Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Saigon Books - thuộc bản quyền Reverhead Books
Chân Huyền dịch Việt ngữ
Chương 6
ĐỊA CHỈ CỦA HẠNH PHÚC.
Nếu bạn muốn biết Thượng đế, chư Bụt và tất cả vĩ nhân sống ở đâu thì tôi có thể chỉ cho bạn. Đây là địa chỉ: “Bây giờ và ở đây”. Có đủ thứ bạn muốn biết, kể cả mã bưu điện (zip code).
Nếu bạn có thể thở vào thở ra và bước đi với tinh thần “đã về - đã tới - bây giờ - ở đây” thì bạn sẽ thấy mình vững chãi và tự do ngay lập tức. Bạn đã đứng vững được trong hiện tại, ngay tại địa chỉ này của bạn. Không có gì thúc đẩy khiến bạn phải chạy hoặc sợ hãi. Bạn được giải phóng khỏi những lo âu quá khứ. Bạn cũng sẽ không còn bế tắt, nghĩ tới những gì chưa xảy ra ở tương lai, cùng với những thứ bạn không thể kiểm soát được. Bạn được tự do, không còn mặc cảm quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai nữa.
Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tùy thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tự do là sự vượt thoát khỏi những ràng buộc, tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và phiền muộn. “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây”.
“Vững chãi, thảnh thơi” là những gì bạn cảm thấy, khi bạn tới được chỗ “bây giờ và ở đây”. Bạn không chỉ nói với mình như thế mà bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận được như thế. Làm vậy, bạn được bình an. Bạn sẽ chứng ngộ được Niết bàn, miền Tịnh độ, nước Chúa hoặc bất kỳ từ ngữ nào bạn muốn gọi nó. Ngay cả khi không âu lo, bạn cũng không thể có hạnh phúc nếu bạn không vững chãi, thảnh thơi. Nuôi dưỡng sự vững chãi và thảnh thơi là món quà quý giá nhất chúng ta có thể tự ban tặng cho mình.
BÀI 1
AN TRÚ TRONG BẢN MÔN
“Tôi về an trú trong bản môn”. Bản môn (bình diện tuyệt đối hay phút giây hiện tại) là nền tảng của con người, là căn nguyên của chúng sinh. Bản môn hay chân như không chia cách gì chúng ta. Chúng ta luôn luôn ở đó. Bản môn không phải là một nơi nào cao tít mù khơi. Nhưng chúng ta phải về được căn nhà của mình thì mới có thể an trú trong bản môn, mới sống được trong đó.
Giống như sóng và nước. Nếu nhìn một ngọn sóng ta sẽ thấy nó có khởi đầu và chấm dứt. Ngọn sóng có thể cao hay thấp, nó có thể giống hay khác ngọn sóng kia. Nhưng sóng luôn luôn được làm bằng nước. Nước là nền tảng của sóng. Sóng là sóng nhưng cũng là nước. Sóng có thể có bắt đầu, có kết thúc, có lớn, có nhỏ. Nhưng nước thì không có bắt đầu hay chấm dứt, không lên không xuống, không này không kia. Khi sóng nhận ra được chuyện này thì nó hết sợ hãi về chuyện khởi đầu và kết thúc, lên xuống, này kia.
Trong thế giới hiện tượng, chúng ta có thời gian và không gian, và cặp đối đãi: đúng-sai, già-trẻ, nghèo-giàu, nhơ-sạch, sinh-diệt… Chúng ta mong sự khởi đầu và sợ sự chấm dứt. Nhưng trong bình diện tuyệt đối không có những thứ đó, không có sự khởi đầu hay chấm dứt, không trước không sau. Bình diện tuyệt đói là nền tảng của thế giới hiện tượng. Đó là nguồn gốc, là cội rễ liên tục của chúng sinh.
