Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Saigon Books - thuộc bản quyền Reverhead Books
Chân Huyền dịch Việt ngữ
Chương 4
CHUYỂN HÓA NỖI ĐAU VÀ SỢ HÃI.
Đám mây
Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có, không, còn, mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng
Gió vẫn còn bay con biết không?
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong.
Một ngày đẹp bạn nhìn lên trời cao, thấy một cụm mây trắng nõn như bông đang trôi lơ lửng. Bạn ngắm nghía, thưởng thức hình dáng đám mây, ánh sáng chiếu trên nhiều tầng mây và bóng mây che mát cánh đồng màu xanh dưới đất. Bạn đâm ra yêu đám mây. Bạn mong cho đám mây cứ ở đó mãi để bạn được ngắm. Nhưng rồi hình dáng và màu sắc của đám mây thay đổi. Nhiều đám mây khác tụ lại, rồi bầu trời tối sầm và bắt đầu mưa. Không còn đám mây nữa, nó đã biến thành mưa. Bạn bắt đầu thất vọng, mong cho có thể nhìn thấy lại đám mây trên bầu trời tươi đẹp.
Nhưng bạn sẽ không buồn nữa khi bạn biết rằng, nếu nhìn sâu vào những giọt mưa, bạn sẽ thấy được đám mây. Trong đạo Bụt có giáo pháp vô tướng (Animitta). Tướng là hình dáng bên ngoài của một sự vật. Thực tập vô tướng để không bị cái bề ngoài của sự vật đánh lừa mình. Khi ta hiểu chữ Animitta, ta sẽ thấy hình tướng bên ngoài không phải là tất cả của thực tại.
Khi đám mây biến đổi thành mưa, bạn có thể nhìn sâu vào mưa để thấy rằng đám mây vẫn còn ở đó, đang mỉm cười với bạn. Điều này làm cho bạn vui vẻ và bạn có thể ngưng buồn vì bạn không còn bị vướng vào hình tướng của đám mây nữa. Khi bạn quỵ xuống vì đau khổ và tiếp tục khóc lóc, đó chỉ là vì bạn đã bị bỏ lại phía sau, bị vướng vào hình tướng của sự vật. Bạn bị buộc chặt vào hình tướng cũ và không thể nhìn thấy được hình tướng mới. Bạn không theo được đám mây khi nó biến hóa thành mưa hay tuyết.
Khi bạn mất một người thương và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người ấy. Đó là giáo pháp của Bụt dạy về bản chất thật sự của chúng ta.
BÀI 1
CHUYỂN HÓA
Chúng ta hãy nhìn vào sự hình thành của đám mây. Bạn có thể hình dung về sức nóng, hơi nước và bạn có thể nhìn thấy sự hình thành đám mây trên bầu trời. Bạn biết mây từ đâu mà tới. Bạn có thể hiểu được điều kiện nào đã giúp cho đám mây biểu hiện ra. Óc quan sát và sự thực tập nhìn sâu có thể giúp chúng ta. Khoa học cũng cho chúng ta biết về sự hình thành đám mây, tiến trình và các cuộc phiêu lưu của nó.
Nếu bạn yêu đám mây, mà có cái hiểu biết sâu xa về nó, bạn biết rằng đám mây là vô thường. Khi bạn yêu một người nào, bạn cũng hiểu rằng người đó cũng không thường hằng vĩnh viễn. Nếu bạn bị vướng mắc vào đám mây, bạn cần thận trọng. Bạn biết theo quy luật vô thường, đám mây chẳng mấy chốc sẽ biến thành một thứ khác, chẳng hạn như mưa.
Bạn có thể nói với đám mây: “Mây yêu, ta biết ngươi đang ở đó và ta biết một ngày kia ngươi sẽ mất đi. Và ta cũng sẽ chết. Ngươi sẽ trở thành một thứ khác, và ta cũng sẽ trở thành một sinh vật nào đó. Ta cũng biết ngươi và ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình, nhưng ta cũng sẽ nhìn thật sâu sắc để nhận ra sự tiếp nối của chúng ta, vậy ta sẽ không còn đau khổ nữa”.
Nếu bạn quên về vô thường và bạn bị ràng buộc vào đám mây thì tới lúc đám mây chuyển hóa thành mưa, bạn sẽ khóc. Nhưng khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn có thể nhìn ra đám mây trong một hình tướng mới như sương, như mưa. Mưa mỉm cười, ca hát và mưa rơi chan hòa, đầy sức sống tươi đẹp. Chỉ vì bạn mất chánh niệm nên bạn mới không nhìn ra mây trong các biểu hiện mới mẻ đó. Bạn đau buồn khi không nhận ra mưa chính là sự tiếp nối của đám mây. Thực ra mưa chính là mây.
Khi bạn nhìn đám mây, có lẽ bạn cũng muốn được như nó, tự do bay trên bầu trời. Thật là kỳ diệu khi được là mây bay như thế. Bạn có thể có ý niệm về tự do như vậy. Khi nhìn mưa rơi như ca như hát, bạn cũng mong được làm mưa. Mưa nuôi sống muôn loài thảo mộc và nuôi sống bao loài sinh vật khác. Làm mưa thật là tuyệt diệu.
Bạn nghĩ mây và mưa giống nhau hay khác nhau? Tuyết trên đỉnh núi trắng tinh, thanh khiết và tuyệt đẹp. Nhìn nó tinh khôi, bạn cũng muốn giống như tuyết. Nhìn con suối chảy róc rách trong khe, bạn cũng ưa được làm nước tuôn chảy mãi. Đám mây, mưa, tuyết và nước, chúng có phải là bốn thứ khác nhau? Hay chúng thực chất chỉ là một thực tại, có cùng gốc rễ.
BÀI 2
VÔ ÚY
Trong hóa học, chúng ta gọi chất nước là H2O - gồm hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxi. Từ phân tử căn bản đó, nước thể hiện dưới nhiều hình thức: mây, mưa, tuyết và nước. Làm mây thật tuyệt diệu, làm mưa cũng thế. Tuyết hay nước đều tuyệt diệu cả. Nếu đám mây hiểu được như vậy, thì khi mây sắp chuyển hóa để tiếp tục sống dưới hình thức mưa, nó sẽ không hoảng sợ. Nó sẽ nhớ rằng khi là mây hay mưa đều tuyệt diệu hết. Tương tự, chúng ta cũng phải thấy được như vậy.
Khi chúng ta không bị vướng vào ý niệm sinh-diệt, có-không, thì sẽ không có đau khổ và sợ hãi. Học từ đám mây, ta có thể nuôi dưỡng sự vô úy. Không sợ hãi là nền tảng của sự an vui. Khi nào còn sợ hãi thì chúng ta không thể hạnh phúc được.
Khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn sẽ nhìn thấy bản chất không sinh-không diệt, không có-không không, không đến-không đi, không giống cũng không khác. Khi nhìn được như thế, bạn không còn dính mắc vào gì nữa. Bạn sẽ được tự do, không còn tham đắm, sân hận, si mê. Không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do. Và giống như các bậc đại nhân, bạn sẽ bình thản cưỡi trên con sóng sinh tử.
BÀI 3
BIỂU HIỆN VÀ ẨN TÀNG
Bản chất thực sự của mọi sự vật là không sinh không diệt, không đến không đi. Khi nhân duyên đầy đủ thì tôi biểu hiện, và khi nhân duyên không đầy đủ thì tôi ẩn tàng, tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ đi đâu được chứ? Tôi chỉ ẩn tàng thôi.
Khi có một người thân vừa chết đi, bạn sẽ trải qua một thời gian vô cùng khó khăn và đau khổ vì mất mát đó. Bạn có thể khóc suốt. Nhưng hãy nhìn cho sâu. Có một thần dược giúp cho bạn vượt qua được nỗi khổ đau đó, để hiểu rằng người thương của bạn không sinh cũng không diệt, không đến cũng không đi.
Chỉ vì chưa hiểu mà ta cho rằng người kia không còn nữa, nghĩa là đã qua đời. Lí do chỉ vì ta vướng mắc vào một hình tướng, một trong nhiều biểu hiện của người đó mà thôi. Khi hình tướng kia không còn, thì ta buồn bã.
Thực ra người ta thương vẫn còn đó. Người đó đang bên cạnh, đang ở trong ta và cười với ta. Trong ảo giác, chúng ta không nhận ra người đó và ta nói “Anh (hay em) không còn ở đây nữa”. Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người ta thương cũng vậy. Đám mây biểu hiện trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta sẽ bớt đau khổ đi nhiều.
BÀI 4
HIỆN RA TRONG HÌNH TƯỚNG MỚI?
Khi chúng ta mất một người thân, chúng ta cần nhớ rằng người đó không thể biến thành hư vô được. Từ có, không thể trở thành không. Từ không, không thể trở thành có. Khoa học giúp chúng ta hiểu được điều này, vì vật chất không thể tự sinh ra cũng không thể tự mất đi, chúng chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Chúng không thể biến mất hoàn toàn mà chỉ chuyển hóa thành năng lượng. Và năng lượng cũng sẽ biến thành vật chất chứ không bị hủy diệt hết được. Cũng vậy, người thân của ta cũng không thể bị hoại diệt, họ chỉ tồn tại dưới một hình tướng khác mà thôi. Họ có thể là gió, là mây, là nước, là đất, là cây cỏ hoặc là một em bé. Ta có thể nhận ra người đó trong mọi thứ chung quanh, và ta mỉm cười: “Người ơi, tôi biết người đang ở kế bên tôi, tôi biết bản chất của người là vô sinh bất diệt, tôi biết tôi không mất người, người luôn luôn ở bên tôi”.
Khi nhìn sâu vào đời sống hằng ngày từ giây từng phút, bạn sẽ thấy người đó. Thực tập như thế bạn sẽ hết khổ đau. Cha hay mẹ của bạn cũng vậy. Bản chất của họ là vô sinh bất diệt. Đó là bản chất không sống không chết, không đến không đi. Sự thực, bạn không mất mát ai hết, kể cả những người đã chết rồi. Bởi những thứ có-không, sinh-diệt, đến-đi… chỉ là những ý niệm phát sinh trong trí não bạn mà thôi.
BÀI 5
CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG VÀ ĐÁM MÂY
Câu chuyện tôi ưa kể là chuyện một dòng sông đi theo đám mây. Có một con suối nhỏ từ núi chảy xuống. Nó rất nhỏ tuổi, và nó muốn ra tới biển thật nhanh. Nó không biết sống với hiện tại một cách bình an. Nó rất vội vã vì nó còn rất trẻ. Nó không biết thực tập “đã về đã tới” nên từ núi đổ xuống, nó hối hả vượt qua cánh đồng và trở thành một dòng sông.
Là dòng sông thì nó chảy chậm hơn, điều này làm cho nó bứt rứt vì nó sợ không bao giờ gặp được biển. Vì là sông nên nó chảy chậm hơn, và mặt nước tĩnh lặng hơn. Dòng sống bắt đầu soi bóng đám mây trên bầu trời - mây hồng, mây bạc, mây trắng… Nhiều hình dạng thật đẹp. Suốt ngày sông trôi chảy theo mây. Nó trở nên vướng mắc với những đám mây xinh đẹp trên bầu trời. Và dòng sông đau khổ vì mây là vô thường. Mây di động luôn luôn theo cơn gió, chúng bỏ lại dòng sông, đi tới những chốn xa xôi. Sông buồn bả vô cùng. Nó cứ cố gắng đuổi theo mây. Thật đáng thương vì mây không ở yên một chỗ với dòng sông bao giờ.
Một hôm trời quang đãng, mây bị cuốn đi đâu hết. Bầu trời trống, trong vắt và xanh tuyệt. Nhưng dòng sông thì thất vọng não nề! Không có một gợn mây trên trời. “Không có mây thì sống làm sao? Không có người mình thương nữa thì sống làm gì? Dòng sông muốn tự tử, cả đêm sông than khóc.
Đêm đó, dòng sông có cơ hội nghe được tiếng khóc của mình. Đó là tiếng sóng vỗ vào hai bên bờ sông. Khi nó nghe được tiếng sóng vỗ của chính nó, dòng sông tỉnh ngộ. Nó hiểu ra bản chất của sông cũng là bản chất của mây. Nó cũng là mây. Mây đang nằm trong sông vì cả hai có cùng bản chất là nước. Mây làm bằng nước. Vậy thì tại sao mình phải chạy theo mây? Sông tự nhủ, “ta đã chạy theo mây chỉ vì ta nghĩ rằng mây là khác với ta!”
