Thích Nhất Hạnh
Phương Pháp Thực Tập Hạnh Phúc
Phần I.
HƠI THỞ Ý THỨC, HƠI THỞ MẦU NHIỆM
(Từ 14 đến 24)
14. Thiền Hành
Đi
thiền hành là một niềm vui lớn. Ta đi chậm rãi, đi một mình hay
đi với bạn, và nếu được, chọn một nơi nào để đi thiền hành. Ta đi mà
không cần phải tới, đi để được đi, vừa theo dõi hơi thở và vừa
ý thức từng bước chân. Không nghĩ đến tương lai hay quá khứ, không
nên để ưu tư phiền muộn vây quanh, ta sống cho giây phút hiện
tại.
Ta
đi như một người hạnh phúc nhất trên đời. Ta cũng có thể cầm tay một
em bé để đi.
Hàng
ngày ta vẫn đi nhưng ta thường đi như bị ma đuổi. Đi như vậy, ta để lại những dấu
vết hằn tất tả và phiền muộn lên mặt đất. Phải đi làm sao để dấu
chân ta in nét thảnh thơi và an lạc. Tất cả chúng
ta đều làm được điều đó nếu chúng ta thực lòng muốn thế. Và em
bé nào cũng làm được. Chỉ cần chúng ta bước được một bước thảnh
thơi là chúng ta sẽ bước được bước thứ hai, thứ ba, thứ tư...
Khi chúng ta bước được một bước có an lạc và hạnh
phúc, thì chúng ta cũng đang nuôi dưỡng và giữ
gìn hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Đi thiền
hành là một phép thực tập mầu nhiệm.
Khi
đi thiền ngoài trời, chúng ta có thể đi chậm hơn bình thường,
và chúng ta kết hợp hơi thở với bước chân. Ví dụ ta có thể
bước ba bước khi thở vào, và ba bước khi thở ra. Vừa bước ta vừa nói:
"vào, vào, vào, ra, ra, ra". Mỗi lần ta gọi tên một cái gì là ta làm
cho nó hiện rõ ra, như gọi tên một người bạn vậy.
Nếu
phổi bạn thích bạn bước bốn bước thay vì ba thì bạn hãy bước bốn bước. Nếu nó
muốn bạn bước hai bước thôi thì bạn bước hai bước. Hơi thở vào hay ra
có thể ngắn dài khác nhau. Ví dụ, bạn chỉ bước được ba bước cho hơi thở vào
nhưng lại muốn bốn bước cho thở ra. Khi đi thiền hành mà bạn cảm
thấy dễ chịu, thoải mái và an lạc tức là bạn
đã thực hành đúng phương pháp.
Bạn
hãy chú tâm đến sự tiếp xúc bàn chân trên mặt đất. Hãy đi
như là bạn đang hôn mặt đất. Chúng ta đã gây bao thương tổn cho
trái đất. Đã đến lúc ta phải biết chăm sóc trái đất. Chúng ta đi để
đem lại sự bình an cho trái đất và chia xẻ bài học tình
thương của ta. Trong khi đi, lâu lâu ta có thể dừng lại để ngắm một quang
cảnh đẹp, một gốc cây, một đóa hoa hay một đám trẻ con đang vui chơi.
Trong khi nhìn, ta vẩn theo dõi hơi thở để đừng đánh mất đóa hoa
đẹp vì những dòng suy tưởng của ta. Và ta lại tiếp tục đi nếu
ta muốn. Dưới mỗi bước, gió mát trổi dậy làm mới lại thân tâm. Dưới một
bước chân, một đóa hoa tươi nở rộ.
Điều này chỉ xảy ra khi ta biết sống trong hiện tại, không để tương lai hay quá khứ lôi cuốn ta đi.
15. Thiền Điện Thoại
Điện
thoại rất có ích cho ta trong đời sống hiện tại, nhưng nếu
không khéo léo, ta sẽ bị nó hành hạ không ít.
Nhiều
lúc ta muốn bực lên vì tiếng kêu không dứt của nó. Khi xử dụng nó, đôi khi ta
quên khuấy là ta đang nói chuyện bằng điện thoại, do đó mà ta phí phạm rất
nhiều thì giờ và tiền bạc.
Ta nói
huyên thuyên không cần biết những chuyện đó có đáng nói hay không qua điện
thoại, đến khi nhận hóa đơn, ta mới giật nảy mình vì số tiền lớn phải trả. Tiếng
điện thoại reo tạo một chấn động đôi khi làm ta lo lắng. Ta tự hỏi:
"Ai kêu vậy, chuyện buồn hay vui?" Và ta bị một sức mạnh không cưỡng
lại được đẩy ta tới cầm ống điện thoại lên. Ta trở thành nạn
nhân của máy điện thoại.
