Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Saigon Books - thuộc bản quyền Reverhead Books
Chân Huyền dịch Việt ngữ
Chương 5
BẮT ĐẦU LẠI.
Trước khi chúa Jesus sinh ra thì Ngài ở đâu? Tôi đã hỏi nhiều người bạn Thiên Chúa giáo câu hỏi này từ nhiều năm. Nếu chúng ta muốn nhìn sâu vào câu hỏi đó, ta phải hiểu về cuộc đời và cái bản chất của Jesus như là những biểu hiện. Chúa không sinh ra từ hư vô được. Không phải từ hang đá Bethlehem mà Jesus trở thành một con người. Ngày Chúa ra đời chỉ là một sự biểu hiện: Jesus đã hiện hữu trước giây phút mà ta gọi là Giáng Sinh đó. Vậy thì ta cũng không nên gọi đó là đản sinh. Thật sự, đó không phải là sự ra đời mà đó chỉ là một sự biểu hiện. Nhìn sự biểu hiện đó với con mắt trí tuệ, ta có cơ hội nhìn sâu vào con người của Chúa Jesus. Ta có thể khám phá được sự thật về tính cách bất tử của Chúa. Ta có thể khám phá được tính cách vô sinh bất tử về bản chất chân thực của chính mình.
Người Thiên Chúa giáo nói rằng Thượng đế đã gửi người con duy nhất của Ngài là Jesus xuống thế gian. Vì có thượng đế, vì Jesus là một phần của Thượng đế và là con của Ngài, Jesus đã hiện hữu sẵn rồi. Ngày Chúa ra đời, dịp Giáng Sinh, chỉ là ngày Ngài biểu hiện ra chứ không phải mới sinh ra. Đó chỉ là ngày có sự biểu hiện.
Jesus vẫn còn biểu hiện ra trong trăm ngàn phương cách. Ngài có mặt chung quanh bạn. Chúng ta cần tỉnh thức để nhận diện ra các biểu hiện của Ngài. Nếu bạn không có chú tâm và tỉnh thức thì bạn sẽ không thấy được các biểu hiện của Ngài. Buổi sáng khi đi thiền hành bạn có thể thấy Ngài biểu hiện trong một bông hoa, một giọt sương, trong tiếng hót của một con chim hay tiếng trẻ con nô đùa trên sân cỏ. Chúng ta phải rất cẩn thận để nhận biết được tất cả mọi thứ và trân trọng.
Theo giáo pháp và trong các lý giải Phật giáo, chúng ta đều có chung nhau bản chất vô sinh bất diệt. Không chỉ loài người mà các loài vật, cây cỏ, đất đá cũng có cùng bản chất như thế. Cái lá và bông hoa có chung bản chất không sinh không diệt. Trong mùa Đông chúng ta không thấy hoa hướng dương hay con chuồn chuồn nào xuất hiện, ta không nghe chim cúc cu hót. Hầu như chúng không hiện hữu trong mùa Đông. Nhưng ta biết quan niệm này sai. Vào đầu mùa Xuân, tất cả sinh vật đó lại biểu hiện ra. Mùa Đông chúng đã ở chỗ nào đó, dưới một hình thức khác, đợi các điều kiện thuận lợi mới lại xuất hiện. Cho rằng chúng không hiện hữu vào mùa Đông là một quan niệm sai lầm.
BÀI 1
QUA ĐỜI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ MẤT ĐI
Ta cũng cần hỏi: “Nếu Jesus không sinh ra thì làm sao Ngài chết đi được? Dù cho bị đóng đinh, nhưng Ngài có ngừng hiện hữu không? Và Jesus có cần phục sinh không?
Có thể nào việc đóng đinh Chúa không phải là cái chết của Ngài? Có thể đó là điều kiện cho một sự ẩn tàng thôi? Bản chất thật của Ngài là vô sinh bất diệt. Đó là sự thật không chỉ dành cho Jesus mà cho tất cả chúng ta. Trong ý nghĩa đó, đám mây cũng vậy, hoa hướng dương và tôi hay bạn cũng có cùng bản chất đó. Chúng ta cũng là những vật chất ở thế gian này, không được sinh ra mà cũng không chết đi. Vì Jesus không bị chuyện sinh diệt ảnh hưởng nên chúng ta gọi Ngài là Chúa ngàn đời. Nhưng thật tuyệt vì chúng ta cũng như vậy.
Nhìn vào sự vật bằng quan niệm biểu hiện là một sự hiểu biết sâu xa và có thực. Nếu người thân của bạn đã qua đời mà bạn nghĩ họ không còn hiện hữu, là một lầm lỗi. Hư vô không thể trở thành một thứ gì. Hư vô chẳng thể sinh ra một người nào đó được. Đang từ có bạn không thể trở thành không và từ không chẳng thể trở thành có. Đó là chân lý. Nếu người yêu không còn biểu hiện ở hình tướng bạn thường thấy nữa, đó không phải vì người kia trở thành hư không. Nhìn cho kỹ, bạn có thể tiếp xúc được với người đó ở các biểu hiện khác như đất, mưa, trong gió, và hơi ấm mặt trời.
Một ngày, tôi cầm tay người cha vừa mới chôn cất đứa con trai nhỏ của ông. Tôi mời ông đi với tôi để tìm con trai ông trong các hình tướng mới. Cậu bé đã tới Làng Mai khi còn rất nhỏ, cậu được tu học và rất ưa ăn chay. Cậu bé đã lấy tiền để dành ra để nhờ tôi mua mận trồng trong Làng. Cậu muốn tham dự vào việc giúp các trẻ em đói bằng cách trồng mận. Biết rằng mỗi cây mận sẽ ra nhiều trái, cậu cũng biết rằng chúng tôi có thể bán mận và gửi tiền cho trẻ em đói ở thế giới thứ ba. Cậu bé cũng học thiền hành, thiền tọa và nghe giảng pháp rất giỏi. Khi cậu bé bị ốm, tôi tới bệnh viện ở Bordeaux thăm cậu. Bé nói: “Sư Ông, con sẽ đi thiền hành vì Sư Ông”. Cậu rất yếu nhưng ráng bước xuống giường và đi mấy bước rất đẹp. Và đó là lần sau cùng tôi nhìn thấy cậu bé ở hình tướng ấy. Trong ngày hỏa táng, tôi rẩy nước thiêng và tụng Tâm kinh cho cậu ta. Một tuần sau, tôi cầm tay cha cậu, đi hành thiền và chỉ cho ông những hình tướng mới của cậu bé. Chúng tôi cùng nhau đi thăm cây mận tôi đã trồng cho bé, và ngồi ở đó trong ánh chiều tà, chúng tôi nhìn thấy cậu vẫy chào chúng tôi từ các chồi nụ trên cây.
Nhìn sâu vào thực tại, bạn có thể thấy được nhiều điều. Bạn có thể vượt thoát được nhiều khổ đau và đối diện được với nhiều nhận thức sai lầm trước đó. Nếu chúng ta bước một cách êm ả vào bản môn, chúng ta sẽ không còn bị chìm đắm vào biển trầm luân của đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng nữa.
BÀI 2
TÁI BIỂU HIỆN
Trong bản môn (bình diện tuyệt đối), chúng ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa từng bị diệt đi. Trong tích môn (bình diện tương đối), chúng ta sống trong thất niệm và hiếm khi chúng ta biết sống thực sự. Chúng ta sống như người chết.
Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ xa lạ (Stranger) của Albert Camus. Nhân vật chính trong cơn tuyệt vọng và giận dữ đã bắn chết một người. Anh ta bị kết án tử hình vì tội đó. Một ngày nằm trên giường trong phòng giam, anh ta nhìn lên ô vuông có lắp kính trên trần. Bỗng nhiên anh ta thức tỉnh và tiếp xúc được một cách sâu xa với bầu trời xanh phía trên. Anh chưa bao giờ nhìn trời như thế cả. Albert Camus gọi đó là giây phút lương tri, tức là giây phút thức tỉnh, có chánh niệm. Đối với người tử tù, đó là lần đầu tiên anh tiếp xúc được với bầu trời và thấy rõ sự mầu nhiệm.