Đêm đó, trong tận cùng tuyệt vọng và cô đơn, dòng sông thức tỉnh và nhận ra nó cũng là mây. Buổi sớm hôm sau, bầu trời trong vắt như trước đây lại hiện ra thật mới lạ, kỳ diệu và trong sáng. Màu xanh của bầu trời biểu hiện sự hồn nhiên và tự do mà dòng sông mới cảm nhận được. Sông biết bầu trời là nơi trú ẩn của tất cả các đám mây. Dòng sông hiểu rằng bản chất của mây là không sinh-không diệt, không đến-không đi, vậy tại sao sông lại phải khóc?
Dòng sông còn một giác ngộ khác buổi sáng hôm đó. Nó nhìn thấy được bản chất không sinh-không diệt của bầu trời. Điều này làm cho sông trở nên rất an nhiên tự tại. Nó bắt đầu tiếp nhận và phản chiếu bầu trời. Trước kia nó chỉ biết tới những đám mây, nay vì sông có bầu trời luôn hiện diện ngày đêm. Trước đây, sông không thể tiếp xúc được với bản chất của thực tại, nó chỉ tiếp xúc thực với những gì thay đổi, biến diệt. Nay tiếp xúc với cả bầu trời, dòng sông trở nên bình an và thanh thản vô cùng, như chưa bao giờ được vậy.
Chiều hôm đó, những đám mây trở lại, sông không còn vướng bận vào đám mây nào nữa hết. Không còn đám mây nào mà sông cảm thấy là đặc biệt, là riêng của nó nữa. Nó mỉm cười với tất cả các đám mây và yêu mến tất cả.
Bây giờ dòng sông cảm nhận được hạnh phúc và sự buông xả. Nó không tùy thuộc hay yêu mến đặc biệt một đám mây nào. Sông yêu thương chan hòa tất cả. Nó thưởng thức và phản chiếu bất cứ đám mây nào đi qua bầu trời. Khi mây bay xa, nó nói: “Tạm biệt mây nhé, hẹn gặp lại”. Và dòng sông thấy nhẹ nhõm. Nó biết mây sẽ trở lại khi mây biến thành mưa hay tuyết.
Dòng sông được tự do. Hầu như nó không còn thấy cần thiết chảy ra biển nữa. Đêm đó trăng tròn và chiếu sáng cả lòng sông. Mặt trăng, dòng sông và nước đều thiền quán bên nhau. Dòng sông thưởng thức sự tự do nhiệm màu của giây phút hiện tại. Nó được giải thoát khỏi mọi đau buồn.
Khi chúng ta chạy theo một thứ gì, muốn nắm bắt nó, ta sẽ đau khổ. Khi không có gì để đuổi theo, ta cũng khổ. Nếu bạn là một dòng sông, nếu bạn đã từng chạy theo đám mây, đau khổ, than khóc vì cảm thấy cô đơn tuyệt vọng, xin hãy nắm lấy tay chính mình như nắm lấy tay một người bạn. Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những gì bạn tìm kiếm ở đâu đó ngoài kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn!
Bạn là thứ mà bạn muốn trở thành. Vậy thì tìm kiếm làm gì nữa? Bạn là một sự biểu hiện tuyệt vời. Tất cả vũ trụ đều góp phần vào việc làm cho bạn biểu hiện. Không có thứ gì không có ở trong bạn cả. Thượng đế, Niết bàn, Tịnh độ, Hạnh phúc và Tự do, tất cả đều có trong bạn.
BÀI 6
CÙNG MỘT THÂN HÌNH?
Giả sử chúng ta có thể nhân bản vô tính: mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tạo ra được một thân người mới. Như vậy, một cái tâm của ta có thể trở thành nhiều cái tâm khác? Một người thành ra nhiều người? Những con người mới kia, họ giống hệt nhau hay khác nhau?
Khoa học đã tiến bộ tới mức có thể tạo ra những con vật bằng phương pháp sinh sản vô tính. Chuyện này cũng có thể xảy ra ở con người. Ví dụ như người ta lấy ba tế bào của tôi để làm ra ba con người khác. Ba người đó với tôi là bốn, chúng tôi khác nhau hay giống nhau? Khi có sự sinh sản vô tính, tôi có thể đã khá già và ba người kia còn trẻ. Vậy tôi có giống mấy người đó không?
Khi chúng ta tu tập, chúng ta có thể nhìn sâu bằng năng lượng chánh niệm, với sự định tâm và trí tuệ lớn. Chúng ta nhìn được sự vật sâu hơn. Rõ ràng hơn nhiều. Bụt đã thực tập như vậy, Ngài chia sẻ cái hiểu đó với chúng ta. Chúng ta cũng thực tập như Bụt và nếu cố gắng một chút, chúng ta có thể có trí tuệ như Ngài.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn sâu vào ý niệm giống nhau, khác nhau. Khi chúng ta hỏi Bụt: “Cơ thể này và ba cơ thể do sinh sản vô tính kia giống nhau hay khác nhau?”, Bụt sẽ trả lời: “Chúng không giống nhau cũng không khác nhau”.
Vô thường nghĩa là luôn luôn thay đổi. Chúng ta nghĩ thân này là thứ gì đó thường hằng. Thật ra sự sinh diệt đều diễn mỗi phút mỗi giây trong cơ thể này. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết đi và nhiều tế bào khác được sinh ra.
Chúng ta có ảo tưởng rằng thân thể này luôn luôn như thế. Bạn là một em bé khi ra đời. Bạn có bức ảnh đó khi còn là em bé. Nay bạn đã là một người trưởng thành, bạn nghĩ mình giống hay khác với đứa bé kia?
Chúng ta thường nghĩ rằng cơ thể chúng ta lúc ba mươi tuổi cũng vẫn là cơ thể lúc ba mươi tuổi. Nghĩ như vậy là không đúng. Nếu có một cuốn album gia đình, bạn sẽ nhìn thấy bạn ra sao khi ở tuổi sáu mươi, và sau sáu mươi tuổi bạn sẽ ra sao? Bạn sẽ thấy hai người trong bức ảnh đó rất khác. Nhưng nhìn cách khác, hai người đó cũng không khác nhau. Nếu không có đứa bé sáu tuổi kia thì làm sao có ông già sáu mươi tuổi này. Hai người đó không giống cũng không khác nhau. Vô thường là lời giải đáp cho sự lộn xộn này. Sự thay đổi của cơ thể - hay còn gọi là sự chuyển hóa - là bản chất của sự sống. Tất cả đều thay đổi. Mọi thứ đều chuyển hóa như thế.
Sau một hơi thở vào hay hơi thở ra, chúng ta đã thành một con người khác rồi. Từ khi bắt đầu đọc cuốn sách này tới bây giờ đã có biết bao thay đổi trong cơ thể và tâm thức của chúng ta. Nhiều tế bào đã chết đi, nhiều cái mới được sinh ra. Tâm cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi, các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện và ngừng biểu hiện liên tục nối tiếp nhau. Chúng ta không giống nhau trong hai thời điểm. Dòng sông, ngọn lửa, đám mây, con người, bông hoa… đều như vậy cả.
BÀI 7
DUYÊN SINH
Nhìn sâu vào một hộp quẹt, bạn có thể nhìn thấy lửa. Ngọn lửa chưa biểu hiện ra, nhưng là một thiền giả bạn có thể nhìn thấy ngọn lửa đó đang ẩn tàng. Khi mọi điều kiện hội tụ đầy đủ, ngọn lửa sẽ biểu hiện. Nào gỗ, chất bột diêm sinh, nào mặt tiếp xúc có độ nhám, và bàn tay tôi thao tác. Vì thế khi ta quẹt cây diêm, thì lửa sẽ xuất hiện.
Bụt dạy rằng khi có đủ nhân duyên (điều kiện) thì bạn biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đủ nữa, bạn sẽ ngưng hiện hữu để có thể chuyển hóa dưới dạng các hình tướng khác, trong những điều kiện khác.
BÀI 8
BIỂU HIỆN TỪ CÁI GÌ ĐÓ
Bạn nghĩ "sinh ra" nghĩa là gì? Đa số chúng ta nghĩ đó là sự bắt đầu cho hiện hữu của một sự vật nào đó mà trước đó nó không hiện hữu. Ta nhận thức rằng sinh ra là từ Không bỗng nhiên thành Có. Từ không có gì bỗng trở thành một con người. Đa số chúng ta định nghĩa chữ “sinh” như vậy. Nhìn sâu, ta thấy định nghĩa đó không ổn. Từ không bạn không thể trở thành có, không thể thành một con người được.
Trước cái ngày bạn gọi là sinh đó, bạn đã hiện hữu rồi, trong người của mẹ bạn. Và trước lúc thụ thai bạn, thì bạn vẫn ở đó dưới dạng trứng. Lúc ra đời bạn chỉ là bước tiếp nối của cuộc hành trình thay đổi mà thôi. Hãy nhìn coi bạn có thể tìm được thời điểm nào từ sự Không có gì mà bạn trở thành Có được không? Có phải đó là lúc mẹ bạn bắt đầu thụ thai? Điều này cũng chưa đúng. Vì trước đó bạn đã ở trong cha bạn dưới dạng tinh, trong mẹ bạn dưới dạng trứng và trong vũ trụ dưới tất cả các hình thái khác (thức ăn, dưỡng khí, hơi ấm, đất, nước…) Có rất nhiều thứ đã hiện hữu sẳn ở đó rồi. Khi mẹ sinh con ra, lúc đó không thực sự là lúc con có mặt trên đời. Đó chỉ là thời điểm cho một điều kiện (nhân duyên) để bạn chui ra ngoài từ bụng mẹ và sống với một hình thái mới.
Trong tu thiền, chúng tôi ưa hỏi “Trước khi bà ngoại hay bà nội ra đời, thì mặt mũi bạn ra sao, hình dáng đứa con của bạn sau này thế nào?” Hãy tự hỏi câu hỏi này và bạn sẽ bắt đầu thấy sự tiếp nối trong bạn. Bạn sẽ thấy mình luôn có mặt ở đó và con bạn cũng đang có mặt ở trong bạn. Giây phút bạn được thụ thai là giây phút bạn tiếp tục biểu hiện dưới một hình dạng khác. Tiếp tục nhìn như thế bạn sẽ thấy sự nối tiếp của cơ thể mình, của mọi thứ đang tiếp diễn và bạn sẽ thấy rằng không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa liên tục từ dạng này sang dạng khác mà thôi.
BÀI 9
LỬA TỪ ĐÂU TỚI?
Tôi có thể nói với ngọn lửa: “Lửa ơi, hãy biểu hiện ra đi”. Khi tôi bật que diêm, ngọn lửa sẽ xuất hiện. Tôi cũng có thể hỏi lửa: “Lửa từ đâu tới đây?”. Ngọn lửa có thể trả lời: “Tôi không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Khi nhân duyên đầy đủ thì tôi biểu hiện, vậy thôi”. Đó là chân lý của bản chất không đến cũng không đi.
Chúng ta hãy thực tập nhìn sâu vào bản chất ngọn lửa của cây nến. Đó có phải cùng một ngọn lửa trên que diêm đã châm mồi cho nó hay không? Hay nó là ngọn lửa khác? Nếu để cho nến cháy một giờ đồng hồ, nó sẽ là ngọn lửa ở phần dưới cây nến. Nó có thể giống nhau, nhưng điều đó chỉ là nhận thức của chúng ta mà thôi. Thật ra, có rất nhiều ngọn lửa nối tiếp nhau trong từng giây phút. Nó cho ta cảm tưởng nó chỉ là một ngọn lửa, nhưng không phải vậy. Nhiên liệu khác nhau, dưỡng khí khác nhau. Căn phòng cũng thay đổi, tức là các điều kiện không giống nhau. Vậy thì ngọn lửa không hoàn toàn giống khi trước.
Không cần nhiều thời gian để ngọn nến thay đổi vì chỉ trong một giây, phần trên ngọn nến đã được dưỡng khí và chất sáp nuôi dưỡng rồi. Giây sau, hai thứ nguyên liệu đó đều bị đốt cháy, và lại có dưỡng khí cùng chất sáp mới cung cấp tiếp, nên nó tiếp tục cháy. Nguyên liệu có thể đã thay đổi nên ngọn lửa cũng không phải là cùng một thứ. Khi ngọn nến ngắn lại, bạn nhìn xem nó đã tiêu thụ bao nhiêu dưỡng khí và bao nhiêu sáp, bạn sẽ biết rằng ngọn lửa luôn thay đổi liên tục. Vậy thì trong hai thời điểm liên tiếp, ngọn lửa không hoàn toàn giống nhau.
