4 thg 6, 2024

KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT: ĐỪNG SỢ HÃI - CHƯƠNG 2

Thích Nhất Hạnh

Nhà xuất bản Saigon Books thuộc bản quyền Reverhead Books

Chân Huyền dịch Việt ngữ

Chương 2

CÁI SỢ ĐÍCH THỰC.

Chúng ta sợ chết, sợ chia lìa và chúng ta sợ trở thành hư vô. Người Tây phương rất sợ trở thành hư vô. Khi họ nghe nói về sự trống rỗng thì họ rất sợ. Nhưng trống rỗng chỉ là sự vắng mặt các ý niệm. Không, tĩnh lặng hay trống rỗng, không có nghĩa trái ngược với sự sinh tồn. Nói không có nghĩa là hư vô, không có nghĩa là không còn gì hết. Cần phải loại bỏ ý niệm hiện hữu và không hiện hữu. Trống rỗng là một công cụ giúp ích cho chúng ta.

Thực tại không liên quan gì đến chuyện có hay không, hiện hữu hay không hiện hữu. Khi Shakespeare nói “To be or not to be - that is the question” (Hiện hữu hay không hiện hữu - đó là vấn đề), Bụt trả lời: “Hiện hữu hay không hiện hữu, đó không phải là vấn đề”. Có hiện hữu hay không hiện hữu chỉ là hai ý niệm trái ngược nhau, chúng không phải là chân lý và chúng không diễn ta được chân lý.

Sự giác ngộ tỉnh thức không những loại bỏ được ý niệm về thường hằng mà nó còn loại bỏ được cả ý niệm về vô thường.. Ý niệm về trống rỗng cũng thế. Trống rỗng cũng chỉ là một khí cụ, và nếu bạn bị kẹt vào bất cứ ý niệm nào, bạn cũng đi lạc đường. Bụt nói trong kinh Người Bắt Rắn (Ratnakuta): “Nếu bạn bị kẹt vào ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu (Có hay Không) thì ý niệm về sự trống rỗng giúp cho bạn được tự do. Nhưng khi bạn kẹt vào ý niệm trống rỗng thì không còn hy vọng”. Giáo lý về sự trống rỗng là một công cụ giúp cho bạn hiểu sự thật về Không, nhưng nếu bạn coi dụng cụ đó là giác ngộ thì bạn đã bị kẹt vào ý niệm đó rồi.

Nếu bạn có ý niệm về Niết bàn, thì nên loại bỏ nó đi. Niết bàn không chứa đựng bất kỳ ý niệm nào hết, kể cả ý niệm về nó. Nếu bạn kẹt vào ý niệm Niết bàn tức là bạn vẫn chưa chạm được tới Niết bàn. Chúng ta thực tập để xả bỏ hết tất cả các ý niệm. Sự khám phá và hiểu biết sâu xa đó khiến cho Bụt vượt thoát được mọi sợ hãi, lo âu, mọi khổ đau và vượt qua khỏi vấn đề sinh tử.

BÀI 1

ĐỐT CHÁY CÁC Ý NIỆM

Bạn có một que diêm, bạn có nhân duyên để tạo ra lửa. Nếu ngọn lửa bạn đốt lên bằng que diêm đó đủ thời gian, nó sẽ đốt cháy luôn que diêm. Que diêm tạo ra lửa và lửa đốt cháy que diêm, giáo pháp vô thường cũng vậy. Nó giúp ta tỉnh thức về sự vô thường, và sự giác ngộ đó là đốt cháy ý niệm của ta về vô thường.

Chúng ta phải vượt qua ý niệm về thường, nhưng ta cũng phải vượt qua ý niệm về vô thường. Như thế chúng ta có thể chạm tới Niết bàn. Vô ngã cũng vậy. Vô ngã giống như que diêm, nó giúp gây ra lửa trí tuệ để hiểu về vô ngã và cũng chính ngọn lửa vô ngã sẽ đốt que diêm vô ngã.

Tu tập không phải là thu thập và chất chứa một đống các ý niệm về vô thường, vô ngã, Niết bàn hay ý niệm nào khác. Đó là công việc của một cái máy thu băng. Thuyết giảng và chia sẻ về các ý niệm đó không phải là cách học và hành trì Phật pháp. Ta có thể tới trường Đại học để học Phật pháp, nhưng chúng ta sẽ chỉ học lý thuyết và các khái niệm. Chúng ta nên vượt lên trên các ý niệm để có được tánh giác, và nhờ đó sẽ đốt cháy được hết các ý niệm trong ta, để ta được tự do.

