đỡ chúng con như thế nào, đã dạy dỗ, hướng dẫn, khích lệ chúng con như thế nào, bây giờ đây sư huynh không còn ở bên với chúng con nữa, không có hai sư huynh Sariputta và Moggallana, chúng con thấy giáo đoàn trống vắng một cách lạ kỳ. Các sư huynh không còn đó để hướng dẫn cho chúng con và chống đỡ cho giáo đoàn, chúng con cảm thấy bơ vơ quá.

Bụt dạy:

- Ananda, Như Lai đã nhiều lần nhắc thầy rằng có sinh thì có diệt, có hội ngộ thì có phân ly. Các pháp hữu vi là thế đó, cho nên ta đừng nên mắc kẹt vào các pháp này. Hãy vượt thoát lên khỏi thế giới của sinh diệt và của tụ tán. Ananda, Sariputta là một cành cây lớn đã làm xong bổn phận nuôi dưỡng một thân cây. Cành cây hiện có mặt trong thân cây. Thân cây ấy là giáo đoàn khất sĩ đang tu tập theo giáo pháp giác ngộ. Nếu thầy mở mắt ra mà nhìn, thầy sẽ thấy Sariputta trong thầy, trong Như Lai, trong giáo đoàn khất sĩ, trong những người được Sariputta giáo hóa, trong chú tiểu Cunda, và thầy sẽ thấy Sariputta một nơi. Đừng nghĩ là Sariputta không còn nữa, Sariputta vẫn sẽ còn mãi với chúng ta.

Này Ananda, Sariputta là một vị bồ tát, nghĩa là một người đã giác ngộ và đã biết đem trí tuệ và tình thương của mình đi vào cuộc đời để hóa độ cho những người khác, đưa họ cùng về bến bờ giác ngộ. Trong giáo đoàn khất sĩ, Sariputta đã từng được ca ngợi như người có trí tuệ lớn, và vì thế, Sariputta sẽ được các thế hệ tương lai tưởng niệm tới như một vị bồ tát đại trí.

Ananda, trong giáo đoàn khất sĩ còn có nhiều vị bồ tát nữa đã có mặt trong cuộc đời để hóa độ và những vị này cũng có hạnh nguyện lớn như Sariputta, khất sĩ Punna, nữ khất sĩ Yasodhara, nam cư sĩ Sudatta đều là những người có lòng từ bi lớn và hạnh nguyện sâu dày, luôn luôn dấn thân vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh, không ngại gian khổ và khó khăn. Đó chính là những vị bồ tát đại bi. Nữ khất sĩ Yasodhara và cư sĩ Sudatta đã viên tịch, nhưng đại đức Punna vẫn còn mãi trong hàng ngũ những vị bồ tát đang tinh tiến và dũng mãnh trên con đường hóa độ. Như lai nhớ tới đại đức Moggallana, đó là một vị bồ tát đại dũng, chí khí và can trường rất lớn, ít ai bì kịp, đại đức Mahakassapa với nếp sống đơn giản và lành mạnh là một vị bồ tát tượng trưng cho hạnh tri túc. Đại đức Anurudha là một vị bồ tát tượng trưng cho hạnh tinh tiến.

Ananda, nếu các thế hệ tương lai biết học hỏi và tu tập đạo lý giải thoát, thì các vị bồ tát như thế sẽ tiếp tục xuất hiện trong đời để tiếp nối ngọn đuốc chánh pháp và soi sáng thế gian. Ananda, tin vào Bụt, tin vào Pháp và tin vào Tăng, tức là tin tưởng ở tương lai giáo đoàn. Trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những vị bồ tát nữa có thể sánh ngang tầm vóc lớn như Sariputta, Moggallana, Punna, Anurudha, Yasodhara, Anathapindika ... Ananda, thầy không nên buồn về việc sư huynh Sariputta viên tịch.

Trưa hôm ấy trên bờ sông Ganga, bên thôn Ukkhacela, Bụt trầm tĩnh báo tin viên tịch của đại đức Sariputta cho đại chúng các vị khất sĩ. Bụt khuyên đại chúng nên nổ lực để mỗi người có thể trở thành Sariputta, mỗi người có thể mang khả năng và đại nguyện của Sariputta trên đường tu tập và hành hóa, Bụt dạy:

- Này các vị khất sĩ! Các vị hãy nương tựa vào chính mình, hãy tự mình làm một ngọn đuốc cho chính mình, đừng nương tựa vào cái gì khác, đừng nương tựa vào ai khác, như vậy các vị mới không bị đắm chìm bởi những đợt sóng của khổ đau, của thất vọng, của tham dục. Các vị, hãy lấy giáo pháp làm nơi sinh sống, làm chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào thứ gì khác ngoài chính mình.

