Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Saigon Books - thuộc bản quyền Reverhead Books
Chân Huyền dịch Việt ngữ
Chương 1
TA TỪ ĐÂU TỚI? TA ĐI VỀ ĐÂU?
Trong tu viện của tôi ở nước Pháp, có một cây hoa anh đào Nhật Bản.
Cây hoa này thường nở rộ vào mùa Xuân, nhưng có một năm, mùa Đông ấm áp hơn nên hoa nở sớm hơn thường lệ. Rồi một đêm trời lạnh, nhiệt độ xuống tới điểm băng giá. Sớm hôm sau khi đi thiền hành, tôi nhận thấy những nụ hoa đều bị héo hết. Tôi nghĩ “Vậy là đầu năm nay sẽ không có đủ hoa cúng Bụt”.
Vài tuần sau, trời ấm áp trở lại, tôi lại nhìn thấy những nụ hoa đào thuộc thế hệ mới đang hiện ra. Tôi hỏi những nụ hoa:
“Các bạn là những bông hoa đã chết khi trời băng giá hay là những bông hoa khác?”
Hoa trả lời:
“Chúng tôi không phải là những bông đó, mà cũng không khác những bông hoa đó. Khi nhân duyên đầy đủ chúng tôi biểu hiện ra, và khi thiếu nhân duyên thì chúng tôi ẩn tàng. Giản dị vậy thôi!”
Đó là giáo pháp của Bụt. Khi nhân duyên đầy đủ thì sự vật xuất hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng ẩn tàng. Chúng đợi tới đúng thời điểm sẽ biểu hiện trở lại.
Trước khi sinh ra tôi, mẹ tôi đã mang thai một em bé khác. Nhưng bà bị sảy thai và em bé đó đã không ra đời. Khi còn nhỏ, tôi thường hỏi: “Bào thai đó là anh tôi hay là chính tôi?” Ai đã muốn biểu hiện ra trong lần mẹ xảy thai đó?” Khi mẹ tôi mất em bé, có nghĩa là nhân duyên chưa đủ cho bé ra đời, nên bé không thể có mặt, nó sẽ chờ điều kiện tốt đẹp hơn: “Tốt hơn là con nên trở lại nay mai nhé mẹ!” Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của em bé.
Nếu bạn nhìn đời bằng cách nhìn như thế, bạn sẽ bớt khổ đau nhiều. Mẹ tôi đã mất anh tôi hay chính tôi lúc đó vì chưa đúng thời điểm?
BÀI 1
TRỞ THÀNH KHÔNG
Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành Không. Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của chúng ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.
Bụt có cái hiểu biết rất khác về cuộc đời. Ngài hiều rằng, sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là những sự thực, chính là nguyên nhân gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không lui, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng, mình sẽ không bị hủy diệt, thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là giải thoát. Chúng ta có thể an vui và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.
BÀI 2
TÌM LẠI NGƯỜI THÂN ĐÃ MẤT
Đối với trường hợp mất người thương cũng thế. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì họ sẽ biến đi. Khi mẹ mất, tôi đau đớn. Khi chúng ta chỉ mới bảy hay tám tuổi đầu, ta không hề nghĩ có ngày mất mẹ. Nhưng sự thực là khi lớn lên, ai cũng sẽ mất mẹ. Nếu bạn biết tu tập thì tới giờ phút chia lìa, bạn sẽ không quá khổ sở. Bạn sẽ nhận thức được rằng, mẹ bạn vẫn còn sống trong bạn.
Ngày mẹ mất, tôi viết vào nhận ký: “Tai nạn lớn nhất đời mình đã xảy ra rồi”. Tôi đau khổ hơn một năm sau khi mẹ qua đời. Nhưng rồi một đêm, khi ngủ trong một cái thất nhỏ ở vùng cao nguyên Việt Nam, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi. Tôi thấy tôi ngồi chơi bên bà và chúng tôi nói chuyện rất vui. Mẹ tôi trông trẻ đẹp, tóc bà thả dài xuống lưng. Thật là sung sướng được trò chuyện với mẹ như thể bà còn sống. Tôi tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng và tôi cảm giác chân thực là tôi chưa từng mất mẹ. Cảm tưởng mẹ vẫn ở trong tôi rất rõ ràng. Tôi hiểu rằng ý tưởng mất mẹ chỉ là một ý tưởng thôi. Rõ ràng lúc đó tôi thấy mẹ luôn luôn còn sống trong tôi.
Tôi mở cửa đi ra ngoài. Cả sườn đồi được tắm trong ánh trăng. Đó là một đồi trà và thất của tôi ở lưng chừng đồi, phía sau ngôi chùa. Khi đi bộ thong thả giữa các luống trà, tôi vẫn cảm thấy mẹ bên tôi. Bà là ánh trăng vuốt ve tôi - như bà thường làm, thật dịu dàng âu yếm… Thật là kỳ diệu! Mỗi khi chân tôi chạm mặt đất, tôi biết mẹ vẫn ở bên cạnh. Tôi biết cái chân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ, của cha, của ông bà, của cụ kị, của tổ tiên. Những dấu chân tôi tưởng của tôi, thực ra là của mọi người, cùng để lại những dấu chân trên mặt đất ẩm ướt đó.
Từ lúc ấy, ý nghĩ mất mẹ không còn hiện diện trong tôi nữa. Tôi chỉ cần nhìn vào bàn tay tôi, cảm nhận hơi gió mát trên mặt, hay dưới bàn chân, là tôi nhớ mẹ tôi luôn có mặt, trong mọi thời điểm.
Khi mất một người mình thương thì hẳn là ta đau khổ. Nhưng nếu bạn biết nhìn sâu, bạn có cơ hội để nhận ra rằng bản thể của người đó là vô sinh, bất diệt. Chỉ có sự biểu hiện và sự ngừng lại để biểu hiện dưới hình thức khác mà thôi. Bạn phải rất tinh ý và tỉnh thức để có thể nhận ra sự biểu hiện mới của người ấy. Nhưng khi thực tập và cố gắng, bạn có thể cảm nhận được điều này.
Vậy, hãy nắm tay một người bạn tu, cùng nhau đi thiền hành. Hãy để tâm tới từng chiếc lá, từng bông hoa, từng con chim và từng giọt sương nhỏ. Nếu bạn có thể ngừng lại và nhìn sâu, thì bạn có thể nhận diện được người thương ở những biểu hiện khác nhau, dưới nhiều hình thái. Bạn sẽ lại yêu đời.
BÀI 3
KHÔNG CÓ GÌ SINH RA, CŨNG KHÔNG CÓ GÌ MẤT ĐI
Nhà khoa học người Pháp, ông Lavoisier ở thế kỷ 18 đã tuyên bố: “Không có gì được sinh ra, cũng không có gì mất đi”. Dù ông không thực hành đạo Bụt, nhưng nhà khoa học ấy đã tìm ra chân lý giống như Bụt đã thấy.
Bản chất thực của chúng ta là không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi của mình, đổi được cái lo sợ trở thành an nhiên.
Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Theo Bụt, nói rằng thứ có hay không có, là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu.
Chúng ta thấy được chuyện này rất dễ dàng khi quan sát các máy truyền hình và phát thanh. Chúng ta có thể đang ở trong căn phòng không có máy truyền hình và cũng không có máy phát thanh. Khi ở căn phòng đó, chúng ta có thể cho rằng không có chương trình truyền hình hay truyền thanh tại đó. Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu là không gian trong phòng chứa đầy các tín hiệu. Tín hiệu của các chuương trình đó có mặt khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ cần một điều kiện nữa thôi, một máy thu thanh hay truyền hình, là bao nhiêu sắc thái, màu sắc và âm thanh sẽ biểu hiện ra. Vậy khi nói rằng các tín hiệu đó không hiện hữu là sai, vì sự thực chúng ta chỉ thiếu dụng cụ để thu các tín hiệu vào và phát ra các biểu hiện. Chúng hình như không hiện hữu chỉ vì nhân duyên không đầy đủ để chúng xuất hiện. Vậy thì căn phòng trống không đó, ở giờ phút đó, nếu chúng ta nói rằng mọi thứ không hiện hữu, thì chỉ vì chúng ta không nhìn hay nghe được chúng, chứ không phải là chúng không có mặt.