BÀI 2

NIẾT BÀN Ở ĐÂU?

Hãy nhìn một đồng xu. Một bên là mặt phải, một bên là mặt trái. Hai bên không thể hiện hữu nếu thiếu một bên. Kim loại làm ra đồng xu, không có kim loại thì không có đồng xu. Ba yếu tố kim loại, mặt phải, mặt trái liên quan với nhau. Ta có thể mô tả kim loại giống như Niết bàn, mặt phải và mặt trái có thể coi như biểu hiện của vô ngã và vô thường. Qua mặt phải hay trái, ta có thể chạm được và cảm được sự hiện hữu của kim loại. Tương tự vậy, nếu nhìn sâu vào bản chất của vô thường và vô ngã, bạn có thể tiếp xúc được với bản chất của Niết bàn.

Niết bàn trong bình diện tuyệt đối (bản môn) không thể tách rời khỏi Niết bàn trong bình diện tương đối (tích môn). Khi bạn thật sự chạm được tới Niết bàn tương đối thì bạn cũng tiếp xúc được với Niết bàn tuyệt đối. Bản thể luôn luôn có sẳn trong bạn. Đối với người có tu học, điều quan trọng là bạn phải tiếp xúc được với tự tánh vô thường vô ngã của bạn. Nếu thành công, bạn có thể tiếp xúc được với Niết bàn và không còn sợ hãi nữa. Bây giờ bạn có thể cưỡi trên ngọn sóng sinh tử và mỉm cười thanh thoát.

BÀI 3

TÍCH MÔN VÀ BẢN MÔN

Ngày thường, ta nhìn vào thực tại qua bình diện tương đối (tích môn), nhưng ta cũng có thể nhìn các thực tại đó qua bình diện tuyệt đối (bản môn). Thực tại có thể biểu hiện  ra ở cả hai bình diện tương đối và tuyệt đối. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đều có những điều cần làm trong bình diện tương đối, nhưng mỗi chúng ta cũng có những quan tâm trong bình diện tuyệt đối.

Khi chúng ta tìm Thượng đế hay Niết bàn ở trạng thái bình an sâu xa nhất, là chúng ta đang đi tìm tuyệt đối. Chúng ta không chỉ quan tâm tới những chuyện bình thường trong đời sống như danh vọng, tiền tài, lợi ích, địa vị xã hội, các dự án… mà chúng ta quan tâm tới bản chất chân thật trong ta. Thiền quán sâu xa là bắt đầu thực hiện điều quan tâm tới bình diện tuyệt đối của mình.

BÀI 4

SÓNG VÀ NƯỚC

Khi bạn nhìn trên mặt biển, bạn thấy các đợt sóng lên xuống nhấp nhô. Bạn có thể mô tả sóng này cao, sóng này thấp, sóng lớn hay nhỏ, sóng mạnh hay yếu, sóng đẹp  hay không đẹp. Bạn có thể mô tả sóng lúc bắt đầu, lúc chấm dứt, sóng được sinh ra và sóng bị hoại diệt. Giống như tích môn hay trong bình diện tương đối, chúng ta quan tâm đến sinh-diệt, mạnh-yếu, đẹp-xấu, bắt đầu và chấm dứt… của mọi sự vật.

Nhìn cho sâu, chúng ta thấy sóng đồng thời cũng là nước. Một lọn sóng hình như muốn đi tìm bản thể của nó. Nó có thể đau khổ và rối ren. Ngọn sóng có thể nói “tôi không lớn bằng các ngọn sóng kia”, “tôi không đẹp bằng các sóng khác”, “tôi vui sướng”, “tôi bị đàn áp”, “tôi sinh ra đời và tôi sẽ chết đi”. Ngọn sóng có thể vui buồn vì các ý nghĩ đó. Nhưng nếu sóng uốn mình xuống để tiếp xúc với bản chất của nó thì nó sẽ thấy nó cũng chỉ là nước. Sự lo lắng và rối ren của sóng sẽ biến mất.

