8 thg 5, 2022

AN LẠC VÀ TỰ TẠI TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Thiền Sư Lama Zopa

Hạnh phúc mà chúng ta khát khao, niềm an vui mà ta nỗ lực vươn tới, những khổ đau mà ta cố tận trừ, tất cả đều tới từ tâm của mỗi người, chúng không tới từ môi trường bên ngoài, không tới từ người khác. Chúng sinh khổ đau bởi chưa điều phục được tâm ý mình. Họ để cho những phiền não si mê, bất mãn, ghanh tỵ, ích kỷ tự do hoành hành. Thay vì điều phục chúng, họ lại tôn xưng chúng và nhận thất bại về mình. Đó là tất cả những gì đời sống hàng ngày của chúng sinh khổ đau đang trải qua.  Nếu nỗ lực rèn luyện tâm, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc, niềm an lạc trong đời sống thường nhật và những khổ đau không mong muốn sẽ chấm dứt.

Nếu muốn có sự an vui trong đời sống thường nhật, thậm chí nếu như ta chưa hoàn toàn vượt trên được những mong muốn cá nhân, chưa trọn vẹn làm lợi ích cho hữu tình thì ít nhất ta cũng có thể rèn luyện tâm bình đẳng, thấu hiểu rằng ta và chúng sinh đều bình đẳng giống nhau ở mong cầu hạnh phúc. Ai cũng mong cầu hạnh phúc và niềm an lạc, chẳng ai muốn phải trải qua khổ đau dù là nhỏ nhất.

Nuôi dưỡng tâm Bình đẳng

Nếu tư duy kỹ càng bạn sẽ thấy bản thân mình, gia đình mình, bạn bè mình, những đồng nghiệp, tất thảy mọi người trên thế giới, cả những loài động vật, côn trùng nhỏ bé, thực sự thì tất thảy chúng sinh đều mong cầu hạnh phúc và bình an, chẳng loài nào mong muốn khổ đau cả. Bởi vậy không có một lý do hợp lý nào khi cho rằng hạnh phúc và bình an của mình quan trọng hơn của người khác và các loài khác cả. Bạn hãy hướng tâm về những người mà mình không thích, những người từng nói xấu hoặc đã làm hại bạn, thực ra họ cũng bình đẳng giống bạn. Bạn không thể tìm thấy bất kỳ một lý do chính đáng nào để chứng minh rằng hạnh phúc và khao khát được tự do, thoát khỏi khổ đau của người mà bạn thân yêu lại quan trọng hơn hạnh phúc của những người khác và người từng làm tổn hại bạn.

Tư duy như vậy rồi, bạn hãy hướng tâm tới những người trong gia đình, nơi làm việc, mọi người trong xã hội, trong đất nước, toàn bộ thế giới và tất thảy chúng sinh. Dù cho có khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, màu da thì họ cũng đều bình đẳng ở mong cầu hạnh phúc và tránh khổ đau. Bạn và những người từng làm phiền bạn cũng đều giống nhau như vậy. Và thêm nữa, bạn và tất cả mọi người đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc và vượt trên khổ đau ở đời sống này. Trong đời sống bạn và mọi người đều cần sự giúp đỡ từ người khác và mọi người cũng cần tới bạn. Như thế thì chẳng có lý do gì bạn lại làm tổn hại người khác chỉ vì lợi lộc, ích kỷ và hạnh phúc của riêng mình. Nếu không như vậy thì thật bất hạnh, ta đã bị chi phối bởi một tâm thức nhỏ nhen và hạn hẹp.

Nếu trong gia đình, một đôi vợ chồng, ít nhất một người biết nuôi dưỡng tâm bình đẳng thì sẽ có nhiều an lạc và hòa hợp. Bình đẳng mà tôi vừa nói tới ở trên là một thực tế, nhưng người đời thường hiểu sai lệch và luôn nghĩ rằng: “Tôi là quan trọng hơn người khác, hơn tất cả chúng sinh khác”, mặc dù chẳng có lý do thuyết phục nào cho suy nghĩ đó cả, nhưng hầu như ai cũng nghĩ như thế và họ mặc định phải như thế. Thực sự về “một cái tôi quan trọng hơn người khác” không hề tồn tại; đó là một nhận thức sai lầm và nếu cứ bám chấp vào tri kiến đó sẽ rất nực cười, nhưng đó là thứ chúng ta làm trong đời sống hàng ngày. Đó là cũng nguyên nhân của mọi rắc rối và xung đột.

Những sai lầm của sự nuông chiều bản ngã

Tư tưởng ích kỷ bản ngã là nguồn cội của tất cả sự tham lam, si mê, xung đột, bất mãn, tranh đấu và mọi rắc rối của đời sống thường nhật. Tư tưởng ích kỷ càng lớn thì các rắc rối càng lớn theo, chúng ta càng ích kỷ tư lợi, chỉ chăm chăm cho cái gọi là hạnh phúc của riêng mình thì chúng ta càng bất an và thất bại. Chúng ta thậm chí tức giận một cách vô cớ với mọi thứ, những chú chim đang hót líu lo ngoài sân hoặc một tiếng đóng cửa của nhà bên cạnh... dù chúng chả có ý định làm phiền ta, trong khi những người khác lại thấy an lạc trước những âm thanh ấy thì những người ích kỷ lại thấy khó chịu, bực dọc. Chúng ta bực tức với những chú chó sủa ngoài đường hay cả với những luồng gió ở bụi cây! Nếu thức ăn mang tới cho ta có hơi nguội một chút, chúng ta cứ quan trọng hóa vấn đề lên và coi đó là rắc rối lớn.

Mọi rắc rối và bất an tới từ tâm ích kỷ. Nếu mang nó xuống phố, anh ta sẽ bất an, nếu ở nhà anh ta cũng sẽ bất an, dù đi đâu làm gì cũng không bao giờ được hài lòng và hạnh phúc, thậm chí sự bất an đó còn lan tỏa ra mọi người xung quanh. Bạn có thể thấy rõ điều này đặc biệt đúng với các cặp vợ chồng ích kỷ, họ tranh cãi suốt ngày. Họ tranh cãi trong vườn, trong phòng ăn, khi ăn trưa, lúc ăn tối. Thời gian duy nhất không tranh cãi chính là lúc họ ngủ say hoặc không ở cạnh nhau. Nhưng nếu ít nhất chỉ một trong 2 người biết nhẫn nại, bỏ bớt những bám chấp một vài sự ích kỷ cho riêng mình, chắc chắn mối quan hệ của họ sẽ trở nên bình an và hòa hợp. Càng biết buông xả, bình an và hòa hợp càng lớn hơn.

Bởi vậy, điều quan trọng trước hết là cần thay đổi tâm thức, thực hành bình đẳng tâm, rèn luyện tâm để bớt dần đi sự ích kỷ, bớt dần đi chỉ quan tâm tới lợi lạc bản thân. Còn nếu tâm mình luôn bị chi phối bởi thái độ ích kỷ tự lợi, thì dù ta có sống một tỷ năm, một tỷ kiếp cũng sẽ chẳng có lợi lạc gì, chúng ta sẽ chẳng thể có được bất kỳ sự bình an nào mà chỉ có những chướng ngại, phiền não và bất mãn. Như thế càng sống lâu sẽ lại càng bất an và do bất an ta lại muốn thay người chồng khác, người vợ khác, thay đổi hoàn cảnh bên ngoài hàng triệu lần, nhưng vẫn cứ bất an, chúng ta không bao giờ tìm thấy niềm an vui đích thực trong đời sống làm người.

Bạn có thể thấy những lập luận trên rất lô-gic và rõ ràng. Nếu một ai đó đối xử tệ, phê phán bạn, soi mói và làm bạn tổn thương. Nhưng nếu bạn không quá coi trọng mình, nếu không bám chấp vào những lời phê phán hay diễu cợt, thì bạn chẳng bao giờ bị tổn thương cả. Tâm bạn tổn thương là do mình quá coi trọng bản thân thôi.

Để có thể điều phục và tận trừ tư tưởng ích kỷ tư lợi, bạn nên coi nó như một kẻ gây phiền não bên ngoài vậy. Hãy không ngừng tư duy về những tác hại mà ích kỷ tư lợi mang lại. Khi bạn thực hành Phật pháp, dù cho bất kỳ điều gì bạn làm bằng thân, khẩu, ý nhưng tư tưởng còn ích kỷ tư lợi thì sẽ không thể trở thành Pháp, đó là tác hại mà ích kỷ mang lại. Hành động của bạn không trở thành Pháp bởi vì bạn bị ích kỷ chi phối, dù chúng ta tiếp nhận rất nhiều giáo pháp từ các bậc thầy giác ngộ, nhưng khi đối mặt với những chướng ngại, chúng ta không thể nhớ tới giáo pháp nào để đưa vào ứng dụng thực hành. Khi một ai đó đối xử không tốt, phê phán ta, chúng ta cũng không thể nhớ được cần phải thực hành pháp thiền nào khi ấy. Tại sao? Bởi vì chúng ta đã bị tâm ích kỷ che mờ dẫn lối rồi! Lúc ấy dầu cho chư Phật ba đời tới trước mặt ta, ban cho ta giáo pháp nhiệm mầu thì giáo pháp ấy cũng không mang lại lợi lạc gì cho ta được nữa, không làm ta chuyển tâm được. Nếu chúng ta không tự nỗ lực từng ngày để Phật pháp thấm sâu vào tâm, gột rửa sự ích kỷ thì dù cho có bậc thầy vĩ đại tới cỡ nào, cũng sẽ chẳng thể chuyển biến được tâm tính chúng ta, sự an lạc nội tâm không bao giờ có.

Đối với người tu sĩ, khi không chuyên tâm tu tập mà để ích kỷ trú ngụ trong tâm thì dù cho chúng ta có thụ nhận rất nhiều giới nguyện, giới Biệt giải thoát, giới Bồ tát, giới Mật thừa, nhưng ta không thể giữ giới nguyện nào thanh tịnh và viên mãn cả, những hành động chúng ta làm cho bản thân cũng không trọn vẹn. Ích kỷ không chỉ ngăn trở chúng ta thành công ở thế tục mà còn ngăn trở chúng ta tiến bộ trên con đường tâm linh, là chướng ngại trải nghiệm sự an lạc giải thoát. Nó ngăn trở chúng ta làm lợi ích cho tha nhân và cũng có thể nói rằng chúng ta đang làm tổn hại cho chúng sinh.

Nếu tư duy kỹ càng bạn sẽ thấy rằng ích kỷ tư lợi chắc chắn chỉ làm tổn hại cho vạn vật mà thôi. Nếu không có sự chứng ngộ, chúng ta không thể làm lợi ích cho mọi người, không thể dẫn dắt mọi người đi vào con đường chánh giác và thanh tịnh, chúng ta không thể giúp họ thoát khỏi khổ đau và đưa họ tới hạnh phúc viên mãn. Bởi vậy, nếu bản thân vẫn giữ thái độ ích kỷ sẽ mang lại tổn hại to lớn cho mình và mọi chúng sinh. Điều này rất rõ ràng.

Hạnh Nhẫn – pháp thực hành tâm yếu trong đời sống

Điều đầu tiên chúng ta cần làm trong đời sống thường nhật là thay đổi thái độ sống của mình, và khi phải đối mặt với những người gây tổn hại và phiền não tới ta, hãy thực hành hạnh nhẫn nhục với họ. Khi một ai làm phiền ta chính là lúc ta có cơ hội thực hành hạnh nhẫn. Ít nhất ta cũng có thể thực hành tâm bình đẳng, vượt trên những ích kỷ bản thân và biết trân trọng người khác, hãy tư duy về lòng tốt của mọi người và những hạn hẹp của tâm vị kỷ. Một trái tim nhân hậu là điều ta cần nuôi dưỡng trước tiên.

Dù cho ta có tích lũy bao tiền của vật chất, sự sang giàu, dù cho ta đã tích lũy bao vốn tri thức, dù cho ta có danh tiếng bao nhiêu, địa vị, tri thức nhiều như thế nào, có bao nhiêu người theo, sùng kính ta, ngợi ca ta thì nếu như chúng ta không thực hành hạnh nhẫn và từ tâm thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự bình an nội tâm đích thực. Thậm chí nếu ta có tiêu hàng tỷ đô la để mua những căn hộ sang trọng nhất, an toàn nhất trên thế giới nhưng nếu tâm ta vẫn ích kỷ tư lợi thì chắc chắn không bao giờ ta có được an lạc và bình yên nội tâm.

Vậy thì niềm an lạc nội tâm tới từ đâu? Tới từ kẻ thù của chúng ta chăng? Vâng, đúng thế! Trong thực hành, những ai làm ta phiền não thì chính là đối tượng mang lại cho ta bình an nội tâm. Khi ta thực hành hạnh nhẫn và khởi phát từ bi tâm tới họ, sự sân hận trong ta sẽ giảm thiểu. Dần dần qua năm tháng, ta sẽ khó có thể sân hận và chắc chắn nếu có thì nó sẽ không kéo dài. Những bằng hữu tốt ít khi mang lại cho ta cơ hội thực hành hạnh nhẫn và từ bi tâm. Thường thì chúng ta phải dựa vào kẻ thù ghét để nuôi dưỡng và phát triển hạnh nhẫn.

Nhiều người sau khi mất 50 năm tìm kiếm hạnh phúc và sự bình an, họ tiêu hàng tỷ đô la cho việc học hành và mua sắm nhưng nếu không thực hành hạnh nhẫn, nuôi dưỡng một trái tim thiện lành và thay đổi tri kiến về đời sống, thì chắc chắn họ không bao giờ có được an lạc. Tất cả những rắc rối dường như vẫn không thay đổi nếu như không muốn nói là nhiều hơn và tồi tệ hơn. Đây là một trải nghiệm, các bạn có thể tư duy và so sánh với trải nghiệm của mình.

Nhưng nếu ta hành hạnh nhẫn, nuôi dưỡng từ bi tâm với kẻ từng gây khó chịu, phiền não cho ta, chỉ trích ta hàng ngày, chúng ta sẽ phát triển được sự thành tựu lớn lao và sẽ dần đạt tới sự tĩnh tại trong tâm thức. Bởi vậy, bạn sẽ thấy những bình an và hỷ lạc nội tâm lại xuất phát từ chính kẻ thù của mình. Nếu người đó không có những tư tưởng xấu với mình, sân hận mình, chỉ trích mình thì mình sẽ ít có cơ hội được thực hành rèn luyện hạnh nhẫn và nuôi dưỡng sự an lạc và tĩnh tại nội tâm. Sự an lạc nội tâm tới từ người đang sân giận với bạn, không thích bạn, thậm chí ghét cay đắng bạn, thực ra họ rất đáng trân quý.

Như tôi đã nhắc tới, những năm trước khi bạn thực hành hạnh nhẫn, bất kỳ khi nào bạn sân giận một ai đó, cơn giận có thể kéo dài rất lâu, trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm. Chỉ cần nhìn thấy bức hình của người đó hay nhớ tới người đó, cơn giận sẽ khởi lên trong dòng tâm bạn. Nhưng sau thời gian thực hành hạnh nhẫn, khi cơn giận nổi lên, nó có thể chỉ kéo dài đôi chút, trong một vài giây rồi biến mất. Tâm của bạn đã hoàn toàn thay đổi. Hoặc trước khi hành hạnh nhẫn, bạn từng chỉ trích, sân giận, tiêu cực, xấu xa , ích kỷ và cục cằn với mọi người, nhưng nay bạn sẽ phát hiện ra hạnh động của mình, và bạn nhận ra vẻ đẹp, sự trân quý và lòng từ nơi họ. Bạn sẽ thấy họ cũng thực sự ấm áp.

Bởi vậy bạn thấy đấy, khi thực hành hạnh nhẫn với kẻ thù, bạn sẽ ngay lập tức có được sự an lạc nội tâm, điều mà nhiều năm tháng bạn tiêu phí rất nhiều thời gian, tiền của để cố tìm mà không có được; khoảnh khắc bạn thực hành hạnh nhẫn, bạn sẽ có sự an lành hạnh phúc. Bởi vậy bạn sẽ thấy thật trân quý và quan trọng khi thực hành từ bi tâm, nó không tốn lấy một xu chi phí nào.

Giáo pháp đã dạy, bằng việc coi kẻ thù, người từng chỉ trích hay sân hận mình là Thầy, là người bạn đức hạnh đã giúp mình thực hành trọn vẹn hạnh nhẫn, khi ấy bạn sẽ có năng lực tận trừ tất cả các phiền não và dần tới quả vị cao trên đạo lộ giải thoát. Khi ấy, bằng một cách tự nhiên, bạn có năng lực và đức hạnh hướng đạo cho tất thảy chúng sinh mà bản thân không dính mắc bất kỳ sai lầm nào dù là nhỏ nhất.

Khi bạn hướng tâm tới những chúng sinh trong pháp giới, trong bầu trời, dưới mặt nước, trong bụi cây, bạn sẽ thấy họ không ngừng tìm cầu hạnh phúc. Tất cả mọi người trong thành phố, làng quê, tận xa xôi hẻo lánh... ai ai cũng không ngừng tìm cầu hạnh phúc. Nhưng bạn phải hiểu rằng điều trước nhất đảm bảo cho hạnh phúc và sự an lạc là thực hành hạnh nhẫn trong đời sống hàng ngày, là thực hành tâm từ bi và tâm Bồ đề.

Và bạn cũng nên hiểu rằng để tìm cầu sự an bình nội tâm, bạn không nhất thiết phải chờ đợi lâu, không phải đi khắp thế gian, không phải tiêu rất nhiều tiền để tìm... kẻ thù. Người ghét bạn hoặc làm bạn phiền não ở khắp mọi nơi! Ngay ở đây, xung quanh bạn, trong nhà bạn. Bạn không cần phải tới văn phòng du lịch: “Xin hãy chỉ cho tôi tìm tới kẻ thù để thực hành hạnh nhẫn!”.  Khắp xung quanh bạn, hàng ngày, trong nhà, văn phòng, trên đường phố, ở ngay tại đây. Họ rất từ bi. Bạn không phải tiêu hàng triệu đô la để thực hành hạnh nhẫn, để tìm kiếm sự an lạc nội tâm. Họ rất tốt lành, họ đã tới trước bạn. Và họ như một vật báu xuất hiện ngay trước bạn mà chẳng cần phải đi đâu xa.

Thực ra nếu quán xét kỹ càng, người đó không phải là kẻ thù của bạn trong mọi lúc. Chẳng có ai lúc nào cũng luôn sân giận và chỉ trích mình cả và khi ấy bạn không có cơ hội thực hành. Bởi vậy, bạn nên tận dụng cơ hội thực hành hạnh nhẫn khi người đó đang nổi đóa với bạn, nếu qua đi thì có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ một cơ hội phát triển tâm mình, phát triển một trái tim thiện lành.

Bao nhiêu giáo pháp về hạnh nhẫn và rèn luyện tâm, ngày qua ngày chúng ta không chịu thực hành, rồi đến khi cuộc đời chấm dứt, chúng ta chẳng bao giờ có cơ hội trải nghiệm sự an lạc, tự tại được nữa.

Do vậy bạn có thể thấy người từng sân giận, chỉ trích hay thậm chí làm tổn hại bạn thực sự tốt lành, trân quý và hy hữu tới mức nào. Chúng ta cần biết nhận ra phương diện tốt lành của họ và đừng bỏ lỡ cơ hội thực hành hạnh nhẫn mà họ ban tặng dù cho có khó khăn tới cỡ nào.

An lạc và tự tại trong đời sống thường nhật

Theo cách này, dù bạn ở bất kỳ nơi đâu, ở nhà với cha mẹ và người thân hay đang ở một mình, bạn cũng sẽ luôn hạnh phúc và an lạc. Nếu bạn thực hành một trái tim thiện lành, biết vượt trên những lợi ích bản ngã và mang lại an vui cho mọi người thì chắc chắn bạn sẽ có an lạc tự tại trong đời sống. Dù ở thành phố hay ẩn tu trên núi cao, bạn cũng sẽ an lạc.

Khi bạn mang một trái tim thiện lành thì khi tới nơi làm việc sẽ chẳng có ai để bạn sân giận với họ, sẽ chẳng có ai có thể làm bạn phiền não. Dù tới bất kỳ nơi đâu, hạnh phúc cũng sẽ ngập tràn quanh bạn. Mọi người sẽ thấy bình an khi bên bạn và mong được gặp gỡ bạn. Thậm chí nếu bạn không quan tâm tới tiền tài, danh tiếng, nhưng bởi vì bạn có một trái tim thiện lành nên bạn sẽ tỏa khắp và sẽ có mọi thứ, hoặc  bạn không cần sự giúp đỡ nhưng nhiều người mong muốn trợ giúp bạn. Đời sống của bạn an lạc và hạnh phúc.

Bởi vậy khi đi làm, hãy luôn nhớ tới lòng tốt của các đồng nghiệp hàng ngày. Thái độ này rất quan trọng. Hay ít nhất hãy nhớ tới lòng tốt của ông chủ bạn, người đã mang lại công ăn việc làm cho bạn.Tất nhiên bạn được trả công cho công việc của mình nhưng vẫn rất cần giữ thái độ trân trọng và tri ân. Những khó khăn rắc rối hàng ngày xuất hiện là do ta thiếu chính kiến. Những suy nghĩ lầm sai là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, chính kiến mang lại an lạc và hòa hợp.

Cũng nhờ các duyên đó mà bạn có thể thực hành giáo pháp và nuôi dưỡng một trái tim thiện lành. Nếu tâm bạn chưa đủ lớn trải rộng khắp tất thảy chúng sinh thì ít nhất ở nơi làm việc, trong gia đình, bạn bè, hãy nhớ nghĩ lợi lạc cho họ, thay vì suy nghĩ: “Tôi làm để mang lại hạnh phúc cho mình, để kiếm tiền và hưởng thụ niềm vui cho riêng mình”.

Tương tự như vậy, khi dùng bữa ăn, uống nước, đi ngủ hay làm bất kỳ điều gì, hãy làm với tâm nguyện vì lợi ích hết thảy chúng sinh.  Hãy khởi phát suy nghĩ: “Mục đích đời sống sinh ra làm người của tôi là tận trừ mọi khổ đau cho chúng sinh và đưa họ tới bến bờ hạnh phúc. Mục đích đời làm người của tôi là phụng sự mọi người, phụng sự chúng sinh. Như thế, khi tôi thọ dùng thức ăn này, khoác lên mình bộ quần áo này, nằm nghỉ trên chiếc đệm này… bất kỳ điều gì tôi làm đều mang lợi ích giải thoát cho chúng sinh”.

Giáo pháp đã dạy rằng: Khi ngước nhìn, hãy nhìn bằng Bồ đề tâm; Khi ăn hãy ăn bằng Bồ đề tâm; Khi nói chuyện hãy nói bằng Bồ đề tâm, khi tư duy hãy tư duy bằng Bồ đề tâm. Bất kỳ điều gì chúng ta làm, hãy làm với Bồ đề tâm. Khi ấy niềm an lạc tự tại sẽ tới không chỉ trong đời này mà vô số đời kế tiếp.

La Sơn Phúc Cường dịch từ www.Fmpt.org, Lama Zopa, Find peace in every day life.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***