Tôi
đề nghị là lần sau khi bạn nghe chuông điện thoại reo, bạn vẫn đứng
yên tại chổ, theo dõi hơi thở vào ra, mỉm cười và
đọc bài kệ này: "Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng
chuông huyền diệu đưa về nhất tâm", tiếng chuông reo lần
thứ hai, bạn đọc lại lời kệ một lần nữa, vẫn mỉm cười vì nụ
cười làm thư giản những bắp thịt trên mặt, sự căng thẳng tan biến và
bạn cảm thấy vững chải hơn. Người gọi nếu có chuyện cần muốn nói với
bạn sẽ đủ kiên nhẫn để chờ bạn ít nhất là sau tiếng reo thứ
ba, cho nên bạn đừng lo ngại, hãy bình tâm thực tập hơi thở và nụ
cười để khi nghe tiếng chuông thứ ba, bạn chậm rãi đi về phía diện
thoại, hơi thở vẩn đều đặn và nụ cười vẩn giữ trên
môi.
Bạn
cũng biết không phải bạn chỉ cười cho bạn mà bạn cười cho người bên kia đầu dây
nữa. Bởi nếu bạn nóng nảy bực bội thì người bên kia đầu dây sẽ
lãnh đủ. Trái lại nếu bạn giữ vững nụ cười và hơi thở chánh
niệm, bạn sẽ đem nhiều an lạc cho người đang gọi bạn. Cho nên trước
khi gọi giây nói cho ai, bạn cũng tập thở vào và thở ra ba
lần. Có bài kệ cho bạn thực tập:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu
Bạn
hãy thở theo bài kệ ấy, một dòng cho hơi thở vào và một
dòng cho hơi thở ra.
Khi
nghe tiếng chuông reo bên kia đầu giây, bạn cũng biết là người bạn ấy
cũng đang tập thở và cười như bạn trước khi cầm ống nghe lên sau ba tiếng reo.
Bạn tự bảo: "Chị ấy đang tập thở, tại sao mình không làm được như chị ấy?" Thế
là cả hai bên đều tập thở cùng một lúc, thật là đẹp, phải không?
Bạn không cần phải vào thiền đường mới có thể tập thiền. Bạn có thể tập thiền ngay tại văn phòng làm việc hay tại nhà. Tôi không biết các nhân viên tổng đài điện thoại có thể thực tập thiền điện thọai hay không vì quá nhiều điện thoại reo cùng một lúc. Tôi nhờ các bạn tìm cho họ một phương pháp để tập thiền điện thọai. Riêng chúng ta, chúng ta nên tập ba hơi thở trước khi cầm ống nghe hay gọi điện thọai cho ai. Tập thiền điện thọai giúp ta bớt căng thẳng và sống có chánh niệm hơn.
16. Thiền Lái Xe
Ở Việt
Nam, cách đây bốn mươi lăm năm, tôi là ông thầy tu đầu tiên dám cỡi xe đạp. Hồi
đó, một thầy tu đi xe đạp được xem như không có oai nghi. Ngày
nay thì các nhà tu lái xe hơi và còn cỡi mô tô chạy vù vù. Để thích
ứng với đời sống mới, chúng ta phải biết hiện đại hóa lối
tu thiền. Tôi có làm một bài kệ, lái xe để chúng ta thực tập trước
khi rồ máy. Bài kệ như sau:
Trước khi cho máy nổ
Tôi biết tôi đi đâu
Tôi với xe là một
Xe mau tôi cũng mau
Nhiều
khi chúng ta không thực sự cần xử dụng xe hơi mà tại
vì chúng ta muốn trốn tránh chính mình nên ta muốn lái xe
đi đâu đó. Ta cảm thấy một sự trống trải trong tâm hồn và
ta không muốn đối diện nó. Ta không thích bị bận bịu suốt ngày nhưng
hễ có chút thì giờ rảnh, ta lại sợ phải đối diện với chính mình.
Ta muốn chạy trốn. Hoặc là ta mở máy truyền hình, ta gọi điện thoại, ta đọc
tiểu thuyết, ta tìm một người bạn để đi phố chơi hoặc là ta phải rồ xe chạy
đi đâu đó, đi đâu cũng được. Chính nền văn minh của chúng
ta đã dạy ta cách hành xử như vậy và cung cấp cho ta đủ mọi tiện
nghi để ta đánh mất chính ta. Nếu đúng vào lúc bạn định vặn chìa khóa để rồ
xe chạy mà bạn đọc bài kệ này, nó sẽ như ánh đuốc soi
sáng cho bạn và bạn chợt thấy là mình không cần đi đâu cả. Vì đi đâu, bạn
cũng không thoát khỏi được cái "ta". Do đó mà tốt
hơn hết là bạn tắt máy và bạn hãy đi thiền hành. Chắc chắn bạn
sẽ thấy thú vị hơn nhiều.
Người
ta nói là chỉ trong mấy năm gần đây thôi, hàng triệu mẫu rừng đã bị tiêu
diệt vì mưa át xít, mà một phần là do khói xe hơi. " Trước khi cho
máy nổ, tôi biết tôi đi đâu ". Tôi biết tôi đi đâu? Đó là một câu hỏi rất
quan trọng. Có phải tôi đi đến chỗ tận diệt của chính tôi? Bởi vì nếu cây cối
chết hết thì con người cũng phải chết theo. Nếu việc bạn phải đi
là cần thiết thì bạn chẳng nên chần chờ, trái lại nếu nó
chưa cần thiết, bạn nên rút chìa khóa ra và bước xuống xe. Bạn
có thể đi thiền hành dọc theo bờ sông hay trong một công viên. Nơi
đó, bạn sẽ tìm thấy lại chính mình và cây cối là những người bạn gần
gũi của mình.