Nền tảng bản môn là Niết bàn, là bản thể chân như tuyệt đối. Đó là nước. Bạn là sóng đồng thời cũng là nước. Bạn có bình diện tương đối (tích môn) và bạn cũng có bản thể tuyệt đối. Nếu chúng ta hiểu rằng bản chất thực sự của ta là vô sinh bất diệt, không đến không đi, thì sự sợ hãi trong ta sẽ không còn và những đau khổ sẽ tan biến.
Một con sóng không cần chết mới trở thành nước được. Nó chính là nước, ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta cũng không cần chết mới giải thoát khỏi khổ, mới đạt được Niết bàn, hay đến được nước Chúa, hoặc Tịnh độ. Điều ấy là nền tảng bây giờ và ở đây của chúng ta. Sự thực tập sâu sắc nhất của chúng ta là làm sao nhìn thấy và tiếp xúc được với ngay chính hiện tại này (bình diện tuyệt đối) trong ta mỗi ngày. Chỉ có thực tập chánh niệm đó mới giúp được cho ta hết hẳn lo âu và đau khổ. Thay vì nói: “An trú trong bản môn” (hoặc trong phút giây hiện tại), bạn có lẽ sẽ thích hơn câu: “An trú trong nước Chúa” hay “An trú trong Tịnh Độ”.
BÀI 2
BUÔNG BỎ BUỒN PHIỀN
Giả sử có người chở bạn bằng máy bay phản lực tới nước Chúa hay đất Tịnh độ của Phật. Khi tới đó, bạn sẽ ra sao? Tới một nơi đẹp đẽ như thế, bạn sẽ đi đứng với những áp lực, căng thẳng, vội vàng và lo lắng bằng cái thân tâm bất tịnh thường ngày của bạn chăng? Hay bạn sẽ thưởng thức từng giây phút hiện tại khi được ở Thiên đàng? Tại nước Chúa hay Tịnh độ, người ta được tự do và biết hưởng cuộc sống yên bình trong từng giây phút. Vậy nên họ không đi đứng hay hành động như chúng ta.
Tịnh Độ không phải là nơi nào khác. Nó ngay tại đây, trong lúc này. Nó ở trong từng tế bào của ta. Khi chúng ta trốn chạy hiện tại, thì ta đã phá hủy vương quốc tốt đẹp ấy. Nhưng nếu ta biết cách buông xả được những năng lượng tiêu cực của tập khí trốn chạy, thì ta sẽ có hòa bình và tự do, và ta có thể bước đi như Bụt ở cõi Tịnh Độ vậy.
Hành lý ta mang theo sẽ quyết định cho ta sống ở bình diện nào. Nếu bạn mang theo nhiều buồn phiền, lo lắng, sợ hãi và tham đắm, thì bạn đi tới đâu cũng chỉ gặp thế giới đau khổ như địa ngục mà thôi. Nhưng nếu bạn mang theo lòng từ bi, hiểu biết và thanh thản, thì đi tới đâu bạn cũng sẽ gặp thế giới của Chân như, vương quốc Thượng đế.
Người biết tu tập đi tới đâu, họ cũng biết bước chân họ được tiếp xúc với miền an lạc. Không có ngày nào tôi không bước trên vương quốc của Thượng đế. Vì tôi thực tập từ bi và buông xả, chân tôi đi tới đâu cũng tiếp xúc được với cõi Tịnh Độ, vương quốc Thượng đế hay nước Chúa. Và với bình diện tuyệt đối của mọi sự vật.
“Đã về, đã tới”. Nhà của sóng là nước. Nó ngay đó. Sóng không cần đi hàng ngàn hải lý để trở về nhà. Bài kệ rất giản dị, bạn nên thực tập nó mỗi ngày. Như thế bạn sẽ tiếp xúc được với bản thể chân như và luôn luôn nhớ tới căn nhà thực sự của bạn.
