4 thg 3, 2022

ĂN MÀY CỬA PHẬT (Phần 3)

Lê Sỹ Minh Tùng

Washington - Mùa Phật Đản PL 2559, DL 2015

 

NGHIỆP QUẢ VÀ SỐ MẠNG CON NGƯỜI

Từ khi con người có mặt trên quả địa cầu, có rất nhiều trường phái triết học và tôn giáo về nhân sinh quan và vũ trụ quan xuất hiện từ đông sang tây. Từ đó phát sinh ra lẽ sống và lối sống muôn màu,  muôn vẻ trong khu vườn tư tưởng của nhân loại. Nhưng chúng ta có lẽ gần gủi và quen thuộc nhiều hơn với những tư tưởng triết học Đông phương. Hãy tìm hiểu sơ qua về các chủ thuyết triết lý thời bấy giờ và Phật pháp nguyên thủy.

1) Chủ thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử (K’ung Fu-tzu or Confucius):  (551B.C.E), thiên mệnh là mạng lệnh của Trời. Thiên mệnh là chủ thuyết rất quan trọng trong triết lý của đạo Nho. Trong đó, Không Tử quan niệm rằng tất cả sự biến chuyển của Trời, Đất cho đến sự sống chết của các loài từ con người đến các loài cầm thú thì Ngọc Hoàng Thượng đế nắm toàn quyền sinh sát trong tay. Đó là mệnh lệnh của ông Trời nên được gọi là Thiên mệnh. Nói cách khác Ngọc Hoàng thương người nào thì ban phúc cho người đó. Ngược lại, Ngọc Hoàng muốn giáng họa cho ai thì kẻ đó bắt buộc phải chết. Vì thế trong xã hội phong kiến, nhà vua tự xưng là con của Ngọc Hoàng Thượng đế nên gọi là Thiên tử cho nên mệnh lệnh của nhà vua là tuyệt đối. Do vậy vào thời Hán Vũ Đế (Emperor Wu of Han)(ruling from 141-87 BC), một nho gia tên là Đổng Trọng Thư (Dong Zhongshu) dựa theo tư tưởng Khổng Tử đã nói:”Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu” nghĩa là vua xử tôi thần chết, tôi thần không chết là không trung thành. Cha xử con chết, con không chết là con bất hiếu.

Nhắc đến tính hung bạo và tàn ác chẳng mấy ai quên được Tần Thủy Hoàng (Qin Shi Huang) (260-210 BC), vị vua đầu tiên của Trung Quốc. Vào năm 221 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, thành lập chế độ tập quyền về mặt chính trị thống nhất từ trung ương, xây dựng nền quân chủ chuyên chế. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa có công thống nhất đất nước này, tiêu diệt sáu nước chư hầu thời Chiến Quốc và thiết lập một quốc gia rộng lớn. Tuy nhiên, ông cũng được xem là bạo chúa vì chính sách cai trị hà khắc và tàn bạo của mình. Suốt chiều dài lịch sử cai trị của Tần Thủy Hoàng, ông nổi tiếng về sự tàn bạo, đa nghi, xem mạng người như cỏ rác. Tần Thủy Hoàng chủ trương cai trị một cách độc tài, không chú trọng đến nhân đức, ân nghĩa. Đối với ông chỉ có một con đường, đó là dùng bạo lực (bá đạo) để đe dọa và bịt miệng dân. Ông chôn sống học trò, đốt sách Thánh hiền, giết hết những ai chống lại. Ông từng ra lệnh chôn sống 460 người ở Hàm Dương vì những người đó lên tiếng chống lại ông.

Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất về con người của Tần Thủy Hoàng ngoài việc xây vạn lý trường thành là quá trình xây lăng mộ (Mausoleum of the First Qin Emperor) cho ông đã khiến biết bao người dân vô tội bị chết để thỏa mãn cho sở thích quái đản của vị vua này. Khi vừa lên ngôi lúc 13 tuổi, ông đã bắt đầu cho xây lăng mộ gồm 3 tầng, trên cùng là ngoại cung, tiếp theo là nội cung và sau cùng là tẩm cung, nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây (located in Lingtong District, Xi’an, Shaanxi province of China). Đây là một thế giới ngầm dưới lòng đất như là một vương quốc với đền đài, cung điện nguy nga, những dòng sông thủy ngân và trần của hang động làm bằng ngọc trai giống như bầu trời ban đêm sáng ngời. Mãi cho đến khi ông chết vào lúc 49 tuổi thì ngôi mộ mới hoàn thành. Có đến 700,000 binh sĩ, thợ thuyền được điều động đến để xây lăng mộ cho vị bạo chúa này. Dã man hơn, sau khi hoàn tất, để tránh bị lộ ra ngoài, ông đã ra lệnh sai lấp đường hầm, chôn sống hết những người thợ ở đây với mục đích biến họ trở thành thần giữ của cho ông.

Vì tham vọng muốn trường sinh bất tử để hưởng thụ khoái lạc thế gian, vị vua này còn sai biết bao người đi tìm thuốc tiên, thần dược. Tần Thủy Hoàng có lẽ là vị vua duy nhất sợ cái chết đến mức điên dại. Trong một lần lang thang ở Quốc sử quán (National historic library), bạo chúa Tần Thủy Hoàng bất ngờ tìm thấy một cuốn sách cổ nói về cuộc sống bất tử, trẻ mãi không già làm bằng chất thủy ngân lỏng. Bạo chúa quá đỗi vui mừng, bèn sai người đi khắp nơi, thu nhập số lượng thủy nhân rất lớn đem về hoàng cung. Nhà khảo cổ Romney nói rằng: “Có lẽ, thủy ngân chính là lý do khiến Tần Thủy Hoàng chết. Bạo chúa đã nuốt thủy ngân với tham vọng bất tử, nhưng không ngờ, chính nó lại kết thúc cuộc đời của một hôn quân, bạo chúa”.

Đến khi Hạng Võ (Xiang Yu)(232-202 BC) đem quân vào Hàm Dương (Xianyang)(kinh đô nhà Tần)(The capital of China in the Qin dynasty) tiêu diệt nhà Tần, ông đã sai người đi quật mộ Tần Thủy Hoàng, đốt hết tam cung, lục điện nguy nga ánh lửa cháy sáng cả bầu trời cho đến mấy tháng và sau cùng giết chết hết con cháu của nhà Tần. Thế thì nhân quả, nghiệp báo có tha thứ cho ai đâu!

Vị vua nổi tiếng khác của Trung Hoa là Võ Tắc Thiên (Wu Zetian)(Empress Wu)(624-725). Bà là một trong 9 người vợ, đứng hàng thứ 5 “Tài nhân” của vua nhà Đường “Lý Thế Dân (Li Shimin)” (Emperor Taizong of Tang Dynasty(599-649). Theo thứ tự từ trên xuống dưới là Hoàng hậu, Hoàng phi, Thần phi, Chiêu nghi và Tài nhân. Tuy nhiên, ở trong cung, bà lại tư tình với con trai Lý Thế Dân là Lý Trị. Sau đó, Lý Thế Dân chết, dựa theo luật lệ nhà Đường, bà phải chết theo chồng, nhưng bà vào chùa quy y nên thoát khỏi. Khi Lý Trị (Li Zhi) lên ngôi, mặc kệ bao lời dèm pha, bà rời chùa trở lại hoàng cung trở thành vợ của Lý Trị (với danh hiệu Chiêu nghi. Trong thời gian ngắn ngủi này, bà từ vị trí vợ của vua cha trở thành vợ của vua con. Vào năm 654, bà sinh con gái đầu lòng. Sau khi Hoàng hậu họ Vương đến thăm ra về, bà bóp mũi giết chết con của bà rồi vu oan giá họa khiến cho Hoàng hậu bị phế bỏ. Từ đó nấc thang danh vọng tăng dần, bà được phong lên làm Thần phi rồi đến Hoàng hậu. Để trừ hậu hoan, bà giết Vương Hoàng hậu (Empress Wang)(Xuanzong) và con gái một cách dã man. Sau khi vua Lý Trị bệnh nặng, bà yêu cầu Lý Trị cho bà được quyền tham chính bất chấp quần thần không đồng ý. Để tiện đường cho con trai Lý Hoằng (Li Hong) lên ngôi vua tức là Đường Cao Tông (Emperor Gaozong of Tang), bà ra lệnh giết hết những ai cản đường. Tuy nhiên, bà phế Lý Hoằng và đưa con thứ hai là Lý Hiền (Li Xian) lên làm Thái tử. Rồi lại phế Lý Hiền và đưa con Lý Hiền lên thay tức là Đường Trung Tông (Emperor Zhongzong of Tang). Sau khi, Lý Trị qua đời, con Lý Hiền lên ngôi hiệu là Đường Trung Tông. Nhưng một tháng sau, bà lại phế Đường Trung Tông và đưa Lý Đán ( Li Xulun) lên ngôi tức là Đường Duệ Tông (Emperor Ruizong of Tang). Những năm tháng sau đó, bà tiếp tục loại trừ tất cả con cháu họ Lý ra khỏi quyền lực và đưa con cháu họ Võ của mình vào nắm quyền. Sau cùng, năm 690 Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là nhà Chu (Zhou dynasty) và biết bao người đã chết dưới bàn tay đẫm máu của vị nữ hoàng đầu tiên của Trung Quốc. Ngoài hai bàn tay đẫm máu, Võ Tắc Thiên còn nổi tiếng về vấn đề tình ái. Khi đã gòm thâu quyền bính vào tay, lúc ấy tuy đã 61 tuổi, bà vẫn không ngừng tuyển chọn các mỹ nam, những người khỏe mạnh, khôi ngô và giỏi giang trong chuyện chăn gối để vào cung hầu hạ bà. Những cuộc ân ái thâu đêm suốt sáng của Võ Tắc Thiên cứ diễn ra liên tục tưởng như kéo dài không hồi kết. Vị nữ hoàng loạn dâm này không đêm nào có thể thiếu đàn ông. Cho đến tuổi 80, bà ta vẫn chọn toàn những nam nhân sung mãn để thỏa mãn niềm khoái lạc thân xác. Có một điều rất khôi hài, tuy bà ta là người nổi tiếng đệ nhất sát thủ, đệ nhất hoang dâm vậy mà lúc nào cũng muốn thiên hạ gọi là “Phật gia”!