Chúng
ta thường có quan niệm rằng xe hơi là vật sở hữu của
ta, ta là chủ chiếc xe hơi, điều đó chưa hẳn là đúng. Khi ta xử dụng một cái gì
thì ta trở nên cái đó. Người chơi đàn vĩ cầm cũng trở nên đẹp như tiếng đàn anh
dạo. Người cầm một cây súng trở nên rất nguy hiểm. Khi ta lái xe thì ta và chiếc
xe là một.
Trong
đời sống văn minh hiện đại, lái xe là một nhu cầu hằng
ngày. Tôi không bảo bạn đừng lái xe, tôi chỉ mong bạn xử dụng nó một cách
có ý thức. Khi lái xe, chúng ta thường chỉ mong cho mau tới
"chỗ" đó. Nếu chúng ta xem đèn đỏ như tiếng
chuông chánh niệm giúp chúng ta trở về với giây
phút hiện tại thì lần sau gặp đèn đỏ, ta liền mỉm cười và vừa
thở vừa đọc thầm bài kệ: "Thở vào tâm tỉnh lặng, thở
ra miệng mỉm cười." Tức khắc chúng ta chuyển đổi cảm
giác khó chịu thành dễ chịu. Cũng cây đèn đỏ đó mà bây giờ nó khác.
Bây giờ nó là người bạn giúp ta nhớ rằng chỉ có giây phút hiện tại là
đáng sống.
Cách
đây mười năm tôi qua Montréal, Gia Nã Đại. Để hướng dẩn một khóa tu. Một
hôm, một người bạn lái xe chỗ tôi đi ngang qua thành phố để lên núi.
Tôi nhận thấy rằng chiếc xe nào ngừng đằng trước cũng có bảng số ghi
hàng chữ bằng tiếng Pháp "Je me souviens" có nghĩa là " tôi nhớ".
Tôi không biết họ muốn nhớ cái gì, có thể là họ muốn nhớ tới gốc rễ văn
hóa Pháp của họ, nhưng tôi bảo người bạn là tôi đã có món quà để tặng anh
ta. Tôi bảo anh ta: " Này bạn, khi nào bạn thấy thấm bảng " Je me
souviens", bạn nhớ thở và cười nhé. Đó là tiếng chuông chánh niệm đó.
Như vậy bạn tha hồ thở và cười khi lái xe ngang qua thành phố
Montréal ".
Người
bạn rất thích thú và đem niềm vui đó chia xẻ ngay với các bạn
của anh ta. Sau đó khi anh qua Pháp để thăm tôi thì anh bảo là ở Paris
khó thực tập chánh niệm quá vì không có mấy tấm bảng số ghi
"Je me souviens" như ở Montréal. Tôi bảo anh: "Ở Paris, chỗ
nào mà không có đèn đỏ và những tấm bảng STOP hở anh? Chúng cũng là những tiếng
chuông chánh niệm đó chứ!"
Khi
về lại Montréal, anh ấy cũng đã đi ngang qua Paris, nên anh viết cho tôi một bức
thư rất dễ thương: " Thưa thầy, ở Paris, con cũng thực tập được
rất dễ dàng. Mỗi khi có một chiếc xe ngừng trước mặt con là con thấy
Bụt nháy mắt với con và con đã biết thở và mỉm cười để trả lời Ngài.
Bây giờ con mới biết lái xe trong Paris là một điều tuyệt diệu.
Cho nên khi nào bị kẹt xe, bạn đừng tìm cách lèo lái để thoát nạn kẹt xe làm gì, vô ích. Bạn dựa lưng vào nệm xe, thân tâm buông thả, miệng mỉm cười, một nụ cười đầy từ, bi, hỉ, xả. Thở và mỉm cười, an trú trong giây phút hiện tại, bạn có thể làm cho những người ngồi chung xe với bạn cảm thấy an lạc. Hạnh phúc lúc nào cũng có mặt nếu bạn biết thở và mỉm cười. Thiền là biết trở về với giây phút hiện tại để thấy rõ bông hoa, trời xanh và em bé. Hạnh phúc là một điều có thật.
17. Quay Về Một Mối
Chúng
ta thường chia đời sống thành nhiều ngăn. Làm
sao chúng ta mang thiền ra khỏi thiền phòng, đem nó đi
vào nhà bếp và phòng làm việc? Ở thiền phòng, chúng ta ngồi im
lặng theo dõi từng hơi thở. Làm sao để việc ngồi thiền có tác
dụng cả những lúc ta không ngồi thiền? Cũng như khi vị bác
sĩ tiêm một mũi thuốc vào cánh tay bạn, không phải chỉ cánh tay mà cả toàn
thân bạn đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi bạn ngồi thiền được nữa
giờ, sự an lạc mà bạn có được trong nữa giờ đó phải được tỏa rạng trong
suốt hai mươi bốn giờ chứ không phải chỉ trong lúc ngồi thiền nữa
giờ mà thôi. Chúng ta phải thực tập như thế nào để không
còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi
thiền.
