7 thg 3, 2022

ĂN MÀY CỬA PHẬT (Phần 5)

Lê Sỹ Minh Tùng

Washington - Mùa Phật Đản PL 2559, DL 2015

 

Ý THỨC VÀ VÔ THỨC

Dựa theo quan niệm của những nhà tâm lý học Tây phương thì  Vô thức là  khái niệm chỉ các hiện tượng tâm lý, hành vi, cảm nghĩ tồn tại ở một cá nhân nào đó mà cá nhân đó không nhận thức được, không diễn tả được bằng ngôn ngữ cho mình và cho người khác. Đó là những hoạt động của hệ thống thần kinh nằm ở ngoài tầng ý thức của con người. Trong trạng thái vô thức, ý thức của con người không hoạt động hoặc hoạt động một cách mờ nhạt (thông thường ta gọi là theo quán tính hoặc thói quen). Lúc đó, hệ thống não bộ thần kinh không có kiểm soát về tính nguyên nhân và hậu quả, không đặt vần đề có mâu thuẩn hay nghi vấn mà cốt chỉ nhằm thỏa mãn đòi hỏi của bản năng và hành động xảy ra đó không có ảnh hưởng đến không gian và thời gian. Ngược lại những hành vi có ý thức luôn nằm trong phạm vi trách nhiệm, biết trước hậu quả sẽ xảy ra nghĩa là tại sao ta phải làm điều này và nó sẽ có kết quả ra sao.

Trong sách Strangers to Ourselves: Discovering the Adaptive Unconscious viết bởi giáo sư Timothy D. Wilson trang 24 có dẫn chứng rằng: Cứ mỗi giây, năm giác quan của con người là mắt thấy, mũi ngửi, tai nghe, miệng nếm và thân cảm xúc tiếp nhận khoảng 11 triệu ý tưởng từ bên ngoài đưa vào tâm. Trong 11 triệu ý tưởng đó thì mắt đã thâu nhận trên 10 triệu ý tưởng để chuyển vào hệ thống não bộ. Nhưng hệ thống thần kinh não bộ trong một giây chỉ có thể phân tích 40 ý tưởng. Cho nên câu hỏi các nhà khoa học đặt ra là 10,999, 960 ý tưởng không được bộ óc phân tích kia sẽ đi về đâu và sẽ có tác dụng hay ảnh hưởng đến tầng ý thức của con người như thế nào? Do đó nhà tâm lý học Sigmund Freud mới giới thiệu tảng băng tâm lý mà trong đó ông ta lý luận rằng phần tiền ý thức (trí nhớ, và lưu giữ kiến thức) và phần vô thức chiếm đa phần trong tâm tư của con người. Vô thức luôn hối thúc, lấn áp ý thức để con người có những tư tưởng, lời nói hay hành vi không thể kiểm soát được.

1) Ý thức kiểm duyệt và kiềm chế hành vi thúc đẩy bởi vô thức:

Thí dụ khi đi mua sắm ở Norstrom thì hàng hóa ở đó rất mắc tiền, rất đẹp. Lúc mắt thấy một món hàng quý giá thì vô thức luôn thôi thúc, xúi dục ta đánh cắp món hàng đó bỏ vào túi bất chấp có bị bắt, vào tù ra khám. Ngược lại, nếu có ý thức tức là quay về sống với lương tâm mà nhà Phật gọi là tánh giác thì chúng ta từ bỏ ngay ý định bất chánh đó.

Thí dụ đang làm việc, cảm thấy đói bụng khiến bạn muốn đi ra ngoài để mua thức ăn. Nhưng nhờ ý thức được trách nhiệm của mình và những hậu quả có thể xảy ra nếu mình bỏ ngang việc đi ăn khiến chúng ta ngồi lại và tiếp tục làm việc. Thế thì vô thức thôi thúc chúng ta thỏa mản dục vọng cho bản ngã (cái Ta), nhưng ý thức giúp ta nhận thức thế nào là đúng, thế nào là sai.

2) Ý thức có thể hóa giải thông qua vô thức:

Trong cuộc sống hằng ngày, cánh cửa tâm hồn được thông qua bởi ánh mắt, lời nói, cử chỉ hay những lời nói bộc phát tưởng như vô tình ở người đối thoại có thể giúp chúng ta hiểu phần nào những ẩn chứa trong tâm hồn của họ.

Thí dụ anh A thầm yêu chị B từ lâu, nhưng vì điều kiện gia đình hai bên không phù hợp cho nên anh A chỉ còn cách dấu trong tim tình yêu thầm lặng của mình. Một hôm, vì uống rượu nhiều, không kiểm soát được suy nghĩ  cho nên anh A đã nói hết nỗi lòng của mình cho mọi người nghe. Ở đây, ý thức thể hiện việc anh A thầm yêu chị B bằng cách giấu, nhưng ý thức đó được biểu hiện qua lời nói vô thức khi uống nhiều rượu nghĩa là rượu vô thì lời ra, không kiềm chế được.

Một thí dụ khác là việc điều tra về một vụ giết người. Khi nhân viên cảnh sát thẩm vấn nghi can thì người này có nhiều biểu tượng rất lạ như đổ mồ hôi, sợ hãi, nói năng không đồng nhất…Những dấu hiệu trên đều là biểu tượng của vô thức. Tuy hành vi giết người được che đậy bởi ý thức nhưng đã bị biểu hiện bằng những hành động vô thức.

Tuy nhiên có rất nhiều nhà nghiên cứu đã cùng quan niệm rằng phần lớn tư duy của con người được bắt đầu từ vô thức bởi vì vô thức là nền tảng của ý thức. Trong đó, biết bao kính nghiệm, ký ức, tiềm năng đã được chất chứa trong cái kho vô thức. Họ lý luận rằng vô thức bao giờ cũng có trước vì đó là tiềm năng bẩm sinh mà ai cũng có, nhưng vấn đề là nó có được đánh thức hay không và đánh thức ở mức độ nào. Vì vậy, ý thức là cái có sau, được hình thành qua quá trình sống và phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh môi trường của cuộc sống. Sau cùng, các nhà phân tâm lý học (Psychoanalysis) mà trong đó Bác sĩ Freud là người dẫn đầu kết luận rằng “Vô thức và ý thức liên quan mật thiết với nhau, thiếu một trong hai đều dẫn tới tư duy què quặt. Nhưng quan trọng nhất là vô thức đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sáng tạo của con người, góp phần tạo nên các thiên tài, vĩ nhân, thần đồng trong mọi lãnh vực từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc, khoa học cho đến tâm linh…

Một thí dụ về khoa học là nhà bác học Mendeleev (1834-1907), người phát minh bảng phân loại tuần hoàn các chất hóa học sau một giấc ngủ. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của công trình nghiên cứu lâu dài của bộ óc. Với tất cả những kinh nghiệm nghiên cứu được cất giữ trong tầng vô thức và đúng một thời điểm nào đó thì từ trong tầng vô thức, những khám phá đó được bộc lộ mà chúng ta gọi là phát minh. Nói chung những thiên tài trong xã hội là những người có trực giác rất cao. Họ có khả năng trực nhận tri thức từ vô thức mà có những khám phá phi thường. Rất nhiều các phát minh sáng tạo khoa học, các luận thuyết khoa học được khám phá nhờ trực giác của những người có trực giác mạnh và nhạy bén.

Một thí dụ khác là khi mới bắt đầu tập đi xe đạp, ban đầu chúng ta phải dùng ý thức để điều khiển các động tác như đạp bàn đạp, chuyển hướng và cố giữ thăng bằng…Đến khi thành thạo thì chúng ta ngồi lên xe là tự nhiên đạp bàn đạp, tay chuyển hướng mà không cần kiểm soát những hành tác theo ý thức nữa. Bởi vì những kinh nghiệm đó đã tiềm ẩn trong tầng vô thức mà con người chỉ cần đánh thức nó là có tác động ngay.

Trẻ em phần lớn sống bằng vô thức, rồi lớn lên thì ý thức đóng góp dần dần vào tiến trình tư duy của các em. Khoa học lý luận rằng vô thức đã có từ khi lọt lòng mẹ hay có thể từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Điều này rất phù hợp với Phật giáo vì đạo Phật chủ trương rằng tuy con người mới kết tụ vào trong noãn bào của người mẹ thì Thức (ký ức, kinh nghiệm…của những đời quá khứ)(A lại da thức) đã theo sát đứa bé đó rồi. Vì thế khi sinh ra có những người rất giỏi về nhiều bộ môn khác nhau là như vậy. Có người là khoa học gia, luận sư, triết gia…Khi lớn lên chúng ta đi học, thực hành việc làm gì thì từ ý thức đó trở thành vô thức thông qua các hoạt động lập đi lập lại từ lúc nào. Sự tích tụ trong ký ức đó nhà Phật gọi là Uẩn.

Thế thì vô thức có thể chuyển hóa thành ý thức được không?

Khi còn bé vào Mall chúng ta thường đòi cha mẹ mua món đồ chơi cho bằng được. Nếu không thì khóc lóc…Như vậy hành động đòi mua quà của đứa bé là vô thức bởi vì nó không thể ý thức được hành vi của nó mà chỉ muốn thỏa mãn  ngã tính lúc đó mà thôi. Nhưng khi lớn lên, nó ý thức được được vấn đề, có sự chọn lựa. Bây giờ nó mới biết vì sao nó thích nên có nên mua hay không.

Do vậy, giữa ý thức và vô thức không có một ranh giới rõ ràng nào cả. Chúng luôn chuyển hóa lẫn nhau và cũng vì mối quan hệ đó là động cơ chính giúp con người quân bình đời sống tâm linh, không còn căng thẳng quá.

Nói chung vô thức với tính đa dạng và phức tạp của nó vẫn là chủ đề cực kỳ khó hiểu đối với các nhà khoa họa nghiên cứu về khoa tâm lý và thần kinh. Tuy con người luôn tự hào về những khám phá khoa học về vũ trụ, về lượng tử, về vi tính…nhưng đối với cái bộ óc nhỏ và hệ thống thần kinh chằng chịt trong họ thì vẫn còn rất nhiều bí ẩn mà có lẽ con người không thể nào hiểu hết được.

Tuy nhiên, trong Phật giáo không có vấn đề vô thức vì tất cả mọi biến hành của tâm cho dù là ở trạng thái tiềm ẩn thì cũng không phải là vô thức. Vô thức là một đề tài rất trừu tượng đã được nhà tâm lý học Sigmund Freud giới thiệu vào năm 1905 và sau đó có những nhà tâm lý học khác như Schopenhauer, Nietzsche..tiếp tục khai triển thêm.

Dựa theo định nghĩa của nhà tâm lý học Sigmund Freud thì “Vô thức là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của tâm hồn và không bao giờ biểu hiện, không thể dùng ý chí để điều khiển được. Nó là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được, không hợp với lý trí. Vô thức được ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, góp phần quyết định trong việc hình thành các khuynh hướng của mỗi cá nhân. Trong vùng vô thức liên tục diễn ra cuộc đấu tranh giữa bản năng với bản ngã, giữa phần "con" và "người" và bản năng sẽ bị dồn nén lại trong hàng rào kiểm duyệt (censure) không cho vượt qua lên tầng ý thức được. Nên những xung lực này chỉ biểu hiện phần nào trong các giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh (névroses). Vô thức nằm ở đáy sâu tăm tối của tâm linh nên không thể thực nghiệm và không thể khảo sát được bằng các trắc nghiệm.

Để giải thích một cách cụ thể, Freud, nhà tâm lý học quốc tịch Áo, khảo sát và sáng lập phân tâm lý học từ năm 1880. Ông đã viết thành sách năm 1905 và  phát họa vô thức dựa theo một họa đồ như sau:

Bây giờ hãy phân tích tảng băng tâm lý của Freud để xem nó có những trùng hợp nào với giáo lý Phật Đà chăng?

1) Mức ý thức: trong đó Freud bao gồm hai phần là suy nghĩ và nhận thức. Đây là phần ý thức tức là cái biết có phân biệt của Phật giáo.

2) Mức tiền ý thức: gồm có Trí nhớ và lưu giữ kiến thức. Trí nhớ thì thuộc về Tưởng uẩn và lưu giữ kiến thức thì thuộc về Thức uẩn.

3) Mức vô thức: Dựa theo bác sĩ Freud thì Mức vô thức gồm có các nỗi lo sợ, các động cơ bạo lực, các mong muốn tình dục không được thỏa mãn, các nhu cầu vị kỷ, các trải nghiệm gây xấu hổ, các mong muốn phi lý…Nói chung tất cả những gì Freud diễn tả ở tầng mức vô thức này không gì khác hơn là những tác ý của Hành uẩn. Nhưng ở đây, Freud chỉ nêu ra những tác ý bất thiện, những tham vọng bất chánh trong khi đó Hành Uẩn của Phật giáo còn bao gồm những tác ý thiện, chân chánh nữa.

Khi con người có những tư tưởng xấu ác, lời nói hung dữ hay hành động tàn ác thì trong tâm phải có tác ý bất thiện đó. Ngược lại nếu chúng ta có những tư tưởng tốt, lời nói hài hòa, hành động nhân ái thì đây là những tác ý thiện. Nói chung tập hợp của tất cả “tác ý” thiện hay bất thiện được thể hiện bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì gọi chung là hành uẩn.

Thêm nữa, khi ngủ không phải là ở trạng thái vô thức bởi vì tuy mắt không mở, tai không nghe…nhưng ý thức vẫn hoạt động nên con người vẫn biết cho nên nếu ai la lớn, hay đánh mạnh thì ý thức tác động khiến chúng ta thức giấc.

Tuy khoa học ngày nay còn mò mẫm về ý thức và vô thức, nhưng Phật giáo đã có nhận định rất rõ ràng sự vận hành của ngũ uẩn mà trong đó tất cả những tác ý đều có thể dùng tỉnh thức chánh niệm để kiểm soát nó. Đức Phật dạy rằng Thức là tâm vương, là đầu dây mối nhợ cho bất cứ tư tưởng, lời nói hay hành động nào của con người. Còn Thọ, Tưởng, Hành là tâm sở, là những trợ duyên để tâm vương thực hành ý định đó. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm giềng mối bổ túc cho nhau. Nếu không có thọ, tưởng thì không thể có thức. Cũng như nếu không có sắc thì không thể nào có thọ hay tưởng được. Có biết những biến hành của tâm hành giả có thể làm chủ thân, khẩu, ý của mình thì cuộc đời sẽ không còn hệ lụy khổ đau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***