Nước không bị ràng buộc bởi sự sinh diệt của sóng. Nước được tự do, không sợ cao hay thấp, đẹp hay xấu, sinh hay diệt. Khi nói về các cặp từ tương phản cao-thấp, đẹp-xấu, sinh-diệt…, đó chỉ là những từ ngữ nói về sóng. Đối với nước, những từ ngữ đó vô giá trị.

Bản chất thực sự của chúng ta là vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi tới đâu mới tìm thấy được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước và chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.

Bạn chính là điều bạn đi tìm. Bạn chính là thứ bạn đang muốn trở thành. Bạn có thể nói với sóng: “Sóng ơi, em chính là nước rồi, em không cần đi đâu để tìm nước nữa. Bản chất em chính là bản chất không phân biệt, không sống chết, không có cũng không không”.

Hãy thực tập như sóng. Hãy kiên trì nhìn sâu vào chính mình và nhận biết rằng bản thể của bạn là vô sinh bất diệt. Bạn sẽ đạt tới tự do và vô úy bằng cách này. Phương pháp thực tập này giúp chúng ta sống không sợ hãi và chết một cách bình an, không hối tiếc.

Nếu bạn đang mang trong mình một nỗi đau lớn, nếu bạn mới mất người thân, nếu bạn đang sống trong sự lo lắng, sợ cái chết, trong lãng quên và hoại diệt, xin hãy học phương pháp này và bắt đầu thực tập. Nếu bạn thực tập giỏi, bạn có thể nhìn đám mây, bông hoa, hòn sỏi và em bé bằng con mắt mà Bụt đã mở ra cho bạn. Bạn sẽ hết sợ hãi, lo âu, phiền não. Bạn sẽ có sự bình an thật sự, sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng, có thể mỉm cười dù mọi chuyện xảy ra với mình. Sống như thế, bạn có thể giúp được nhiều người chung quanh bạn.

BÀI 5

BẠN Ở ĐÂU TRƯỚC KHI RA ĐỜI?

Nhiều khi bạn nhận được câu hỏi: “Bạn sinh ngày nào?” Nhưng bạn có thể tự hỏi chính mình một câu hỏi hay hơn: “Trước ngày tôi được sinh ra, tôi đã ở đâu?”

Nếu bạn hỏi một đám mây: “Mây sinh ngày nào? Trước khi sinh ra mây ở đâu?”, nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ có thể nghe được câu trả lời.

Bạn có thể tưởng tượng mây sinh ra đời bằng cách nào. Trước khi sinh ra, nó là nước trên mặt biển hay mặt sông, rồi nước bốc thành hơi, hơi nước bay lên cao gặp không khí lạnh ngưng tụ lại tạo thành mây. Mây cũng có mặt trời vì chính mặt trời làm cho nước bốc thành hơi. Không khí cũng có trong mây, vì không khí làm cho hơi nước ngưng tụ lại. Mây không tới từ hư không, mây chỉ là sự chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác. Không có chuyện một vật sinh ra từ hư không.

Sớm hay muộn, mây cũng sẽ biến thành mưa hay tuyết, hay nước đá. Nếu bạn nhìn cho sâu vào mưa, bạn sẽ nhìn thấy mây. Mây không mất đi, nó chuyển hóa thành mưa, và mưa thấm xuống đất, chuyển hóa một phần vào trong cây cỏ, cây cỏ vào trong cơ thể con bò, con bò tạo ra sữa và sữa dùng để con người uống. Khi bạn uống một ly sữa bò, bạn hãy dành thời gian nhìn nó và nói: “Chào đám mây, mình nhận ra bạn rồi”. Làm như vậy, bạn sẽ giác ngộ được bản chất thật của sữa và của mây. Bạn cũng có thể thấy biển, sông, mặt trời, gió, mưa, con bò trong ly sữa đó.

Nhìn cho sâu, bạn sẽ không thấy ngày sinh và ngày chết của đám mây, chỉ có đám mây chuyển hóa thành mưa hay thành tuyết. Không có gì thực sự sinh ra và chết đi vì luôn luôn có sự nối tiếp không ngừng nghỉ của các sự vật trong thế gian này.

Trước khi sinh ra, đám mây đã có mặt ở đó rồi, với một hình thái khác là biển, là sông, là hơi nước. Hôm nay, khi bạn uống một ly sữa hay một tách trà, ăn một ly kem, xin hãy theo dõi hơi thở. Hãy nhìn vào ly sữa hay tách trà và gửi lời chào đám mây.

Bụt dùng nhiều thời gian để nhìn sâu vào mọi sự vật, chúng ta cũng vậy. Bụt không phải là Thượng đế, Ngài là một con người  giống như chúng ta. Ngài có sự đau khổ nên Ngài tu tập, vì vậy Ngài vượt thoát được đau khổ. Ngài có trí tuệ lớn, có hiểu biết và từ bi. Vì thế nên chúng ta nói Ngài là bậc thầy, là huynh trưởng của ta.

Chúng ta sợ chết là bởi vì chúng ta không hiểu rằng không có gì thực sự mất đi. Người ta nói Bụt đã chết, nhưng không phải thế. Bụt còn đang sống. Khi nhìn chung quanh, ta sẽ thấy Bụt dưới nhiều hình thái khác nhau. Bụt đang ở trong bạn vì bạn có thể nhìn sâu và thấy được mọi sự đều không sinh ra hay mất đi. Có thể nói bạn là một hình thái mới của Bụt, một tiếp nối của Bụt. Đừng coi thường chính mình. Hãy nhìn ra chung quanh, bạn sẽ thấy Bụt được tiếp nối ở khắp nơi.

BÀI 6

TÔI CÓ PHẢI LÀ TÔI CỦA NGÀY TRƯỚC?

Tôi có một tấm hình chụp hồi tôi mười sáu tuổi. Đó có phải là hình tôi chăng? Tôi không tin lắm. Ai là cậu bé trong hình? Đó chính là tôi hay là một ai khác? Hãy nhìn cho kỹ trước khi trả lời.

Nhiều người nói đứa bé trong hình và tôi là một. Nếu nói là tôi thì sao trông chú bé đó khác quá vậy? Chú bé đó còn sống hay đã chết? Cậu ta không giống tôi mà cũng không khác tôi. Một số người nhìn tấm hình lại cho rằng cậu bé trong đó không còn ở đây nữa.

Con người gồm có cơ thể (sắc), các cảm xúc (thọ), các nhận thức (tưởng), các loại ý nghĩ (hành), các hiểu biết (thức). Mọi thứ đó đều đã thay đổi trong tôi kể từ khi chụp tấm hình ấy. Cơ thể của cậu bé trong hình không còn là cơ thể của tôi ngày nay - một ông già bảy mươi tuổi. Các cảm thọ khác nhau, nhận thức cũng khác nhau. Hầu như tôi hoàn toàn khác với con người của cậu bé đó, nhưng nếu cậu ta không hiện hữu thì tôi cũng không có mặt bây giờ được.

Tôi là sự tiếp nối, sự chuyển hóa liên tục của ngũ uẩn này, cũng như mưa là sự tiếp nối của đám mây. Khi nhìn tấm ảnh, bạn có thể thấy tôi khi già. Bạn không cần phải đợi vài chục năm nữa. Khi cây chanh nở hoa, bạn có thể không nhìn thấy trái chanh nào, nhưng bạn biết rằng, trái chanh đã có ở đó. Bạn chỉ cần một nhân duyên để làm cho trái chanh hiển hiện, đó là thời gian. Trái chanh có sẵn trong cây chanh. Nhìn cây chanh, bạn chỉ thấy cành lá và hoa chanh. Nhưng với thời gian, hoa chanh sẽ biểu hiện ra thành trái chanh.

BÀI 7

HOA HƯỚNG DƯƠNG THÁNG TƯ

Nếu bạn tới nước Pháp vào tháng Tư, bạn sẽ không thấy bông hoa hướng dương nào cả. Nhưng quanh Làng Mai, vào tháng Bảy, hoa hướng dương nở rộ khắp nơi. Những bông hoa đó ở đâu trong tháng Tư? Nếu bạn tới Làng Mai và nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy chúng. Nông phu đã cày và gieo hạt, hoa hướng dương chỉ chờ một điều kiện nữa để hiển lộ mà thôi. Chúng chờ thời tiết ấm áp của tháng Năm và tháng Sáu. Hoa hướng dương đã có ở đó nhưng chúng chưa biểu hiện đầy đủ.

Nhìn sâu vào một hộp diêm quẹt, bạn có thấy lửa trong đó không? Nếu thấy, tức bạn đã hiểu biết. Khi nhìn sâu vào hộp diêm, chúng ta thấy lửa ở đó. Nó chỉ cần người nào đó cửa động vài ngón tay là lửa hiện ra. Chúng ta nói: “Lửa ơi, ta biết em đang ở đó. Bây giờ ta giúp em biểu hiện ra”.

Lửa luôn có trong diêm và trong không khí. Nếu không có dưỡng khí, ngọn lửa cũng không hiện ra được. Nếu bạn thắp một ngọn nến rồi phủ kín nó bằng một vật gì đó, ngọn lửa sẽ tắt vì thiếu oxy. Ngọn lửa chỉ tồn tại được nhờ có những điều kiện cần thiết cho nó. Ngọn lửa có mặt khắp mọi nơi trong không gian, trong thời gian và trong tâm thức của chúng ta. Ngọn lửa có ở khắp nơi, chờ biểu hiện ra, và chúng ta là một trong các điều kiện để nó xuất hiện. Khi ta thổi vào ngọn lửa, hơi thở đó là một nhân duyên khiến cho ngọn lửa đó ngừng biểu hiện dưới hình thái ngọn lửa.

Chúng ta có thể dùng que diêm thắp hai ngọn nến rồi thổi tắt ngọn lửa trên que diêm. Bạn có nghĩ ngọn lửa trên que diêm đó đã chết không? Lửa không có tính chất sinh-diệt. Câu hỏi là: “Ngọn lửa trên hai cây nến kia là một hay hai thứ lửa”.

- Nó không là một và cũng không khác nhau.

Câu hỏi khác: “Ngọn lửa trên que diêm chết hay không chết?”

Bản chất của nó là không chết đi và cũng không sinh ra. Nếu ta để cho cây nến cháy trong một giờ đồng hồ, thì ngọn lửa đó vẫn thế hay đã biến thành ngọn lửa khác? Tim nến (bấc), chất sáp và dưỡng khí đều đã thay đổi. Do đó ngọn lửa cũng đã thay đổi. Vậy thì ngọn lửa không giống và cũng không khác ngọn lửa trước kia.

BÀI 8

“CÓ”, CHẲNG TRÁI NGƯỢC VỚI “KHÔNG”

Chúng ta thường quan niệm “Có” là sự trái ngược với “Không”. Ý niệm đó không còn vững chắc, cũng như ý niệm về trái-phải. Hãy nhìn một cây bút. Chúng ta có thể cắt hết phần bên phải của nó không? Nếu chúng ta dùng dao, cắt đi một nữa cây bút thì chỗ còn lại vẫn có phần bên phải. Các đảng chính trị thiên tả và hữu khuynh bao giờ cũng hiện diện, vì nếu có tả thì phải có hữu.

Vậy thì những người có khuynh hướng chính trị thiên tả (trái), thì nên mong mỏi sự hiện diện của phái thiên hữu (phải). Nếu ta diệt phái thiện hữu thì phái thiên tả cũng không còn. Bụt dạy: “Cái này có vì cái kia có. Thứ này có mặt vì thứ kia có mặt”. Đó là bài giảng của Bụt về sự hình thành thế giới. Đó là giáo pháp tương duyên tương sinh. Ngọn lửa có ở đó vì que diêm có đó. Nếu không có que diêm thì cũng không có lửa.

BÀI 9

GIẢI ĐÁP NẰM BÊN TRONG

Lửa từ đâu tới? Nguồn gốc của nó là gì? Chúng ta nên nhìn sâu vào câu hỏi này. Chúng ta có nên ngồi thiền chiêm nghiệm câu hỏi này chăng? Tôi chắc chắn rằng bạn không cần làm thế, bạn đã có sẳn câu trả lời trong bạn. Chỉ cần chờ thêm một điều kiện nữa là nó hiện ra thôi. Bụt dạy ai cũng có Phật tánh. Phật tánh là khả năng giúp chúng ta hiểu và tiếp xúc được với bản chất của mình. Câu trả lời đã có sẳn trong bạn. Một người thầy cũng không thể giúp bạn trả lời. Vị thầy có thể chỉ cho bạn phương pháp thực tập để bạn tiếp xúc với Chánh niệm, khả năng tỉnh thức lớn (trí tuệ) và từ bi trong bạn. Bụt giúp bạn bước vào cánh cửa trí tuệ mà bạn đã có sẳn.