Trong thiền
phòng, chúng ta đi kinh hành từng bước chậm rãi, có ý thức.
Nhưng tại phi trường và trong siêu thị, ta trở nên một con người khác.
Ta không còn giữ được chánh niệm, ta đi như bị ma đuổi. Làm thế nào để khi
ra khỏi thiền phòng ta vẫn giữ chánh niệm? Tôi có một người bạn biết thực
tập hơi thở giữa những tiếng reo của điện thoại và điều đó giúp ích
cho anh ta rất nhiều. Một người bạn khác làm áp-phe nhưng biết đi thiền
hành khi đến những nơi hẹn, đi rất khoan thai chậm rãi trên đường phố
Denver khiến người qua đường phải nhìn anh mỉm cười. Nhờ vậy
mà những buổi gặp gỡ làm ăn của anh lúc nào cũng thoải
mái và thành công dù với những người khó tánh nhất.
Chúng ta phải biết áp dụng thiền tập vào đời sống hàng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận làm cách nào cho hay. Bạn có tập thở trong khi nghe chuông điện thoại reo? Bạn có tập mỉm cười không khi xắt cà-rốt? bạn có tập buông thả không, sau những giờ làm việc mệt mỏi? Đó là những câu hỏi rất thiết thực. Nếu lúc ăn ngủ, nghỉ, lúc nào bạn cũng thiền, thì đời sống hằng ngày của bạn là một đời sống thiền và điều này sẻ ảnh hưởng lớn lao đến đời sống xã hội. Mà thiền là sống có chánh niệm trong từng giây phút, nó không còn là một ý tưởng mơ hồ và xa vời, tách rời khỏi cuộc sống.
18. Cắt Cỏ Và Thở
Có
bao giờ bạn cắt cỏ với một cái phảng? Bây giờ ít ai dùng phảng. Cách đây
mười năm, tôi mua một cái phảng để cắt cỏ quanh cái cốc của tôi ở. Tôi mất cả tuần
lễ mới tìm ra cách để xử dụng nó một cách hữu hiệu. Bạn phải biết
thế đứng, thế cầm phảng và đặt lưỡi dao trên cỏ như thế nào. Tôi nhận thấy rằng
nếu tôi biết kết hợp hơi thở với những động tác của tay và làm một
cách thong thả có ý thức thì tôi có thể làm rất lâu. Nếu
không, chừng mười phút sau là tôi đã thấy mệt.
Những
năm gần đây tôi để ý tránh không làm mình mệt và đánh mất
hơi thở? Tôi biết săn sóc cho thân thể tôi, biết tôn
trọng nó như người nhạc sĩ tôn trọng cây đàn. Tôi không còn
xem thân thể như một dụng cụ để đạt đến một mục
đích nào đó. Nó chính là mục đích của tôi rồi, cho nên tôi đối xử
với nó một cách dịu dàng. Tôi cũng đối xử như vậy với cái phảng cắt cỏ.
Trong khi làm việc, tôi theo dõi hơi thở, tôi có cảm tưởng cái
phảng cắt cỏ cũng thở với tôi.
Một ngày kia, có một người hàng xóm già đến thăm. Ông chỉ tôi cách dùng phảng. Ông ta sành sỏi hơn tôi nhiều, nhưng thế đứng và những động tác của ông cũng không khác gì tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông cũng kết hợp hơi thở với những động tác của ông. Từ đó, mỗi khi thấy ai cắt cỏ với phảng, tôi cứ nghĩ là họ cũng đang thực tập chánh niệm.
19. Vô Nguyện
Ở Tây
phương, người ta làm việc gì cũng phải có mục đích hẳn hòi. Đi
đâu, người ta cũng chỉ nghĩ tới chuyện đến, và người ta chỉ nhắm thẳng hướng đó
mà đi đến. Cái đó cũng có cái lợi, nhưng đôi khi chúng ta quên mất
cái thú đang được đi trên đường.
Trong
đạo Bụt có một giáo lý gọi là vô nguyện, nghĩa là ta chẳng cần
phải chạy theo một cái gì cả vì cái gì cũng có sẵn trong ta rồi. Khi đi
thiền hành, chúng ta chẳng cần phải tới nơi nào hết. Chúng
ta chỉ cần bước những bước thật an lạc và thảnh thơi. Nếu cứ
nghĩ đến tương lai, để những gì mình phải đạt được, thì chúng
ta quên mất những bước chân. Khi ngồi thiền cũng vậy. Mình ngồi
vì mình thích ngồi vậy thôi, không phải để đạt được một cái gì hết.
Điều này rất quan trọng. Khi ngồi thiền, mỗi giây phút đưa mình tiếp
xúc với sự sống, nên suốt buổi ngồi thiền mình cảm thấy rất an
lạc. Khi ăn một múi quít hay uống một chén trà cũng vậy, mình phải ăn và uống
trong tinh thần vô nguyện đó.
Thường
thường chúng ta tự bảo rằng:" Không nên ngồi ì ra đó. Phải làm một
cái gì chứ". Nhưng khi thực tập chánh niệm, ta thấy rằng chẳng cần
phải làm gì cả, chỉ cần ngồi yên và có mặt như vậy thôi. Học
cách ngồi yên là học cách dừng lại là để nhìn cho rõ.
Lúc
đầu ta tưởng rằng dừng lại là một hình thức phản kháng đời
sống hiện tại, thật ra không phải thế. Đó không phải là một thái độ chống
trả mà là một nghệ thuật sống. Nhân loại có tồn tại được
hay không là tùy ở khả năng biết dừng lại của chúng ta. Hiện nay thế
giới có hơn 50.000 đầu đạn nguyên tử, thế mà người ta vẩn chưa muốn dừng lại,
vẫn còn muốn chế tạo nhiều hơn nữa. Cho nên dừng lại không những là dừng lại những
cái nguy hại mà còn tạo cơ hội cho những cái lành phát triển.
Chúng
ta tu là vì vậy, không phải để trốn thoát đời sống mà
chính là để chứng nghiệm rằng hạnh phúc trong cuộc đời là
có thật, có ngay bây giờ và trong tương lai. Muốn có hạnh
phúc thì phải có chánh niệm. Chánh niệm là nền tảng của hạnh
phúc. Nếu chúng ta không biết rằng chúng ta đang có hạnh
phúc thì làm sao hạnh phúc có mặt được?
Khi chúng ta bị nhức răng, chúng ta mới biết rằng không nhức răng là một điều hạnh phúc. Thế mà khi không bị nhức răng, chúng ta không thấy hạnh phúc. Trong cuộc đời còn biết bao nhiêu điều mầu nhiệm nhưng vì không tu tập chánh niệm nên ta không biết thưởng thức. Khi có tu tập chánh niệm, ta mới biết trân quý những cái mầu nhiệm đó, ta mới biết giữ gìn chúng. Biết chăm sóc cho hiện tại là biết chăm sóc cho tương lai. Muốn tạo an lạc cho tương lai thì phải biết tạo an lạc cho giây phút hiện tại.
20. Đời Sống Là Một Tác
Phẩm Nghệ Thuật
Sau
một khóa tu ở miền Nam California, có một nghệ sĩ đã hỏi tôi: "Thưa Thầy,
con phải nhìn cái hoa như thế nào để lột hết vẻ đẹp của nó trong bức
tranh của con?" Tôi đã trả lời: "Nếu anh nhìn cái hoa với ý
đồ như vậy thì khó mà thấy được vẻ đẹp của hoa. Hãy buông bỏ mọi
toan tính thì anh mới mong tiếp xúc được với hoa." Cũng anh
chàng đó nói với tôi: "Thưa Thầy, khi con ngồi với một người bạn, lúc nào
cũng vì có một cái lợi gì đó". Dĩ nhiên một người bạn có thể
giúp ta rất nhiều, nhưng một người bạn không phải chỉ là một cái nguồn lợi
lạc. Đến với một người bạn không phải để nhờ cậy giúp đỡ, nâng đỡ hay
khuyên nhủ, mà đó là cả một nghệ thuật.
Chúng
ta có thói quen khi làm gì là để mong cầu một cái gì đó. Cái đó
ta gọi là "óc thực tế" và ta cho là chân lý, là cái mà ta phải
trả giá. Ngồi thiền để đạt tới chân lý, hẳn chúng ta sẽ
được đền bù xứng đáng. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ như vậy.
Nhưng sự thực có thể là khác. Khi hành thiền, chúng ta dừng lại
và chúng ta nhìn sâu hơn. Chúng ta dừng lại là đã có mặt với
chính mình, với cuộc đời. Khi chúng ta biết dừng lại
là chúng ta đã bắt dầu thấy và khi thấy là đã có thể hiểu "An lạc, thảnh
thơi là hoa trái của sự tu tập này".
Chúng
ta phải nắm vững nghệ thuật dừng lại để thật sự có mặt với bạn mình và với
bông hoa. Làm sao để cho an lạc có mặt trong một xã hội mà mọi
người đã quen toan tính lợi lộc? Làm sao để nụ cười chúng ta tỏ
lộ niềm vui thực sự chứ không phải chỉ là một hình thức xã giao? Khi
ta biết mỉm cười với ta là ta chứng tỏ rằng ta có chủ quyền
thực sự, ta không đánh mất chính mình. Ta có thể làm thơ ca ngợi sự
dừng lại, sự hiện hữu mầu nhiệm không mong cầu, không toan tính;
ta cũng có thể vẻ một bức tranh, như khi ta đi thiền hành trong
siêu thị hay khi ta trồng cải xà lách.
Mỗi giây phút sống trong chánh niệm, làm trong chánh niệm và an trú vững chãi trong chánh niệm, cho dù chúng ta không vẽ hay làm thơ thì cũng bằng như ta đang vẽ và ta làm thơ. Con người ta tỏa rạng niềm vui và sự an lạc, ta làm cho cuộc đời thêm đẹp và mọi người bên ta thêm tươi. Sự có mặt tươi mát của ta, thảnh thơi và vững chải, là một tác phẩm nghệ thuật sống động mà ta chẳng cần phải nhiều lời, thế giới quanh ta nhờ thế mà cũng tỏa rạng sự vững chãi và thảnh thơi.
21. Hy Vọng Trông Chờ Đôi
Khi Là Một Trở Ngại
Có niềm
tin, có hy vọng là một điều quan trọng. Bởi vì nhờ có niềm
tin, nhờ có hy vọng mà ta có thể chấp nhận hiện tại một
cách dễ dàng hơn. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai có thể khá hơn thì
những gian nan của ngày hôm nay ta không còn thấy nhọc nhằn lắm.
Nhưng khi nhìn sâu vào bản chất của hy vọng, tôi vẫn thấy có
gì bi đát. Bởi vì chúng ta bám vào cái hy vọng là ngày
mai sẽ sáng sủa hơn nên ta không chịu tập trung mọi nổ lực cho hiện tại. Chúng
ta cứ chờ đợi ở ngày mai chúng ta sẽ đạt tới một nơi tốt đẹp hơn, an
bình hơn, ngày mai chúng ta sẽ được về nước Phật hay nước Chúa.
Do đó mà hy vọng trở thành một loại trở ngại. Vì cứ hy vọng ở
ngày mai mà ta không sống hết mình cho hiện tại và không thấy được rằng
niềm vui đã có sẵn bây giờ và ở đây.
Tự
do, giải thoát và an lạc không do ai mang tới cho ta hết. Tự
do, an lạc và giải thóat như cái giếng nước nằm sâu trong ta, ta phải đào
sâu nó ngay bây giờ thì nước ngọt sẽ phun ra. Ta phải trờ về với giây
phút hiện tại để sống cho sâu sắc; ta thực tập hơi thở chánh
niệm để có thể tiếp xúc được với giây phút hiện tại, Nơi sự
sống mầu nhiệm đang hiển bày dưới muôn hình muôn vẻ.
Văn
minh Tây Phương chú trọng quá nhiều vào viễn tượng một ngày
mai huy hoàng khiến ta phải hy sinh cái hiện tại. Người ta chỉ đặt hy
vọng ở ngày mai, do đó mà ta không tiếp xúc được với những niềm
vui, những tự do và giải thoát đang có mặt trong hiện
tại.
Có
nhiều tôn giáo đặt nền móng trong niềm tin xa xôi
này, do đó nếu nói ngược lại chắc ta sẽ gây nhiều phản ứng mạnh.
Nhưng đôi khi những chấn động cũng cần để tạo ra những thay đổi quan
trọng. Tôi không có ý nói rằng bạn không nên có hy vọng. Tôi chỉ muốn nói
là chỉ có hy vọng thôi thì chưa đủ. Hy vọng như vậy chỉ là
trở ngại, bởi vì nếu bạn chỉ muốn trao gửi mình cho hy vọng thì bạn
không sống hết lòng cho hiện tại. Nếu bạn dùng tất cả năng
lực để ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong giây
phút hiện tại, bạn sẽ phá vỡ được bức tường của một tương lai xa xôi để khám
phá ngay, trong lúc này và ở đây, những nguồn suối an lạc đang
tuôn trào trong con người bạn và xung quanh bạn.
Ông
A.J.Mustle - người hướng dẫn phong trào hòa bình ở Mỹ Châu, người đã
làm bao triệu trái tim thổn thức- đã nói rằng: "Không có con đường dẫn
tới hòa bình. Hòa bình chính là con đường". Điều này có nghĩa
là chúng ta có thể thực hiện hòa bình ngay trong giờ
phút hiện tại, bằng cái nhìn hiểu biết, bằng nụ cười, bằng những lời từ
ái và những hành động thương yêu.
Hòa bình không phải là một phương tiện. Hòa bình phải được thể hiện ngay trong từng bước chân an lạc, thảnh thơi. Chỉ cần chúng ta quyết tâm là chúng ta làm được điều đó. Chúng ta không cần phải đợi tới ngày mai. Chúng ta chỉ cần buông thư và mỉm cười là chúng ta có thể bắt đầu có tất cả những gì chúng ta mong muốn trong giờ phút hiện tại.
22. Bông hoa va nụ cười ngài
Ca Diếp
Có câu
chuyện thiền về bông hoa mà giới thiền tông ai cũng biết. Một
ngày kia, Bụt đưa một cành hoa lên trước cử tọa 1.250 vị khất
sĩ. Ngài không nói một lời nào. Ai cũng suy nghĩ nát óc để tìm
hiểu ý của Ngài. Bỗng nhiên thấy Bụt mỉm cười. Ngài mỉm cười vì
một người trong đoàn khất sĩ đã mỉm cười với Ngài và với
bông hoa. Người đó tên là Ma Ha Ca Diếp. Trong đoàn khất sĩ chỉ
có một mình Ca Diếp mỉm cười và được đức Bụt cười lại. Ngài
nói: "Ta có kho tàng của cái thấy chánh pháp và ta đã trao truyền
kho tàng ấy cho Ca Diếp".
Câu
chuyện đã được bàn cải sôi nổi trong giới thiền tông qua nhiều thế
hệ và cho đến nay người ta vẫn còn đi tìm ý nghĩa của
nó. Với tôi, tôi hiểu rất đơn giản. Khi có người nâng một cành hoa
lên trước mắt bạn. Người ấy muốn bạn nhìn thấy bông hoa. Nếu đầu óc bạn
bận bịu suy nghĩ thì làm sao bạn nhìn thấy bông hoa?
Chỉ
có người nào đầu óc không bận bịu tính toán, người đó đang thảnh
thơi thì mới có thể tiếp xúc được với bông hoa và mỉm cười.
Cho
nên vấn đề là ở chỗ có mặt trong giây phút hiện tại, nếu
không ta sẽ đánh mất tất cả. Khi một em bé đến với bạn và mỉm cười với
bạn, nếu bạn không có mặt ở đó, nếu bạn đang bận suy nghĩ về tương
lai hay quá khứ hay với bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời, thì
dù em bé đang có mặt cũng bằng như không có mặt đối với bạn. Cho nên
nghệ thuật sống là biết trở về với chính mình để có thể thấy được em
bé là một thực tại tuyệt vời.
Lúc
ấy bạn mới có thể thấy được nụ cười của em bé và ôm em bé vào lòng.
Tôi
muốn đọc cho bạn nghe bài thơ của một người bạn đã chết tại Sài Gòn cách đây mười
lăm năm. Lúc ấy anh ta mới hai mươi tám tuổi. Sau khi anh ta chết,
người ta tìm thấy nhiều bài thơ thật hay. Khi tôi đọc bài thơ này của
anh, tôi đã giựt mình. Chỉ có một vài dòng, nhưng bài thơ thật đẹp:
Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Tôi sụp lạy cúi đầu.
"Em" đây
là một đoá hoa thược dược mà thi sĩ Quách Thoại chợt nhìn thấy một buổi sáng
khi đi ngang qua một hàng dậu, anh ta sững sờ, dừng lại và viết bài thơ
này.
Bài
thơ làm tôi rất cảm động. Bạn có thể cho là nhà thơ hơi huyền bí, vì cách
nhìn và diễn đạt sự vật hơi bí hiểm. Thật ra thi sĩ cũng là một
người bình thường như chúng ta. Tôi không biết nhờ đâu mà
buổi sáng đó anh ta đã nhìn thấy được đóa hao một cách sâu sắc như vậy. Chúng
ta thực tập chánh niệm là để có thể nhìn sâu vào lòng mọi sự vật trong
đời sống hàng ngày, lúc uống trà, lúc đi thiền hành, thiền tọa,
hay cắm hoa.
Nếu ta dừng lại để quay trở về với chính mình, ta sẽ tiếp xúc được dễ dàng với những mầu nhiệm của đời sống trong giây phút hiện tại.
23. Phòng thờ
Trong
nhà chúng ta có đủ các thứ phòng, phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách,
nhưng chúng ta không có phòng nào để thực tập chánh niệm.
Tôi khuyên bạn nên dành một phòng nhỏ để làm phòng thở, nơi đó, những khi gặp
chuyện khó khăn, ta vào để được ngồi một mình để được thực tập,
vừa mỉm cười vừa thở. Căn phòng đó phải được xem như là tòa
đại sứ của Vương Quốc Tịnh Độ mà những người hay giận dữ, la
ó không được quyền xâm phạm.
Khi
một em bé cảm thấy mình sắp sửa bị la rầy, em có thể vào tạm trú
trong căn phòng đó. Cha hay mẹ em lúc đó không thể nào la em được vì em được bảo
vệ an toàn trong cái toà đại sứ ấy. Ngay cả cha mẹ em đôi
khi cũng cần an trú trong căn phòng nhỏ ấy, để có thể khôi phục lại con
người mình bằng nụ cười và hơi thở. Cho nên căn phòng gọi là phòng thở
có thể mang lại nhiều lợi lạc cho mọi người trong gia
đình.
Tôi
đề nghị là chúng ta trang hoàng phòng thở cho thật giản dị, nhất
là đừng sáng quá. Trong phòng có một cái chuông nhỏ, tiếng thật trong, một
vài cái ghế hay nệm ngồi thiền, một bình hoa để nhắc nhở cho ta trở về cái bản
lai diện mục của ta. Tự tay ta hay con cái ta có thể cắm bình hoa đó
trong chánh niệm và với nụ cười. Khi nào ta cảm thấy trong
người bần thần, khó chịu, ta biết rằng ta nên vào trong căn phòng ấy, mở nhẹ
cánh cửa, ngồi xuống, thỉnh chuông và thở. Tiếng chuông không những
chỉ giúp cho người đang ngồi trong phòng thở mà cả những người khác ở
trong nhà.
Giả
dụ ông nhà đang bực bội. Nhưng từ khi học được cách thở, ông ta biết
tốt nhứt là nên đi vào phòng thở, ngồi xuống và thực tập. Có thể
bạn không biết ông ta đi đâu. Bạn đang xắt cà rốt hơi mạnh tay, và qua cử
chỉ đó, người ta biết bạn đang tức tối. Bất chợt bạn nghe tiếng
chuông vang lên. Bạn liền ngừng tay xắt cà rốt và thở. Bạn cảm lòng nhẹ
ra, và bạn mỉm cười. Bạn nghĩ đến đức ông chồng của bạn; bây giờ ông ta đã
hiểu ông phải làm gì khi ông bắt đầu nổi nóng. Ông ta hiện đang ngồi trong
phòng thở, vừa thở vừa mỉm cười. Điều đó tuyệt diệu lắm nhưng ít
ai chịu làm. Bất chợt như có một cái gì thật dịu dàng thoáng qua trái
tim và bạn cảm thấy lòng êm ả lại. Sau ba hơi thở, bạn bắt dầu xắt
cà rốt trở lại, nhưng lần này không còn mạnh tay nữa.
Đứa
con gái bạn, khi chứng kiến cảnh cải vã, biết rằng giông tố sắp nổi
lên. Em rút vào phòng, đóng cửa lại, và im lặng chờ đợi. Bất
chợt em nghe tiếng chuông vang lên. Em hiểu chuyện gì rồi. Em thở
phào nhẹ nhỏm và muốn đi ra để tỏ lòng biết ơn ba em. Em đi chầm
chậm về phía phòng thở, mở cửa phòng thật nhẹ nhàng, đi
vào và im lặng ngồi xuống bên cạnh ba để ủng hộ ba.
Hành động này rất khích lệ ba em. Ông đã định bước ra khỏi phòng, bây
giờ ông đã có thể mỉm cười, nhưng vì có cô gái ngồi bên cạnh ông, ông muốn
thỉnh thêm một tiêng chuông nữa cho con gái được thở.
Trong
nhà bếp, khi bạn nghe tiếng chuông thứ hai, bạn liền ngừng tay xắt cà
rốt. Bạn bỏ dao xuống và chầm chậm đi về phía phòng thở. Ông nhà biết
là cánh cửa đang mở và bạn đang bước vào. Khi thấy bạn, ông ta cảm thấy khỏe
lắm ròi, nhưng ông vẩn ngồi nán thêm một chút nữa, thỉnh thêm mộ tiếng
chuông cho bạn thở. Hình ảnh đó thật đẹp. Nếu bạn là triệu phú,
bạn có thể mua một bức tranh của Van Gogh để treo trong phòng khách.
Nhưng tôi dám chắc bức tranh của Van Gogh chưa hẳn đã đẹp bằng hình
ảnh của một gia đình đang xum họp trở lại trong phòng
thở.
Cho
nên cảnh hoà hợp hạnh phúc là một trong những hình ảnh đẹp
và sống động nhất của sinh hoạt con người. Tôi biết có
nhiều gia đình có con cái sau khi ăn sáng xong, vào phòng thở, thở mười
hơi trước khi đi học. Con của bạn có thể thở chừng ba hơi cũng đủ. Bắt đầu một
ngày bằng cách thở và mỉm cười để nuôi dưỡng chánh niệm thì
còn gì tuyệt vời hơn. Cả gia đình sẽ được hưởng lợi lạc,
và buổi chiều khi đi làm về, bạn vẫn còn giữ được nụ cười, chứng tỏ rằng chánh
niệm còn có mặt.
Tôi nghĩ rằng mỗi gia đình nên có một phòng thở để thực tập những phương pháp đơn giản như thở và cười. Điều đó rất quan trọng. Bởi vì nó có thể thay đổi nền văn minh của chúng ta. Trong xã hội văn minh của ngày mai, nhà nào cũng sẽ có một phòng thở.
24. Cuộc hành trình tiếp tục
Chúng
ta đã cùng nhau đi thiền hành trong chánh niệm, học thở
và mỉm cười suốt ngày dù là ở nhà hay ở sở làm.
Chúng
ta cũng đã thảo luận về việc ăn cơm có chánh niệm, rửa
chén, lái xe, trả lời điện thoại và cắt cỏ với cái phảng. Dù là
việc gì, chúng ta cũng làm trong chánh niệm, đó là nền tảng của một
đời sống hạnh phúc.
Nhưng đối với những xúc cảm mạnh như là giận, buồn, hối hận hay tuyệt vọng thì ta phải đối phó như thế nào? Trong năm mươi năm qua, Tôi đã học được cũng như đã khám phá được một số những phương pháp để chuyển hoá và trị liệu những loại tâm sở này. Cuộc hành trình của chúng ta như vậy sẽ bước sang giai đoạn hai.
(Hết Phần 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét