2 thg 3, 2022

ĂN MÀY CỬA PHẬT (Phần 1)

Lê Sỹ Minh Tùng

Washington - Mùa Phật Đản PL 2559, DL 2015

 

HÀNH TRÌNH GIẢI THOÁT

Khi còn ở tại hoàng thành Ca Tỳ La Vệ, Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha Gautama) sống trong lầu vàng gác tía, hưởng thụ biết bao khoái lạc. Tuy sống trong nhung gấm lụa là nhưng Thái tử vẫn luôn bất an trước những nghịch cảnh, số mệnh sinh, già, bệnh, chết, phiền não khổ đau và mạng người mong manh. Một đêm khuya, thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ đã ngủ say sau một cuộc yến tiệc linh đình, Thái tử quyết chí ra đi. Ngài vội vàng cùng người hầu cận Xa-nặc (Channa) thắng yên cương con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) của Ngài. Trước khi ra đi, Thái tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng công chúa Da Du Đà La (Yaśodharā) và người con trai La Hầu La (Rāhula) đang ngủ say. Thái tử hé cửa nhìn vào, lòng Ngài xót xa cho người vợ trẻ và đứa con trai còn nhỏ dại của mình. Nhưng đối với sự đau khổ của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn. Khi vào đến rừng sâu, Ngài tìm đến bờ sông Anomà. Nơi đây Ngài cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa nặc đem về. Liền sau đó, Thái tử đổi y phục quý báu của Ngài cho người thợ săn để lấy một chiếc y màu vàng. Bây giờ Thái tử một mình ra đi với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ và bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi thì Ngài ngồi dưới bóng cây, khi thì Ngài nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Mặc dầu đi chân không và đầu để trần, Ngài vẫn đi bình thản giữa nắng nóng ban ngày cũng như trong những đêm sương lạnh mà tất cả mọi năng lực cũng như ý chí của Ngài đều dồn về với một lý tưởng cao cả là cố tìm cho được một chân lý tối thượng, lý lẽ của sự sống chết và con đường dẫn tới giải thoát để đạt đến Niết bàn bất tử. Ban đầu, Thái tử đã tìm tới thọ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất ở Ấn Độ thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai vị đều tu theo phép Du già và chứng được những cấp thiền định cao nhất. Ngài Alara chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ còn ngài Uddaka thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là những cấp thiền thuộc về vô sắc giới cao nhất mà các tu sĩ Du già có thể đạt được thời bấy giờ. Thái tử học đạo với Thiền sư Alara Kalama và đạt đến cấp thiền Vô sở hữu xứ. Rồi Thái tử tự suy nghĩ rằng: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ. Như vậy, này Aggivessana, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy. Ta sẽ ra  đi”. Thái tử rời khỏi đạo tràng của Alara Kalama rồi vượt sông Hằng tìm đến đạo tràng của Uddaka Ramaputta học đạo. Ở đây Thái tử cũng được vị thầy này sẵn sàng chỉ dạy. Thái tử tu tập chẳng bao lâu liền nhập được định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Định Phi tưởng phi phi tưởng xứ là một loại định cao nhất lúc bấy giờ, nên các vị thầy ngoại đạo khó có ai tu đạt được thiền định này, nhưng chỉ có Thái tử nỗ lực tu tập trong một thời gian ngắn mà Ngài đã nhập định được một cách dễ dàng. Khi nhập xong định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thái tử được Ngài Uddaka Ramaputta tôn sùng với sự tôn kính tối thượng. Vì pháp định này không đưa Ngài hướng đến an tịnh, giác ngộ, Niết bàn cho nên Ngài cũng từ bỏ pháp ấy rồi ra đi. Ngài tuần tự du hành nước Ma Kiệt Đà (Magadha) và quyết định tụ lạc tại  Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) vì nơi đây là một địa điểm khả ái, có nhóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần với một chỗ lội qua dễ dàng và chung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực.