Này các vị khất sĩ! Các vị hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đuốc.

Một buổi sáng, Bụt cùng đại đức Ananda đi vào thành Vesali khất thực. Sau khi ra thọ trai ở một cụm rừng, Bụt nói:

- Ananda, chúng ta hãy về đền Capala để nghỉ trưa.

Trên đường đi, Bụt dừng lại nhiều lần để nhìn phong cảnh và mây nước, Bụt nói:

- Ananda, Vesali thật là đẹp, đền Udena cũng đẹp. Các ngôi đền khác trong vùng như Gotamaka, Sattanbaka và Bahuputta cũng đều là những ngôi đền đẹp. Đền Capala mà ta sắp đến để nghỉ ngơi cũng đẹp lắm.

Sau khi sắp đặt chỗ nghỉ cho Bụt, đại đức Ananda đi ra phía ngoài để thiền hành. Trong khi đi thiền hành, đại đức thấy đại địa rung động dữ dội và tâm thần của thầy cũng bị chấn động theo. Đại đức tìm về đền Capala và thấy Bụt đang ngồi yên tĩnh trong đền. Đại đức Ananda trình lên Người về hiện tượng động đất xảy ra, Bụt nói:

- Ananda, Như Lai đã quyết định rồi, trong ba tháng nữa, Như Lai sẽ diệt độ.

Đại đức Ananda cảm thấy tay chân bủn rủn, mắt hoa, đầu choáng. Đại đức quỳ sụp xuống trước Bụt, rơi lệ và van xin:

- Xin đức Thế Tôn đừng diệt độ sớm như thế. Xin đức Thế Tôn thương xót chúng con.

Bụt im lặng, thầy Ananda lặp lại lời thỉnh cầu tới lần thứ ba, Bụt nói:

- Ananda, nếu thầy có đức tin nơi Như Lai, thì thầy nên biết rằng những quyết định của Như Lai là quyết định hợp với thời gian và hợp cơ duyên. Như Lai nói là sẽ diệt độ trong ba tháng nữa. Ananda, thầy hãy cho mời tất cả các vị khất sĩ trong vùng về quy tụ tại giảng đường Kutagara ở rừng Đại Lâm.

Bảy hôm sau, trên một ngàn năm trăm vị khất sĩ và nữ khất sĩ tụ tập tại giảng đường Trùng Các, Bụt ngồi trên pháp tọa. Người đưa mắt nhìn đại chúng, rồi Người nói:

- Này các vị khất sĩ! Những gì mà Như Lai đã thực chứng và đã trao truyền lại cho quý vị, quý vị hãy trân trọng và khéo léo mà học hỏi và giữ gìn, tu tập, chứng nghiệm và truyền đạt lại cho những thế hệ về sau. Nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì an lạc và hạnh phúc của mọi người và mọi loài.

Các vị khất sĩ! Những giáo pháp mà Như Lai đã truyền đạt lại tuy nhiều nhưng có thể được tóm tắt trong các pháp môn Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề và Bát chánh đạo. Các vị phải khéo léo học hỏi, tu tập, thực chứng và truyền đạt lại những pháp môn ấy. 

Này các vị! Tất cả các pháp đều vô thường, có sinh, có diệt, có tụ, có tán. Các vị hãy tinh tấn lên để mà đạt tới giải thoát. Ba tháng nữa, Như Lai sẽ diệt độ.

Hơn một ngàn năm trăm vị khất sĩ im lặng nghe Bụt nói, uống những ngụm suối nguồn trong mát trực tiếp từ giáo pháp của Bụt. Họ biết đây là cơ hội cuối cùng để được thấy Bụt và nghe Bụt giảng pháp. Bụt nói sẽ diệt độ, ai nấy đều đau lòng.

Sáng hôm sau, Bụt đi vào Vesali khất thực. Khất thực xong, Bụt ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Sau đó Bụt cùng các vị khất sĩ rời thành Vesali.

Ngước nhìn lại thành Vesali với đôi mắt của một con voi chúa, Bụt nói với đại đức Ananda:

- Này Ananda, Vesali thật đẹp. Đây là lần cuốì Như Lai nhìn thành phố này.

Và Bụt hướng tới phía trước. Người nói:

- Bây giờ, chúng ta hãy đi về Bhandagama.

Chiều hôm ấy tại Bhandagama, Bụt thuyết pháp cho trên ba trăm vị khất sĩ về giới, định, tuệ và giải thoát.

Sau mấy hôm nghỉ ngơi và thăm viếng, Bụt rời Bhandagama và đi Matthigama, rồi Bụt đi Ambagama, Jambugama. Nơi nào Bụt cũng thăm viếng và thuyết pháp cho các vị khất sĩ.

Rồi Người cùng các vị khất sĩ đi Bhoganagara. Tại đây, Bụt nghỉ ở đền Ananda. Các vị khất sĩ địa phương tới thăm Bụt rất đông. Trong thời gian thăm viếng ở đây, Bụt có dặn dò các vị khất sĩ về sự cần thiết và phương pháp kiểm chứng những điều nghe được về giáo pháp, Bụt dạy:

- Khi nghe một ai nói về giáo pháp, dù người nói cho biết là đã trực tiếp nghe từ những vị đạo cao đức trọng và có uy quyền, các vị cũng không nên vội cho ngay đó là giới luật và giáo pháp đích thực của Như Lai giảng dạy. Các vị phải so sánh những lời ấy với pháp thoại mà Như Lai truyền lại. Nếu những lời ấy trái với đạo lý giải thoát thì các vị nên bác bỏ, còn nếu những lời ấy phù hợp với giáo lý giải thoát thì các vị hãy chấp nhận và thực hành theo.

Sau đó, Bụt đi Pava. Tại Pava, Người nghỉ ngơi trong vườn xoài của nam cư sĩ Cunda, con của một người thợ rèn. Được nghe Bụt thuyết pháp, Cunda rất lấy làm sung sướng. Chàng thỉnh Bụt và các vị khất sĩ ngày mai đến nhà chàng thọ trai.

Các vị khất sĩ đi theo rất đông, có đến ba trăm vị. Trong khi người nhà và bạn bè dâng thức ăn vào bát của các vị khất sĩ, Cunda tới trước Bụt và dâng lên Người một món ăn đặc biệt đã được làm riêng cho Bụt. Đó là nấm chiên đàn - Sukara maddava.

Sau khi thọ trai xong, Bụt gọi Cunda và nhẹ nhàng bảo chàng:

- Cunda, chỗ còn lại của món nấm chiên đàn này, con nên đào đất mà chôn đi, đừng để ai ăn nữa.

Sau khi mọi người đã thọ trai xong, Bụt thuyết pháp cho gia đình Cunda. Thuyết pháp xong, Bụt và các vị khất sĩ trở về vườn xoài nghỉ ngơi.

Tối hôm ấy, một cơn đau bụng dữ dội nổi lên làm Bụt đau đớn vô cùng. Người cố gắng chịu đau. Suốt đêm Người không ngủ. Sáng hôm sau, Người bảo các vị khất sĩ lên đường thật sớm, hướng về Kusinara.

Giữa đường, cơn đau bụng lại nổi lên dữ dội. Người dừng lại và tới ngồi nghỉ dưới một cội cây. Đại đức Ananda lấy áo sanghati của Bụt xếp lại thành tư và trải xuống gốc cây để Bụt ngồi nghỉ. Bụt bảo Ananda đi kiếm cho Bụt ít nước để uống vì Người thấy khát.

Đại đức Ananda nói:

- Lạy Bụt, nước rạch ở đây đục lắm vì có một đoàn xe bò cả mấy trăm chiếc vừa đi qua. Xin Bụt đợi đến khi mình tới sông Kakutha, nước ở đó trong mà ngọt lắm con sẽ lấy để Bụt uống và rửa mặt cho mát.

Bụt bảo:

- Như Lai khát lắm rồi, thầy cứ đi lấy nước ở đây đi.

Đại đức Ananda vâng lời. Lạ quá, khi đại đức mang vò xuống tới con rạch thì nước rạch đã trở lại trong vắt.

Uống nước xong, Bụt ngồi nghỉ. Các đại đức Anuruddha và Ananda ngồi cạnh bên Người. Ba trăm vị khất sĩ cũng ngồi nghỉ ngơi gần đó, có nhiều vị ngồi vây quanh Bụt. Lúc ấy có một người bộ hành đi từ Kusinara tới. Thấy Bụt ngồi giữa các vị khất sĩ, ông ta tới khấu đầu đãnh lễ. Người này tên là Pukkusa thuộc bộ tộc Malla, và ngày xưa cũng đã từng là đệ tử của đạo sĩ Alara Kalama, vị đạo sĩ mà vị sa môn trẻ Siddhatta đã từng đến thọ giáo. Pukkusa đã nghe nói đến Bụt. Sau khi lạy Bụt, ông dâng lên Bụt hai tấm y mới để Bụt dùng. Bụt nhận một tấm và bảo Pukkusa cúng dường tấm kia cho đại đức Ananda.

Sau đó, Pukkusa xin được làm đệ tử Bụt. Bụt dạy đạo lý cho ông; Pukkusa sung sướng cảm tạ rồi từ giã Người.

Thấy y của Bụt đang mặc đã lấm bùn, đại đức Ananda thay y mới cho Người. Sau đó, Bụt và các vị khất sĩ cùng đứng dậy và đi về phía Kusinara.

Đến bờ sông Kakuttha, Bụt đi xuống sông để tắm và uống nước. Tắm và uống nước xong, Bụt lên bờ, đi về một vườn xoài gần đó. Người bảo khất sĩ Cundaka xếp áo và trải xuống đất cho Người nằm. Khất sĩ Cundaka ngồi hầu bên cạnh.

Bụt gọi đại đức Ananda:

- Ananda, bữa cơm sáng ngay tại nhà của cư sĩ Cunda là bữa cơm cuối cùng của Như Lai. Sau này có thể có người làm cho Cunda bị mặc cảm là đã cúng dường bữa ăn cuối cùng cho Như Lai. Vậy thầy nên tìm dịp nói cho Cunda biết là những bữa cơm mà Như Lai nhớ mãi là bữa cơm Như Lai thọ nhận trước khi thành đạo và bữa cơm Như Lai thọ nhận trước khi nhập Niết bàn. Người cúng dường một trong hai bữa cơm ấy phải nên vui mới đúng.

Sau khi nghỉ ngơi một lát. Người nói:

- Ananda, chúng ta hãy đi qua bên kia sông Hirannavati để vào rừng cây sala của bộ tộc Malla. Rừng cây này rất đẹp, nó nằm ở chỗ ngã rẽ đi vào thành phố Kusinara.


19 thg 3, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần 12 - Chương 78)

Thích Nhất Hạnh

Chương 78

Hai ngàn chiếc áo vàng trên núi Linh Thứu.

Một buổi chiều nọ, khi Bụt đang đi thiền hành bên triền núi, có hai người võng đại đức Devadatta lên. Đại đức Devadatta ốm nặng đã mấy năm nay. Đại đức muốn thấy mặt Bụt trước khi qua đời. Hai người đang khiêng đại đức là hai người trong số sáu người đệ tử còn sót lại. Trong thời gian bạo bệnh trên núi Gayasisa, không mấy ai đến thăm hỏi đại đức, kể cả những người đã ủng hộ đại đức tích cực nhất trong suốt thời gian qua. Suốt thời gian ấy, đại đức đã có nhiều cơ hội nghĩ lại về những đắc thất và về giá trị của hành động mình.

Được báo là có đại đức Devadatta lên và xin được gặp, Bụt liền trở về tịnh thất. Đại đức yếu lắm, không ngồi dậy được. Đại đức cũng không nói được nhiều, đại đức chỉ nhìn Bụt, cố gắng chắp tay lại: “Con về nương tựa Bụt", đại đức cố gắng lắm mới nói được những tiếng đó.

Bụt gật đầu để tay lên trán Devadatta và an ủi đại đức.

Chiều hôm ấy đại đức qua đời. Bây giờ là mùa nắng, trời trong xanh, Bụt đang sắp sửa đi du hành thì có sứ giả của vua Ajatasattu tới. Sứ giả là quan đại thần Vassakara, một người thuộc giai cấp Bà la môn. Ông được lệnh vua tới đảnh lễ Bụt và cho Bụt biết chủ định của vua và triều thần muốn cử binh đi chinh phạt nước Vajji ở phía Bắc sông Hằng. Vua muốn được nghe phản ứng của Bụt và đã dặn vị đại thần ghi nhớ tất cả những gì Bụt nói về vấn đề này.

Trong khi Bụt tiếp quan đại thần Vassakara, đại đức Ananda đứng sau lưng Bụt và quạt cho Người. Bụt xoay lại hỏi thầy:

- Này đại đức Ananda, thầy có nghe dân chúng Vajji thường hay hội họp đông đảo để bàn bạc chính sự không?

Đại đức Ananda đáp:

- Thế Tôn, con nghe nói dân Vajji rất chuyên cần hội họp và hội họp rất đông đảo để đàm luận về chính sự.

- Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có biết khi họ hội họp với nhau, họ có bày tỏ sự đoàn kết và có một lòng một dạ với nhau không?

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất hòa hợp và đoàn kết với nhau.

- Vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn rất cường thịnh. Ananda, dân Vajji có tôn trọng và có sống đúng theo những pháp chế đã được ban hành không?

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất tôn trọng những pháp chế đã được ban hành.

- Vậy thì chắc chắn nước Vajjvẫn còn cường thịnh. Ananda, dân Vajji có còn biết tôn trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ không?

- Thế Tôn, con nghe họ rất biết tôn trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ.

- Vậy thì nước họ vẫn còn cường thịnh. Đại đức Ananda, thầy có nghe trong xứ của họ có những vụ bạo động, trộm cướp, giết người và hãm hiếp không?

- Bạch Thế Tôn, những vụ bạo động, trộm cướp, giết người và hãm hiếp ít bao giờ xảy ra ở xứ họ.

- Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có nghe dân Vajji còn biết bảo vệ tông miếu của tổ tiên họ không?

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ vẫn còn biết bảo vệ tông miếu của tổ tiên họ.

- Vậy thì Ananda, nước Vajjia vẫn còn cường thịnh. Thầy có nghe là dân Vajji biết tôn kính, cúng dường và chịu học hỏi theo các hàng tu sĩ đạt đạo không?

- Bạch Thế Tôn, cho đến ngày nay họ vẫn rất tôn kính, cúng dường, và học hỏi với các vị tu sĩ đạt đạo.

- Ananda, vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy đồi, Ananda, ngày xưa Như Lai đã từng có dịp chỉ dạy cho giới lãnh đạo ở Vajji về bảy yếu tố giữ gìn cho quốc gia không suy thoái, gọi là thất bất thoái pháp. Đó là chuyên cần hội họp, hòa hợp và đoàn kết, tôn trọng pháp chế đã ban hành, tôn trọng và nghe lời các bậc tôn trưởng, không bạo động, cướp giết và hiếp đáp, biết bảo vệ tông miếu tổ tiên và tôn kính các các bậc đạo hạnh. Ananda, thì ra họ vẫn còn thi hành bảy phép bất thoái ấy, Như Lai tin rằng quốc gia Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy nhược, và do đó Như Lai nghĩ rằng nước Magadha không thể đánh chiếm được nước họ.

Đại thần Vassakara bạch:

- Bạch Thế Tôn, dân Vajji chỉ cần thực hành một trong bảy phép đó thì cũng đủ làm cho nước họ cường thịnh rồi, huống hồ là họ thực hành cả bảy phép. Thế Tôn, con nghĩ vua Ajatasattu không thể thắng được dân Vajji bằng sức mạnh vũ lực đâu. Vua chỉ thắng họ nếu vua có thể chia rẽ trong giới lãnh đạo của họ. Thế Tôn, con xin cảm tạ Người, con phải về lo công việc.

Sau khi đại thần Vassakara từ giã, Bụt than thở với Ananda:

- Vị đại thần này có nhiều mưu chước. Như Lai biết rằng vua Ajatasattu sẽ cử binh đánh chiếm nước Vajji.

Chiều hôm ấy, Bụt nhờ đại đức Ananda đi triệu tập tất cả các vị khất sĩ có mặt ở thủ đô Rajagaha và trong các vùng phụ cận về núi Thứu.

Chỉ trong vòng bảy hôm các vị khất sĩ và nữ khất sĩ trong vùng đã quy tụ về đầy đủ. Gần hai ngàn vị đã về tới, màu áo cà sa làm vàng rực cả năm ngọn đồi của Linh Thứu sơn. Đến giờ đại hội, tất cả đều quy tụ về sân trước của giảng đường.

Đại chúng được triệu tập đông đủ, Bụt từ tịnh thất thong thả đi xuống. Người bước lên pháp tọa cao. Đưa mắt nhìn đại chúng, Bụt mỉm cười và nói:

- Các vị khất sĩ! Như Lai sẽ chỉ dạy cho các vị bảy phương pháp để giữ gìn cho chánh pháp và giáo đoàn không bị suy thoái. Các vị hãy lắng nghe.