Nhiều người trong chúng ta hỏi” “Chúng ta về đâu sau khi chết? Chuyện gì xảy ra khi đó?” Chúng tôi có những thân hữu mất đi người thân, họ nói rằng: “Bây giờ họ ở đâu? Họ đi tới đâu rồi?”. Các triết gia hỏi: “Con người từ đâu tới, vũ trụ và thế giới này từ đâu sinh ra?”

Khi chúng ta nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng nếu đầy đủ nhân duyên, thì mọi sự vật sẽ biểu hiện. Sự biểu hiện đó không tới từ đâu cả. Và khi nó ngừng biểu hiện thì nó cũng không đi đâu hết.

BÀI 10

SÁNG TẠO.

Sáng tạo có nghĩa là từ Không có gì bỗng nhiên ta  một thứ gì đó. Tôi thích dùng từ biểu hiện hơn là từ sáng tạo. Nhìn cho kỹ, ta sẽ hiểu được chữ sáng tạo cũng có nghĩa là biểu hiện. Cũng như khi ta hiểu được rằng đám mây là biểu hiện của cái gì đó đã có sẵn, và mưa là biểu hiện sau đó của đám mây; chúng ta sẽ hiểu được rằng con người cũng như mọi sự vật chung quanh, không tới từ nơi nào và cũng chẳng đi tới đâu hết. Biểu hiện không đối nghịch với hoại diệt. Đó chỉ là sự chuyển hóa. Hiểu rằng đời sống của con người và vũ trụ chỉ là những biểu hiện, chúng ta sẽ được bình an vô cùng. Nếu bạn đang đau khổ vì mất một người thân thương, xin hãy tập nhìn sâu để hàn gắn vết thương trong bạn.

Có những nhà thần học nói rằng Thượng đế là nền tảng của tạo vật. Nhưng tạo vật nào? Đó không thể là những gì hiện hữu đối nghịch với cái không hiện hữu. Nếu có ý niệm cho hiện hữu là trái ngược với không hiện hữu, thì đó không phải là Thượng đế. Thượng đế vượt thoát được tất cả mọi ý niệm, kể cả ý niệm sáng tạo và hủy diệt. Nếu bạn nhìn sâu vào ý niệm sáng tạo với trí tuệ, hiểu rõ về sự biểu hiện, bạn sẽ khám phá được ý nghĩa sâu xa của chữ sáng tạo. Bạn sẽ thấy rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi, chúng chỉ là những biểu hiện của sự chuyển hóa mà thôi.

BÀI 11

TÌM SỰ CỨU RỖI

Chúng ta tìm tới các truyền thống tâm linh, tới nhà thờ, đền Do Thái giáo hay Hồi giáo, hoặc tới chùa miếu, để tìm các phương pháp giúp chúng ta bớt khổ. Nhưng chúng ta chỉ đạt được tình trạng thoát khổ khi ta có khả năng tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối. Trong đạo Thiên Chúa và Do Thái giáo, người ta gọi bình diện đó là Thượng đế. Thượng đế là bản tính chân thật của ta, là bản chất không sinh không diệt. Vì thế, nếu bạn biết tin cậy vào Thượng đế, tin vào bản chất chân thật của ta thì ta sẽ không còn sợ hãi và lo âu nữa.

Đầu tiên, hãy nghĩ tới Thượng đế như một con người. Nếu bạn có các ý niệm và quan điểm về Thượng đế thì bạn vẫn chưa thấy được bản chất của Thượng đế. Ngài vượt lên trên mọi ý niệm của ta. Thượng đế không phải là một con người nhưng cũng không phải là phi nhân. Con sóng vô minh thường sợ hãi chuyện sống-chết, cao-thấp, đẹp-xấu hay ghen tuông. Nhưng khi sóng có thể tiếp xúc được với bản chất thật của nó, thì sóng biết nó cũng là nước. Bao nhiêu lo sợ, giận hờn của nó sẽ tan biến. Nước không có chuyện sống hay chết, không có chuyện cao hay thấp.

BÀI 12

NHÂN DUYÊN

Khi chúng ta nhìn vào một vật gì, như căn nhà hay cái bàn chẳng hạn, chúng ta thường nghĩ rằng căn nhà hay cái bàn đó làm bằng chất liệu gì, là một hay nhiều người đã làm ra. Ta có khuynh hướng muốn tìm ra nguyên nhân đã tạo ra căn nhà hay cái bàn. Ta liền đi tới kết luận là căn nhà do thợ xây nhà làm nên, cái bàn do người thợ mộc tạo thành. Ai đã tạo ra cái bàn? Người thợ mộc ư? Ai tạo ra bông hoa? Đất hay người làm vườn?

Chúng ta thường suy nghĩ một cách đơn giản về nguyên nhân của sự vật. Ta thường cho rằng chỉ cần một nhân duyên là đưa tới sự vật kia. Khi thực tập nhìn sâu, ta thấy rằng một nguyên nhân không bao giờ có thể tạo ra kết quả được. Chỉ người thợ mộc thôi thì không đủ nhân duyên để tạo ra cái bàn. Nếu ông ta không có dụng cụ như đinh, cưa gỗ, thời gian, không gian, vật liệu gỗ, thức ăn, không có cha mẹ sinh ông ta và bao nhiêu nhân duyên khác, thì làm sao ông tạo ra được cái bàn? Con số nguyên nhân đó nhiều vô kể.

Khi nhìn bông hoa, chúng ta cũng thấy như vậy. Người trồng hoa chỉ là một nguyên nhân. Phải có hạt giống, đất, nước, không khí, mặt trời, phân bón, không gian trồng, thời gian để cây phát triển và còn nhiều, rất nhiều những thứ khác nữa. Khi nhìn sâu, bạn sẽ thấy rằng vũ trụ đã giúp cho bông hoa biểu hiện. Khi nhìn kỹ miếng cá rốt bạn ăn bữa trưa, bạn cũng thấy tất cả vũ trụ đã giúp cho miếng cà rốt có mặt.

Nếu chúng ta tiếp tục nhìn thật sâu, ta sẽ thấy nguyên nhân của sự vật này đồng thời cũng là kết quả của nhiều sự vật khác. Người làm vườn cũng là một nguyên nhân để có bông hoa, nhưng chính ông của là kết quả biểu hiện của nhiều yếu tố. Ông là sự biểu hiện từ nhiều nguyên nhân như tổ tiên, cha mẹ, thầy giáo, công việc, cộng đồng, thực phẩm, thuốc men, ngôi nhà… Giống như người thợ mộc, ông không chỉ là nguyên nhân mà còn là một hệ quả.

Nhìn sâu, chúng ta thấy không thể có thứ gì chỉ thuần là nguyên nhân. Thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể khám phá ra được nhiều điều và nếu ta không bị ràng buộc vào một chủ thuyết nào, quan điểm nào hay ý niệm nào, chúng ta sẽ có được tự do để khám phá.

BÀI 13

KHÔNG CÓ MỘT NGUYÊN NHÂN THUẦN TÚY

Khi Bụt được hỏi “Cái gì là nguyên nhân của mọi sự vật?”, Ngài đã trả lời một cách đơn giản. Ngài nói: “Cái này có vì cái kia có”.

Câu này có nghĩa là sự vật nào cũng nhờ vào tất cả các thứ khác mới biểu hiện ra được. Một bông hoa phải nhờ các yếu tố khác để hoa có thể biểu hiện ra. Khi nhìn sâu vào một bông hoa, bạn có thể thấy được các yếu tố mà không phải là hoa. Nhìn vào hoa, bạn thấy mặt trời - đây là một yếu tố không phải là hoa. Không có ánh sáng mặt trời, hoa không thể biểu hiện. Nhìn hoa bạn cũng thấy nước, đó cũng là một yếu tố không phải là hoa. Không có nước hoa không biểu hiện được. Các yếu tố căn bản như đất, nước, không khí, nhiệt độ, ánh sáng… Rất nhiều các yếu tố không phải là hoa đã giúp cho bông hoa biểu hiện.

Đó là lý do vì sao tôi ưa dùng từ biểu hiện thay vì sáng tạo. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể dùng từ sáng tạo, nhưng ta nên hiểu rằng sáng tạo không có nghĩa là từ không có nhân duyên nào mà làm thành một sự vật được. Tạo vật không phải là thứ gì bị hủy hoại hoàn toàn và có thể không còn lại gì hết. Tôi thích từ ngữ “wonderful becoming” (sự hình thành mầu nhiệm) - nó gần với chân nghĩa của từ sáng tạo hơn.


(Hết chương 2)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***