Cùng đến nơi đây với Thái tử còn có năm vị tu sĩ khác là các ông Kiều Trần Như (Kondana), Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Họ đi theo và tôn kính Ngài như là đấng Đạo sư của họ và họ hy vọng rằng khi Ngài chứng được chân lý bằng cách hành xác thì Ngài sẽ truyền lại chân lý đó cho họ. Lối tu nầy đòi hỏi hành giả phải sống một cách kham khổ từ nhịn ăn uống đến dãi nắng dầm sương, hành thân hoại thể một cách ghê rợn. Ngài đã sống sáu năm trong chỗ hoang dã, ghê sợ, trong những bãi tha ma hay những nơi dơ bẩn. Ngài từ chối tắm giặt và không thay áo quần, tệ hại hơn nữa Ngài còn dầm mình trong nắng hạ ban ngày, và chịu lạnh buốt trong những bụi cây của những đêm đông. Ngài không cần dùng nhiều thực phẩm, cố gắng nhịn đói, ngày chỉ ăn một hạt mè, dần dần cho đến khi cái thân đẹp đẽ, vốn là thân Đế vương, mà giờ đây teo rút lại chỉ còn da bọc xương. Bởi vì Ngài nghĩ rằng nếu muốn đạt đến chổ Giác ngộ tối thượng thì mình phải can đảm từ bỏ những gì bên ngoài đã làm cho mình vướng bận cũng như sự thỏa mãn của thân thể.

Đại kinh Saccaka (Trung Bộ Kinh) diễn tả lại hành trình tu khổ hạnh của Thái tử như sau:

“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực". Rồi này Aggivessana, chư Thiên đến Ta và nói như sau: "Này Thiện hữu, Hiền giả chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Này Thiện hữu, nếu Hiền giả có hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Hiền giả, và nhờ vậy Hiền giả vẫn sống". Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ như sau: "Nếu Ta hoàn toàn tuyệt thực và chư Thiên này đổ các món ăn chư Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Ta và nhờ vậy Ta vẫn sống, thời như vậy Ta tự dối Ta". Này Aggivessana, Ta bác bỏ chư Thiên ấy và nói: "Như vậy là đủ".

“Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: "Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ". Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những gọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Aggivessana, da bụng của Ta đến bám chặt xương sống. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện" thì Ta ngã quỵ úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Aggivessana, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Aggivessana, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít”.

Vì quyết tâm tìm chân lý giải thoát, Thái tử thực hành khổ hạnh cho đến khi tấm thân vương giả nay chỉ còn da bọc xương mà vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Thái tử tâm trí bồi hồi bâng khuâng tự hỏi: “Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?".

Một hôm, Ngài chợt tỉnh ngộ khi nhận thấy rằng lối tu nầy chỉ hành hạ thân xác mà không giải thoát được gì, Ngài quyết định không tu tập khổ hạnh, Ngài đi về hướng bờ sông, tắm gội và đi vào làng khất thực. Đi được nữa đường, vì quá kiệt sức, Ngài ngã quỵ bên dòng sông Ni Liên (Neranjara) và Ngài đã thọ bát cháo sữa do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, bát sữa đã cứu mạng Ngài và sức khỏe của Ngài dần hồi khôi phục. Ngài nghĩ rằng những rối răm và những căn nguyên của sự đau khổ không phải là từ bên ngoài mà chính là khả năng để từ bỏ những dục vọng từ trong tâm. Sau đó, Ngài đi đến dưới gốc cây Tát Bạt La (Pippala) (sau nầy được gọi là cây Bồ Đề, có nghĩa là giác ngộ), ngồi tĩnh tọa dưới cây Bồ Đề quán chiếu cảm giác (thân) và tri giác (tâm) trên một mớ cỏ khô, tham thiền và nguyện rằng:

Từ hôm nay, ta quyết ngồi đây tìm cho ra con đường giác ngộ và giải thoát ”.      

Rồi Thái tử bắt đầu tư duy: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng dõi Thích Ca (Sakka)  đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm Phù Đề (Jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ".

Từ đó, Thái tử thiền định suốt 49 ngày đêm, chứng tứ thiền như sau:

“Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

“Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

“Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

“Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Sau khi chứng tứ thiền, kinh Saccaka tiếp tục diễn tả lại cuộc hành trình đưa Thái tử đắc tam minh như sau:

Trước nhất Ngài đắc Túc Mạng Minh:

“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc Mạng Minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được chuyển hóa thành thế này, thế nọ rồi lại sanh diệt. Tại chỗ khác, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này". Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Rồi tiếp theo Ngài đắc Thiên Nhãn Minh:

“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, rõ thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, khẩu và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ khổ đau. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, khẩu và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này được sanh lên các thiện thú, cõi vui sướng tốt đẹp trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, vi diệu, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Aggivessana, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Và sau cùng Ngài đắc Lậu Tận Minh:

“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyển, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: "Đây là Khổ", biết như thật: "Đây là Nguyên nhân của khổ", biết như thật: "Đây là sự Diệt khổ", biết như thật: "Đây là Con đường đưa đến diệt khổ", biết như thật: "Đây là những lậu hoặc", biết như thật: "Đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật: "Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật: "Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát." Ta đã biết: "Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Này Aggivessana, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Dựa theo tiến trình trên, Đức Phật trước hết ly dục ly bất thiện pháp, buông xả tất cả, tâm của Ngài hoàn toàn trong sáng, không lạc, không khổ, không hỷ, không ưu và sau cùng Ngài đắc tứ thiền, tâm hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng đối với Phật giáo, Định không phải là mục đích sau cùng bởi vì cứu cánh tối thượng của đạo Phật vẫn là Trí tuệ (wisdom). Tiến trình Giới - Định - Tuệ thì trong đó Định đóng vai trò quan trọng, nhưng việc đạt được Định không đưa lại sự giải thoát vì Định chỉ có thể thanh lọc tâm ở những trạng thái bình thường chớ không thể phá vỡ những tập khí, hành động hay phiền não núp sâu thẳm trong tâm. Vì thế, vào thời Đức Phật còn tại thế, ngoài Phật giáo ra còn nhiều tôn giáo khác có thể đưa hành giả vào định, xa hơn nữa có rất nhiều ngoại đạo cũng luyện được năm thần thông, nhưng họ đâu có giải thoát. Tuy nhiên, đối với Phật giáo, một vị đắc Thánh quả bắt buộc phải chứng các tầng thiền định. Thí dụ một vị đắc quả A la hán thì chắc chắn vị ấy đã chứng tứ thiền. Ngược lại, một hành giả chứng tứ thiền, nhưng chưa chắc đã đắc một Thánh quả nào. Tại sao vậy?

1) Tứ thiền đã có trước thời Đức Phật chớ không phải do Đức Phật khám phá ra bởi vì lúc bấy giờ Bà la môn giáo và nhiều trường phái khác cũng quan tâm đến khổ đau của con người và họ cũng cố tìm phương thức thoát khổ. Có rất nhiều giải đáp, nhưng tựu trung chỉ có năm quan niệm về “giải thoát khổ” đáng chú ý là:

- Thọ hưởng dục lạc là giải thoát khổ.

- Lạc sơ thiền là giải thoát khổ.

- Lạc Nhị thiền là giải thoát khổ.

- Lạc Tam thiền là giải thoát khổ.

- Lạc tứ thiền là giải thoát khổ.

Thế thì “Tứ thiền” là đỉnh cao tối thượng lúc bấy giờ, nhưng bỏ khổ tìm lạc thì chung quy vẫn còn nằm trong cái khổ vì đâu có hạnh phúc nào kéo dài mãi hoặc cứ sống hoài trong hạnh phúc thì sẽ nhàm chán, không còn là hạnh phúc nữa.

Vì thế tứ thiền dựa theo Phật giáo phải là không lạc, không khổ, không hỷ, không ưu.

2) Sau khi chứng thiền định, hành giả phải tiếp tục theo pháp tu Thiền Quán (Thiền Minh Sát hay Thiền Trí Tuệ) (Vipassana) để phát triển trí tuệ. Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã khám phá ra 16 Tuệ Minh Sát (chi tiết trong phần cuối của Chánh Định) cần phải tu tập để đạt đến tứ quả Thánh bởi vì Trí tuệ là yếu tố trực tiếp đưa đến giác ngộ sau cùng trong khi đó Giới và Định chỉ đóng vai trò hỗ trợ gián tiếp. Chỉ có Thiền Quán đưa hành giả đi sâu vào tâm thức, tìm đến cội nguồn của phiền não, ô uế bất tịnh ngay cả những phiền não vi tế núp sâu thẳm trong tâm để quán sát sự thật, hóa giải chúng và sau cùng đưa đến trí tuệ viên mãn và giải thoát. Đây là điểm đặc thù chỉ riêng chánh pháp của Phật giáo mới có. Chính tuệ giác giải thoát đã tạo ra sự giác ngộ chớ tuyệt đối không phải do sự nương tựa từ tha lực của bất cứ một vị Phật nào và dĩ nhiên không phải là do ngẫu nhiên mà tự nhiên đại ngộ. Do đó, một khi tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, Thái tử bắt đầu thiền quán (Minh Sát Tuệ) cho đến khi trí tuệ bừng sáng, chứng tam minh. Từ đó, Ngài đã khám phá ra chân lý tối thượng Tứ Diệu Đế mà trong đó Bát chánh đạo  con đường độc lộ để giải thoát. Ngài thấy biết như thật về vô thường, vô ngã, về nhân duyên, về Niết bàn và về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường thoát khổ. Ngài đắc lục đại thần thông và chứng ngộ Niết Bàn mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài nào khác ngoại trừ trí tuệ toàn giác của Ngài. Nói cách khác chân lý Đức Phật khám phá không phải là những lời thần khải, mà đây là sự khám phá tối thượng của đấng giác ngộ về “Bốn Sự Thật” của nhân sinh vũ trụ. Trong đó, Bát chánh đạo mới thật sự là con đường đưa đến thoát khổBát chánh đạo gồm cho cả phàm nhân và Thánh, còn Bát Thánh đạo chỉ dành riêng cho những Thánh giả đã đi qua lộ trình này và đã đến nơi an lạc tối thượng, nếm được hương vị giải thoát Niết bàn. Chính Đức Phật đã tóm gọn toàn bộ giáo pháp của Ngài như sau: "Như biển lớn chỉ có một vị duy nhất, này các Tỳ-kheo, vị mặn của muối, cũng như thế, giáo pháp và giới luật của ta cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị của giải thoát."

Mặc dầu Giới và Định chỉ đóng vai trò gián tiếp trong tiến trình đưa đến giải thoát, nhưng Giới và Định lại là điều kiện tối cần thiết bởi vì người thực hành Giới đứng đắn khiến tâm được an tĩnh, nhờ tâm an tĩnh mới có thể thực hành Định thành công. Ngược lại, nếu không thực hành Giới đứng đắn thì toàn bộ tiến trình giải thoát hoàn toàn sụp đổ cũng như xây nhà trên cát. Sau cùng nhờ có Định lực mà thực hành tuệ quán kết quả đưa đến giải thoát. Đây là đạo lộ duy nhất do chính Đức Phật đã vạch ra tức là tam vô lậu học GiớiĐịnhTuệ, dẫn đến sự giải thoát bằng tứ Thánh quả. Nói cách khác nếu đạo lộ tu tập nào dẫn đến bốn quả Thánh (Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán) thì đạo lộ đó đúng là chánh pháp của đạo Phật vào thời Đức Phật còn tại thế (Phật giáo Nguyên thủy, truly original). Đức Phật đã vạch ra một con đường tu tập rất chính xác và rõ ràng như là một môn khoa học về tâm linh. Mỗi bậc thiền chứng đắc đều có tiêu chuẩn xác định và mỗi tầng thiền tuệ đều có diễn tả và hướng dẫn rõ ràng để giúp hành giả thấu rõ từng bước trên con đường giải thoát. Đạo Phật tuyệt đối không có gì là bí ẩn cả, Đức Phật không dấu chúng sinh bất cứ những gì Ngài chứng đắc vì thế khi giảng pháp hai bàn tay Đức Phật lúc nào cũng buông xả, cũng do vậy vào thời Đức Phật còn tại thế, không những chỉ Đức Phật chứng Thánh quả mà còn có trên 1250 vị A la hán và biết bao Thánh giả khác trong ba tầng Thánh còn lại.

Tóm lại, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã chứng đắc giải thoát giác ngộ hoàn toàn và Ngài là một mẫu mực, một gương mẫu tối thượng của cuộc đời. Chính Ngài đã chứng minh khả năng đạt được giải thoát hoàn toàn tất cả mọi trói buộc của tâm, hoàn toàn thoát khỏi khổ đau và dĩ nhiên thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Vai trò của Ngài đối với nhân loại như là một người chỉ đường, là đấng đạo sư giúp họ nỗ lực tinh tấn tu tập để dập tắt những ngọn lửa tham-sân-si đang bùng cháy trong tâm của họ mà đạt đến cứu cánh tối thượng là giải thoát, Niết bàn và trở thành các bậc Thánh giả A la hán. Như thế trong thời kỳ Nguyên thủy gốc, Đức Phật chính là một con người lịch sử, là một bậc thầy vĩ đại, là đấng tôn kính cho cả Trời và người, là đấng Chánh Biến Tri.

Đối với Phật giáo, sự chứng đắc là khả năng buông bỏ chớ không phải đạt được (đắc), cho nên càng chứng đắc các tầng Thánh cao thì khả năng buông bỏ càng cao cho đến khi buông bỏ tận cùng thì trở thành Phật. Trước hết, nếu hành giả có thể buông xả (chấm dứt hoàn toàn) 3 thứ phiền não là thân kiến (thấy có ngã, phân biệt mình và người), hoài nghi (nghi ngờ Chánh pháp) và giới cấm thủ (giữ giới ngoại đạo, tin vào mê tín đị đoan, cúng tế) thì chứng tầng Thánh trí thứ nhất là Tu đà hoàn (Sotàpatti, Dự lưu). Sau đó hành giả có thể làm giảm nhẹ dục ái và sân hận đủ để ta không bao giờ nhìn thấy vị ấy khởi tham lam và sân hận thì chứng tầng Thánh trí thứ nhì là Tư đà hàm (Anàgàmi). Bây giờ nếu hành giả chấm dứt hoàn toàn dục ái và sân hận tiềm tàng dưới dạng vi tế, thì chứng tầng Thánh trí thứ ba là A na hàm. Cuối cùng, hành giả chấm dứt toàn bộ phiền não vi tế thì chứng tầng Thánh trí thứ tư là A la hán nghĩa là thật sự giải thoát, giác ngộ viên mãn, người mà đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo.

Hãy lắng nghe câu chuyện của Ngài Kotthika hỏi Ngài Xá lợi Phất (Sàriputta) trong kinh Sìlavanta Sutra:

Một vị đã đắc quả A La Hán còn hành thiền để làm gì? Có phải để tiến đến Bích Chi Phật (Độc Giác Phật) không? Hay vị ấy sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác?

Ngài Xá lợi Phất trả lời:

Không. Cũng không phải vậy. Là A La Hán, vị ấy đã chấm dứt vòng sanh tử, tử sanh, và sẽ nhập Niết Bàn tịch tĩnh. Một vị A La Hán đã hoàn toàn trong sạch, không còn mảy may ô nhiễm nào để thanh lọc hoặc làm giảm suy. Tất cả mọi hoặc lậu đã được diệt trừ tận cội rễ. Do đó, vị ấy không còn pháp tu tập nào nữa để phát triển nhằm loại trừ, hoặc làm giảm suy ô nhiễm vi tế ngủ ngầm. Ngài cũng không còn Giới, Định hay Tuệ nào nữa cần phải trau dồi cho được toàn hảo. Như vậy Ngài không cần phải gia công làm cho điều gì trở nên toàn hảo cũng không cần phải tăng trưởng để làm cho những gì đã toàn hảo, trở nên càng toàn hảo hơn. Một vị A La Hán hành Thiền Minh Sát chắc chắn không phải để tìm những lợi ích tương tự.

Thế thì Phật hay là đấng Chánh đẳng Chánh giác cũng là những vị A la hán nhưng khác ở chỗ họ tự mình chứng đắc hay là có đạo sư hướng dẫn cho những người hữu duyên chứng A la hán và những vị A la hán này được gọi là Thanh văn giác (Sàvakabuddha)(những người giác ngộ nhờ nghe và thực hành theo lời Phật dạy). Độc Giác Phật cũng là quả vị A la hán, nhưng là những vị tự mình chứng ngộ La hán và không thể  hướng dẫn người khác chứng ngộ La hán. Đại thừa gọi Độc giác Phật là Duyên Giác Phật, tuy nhiên giáo lý Duyên Khởi và Chân lý Tứ Diệu Đế vốn dĩ là một cho nên trong Trung Bộ kinh, Đức Phật đã xác định rằng: “Ai thấy Thập Nhị Nhân Duyên là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật”. Do đó, không hề có chuyện một bậc A la hán là người giác ngộ chân lý Tứ Diệu Đế mà lại không thấu biết về giáo lý Duyên Khởi? hay ngược lại, một vị Độc giác Phật lại mù mờ về chân lý Tứ Diệu Đế?

Vậy thế nào là Tam Minh?

1)Túc Mạng Minh: Túc là đời trước, mạng là sinh mạng còn minh là sáng suốt. Do đó túc mạng minh là sáng suốt để thấu biết rõ ràng những đời trước của mình. Đây là lời giải đáp câu hỏi con người chúng ta từ đâu mà đến? Đức Phật đã thấy rõ vô số tiền kiếp của mình như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài là ai? Tên gì? Và sống ở đâu? Từ đó vô số kiếp hiện ra trước mắt Ngài, một kiếp qua đi thì kiếp khác lại đến.

2)Thiên Nhãn Minh: là con mắt sáng suốt thấy hiểu rõ ràng những gì rất sâu xa một cách tường tận. Ngài đã thấy sự sanh tử của chúng sinh dựa trên cái nghiệp mà chính họ đã tạo ra. Sự thấy biết của Ngài như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Đức Phật thấy rằng con người chết rồi không phải là hết mà phải theo nghiệp báo để thọ sanh trong Lục đạo luân hồi. Đây là câu trả lời cho nghi vấn rằng sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu.

3) Lậu Tận Minh: Lậu là rơi rớt, tận là chấm dứt, là hết. Do đó lậu tận minh là biết tường tận để không còn rơi rớt vào trong Lục đạo luân hồi. Đức Phật đã thấy nguyên nhân nào chúng sinh có sanh tử và phương cách nào chấm dứt sự sinh tử để không còn rơi rớt, trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Đây chính là chân lý Tứ Diệu Đế. Con người không còn chấp vào sinh tử tức là vĩnh viễn không còn khổ đau và đây là câu trả lời cho nghi vấn rằng cuộc đời nầy đầy dẫy khổ đau do đó nếu muốn thoát khổ và ra khỏi vòng sanh tử thì phải làm sao?

Thế rồi lúc bình minh vừa ló dạng, bầu trời thật đẹp và trong sáng, chim muôn líu lo trên cành, thật là một bồng lai tại thế. Bởi vì từ đây nhân loại có được một đấng giác ngộ, người mà đã dám hy sinh, từ bỏ vương quyền dục vọng để đổi lấy cuộc sống tu hành khắc khổ, cố tâm tìm đạo để cứu giúp chúng sinh còn đang lặn hụp trong khổ ải trầm luân. Vì sự giác ngộ đó, nhân loại đã gọi Ngài là bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác. Kể từ đây, Thái tử Tất-Đạt-Đa không còn nữa, Ngài trở thành Đức “Thích Ca Mâu-ni Phật” (Shakyamuni Buddha).

Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Phật đã dùng bảy ngày để tận hưởng hạnh phúc của sự giải thoát giác ngộ. Trong đêm cuối cùng của ngày thứ bảy, Đức Phật quán xét giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên (Twelve Conditional Factors). Canh đầu tiên Ngài suy ngẫm về chiều thuận nghĩa là chiều sinh tử "Do Vô Minh, có Hành sinh; do Hành, có Thức sinh; do Thức, có Danh Sắc sinh; do Danh Sắc, có Lục Nhập sinh; do Lục Nhập, có Xúc sinh; do Xúc, có Thọ sinh, do Thọ, có Ái sinh; do Ái, có Thủ sinh; do Thủ, có Hữu sinh; do Hữu, có Sinh sinh; do Sinh sinh, có lão, Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi". Canh thứ hai Ngài suy ngẫm thập nhị nhân duyên theo chiều nghịch tức là chiều giải thoát: “Do Vô Minh diệt nên Hành diệt. Do Hành diệt nên Thức diệt. Do Thức diệt nên Danh, Sắc diệt. Do Danh, Sắc diệt nên Lục Nhập diệt. Do Lạc Nhập diệt nên Xúc diệt. Do Xúc diệt nên Thọ diệt. Do Thọ diệt nên Ai diệt. Do Ái diệt nên Thủ diệt. Do Thủ diệt nên Hữu diệt. Do Hữu diệt nên Sanh diệt. Do Sanh diệt nên lão, Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt”. Đến canh thứ ba Ngài suy ngẫm thập nhị nhân duyên theo chiều thuận và nghịch.

Thập Nhị Nhân Duyên là giáo lý Duyên Khởi nghĩa là khi cái nầy (Nhân) có thì cái kia (Quả) có, cái này (Nhân) diệt thì cái kia (Quả) sẽ diệt. Nói cách khác “Nhân Duyên” trong “Mười hai nhân duyên” có nghĩa là “Nhân Duyên khởi” tức là sự nương tựa vào nhau mà sinh khởi. Đó là “do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***