Thứ nhất là các vị nên thường xuyên gặp mặt nhau trong những buổi hội họp đông đủ để học hỏi và luận bàn về chánh pháp. Thứ hai là các vị tới với nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết, và chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết. Thứ ba là cùng tôn trọng và sống theo giới luật và pháp chế một khi những những giới luật và pháp chế ấy đã được ban hành. Thứ tư là biết tôn trọng và vâng lời các bậc trưởng lão có đạo đức và kinh nghiệm trong giáo đoàn. Thứ năm là sống một nếp sống thanh đạm và giản dị, đừng để bị lôi cuốn vào tham dục. Thứ sáu là biết quý đời sống tĩnh mặc. Thứ bảy là biết an trú trong chánh niệm để thực hiện an lạc và giải thoát, làm chỗ nương tựa cho các bạn đồng tu.

Này các vị khất sĩ! Chừng nào mà các vị còn thực hành được bảy điều ấy, gọi là bảy phép bất thối, thì đạo pháp còn hưng thịnh và giáo đoàn không bị suy thoái. Không một yếu tố nào bên ngoài có thể phá hoại được giáo đoàn. Chỉ có những phần tử bên trong giáo đoàn mới có thể làm cho giáo đoàn tan rã mà thôi. Các vị khất sĩ! Khi con sư tử chúa ở chốn sơn lâm ngã qụy, không có một loài nào dám đến ăn thịt nó. Chỉ có những con trùng phát sinh từ bên trong thân thể của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi. Các vị hãy bảo vệ chánh pháp bằng cách sống theo bảy phép bất thối, đừng bao giờ tự biến mình thành những con trùng trong thân thể của con sư tử.

Sau khi đã chỉ dạy những vị khất sĩ về bảy phép bất thối, Bụt dặn các vị khất sĩ đừng nên phí bỏ thời giờ quý báu của mình để la cà nói chuyện phiếm, để ngủ vùi, đừng đánh mất mình trong danh lợi và tham dục, đừng thân cận với những người xấu ác và biếng lười, đừng tự mãn với những kiến thức và những trình độ chứng đắc thấp kém.

Bụt nhắc lại giáo lý bảy yếu tố giác ngộ như con đường mà mỗi vị khất sĩ phải đi: yếu tố chánh niệm, yếu tố quán chiếu vạn pháp, yếu tố tinh tấn, yếu tố hoan hỷ, yếu tố an nhiên, yếu tố định lực và yếu tố hành xả.

Bụt lại chỉ dạy về các phép quán vô thường, vô ngã, bất tịnh, buông bỏ, xa lìa tham dục và giải thoát.

Hai ngàn vị khất sĩ được sống với Bụt trên núi Linh Thứu được mười hôm. Họ cư trú khắp nơi trên năm ngọn đồi, nơi cội cây, hang đá, am thất, khe suối ... Mỗi ngày các vị tụ tập một lần tại sân giảng đường để nghe Bụt giảng dạy. Thính chúng ngồi thành nhiều bậc bởi vì sân không đủ rộng để chứa đủ số người. Qua ngày thứ mười, Bụt từ giã các vị khất sĩ và khuyên họ xuống núi và trở về trú sở để hành đạo. Chỉ có các vị thường trú ở Linh Thứu là còn ở lại mà thôi.

Các vị khất sĩ xuống núi rồi, Bụt giã từ thủ đô Rajagaha, Người hướng về Ambalatthika. Ambalatthika là khu lâm viên nghỉ mát của vua Bimbisara, nơi Bụt và các vị khất sĩ thường ghé lại trên đường đi Nalanda. Hai thầy trò Sariputta và Rahula ngày xưa đã từng cư trú tại đây. Tại Ambalatthika, Bụt thăm viếng các vị khất sĩ, Bụt dạy cho họ thêm về giới, định và tuệ.

Rời Ambalatthika, Bụt đi Nalanda. Đoàn khất sĩ đi theo Bụt có chừng một trăm vị. Các đại đức Ananda, Sariputta, và Anurudha đi cạnh bên Người. Tới Nalanda, Bụt nghỉ ở vườn xoài Pavarika.

Sáng ngày hôm sau, đại đức Sariputta tới ngồi bên Bụt một hồi lâu, không nói gì.

Sau đó, đại đức mở lời:

- Bạch Thế Tôn, con thiết nghĩ trong quá khứ, trong hiện tại, và trong cả tương lai, không có một vị đạo sư hay Bà la môn nào mà trí tuệ và sự chứng đắc siêu việt hơn Thế Tôn.

Bụt nói:

- Sariputta, thầy đã gặp và đã biết tất cả các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai chưa mà dám nói như thế?

- Bạch Thế Tôn, con chưa gặp được tất cả các bậc giác ngộ trong ba thời, nhưng có một điều con biết chắc. Con sống thân cận với Thế Tôn đã trên bốn mươi năm. Không những con được nghe Thế Tôn dạy dỗ mà con còn được thấy Thế Tôn sống. Nhìn vào Thế Tôn, con biết là Thế Tôn sống thường trực trong tỉnh thức và chánh niệm. Sáu căn được Thế Tôn hộ trì một cách tuyệt đối. Không bao giờ có tỳ vết nhỏ của tham dục, oán giận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi trong sinh hoạt hàng ngày của Thế Tôn. Con nghĩ các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, khi đạt tới chánh trí thì trí tuệ và sự chứng đắc cũng chỉ bằng Thế Tôn thôi chứ làm sao cao hơn được.

Rời Nalanda, Bụt đi về Pataligama. Tới Pataligama, Bụt và các vị khất sĩ được rất nhiều giới cư sĩ đón tiếp và đưa về trú sở của họ. Tại đây, họ cúng dường cơm nước lên Bụt và các vị khất sĩ. Thọ trai xong, Bụt thuyết pháp.

Sáng hôm sau, trước khi Bụt lên đường, đại đức Sariputta đến từ giã Người. Đại đức được tin bà mẹ của đại đức đang bị ốm nặng, và đại đức muốn về thăm mẹ. Mẹ của đại đức năm nay đã trên một trăm tuổi, Bụt và các vị khất sĩ tiễn đại đức Sariputta về quê. Đại đức lạy Bụt ba lần và cùng với chú sa di Cunda đi ngược về miền Nam, hướng về Nala.

Lúc Bụt và đoàn khất sĩ ra tới cửa thành thì có hai vị đại thần xứ Magadha là Sunidha và Vassakara tới trình diện. Họ là những người được vua Ajatasattu phái tới nghiên cứu xây dựng đô thị Pataligama thành một đô thị lớn. Các vị đại thần bạch:

- Cổng thành mà Thế Tôn, và các vị khất sĩ sắp đi qua để rời khỏi thành phố, chúng con sẽ đặt tên là cổng Gotama. Chúng con cũng sẽ đi theo để tiễn đưa Bụt. Bến đò mà người và chư vị khất sĩ tới để vượt qua sông Hằng, chúng con cũng sẽ đặt tên là bến đò Gotama.

Sông Hằng nước dâng đầy cho đến nổi một con quạ đứng trên bờ sông có thể chúi mỏ xuống sông để uống nước được.

Năm chiếc đò ngang chở Bụt và các thầy sang sông một lượt. Ra đến giữa dòng, đại đức Ananda tìm lối bước tới gần Bụt và rón rén ngồi xuống bên Người, Bụt đang nhìn xuống nước. Đại đức Ananda đưa mắt nhìn dòng sông mêng mang rồi chuyển cái nhìn về bên kia bờ. Đại đức nhớ năm xưa, cách đây đã trên hai mươi lăm năm, có lần dân chúng Vesali đã kéo nhau ra tận bờ sông để đón Bụt, đông có đến mấy vạn người. Năm ấy tại Vesali, có dịch hạch lan tràn, người lớn và trẻ em chết như rạ. Những ông thầy thuốc giỏi nhất trong xứ đã chịu bó tay. Lễ đàn được thiết lập liên tiếp để cúng tế và cầu nguyện, nhưng cũng không đem lại hiệu quả nào. Cuối cùng dân chúng trong thành nghĩ đến việc đi cầu cứu với Bụt. Quan tổng trấn Tomara được chỉ định đích thân qua tận Rajagaha để thỉnh Bụt về Vesali, ước mong đạo hạnh của Người có thể chuyển đổi được tình trạng. Bụt đã nhận lời thỉnh cầu. Vua Bimbisara, hoàng hậu, các vị đại thần, và dân chúng đi tiễn Bụt tới tận bờ sông Hằng. Bên kia sông, dân chúng Vesali đã tụ tập đông nghịt. Họ thiết lập nghênh môn, lễ đài, treo cờ và kết hoa đầy cả bờ sông. Khi thuyền của Bụt qua tới, dân chúng reo hò vang dậy, nhã nhạc nổi lên vang lừng, Hôm đó đi phụ tá cho Bụt ngoài các vị đại đệ tử lớn còn có y sĩ Jivaka. Dân chúng đón tiếp Bụt như đón tiếp một vị cứu tinh của họ, Bụt vừa đặt chân lên đất liền thì sấm chớp bổng nổi dậy và trời đổ mưa xuống một trận rất lớn. Đây là trận mưa đầu tiên sau nhiều tháng ngày nắng cháy và hạn hán. Dân chúng mừng rỡ, nhảy múa, reo mừng, và ca hát ngay dưới cơn mưa. Cơn mưa đem lại sự mát mẻ và hy vọng cho cả xứ. Bụt và các vị khất sĩ đã được dân chúng đưa rước về trung tâm thành phố. Tại công viên, Bụt đã nói về Tam Bảo như ba viên ngọc quý, nơi nương tựa vững chãi của mỗi người. Sau đó Bụt và các đại đức được đưa về tu viện Trùng Các ở Mahavana. Kỳ đó, nhờ đức độ của Bụt và tài chữa trị của y sĩ Jivaka, dịch hạch đã từ từ được đẩy lui và cuối cùng mất dấu. Năm ấy Bụt đã lưu lại Vesali gần sáu tháng trước khi lên đường về Savatthi.

Qua bên kia sông, Bụt đi về Kotigama, các vị khất sĩ tại Kotigama đi đón Bụt rất đông. Tại đây, Bụt giảng dạy về Tứ diệu đế và Tam học giới, định, và tuệ. Sau khi cư trú một thời gian tại Kotigama với các vị khất sĩ. Bụt lại ra đi, hướng về Nadika, Bụt và các vị khất sĩ nghỉ lại tại một ngôi nhà xây bằng gạch gọi là Ginjakavasatha.

Tại Nadika, Bụt nhắc nhở đến những vị đệ tử của Người đã mệnh chung tại vùng này, trong đó có nữ khất sĩ Sundari Nanda, em gái của Người, các vị khất sĩ Salha và Nadika, nữ cư sĩ Sujata ngày xưa đã dâng sữa và thức ăn cho Bụt trước khi Người thành đạo, và các cư sĩ Kakudha, Bhada, Subhadda ... Bụt nói các vị khất sĩ này cùng khoảng năm mươi vị khác đã từng sinh sống trại đây đều đã chứng được những quả vị nhập lưu, nhất hoàn và bất hoàn. Nữ khất sĩ Nanda đã chứng quả nhất hoàn, hai vị khất sĩ đã đạt được quả vị La hán.

Bụt dạy:

- Người tu hành nào vững tin nơi Tam Bảo, nhìn vào tâm ý mình có thể biết được mình đã hòa quyện vào dòng giải thoát chưa, không cần hỏi đến một người khác.

Một hôm khác, Bụt lại dạy thêm cho các vị khất sĩ về giới, định, và tuệ. Thăm viếng và sách tấn đại chúng xong. Bụt cùng các vị khất sĩ lên đường đi Vesali. Tới Vesali, Bụt và đại chúng nghỉ tại vườn xoài của Ambapali. Ngày hôm sau, Bụt giảng cho đại chúng về phép quán niệm về bốn lãnh vực thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý.

Nghe nói Bụt đã về vườn xoài của mình, bà Ambapali rất sung sướng, liền vội tới thăm Người. Bà thỉnh Bụt và chư vị khất sĩ tới thọ trai ngày hôm sau. Lúc Bụt và các vị khất sĩ đã thọ trai xong, bà làm lễ dâng khu vườn cho giáo đoàn khất sĩ. Bà cũng xin được xuất gia.

Mấy hôm sau, Bụt lại giảng cho đại chúng nghe thêm về phép hành trì, giới, định và tuệ.

Sau khi đã thăm viếng Vesali, Bụt đi tới làng Beluvagamaka ở vùng ngoại ô thành phố. Mùa mưa đã đến, Bụt dự định an cư năm nay tại làng Beluva này. Đây là mùa an cư thứ bốn mươi lăm sau ngày Bụt thành đạo. Bụt nhắn với các vị khất sĩ trong vùng hãy tới an cư ở ven đô thành phố Vesali, tại những trung tâm có bạn bè, thân quyến đàn việt ủng hộ.

Giữa mùa an cư, Bụt bị ốm nặng, thân thể Người đau đớn vô cùng. Người nằm yên, không hề rên siết, giữ vững chánh niệm và hơi thở. Mọi người nghĩ rằng Bụt sẽ không qua khỏi cơn đau, nhưng không ngờ sau đó Bụt vượt thắng được, sức khỏe dần dần trở lại. Mười hôm sau, Bụt dậy được và ra khỏi phòng, ngồi xuống trên một chiếc ghế kê sát vào tường.


----- Hết Phần 12 -----

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...