Chỉ nhìn vào ngọn lửa bạn đã thấy được bản chất không giống, không khác nhau. Bên dưới cảm tưởng hiện hữu bất biến, là bản chất của vô thường. Không có sự vật nào hiện hữu giống nhau trong hai thời điểm. Điều này áp dụng cho đám mây, giọt mưa, bông hoa, cho tất cả mọi thứ, kể cả con người chúng ta. Nếu bạn nói rằng ngọn lửa của cây nến trước đây cũng là ngọn lửa bạn đang nhìn thấy, thì không đúng. Nếu bạn nói rằng có hàng ngàn ngọn lửa khác nhau, thì cũng không đúng luôn. Bản chất của lửa là không giống, cũng không khác. Chúng ta thường áp đặt nhận thức của mình vào sự vật như vậy, cho rằng nó phải thế đó, hoặc như thế kia. Khi chúng ta có thể vượt qua được các ảo tưởng về giống nhau-khác nhau, có-không, sinh-diệt, hiện hữu-không hiện hữu, ta có thể chuyển hóa được khổ đau thành niềm an lạc.
BÀI 10
CẢM QUAN
Trong kinh điển có một ví dụ rất hay. Trong bóng tối, một người cầm đuốc khua thành vòng tròn. Người khác đứng phía xa có thể nhìn đó là một vòng lửa. Nhưng thực ra không có vòng lửa nào cả, đó chỉ là những đốm lửa nối tiếp nhau theo vòng tròn làm cho ta có cảm tưởng đó là vòng lửa tròn mà thôi. Tương tự như các điểm ảnh (pixel) trên màn hình vi tính hay điện thoại vậy, mật độ của các điểm ảnh càng nhiều thì hình ảnh sẽ trở nên rỏ ràng và sắc nét, tuy nhiên khi bạn phóng to hình ảnh hết mức có thể bạn sẽ thấy nó được tạo thành từ những điểm sáng có màu sắc khác nhau. Đó là nguyên lý của thị giác, một ảo tưởng được tạo ra từ con mắt và trí não của bạn. Ảo tưởng này cũng giống như ảo tưởng về một bản chất cố định, thường hằng. Vòng lửa hay những điểm ảnh đó chỉ là một ý tưởng, nó không thể là thực tại, không thể diễn tả đó là chân lý. Nếu bạn phân tích vòng lửa đó bạn sẽ thấy hàng triệu đốm lửa ở các vị trí nối tiếp nhau khiến cho chúng ta tưởng như nó là một vòng tròn.
Giả sử chúng ta quay phim một người đang nhảy múa. Sau đó đem phân tích đoạn phim, chúng ta sẽ thấy thước phim chỉ là những bức ảnh liên lục được chụp lại. Và nếu chúng ta đem chiếu những bức ảnh đó một cách liên tục, ta sẽ thấy người kia chuyển động, nhảy múa. Vậy thì bản chất của những chuyển động đó chỉ là những bức ảnh tĩnh chồng lên nhau một cách liên tiếp mà thôi.
Khi nhìn một con người, ta nghĩ họ có những bản chất bất biến, thường hằng. Ta nghĩ rằng buổi sáng ta nhìn thấy người đó và buổi chiều cũng như vậy. Nếu ta đi vắng khoảng hai mươi năm, khi gặp lại người kia, ta cũng nhận ra họ. Nghĩ vậy là ảo tưởng. Nếu bạn từng gặp một bé gái ba tuổi, và bạn có nghĩ rằng hai mươi năm sau trở lại, bạn sẽ nhận ra ngay cô gái ấy chăng?
Trong kinh có một câu chuyện rất tức cười. Một người phụ nữ gửi nồi sữa ở nhà hàng xóm và dặn: “Xin hãy giữ dùm, tôi sẽ trở lại sau vài ngày”. Nhưng do không được giữ lạnh nên sữa đóng váng và trở thành pho mát (cheese). Khi trở về, bà hỏi “Sữa của tôi đâu? Tôi gửi sữa ở đây, chứ không gửi pho mát. Đây không phải của tôi”. Bụt dạy rằng người phụ nữ đó đã không hiểu sự vô thường. Sữa sẽ biến thành pho mát nếu bạn để nó như vậy trong ít ngày. Người phụ nữ kia chỉ muốn lấy lại thứ sữa bà đã để đó mấy ngày trước, mà không chịu lấy pho mát.
Bạn nghĩ rằng sữa và pho mát là hai thứ giống nhau hay khác nhau? Thực ra nó không giống mà cũng không khác. Sữa mất mấy ngày để trở thành pho mát. Với sự hiểu biết về vô thường, chúng ta có thể thấy được thực tại của vũ trụ và mọi sự vật, thấy được bản chất không giống mà cũng không khác nhau của chúng.
Chúng ta cứ tưởng như mọi sự là mãi mãi vậy, nhưng thực tế là không có sự vật nào giống hệt nhau trong hai thời điểm liên tiếp. Vì vậy, ý tưởng sự vật luôn bất biến là một ảo tưởng, nghĩ rằng người này sẽ bên ta mãi, vật chất kia còn ở đó mãi cũng là một ảo tưởng, không thể áp dụng vào thực tại được. Khi một dòng sông biểu hiện, ta có thể gán cho nó cái tên - như sông Mississippi chẳng hạn. Dù cho tên sông không đổi, nhưng bản chất nó vẫn thay đổi hoài. Bạn tưởng dòng sông luôn luôn có ở đó, nhưng nước sông thì không giống nhau dù chỉ trong hai giây phút tiếp theo.
Các triết gia nói rằng chúng ta không bao giờ có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Đó là bản chất của vô thường. Không phải chỉ có Bụt mới nói điều đó, mà đức Khổng Tử, Heraclitus, cùng nhiều vĩ nhân khác cũng đều biết như thế, khi họ nhìn sâu vào bản chất của thực tại.
BÀI 11
THÁNH FRANCIS VÀ CÂY HẠNH ĐÀO
Một ngày mùa Đông, khi đi thiền hành trong vườn, Thánh Francis Assisi nhìn thấy một cây hạnh đào trụi lá. Ông tiến gần tới cây, và trong khi thực tập thở, ông xin cây hãy nói với ông về Thượng đế. Bỗng nhiên hoa trên cây anh đào nở bừng. Tôi tin câu chuyện đó có thật vì khi quán chiếu sâu sắc, ta có thể thấy chiều sâu của thực tại. Ông thánh không cần chờ tới mùa Xuân ấm áp mới nhận thức được rằng hoa anh đào vẫn có ở đó.
Tôi mời bạn nhìn vào hộp diêm với con mắt của Thánh Francis, con mắt của Bụt. Bạn cũng có con mắt như thế. Bạn có nhìn thấy lửa đã có sẵn trong hộp diêm không? Nó chưa biểu hiện nhưng nó có ở đó rồi. Nhìn cho sâu, bạn có thể thấy lửa. Mọi điều kiện đều có sẵn để ngọn lửa biểu hiện ra trừ một thứ, đó là thao tác ngón tay của bạn. Bạn có thể tạo ra điều kiện cuối cùng đó cho ngọn lửa hiện ra. Khi bạn bật quẹt, xin hãy làm việc đó trong chánh niệm.
Quan sát mọi nhân duyên, bạn có thể hỏi: “Ngọn lửa này từ đâu tới?”. Khi bạn làm nó tắt đi hãy hỏi: “Lửa đi đâu vậy?”. Chúng ta tưởng ngọn lửa lúc trước kia đã chết đi. Liệu rằng có sự chia cách nào giữa cái không gian của chúng ta đang sống ở đây với không gian mà ngọn lửa đã chết đi về chăng? Tôi không nghĩ vậy.
Bụt dạy rằng không có gì tới, không có gì lui. Khi nhìn sâu bạn sẽ thấy được điều bụt nói. Tuy nhiên, câu hỏi trên nhiều triết gia đã hỏi nhiều lần và đã dùng bao nhiêu phương tiện và giấy mực để ráng trả lời. Nhìn kỹ vào mắt Bụt, bạn sẽ có câu trả lời.
BÀI 12
CHÂN NHƯ
Chân lý thực tại được gọi là Chân như. Chân như nghĩa là “tự nó như thế”. Bạn không thể mô tả nó bằng các khái niệm, nhất là khái niệm sinh-tử, có-không, đến-đi, hiện hữu-không hiện hữu. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được chân lý, thực tại của cái bàn, bông hoa, hay một sinh vật nào đó.
Đôi khi bạn giận một người thân và bạn nói: “Tôi liên quan gì tới họ”. Thật vậy sao? Bạn không biết rằng bạn và người ấy cùng thuộc vào một thực tại. Bạn là sự tiếp nối của họ. Bạn chính là người đó. Chân như của ta là không giống cũng không khác. Bạn và người thân không giống nhau, cũng không khác nhau.
Khi bạn giúp cho ngọn lửa biểu hiện bằng cách bật que diêm, nhìn sâu vào nó bạn sẽ thấy là nó không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Dùng lửa diêm để chăm lên ngọn nến, lửa nến giống hay khác lửa diêm? Khi thắp lên một ngọn nến thứ hai, bạn sẽ thấy ba ngọn lửa đó khác nhau hay giống nhau?
Nhìn vào ngọn lửa của cây nến, bạn cũng thấy ý niệm không giống cũng không khác có thể áp dụng không chỉ cho ngọn nến mà cả lửa ở diêm nữa. Ngọn lửa đó cũng không giống hay không khác với lửa lúc trước đây, mỗi thời điểm là một ngọn lửa duy nhất. Chỉ trong thời khắc tiếp theo là ngọn lửa đã biểu hiện một cách khác trước đó rồi.
Sự biểu hiện của một sự vật hay một con người không tùy thuộc vào một nhân duyên mà tùy thuộc vào nhiều nhân duyên. Ý niệm cho rằng chỉ có một nhân duyên gây ra kết quả là không đúng. Một điều kiện không bao giờ đủ để cho sự vật biểu hiện.
Khi ngắm ngọn lửa, ta nên nhìn đủ sâu để thấy mọi nhân duyên. Chúng ta biết ngọn lửa được nuôi dưỡng bởi que diêm. Tất nhiên không có gì tồn tại được khi không có nhiên liệu. Nhưng nhiên liệu cũng chỉ là một yếu tố, một điều kiện mà thôi. Ngọn lửa chỉ biểu hiện ra được khi có đầy đủ các nhân duyên. Nếu không có dưỡng khí (oxi), lửa cũng không thể biểu hiện. Ngọn lửa phụ thuộc vào gỗ, tim đèn cầy, sáp, dưỡng khí, và thao tác đánh lửa. Ngọn lửa có sẳn trong diêm, nó không cần xuất hiện. Nó chỉ biểu hiện ra khi nó đủ các điều kiện mà thôi.
Hôm nay, chúng ta có thể chỉ là một bé trai hay em gái mười hai tuổi, chưa hề sinh ra con. Nhưng trong chúng ta đã có tất cả các nhân duyên để cho con cháu chúng ta biểu hiện. Chỉ cần thời gian và một số điều kiện khác nữa là đủ.
BÀI 13
TỜ GIẤY
Không đến không đi
Không sau không trước
Tôi giữ người bên tôi
Tôi buông người ra để được tự do
Tôi ở trong người
Người cũng đang có trong tôi.
(Chân Đức)
Không đến không đi là bản thể chân thật của thực tại. Bạn không từ đâu tới, bạn cũng không đi về đâu. Bông hoa, đám mây, núi non, tinh tú, trái đất… mọi thứ đều như vậy. Bản chất đó là không tới không lui. Chết không có nghĩa là từ có trở thành không. Sinh cũng không có nghĩa là từ không trở thành có. Chỉ là sự biểu hiện của nhân duyên khi đầy đủ và sự biểu hiện ngừng lại khi không còn đầy đủ điều kiện.
Tờ giấy ghi những dòng này có một lịch sử. Trang giấy bạn đang cầm trong tay đây được hình thành trong một thời điểm nào đó. Nhưng đó không phải là lúc nó ra đời. Nó đã có mặt trong tia sáng mặt trời, trong thân cây, trong đám mây, trong đất. Khi nó được sản xuất ra trong nhà máy chỉ là lúc nó biểu hiện ra mà thôi. Trước đây, tờ giấy biểu hiện trong hình hài của cây, của ánh nắng, của mưa, các khoáng chất và đất. Giây phút trở thành tờ giấy chỉ là thời điểm tiếp tục hiện hữu dưới dạng khác.
Nhìn sâu vào tờ giấy bạn vẫn có thể nhìn thấy cây cối, đám mây, và mặt trời. Bạn không cần lui về quá khứ. Đó là lợi ích của thiền quán, bạn không cần phải đi du lịch hoặc tìm tòi ở đâu đó. Chỉ cần ngồi đó và nhìn sâu, bạn có thể nhìn thấy và nhận ra mọi sự. Tờ giấy chứa đựng mọi thứ liên quan về vũ trụ, kể cả cây cối, ánh nắng, đất, không gian và thời gian. Nếu bạn đem một trong mấy thứ đó trả về chỗ của nó, tờ giấy sẽ không còn ở đó nữa. Nếu bạn trả ánh nắng cho mặt trời, thì sẽ không còn rừng cây, và cũng không còn tờ giấy. Vì thế ánh nắng mặt trời là tờ giấy. Khi bạn sờ vào tờ giấy là bạn chạm tới ánh nắng, tới đám mây, mưa, đất và bạn chạm tới tất cả vũ trụ. Một biểu hiện chứa đựng tất cả mọi thứ.
Khi bạn đưa ngón tay trên mặt tờ giấy, bạn có thể cảm nhận đám mây trong đó. Khi ngón tay tiếp xúc với tờ giấy, cũng là đang tiếp xúc với cây trong rừng, ngón tay ta có thể tiếp xúc với mặt trời, tất cả khoáng chất trong tờ giấy. Khi chúng ta tiếp xúc với tờ giấy bằng chánh niệm, chúng ta tiếp xúc được với tất cả các biểu hiện khác.
Khi chúng ta thực tập nhìn sâu vào tờ giấy, chúng ta có thể nhìn thấy rừng cây. Nếu không có rừng thì không có cây và không có cây thì không làm được tờ giấy. Vậy tờ giấy không đến từ số không, nó tới từ những thứ có thể tạo ra tờ giấy. Mặt trời giúp cây quang hợp, nước tưới tẩm cây, đất đá và khoáng chất nuôi dưỡng cây, cùng vô số các hiện tượng khác giúp cho cây biểu hiện. Và còn cần người đốn cây, và người cung cấp thức ăn, những người thành lập công ty trả lương cho người đốn cây, v.v… Những thứ đó không hiện hữu bên ngoài mà là một với tờ giấy.
Bạn có thể nghĩ “Làm sao tôi có thể đồng hóa tờ giấy với đám mây được? Mây ở ngoài tờ giấy chứ?” Nếu bạn lấy yếu tố đám mây ra khỏi tờ giấy, thì tờ giấy sẽ biến mất. Nếu không có đám mây, không có mưa làm sao cây sống được? Làm sao ta làm được bột giấy để từ đó sản xuất ra tờ giấy?
Tờ giấy không có ngày sinh và bạn cũng không có ngày sinh nhật. Bạn đã hiện hữu ở đó trước khi bạn ra đời. Lần sau ăn mừng sinh nhật, bạn có thể đổi bài hát “Mừng ngày tiếp nối”. Nếu ngày sinh thực sự là một ngày tiếp nối thì ngày chết cũng vậy. Nếu bạn thực tập giỏi thì lúc bạn lìa đời bạn cũng hát “Mừng ngày tiếp nối”.
BÀI 14
HÃY RÁNG LÀM THÀNH HƯ KHÔNG
Bạn có thể ráng sức để làm cho tờ giấy trở thành không. Có thể được chăng? Hãy bật que diêm và đốt nó coi nó có trở thành không hay trở thành thứ khác? Đây không phải là chuyện viễn vông về mặt lý thuyết, mà là chuyện chúng ta có thể chứng minh được ngay lúc này. Hít vào, thở ra, và bật quẹt lên. Hãy chứng kiến sự chuyển hóa của tờ giấy. Khi bạn châm que diêm, hãy nhớ rằng ngọn lửa không cần sinh ra. Khi điều kiện đầy đủ, nó chỉ biểu hiện ra cho chúng ta nhìn thấy nó mà thôi. Khi đốt tờ giấy, hãy nhìn khói, sức nóng của lửa. Tờ giấy bây giờ ở đâu?
Khi bạn đốt một tờ giấy, nó sẽ không còn hình thái là một tờ giấy nữa. Nếu nhìn nó trong tỉnh thức, bạn sẽ thấy là tờ giấy tiếp tục chuyển hóa sang một hình thái khác. Một hình thức là khói, một hình thức khác là lửa và hình thái còn lại là tro tàn. Khi đốt tờ giấy, khói bốc lên cao, tụ vào với đám mây có sẳn trên không trung. Tờ giấy nay đã trở thành mây, cũng có thể trở thành mưa, thành lửa, thành đất. Khi bạn nhìn lên trời và vẫy tay chào tạm biệt giấy, hẹn gặp lại. Ngày mai hoặc tháng sau sẽ có mưa, và giọt mưa rớt xuống đầu của bạn. Giọt mưa đó là tờ giấy của bạn. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng đó là chân lý thực tại, khi bạn nhìn mọi thứ thật sâu vào bản chất của chúng.
Một hình thái khác mà tờ giấy hiện ra là tro tàn. Bạn có thể đổ tro xuống đất. Khi trở lại đất, đó là một dạng tiếp nối của giấy. Có thể năm sau, bạn sẽ nhìn thấy sự tiếp nối ấy nơi một đóa hoa nhỏ xíu hay một cọng cỏ. Đó là “kiếp sau” của tờ giấy.
Trong khi cháy, tờ giấy biến thành nhiệt lượng. Cái nóng ngấm vào cơ thể bạn, dù cho bạn không ở gần ngọn lửa lắm. Bây giờ bạn cũng đã mang tờ giấy trong người bạn. Sức nóng cũng thấm sâu vào vũ trụ. Nếu bạn là nhà khoa học có dụng cụ rất tinh vi, bạn có thể đo được sức nóng đó ở nơi xa xôi nhất. Các nhà khoa học từng nói, những gì chúng ta làm ở trái đất này, có thể sẽ ảnh hưởng tới dãy ngân hà xa xôi. Và ngược lại các dãy ngân hà xa xôi đó cũng có ảnh hưởng đến trái đất. Mỗi thứ đều chịu ảnh hưởng của những thứ khác.
BÀI 15
KHÔNG CÓ GÌ MẤT ĐI
Thiền quán nghĩa là một cuộc hành trình để nhìn sâu, để tiếp xúc được với bản chất của thực tại và hiểu được rằng không có gì mất đi hết. Nhờ đó chúng ta sẽ hết sợ. Không sợ là tặng phẩm lớn nhất của thiền quán. Nhờ đó mà chúng ta sẽ vượt thoát được đau khổ và ưu phiền.
Chỉ có không mới trở thành không. Có không thể trở thành không và không cũng không thể trở thành có. Nếu sự vật đã có ở đó, nó không cần được sinh ra. Thời điểm nó ra đời chỉ là thời điểm nó tiếp tục với một hình thái khác. Giống như con sâu được chuyển hóa thành bướm. Vậy con bướm không tự nhiên sinh ra mà nó là sự tiếp nối hình thái mới của con sâu. Bạn được coi là một em bé mới sinh và ai cũng nghĩ ngày bạn ra đời là bắt đầu hiện hữu. Nhưng bạn đã hiện hữu từ trước ngày đó rồi.
Chết theo quan niệm của chúng ta là từ có bổng nhiên trở thành không. Đang là một con người sống vui vẻ, đột nhiên bạn không còn là gì nữa. Đó là một ý nghĩ kinh khủng và hết sức vô lý. Nếu một thứ từng hiện hữu thì liệu nó biến mất đi được chăng? Bạn có thể làm cho tờ giấy biến mất, trở thành hư không được chứ?
Tôi có thể làm chứng là tờ giấy vẫn luôn hiện hữu ở đó, chưa từng được “sinh ra”, vì “sinh” nghĩa là từ không trở thành có. Ý tưởng “sinh ra” đó không phù hợp với sự thật. Bản chất chân thật của bạn là vô sinh. Bản chất của tờ giấy cũng là vô sinh. Bạn đã có ở đó rồi, từ lâu, rất lâu.
BÀI 16
BẠN LUÔN CÓ Ở ĐÓ
Khi còn nhỏ bạn có lẽ cũng thích chơi với cái kính vạn hoa. Mỗi khi động đậy ngón tay là bạn tạo ra được một hình đồ màu sắc kỳ diệu. Chỉ cần động đậy một chút là bạn thấy hình đồ kia thay đổi. Hình mới cũng đẹp nhưng khác với hình cũ. Bạn có thể nói sự thay đổi các hình đồ trong kính vạn hoa đó sống rồi chết, nhưng là em bé, bạn không hề đau buồn về sự sống chết đó. Trái lại, bạn tiếp tục vui sướng ngắm nhìn các hình thái khác nhau.
Nếu chúng ta có thể tiếp xúc được với bản chất của sinh tử, bạn sẽ thấy nó giống như kính vạn hoa và không còn sợ hãi về điều đó nữa. Đó là bản chất của chân hạnh phúc. Khi nào trong bạn còn có cái lo sợ thì bạn không thể hạnh phúc hoàn toàn. Bồ tát Quán Âm đã hiến tặng cho chúng ta Tâm Kinh. Trong kinh đó, chúng ta học được rằng thực tại là chân như. Không bị ảnh hưởng bởi sống-chết, tới-lui, có-không, hay thêm-bớt, nhơ-sạch. Chúng ta chứa đầy những khái niệm như thế nên chúng ta đau khổ. Ta sẽ được giải thoát thật sự khi không vướng mắc vào các khái niệm đó.
Khi bạn tới một trung tâm thiền tập, bạn hy vọng trút bỏ được một số những khổ đau. Bạn hy vọng được nhẹ nhàng hơn. Nhưng sự giải thoát lớn nhất mà bạn có thể đạt tới là tiếp xúc với chân như của bạn, với tính vô sinh bất diệt. Đó là bài học sâu sắc nhất mà Bụt tặng cho chúng ta.
BÀI 17
KHÔNG SÁNG TẠO
Hãy nhìn đóa hoa hướng dương trong vườn. Bông hoa đó nhờ vào rất nhiều yếu tố để có thể biểu hiện ra được. Có đám mây trong hoa, vì không có mây thì không có mưa, và hoa không mọc được. Có mặt trời trong hoa hướng dương. Chúng ta biết rằng không có ánh nắng thì không có cây gì lớn lên được, nên cũng không thể có hoa hướng dương. Chúng ta nhìn đất, nhìn vào các khoáng chất, nhìn người nông phu, chúng ta xem xét thời gian, không gian, các ý tưởng, ý muốn phát triển và nhiều yếu tố khác. Hoa hướng dương tùy thuộc vào nhiều điều kiện để có thể biểu hiện, chứ không chỉ có một thứ.
Tôi thích dùng từ biểu hiện hơn từ sinh ra. Tôi cũng thích dùng từ biểu hiện đó thay vì dùng từ sáng tạo. Trong trí óc ta, sáng tạo có nghĩa là từ không trở thành có một vật gì đó. Người nông phu gieo hạt hướng dương, không phải là sáng tạo ra hoa hướng dương. Nếu nhìn cho sâu bạn sẽ thấy người đó chỉ là một trong các điều kiện làm cho hoa hướng dương hiển lộ. Có hạt hướng dương trong kho, có không gian để trồng, có mây trên trời để làm mưa, có phân bón, có mặt trời giúp cho cây lớn lên. Là nông dân, bạn không phải là người sáng tạo ra cây hướng dương. Bạn chỉ là một trong nhiều điều kiện. Các điều kiện kia cũng vậy. Tất cả đều quan trọng như nhau trong việc làm cây hướng dương biểu hiện ra.
Khi bạn tới Làng Mai ở nước Pháp vào tháng Bảy, bạn sẽ thấy hoa hướng dương trên khắp các ngọn đồi bao quanh làng. Hàng trăm ngàn bông hoa quay về hướng Đông, mĩm cười rực rỡ. Nếu bạn tới Làng vào tháng Năm hay tháng Tư, các ngọn đồi còn trống. Nhưng người nông phu đi qua các ngọn đồi đó, họ nhìn thấy hoa hướng dương. Họ biết cây hướng dương đã được trồng và mọi điều kiện đều đầy đủ rồi. Họ đã gieo hạt, đã làm đất sẳn sàng. Chỉ còn thiếu một điều kiện là hơi ấm của mặt trời, sẽ rơi vào tháng Sáu tháng Bảy mà thôi.
Bạn không thể nói một sự vật là có chỉ vì nó biểu lộ ra. Bạn cũng không thể nói một sự vật là không khi nó chưa hiển lộ hay ngừng sự biểu lộ. Có và không, hiện hữu hay không hiện hữu, không áp dụng được với thực tại. Nhìn sâu, bằng con mắt trí tuệ, bạn sẽ thấy thực tại không phải là chuyện có-không, hiện hữu hay không hiện hữu.
Khi Paul Tillich nói: “Thượng đế là nền tảng của mọi hiện hữu”, ta nên hiểu cho đúng chữ hiện hữu đó không có nghĩa là trái ngược với “không hiện hữu”. Xin mời bạn nhìn sâu vào khái niệm hiện hữu để có thể được tự do, không vướng mắc vào đó.
(Hết chương 4)