BÀI 3
TẬP KHÍ CHẠY ĐUỔI
Chúng ta chạy đuổi ban ngày và chạy cả trong giấc ngủ. Chúng ta không biết cách dừng lại. Chúng ta trước tiên thực tập để biết dừng, sau đó là buông xả thư thái, bình tâm và định tâm lại. Khi ta có thể làm như vậy là ta trở về được với hiện tại, bây giờ và ở đây. Và chúng ta sẽ vững chãi. Khi đã vững chãi, chúng ta có thể nhìn ra chung quanh. Ta có thể nhìn sâu vào lúc này, nhìn sâu vào bản chất của mình và khám phá ra bản chất chân như. Nhìn sâu ta sẽ thấy dù ta là sóng nhưng ta cũng là nước. Nhưng nếu ta không học để dừng lại được thì ta sẽ không thể định tâm và nhìn sâu. Chúng ta sẽ không buông bỏ được lo lắng, sợ hãi vì định lực ta không đủ mạnh, không đủ vững chãi để nhìn ra chân lý cuộc sống.
Muốn thắng các tập khí của mình là chuyện rất khó khăn. Tiến sĩ Ambedkar, nguyên là nghị sĩ quốc hội Ấn Độ, xưa thuộc hàng bần cùng (Untouchable). Ông tranh đấu cho quyền lợi của giới này. Ông cảm thấy rõ ràng Phật giáo là niềm hy vọng để giúp cho giới bần cùng được an toàn và giữ được phẩm giá. Đạo Bụt không tin vào sự phân chia giai cấp. Vậy nên một hôm tại Bombay, có năm trăm ngàn người cùng khổ tới để thọ Tam quy Ngũ giới với tiến sĩ Ambedkar. Tôi đã tới Ấn Độ để ủng hộ và giúp đỡ cộng đồng này. Chúng tôi nói pháp thoại và hướng dẫn những ngày thực tập chánh niệm.
Hãy tưởng tượng bạn lớn lên trong giai cấp bần cùng đó. Tưởng tượng mọi người chung quanh ai cũng bạc đãi bạn và bạn luôn lo sợ cho tính mạng của mình. Tưởng tượng bạn luôn luôn phải chiều lòng những người giai cấp cao hơn để được sống bình an. Bạn sẽ sống ra sao? Bạn có thảnh thơi và sống trong phút giây hiện tại được chăng? Hay bạn phải lo lắng thường trực về tương lai. Tập khí lo lắng là thứ rất mạnh.
Người tổ chức chuyến đi Ấn Độ cho tôi cũng xuất thân từ giai cấp cùng khổ. Anh sống ở New Delhi với vợ và ba con. Anh rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và thành công. Một buổi sáng chúng tôi ngồi trên xe buýt để đi tới một cộng đồng địa phương khác. Tôi thích thú ngắm quan cảnh qua khung cửa chỗ tôi ngồi. Khi quay lại nhìn anh bạn kia, tôi thấy anh rất căng thẳng. Tôi nói: “Anh bạn, tôi biết anh rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và vui vẻ. Nhưng bạn biết không? Tôi đang hài lòng lắm ngay lúc này. Xin đừng lo âu, hãy ngồi tựa lưng vô cho thoải mái”. Anh ta trả lời “dạ!” và có vẻ thoải mái hơn một chút. Rồi tôi lại quay ra cửa sổ, thực tập hít thở và thưởng thức những hàng cây cọ trong nắng sớm.
Tôi nghĩ tới chiếc là bối (lá cọ) ghi lại kinh điển của Bụt từ thời xa xưa. Lá bối dài và hẹp. Người ta dùng một mũi nhọn để ghi lên lá những lời dạy của Bụt. Họ giữ được hơn ngàn năm những bản kinh bằng lá đó. Tôi nhớ ở xứ Nepal người ta tìm ra được những bản kinh trên lá bối đã viết từ một ngàn năm trăm năm trước. Rồi tâm tôi hướng về anh bạn trẻ. Có lẽ chỉ hai phút sau, tôi quay lại và thấy anh trở nên cứng ngắc và căng thẳng nữa rồi. Anh khó mà thảnh thơi được dù chỉ trong ít phút.
Là một người thuộc giai cấp cùng khổ, cả đời anh phải tranh đấu để sống. Bây giờ dù anh có một căn hộ nhỏ xinh xắn tại ngay New Delhi và có việc làm tốt. Tập khí luôn luôn tranh đấu của anh vẫn còn rất mạnh. Qua nhiều thế hệ, những người thuộc giai cấp bần cùng đó đã phải phấn đấu ngày đêm để sống còn. Tập khí từ bao đời đó đã được truyền tới anh. Muốn chuyển hóa nó không phải là chuyện dễ. Anh cần thời gian và cần được huấn luyện. Với sự hỗ trợ của bạn đồng tu, trong vài tháng hay vài năm có thể anh sẽ chuyển hóa được tập khí lo lắng và căng thẳng đó. Ai cũng có thể làm như vậy. Bạn có thể làm cho bạn thoái mái và thảnh thơi.
Nếu bạn muốn chuyển hóa tập khí chạy đuổi và căng thẳng, bạn cần nhận diện chúng ngay mỗi khi chúng ló đầu ra. Thở và mỉm cười, bạn nói: “Tập khí thân mến của ta ơi, ta biết ngươi ở đó rồi!”. Khi đó bạn sẽ được tự do. Bạn có thể tự nhắc nhở, tự huấn luyện mình như thế. Bạn không thể có người bạn nào suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày để nhắc nhở bạn. Tôi đã nhắc anh bạn kia và chỉ hiệu quả được hai phút thôi. Anh ta phải tự làm. Ai cũng phải tự làm lấy. Bạn phải là người bạn của chính mình và chọn sống trong môi trường nào mà có thể giúp được bạn.
Tập khí cuộn chảy rất mạnh trong chúng ta. Nó có thể đã được truyền qua nhiều thế hệ mới tới chúng ta. Nhưng bạn không cần trao truyền lại sau này. Điều đó giúp con cháu bạn không tiếp tục khổ sở vì tập khí của bạn. Bạn cần nói con cháu rằng bạn đã bước đi trong vương quốc của Thượng đế. Bạn sẽ muốn nói với chúng như vậy, như tôi đã nói với bạn, rằng không ngày nào tôi không đi trên đó. Nếu bạn có thể làm như vậy, cuộc đời bạn sẽ là niềm hứng khởi cho nhiều người. Có lẽ bạn và con bạn sẽ luôn luôn cùng bước đi trong Tịnh độ.
BÀI 4
BUÔNG BỎ HÀNH LÝ
Ý muốn luôn luôn được đi trên miền đất Tịnh độ sẽ giúp chúng ta buông bỏ những thứ ngăn cản không cho chúng ta sống với hiện tại. Nó cũng giúp chúng ta học được tánh xả bỏ những gì làm chúng ta lo âu, để trở thành con số không. Khi nghĩ tới con số không, ta thường nghĩ tới hư vô, không có gì cả. Ta nhìn thấy tiêu cực ở đó. Nhưng số không cũng có thể rất tích cực. Nếu bạn mang một món nợ phải trả, đó là số âm. Khi trả hết rồi thì tổng kết lại là zero. Thật kỳ diệu vì nay bạn được tự do rồi.
Trong thời Bụt còn tại thế, có một vị tăng sĩ tên là Baddhiya. Trước khi ông đi tu, ông đã là một vị đứng đầu một tỉnh lỵ trong vương quốc Sakka, nơi Bụt ra đời. Sau khi giác ngộ, Bụt trở về quê hương để thăm gia đình. Nhiều người trẻ tuổi nhìn thấy sự thảnh thơi và hạnh phúc của Bụt, nên xin đi theo Ngài. Họ muốn được tự do.
Trong nhóm người đó có Baddhiya. Ba tháng đầu tại tu viện, ông tu tập rất tiến bộ, nên nhìn sâu được nhiều điều. Một đêm khi thực tập trong rừng, ông đột nhiên la lên: “Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi”.
Khi làm tỉnh trưởng, Baddhiya đã từng ngủ trong những căn phòng đẹp đẽ sang trọng, có nhiều lính canh gác. Ông ăn nhiều thứ đắt tiền và có nhiều người hầu hạ. Nhưng nay ông ngồi dưới gốc cây, muỗi mòng cắn đốt, tài sản không có gì ngoài cái bát để khất thực và bộ áo nhà sư.
Một tăng sĩ khác ngồi gần Baddhiya nghe tiếng ông, lại tưởng ông này đang tiếc nuối địa vị quyền thế và cuộc sống xa hoa ngày trước. Sớm hôm sau, vị tăng sĩ đó tới nói với Bụt những gì đã nghe. Bụt cho mời Baddhiya tới và trước tất cả tăng đoàn Bụt nói: “Này Baddhiya, có phải đêm qua khi ngồi thiền, Thầy đã nói câu ‘Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi!’ phải thế không? Vì sao vậy? Thầy tiếc nuối điều gì chăng?”. Baddhiya trả lời: “Bạch Thế Tôn, trong khi ngồi thiền, con nhớ lại thời còn làm tỉnh trưởng. Có bao nhiêu người hầu hạ và bảo vệ. Nhưng con vẫn luôn luôn thao thức vì sợ hãi. Con sợ người ta lấy cắp của cải, con sợ bị ám sát. Ngày nay, khi ngồi thiền dưới gốc cây, con cảm thấy tự do quá. Bây giờ con không có gì để mất nữa, con còn hưởng được an lạc từng phút từng giây và cảm thấy chưa bao giờ sung sướng như bây giờ. Vì vậy mà con mới thốt lên: ‘Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi!’. Thưa Thế Tôn, nếu chuyện đó làm phiền tăng thân thì con xin sám hối”. Bấy giờ, mọi người trong tăng đoàn đã hiểu vì sao Baddhiya kêu lên như thế, đó là diễn tả niềm hạnh phúc thật sự của ông.
Xin hãy lấy tờ giấy và cây bút. Tới một gốc cây ngồi xuống, hay ngồi ở bàn giấy của bạn, viết danh sách tất cả những thứ làm cho bạn hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Nhưng hãy nhớ, hạnh phúc thật sự mà bạn có được ngay hiện tại: đám mây trên trời, hoa trong vườn, con trẻ đang chơi đùa, bạn được học pháp môn tỉnh thức, người thương của bạn vẫn ngồi đó, bạn vẫn còn khỏe mạnh và được hít thở bình thường, những điều kiện sống hiện giờ của bạn không quá khổ sở, có những nụ cười hiền hòa từ ái bên bạn… Danh sách dài vô tận. Bạn có đủ mọi thứ để hạnh phúc ngay bây giờ. Bạn có đủ để buông xả các ý niệm giàu-nghèo, được-mất, tới-lui, trên-dưới, sống-chết. Hãy nuôi dưỡng bạn bằng những điều mầu nhiệm mà cuộc sống hiến dâng cho bạn. Hãy nuôi dưỡng bạn ngay lúc này. Hãy đi vào xứ sở Tịnh độ.
BÀI 5
CHÚNG TA CHẠY THEO CÁI GÌ?
Nếu chúng ta không có mặt thật sự ngay lúc này và không sống cho chính mình hay cho mọi người thì chúng ta đang ở đâu? Chúng ta chạy, chạy đuổi theo, chạy mãi ngay cả khi ta ngủ nghỉ. Chúng ta chạy chỉ vì sợ mất những gì mà chúng ta đuổi theo kia. Thực tập trở về có thể giúp chúng ta dừng lại.
Khi ta trở về với chánh niệm hay tỉnh thức, khi năng lượng chánh niệm có mặt trong bạn, thì năng lượng Thánh linh có mặt. Thánh linh làm nên đời sống. Chúng ta thực tập để có mặt Thánh linh. Sống từng giây từng phút hiện tại với Thánh linh không phải là điều trừu tượng. Khi ăn cơm, ăn loại ngũ cốc trộn trái cây và hạt dẻ hay ăn đậu hũ, hãy ăn sao cho Thánh linh có mặt trong bạn. Khi đi, hãy làm sao cho Thánh linh đi với bạn.
Xin đừng chỉ thực tập theo hình thức. Mỗi lần đi thiền hành là một lần mới mẻ. Đi làm sao để bạn được mỗi bước chân nuôi dưỡng bạn. Mỗi bữa ăn là một bữa ăn mới, để bạn được nuôi dưỡng bằng năng lượng của Thánh linh hay năng lượng chánh niệm. Mỗi buổi thiền tọa cũng là một thời ngồi thiền mới mẻ.
Hãy ngồi cách nào để con người mới trong bạn biểu hiện ra được. Hãy thực tập với đồng đạo. Tăng thân đủ thông minh và bén nhạy để không bị vướng mắc vào thói quen thụ động. Nhiều người trong chúng ta rất thông minh và có óc sáng tạo. Chúng ta nên dùng các khả năng đó để giữ cho sự thực tập sống động và đổi mới thường xuyên. Chúng ta có thể thực tập phép thiền quán này của đạo Bụt dù bạn là người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái giáo… Theo tôn giáo nào hay không tôn giáo đều không phải là vấn đề.
Tu tập không chỉ là bắt chước về hình thức. Thực tập là phải dùng trí thông minh và tài khéo léo để nuôi dưỡng và chuyển hóa những con người chung quanh ta.
BÀI 6
BẮT ĐẦU LẠI
Khi bạn ăn bánh mì hay bánh bơ nướng vào buổi sáng, hãy ăn cách nào để cái bánh bơ trở thành đời sống. Hãy ăn như ăn bánh Thánh. Cảm thấy mình đang sống và đang tiếp tục với tất cả vũ trụ. Ta có thể nói: “Chiếc bánh này gồm tất cả vũ trụ”. Ăn với chánh niệm cho phép ta nhận diện được chiếc bánh như một phần của vũ trụ. Ăn như thế, bạn trở thành một con người mới. Hãy cho phép con người mới đó của bạn biểu hiện ra. Bạn có thể thực tập một mình hay với bạn bè, anh chị em để giúp họ làm mới con người họ trong mỗi phút giây thực tập.
Khi chúng ta mới bắt đầu thực tập, ta có cái sơ tâm. Sơ tâm là một cái tâm rất đẹp. Bạn có hứng khởi muốn tập, muốn chuyển hóa tự thân, muốn có bình an và phúc lạc. Niềm an vui đó sẽ lây sang người khác. Hãy làm bó đuốc và đem ngọn lửa của bạn châm cho các bó đuốc khác. Thực tập như thế, bạn đã mang lại hòa bình trên khắp thế giới, giúp cho niềm an lạc trên thế giới lớn lên.
Mỗi người chúng ta nên thực tập trở về (quay về với hiện tại). Khi thành công ta sẽ giúp được người chung quanh. Đây là sự tu tập thực sự của một con người sinh động. Những gì chúng ta làm hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, quét nhà, ăn uống…, đều có mục tiêu làm cho chúng ta thực sự sống lại. Sống thực sự từng phút từng giây, bạn tự đánh thức mình và đánh thức cả thế giới.
Tỉnh thức là bản chất của giáo pháp và thực tập. Bụt (Budh) có nghĩa là tỉnh thức. Người tỉnh thức là Buddha. Buddha (Bụt/Phật) là bất kỳ ai giảng dạy cho chúng ta giáo pháp về phép thực tập tỉnh thức. Mỗi chúng ta có thể là Bụt, có thể chuyển hóa, biến mình thành ngọn đèn, để giúp cho toàn nhân loại thức tỉnh.
(Hết chương 6)