Từ lúc đó, anh muốn duy trì tình trạng tỉnh thức ấy. Anh tin rằng đó là loại năng lượng duy nhất có thể giúp anh sống còn. Anh chỉ còn ba ngày trước khi bị hành hình. Anh ta thực tập một mình trong tù để duy trì sự tỉnh thức, giữ cho chánh niệm sinh động. Anh mong ước sẽ sống từng giây từng phút còn lại một cách trọn vẹn và thức tỉnh. Ngày cuối cùng, một linh mục tới thăm anh để làm nghi lễ lần cuối cho anh. Người tù không muốn mất thì giờ về buổi lễ. Anh từ chối, nhưng sau đó lại mời linh mục vào. Khi làm lễ xong, ông Cha đi khỏi, người tù nhận ra là ông ta đã sống như người chết. Ông không có phẩm chất chánh niệm, tỉnh thức nào cả.
Nếu bạn sống mà không tỉnh thức, không nhận biết mình đang làm gì ở hiện tại, hay bạn chỉ hành động theo thói quen như một cỗ máy thì cũng như bạn đã chết rồi vậy. Bạn không thể gọi đó là một cuộc sống. Nhiều người trong chúng ta sống như người chết vì thiếu tỉnh thức. Chúng ta mang cái thây chết của mình đi tới đi lui khắp nơi, cười cười, nói nói. Chúng ta bị lôi về quá khứ hay khéo tới tương lai, và chúng ta bị kẹt trong mớ hỗn độn đó hay các sân hận, tuyệt vọng. Chúng ta không thực sự sống, chúng ta không quý trọng sự sống, chúng ta không tỉnh thức để được hưởng sự nhiệm mầu của sự sống này. Albert Comus chưa từng học Phật pháp, nhưng trong tiểu thuyết đó, ông đã nói về trái tim của sự thực tập trong đạo Bụt, giây phút có lương tri, có thức tỉnh sâu xa, nghĩa là có chánh niệm.
Sự thực tập phục sinh hay tái biểu hiện là chuyện khả dĩ có thể xảy ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta thực tập thì có thể được phục sinh, trở về được với thân tâm nhờ có những hơi thở và bước chân chánh niệm. Nó sẽ tạo ra sự hiện diện thực sự của chúng ta ngay giờ phút này và ở đây. Và như vậy chúng ta được sống lại với chính mình. Giống như người chết được tái sinh. Chúng ta không còn bị quá khứ và tương lai ràng buộc, chúng ta tự do thiết lập liên hệ với hiện tại và ngay ở đây. Chúng ta hiện diện toàn phần lúc này và tại nơi này, và chúng ta sống thật sự. Đó là phép thực tập căn bản của đạo Bụt. Khi bạn ăn, uống, thở, đi hay ngồi bạn đều có thể thực tập sự phục sinh. Luôn luôn làm cho bạn được ở trong hiện tại và ngay tại đây, thiết lập sự có mặt hoàn toàn và nhận biết sự sống động đó. Đây là phép thực tập phục sinh đích thực.
BÀI 3
THỜI KHẮC DUY NHẤT ĐỂ SỐNG
Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về nương tựa.
Tôi không thể thưởng thức được đời sống nếu tôi dùng nhiều thì giờ để lo âu về những gì xảy ra hôm qua hoặc sẽ xảy ra ngày mai. Chúng ta lo lắng về tương lai vì chúng ta sợ hãi. Nếu chúng ta cứ mãi sợ hãi thì chúng ta không biết giá trị của sự sống và hạnh phúc đích thực ngay hiện tại.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có khuynh hướng cho rằng hạnh phúc chỉ có mặt trong tương lai hay ở quá khứ. Chúng ta luôn mong đợi hoặc tiếc nuối những điều tốt đẹp ấy, và chúng ta cứ đi tìm những điều kiện tốt để làm cho ta hạnh phúc hơn. Chúng ta bỏ qua những gì đang xảy ra trước mắt. Chúng ta cố gắng làm mọi thứ khiến ta cảm thấy vững vàng, an toàn hơn. Nhưng chúng ta vẫn thường xuyên lo sợ về những gì tương lai sẽ đem tới. Chúng ta lo mất việc làm, mất của cải, mất những người yêu thương. Vậy nên chúng ta cứ đợi chờ cái giây phút huyền diệu kia, vào một thời điểm nào đó sau này, khi mà mọi chuyện xảy ra đúng như ý ta mong muốn. Nhưng đời sống chỉ có trong phút giây hiện tại. Bụt dạy: “Chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, đó là những giây phút duy nhất mà ta có được”.