Thái Bình công chúa (Princess Taiping) là con gái của Võ Tắc Thiên, là vị công chúa có nhiều tham vọng và quyền thế nhất trong triều nhà Đường (Tang dynasty). Thái Bình cũng mưu mô, ác độc không kém mẹ mình, ép chế Võ Tắc Thiên nhường ngôi cho Đường Trung Tông (lên ngôi lần thứ hai) và bắt đầu lộng quyền. Nhưng sau cùng Thái Bình vẫn bị giết chết bởi người cháu, người mà bà đã cân nhắc lên làm vua.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21 cho nên chế độ phong kiến bất bình đẳng, trên đội dưới đạp: “quân xử thần tử, phụ xử tử vong” hay chế độ khắc khe đối với phụ nữ: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử (chết) tòng tử (con)” (Three Obediances) hoặc là tư tưởng trọng nam khinh nữ: “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên (thủ tiết) một chồng” không còn thích hợp với xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng, văn minh khoa học, tiến bộ của loài người nữa. Chẳng những thế, ngày nay từ Tổng thống, Thủ tướng cho đến Chủ tịch vẫn bị cách chức hay vào tù vì tội lạm quyền, tham nhũng, hành xử bất chánh đi ngược lại với công lý.

2) Chủ thuyết về Định mệnh: Khoa chiêm tinh gia (astrology) tin rằng những diễn biến trên quả địa cầu này và số mạng của con người đều bị ảnh hưởng bởi những vị trí của những ngôi sao trên trời. Nếu ta sanh vào ngày tháng nào đó thì sẽ bị dấu ấn của những vì sao ảnh hưởng đến số mạng và những diễn biến trong cuộc đời. Những người đó tin rằng ngay khi sanh ra là định mệnh đã an bài, gắn liền với giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh đó, không ai chạy khỏi hết. Thí dụ nếu sao Thiên Quý đóng tại cung Sửu, Mùi thì người đó sẽ là anh hùng trong thiên hạ….Tùy theo cung mạng, có năm thuận và có năm kỵ với tuổi của minh. Năm thuận tuổi thì làm ăn việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, và năm kỵ tuổi thì vất vã, trầy trật khó khăn.

Người đạo Thiên chúa giáo tin rằng những gì xảy ra cho họ là do ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì con người là sản phẩm của Ngài cho nên có người Chúa đặt vào hoàn cảnh giàu sang, có cuộc sống sung sướng, còn người khác bị lâm vào những hoàn cảnh bần cùng, nghèo đói, cả đời tận tụy không thấy ánh sáng mặt trời. Dầu ở trong hoàn cảnh nào thì con người không được cải ý Chúa mà chỉ có thể cầu nguyện để cho Chúa thương xót mà thay đổi hoàn cảnh cho ta. Ngay cả những người có số phận nghiệt ngã cũng không nên than trời trách phận. Thậm chí, có những người còn mang mặc cảm tội lỗi là mình đã làm gì khiến Chúa phật lòng nên Ngài mới đặt mình vào hoàn cảnh khổ sở, đau thương.

Vào đời nhà Tống (Song dynasty)(960-1270) bên Trung Hoa, Trần Đoàn, danh hiệu là Hi Di Lão Tổ, là người phát minh là khoa Tử Vi. Ông ta lý luận rằng có  93 ngôi sao (14 chính và 79 phụ) sắp xếp quanh 12 cung và sự phối hợp của các ngôi sao nói lên tính chất đặc biệt của mỗi cá nhân. Thật ra ngày nay khoa tử vi không còn được xem là khoa học huyền bí nữa vì nó không thể giải thích từng trường hợp của mỗi người một cách suông sẻ và hợp lý. Thí dụ trên thế giới hiện giờ có trên 6,7 tỷ người, mà nếu dựa vào một ngày, giờ, tháng,  năm sanh nhất định thì có được 518,400 lá số tử vi khác nhau cho tất cả mọi người trong đó có 60 can chi, 12 tháng, 12 giờ và 2 giới tính. Nếu sinh cùng giờ Thìn, tháng Thìn, năm Thìn thì có biết bao người trùng lá tử vi, nhưng có người thì sung sướng sao có kẻ lại khổ đau?

Khoa tử vi lý số (Zi Wei Dou Shu) đã có khoảng 2000 năm trước Khổng Tử tức là khoảng 2500 năm trước CN, nhưng có lẽ  từ thời Khổng Tử cho đến nhà Đường khoảng 1000 năm được xem là thời kỳ văn minh nhất của khoa toán số. Trong thời kỳ này, các chiêm tinh gia vì không có viễn vọng kính mà chỉ quan sát bằng mắt thường ban đêm nên chỉ nhìn thấy 5 hành tinh trong Thái Dương Hệ. Đó là Thủy Tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus), Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), và sau cùng là Thổ Tinh (Saturn). Họ không thể nhìn thấy Diêm Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune) và Thiên Vương Tinh (Pluto). Ngày nay Pluto không còn xem là một hành tinh (planet) mà được gọi là dwarf planet (hành tinh lùn chớ không phải tiểu hành tinh nghĩa là hành tinh lùn có quỷ đạo quanh mặt trời, có khối lượng đủ lớn để có trọng trường và không phải là vệ tinh tự nhiên của một hành tinh). Để tìm hiểu sự chuyển động của 5 hành tinh đó như thế nào, các chiêm tinh gia đã ghi chép lại vị trí của các hành tinh sau một thời khoảng nhất định. Thời điểm tốt nhất để xem thiên văn là mỗi tháng một lần vào đầu hay cuối tháng vào lúc mặt trăng hoàn toàn bị che mất. Họ dùng sao Bắc Đẩu làm chuẩn và theo đồ hình Bát Quái (Bagua)(tám biểu tượng, 8 quẻ được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo) để định phương hướng của mỗi vị sao. Họ dùng thời gian một năm của địa cầu làm chuẩn để tính quỷ đạo quay quanh mặt trời của 5 hành tinh. Thí dụ trái đất có 365 ngày, Thủy Tinh quay mất 88 ngày, Kim Tinh quay 225 ngày, Mộc Tinh mất 433 ngày, trong khi đó Thổ Tinh cần đến 10,760 ngày mới hoàn tất một quỹ đạo. Các nhà chiêm tinh khám phá rằng cứ 20 năm thì 4 hành hinh Thủy Tinh, Hỏa Tinh, Mộc Tinh và Thổ Tinh tụ về một vị trí khác và đặc biết nhất là cứ mỗi 60 năm thì tất cả  4 hành tinh mới quay về đúng vị trí đầu tiên. Riêng trường hợp Kim Tinh (Venus) tuy nằm gần đối diện với vị trí cũ, nhưng cần thêm khoảng 4 tháng là quay vòng trở lại để hội tụ cùng các hành tinh khác. Tuy nói 60 năm, nhưng sai số để các hành tinh hội tụ lại vị trí cũ cũng có sai biệt rất nhiều. Năm 2000 là năm Golden Dragon (Rồng Vàng) (Canh Thìn), người Trung Hoa tin rằng 60 năm sau thì Golden Dragon mới trở lại cho nên trong năm 2000 số trẻ em ra đời ở Trung Hoa được xem là nhiều nhất vì họ tin rằng người tuổi Thìn sẽ có số sung sướng.

Vì các nhà chiêm tinh đã không biết còn có 3 hành tinh nữa trong Thái Dương Hệ cho nên việc tính toán dựa theo Bát Quái sai lạc rất nhiều. Có người tuổi Thìn rất sung sướng, tuy nhiên cũng có rất nhiều người cùng tuổi Thìn mà suốt đời nghèo đói, khổ đau.

Để giải thích sự sai lệch nầy, các nhà tử vi lý luận rằng ngoài ngày, giờ, tháng, năm sanh, lá tử vi còn tùy thuộc vào phước đức của họ và của gia đình họ. Thế thì nói đi nói lại, mọi sự tiên đoán của tử vi cũng chỉ dựa vào Luật Nghiệp Quả của nhà Phật mà thôi. Thậm chí một số nhà tử vi, chiêm tinh, bói toán cho rằng số mạng con người còn tùy thuộc vào sửa cái giường theo hướng đông hay tây, sửa cái bếp theo hướng nam hay bắc hay sửa chữ ký theo đường này hay hướng khác.

Phong thủy (Feng Shui) có nghĩa là gió và nước. Phong thủy có trên 3000 năm ở Trung Hoa và sau đó tư tưởng này được nới rộng dựa theo thuyết Yin và Yang (Âm Dương) của Lão Tử.

Dựa theo huyền thoại của người Trung Hoa, gió và nước liên hệ mật thiết đến sức khỏe của con người. Phong thủy tốt mang lại may mắn và ngược lại phong thủy xấu đem đến sự bất hạnh. Dựa theo tư tưởng của Lão Tử, người Trung Hoa tin rằng đất có sự sống (thần thổ địa) và có rất nhiều năng lực (Chi)(Energy). Vì thế khi mua nhà hay chọn khu đất thì phải thuận với Phong Thủy cho năng lực được lưu chuyển thì sẽ có nhiều may mắn. Từ đó mới có những chuyện như kê giường đúng phong thủy, phong thủy phòng ngủ, vị trí đầu giường hợp với tuổi, kê giường ngủ theo tuổi vợ chồng cho đến phong thủy cho nhà cửa, xem hướng nhà, hóa giải sát khí cho nhà ở, cách trang trí nhà cửa cho phù hợp với phong thủy và cả trăm ngàn chuyện phong thủy khác.

Năng lực mà Lão Tử (Laozi) nói ở đây thật ra chỉ là phản ảnh cái tâm của con người. Thí dụ một người có tâm tính bình thường giản dị thì cách chưng diện đồ đạc trong nhà hay cách ăn mặc cũng đơn giản. Ngược lại, người se sua thì cách trang trí hoặc cách ăn mặc của họ cũng se sua, rườm rà, phức tạp. Tâm tính đơn giản thì chắc chắn cuộc sống nhẹ nhàng, ít phiền não. Trái lại, người có tâm tính khó khăn, phức tạp thì cuộc sống nhiều sóng gió, nhức đầu. Vì thế phong thủy dựa theo tinh thần Phật giáo là đơn giản hóa cuộc sống của mình nghĩa là bớt dính mắc, chấp trước thì chính mình sẽ có an lành, hạnh phúc. Còn nếu mình  phức tạp hóa thì chắc chắn cuộc sống sẽ có nhiều sóng gió khổ đau. Tâm của con người cũng giống như cái phòng khách. Nếu thiết kế đơn giản mà ý nghĩa thì nhìn thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Và nếu đồ đạc ngổn ngang, chật chội thì bực bội, khó chịu. Vì thế không cần sửa giường, sửa bếp, sửa chữ ký, đổi hướng nhà hay sửa bất cứ đồ đạc nào trong nhà mà chỉ cần sửa cái tâm của mình trước rồi tất cả mọi chuyện sẽ tuần tự thay đổi theo sau.

 Cuộc đời có thay đổi, có thăng hoa chỉ khi nào con người biết phục thiện, biết làm lành lánh dữ, biết bố thí giúp đở kẻ thế cô. Nói cách khác khi con người sống trong đạo đức nhân bản thì cuộc sống chắc chắn sẽ bình yên, gia đình trên thuận dưới hòa mà không cần sửa giường, sửa bếp, hay chữ ký chi cả. Nếu sửa giường, sửa bếp hay sửa chữ ký mà thay đổi được cuộc sống thì mấy ông, bà thầy bói đã giàu sang, phú quý hết rồi chớ đâu có lang thang, thất thểu như vậy. Ở Hoa Kỳ, có những tay bói toán rất nổi tiếng như Sylvia Browne (Tự xưng là Spiritual Teacher and Psychic tuy nhiên có người cho bà ta là Psychic or Con Artist?) xuất bản rất nhiều sách và xuất hiện trên nhiều chương trình TV. Không phải bà ta làm giàu hay nổi tiếng vì tài tiên đoán xuất quỷ nhập thần hay thần cơ diệu toán gì cả mà chỉ là lợi dụng sự mê tín của người nghe hay người đọc để bán sách thế thôi. Những tiên đoán của bà ta thuộc loại vô thưởng, vô phạt, không thể kiểm chứng, chỉ nói cho vừa lòng người nghe. Nếu thực sự các nhà tiên tri, ngoại cảm có thật tài thì tại sao không ai vì lòng nhân ái đứng ra tình nguyện giúp cho hảng hàng không Mã Lai Á tìm chiếc máy bay MH370 với 239 sinh linh bị rớt hơn một năm? Ngày nay trong cuộc sống gia đình đôi khi vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em hay bạn bè có những lúc bất hòa đưa đến cải vả làm mất hòa khí. Có người tin vào chuyện kỵ tuổi chẳng hạn như Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung khắc hay Thân, Tý, Thìn là tam hạp…Khắc khẩu không phải là do kỵ tuổi gì cả bởi vì người Tây phương đâu có biết Thân, Tỵ gì đâu mà họ vẫn sống phây phây trong khi đó người Trung Hoa cái nghèo, cái khó sao cứ đeo mãi trên lưng? Khắc khẩu là tại vì bất đồng tư tưởng, mỗi người có tư tưởng hay quan niệm về cuộc sống khác nhau. Nhưng thay vì tôn trọng hay lắng nghe để dung hòa thì họ sống quá nặng theo bản ngã của mình mà cho rằng tôi nghĩ là đúng, tôi nói là hay. Bây giờ nghe lời Phật dạy, bớt bản ngã xuống một chút, tôn trọng ý kiến của mọi người thì cuộc sống gia đình sẽ trở lại an bình như trước chớ có dính dấp gì đến Dần, Thân, Tỵ, Hợi đâu. Biết bao người tuổi Thân, Tý, Thìn hằng ngày đưa nhau ra tòa ly dị vì thế một trong những điều cấm kỵ của Đức Phật đối với các vị Tỳ kheo là bói toán.

3) Chủ thuyết về Số mệnh: Bây giờ là một hàm số rất phức tạp bao gồm rất nhiều tư tưởng của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử…Đó là:

Số mệnh = Thiên mệnh + Địa Mệnh  + Nhân mệnh

Dựa vào hàm số này thì số mệnh của con người 70% tùy thuộc vào định mệnh và 30% còn lại tùy thuộc vào hành động của con người để chuyển hóa số mệnh của mình nghĩa là “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”. Vì thế tuy con người có cố gắng, sửa sai, phục thiện thì số mệnh của mình vẫn còn nằm trong tay của Trời, Đất.

4) Quy luật Nhân Quả: Khác với các chủ thuyết Thiên mệnh của Khổng Tử, Định mệnh của Trần Đoàn hay ngay cả Số mệnh của sự tổng hợp các luồng tư tưởng khác của các triết gia Trung Quốc, quy luật Nhân Quả rất khác biệt và chính xác. Luật nghiệp quả của Phật giáo hoàn toàn phủ nhận thuyết thiên mệnh, định mệnh hay ngay cả số mệnh. Tại sao? Bởi vì luật nghiệp quả là do con người hoàn toàn quyết định cuộc đời của mình chớ không tùy thuộc vào bất cứ một quyền năng nào ở bên ngoài, nghĩa là dựa theo tinh thần Phật giáo, không có ông Trời, bà đất hay Hi Di Lão tổ nào có thể quyết định hay thay đổi số mệnh của mình mà phải do chính tự tay mình tác tạo và thọ lãnh.

Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa” . Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ (vô lượng) kiếp quá khứ. Thật vậy, nghiệp chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, khỏe mạnh hay đau yếu, thông minh hay khờ dại…của con người trong kiếp sống này là sự thọ lãnh những quả nghiệp do chính họ tự tạo tác từ những đời quá khứ, chớ không do bất cứ sự thưởng, phạt của Thượng đế hay Diêm Vương nào cả. Chỉ khi nào thật sự thấu hiểu tường tận về giáo lý Nghiệp thì lúc đó nghiệp sẽ không còn chi phối cuộc sống của chúng ta. Đó là khi gặp nghịch cảnh đau thương thì chúng ta không than Trời, oán Phật và khi thuận duyên hạnh phúc đến thì chúng ta cũng chẳng hân hoan reo mừng bởi vì đó đều là những vận hành của Nghiệp, do chính ta tạo ra. Bây giờ, nếu chỉ nhìn nghiệp bằng một góc độ nhỏ của nhân quả thì luật nghiệp quả của đạo Phật có vẻ như là một số mệnh sắp đặt sẵn bắt buộc con người phải nhắm mắt, xuôi tay chấp nhận. Nhưng sự huyền diệu của luật nghiệp quả không dừng lại ở đây mà nghiệp có thể chuyển hóa được. Nếu nghiệp không chuyển được thì không ai tu để làm gì? Nếu nghiệp không chuyển được thì Thái tử Tất Đạt Đa làm sao tu thành Phật? Vì ta là chủ nhân của Nghiệp thì ta có thể chuyển hóa Nghiệp của mình chớ không phải là nô lệ để Nghiệp sai khiến.

Đối với Phật giáo, sám hối là để tự răn và tự hứa với chính mình sẽ không tái phạm điều ác nữa. Nói thế có nghĩa là từ đây mình không tái phạm việc bất thiện đó, nhưng cái nhân bất thiện đã thành tựu rồi chớ đâu có mất. Do vậy sám hối không bao giờ làm biến mất được những nghiệp bất thiện mà chuyển nghiệp là độc lộ để thăng hoa cuộc đời. Thí dụ lỡ tạo một nghiệp xấu, cho dù có sám hối bao nhiêu thì nghiệp xấu kia vẫn tồn tại trong tâm của mình. Bây giờ nếu tạo nhiều thiện nghiệp, cứu giúp nhiều chúng sinh thì những thiện nghiệp đó sẽ bù đắp lại cho nghiệp xấu kia. Nói thế không có nghĩa là nghiệp xấu bị xóa mà những thiện nghiệp sẽ xoa diệu tâm hồn khiến cho cuộc sống của ta vơi bớt ray rứt khổ đau hoặc chí ích ta cũng dễ dàng chấp nhận thọ lãnh quả xấu với một tâm thế cởi mở hơn. Lấy ví dụ về nghiệp quả như sau: Ở Hoa Kỳ, bạn có thể mua trả góp một chiếc xe hơi. Nếu vì lý do nào đó, bạn không trả mấy tháng thì dĩ nhiên ngân hàng sẽ ghi (report) vào hồ sơ tín dụng và bạn sẽ bị điểm xấu. Sau đó tuy bạn tiếp tục trả hàng tháng đúng hẹn cho đến payment sau cùng, nhưng trong hồ sơ tín dụng vẫn còn ghi lại những điểm xấu của bạn chớ đâu có xóa. Về sau, khi bạn muốn mua nhà hay xe hơi mới khác, ngân hàng sau khi truy tìm hồ sơ tín dụng (credit report) của bạn thì những tín dụng xấu (bad credit) đó sẽ hiện ra ngay. Tuy nhiên nếu bạn có rất nhiều tín dụng tốt mà chỉ có một tín dụng xấu thì những tín dụng tốt kia sẽ vớt vát những lỗi lầm của bạn. Kết quả,  người có nhiều phước báo cho dù gặp tai nạn lớn lao như rớt máy bay, hay xe đụng vẫn sống sót, gọi là số may mắn. Người có phước báo ít hơn phải chịu thương tích. Còn người không có phước thì lãnh đủ quả báo có khi mất mạng.

Có người cả đời làm những điều bất thiện, gây tang tóc đau thương cho người khác. Đến cuối cuộc đời, ăn năn, sám hối, đúc chuông, xây chùa, đúc tượng Phật, làm từ thiện thì có xóa hết những tội lỗi cũ được không? Dựa theo tinh thần Phật giáo, dĩ nhiên là không được. Nếu gieo nghiệp bất thiện thì chính bạn phải thọ lãnh hậu quả của những ác nghiệp đó một khi duyên đến. Tuy nhiên nếu bạn gieo nhiều thiện nghiệp thì một ngày nào đó chính bạn sẽ gặt hái những kết quả lành do bạn gieo. Nếu nghiệp có thể xóa được thì cả đời người chúng ta cứ sống thỏa thích theo ái dục, ăn chơi trác táng, giết hại chúng sinh, sau đó đợi đến gần cuối cuộc đời thì sám hối để xóa hết những tội nghiệp đã gây ra. Nếu được như vậy, thì cần tu để làm gì, cần sống tốt đẹp, tích lũy phước thiện để làm gì? Chính vì không thể xóa nghiệp, nên con người cần thức tỉnh, sống đời đạo hạnh, tu nhân tích đức, tu tâm dưỡng tánh, dừng các nghiệp bất thiện ngay từ bây giờ chớ đâu phải đợi đến gần chết mới tu?  Vì thế giáo lý nhân quả rất công bằng, không thiên vị. Con người là chủ nhân duy nhất có đầy đủ quyền năng quyết định cuộc đời theo ý muốn của mình cho nên thiên đàng hay địa ngục, đau khổ trầm luân hay giải thoát an lạc tùy thuộc vào sự chọn lựa nghiệp nhân của mỗi người. Mình tạo nhân gì thì chính mình sẽ thọ lãnh quả báo đó chớ không phải trời hành hay Phật đọa gì cả và dĩ nhiên trong càn khôn vũ trụ này không ai có đủ quyền năng để xóa nghiệp, ban thưởng hay trừng phạt cho kẻ khác được.

Do vậy, nếu một ngày nào đó nhân xấu kia trổ thành quả mang lại sự đau đớn, bất hạnh thì mình cứ an nhiên chấp nhận rồi nó sẽ qua đi. Nên nhớ bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời này đều là kết quả (hay hậu quả) do chính mình đã tạo nghiệp nhân từ trước cho nên bây giờ phải thọ nhận nghiệp quả (nghiệp báo). Nếu việc may mắn đến thì đây là phước báo do việc thiện lành chính mình đã gieo. Ngược lại, việc không may (bất hạnh) xảy đến thì đó là quả báo cũng do việc bất thiện chính mình đã gieo trong quá khứ.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có người đến hỏi Đức Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, cái gì định đặt cho con người, sinh ra kẻ thì nghèo nàn khổ sở, người thì giàu sang sung sướng, kẻ thì sống lâu, người thì chết yễu, kẻ thì yếu đau, người thì khỏe mạnh, kẻ thì ngu tối, người thì thông minh?

Đức Phật trả lời rằng:

- Tất cả sự sai biệt giữa con người và con người là do Nghiệp mà họ đã tạo định đặt ra, nên có người cao kẻ thấp. Người không tạo nghiệp sát hại chúng sanh, thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng sanh, nên thọ mạng yễu. Do nghiệp ác làm cho người đau khổ, nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành như an ủi giúp đở người qua khỏi những tai nạn khốn khó nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi. Do đời trước biết tu làm lành, biết bố thí cúng dường, biết giúp đỡ người nghèo đói bịnh tật, nên đời nay được sinh thân trong cảnh giàu sang sung sướng. Người ở đời trước vì không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đở người nghèo khó, lại còn tham lam rút rĩa của những người khác, nên đời nầy sanh thân trong cảnh nghèo đói thiếu thốn. Người đời trước do siêng năng học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người học hỏi hiểu biết nên đời nầy được thông minh. Còn người ở đời trước do lười biếng học, không chịu tìm hiểu chân lý, cản ngăn sự học hỏi của người, nên đời nầy bị tối tăm mê mờ.

Nghèo khó là do không biết gieo nhân thiện lành để giúp người, cứu vật khi cần thiết, lại không tin sâu nhân quả, nên thường xuyên làm các việc xấu ác cho nên chẳng những không thọ hưởng quả giàu sang mà còn đối diện biết bao phiền não, khổ đau. Bây giờ cố gắng gieo trồng phước đức bằng cách làm lành tránh dữ, tích công bồi đức thì hậu vận sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh cơ hàn, túng thiếu. 

Dựa theo luật nhân quả báo ứng thì:

- Sát sinh: Trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại, đánh đập, ngược đãi, tổn hại người, động vật, đều thuộc hành vi sát sinh sẽ bị quả báo như nhiều bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa.

- Trộm cắp: Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác, chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc trộm cắp sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt.

- Tà dâm: Làm bậy, quan hệ với nam nữ, cho đến làm những việc có liên quan đến sắc tình, đều thuộc tà dâm sẽ bị quả báo gặp những người vợ (chồng) hung dữ, không chung thủy, vợ con bị người khác cưỡng hiếp, cuộc sống bẽ bàng. 

- Nói dối: Nói không đúng sự thật, làm chứng bậy, không giữ chữ tín, đều phạm vào tội nói dối sẽ nhận quả báo bị người phỉ báng, khinh khi. 

- Nói lời trau chuốt: Nói những lời tà dâm, những lời khiến cho mọi người nghĩ chuyện ái ân, đều gọi là nói lời trau chuốt sẽ bị quả báo nói ra lời nào mọi người đều không tin, không tiếp thu, lời nói không rõ ràng, diễn đạt người ta không hiểu. 

- Nói lưỡi hai chiều: Đâm bị thóc, thọc bị gạo, gây chia rẽ, đều phạm tội nói lưỡi đôi chiều sẽ bị quả báo quyến thuộc chia lìa, thân tộc xấu ác. 

- Nói lời hung ác: Dùng lời tàn bạo, độc ác mắng người, đều thuộc nói lời ác sẽ bị quả báo thường bị người mắng chửi, gặp nhiều chuyện kiện cáo tranh chấp. 

Không phải chỉ có cây gậy, hay súng ống mới gây thương đau cho người khác, mà cái lưỡi của con người nếu không biết kiềm chế thì còn tác hại hơn nhiều cho nên Đức Phật dạy rằng: “Cái lưỡi giống như một con dao sắc có thể giết người mà không cần đổ máu”. Hãy cẩn thận trong từng lời nói bởi vì những lời nói cay nghiệt, tàn nhẫn thực sự có thể làm cho người khác khổ đau. Khi tức giận lời nói trở thành vũ khí sắc bén nhất để bạn tấn công đối phương chứ không phải bằng hành động. Khi đó bạn chỉ muốn nói sao cho thỏa cơn tức của mình mà không hề nghĩ đến cảm xúc hay đau khổ của người khác. Chính sự tức giận đã làm bạn mất đi lý trí và sự tỉnh táo vốn có của mình.

- Tham dục: . Tham cầu hưởng thụ các loại như tiền tài, sắc đẹp, danh lợi… say mê không có ý niệm xa rời, tất cả những thứ này đều thuộc tham sẽ bị quả báo tâm không biết đủ, tham dục không chán.

- Sân hận: là gặp chuyện không vừa lòng liên sinh tức tối oán hận. Người phát sinh sân hận bị quả báo thường bị người dị nghị, nhiễu loạn khiến cho phiền não, hoặc bị hãm hại. Đức Phật đã dạy: “Giữ sự tức giận giống như nắm than nóng trong tay với ý định muốn ném nó vào người khác. Bạn là người đầu tiên bị thiêu cháy”. Kết cục của sự tức giận chỉ làm tổn thương chính mình và nguy hiểm hơn nữa khi bạn trút sự tức giận ấy lên những người xung quanh. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng: “Chiến thắng sân hận bằng lòng từ bi. Chiến thắng cái ác bằng cái thiện. Chiến thắng lòng tham bằng tâm bố thí. Chiến thắng sự dối trá bằng lòng chân thật” (Overcome the angry by non-anger; overcome the wicked by goodness; overcome the miser by generosity; overcome the liar by truth). Đức Phật dạy chúng sinh nên thực hành Chánh niệm để kiểm soát tâm sân hận, dùng tâm thanh tĩnh để quán chiếu sự việc mà thấy rằng chính người gây cho ta sân hận cũng đang đau khổ, họ đang có những vấn đề bất ổn ở trong lòng, họ không biết cách giải quyết những vướng mắc để chuyển hóa cơn giận nên mới có những hành xử không phù hợp như vậy. Vì thế họ đáng thương hơn là đáng giận. Từ đó cơn giận trong lòng của chúng ta sẽ dần dần được chuyển hóa, tâm sẽ nhẹ nhàng trở lại.

- Nghi: Bị quả báo sinh vào gia đình tà kiến, sinh ra nơi xa xôi hẻo lánh thiếu Phật pháp và văn minh, tâm nịnh nọt, không ngay thẳng, nhiều mưu mô quỉ kế, thích những người có tâm nịnh hót.

Ngay cả Đức Phật và các bậc Thánh giả, tuy các Ngài tâm đã giải thoát nghĩa là những nhân sinh ra khổ bị diệt, nhưng bản thân khổ chưa diệt bởi vì các Ngài vẫn còn mang thân ngũ uẩn cho nên những quả của nghiệp quá khứ vẫn còn hoạt động. Vì thế Đức Phật vẫn còn cảm thọ “ lạc, khổ “ khi Ngài còn thân ngũ uẩn. Chỉ đến khi Đức Phật nhập Vô Dư Niết bàn (Parinibbāna) thì lạc, khổ thọ về thân mới hoàn toàn diệt.

Do đó đối với Phật giáo, một khi nhân đã thành quả cho dù có trốn trong núi cao, có bay lên mây xanh, có lặn tận đáy biển thì vẫn phải trả nghiệp như thường. Đức Phật và các bậc Thánh giả không tránh khỏi thì phàm nhân không ai có thể thoát được. Tuy nhiên, các bậc Thánh giả (A la hán) Phật giáo, đây là cái chết cuối cùng vì các Ngài sẽ không còn tái sinh nữa. Ngược lại, phàm nhân còn nghiệp là còn tái sinh, còn sinh tử.

“Ai tới đích, không sợ

Ly ái, không nhiễm ô

Nhổ mũi tên sinh tử

Thân này thân cuối cùng”. (Pháp Cú 351).

(He who has reached the goal, is fearless, free from craving, passionless, and has plucked out the thorns of existence — for him this is the last body)

Sự huyền diệu của luật Nghiệp quả là nghiệp có thể chuyển cho nên con người mới có thể chuyển từ phàm sang Thánh hoặc từ phàm biến thành ra ác quỷ. Luật nhân quả đã xác định rõ ràng rằng: ”nhân + duyên = quả(Cause + Conditions = Effect) cho nên nhân tác tạo trong đời quá khứ nếu không kết với những duyên bất thiện hiện tại thì sẽ không tạo thành quả dữ để đưa con người vào cảnh khổ. Cũng như gạo (nhân) mà không nấu (nước và lửa là duyên) thì không bao giờ thành cơm (quả). Do vậy, con người hằng ngày trong cuộc sống, chính mình có thể làm chủ số mệnh của mình bằng cách tạo nhiều thiện duyên và tránh xa duyên ác thì những quả phước thiện đó sẽ đè nén tất cả quả bất thiện khác hoặc nếu quả xấu có hiện hành đi chăng nữa thì nó cũng trở thành nhỏ, không đáng kể, không nguy hại. Thí dụ vì bận rộn, chúng ta không có thì giờ chăm sóc sân cỏ ở trước nhà nên nó trở thành khô khan, vàng úa nghĩa là nhân không tốt. Nếu dựa theo thuyết số mạng thì đám cỏ sẽ chết. Ngược lại, dựa theo lý nhân duyên của đạo Phật là tuy nhân không được tốt, nhưng nếu bây giờ chúng ta bắt đầu vun phân, tưới nước cho nhiều nghĩa là tạo duyên lành thì tuần sau đám cỏ sẽ xanh trở lại tức là có kết quả tốt. Cuộc sống con người thì cũng thế. Hiện tại chúng ta cảm nhận rất nhiều nghịch cảnh, đau thương nghĩa là hậu quả của những nhân bất thiện từ đời quá khứ nay đã thành quả. Nếu sống tiêu cực chúng ta chỉ than Trời, trách đất rồi những quả đau thương khác vẫn cứ tiếp tục đến khiến cho cuộc sống thêm khổ đau, chẳng có lợi ích gì. Bây giờ nếu thấu hiểu giáo lý Nghiệp thì bắt đầu chuyển cuộc sống từ tiêu cực sang tích cực nghĩa là chính ta phải tác động chống lại chớ không chịu chấp nhận an phận thủ thường. Nói thế có nghĩa là từ nay con người phải nhận thức sự tai hại và tốt đẹp của nghiệp và nghiệp quả để vun bồi, tác tạo thêm nhiều thiện duyên thì chắc chắn cuộc sống của mình sẽ thăng hoa, hạnh phúc. Nghiệp bất thiện ví cũng như viên thuốc độc, nếu uống vào thì chắc chắn chúng ta sẽ chết. Nhưng nếu bây giờ chúng ta gầy dựng thật nhiều thiện nghiệp ví cũng như tự mình đào một hồ nước rộng, cho dù có bỏ viên thuốc độc đó vào hồ nước rồi múc nước kia uống thì vẫn không hề hấn gì.

“Ai dùng các hạnh lành,

Làm xóa mờ nghiệp ác,

Chói sáng rực đời này,

Như trăng thoát mây che”.  (Pháp Cú 173)

(He, who by good deeds covers the evil he has done, illuminates this world like the moon freed from clouds).

Nói chung, trong tất cả mọi hành vi  của con người từ tư tưởng đến lời nói và ngay cả hành động, luật nhân quả nghiệp báo lúc nào cũng hiển hiện trong cuộc sống. Nói ái ngữ thì người thương, người  mến. Hung hăng, bạo ngược thì kẻ xa, người tránh. Làm lành có phước thiện, ngược lại tạo nhân ác thì trước sau sẽ lãnh quả khổ thế thôi. Ngay cả những người thuộc về những tín ngưỡng khác cũng không ngoài ngoại lệ này. Thí dụ Thánh kinh dạy con người làm lành, lánh dữ ngày sau sẽ được lên Thiên đường. Những vị tu sĩ cố gắng tu hành để được tiến thân và sau cùng trở về với Chúa. Một người cuồng tín Hồi giáo tin rằng: ôm bom đi giết chết người vô tội để khi chết vào nước Thiên đường thỏa thích với biết bao trinh nữ…Tất cả đều là nhân quả. Luật nhân quả, nghiệp báo khuyến cáo con người nên thận trọng với tư tưởng, lời nói và hành động của mình bởi vì cũng giống như cái “Boomerang” của người Úc”, mình gieo nhân thì một ngày nào đó, chính mình sẽ thọ báo kết quả thiện, ác đó khiến cho cuộc sống có hạnh phúc hay khổ đau. Vì thế người tu Phật lúc nào cũng sống trong tỉnh thức chánh niệm để làm chủ tư tưởng, lời nói và hành động của mình thì thế giới do mình đang gieo sẽ không còn chông gai, đau khổ.

Tuy luật nghiệp quả hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày, nhưng thật ra khi một hiện tượng xảy ra chúng ta không thể nào biết được đó là nhân hay là quả. Bởi vì nhân quả là sự quan hệ ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai cho nên một hiện tượng xảy ra trong hiện tại có thể vừa là nhân để tạo nghiệp cho tương lai mà cũng có thể là hậu quả để trả nghiệp cho quá khứ. Nói cách khác tác động của nhân quả là phải hiểu rõ nhân của hiện tại và nhân của quá khứ, tác động của duyên hiện tại với nhân của hiện tại, tác động của nhân và duyên hiện tại đối với tất cả những gì đã gieo trồng trong quá khứ. Và sau cùng là kết quả của nó trong hiện tại cũng như trong tương lai. Chỉ có Đức Phật là bậc toàn giác biết rõ được điều đó rõ ràng. Thí dụ lái xe xảy ra tai nạn gây thương tích cho mình và cho người thì dĩ nhiên đây là nhân, nhưng biết đâu tai nạn là để trả những gì mình đã gây ra trong quá khứ? Còn người bị đụng xe là nhân hay là quả?

Vậy con người từ đâu mà có?

Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Phật đã dùng bảy ngày để nghiệm chứng hạnh phúc giải thoát Niết bàn. Trong đêm cuối cùng của ngày thứ bảy, Đức Phật quán xét giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên (Twelve Conditional Factors). Thập Nhị Nhân Duyên là giáo lý Duyên Khởi nghĩa là khi cái nầy (Nhân) có thì cái kia (Quả) có, cái này (Nhân) diệt thì cái kia (Quả) sẽ diệt. Nói cách khác “Nhân Duyên” trong “Mười hai nhân duyên” có nghĩa là “Nhân Duyên khởi” tức là sự nương tựa vào nhau mà sinh khởi. Đó là “do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt".

Trong kinh Tương Ưng Bộ II (Samyutta Nikàya), Đức Phật đã thuyết minh về Mười hai nhân duyên (Duyên khởi) theo chiều thuận (sinh tử) như sau: "Do Vô Minh, có Hành sinh; do Hành, có Thức sinh; do Thức, có Danh Sắc sinh; do Danh Sắc, có Lục Nhập sinh; do Lục Nhập, có Xúc sinh; do Xúc, có Thọ sinh; doThọ, có Ái sinh; do Ái, có Thủ sinh; do Thủ, có Hữu sinh; do Hữu, có Sinh sinh; do Sinh sinh, có lão, Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi". 

Sau cùng, vào khoảng giữa đêm của ngày thứ bảy đó, Đức Phật quán xét Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều nghịch tức là chiều giải thoát. Đó là “Do Vô Minh diệt nên Hành diệt. Do Hành diệt nên Thức diệt. Do Thức diệt nên Danh, Sắc diệt. Do Danh, Sắc diệt nên Lục Nhập diệt. Do Lạc Nhập diệt nên Xúc diệt. Do Xúc diệt nên Thọ diệt. Do Thọ diệt nên Ai diệt. Do Ái diệt nên Thủ diệt. Do Thủ diệt nên Hữu diệt. Do Hữu diệt nên Sanh diệt. Do Sanh diệt nên lão, Tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt”.

Thế thì khi Vô Minh diệt thì toàn bộ khối khổ đau sẽ chấm dứt. Đây là con đường giải thoát. Nói cách khác, khi cái này (nhân) diệt thì cái kia (quả) sẽ diệt nghĩa là sự chấm dứt của cái này (nhân) thì cái kia (quả) sẽ chấm dứt.

Cũng trong Phẩm Phật Đà, Tương Ưng Bộ (Tương Ưng Nhân Duyên), Đức Phật giải thích:

- Vô Minh: là không rõ biết Khổ, không rõ biết Tập Khổ, không rõ biết Khổ diệt và không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt.

- Hành: có ba hành là thân hành, khẩu hành và ý hành.

- Thức: đó là lục thức gồm có nhãn thức (cái biết của mắt), nhỉ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức (Đức Phật không nói Mạt na thức và A lại da thức mà do Vô Trước, Thế Thân của Duy Thức tông chế thêm ra).

- Danh Sắc: Danh là phần tâm linh gồm có Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Sắc là phần thân xác gồm có đất, nước, gió, lửa.

- Lục nhập: sáu xứ nghĩa là nhãn giới (thế giới của những cái thấy), nhỉ giới, tỷ giới, thiệt giới, thân giới và ý giới.

- Xúc: gồm có thân cảm xúc, mắt nhìn thấy sinh cảm xúc, tai nghe âm thanh sinh cảm xúc, lưỡi nếm mùi vị sinh cảm xúc, mũi ngửi mùi hương sinh cảm xúc và ý duyên với pháp trần sinh cảm xúc.

- Thọ: cũng có sáu cảm thọ. Đó là mắt nhìn sinh ra cảm thọ, tai nghe âm thanh sinh ra cảm thọ, mũi ngửi mùi hương phát sinh cảm thọ, lưỡi nếm mùi vị sinh ra cảm thọ, thân xúc chạm sinh ra cảm thọ, và ý tiếp xúc với pháp trần sinh ra cảm thọ.

- Ái: có sáu ái: Sắc ái là nhìn hình sắc sinh ái, thanh ái là tai nghe lời ngọt dịu sinh ái, hương ái là mũi ngửi mùi thơm sinh ra đắm say, vị ái là lưỡi nếm món ăn ngon sinh ra đam mê, xúc ái là thân tiếp xúc, đụng chạm, sờ mó sinh ra ái và pháp ái.

- Thủ: có bốn thủ là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ.

- Hữu: có ba hữu là Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu.

- Sanh:.là sanh ra. Do "ái, thủ, hữu" làm nhân hiện tại tạo ra các nghiệp, cho nên qua đời sau, phải sanh ra đời để thọ quả báo. 

Lão, tử. là già, chết. Đã có sanh ra, tất nhiên phải chịu các khổ già và sau cùng là chết.

Dựa theo lời dạy của Đức Phật ở trên, sự tái sinh của con người có thể giải thích dựa theo chiều sinh tử như sau:

Vì con người Vô Minh sống trong si mê bất giác, lấy giả làm thật, lấy khổ làm vui mà Hành sinh khởi. Thế thì vô minh là nhân còn hành là quả. Hành là chủ ý hay tác ý tạo nghiệp gồm có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp bao gồm thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp. Có tạo nghiệp là còn nguyên nhân nhân tái sinh. Do đó muốn dừng bánh xe sinh tử thì phải dừng nghiệp. Do duyên Hành Thức sinh khởi. Thức tái sinh là do hành nghiệp chi phối và nghiệp lực đưa Thức (tái sinh) kết hợp với tinh cha huyết mẹ tạo thành một hình hài nhỏ như đầu mũi kim trong bụng người mẹ nên gọi là Danh Sắc nghĩa là do duyên Thức tái sinh mà có danh sắc. Sau đó hài nhi phát triển thành một con người có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để cảm nhận mọi cảm xúc của cuộc đời nên gọi là Lục Căn.  Đó là do duyên Danh Sắc mà có Lục Nhập. Khi đưa bé chào đời và lớn lên, do sự cảm Xúc từ ngoại duyên (cuộc đời: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nó cảm Thọ được khổ, vui của cuộc đời. Từ đó lòng tham Ái nổi dậy. Một khi trạng thái luyến ái, bám vào thì nó phải nắm chặt lấy đối tượng nên gọi là Thủ. Cũng do nơi Thủ mà con người phải làm nô lệ cho khát vọng của mình mà nhắm mắt chạy theo dục lạc. Tùy thuộc cường độ chấp Thủ mà nghiệp phát sinh, đó là Hữu để đưa con người đi tái Sanh. Nhưng dựa theo luật vô thường của tạo hóa, hễ có Sanh là có Lão (già, bệnh) và sau cùng là Tử (chết). Đây là chiều sinh tử.

Thập nhị nhân duyên hay giáo lý Duyên Khởi là một giáo lý vô cùng tinh tế rất khó hiểu và là tiến trình của sự tái sinh sinh tử luân hồi nằm trong những mắc xích tương quan nhân quả. Vì giáo lý Duyên Khởi là sự thật, là chân lý cho nên không thể suy luận, lý luận bằng trí thức của con người. Muốn thấy biết rõ thì hành giả cần phải công phu tu tập thiền tuệ nghĩa là đòi hỏi hành giả phải có sự quan sát và tư duy thường xuyên về nó. Có thực hành từng bước cho đến thấu hiểu giáo lý Duyên Khởi sẽ mang lại cho hành giả một cuộc sống vị tha, giải thoát và an lạc trong hiện tại. Vì tầm quan trọng của Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật dạy rằng: “Ai thấy Thập Nhị Nhân Duyên là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật”.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, Bà la môn giáo tin rằng linh hồn được gọi là Atman (tiểu ngã) là do đấng toàn năng tạo ra và tất cả mọi sự sống trên quả địa cầu này đều có linh hồn. Linh hồn chuyển từ thân xác này qua thân xác khác, cứ thế cho đến khi có giải thoát thì tiểu ngã sẽ hòa đồng với đại ngã Braman tức là Thượng đế hay là linh hồn của vũ trụ. Đến khi đạo Phật ra đời, Đức Phật phủ nhận con người là do Thượng đế sinh ra cho nên đạo Phật tuyệt đối phủ nhận linh hồn (Soul) mà chỉ có Thức (Mind) (hay Consciousness). Thức còn gọi là tâm, là cái biết biến đổi liên tục dựa theo sự biến dạng tâm lý và sinh lý của con người.

Đức Phật với tuệ Minh sát, với trí tuệ của bậc Chánh đẳng Chánh giác khi quán chiếu lại thân, tâm của mình và của nhân loại thì Ngài thấy rằng chúng sinh không hề có tâm mà chỉ có những sát na tư tưởng kết nối và kết nối lại với nhau khiến chúng ta cảm giác như có tâm. Thí dụ ở sát na trước mắt thấy sắc cho ta cái biết của sắc (nhãn thức), đến sát na sau tai nghe âm thanh cho ta cái biết về âm thanh (nhĩ thức)…Cái biết sau nối tiếp (thay thế) cái biết trước và cứ thế cái biết liên tục sinh diệt tạo thành chuổi thức chớ thật sự không có một thức nào (hay một cái tâm nào) cố định cả. Cái tâm sau thay thế cái tâm trước và cứ thế tâm luôn sinh diệt tuôn chảy trong tâm hồn của chúng ta vì thế Thức dựa theo Phật giáo là dòng chảy liên tục của các ý niệm (sát na tư tưởng). Vì sự ngộ nhận lầm lẫn cho rằng mình có tâm cho nên họ mới nghĩ rằng trong ta phải có cái Ta. Bây giờ không có tâm thì làm gì có Ta hay cái của Ta tức là hoàn toàn vô ngã.

Nghiệp lực là sức mạnh (năng lực, power, force) của nghiệp và là động cơ chính khiến chúng sinh dính liền với sinh tử luân hồi. Chính nghiệp lực đã chuyển Thức (cuối cùng) (Tử tâm) sang Thức (tái sinh) để tạo thành sự sống cho một thai nhi. Nếu cho rằng những con người vừa mới sinh ra là do sự sáng tạo của Thượng đế và không có liên quan gì đến kiếp sống trước thì Phật giáo gọi đây là đoạn kiến, là không đúng. Ngược lại, có quan niệm cho rằng linh hồn từ kiếp trước đầu thai vào kiếp sống mới thì đạo Phật gọi đây là thường kiến, cũng không đúng luôn. Dựa theo tinh thần Phật giáo, sự hình thành của Danh và Sắc trong một kiếp sống mới là kết quả của vô minh, tham ái và nghiệp từ kiếp trước. Nói thế nghĩa là kiếp sống mới không phải là sự đầu thai của kiếp sống cũ, nhưng nó không phải không từ kiếp sống cũ mà có. Ví cũng như khi một cây đèn cầy được mồi từ ngọn lửa của cây đèn thứ nhất, ngọn lửa mới bây giờ không phải là ngọn lửa của cây đèn cầy thứ nhất, nhưng nó không thể hiện hữu nếu không có ngọn lửa của cây đèn thứ nhất. Thế thì hai cây đèn cầy hoàn toàn khác, kích thước khác nhau, màu sắc khác nhau, ngọn lửa cũng khác nhau. Do đó, từ tướng diện, nhân cách, tài năng…cho đến mọi sự khổ, vui trong đời này là phản ảnh trực tiếp từ những nghiệp mà con người đã kiến tạo từ kiếp trước cho nên hai ngọn lửa khác nhau là thể hiện hai cuộc sống khác nhau. Thí dụ tiền kiếp có người sống trong giàu sang quyền quý, nhưng tham lam bỏn xẻn, ưa hãm hại người (ngọn lửa cây đèn thứ nhất) nay sang đến kiếp này thì cuộc sống trở thành nghèo đói và luôn bị người hãm hại lại (ngọn lửa của cây đèn thứ hai). 

Đức Phật dạy rằng “ngũ uẩn là vô ngã” tức là “ngũ uẩn giai không” nghĩa là khi duyên kết thì có đủ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đó là trạng thái hoạt động của con người khi còn sống. Đến khi duyên hoại tức là chết thì các uẩn từ từ tan rã trở về với trạng thái nguyên thủy của nó. Do đó khi chết thì sắc thân (sắc uẩn) hoại diệt chỉ còn là nắm tro, cát bụi trở về với cát bụi. Sắc diệt thì cảm thọ (thọ uẩn) cũng mất. Không còn Thọ (uẩn) thì Tưởng (uẩn) cũng không còn. Thọ, Tưởng mất thì Hành (uẩn) cũng bị diệt theo. Đối với một con người bình thường (không phải là Thánh giả) thì khi nhắm mắt, nghiệp lực sẽ quyết định số phận tương lai (tái sinh) của bạn chớ không phải do bạn quyết định được. Nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) sẽ chuyển Thức (tái sinh) vào kết (duyên) trong noãn bào của người mẹ (trong lúc tinh trùng của người cha vừa mới lọt vào tử cung của người mẹ) để tạo thành một thai nhi, có đủ Danh (Thức tái sinh) và Sắc (tinh cha huyết mẹ). Tinh trùng là sự sống tiếp cho thai nhi cho nên ngày nay cho dù con người có thụ thai nhân tạo hay là gì đi chăng nữa thì bắt buộc phải có tinh trùng.

Nói chung trong Phật giáo có những nghiệp cơ bản là:

- Tích lũy nghiệp (Accumulate Karma): là những nghiệp tác tạo trong đời này và những đời quá khứ cộng chung (chất chứa) lại.

- Tập quán nghiệp (Custom Karma): là những nghiệp trong đời hiện tại, luôn luôn tiếp diễn nên trở thành thói quen, thành tập quán, thành nếp sống riêng biệt. Thí dụ ngày nào mình cũng niệm Phật, tham thiền thì nó trở thành thói quen và biến thành thiện nghiệp. Ngược lại, mỗi đêm mình thích la cà nơi quán nhậu thì nó cũng biến thành thói quen, nhưng đây là nghiệp bất thiện.

- Cực trọng nghiệp (Extreme Karma): là những nghiệp quan trọng có năng lượng tác động mãnh liệt ảnh hưởng kết quả tái sinh của một người trong một sát na (tức thì) sau khi chết. Có những người tu thành tựu thập thiện thì sẽ tái sinh vào cõi trời (thế giới có nhiều phước báu) tức thì sau khi chết. Ngược lại, những ai mang phải những tội nghiệp như giết cha giết mẹ, phá hoại Tăng đoàn, làm Phật chảy máu… thì sẽ bị đọa vào địa ngục (cảnh khổ, đọa đày) tức thì sau khi chết.

- Cận tử nghiệp (Near Death Karma): là những nghiệp tác tạo khi sắp lâm chung. Nó có ảnh hưởng rất lớn cho việc tái sinh vào những thời kỳ đầu của cuộc đời kế. Tuy nhiên, sau đó tích lũy nghiệp tác động vào (kick into action) khiến thay đổi cuộc đời tùy theo thiện hay ác mà mình đã gieo. Thí dụ một người tuy suốt đời sống không được đạo đức cho lắm, nhưng đến khi sắp nhắm mắt, biết phục thiện, biết niệm Phật, biết làm lành thì tự mình tạo cho mình một cận tử nghiệp tốt khiến tái sinh vào cảnh giới an lành. Tuy nhiên, sau đó, tất cả những tích lũy nghiệp bắt đầu tác động khiến cho cuộc sống thay đổi, khổ nhiều hơn vui. Ngược lại, cũng có người cả đời làm nhiều việc thiện, nhưng đến giờ phút cuối cuộc đời bổng phát sinh sân hận, si mê, tham đắm cho nên tái sinh vào trong cảnh khổ. Nhưng sau đó tích lũy nghiệp tác động vào khiến cuộc sống thăng hoa, nhiều hạnh phúc. Câu chuyện cô Phạm Thu Dung, người đàn bà nghiện nhập ma túy, quay cuồng ở các vũ trường ở Sài gòn thâu đêm suốt sáng cho đến khi mang bầu và sinh ra đứa con tại bệnh viện Tù Dũ năm 2004. Sau khi sinh con được hai ngày, bà bỏ con và trốn khỏi bệnh viện vì không thể nào nuôi con nổi. Vài ngày sau khi chào đời, Phạm Quang Sáng được đưa về trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tam Bình. Nhưng đến năm 2007, đứa bé có tên là Phạm Quang Sáng được vợ chồng tài tử điện ảnh Hoa Kỳ Angelina Jolie and Brad Pitt nhận làm con nuôi và sau đó đổi tên là Pax Thiên (Pax có nghĩa là bình yên, Thiên là (bầu) trời). Tiền kiếp, Pax Thiên có thể tạo cận tử nghiệp bất thiện nên phải tái sinh vào gia đình không tốt và sống trong cảnh khổ. Thế nhưng sau đó tích lũy nghiệp (thiện) tác động vào khiến cho cuộc đời thay đổi từ nghèo đói chuyển sang cuộc sống xa hoa, sung sướng và hạnh phúc.

Nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) cũng còn tùy thuộc vào tác ý và hành động khi thành hình nghiệp. Đó là:

- Việc nặng mà ý nhẹ: như khi quăng đá để dọa, nhưng lỡ tay giết người.

- Việc nhẹ mà ý nặng: như căm thù kẻ giết hại người thân mình, nhưng đến khi đối diện chỉ mắng chửi mặc dù trong tâm mình rất thù ghét kẻ đó.

- Việc và ý đều nhẹ: như không thích ai thì nói lời châm biếm.

- Việc và ý đều nặng: vì tư thù, cố ý giết người và đã ra tay giết thật.

Khi các nghiệp quá khứ của đời này hoặc những nghiệp đã thực hiện trong nhiều kiếp trước (tích lũy nghiệp) có cơ hội tái sinh cho kiếp sống kế hay hành động vừa mới thực hiện chỉ một thời gian ngắn trước khi nhắm mắt lìa đời (cận tử nghiệp), chúng xuất hiện ngay trong tâm của người sắp chết thì gọi là Tử tâm tức là Thức cuối cùng. Vì thế dựa theo Phật giáo, trước giờ hấp hối nếu khuyến khích người sắp chết nghĩ những điều thiện, nói những lời lành.. nghe những câu chuyện đạo hạnh, niệm Phật, thiền tịnh hay hướng tâm về cõi thanh tịnh thì chính họ tạo cho mình một cận tử nghiệp thiện giúp họ tái sinh vào cõi an lành. Tuy nhiên, sau đó, những tích lũy nghiệp sẽ tác động và ảnh hưởng đến cuộc đời của họ để thọ lãnh những khổ, vui tương xứng với những nghiệp mà họ đã gieo.

Có người trước khi chết, tay chân quờ quạng, miệng luôn kêu than, thì thào thì đây là những dấu hiệu bất tường hoặc có hảo tướng mà nhà Phật gọi chung là nghiệp tướng.

Vậy nghiệp tướng xuất hiện như thế nào? Ai đã từng giết người sẽ thấy cảnh giết chóc rùng rợn., máu đổ thịt rơi. Người đồ tể sẽ thấy nghe tiếng kêu than, rên xiết của súc vật, đòi mạng. Ai từng làm những chuyện trộm cắp, tà dâm…sẽ thấy những cảnh tượng tương xứng với nghiệp ác của họ. Ngược lại, ai đã từng bố thí, cúng dường, xây chùa tạo tháp sẽ thấy những cảnh an lành, chùa chiền trước khi chết.

Toàn bộ giáo lý Phật Đà không ngoài mục đích giúp con người thanh tịnh hóa “thân, khẩu, ý” của mình để cải thiện cuộc sống trở thành thanh cao, nhẹ nhàng, hạnh phúc và an lạc. Bộ ba “thân, khẩu, ý” là ba yếu tố chính giúp con người có cuộc sống bình yên, hạnh phúc và an lành. Ngược lại, cũng “thân, khẩu, ý” lại là nguyên nhân đưa con người đọa lạc vào trong cảnh khổ biến cuộc sống nhiều sóng gió đau thương và dĩ nhiên tạo tác tội nghiệp để chịu quả khổ về sau. Vì thế Đức Phật luôn nhắn nhủ chúng sinh nên tu nhân tích đức, tu tâm dưỡng tánh, dừng các nghiệp bất thiện ngay từ bây giờ bằng cách kiểm soát thân, khẩu, ý của mình thì chính mình đang xây dựng một cuộc sống hiện tại và tương lai tươi sáng.

Muốn cuộc đời tốt đẹp thì phải sống như thế nào?

Đức Phật dạy rằng:

"Chúng sanh gặt hái bông trái như thế nào?

Tùy theo hột giống đã gieo.

Người làm điều thiện sẽ gặp thiện,

Hành ác, gặp ác.

Hãy gieo hột giống tốt và gia công vun bồi cây,

Sẽ được hưởng trái lành".

(Samyutta 1, trg. 227 - The Kindred Sayings I, trg. 293)

Dựa theo lời dạy của Đức Phật ở trên, không thể có một quyền năng nào ở bên ngoài có thể ban bố phước lành, hay giáng họa cho ai được mà chính Ta là người duy nhất tạo hạnh phúc hay khổ đau cho Ta mà thôi.

Đức Phật lại dạy rằng: ”Hạnh phúc của con người không tùy thuộc vào tiền tài hay danh vọng trong xã hội mà duy nhất tùy thuộc vào cách sống tức là sự suy nghĩ của mình” (Happiness does not depend on what you have or who you are. It solely relies on what you think. Buddha).

Vì tầm quan trọng của ý nghĩ (mà ta thường gọi là cái Tâm), Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:

Ý dẫn đầu các Pháp

Ý làm chủ tạo tác

Đối với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như bánh xe lăn theo

Dấu chân con vật kéo. (Pháp Cú 1)

(Mind precedes all mental states. Mind is their chief; they are all mind-wrought. If with an impure mind a person speaks or acts suffering follows him like the wheel that follows the foot of the ox).

Ngược lại:

Ý dẫn đầu các Pháp

Ý làm chủ tạo tác

Đối với ý thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình. (Pháp Cú 2)

(Mind precedes all mental states. Mind is their chief; they are all mind-wrought. If with a pure mind a person speaks or acts happiness follows him like his never-departing shadow).

Tóm lại, định mệnh hay số mệnh có hay không là do ta. Khi con người biết tu tập những phương pháp của Bát chánh đạo, có Chánh kiến để tự mình thay đổi cuộc đời của mình thì không có số mệnh hay định mệnh. Ngược lại, nếu con người thụ động đổ thừa cho số mạng hoặc ngồi chờ một phép lạ hay sự ban bố của Thượng đế thì lúc đó định mệnh có thật vì chúng ta không tận dụng khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta. Bây giờ, dựa theo tinh thần Phật giáo, con người tự mình làm chủ mạng sống của mình, chính mình ban vui hay giáng họa cho mình chớ Phật trời không can dự vào căn nghiệp của mình được. Vì thế, muốn có hạnh phúc, an vui, tự tại con người chỉ cần sống đời đạo đức nhân bản, luôn kiểm soát thân, khẩu, ý mà con đường thiện xảo nhất là thực hành Bát Chánh Đạo. Đức Phật luôn nhắc nhở con người nguồn gốc gây ra khổ đau không gì khác hơn là tham, sân, si, ái dục. Biết kiềm chế nó thì cuộc sống có nhiều an lành, hạnh phúc.

“Lửa nào bằng lửa tham

Chấp nào bằng sân hận

Lưới nào bằng lưới si

Sông nào bằng sông ái!”  Pháp Cú 251.

(There is no fire like lust; there is no grip like hatred; there is no net like delusion; there is no river like craving).

Đức Phật dạy giáo lý Nghiệp với mục đích khuyến khích con người thực hành các Nghiệp lành để trang nghiêm cho kiếp sống hiện tại và thăng hoa lý tưởng giải thoát cho những kiếp tương lai. Nên nhớ:

Cuộc sống này có vay sẽ có trả

 Luật nhân quả không bỏ sót một ai!”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***