Chỉ vì các quan niệm có-không mà chúng ta bị rối trí. Quan niệm hiện hữu và không hiện hữu khiến chúng ta tin cái này là có, cái kia là không. Ý niệm có và không đó không thể áp dụng vào thực tại được.
BÀI 4
KHÔNG TRÊN KHÔNG DƯỚI
Ý niệm về trên dưới cũng vậy. Cho rằng có trên có dưới là sai. Cái gì ta nghĩ là phía dưới, có thể nó là ở phía trên của người khác, ở nơi khác.
Chúng ta đang ngồi đây và cho rằng phía trên là hướng bên trên đầu ta, còn đối nghịch với nó là phía dưới. Những người đang ngồi thiền ở bán cầu kia không đồng ý với quan niệm của chúng ta được, vì phía trên của ta là phía dưới của họ. Họ không ngồi lộn ngược đầu.
Ý nghĩ trên dưới có nghĩa là trên cái gì đó và dưới cái gì đó. Quan niệm trên dưới không thể áp dụng cho thực tại vũ trụ được. Đó chỉ là những quan niệm giới hạn với môi trường đang sinh hoạt. Đó là những ý niệm cho chúng ta một tiêu chuẩn nhưng chúng không có thật. Chúng không phải là chân lý. Thực tại không bị rằng buộc vào bất kỳ ý niệm nào.
BÀI 5
BỊ TRÓI VÀO Ý NIỆM
Bụt đã kể cho ta một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về tư tưởng và ý niệm. Một thương gia trẻ trở về nhà sau chuyến đi buôn xa, thấy nhà đã bị cướp đốt thành tro. Ngay phía ngoài nền nhà cũ là một cái xác nhỏ bé đã bị cháy thành than. Anh ta nghĩ đó là xác đứa con trai nhỏ của mình. Anh không biết rằng con trai anh vẫn còn sống, và bọn cướp đã bắt đứa bé theo. Trong tình trạng hoảng loạn, anh đã tin rằng cái xác kia chính là xác của con trai anh. Anh vò đầu đấm ngực khóc lóc, rồi làm đám tang cho con.
Người thương gia đó rất yêu con. Nó là lẽ sống của anh. Anh thương xót nó tới độ không thể rời hũ tro của nó. Anh may một cái túi bằng gấm và bỏ tro vào đó, đeo trước ngực ngày đêm, lúc ngủ nghỉ cũng như khi làm việc.
Một đêm, con anh trốn thoát khỏi tay bọn cướp. Nó trở về căn nhà cha nó đã xây lại gần đó và nó gõ cửa một cách háo hức vào lúc hai giờ sáng. Cha nó thức giấc, lòng vẫn còn đau khổ và túi tro vẫn mang trên ngực, anh hỏi: “Ai đó?”
“Con đây cha ơi!” - Đứa bé trả lời vọng qua cửa.
“Mày tệ quá, mày đâu phải con tao. Con tao đã chết ba tháng trước rồi, tao còn tro của nó ngay đây”.
Đứa bé tiếp tục đấm cửa và khóc lóc. Nó năn nỉ hoài để xin vào trong nhà nhưng người cha nhất định không cho. Người cha giữ chặt lấy ý niệm con mình đã chết và cho rằng đứa bé vô lương tâm này chỉ đến phá rối anh mà thôi. Cuối cùng đứa bé đành bỏ đi và anh ta đã mất con vĩnh viễn.
Bụt dạy rằng, khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta mất cơ hội để thấy được chân lý. Dù cho chân lý tới tận nhà gõ cửa, bạn cũng sẽ từ bỏ vì bạn không mở cánh cửa tâm bạn ra. Vậy nên khi bạn vướng vào một ý niệm về tư tưởng nào đó, hay ý niệm về điều kiện của một thứ gì đó thì hãy cẩn thận.
Giới thứ nhất để thực tập Chánh niệm là thực tập để được tự do, không bị buộc vào tà kiến: “Ý thức rằng những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để không vướng mắc vào bất cứ chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả chủ thuyết Phật giáo. Con nguyện nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như phương pháp hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những hủ tục thờ phụng và bảo vệ bằng phương tiện bạo động”. Đây là sự thực tập giúp chúng ta không bị ràng buộc vào một giáo điều nào. Thế giới chúng ta đã chịu khổ đau quá nhiều vào chủ thuyết, giáo điều. Điều thứ nhất trong sự thực tập chánh niệm giúp ta được tự do. Sự tự do này vượt trên tất cả ý niệm về tự do mà ta vẫn thường có. Nếu ta bị kẹt vào các ý niệm, ta sẽ đau khổ và làm cho người khác đau khổ theo.
BÀI 6
KHÔNG ĐẾN CŨNG KHÔNG ĐI
Đối với đa số, chúng ta đau khổ nhiều nhất vì ý niệm đến-đi. Chúng ta nghĩ rằng những người thương của ta đến từ một nơi nào đó và nay sẽ ra đi tới một nơi nào đó. Nhưng bản chất của thực tại là không đến cũng không đi. Chúng ta không từ đâu tới mà cũng không đi về đâu cả. Khi nhân duyên hội tụ đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên hết thì chúng ta ẩn tàng. Điều này không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Giống như khi làn sóng tín hiệu của đài phát thanh không phát ra âm thanh, thì chúng chỉ đơn giản là chưa biểu hiện ra mà thôi.
Không phải chỉ có các ý niệm đến-đi mới không diễn bày được thực tại, mà các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu cũng vậy. Chúng ta học được câu này trong kinh Bát Nhã:
“Xá Lợi Tử nghe đây,
Thể mọi pháp đều không
Không sinh cũng không diệt
Không thêm cũng không bớt…”
Ý nghĩa chữ Không này rất quan trọng. Nó có nghĩa là mọi sự việc đều trống rỗng, không có tự tánh riêng biệt. Không có cái gì có tự tánh độc lập, không có cái gì tự nó hiện hữu mà không phụ thuộc vào nhân duyên. Khi nhìn sâu vào mọi sự vật, ta thấy rằng tất cả, kể cả ta trong đó, đều là những hợp thể. Ta được cấu tạo bằng các phân tử không phải ta. Ta được làm bằng hợp thể của cha mẹ, ông bà, cơ thể, cảm thọ, nhận thức, đất, nước, không khí, mặt trời và vô số những yếu tố khác nữa không phải là ta. Tất cả những thứ đó tùy thuận theo điều kiện nhân duyên. Ta thấy rằng tất cả những thứ đó đã, đang, hoặc sẽ biểu hiện đều có tương quan và liên hệ mật thiết với nhau. Những gì biểu hiện ra mà ta nhìn thấy được, chỉ là một phần nhỏ của bao thứ khác, của các điều kiện đầy đủ khiến cho nó có mặt. Mọi sự vật đều không được sinh ra hay bị mất đi vì chúng luôn ở trong tiến trình liên tục của sự biểu hiện.
Chúng ta có thể thông minh để hiểu được chuyện này. Nhưng hiểu bằng trí óc thôi không đủ. Thực sự hiểu điều này, ta sẽ hết sợ hãi. Ta sẽ được giác ngộ và sống với cái nhìn tương tức (inter-being).
Chúng ta phải thực tập nhìn thật sâu như thế trong đời sống hằng ngày để nuôi dưỡng sự hiểu biết về không sinh không diệt. Như thế, ta có thể thực chứng được sự mầu nhiệm của sự vô úy, không sợ hãi.
Nếu chúng ta nói tới vấn đề tương tức tương nhập như một lý thuyết thì không có lợi ích gì hết. Ta nên đặt câu hỏi: “Tờ giấy này, em từ đâu tới? Giấy là cái gì? Và em tới đây làm gì? Giấy sẽ đi đâu?” Ta cũng hỏi ngọn lửa (đang đốt tờ giấy): “Lửa ơi, em từ đâu tới và em sẽ đi về đâu?” Hãy lắng nghe chúng trả lời. Ngọn lửa, tờ giấy đang trả lời bằng sự có mặt của chúng. Chúng ta chỉ cần nhìn sâu thì sẽ nghe được câu trả lời của nó. Ngọn lửa trả lời: “Tôi không tới từ đâu cả”.
Đó cũng là câu trả lời của cây hoa anh đào Nhật Bản. Chúng (hai đợt hoa) không giống nhau mà cũng không khác nhau. Hoa không tới từ đâu và cũng không đi đâu hết. Khi mất một em bé, chúng ta không nên quá đau buồn. Đó chỉ là vì lúc ấy chưa đủ nhân duyên để em bé biểu hiện ra ở thời điểm đó mà thôi. Em sẽ trở lại.
BÀI 7
BUỒN PHIỀN VÌ VÔ MINH
Đức Quán Thế Âm là học trò của Bụt. Một bữa Ngài nhập định và đạt được hiểu biết sâu xa, Ngài thấy rằng mọi sự vật đều không có tự tánh. Hiểu như vậy, Ngài vượt qua được màn vô minh, nghĩa là Ngài thoát được hết các khổ não.
Nhìn cho sâu, chúng ta cũng thấy được rằng không có gì sinh ra, không có gì chết đi, không có gì tới, cũng không có gì đi, không có cũng không không, không giống cũng không khác.
Nếu ta không học phép tu tập này thì thật phí phạm quá sức. Chúng ta có thể thực tập theo nhiều phương pháp để bớt khổ, nhưng trí tuệ lớn nhất là sự giác ngộ về không sinh không diệt. Khi chúng ta giác ngộ được điều này thì ta không còn sợ hãi nữa. Chúng ta có thể vui hưởng được gia tài khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho. Ta nên thu xếp để có thì giờ thực tập giáo pháp huyền diệu này mỗi ngày.
BÀI 8
KÍNH TRỌNG BIỂU HIỆN CỦA MÌNH
Khi nhìn qua một người bạn mình bằng con mắt thiền quán, ta có thể nhìn thấy trong đó tất cả các thế hệ tổ tiên của bạn mình. Ta sẽ rất kính trọng người đó và kính trọng cả con người mình, vì ta thấy đó là ngôi đền thờ của tất cả thế hệ tổ tiên.
Bạn cũng nhìn thấy thân thể mình là nền tảng của các thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta sẽ không làm hại bản thân mình, vì như thế là không tử tế với các thế hệ con cháu. Ta sẽ không sử dụng ma túy, rượu, thuốc lá và ăn uống những chất độc làm hại cơ thể. Đó là do cái hiểu biết về sự biểu hiện, nó đã giúp chúng ta sống một cuộc đời lành mạnh, trong sáng và có trách nhiệm.
Ý niệm trong ngoài cũng vậy. Khi chúng ta nói Bụt và cha mẹ ở trong ta, hay ở ngoài ta, ý niệm trong ngoài đó không có ý nghĩa chi cả. Chúng ta bị kẹt vào các ý niệm, nhất là ý niệm đến-đi và hiện hữu hay không hiện hữu. Chỉ khi ta buông bỏ được các ý niệm đó thì sự thật mới hiển lộ, sự thật của Niết Bàn. Khi tất cả các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu đã tắt ngấm thì chân như thực tại sẽ tự biểu hiện ra.
BÀI 9
KHÔNG CÓ GÌ BẰNG KINH NGHIỆM
Chúng ta có thể dùng một thí dụ dễ hiểu về trái quýt và trái sầu riêng. Nếu có người nào chưa từng nếm trái quýt hay trái sầu riêng, thì dù bạn mô tả bằng bao nhiêu hình tượng, bạn cũng không thể diễn tả được các loại trái cây đó thực sự chúng ra sao. Bạn chỉ có thể giúp họ có kinh nghiệm sống, thực chứng về hai loại trái cây đó. Bạn không thể nói: “Sầu riêng ư, nó giống như mít hay đu đủ”. Bạn không thể nói được điều gì giống như khi người ta ăn trái sầu riêng. Sầu riêng nó vượt ra tất cả ý niệm, ra khỏi ngôn từ. Trái quýt cũng vậy. Khi bạn chưa từng ăn trái quýt, thì dù cho người kia có cố gắng giúp bạn cách mấy cũng không thể diễn tả được hương vị trái quýt ra sao. Thực tại của trái quýt vượt lên trên tất cả mọi ý niệm. Niết bàn cũng vậy. Đó là một thực tại vượt qua các ý niệm. Chỉ vì ta có ý niệm về Niết bàn mà ta đau khổ. Phải thực chứng, phải tự kinh nghiệm, đó là con đường cần phải đi.
(Hết chương 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét