11 thg 7, 2020

TRỞ VỀ CỘI NGUỒN - Chương 1

Ajahn Brahm & Eckhart Tolle

Trở Về Cội Nguồn được đặt tên bởi ý nghĩa sâu xa về nguồn gốc của vạn vật trong thế giới vật chất nói chung và con người nói riêng, nhằm mang lại cho ai đó nhận biết sâu hơn về bản chất chân thật của chính mình, mà rất lâu đã bỏ quên trong thế giới của Tên gọi và Hình tướng. 

Một khi đã biết rõ bản chất ấy, chúng ta sẽ biết cách trừ bỏ cơn gió ngược, tức những mong đợi và suy nghĩ sai lầm, thay vào đó đi theo con đường giác ngộ của Đức Phật. Tháo gỡ được những nút thắt trong đời sống, chúng ta buông bỏ dính mắc vào quá khứ và tương lai, vào bản thân và người khác, chúng ta sẽ có được sự tĩnh lặng và niềm an vui trong phút giây hiện tại.

Chân Tâm mạn phép trích xuất nội dung từ hai tác phẩm:

* Hạnh phúc đến từ sự biến mất (Ajahn Brahm),

* Khi im lắng cất lời (Eckhart Tolle).

Đây là hai tác phẩm mà Chân Tâm giản lược và tổng hợp nội dung nhằm gửi đến ai đó những ý nghĩa sâu xa, một tâm niệm mang đến cho cuộc đời những điều tốt đẹp và cho thế gian vật chất này được bình yên.

-----o0o-----

LỜI NÓI ĐẦU

Đừng đọc cuốn sách này nếu bạn muốn trở thành “ai đó”. Nó sẽ làm bạn thành không-ai-cả, người không có cái tôi.

Trở Về Cội Nguồn không nói cho bạn biết phải làm thế nào để giác ngộ, thay vào đó mô tả làm thế nào để buông bỏ và sự biến mất xảy ra dù bạn vẫn ở đó. Hơn thế nữa, không chỉ mọi cái “bên ngoài” biến mất, mà toàn bộ “bên trong”, tất cả những gì bạn gọi là cái tôi cũng biến mất. Và điều ấy mang lại nhiều niềm vui đến mức có thể nói nó thuần túy là phúc lạc.

Mục đích thực sự của việc tu tập (1) Phật giáo là xả bỏ mọi thứ, không phải để có thêm nhiều thứ, chẳng hạn thêm nhiều thành tựu để thể hiện với người khác. Khi chúng ta xả bỏ thứ gì đó, thật sự xả bỏ nó, nó biến mất. Mọi thiền giả tu tập chân chính đều là những người mất mát. Họ mất sự dính mắc. Bậc giác ngộ mất mọi thứ. Họ đích thực là những kẻ mất mát lớn. Nếu bạn hiểu đôi điều về sự mất mát đó, có thể bạn phát hiện ý nghĩa của sự tự do, và kết quả là bạn mất thứ gì đó, như tóc trên đầu mình chẳng hạn!

Ai cũng muốn cuộc sống diễn ra êm đẹp, nhưng mọi thứ  chẳng mấy khi như mong đợi. Dù là những va vấp trong cuộc sống hay khủng hoảng thực sự, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới của những sự kiện không mong muốn, mà không có một năng lực ý chí nào ngăn cản được.

Tuy vậy Trở Về Cội Nguồn có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn trong tu tập, bằng cách vun bồi sự vững chãi, khả năng trầm lắng ở tâm hồn, dù “bên ngoài” hay “bên trong” đang có những biến động gì đi nữa, bạn luôn có thể vượt qua những tình huống thử thách ấy, vượt lên trên những thói quen xưa cũ và tiếp xúc được với một chiều không gian yên tĩnh và an bình bên trong.

Cuốn sách còn giúp bạn khả năng lắng nghe sự tĩnh lặng, để có thể tìm ra lời giải cho những câu hỏi lớn mà bạn hằng thao thức.

- Tôi là ai? Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?

- Tại sao tôi có mặt trên cuộc đời này?

- Mục đích tối hậu của tôi là gì?

Tất cả những câu hỏi đó, dù lớn, dù nhỏ, đều rất quan trọng đối với chúng ta. Chỉ cần giữ cho lòng mình yên lắng. Khi có mặt, bạn có thể nghe những hồi đáp đến với bạn qua tiếng gió, tiếng mưa, tiếng thì thầm của biển cả... Chỉ cần bạn biết lắng nghe và thực hành điều đó, bạn sẽ có thể trải nghiệm trạng thái thanh tĩnh tự nhiên, khám phá niềm phúc lạc trong khoảnh khắc hiện tại.

Đây không phải là một cuốn sách mà bạn có thể đọc ngấu nghiến một mạch từ đầu đến cuối như tiểu thuyết, rồi cất lên kệ sách… cho bụi đóng. Hãy sống với nó. Tập thói quen dừng lại ở mỗi đoạn văn là một điều rất hữu ích và quan trọng cho bạn, hơn là cứ cố tiếp tục đọc cho qua, cho xong. Hãy cho phép những gì tôi nêu lên trong cuốn sách được thấm vào bạn, giúp bạn tỉnh thức để bước ra khỏi thói quen suy nghĩ, tư duy cũ kỹ lâu ngày, đã thành những rãnh mòn ở trong bạn.

Những giáo lý được đề cập ở đây, là tinh hoa của cuốn sách – những thứ không nằm trong giới hạn của ngôn từ mà tôi đang sử dụng. Những tinh hoa ấy vốn đang có mặt ở trong bạn. Đây là điều mà bạn cần ghi nhớ, và cảm nhận, khi bạn đọc những dòng chữ này.

Đồng thời những điều tôi viết ra đây như là một tiếng chuông gióng lên để cảnh giác tình trạng khẩn cấp về sự tha hóa của con người trong hoàn cảnh hiện nay: sự tỉnh thức ấy hiện đang là một nhu cầu thiết yếu của loài người, nếu nhân loại muốn tránh khỏi họa diệt vong.

------------------------

(1) tu tập: tự thân sửa đổi những thói quen không tốt đã từ lâu tích lũy hình thành lối sống của con người.


Chương 1

TIÊU TRỪ BẢN NGÃ ĐỂ ĐẠT ĐẾN PHÚC LẠC VÔ TẬN


Bài 1.  BỨC TRANH TOÀN CẢNH

Dù bạn đang ở đâu - trong tu viện, trong mọi nơi bạn đến, trên những con đường rợp bóng cây - lúc này lúc khác, bạn sẽ gặp các trục trặc, khó khăn. Đây chẳng qua là bản chất của cuộc sống. Vì vậy, khi có vấn đề về sức khỏe, hay vấn đề về máy móc, công việc, vấn đề về quan hệ con người và mọi thứ v.v... Bạn không nên nói: ”Hôm nay không ổn với tôi!”; thay vào đó, bạn nên nói: “Có gì đó đúng với tôi”. Bởi đơn giản là bản chất của mọi sự vật hiện tượng và kể cả bản thân bạn đôi lúc cũng xảy ra trục trặc, hỏng hóc. Cuộc sống tự nhiên là vậy. Dù có vật lộn, cố gắng làm cho cuộc sống diễn ra êm ả cho bản thân và người khác, chúng ta cũng không thể đảm bảo điều ấy xảy ra.

Mỗi khi bạn rơi vào đau buồn, bực tức hay khó khăn vướng mắc, hãy luôn nhớ tới một trong các ý nghĩa sâu xa của khổ: bạn đòi hỏi cuộc đời một thứ nó không thể cho bạn. Chúng ta đòi hỏi mọi chuyện hoàn hảo, mọi sắp đặt hoàn hảo, tất cả những gì chúng ta nỗ lực xây dựng, định hướng diễn ra hoàn hảo vào đúng lúc, đúng chỗ. Tất nhiên, đó là đòi hỏi một thứ không thể được. Đó không phải cách mà vũ trụ này vận hành. Nếu bạn đòi hỏi một thứ mà cuộc đời không thể trao cho bạn, thì bạn nên hiểu rằng mình đang đòi hỏi sự khổ.

Vậy nên thay vì bạn phản ứng chống đối tiêu cực, đau buồn, giận dữ v.v... bạn nên chấp nhận rằng thi thoảng mọi thứ sẽ không ổn.

Đôi lúc, khi thấu hiểu và đứng lùi lại khỏi mọi sự việc hằng ngày, chúng ta sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh. Chúng ta thấy không có gì không ổn với chính mình, không có gì là không ổn với đời. Chúng ta sẽ hiểu rằng, “không ổn” chẳng qua là điều tự nhiên của cuộc sống - đó cũng là điều Đức Phật nói tới trong chân lý cao quý đầu tiên về khổ (2). Bạn cố hết sức làm cho cuộc sống này ổn thỏa, làm cơ thể bạn, tâm trí bạn an ổn - nhưng rồi mọi thứ cứ không ổn.

(2) chân lý cao quý đầu tiên về khổ: Khi Đức Phật giác ngộ, đầu tiên Ngài đã thuyết giảng chân lý cao quý Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như  - Kinh Chuyển Pháp Luân.

-----o0o-----

Bài 2.  HIỂU RẰNG KHỔ LÀ ĐỘNG LỰC CHO TU TẬP

Sự suy ngẫm về khổ (dukkha), là một phần quan trọng của tu tập Phật giáo đích thực. Chúng ta biết rằng không nên cố gắng kiểm soát khổ; thay vào đó, hiểu nó bằng cách xem xét nguyên nhân của nó.

Hầu hết mọi người khi rơi vào khổ thường phạm sai lầm trốn chạy khỏi nó hoặc cố gắng thay đổi nó. Chúng ta đổ lỗi cho mọi thứ, nhưng rồi mọi thứ cứ bất ổn, thế là chúng ta khổ. Vì vậy điều nên làm là chúng ta thay đổi thái độ, đừng cưỡng lại. Khi không cưỡng lại cuộc đời và bắt đầu hiểu về khổ, chúng ta có một phản ứng khác, nó được gọi là nibbida - sự buông bỏ.

Phản ứng nibbida là phản ứng tự động, đến từ chỗ hiểu bản chất của thân tâm và thế gian. Bạn hiểu bản chất của việc tu tập Phật giáo, của việc thiền định hằng ngày. Bạn biết sẽ có điều không hài lòng và sẽ có vấn đề và bạn đủ sáng suốt để không trốn chạy những vấn đề hoặc thay đổi chúng. Hiểu khổ là vấn đề cố hữu trong kết cấu của luân hồi.

Khi bạn nhận ra điều đó, nó sẽ thay đổi phản ứng của bạn. Giống như có một quả táo thối rữa và bạn cố gắng bỏ những phần thối rữa để sử dụng phần còn lại. Khi có trí tuệ, bạn sẽ thấy toàn bộ trái táo bị thối rữa, và phản ứng tự nhiên là bạn buông bỏ toàn bộ trái táo, vứt nó đi. Bạn không cần đến nó, buông bỏ nó.

Điều quan trọng là hiểu nỗi khổ trong cuộc đời, thấy được tại sao sự khổ và những phiền não là không thể tránh được. Bạn không bao giờ có khả năng kiểm soát nó, loại bỏ nó hay làm cho nó ổn thỏa hơn.

Khi chúng ta suy ngẫm và hiểu như vậy, nó giúp chúng ta có động lực để tu tập. Theo kinh văn (sutta), khi Đức Phật thấy người ta già đi, mắc bệnh và chết, vậy là đủ để thúc đẩy Ngài tìm giải thoát của những vấn đề cố hữu ấy. Ngài nhận ra rằng già, bệnh, chết là điều tự nhiên mà Ngài chưa vượt qua được.

Từng vấn đề kể trên cũng là những gì đợi bạn ở tương lai. Đây là thứ chắc chắn: bạn sẽ già đi, mắc bệnh và chết. Bạn chẳng thể làm gì để thay đổi sự việc. Đây là những thực tế về sự tồn tại của bạn, về cơ thể bạn và về mọi thứ khác. Mọi thứ rồi sẽ già đi, phân hủy và biến mất - mọi thứ bất ổn và sụp đổ (3). Đức Phật khi ấy đủ sáng suốt để biết rằng, dù với tất cả những phẩm chất tâm linh cao quý và công đức tích lũy, Ngài cũng không tránh được nỗi khổ ấy. Và Ngài cần một phản ứng khác hơn: thấu hiểu nó.

(3) Mọi thứ rồi sẽ già đi, phân hủy và biến mất - mọi thứ bất ổn và sụp đổ: Đây là quy luật tự nhiên của Vô thường, quy luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt của mọi vật chất, mọi sự vật trên thế gian, mà không có một năng lực nào có thể thay đổi được, nó là vòng luân hồi lập đi lập lại do duyên sanh mà hợp thành rồi do đoạn duyên mà tan rã.

Vô thường - Khổ - Vô ngã là chân lý được Đức Phật nói rất nhiều qua các kinh văn và các pháp môn tu tập.

-----o0o-----


Bài 3.  KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA TÔI 

Khi suy ngẫm về cuộc sống, bạn đi đến chỗ nhận ra nó hoàn toàn không thể kiểm soát được. Và bất cứ thứ gì không thể kiểm soát được thì không phải việc của bạn. Đó là một câu nói đơn giản nhưng tuyệt diệu mà tôi dùng trong tu tập, và tôi cũng khuyến khích người khác dùng. Dù bạn đang trải qua điều gì, ở bất kỳ nơi đâu, dù điều gì đang xảy ra trong thực tại hay ý nghĩ, hãy nói với nó: “Không phải việc của tôi”. Chuyện ai đó có thái độ không đúng hay nói gì với bạn, đó không phải việc của bạn; nó là nghiệp (4) của họ, không liên quan gì đến bạn.

Nếu bạn nhạy cảm với lời nói của người khác, để chúng làm tổn thương bạn hay bị xúc phạm, bạn nên nhớ đến lời dạy của Đức Phật khuyên con trai mình là Rahula: Hãy như đất. Người ta vứt rác ra đất, giẫm đạp lên đất, làm những điều tồi tệ với đất, nhưng đất không bao giờ phàn nàn; nó đơn giản chấp nhận mọi thứ. Người ta cũng làm những điều tốt đẹp trên đất, nhưng đất cũng không phản ứng gì, dù có bất cứ điều gì xảy ra với nó.

Vì thế hãy giống như đất. Dù lời khen, hay chê, đó là việc của họ, đừng xao động. Không cần phải dính mắc gì bởi lời nói và hành động của người khác. Khi bạn có thái độ “không phải việc của tôi”, nó sẽ không bao giờ làm bạn bực dọc.

Với cơn đau của cơ thể và bệnh tật cũng vậy. Hãy nhắc mình nhớ rằng chúng không phải việc của bạn; chúng là việc của cơ thể - hãy để cơ thể quan tâm đến chúng. Như vậy thực ra là một cách hiệu quả để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Vì một điều lạ là, khi bạn càng lo âu, quan tâm tới cơ thể, nó càng trở nên tệ hơn. Hãy thử xem. Trong hành thiền, nếu bạn xa rời cơ thể, ngồi tĩnh lặng, để tâm trí trở nên buông xả, mọi thứ trong đầu biến mất, nó có khuynh hướng tự chữa lành. Các thiền sư thường dùng cách này để chữa bệnh cho họ. Đôi lúc, khi bạn để mặc nó và chỉ thư giãn và thoải mái đến mức nó tự chữa lành.

Chúng ta hay có thói quen dính mắc vào mọi thứ. Bất kể điều gì mà bạn bám vào đều choán chỗ của tâm trí - đó là nơi tâm trí tìm được chổ để nương tựa và phát triển. Bạn đang tạo ra những chấp thủ. Là người hành thiền tôi thấy rất rõ chúng tạo ra thế giới cho chính nó. Nhưng khi bạn “xa lìa”, ở đó không phải việc của bạn, và do bạn không lưu tâm đến nó nữa, nó biến mất khỏi tâm trí. Thực tế đó là bạn đang phá bỏ thế giới quan của mình - những chấp thủ mà chính bạn tạo nên.

Vì vậy hãy buông xả và quên nó đi. Bạn xa lìa mọi thứ và tâm trí trở nên buông xả. Nó đã chất chứa đủ rồi, nó đã đủ mệt mỏi rồi, đã đến lúc buông xả và bạn thấy nó tan đi. Đây là quá trình mà kinh văn nói: buông xả dẫn tới không chấp thủ, không còn dính mắc. Một khi bạn coi điều gì không phải việc của mình, nó mất dần khỏi thế giới của bạn - nó biến mất.

------------------------

(4) nghiệp: Theo tiếng Sanskrit gọi là karma, Pàli gọi là kamma, có nghĩa là hành động có tác ý hoặc có ý thức (volitional action). Nói cách khác, nghiệp luôn  được bắt nguồn từ những tạo tác của ý chí thông qua những hoạt động của thân, miệng tác động đến đối tượng, gọi chung là tam nghiệp (thân-khẩu-ý). Tuy nhiên, khi một hành động (tạo tác) nếu không phát sinh từ ý chí thì không gọi là nghiệp, mà hành động ấy được gọi là hành động duy tác.

-----o0o-----

Bài 4.  NGƯỜI MANG THÔNG ĐIỆP CHÂN LÝ 

Một cách khác để nhìn vào sự xa lìa thế gian là dịch chuyển tâm trí vào vùng trung tâm của sự yên lặng. Bạn cứ luôn bị mọi thứ lôi kéo bạn ra ngoài - ra khỏi sự tĩnh lặng. Cả đời bạn cứ bị lôi kéo như thế, những điều đó có thực sự làm bạn hạnh phúc không? Đừng nghĩ rằng bạn có thể thoát khỏi nỗi khổ vì những cuộc vui, những dục lạc ngắn ngủi, hoặc bạn cho rằng mình đặc biệt và sáng suốt hơn người khác. Chẳng qua nó là sự dính mắc và sự kiêu ngạo của bản ngã.

Khi tham gia vào mọi thứ ở thế gian này, có thể là những đam mê, bạn cứ thử hỏi: “Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?” và sẽ không dừng lại chừng nào chưa có được một bức tranh trọn vẹn. Với những chấp mê, ham muốn.., câu “Rồi sao nữa?” sẽ dẫn bạn đến kết cuộc chẳng còn gì vui vẻ, bởi “Rồi sao nữa?” chỉ còn lại sự trống rỗng, tàn lụi. Không có màu sắc, sự tươi sáng, niềm vui và hạnh phúc gì nữa khi mọi thứ kéo nhanh bạn về phía tuổi già và cái chết. Đây là tất cả những gì mà mọi người đều phải trải qua.

Khi phần vui vẻ mất dần và tan đi, bạn trở lại nơi bắt đầu. Và bạn vẫn chưa hiểu gì về cuộc sống. Bạn đang cố gắng đi qua đời bạn, có được vài khoảnh khắc dễ chịu và vui vẻ. Để cuối cùng bạn cũng sẽ tan dần đi và biến mất khỏi trí nhớ của mọi người. Ý nghĩa gì không? Hãy suy ngẫm về điều đó khi bạn gặp khó khăn. Tu tập và thiền định sẽ cho bạn biết cách nuôi dưỡng nibbida - sự buông bỏ.

Hãy xem những khó khăn và thất vọng như những Thiên Sứ - người mang thông điệp chân lý đến cho bạn. Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp những điều bất như ý, những mất mát, những tổn thương hoặc những khủng hoảng trầm trọng... điều đó như là những thông điệp nhắc nhở bạn. Nó là những tấm biển báo, bảng chỉ đường trong chuyến hành trình trải nghiệm cuộc đời. Bạn hãy nắm bắt những thông điệp ấy để nhận ra rằng mình đã lạc đường chăng, hay đang hoang phí cuộc sống vào điều gì, những thứ gì có ý nghĩa hơn là chân lý mà bạn đã bỏ qua nó.

Khi bạn gặp phải điều gì khiến bạn thực sự thất vọng, vỡ mộng - đó là thông điệp chân lý - điều này phải được suy ngẫm, lắng nghe và thấu hiểu.

-----o0o-----

Bài 5.  DỊCH CHUYỂN VỀ PHÍA TRỐNG RỖNG

Khi thấu hiểu nổi khổ thế gian, bạn thấy thế gian như một đống rác. Do là rác nên bạn xa lìa. Khi xa lìa và buông bỏ, nó tan đi, sự chấp thủ cũng tan đi. Đây là điều tự nhiên. Không phải bạn cố làm nó tan đi như kiểu “Tôi muốn từ bỏ người này, ghét bỏ vật kia”. Bạn không cần dùng năng lượng ý chí để làm điều đó, chỉ là chúng không còn là mối bận tâm của bạn nữa, cứ thế nó sẽ tan biến đi trong đầu bạn. Đây cũng là ý nghĩa sâu xa hơn cho việc buông bỏ vật chất của cải. Bạn không chỉ từ bỏ những món đồ vật chất mà còn chính những của cải trong tâm trí - những thói quen xưa cũ, những khái niệm hẹp hòi và những tham, sân, si mà bạn bám vào và chấp thủ. Bạn chối bỏ tất cả những gì khiến mình mệt mỏi, khiến mình bị câu thúc và giới hạn.

Hầu hết mọi người đều là những tù nhân bị giam hãm bởi quá khứ và tương lai của chính mình. Họ đồng nhất bản thân với quá khứ của họ, coi nó là con người của họ, bản ngã của họ. Do họ xem mình là quá khứ, là tương lai, nó trở thành mối bận tâm của họ, họ dính mắc vào nó, vậy là chịu khổ. Nhưng họ không cần làm vậy, họ có thể buông xả nó. Cánh cửa phòng giam ấy luôn mở và bạn có thể đi qua nó bất cứ lúc nào, nếu bạn có dũng khí để buông bỏ.

Vì thế, bằng cách nhận thức về khổ trong chân lý mà Đức Phật đã dạy, hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì để thay đổi quá khứ và bạn sẽ thực hiện được gì ở tương lai, khi nó chỉ nằm trong tưởng tượng của bạn.

Khi bạn hiểu những thứ này là khổ, kết quả trực tiếp là sự xa lìa xảy ra, và hiểu càng sâu, chúng càng tan đi. Cuối cùng chúng không còn là một phần trong tâm trí của bạn nữa. Bạn nhìn thế giới bên ngoài và nó tan đi, bạn ngồi trong phòng, toàn bộ thế giới biến mất, suy nghĩ cũng biến mất. Bạn hiểu rằng thiền định là vậy. Mọi thứ tan đi và bốc hơi, nó là sự dịch chuyển về phía trống rỗng.

Đây là điều bạn nên làm, chỉ có con đường nibbida dẫn tới hạnh phúc đích thực, nơi mà sự tĩnh lặng và an bình xảy ra khi mọi thứ đã biến mất. Bạn di chuyển theo một hướng khác: đi vào trong tâm thay vì hướng ra ngoài thế giới.

-----o0o-----

Bài 6.  TĨNH LẶNG

Thật là đẹp biết bao khi chạm tới sự an bình đích thực của Tâm trong khi toàn bộ thế giới bên ngoài tan biến, còn bạn hoàn toàn tĩnh lặng. Tâm trở nên bất động, không kết nối với cơ thể cũng như quá khứ và tương lai. Nó bất động về thời gian và bất động về không gian, sự tĩnh lặng ấy để cho mọi thứ tan dần và biến mất.

Khi toàn bộ bên ngoài mất dần, hình ảnh mất dần, âm thanh mất dần, ký ức mất dần, quá khứ, tương lai, suy nghĩ mất dần, thân thể biến mất, còn bạn trải nghiệm sự tĩnh lặng sâu xa bên trong, đó là trạng thái thiền. Trong trạng thái thiền ấy, bạn xa lìa thế giới bên ngoài, năm giác quan biến mất. Trên thực tế bạn đang xa lìa, xả bỏ hoàn toàn, chấm dứt hoàn toàn thế gian. Lúc này bạn hiểu ý nghĩa của sự biến mất, của mọi thứ không còn ở đó nữa. Lúc này, bạn hiểu ý nghĩa của sự tự do và nó mang lại thật nhiều niềm vui và an bình cho bạn. Nói là xả bỏ, nhưng thật ra bạn không làm gì cả, sự xả bỏ xảy ra đơn giản bởi vì bạn hiểu nó, bởi kết quả tự nhiên của hiểu biết là nibbida. Mọi thứ tan đi, và bạn có được trạng thái bình an, sự tốt đẹp và tĩnh lặng.

Một khi bạn bắt đầu nếm trải sự tĩnh lặng trong Tâm, nó có thể gây nghiện. Khi nghiện sự tĩnh lặng, nó sẽ hướng bạn đi sâu hơn về phía niết bàn. Đức Phật đã nói sự dính mắc đến thiền định sâu có thể dẫn đến giác ngộ. Bạn không cần quá bận tâm lo lắng về việc nghiện xả bỏ. Đây là sự thú vị và là niềm vui trên con đường tu tập.

Con đường dẫn đến tự do, nó có thể dẫn tới nhiều tan rã hơn, nhiều buông xả hơn và nó thúc đẩy bạn xa lìa thế gian. Đây là ý nghĩa của việc bạn biết tại sao lại có nhiều người đi theo con đường Phật giáo. Bạn biết tại sao lại có nhiều người xa lìa thế gian, khiến cho thế gian tan đi. Họ hạnh phúc khi ở một mình, “cái tôi” của họ thực sự biến mất. Họ đi ngày càng sâu hơn vào bên trong, họ thấy những nổi khổ xung quanh không còn là mối bận tâm của họ. Họ xả bỏ, và mọi thứ tan dần, tan dần.

-----o0o-----

Bài 7.  THẤU HIỂU LÀ CỐT LÕI

Để có kết quả tu tập tốt đẹp, bạn không cần cố tình buông bỏ quá khứ, tương lai hay làm dứt bặt suy nghĩ bằng năng lượng ý chí. Chỉ suy ngẫm về nỗi khổ và hiểu nó ngay lúc này, thông qua tất cả những điều gì mà bạn trải nghiệm. Thông qua sự hiểu biết ấy, thế gian sẽ mất dần tầm quan trọng, bạn sẽ không ghé lại sân chơi ấy nữa. Sân chơi của các giác quan, của quá khứ và tương lai, của những giấc mơ... Nó là phản ứng tự nhiên của Tâm khi nó thấy khổ. Đây là một cuộc hành trình, với những cột mốc trên con đường dẫn tới sự trống rỗng và diệt trừ phiền não hoàn toàn. Điều đó xảy ra khi bạn buông xả.

Đức Phật nói khổ phải được hiểu một cách trọn vẹn. Mỗi khi bạn rơi vào khó khăn, trục trặc, thất vọng hay bất kỳ đau đớn về thể xác, đừng chối bỏ nó; hãy hiểu nó. Suy ngẫm và hiểu nó đến mức nó tan đi và bạn nhận ra rằng nó chẳng phải việc của bạn.

Khi nó tan đi, sự đắm chìm vào thế gian bên ngoài của bạn sẽ bị phá vỡ, bạn bắt đầu đi vào thế giới bên trong - thế giới của sự tĩnh lặng. Bạn đi theo hướng ngược lại, không phải bên ngoài, mà là vào trong Tâm. Cuối cùng, bạn cũng xả bỏ cả tâm trí, trải nghiệm sự tịch diệt hoàn toàn, chạm đến niết bàn (5), lúc ấy bạn sẽ trở thành một A-la-hán (6). Đó thực sự là một điều tuyệt diệu.

(5) niết bàn: là một khái niệm triết lý độc đáo của Phật giáo về cảnh giới giác ngộ hoàn toàn và giải thoát. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, an lạc và không có mặt của khổ đau. Trạng thái này có thể đạt được khi còn sống (Hữu dư niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư niết bàn).

(6) A-la-hán: trong các bậc chứng ngộ, để trở thành bậc A-la-hán, người tu hành phải đạt thành tựu quả vị Thánh thứ tư. Có bốn Thánh quả gồm: Tu-đà-hoàn (Thánh quả dự lưu), Tư-đà-hàm (Thánh quả nhất lai), A-na-hàm (Thánh quả bất lai), A-la-hán (Thánh quả  A-la-hán - giác ngộ và giải thoát hoàn toàn).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Hãy đề phòng sự tiêu cực, vì nó nuôi dưỡng cái tâm xét lỗi. Xét lỗi là một thái độ xuất hiện và tóm lấy bạn như một con rắn, nó đầu độc ...