Khi bạn trở về với lúc này và ở đây, bạn sẽ nhận diện được rằng nhiều điều kiện của hạnh phúc đã có mặt đầy đủ. Thực tập chánh niệm là thực tập trở về với hiện tại, lúc này và ở đây, để có thể tiếp xúc sâu sắc với ta, với đời sống. Chúng ta phải tập để có thể làm được điều này. Dù cho ta thông minh và hiểu biết ngay, chúng ta cũng cần phải huấn luyện mới sống được như thế. Chúng ta phải luyện tập để thấy được rằng các điều kiện của hạnh phúc đã có mặt tại đây rồi.
BÀI 4
NHÀ CỦA TA
Căn nhà thật sự của ta là bây giờ và ở đây. Quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa tới. “Đã về nhà, đã tới nhà, bây giờ và ở đây”. Chúng ta thực tập như thế.
Bạn có thể đọc bài kệ đó trong khi thiền hành hay thiền tọa. Bạn có thể thực tập bài kệ khi lái xe tới chỗ làm. Bạn chưa tới đó, nhưng trên đường đi, bạn đã tới căn nhà của bạn, chính là giờ phút hiện tại. Và khi tới công ty, đó cũng là nhà, vì khi vô đó, bạn cũng đang sống với bây giờ và ở đây.
Hãy cứ thực tập câu đầu tiên: “Tôi đã tới, tôi đã về nhà” là bạn có thể rất hạnh phúc rồi. Khi ngồi, khi đi hay khi tưới rau, hay cho con ăn, lúc nào bạn cũng thực tập được “đã về, đã tới”. Tôi không còn chạy nữa. Tôi đã chạy vào quá khứ và tương lai, đã chạy suốt đời rồi, và nay tôi quyết định dừng lại để thực sự sống với đời sống của mình.
BÀI 5
BẠN CHỜ ĐỢI GÌ NỮA?
Người Pháp có bài hát “Người chờ điều gì để có hạnh phúc?”. Khi tôi thực tập thở vào tôi đọc “đã về”, đó là sự thành công. Bây giờ tôi hoàn toàn có mặt, tôi sống 100%. Giờ phút hiện tại trở thành ngôi nhà thực sự.
Khi thở ra tôi nói “đã tới nhà”. Nếu bạn không cảm thấy về tới, tức bạn vẫn còn tiếp tục chạy. Và bạn tiếp tục sợ hãi. Nhưng nếu bạn cảm thấy đã tới nhà, thì bạn sẽ cảm thấy an toàn và không cần phải chạy nữa. Đó là chìa khóa bí mật của sự thực tập chánh niệm. Khi sống với hiện tại, ta có thể sống với hạnh phúc thực sự.
BÀI 6
THƯỞNG THỨC MẶT ĐẤT
Tôi kể chuyện này đã nhiều năm. Giả sử có hai phi hành gia lên mặt trăng. Khi tới nơi, họ gặp trục trặc và họ biết chỉ còn đủ dưỡng khí cho hai ngày. Không hy vọng gì việc có người từ trái đất tới tiếp cứu. Họ chỉ còn hai ngày để sống. Nếu bạn hỏi họ lúc đó: “Anh mong ước điều gì nhất?”, họ có thể trả lời: “Trở về nhà và được đi trên trái đất”. Thế là đủ, họ sẽ không cần gì khác. Họ không cần là chủ nhân của một công ty lớn, một tỷ phú giàu có, một người có tiếng tăm hoặc làm tổng thống Hoa Kỳ. Họ sẽ không muốn gì khác hơn là được trở về nhà, bước trên con đường và thưởng thức từng bước chân, nghe âm thanh thiên nhiên và cầm tay người thân của mình nhìn ngắm ánh trăng.
Chúng ta nên sống mỗi ngày như những người được cứu thoát từ mặt trăng về. Chúng ta hiện đang sống trên trái đất, nên chúng ta cần biết thưởng thức từng bước chân trên mặt địa cầu quý giá, đẹp đẽ này. Thiền sư Lâm Tế đã dạy: “Phép lạ không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất”. Tôi rất quý lời dạy đó. Bước đi hạnh phúc của tôi, dù đi tại những nơi đông người như nhà ga, trên đường chật kín xe cộ hoặc đi trong khu rừng vắng vẻ. Đi như thế, mỗi bước chân hôn lên đất mẹ, chúng ta có thể gây hứng khởi cho người khác làm theo. Chúng ta vui sống từng giây phút của cuộc đời.
(Hết chương 5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét