6 thg 3, 2022

ĂN MÀY CỬA PHẬT (Phần 4)

Lê Sỹ Minh Tùng

Washington - Mùa Phật Đản PL 2559, DL 2015

 

NGŨ UẨN

Ngày xưa sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài thuyết giảng rất nhiều về chân lý Vô ngã trong đó hai pháp môn Đức Phật giảng dạy nhiều là Thập Nhị Nhân Duyên và Ngũ uẩn. Nhưng Ngài nói để làm gì? Có lợi ích gì? Đức Phật giảng về nhân duyên là vì muốn diệt trừ sự khổ đau cho chúng sinh. Con người có khổ cũng vì tham Ái. Một khi trạng thái luyến ái  bám vào thì con người cứ nắm chặt lấy đối tượng nên gọi là Thủ. Cũng do nơi Thủ mà chúng ta làm nô lệ cho khát vọng của mình mà nhắm mắt chạy theo ham muốn. Thí dụ ra đường thấy người đánh rơi một xấp bạc, nếu không có Ái, Thủ thì chắc chắn không ai lượm xấp bạc đó để làm gì. Vì có Ái, Thủ cho nên chúng ta mới lượm xấp bạc về cho Ta. Do tầm quan trọng của sự khát Ái, Đức Phật dạy rằng: “Nếu nhổ bỏ khát Ái đến tận cùng gốc rễ, không còn đói và khát thì được giải thoát khỏi phiền não”. Thế thì khi không còn khát Ái cho dù có thấy tiền thì cũng mặc kệ, dửng dưng. Không còn Ái, Thủ cho dù có thấy vàng, thấy bạc, thấy kim cương thì cũng như thấy đất, thấy sỏi, thấy cát, chẳng có giá trị gì cho lắm, chẳng động tâm.

Nhưng tại sao lại chấp Thủ? Tại sao có tham Ái? Cũng bởi vì chấp có Cái Ta cho nên sinh ra tham Ái. Nếu không có cái Ta thì không bao giờ có mặt của tham Ái được. Đó là chấp Ngã nghĩa là chấp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức làm ngã, làm riêng của Ta. Nói về  ngũ uẩn là năm thành phần kết hợp lại thành con người, thành một giả tướng mà chúng ta chấp là có thật, là bền vững và là riêng của Ta. Nhưng đâu phải hễ có ngũ uẩn là con người. Con heo, con bò, con chó... cũng có đủ ngũ uẩn nhưng chúng đâu phải con người. Con người sở dĩ cũng là một dạng động vật bậc cao, là sự kết hợp giữa các uẩn, là vì  Vô minh. Khi con người đang bị vô minh che lấp nên liền chấp thân, tâm hiện tại là Ta, là ông A bà B, do cha mẹ Ta sinh ra, thuộc dòng họ ông bà của Ta cho nên những kiếp quá khứ quên hết, không biết Ta từ đâu đến…Cứ thế con người chấp thủ nơi sắc thân tứ đại làm Ta, chấp những cảm Thọ làm Ta, chấp nơi các Tưởng tượng mà cho là Ta tưởng…Vì thế con người dựa vào ngũ uẩn mà chấp là Ta, là của Ta. 

Ngũ uẩn không phải là ngã mà chính là sự vận động tự nhiên của một dạng sinh vật sống, tồn tại và hoạt động theo cơ chế vận hành của thân và tâm (đây là sự kết hợp giữa các bộ phận cấu thành nên thân + các cảm xúc, cảm giác + các liên tưởng về hiện tượng + các hoạt động và suy nghĩ + các nhận thức và lưu trữ). Tuy vậy, nhưng chúng ta lại chấp nó là ngã, tất cả cũng bởi do Vô minh mà ra. Đây chính là cái gốc của khổ đau và Đức Phật muốn nhổ cái gốc khổ đau đó bằng cách chỉ cho chúng sinh thấy biết rõ là trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không có cái ngã nào trong đó cả. Để chứng minh sự Vô ngã trong ngũ uẩn, Đức Phật dùng lý Nhân Duyên để giải thích rằng ngũ uẩn là do các duyên hợp lại mà thành và trong mười hai nhân duyên đó không có cái gì là Ta cả. Ở đây, Đức Phật muốn chỉ rõ chân lý Vô ngã ở trong ngũ uẩn, nghĩa là ngũ uẩn là ngũ uẩn chớ chẳng có gì là ngã, là Ta. 

Trong kinh Tương Ưng Bộ tập 3 có ghi lại rằng:

"Năm uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người,

Cầm lấy gánh nặng lên,

Chính là khổ ở đời.

Còn bỏ gánh nặng xuống,

Tức là lạc không khổ,

Gánh nặng bỏ xuống xong,

Không mang theo gánh khác.

Nếu nhổ khát Ái đi,

Tận cùng đến gốc rễ,

Không còn đói và khát,

Được giải thoát tịnh lạc”.

Ngũ uẩn chính là gánh nặng cho nên người trút bỏ được gánh nặng là người giải thoát trở thành Thánh giả A la hán. Khi đạt được trạng thái hoàn toàn giải thoát, vị A-la-hán sẽ nhìn lại tâm mình và thấy rằng:"Việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng xuống, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh nữa".

1. Ngũ Uẩn là gì?

Uẩn có nghĩa là tích tụ thành một khối cho nên con người chỉ là một hợp thể của năm cái thứ tích tụ. Vậy tích tụ cái gì? Thí dụ khi mắt của đứa bé lần đầu tiên thấy trái cam thì sự thấy biết này rất rõ ràng và khách quan, thấy sao biết vậy. Dần theo thời gian, nó lại thấy một trái cam nữa, rồi thấy nhiều trái cam nữa và cứ như thế hình ảnh của những trái cam đó tích tụ trong nhận thức của nó. Cho nên khi đứa bé bây giờ, nó nhìn một trái cam thì nó không còn nhìn một cách khách quan nữa, mà trong tâm tưởng của nó đã có biết bao hình ảnh của những trái cam trong quá khứ chồng lên hình ảnh trái cam nó vừa nhìn thấy. Đứa bé không còn nhìn trái cam một cách mới mẻ, mà bị ảnh hưởng bởi những ký ức, kinh nghiệm trong quá khứ chồng chéo lên hiện tại.

Do vậy, cái nhìn của đứa bé bây giờ không còn trung thực, khách quan mà bị ảnh hưởng của ký ức, cái nhìn đó dễ bị đánh lừa khiến cho nó có những nhận định sai lầm, thiếu trung thực. Tại sao cùng nhìn một đối tượng, nhưng trong tâm tưởng mỗi người cảm nhận khác nhau? Bởi vì nếu nhìn đối tượng đó bằng trực giác, thấy sao biết vậy như tấm gương phản chiếu thì mọi người nhìn và thấy biết giống nhau. Nhưng do mỗi người cưu mang biết bao kinh nghiệm, ký ức của cuộc sống khác nhau, cho nên những kinh nghiệm đó trở thành nhận thức của họ, đã ảnh hưởng sai lệch đến sự thấy, biết đối tượng của hiện tại khiến họ có cái nhìn khác nhau về đối tượng đó.

Một thí dụ khác là có 20 sinh viên trong một lớp vẽ tranh. Vị giáo sư để trên bàn một bình hoa và tất cả mọi người bắt đầu vẽ.  Tuy cùng nhìn một bình hoa trên bàn, nhưng 20 sinh viên mang 20 tâm trạng khác nhau vào phòng vẽ cho nên sẽ có 20 bức tranh vẽ về bình hoa khác nhau. Vì thế cái thấy biết của 20 sinh viên đó không còn khách quan, thấy sao vẽ vậy như cái máy chụp hình, mà họ vẽ dựa theo kinh nghiệm chất chứa trong tâm hồn của họ. Sự tích tụ trong ký ức đó gọi chung là uẩn.

Dựa theo Phật giáo, con người gồm có hai phần là thân xác và tâm linh. Phần thân xác có hình dáng nên gọi là Sắc uẩn và phần tâm linh gồm có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Tuy nhiên, trong kinh Nikayà, ngũ uẩn thường được gọi là Ngũ thủ uẩn nghĩa là năm đối tượng của sự chấp thủ, của tâm tham ái. Vì thế sự chấp thủ vào ngũ uẩn là nguyên nhân của biết bao nỗi khổ niềm đau mà con người gánh chịu trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Ngược lại, đối với người giác ngộ thì ngũ uẩn lại là phương tiện giúp họ giải thoát. Vì vậy, Phật và ta không hai, không khác, không thể tìm Phật ngoài tấm thân ngũ uẩn này được.

Một khi con người bám víu vào ngũ uẩn và xem đó là Ta, là Của Ta, là tự Ngã của Ta thì nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống sẽ xuất hiện tức thì. Những khái niệm về thân thể Tôi, tình cảm Tôi, cảm giác của Tôi, ý tưởng của Tôi, quan điểm của Tôi, nhận thức của Tôi... hình thành một cái tự Ngã, một Cái Tôi độc lập và từ đó sự tham muốn, ích kỷ phát sinh và kéo theo biết bao khổ đau, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng gắn liền với cái tự Ngã đó.

Ngày xưa, Đức Phật thực chứng ngũ uẩn qua thân tâm và chúng sinh ở thế gian là Vô Ngã, từ đó Ngài thấu đạt được Khổ đế nằm trong chân lý Tứ Diệu đế. Có thấu hiểu bản chất của thân tâm là ngũ uẩn, hành giả mới có thể phá được ngã chấp, nghĩa là không còn chấp và bám víu vào thân, tâm này là Ta, là của Ta nữa, mà nó chỉ là sự vận hành tự nhiên của ngũ uẩn. Ngã chấp phá thì pháp chấp cũng phá nghĩa là không chấp thế gian, nhà cửa, xe cộ, cây cối, chim bay, cá lặn ngay cả vợ chồng, con cái… là thật. Ngã chấp, pháp chấp không còn  nghĩa là trong ngoài tự tại và giải thoát. Vì thế giáo lý ngũ uẩn giúp chúng sinh thấu biết bản chất thật con người, của mình để diệt trừ khổ đau và tiến về đạo lộ giải thoát.

1) Sắc uẩn (Material form):  Một hài nhi mới tượng hình chỉ là một giọt máu. Dần theo thời gian, giọt máu đó được nuôi dưỡng từ người mẹ cho đến lúc thành hình. Rồi sau khi sinh ra, hài nhi tiếp tục được nuôi dưỡng cho nên thân thể càng ngày càng tăng trưởng. Sự nuôi dưỡng bắt đầu từ một giọt máu cho đến khi trưởng thành là do ngoại duyên của người mẹ và thức ăn thức uống từ bên ngoài cho nên tất cả sự hấp thụ đó để hình thành sắc thân một con người thì gọi chung là sắc uẩn. Nói chung sắc uẩn là yếu tố vật chất bao gồm vật lý - sinh lý. Có bốn yếu tố vật chất căn bản hình thành sắc uẩn là:

1) Đất (solidity) bao gồm: tóc, lông, móng răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, ruột, lá lách, phèo, phổi, bao tử, …. của con người và thức ăn cung cấp vào cơ thể.

2) Nước (fluidity) gồm có mật, đàm, dịch, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ, nước miếng, nước mũi, dịch khớp xương, nước tiểu... của con người và nước cung cấp vào cơ thể.

3) Gió (motion or vibration) là hơi thở ra vào, đem nguồn sống dưỡng khí O2 vào trong cơ thể để nuôi tế bào và sau đó tải thán khí CO2 ra ngoài.

4) Lửa (heat) là thân nhiệt tức là năng lượng để nuôi thân và nguồn năng lượng này lấy từ thức ăn, thức uống hằng ngày.

Các yếu tố do tứ đại tạo ra thuộc về sinh lý như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và  các đối tượng của giác quan như: hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm. Khi tứ đại kết hợp thì chúng ta có hình dáng và nếu không nhìn bằng cặp mắt trí tuệ thì chúng ta sẽ thêm vào cái hình dáng đó là Tôi, là Của Tôi. Do ý niệm sai lầm này khiến sự dính mắc phát sinh trong tâm của chúng ta. Như vậy yếu tố vật chất là thân thể hay ngoài thân thể, thuộc vật chất hay năng lượng, thuộc thời gian hay không gian đều bao hàm trong sắc uẩn. Thân thể là sắc uẩn, tự nó  không phải là một thực thể độc lập mà phải là một sự kết hợp giữa các vật chất biến động như mảng bọt trên mặt nước hay nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy thân tứ đại chỉ là những bọt vật chất tạm bợ. Thật vậy, nếu lửa tắt thì chết ngay. Thở ra mà không hít vào thì mất mạng. Không ăn uống vài tuần thì cũng chết.  Nói chung, thân thể muốn tồn tại phải nương vào các trợ duyên bên ngoài như ánh sáng mặt trời, thức ăn thức uống, không khí, đất cát, cái mặc, chỗ trú... vì thế thân tứ đại là vô thường, vô ngã tức là Không. Con người vì bị vô minh che lấp nên không nhìn thấy biết đúng mà cho rằng thân xác này thực sự là Của Ta. Nếu thân này là Của Ta thì Ta phải làm chủ nó. Ta bảo nó đừng già, đừng bệnh, đừng chết…nó có nghe không? Nếu là Của Ta thì tại sao Ta không mang nó theo khi chết mà tứ đại trở về với cát bụi? Đức Phật thật chứng qua các tầng thiền định, thiền tuệ giúp Ngài thấu biết rằng thân xác của Ngài không phải thật sự là của Ngài tức là thân là Vô Ngã cho nên mọi sự dính mắc, tham níu nơi thân bị diệt. Thân diệt thì tham, sân, si diệt tức là nguyên nhân gây ra khổ bị diệt. Khổ diệt thì Niết bàn hiển hiện cũng như có ánh sáng thì màn đêm biến mất.

Vì vậy bất cứ sự chấp thủ, tham ái cho thân thể (sắc uẩn), hoặc bất cứ một đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ cho nên Đức Phật dạy rằng “Ai cho rằng sắc uẩn là Ta, là Của Ta, là tự ngã Của Ta thì chắc chắn gặt hái đau khổ, thất vọng, sầu muộn, vấp ngã và tai nạn”.

2) Thọ uẩn (Feelings or Sensations): Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra cảm thọ. Đức Phật dạy có sáu thọ: mắt tiếp xúc với hình sắc mà sinh thọ, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với đối tượng tiếp xúc, ý với đối tượng nghĩ tưởng. Đối với cảm giác, theo Phật giáo không dừng lại ở mức độ tiếp xúc đơn thuần mà là cảm xúc, một biểu hiện sâu hơn của cảm giác. Trong Phật giáo, thọ được chia làm ba loại: lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.

- Lạc thọ (sukhavedanā)(pleasant) là cảm nhận được cái vui, cái sung sướng ở thế gian nầy do sự tiếp xúc mà ra. Nếu lạc thọ thuộc về thân thì gọi là “lạc” (sukha) và lạc thọ thuộc về tâm thì gọi là “hỷ” (soma-nassa). Thí dụ mắt thấy nhà sang, xe đẹp; tai nghe lời dịu ngọt êm đềm; mũi ngửi hương thơm hay thân đang ở phòng mát mẻ thì sẽ sinh ra cảm giác sung sướng, thoải mái tức là lạc thọ. Muốn công hầu khanh tướng, đỉnh cao danh vọng, giàu sang phú quý là chạy theo lạc thọ.

- Khổ thọ (dukkhavedanā)(unpleasant) là cảm nhận sự đau khổ hay bất hạnh do cuộc đời đưa đến. Nếu khổ thọ thuộc về thân thì gọi là “khổ” (dukkha) và khổ thọ thuộc về tâm thì gọi là “ưu” (doma-nassa). Thí dụ mắt thấy cảnh đau thương, tai nghe lời nguyền rủa, miệng ăn vật cay đắng tanh hôi, mũi ngửi hương vị thối tha…khiến tâm cảm nhận khổ đau. Hoặc bị người đánh đập khiến thân đau đớn. Công danh thất bại, duyên số bẽ bàng là khổ thọ.

- Xả thọ (adukkhama-sukhāvedanā)(neutral) hay vô ký thọ là không vui cũng chẳng buồn. Lúc nào cũng vậy thôi, trước sau như một. Thí dụ hằng ngay ra đường mắt thấy biết bao chiếc xe, nhà cửa…tuy thấy tất cả mà chẳng quan tâm để ý thì tâm dững dưng không vui mà cũng chẳng buồn.

Con người có sáu căn tức là sáu giác quan (sáu cánh cửa) để tiếp xúc với ngoại cảnh vì thế sẽ có sáu loại cảm thọ tương xứng. Thí dụ mắt thấy hình sắc thì phát sinh cảm thọ đẹp, xấu. Tai nghe âm thanh liền cảm thọ vui, buồn. Lưỡi nếm thức ăn liền cảm thọ ngon, dở. Thân đụng da mềm liền cảm thọ lưu luyến, khoái cảm hay đớn đau…Nói chung, tất cả cảm thọ của con người từ thân đến tâm không ra ngoài lạc, hỷ, khổ, ưu và xả thọ.

Tóm lại có ba loại cảm thọ là lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ rồi sau đó sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo ra sáu lạc thọ, sáu khổ thọ và sáu vô ký thọ tổng cộng có 18 thọ. Sau đó có cảm thọ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông cảm thọ tâm lý chi phối hệ thống tâm thức. Dòng sông cảm thọ sinh khởi biến hiện thay đổi vô chừng. Chúng chuyển biến vô tận, vô thường, vô ngã và hiện hữu có điều kiện. Tuy nhiên, khi còn trẻ ngũ uẩn hoạt động bình thường cho nên cảm thọ rất nhạy bén đến khi già nua thì miệng ăn không biết ngon, mắt nhìn không thấy rõ, tai nghe ùn ùn, tiếng được tiếng mất cho nên cảm thọ là vô thường vô ngã chớ có chi là chân thật. Chấp thủ vào những cảm thọ đó bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

Tuy nhiên, những cảm thọ sướng khổ cũng chẳng liên quan gì đến Cái Tôi bởi vì những cảm thọ đó có cũng bởi do duyên tạo từ bên ngoài chớ chẳng có cái gì thật sự là của tôi cả cho nên cuộc sống con người buồn vui lẫn lộn là vậy. Cảm thọ là do tác động của duyên từ bên ngoài nên nó không thật vì những ngoại duyên đó luôn biến đổi mà con người cứ chấp là thật, là bền chắc nên muốn giữ mãi những giây phút êm đềm đó. Nói cách khác khi tâm thọ nhận cảm giác liền bị vô minh che mờ mà không biết rằng cảm giác đó là do duyên hợp mà thành nên chúng là vô thường, vô ngã mà để cho lòng tham ái lung lạc khiến tâm có những cảm giác vui hay buồn và tệ hại hơn nữa cho những cảm giác đó là Ta vui hay Ta buồn.

Thí dụ vì không để ý, chúng ta đụng vào tường nên có cảm giác rất đau. Nếu biết quán thọ trên thân để thấy biết như thật thì cái đau trước đâu giống cái đau sau. Mỗi thời điểm có một cái đau khác nhau cho đến khi cái đau hoàn toàn biến mất. Vậy thế nào là thấy biết như thật? Đức Phật dạy rằng thấy biết như thật là trước đó một sát na khi xảy ra thì chúng ta không nghĩ đến và sau một sát na xảy ra rồi chúng ta cũng không quan tâm. Thế thì thấy biết như thật là ngay vào thời điểm hiện tại đó sự hiện hữu xảy ra thì chúng ta cũng ngay thời điểm đó tiếp nhận sự hiện hữu đó chớ không phải một sát na trước hay một sát na sau. Vậy thì cứ mỗi sát na toàn thân của chúng ta có sự thay đổi, chuyển hóa nhỏ mà chúng ta vẫn thấy biết như thật. Nếu chúng ta thấy sự chuyển hóa ở sát na trước mà chúng ta giữ lại thì chúng ta sẽ không biết sự chuyển hóa của sát na sau cho nên cái thấy biết này không còn thấy như thật nữa mà là cái thấy biết của quá khứ. Vì thế cảm thọ chỉ là ảo giác, chẳng khác gì những gợn sóng nổi lên bất thường, có đến rồi lại đi chớ chẳng dính dấp gì tới cái Tôi cả. Khi khổ đau hay hạnh phúc phát sinh, con người thường hay đồng hóa mình với những cảm xúc của mình trong quá khứ cho nên họ bị hành hạ bởi sự hiểu biết sai lầm, bởi vì tất cả hạnh phúc hay khổ đau đó cũng chỉ xảy ra rồi tan biến vô thường, chớ không phải là Của Ta. 

Tại sao con người  thích tích lũy tiền bạc, mơ ước thành ông này, bà kia, mong cầu đạt được danh vọng trong xã hội…? Bởi vì tất cả những thứ ấy sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc tức là lạc thọ. Đơn giản chỉ có thế thôi. Nhưng rất tiếc không có niềm vui hay hạnh phúc nào vĩnh viễn ở mãi với chúng ta, nó đến rồi ra đi (duyên sinh, duyên diệt) nhanh chóng cho nên cuộc sống con người luôn mãi khổ công nhọc kế đi tìm từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, tựa như xây nhà trên cát vậy. Thế thì cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc phải chăng đó là khổ đau cũng ví như viên thuốc bọc đường, khi chất ngọt tan mất thì vị đắng sẽ hiện ra.

Trong bài chuyển pháp luân đầu tiên, Đức Phật đã đưa ra hai thái cực: một bên là ái dục, hạnh phúc và bên kia là đau khổ, bất toại nguyện. Con đường Đức Phật chọn là con đường trung đạo nghĩa là hãy tránh xa hai thái cực đó vì cả hai đều đưa chúng sinh đến chỗ phiền lụy, khổ đau. Con đường trung đạo là con đường thực hành chân chính mà ở trong đó, không có hình bóng của khoái lạc, ngay cả thiện ác, tốt xấu cũng không còn. Bởi vì tất cả những ý niệm hạnh phúc hay khổ đau, tốt hay xấu đều còn nằm trong phạm trù của ý thức phân biệt nhị nguyên. Do đó khi nhập vào thiền định thì ý niệm bị diệt, ý thức không còn tác động được nữa, hành giả chỉ còn sống trong tỉnh thức. Nghĩa là trong thời điểm đó hành giả biết rất tỏ tường, sáu căn vẫn sáng tỏ, nhưng không tác ý được nữa cho nên toàn bộ suy nghĩ, tưởng tượng, nói năng hay cử động tay chân  đều bị diệt cho đến khi xuất thiền. Lúc đó tâm hành giả hoàn toàn trống trải thanh tịnh và đây là con đường để phát sinh trí tuệ, chứng nhập chân lý. Chân lý có thể nói là khả năng hiểu biết ngoài tính cách điều kiện, tổng hợp và giới hạn của khoa học thế gian. Thông thường, những lạc thú của con người chỉ là những hạnh phúc phù du, giả tạm, lừa phỉnh chẳng khác gì miếng mồi móc vào một lưỡi câu. Khi đã nuốt miếng mồi mà mình đang thèm muốn thì tức thì lưỡi câu kia cũng sẽ móc vào cổ họng của mình vì thế không có hạnh phúc nào trên thế gian của con người bình thường mà không ngầm chứa những nỗi khổ niềm đau về sau. Ngược lại Niết Bàn, tạm gọi là hạnh phúc tối thượng, là sự an lạc thanh tịnh trong tâm hồn mà trong đó không còn hình bóng của tham, sân, si cho nên họ không còn tranh chấp, đố kỵ cho những ảo ảnh phù du, giả tạm của thế gian.

3) Tưởng uẩn (Perceptions): Tưởng là tưởng tượng, là suy tưởng. Vậy tưởng cái gì? Chấp có cái Ta, cái Của Ta là một bản ngã là tưởng. Ngồi đây mà nhớ về quá khứ là tưởng, suy nghĩ về hiện tại là tưởng và lo lắng cho tương lai cũng là tưởng. Mở mắt nhìn thế gian là tưởng, tai nghe âm thanh là tưởng…Mở mắt không nhìn gì cũng là tưởng, nghĩ quanh nghĩ co là tưởng. Đến khi đi ngủ, nhớ trước nhớ sau là tưởng. Thậm chí ngay cả khi ngồi thiền mà đầu óc cứ quay cuồng nhớ nghĩ từ việc này đến việc khác là tưởng. Có tưởng là có vướng mắc, còn chướng ngại khiến cho trí tuệ bị ràng buộc khó phát triển.

Tưởng đóng vai trò rất quan trọng đối với các em học sinh, sinh viên. Tùy theo tác dụng rộng hẹp, hay sâu cạn của tưởng ảnh hưởng đến trí nhớ  của các em. Bởi thế có người học đâu nhớ đó công danh thành đạt, ngược lại cũng lắm người học trước quên sau. Thí dụ chúng ta trong quá khứ đã bị phỏng lửa cho nên bây giờ khi thấy lửa cháy liền hồi tưởng nên không dám sờ tay vào lửa nữa. Ngược lại, một đứa bé chưa bị phỏng nên khi thấy lửa nó liền đưa tay rờ. Đó là đứa bé đang sống với trực tâm tức là bằng thức chớ chưa có tưởng. Người còn trẻ, trí óc hoạt động tốt, tưởng rất nhạy bén nên vừa thoáng là nhớ ngay. Đến khi tuổi già, bộ óc trì trệ nên nhớ trước quên sau. Đó là chưa kể những người bị bệnh Alzheimer (đãng trí) dần theo thời gian phần nhớ trong bộ óc tức là tưởng uẩn gần như bị hư hỏng hoàn toàn cho nên họ không còn nhớ gì về quá khứ. Người trẻ thì tưởng về quá khứ ít, ham sống và mong cầu nhiều cho tương lai. Đến lúc về già thì tưởng rất nhiều về quá khứ, ít chấp nhận hiện tại và quan tâm đến cái chết ở tương lai.

Một ngày nọ có một vị tu hành lên đò để sang sông. Ngặc nổi cô lái đò lại rất trẻ đẹp nên vị sư nầy cứ lấm liếc nhìn cô ta. Khi sang bến, thay vì phải trả tiền đò như những người khác, cô lái đò đòi tiền vị tu sĩ gấp đôi. Ngạc nhiên, vị tu sĩ hỏi :

-  Tại sao thí chủ lại tính tiền tôi nhiều gấp đôi vậy? 

Cô lái đò đáp :

-  Khách đi đò thì họ chỉ đi đò nên tôi tính tiền có một, còn Ngài thì vừa đi đò vừa ngắm nghía tôi nên tôi phải tình tiền gấp đôi.

Sau khi hoàn thành Phật sự vị tu sĩ phải trở lại bến đò để về chùa, nhưng lần nầy vị tu sĩ lấy nón che mặt lại khi sang sông. Khi đến bến thay vì chỉ trả một đồng tiền đò thì cô lái đò lại đòi đến bốn đồng. Quá đỗi ngạc nhiên, vị tu hành hỏi:

- Tại sao thí chủ lại đòi tiền tôi quá nhiều thế?

Cô lái đò đáp :

- Khi qua sông thì Ngài chỉ lấy mắt nhìn tôi nên tôi đòi tiền gấp đôi, bây giờ trở về Ngài không nhìn tôi bằng mắt mà Ngài nhìn tôi bằng tâm tưởng. Cái nhìn của mắt có giới hạn nên tôi chỉ đòi hai đồng còn tâm tưởng thì vô biên vô lượng, ai biết Ngài đang nghĩ gì hay muốn làm gì nên tôi phải đòi tiền gấp bốn lần là như vậy.

Cái nhìn trong tâm là tưởng cho nên cái nhìn đó không có giới hạn. Trong khi đó có người nhìn mà không tưởng, nhìn sao thấy biết vậy.

Dựa theo Phật giáo, tưởng là nhóm tri giác có khả năng nhận biết đối tượng là gì, đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy sắc nhận biết đó là cái nhà, chiếc xe, tai nghe âm thanh nhận ra tiếng chim hót, tiếng khen, lời chửi mắng...; hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, hồi tưởng, ký ức, kinh nghiệm... Như vậy, tưởng uẩn là cái thấy, cái biết của mình về con người, hoặc sự việc hay hiện tượng nào đó. Vì vậy, tri giác là một trong những tác dụng của nhận thức (Thức).

Sự có mặt của tri giác là sự có mặt của kinh nghiệm. Tri giác tùy thuộc vào những kinh nghiệm đã qua cho nên khi thấy đóa hoa thì biết đây là đóa hoa. Vì vậy tri giác dễ bị đánh lừa bởi kinh nghiệm, do vì thực tại thì luôn thay đổi sống động. Tại sao? Bởi vì  chúng ta chỉ thấy đóa hoa dựa theo quan niệm của mình chớ không thấy thật tánh của đóa hoa tức là “tự nó thật sự như nó là”. Khi nhìn đóa hoa Hồng chúng ta cho rằng mình đang nhìn đóa hoa đẹp, nhưng Hồng là tên do mình đặt cho nó chớ tự nó “không phải là” đóa hoa Hồng “hay là” một đóa hoa. Mà thật chất của nó là sự tổng hợp của đất, nước, gió, lửa qua trùng trùng duyên khởi kết thành hình tướng như thế, rồi chúng ta đặt tên hình tướng đó là đóa hoa Hồng. Do đó thật tánh của hoa là không tánh vì hoa là do sự kết hợp của trùng trùng duyên khởi các vật chất hội tụ lại chớ đóa hoa không tự nó có hay tồn tại được. Vì vậy cái biết của tri giác là cái biết “không thật” mà là cái biết của duyên khởi cho nên tri giác tồn tại có điều kiện, chúng là vô thường, trống rỗng và do duyên sinh. Do vậy tri giác đầy hư vọng mà chúng ta thường gọi là vọng tưởng. Con người thường đồng hóa mình với những gì mình ý thức và nhớ tưởng đến những kỷ niệm, ký ức, kinh nghiệm trong quá khứ khiến cho tham sân si phát sinh. Sự hiểu biết sai lầm này trở thành thói quen chất chứa trong tiềm thức khiến tâm con người phát sinh vô số vọng tưởng và biến cuộc sống trở thành điên đảo.

Thọ và Tưởng là hai thành tố rất quan trọng trong ngũ uẩn bởi vì từ cảm Thọ những khổ, vui của cuộc đời mà lòng tham Ái mới nổi dậy. Một khi trạng thái luyến ái bám vào thì con người phải nắm chặt lấy đối tượng nên gọi là Thủ. Cũng do nơi Thủ mà con người phải làm nô lệ cho khát vọng của mình mà nhắm mắt chạy theo dục lạc, từ đó nghiệp phát sinh để phải chịu sinh tử trầm luân. Tưởng là nhớ, nghĩ lại những cảm thọ đã xảy ra khiến con người luôn sống trong ảo tưởng. Vì thế ngày xưa các vị Thánh giả khi thiền định thì họ buông xả Thọ Tưởng định. Khi buông xả thọ tưởng định, họ bắt đầu buông xả khẩu hành, thân hành rồi đến ý hành. Họ buông xả luôn hơi thở (hơi thở trở nên êm nhẹ), nhưng sáu căn vẫn biết rỏ.

Tôn giả Kāmabhū diễn tả sự khác nhau giữa người chết và người nhập định:

- Đối với người đã chết, đã mệnh chung, thân hành người ấy được đoạn diệt, được khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an; ý hành được đoạn diệt, được khinh an, thọ mạng được đoạn tận; sức nóng được tịnh chỉ; các căn bị hủy hoại. Còn Tỳ-kheo đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định, thân hành được đoạn diệt, khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, khinh an; ý hành được đoạn diệt, khinh an; thọ mạng không bị đoạn tận; sức nóng không bị tịnh chỉ; các căn được trong sáng.

4) Hành uẩn (Mental formations or Thought Process): Hành có nghĩa là tác ý, là ý muốn khởi phát từ bộ óc rồi sau đó mới chuyển thành tư tưởng, lời nói hay hành động. Thí dụ trước khi muốn đi, bộ óc phải có tác ý muốn đi rồi sau đó hệ thống thần kinh trung ương chuyển đến khiến đôi chân bước đi. Nói cũng vậy, trước khi nói phải có tác ý muốn nói hay suy nghĩ cũng phải có tác ý suy nghĩ trước khi tâm suy nghĩ về bất cứ đối tượng gì. Nhờ tác ý này mà thân thể của con người mới hoạt động theo ý muốn của mình được. Ngược lại khi về già tuy có tác ý muốn đi, nhưng thân quá yếu hay bệnh tật nên không đi được. Hoặc tác ý muốn nhớ lại kỷ niệm nào đó trong quá khứ, nhưng tưởng uẩn không còn hoạt động nhạy bén nên nhớ đầu quên đuôi, không đâu ra đâu cả. Dầu là ý khởi đầu cho mọi hoạt động, tuy nhiên, không phải lúc nào thân ta cũng có thể tác ý cho mọi hành động của mình được. Thí dụ như phản xạ tự nhiên của cơ thể, hoạt động theo thói quen, hoặc các hoạt động của bộ phận không thể theo ý muốn được như: tim thì luôn đập bất chấp ta muốn hay không. Máu phải lưu thông, hệ thống não bộ thần kinh lúc nào cũng hoạt động liên tục, rất phức tạp chẳng khác chi có hàng ngàn bộ máy vi tính hoạt động không ngừng từ trong bộ óc cho đến trên khắp thân thể của chúng ta.

Vì thế khi con người có những tư tưởng xấu ác, lời nói hung dữ hay hành động tàn ác thì trong ý nghĩ phải có tác ý bất thiện đó. Ngược lại nếu chúng ta có những tư tưởng tốt, lời nói hài hòa, hành động nhân ái thì đây là những tác ý thiện. Nói chung tập hợp của tất cả “tác ý” thiện hay bất thiện được thể hiện bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì gọi chung là hành uẩn. Ở đây, Đức Phật muốn chỉ rõ tận tường nguồn gốc phát sinh ra tư tưởng, lời nói hay hành động để con người có thể dùng chánh niệm tỉnh thức mà kiểm soát nó. Vì thế trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng: “ Khi tâm tham, ta biết tâm tham. Khi tâm không tham, ta biết tâm không tham. Sân và Si cũng vậy…” Khi thực hành chánh niệm để biết rõ những biến hành (tác ý) của tâm thì con người bây giờ mới có thể làm chủ thân, khẩu, ý của mình được. Muốn luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm thì con người phải nỗ lực liên tục, không gián đoạn, chứ không phải siêng năng tùy lúc tùy thời. Sự theo dõi, quán sát tâm của mình cũng ví như cha mẹ theo dõi con cái, lúc nào cũng luôn bảo vệ không cho chúng vấp ngã, làm bậy và dạy cho chúng biết và thực hành điều đúng. Thí dụ niệm Phật là thiền chỉ nghĩa là trong lúc hành giả niệm Phật thì tâm họ cột vào hồng danh chư Phật (tầm và tứ) khiến cho vọng tưởng tạm dừng lại (chỉ), nhưng khi hết niệm thì vọng tưởng phát tác trở lại tức thì khiến cuộc sống trở thành điên đảo. Vì thế nếu luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm, hành giả sẽ làm chủ thân, khẩu, ý của mình. Từ đó cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, thanh thoát, yên vui, tự tại, và sẽ không còn lo lâu, phiền não.

Bây giờ nếu thực hành theo Tứ Niệm Xứ dựa trên quán hơi thở sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn. Khi thực hành đứng đắn tỉnh thức chánh niệm tinh cần thì hành giả sẽ loại được tất cả mọi tham đắm chấp trước nơi trần gian. Tại sao? Thí dụ khi ta hít vào thì chúng ta biết chúng ta hít vào và khi thở ra chúng ta biết chúng ta thở ra, cho nên chúng ta không dính vào cái khác. Nói thế thì sự vận hành luôn luôn ở nơi mình. Con người lầm lẫn cho rằng hơi thở hít vô, thở ra là chuyện làm củ lập đi lập lại, nhưng trên thực tế mỗi hơi thở cho dù là hít vô hay thở ra là hoàn toàn mới vì mỗi lần hít vô chúng ta đem dưỡng khí (O2) mới vào nuôi thân và khi thở ra chúng ta đem thán khí (CO2) củ ra ngoài. Bây giờ, nếu quán sát tinh tế thì mỗi sát na toàn thân chúng ta luôn có sự thay đổi mới hơn, từng luồng dưỡng khí (O2) hít vào tuy rất nhỏ nhưng cũng đem đến cho ta sự sống mới. Những tế bào mới cũng sẽ thay thế các tế bào củ. Thở ra cũng vậy, khi thở ra thì từng hơi mới tiếp tục đi ra và khi hít vào thì cũng từng hơi mới từ từ đi vào. Nói cách khác cơ thể chúng ta thay đổi từng giây từng phút và do đó sự sống cũng hiện hữu trong cái mới này. Vậy thì dựa theo Tứ Niệm Xứ, đời sống con người không có sát na nào dừng lại cái củ cả bởi vì dừng lại là làm phá vở đời sống hiện thực của chính mình rồi. Như thế dựa theo quán niệm Tứ Niệm Xứ thì hiện thực đời sống của con người lúc nào cũng mới, không bao giờ dừng lại, và nó thể hiện sức sống mảnh liệt của vũ trụ cho nên nếu con người làm dừng lại bất cứ một hiện tượng nào thì người đó vô tình phá vở những hiện thực đang xảy ra. Tại sao? Bởi vì cái hiện thực đang tiếp tục xảy ra không hề có một phút giây dừng lại vì nó chỉ biến chuyển theo một chiều đến của thời gian cho nên giây phút qua đi thì chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt nó lại được.

Đức Phật dạy rằng:” “Quá khứ đã qua đi không bao giờ nắm bắt lại được”. Chúng ta thường hay có quan niệm lầm lẫn rằng hơi thở là chỉ lập đi lập lại nên chẳng có gì mới lạ, nhưng dựa theo thiền Tứ Niệm Xứ thì tuy hơi thở lập đi lập lại nhưng nó không hề củ vì mỗi hơi thở hít vô và thở ra là mang theo dưỡng khí mới vào và thán khí mới ra ngoài, cho nên hơi thở lúc nào cũng mới. 

Từ nhận diện những biến hành của hơi thở chúng ta có thể trực nhận được bộ mặt thật của cuộc đời và nhận ra mọi quan hệ của đời sống rất rõ ràng. Đó là không những chỉ riêng con người mới sống với cái mới từng sát na mà thế gian vũ trụ cũng thế. Từ nhân sinh vũ trụ, chim bay cá lặn bất cứ vật gì thuộc thế giới hữu vi đều chuyển mình theo cái mới hết. Thế thì nếu chúng ta sống đúng với cái mới trong từng sát na thì chúng ta sẽ nhận biết rất rõ ràng thế gian cũng đang biến chuyển theo thời gian và không gian giống như chúng ta vậy. Đây là một điều rất quan trọng mà con người không bao giờ để ý đến. Ngày xưa Đức Phật dựa theo thiền Tứ Niệm Xứ mà khám phá ra chân lý Vô Ngã và thuyết Duyên sinh, Duyên diệt. Đức Phật đã khẳng định rằng tất cả mọi hiện tượng trong thế gian này đều không ngừng tác tạo. Vì là do nhân duyên, nhân này quả nọ, mà thành chớ không có một vật thể nào tự sinh tự diệt, nên tất cả mọi hiện tượng đó không có thực thể, không có tự tánh tức là Vô Ngã. Thêm nữa, lá phổi của con người là một cơ năng đàn hồi được cấu tạo bởi khoảng 300 triệu phế nang. Đây chính là nơi chủ yếu xảy ra quá trình trao đổi giữa thán khí (CO2) và dưỡng khí (O2) cho nên đối với người bình thường thì sự hô hấp (thở ra, hít vào) rất bình thường nên số lượng dưỡng khí hấp thụ vào phổi rất cao (99%). Ngược lại đối với người bệnh hay hút thuốc lá nhiều thì phế nang bị cứng lại cho nên việc hoán chuyển dưỡng khí giảm xuống (dưới 90%) khiến cơ thể và hệ thống não bộ hoạt động kém đi. Vì thế nếu biết điều hòa hơi thở thì thân, tâm nhẹ nhàng ít đau bệnh và thiền định là phương pháp thực dụng nhất trong việc điều hòa hơi thở của mình. Khi chúng ta lo lắng, lo sợ hay buồn phiền thì hơi thở dồn dập, tim đập mạnh. Lúc đó bạn chỉ cần hít sâu vào, thở từ từ ra thật nhẹ nhàng vài lần, rồi sau đó hít thở bình thường thì những lo lắng kia (vọng tưởng) sẽ biến mất.

Ngày xưa Đức Phật thực hành phương pháp Quán Niệm Hơi Thở có thể nhập định, xuất định và sau cùng thực hành quán chiếu để khai mở trí tuệ trở thành đấng giác ngộ. Sau khi thành Phật, Đức Phật đã đem phương pháp quán niệm hơi thở dạy cho đệ tử xuất gia và tại gia thực hành cho đến khi Ngài nhập Niết bàn. Đức Phật đã diễn tả lại việc tu tập pháp Quán Niệm Hơi Thở qua 16 đề mục thực tập (Trung Bộ Kinh 118) mà trong đó phần đầu gồm có 12 đề mục hướng dẫn hành giả nhập định và bốn giai đoạn sau cùng giúp hành giả cảm nghiệm và những gì cần làm sau khi xuất định.

Nhưng quan trọng nhất, Hành là tác ý, là động cơ phát sinh ra thân, khẩu, ý cho nên hành uẩn mang tính chất tác nghiệp và đây chính là nơi tạo ra nghiệp lực đưa con người trầm luân trong sáu đường.  Khi các giác quan tiếp xúc với cuộc đời thì tham lam, sân hận và si mê khởi dậy, hủy diệt tâm hồn tốt đẹp của chúng ta tạo thành những trận cuồng phong sân si làm cho mọi thứ chao đảo chông chênh, mất hạnh phúc. Khi lòng tham ái phát khởi, tính sân hận bùng lên khiến tâm con người thiếu sáng suốt mà có ngôn ngữ sai lầm, hành động bất chính. Thậm chí khi chạy theo si mê thì chúng ta thấy thiện thành ác, ác thành ra thiện, xấu thành tốt và tốt thành xấu. Vì thế dựa theo tinh thần Phật giáo, thiện là những tư tưởng, lời nói hay hành động không chạy theo tham, sân, si. Ngược lại là ác.

Vì  hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động bất tận. Mỗi uẩn chỉ có thể làm công việc của chính nó. Hành uẩn có đặc tính là phản ứng hay tác động của tâm và nó là nguyên nhân của đi, đứng, nằm, ngồi, cười, nói, nghĩ, thấy, nghe...  và tất cả những hoạt động khác. Do sự kích thích của hành uẩn cho nên tất cả hành động về thân, khẩu, ý xảy ra.  Bởi vậy, thân, khẩu, ý là sự biểu hiện của hành uẩn, nhưng khi hành uẩn biểu hiện qua thân, khẩu, ý thì chúng ta hiểu lầm rằng:  Đó là linh hồn, là tự ngã, là Tôi đang làm.

5)Thức uẩn (Consciousness): Thức là có khả năng rõ biết, phản ảnh của nhận thức về thế giới hiện thực. Khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng, thức nhận biết sự có mặt của đối tượng, thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó.

Đối với Phật giáo Nguyên thủy, thức được hiểu như là dòng chảy liên tục của các ý niệm. Các ý niệm này tùy thuộc nhiều yếu tố khác mà phát sinh, Đức Phật gọi quá trình tuỳ thuộc phát sinh nầy là “duyên khởi” (paticasamupàda). “Thức” chỉ là một mắc xích trong 12 mắc xích duyên khởi  mà thôi. Đối với Phật giáo Nguyên thủy thì phần tâm linh chia ra hai loại tâm như sau:

1) Tâm tỉnh thức, là cái biết ý thức, không có sự phân biệt. Đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức. Cái biết này chính là cái biết của trực giác cho ta những cảm giác dễ chịu, khó chịu, không dễ chịu, không khó chịu. Tâm này còn gọi là tiền ngũ thức nghĩa là thấy sao biết vậy tức là trực tâm.

2) Tâm hư vọng, tức là tưởng tượng. Nó mượn sự hoạt động của bộ óc để phát hiện và phân biệt tốt xấu, phải quấy, thịnh suy, vinh nhục, ngon dở, thân sơ…Tâm này là quan trọng và nguy hiểm nhất vì nó khiến con người vào chỗ đọa lạc. 

Ý thức con người rất lanh lẹ cho nên nếu chúng sinh có suy nghĩ việc lành, việc tốt thì ý thức đứng đầu. Ngược lại, nếu chúng sinh tính toán tạo tác việc ác, việc bất thiện thì nó cũng đứng đầu. Vì thế nếu người tu thiền, đoạn diệt được hư vọng là giải thoát khỏi phiền não.

Vì tầm quan trọng của ý thức, Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:

Ý dẫn đầu các Pháp

Ý làm chủ tạo tác

Đối với ý ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như bánh xe lăn theo

Dấu chân con vật kéo (Pháp Cú 1)

Ngược lại:

Ý dẫn đầu các Pháp

Ý làm chủ tạo tác

Đối với ý thanh tịnh

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình (Pháp Cú 2)

Phần Mở rộng thêm về quan điểm Phật giáo Đại Thừa: (1) Xem ghi chú cuối bài

Mặc dù Thức uẩn là nền tảng của tâm lý nhưng nó không tồn tại độc lập, không thể tự chủ bởi vì thức uẩn có tồn tại cũng bởi do duyên sinh. Thí dụ nếu không có sắc, thọ, tưởng, hành thì không thể nào có thức được, cho nên mối quan hệ của ngũ uẩn là bất khả phân ly vì vậy đạo Phật không chấp nhận có một thức nào đó độc lập, tự chủ như khái niệm về một linh hồn bất tử chẳng hạn.

Tuy A lại da thức là một cái kho chứa nhóm, nhưng nó biến chuyển vận hành liên tục không ngừng nghĩ, có lúc chuyển chủng tử mới vào và có khi đưa chủng tử ra gọi là biến hành. Vì sự biến chuyển này mà con người mới có thể tu thành Thánh nhân hay tạo nghiệp trở thành ác quỷ.

Cứ mỗi thời điểm nhất định nào đó chúng ta có một cái biết, một thức tức là một cái tâm do sáu căn tiếp xúc với sáu trần phát sinh. Nhưng thời điểm kế tiếp chúng ta lại có một cái biết khác tức là có một cái tâm khác. Và thời gian cứ tiếp tục trôi đi thì con người có biết bao cái tâm cho nên tâm luôn sinh diệt. Vì vậy:

Đức Phật với tuệ minh sát, với trí tuệ của bậc Chánh đẳng Chánh giác khi quán chiếu lại thân, tâm của mình và của nhân loại thì Ngài thấy rằng chúng sinh không hề có tâm mà chỉ có những sát na tư tưởng kết nối và kết nối lại với nhau khiến chúng ta cảm giác như có tâm. Thí dụ ở sát na trước mắt thấy sắc cho ta cái biết của sắc (nhãn thức), đến sát na sau tai nghe âm thanh cho ta cái biết về âm thanh (nhĩ thức)…Cái biết sau nối tiếp (thay thế) cái biết trước và cứ thế cái biết liên tục sinh diệt tạo thành chuổi thức chớ thật sự không có một thức nào (hay một cái tâm nào) cố định cả. Cái tâm sau thay thế cái tâm trước và cứ thế tâm luôn sinh diệt tuôn chảy trong bộ não của chúng ta. Do vậy mà Thức dựa theo Phật giáo là dòng chảy liên tục của các ý niệm (sát na tư tưởng). Vì sự ngộ nhận lầm lẫn cho rằng mình có tâm cho nên họ mới nghĩ rằng trong ta phải có cái Ta. Bây giờ không có tâm thì làm gì có Ta hay cái Của Ta nữa, tức là hoàn toàn vô ngã.

Hãy quán một dòng sông. Sự hiện hữu của một dòng sông là do hàng tỷ tỷ giọt nước luôn trôi chảy kết thành một khối nước chuyển động liên tục tạo thành dòng sông, cho nên nếu không nhìn cho kỹ thì chúng ta nghĩ rằng có một dòng sông luôn liên tục. Thật ra nếu lấy tất cả những giọt nước đó đi thì bây giờ làm gì còn dòng sông?

2. Vậy ngũ uẩn bây giờ được hiểu là: Sắc là thể xác, Thọ là tình cảm, Tưởng là lý trí, Hành là tác ý tức là ý chí và sau cùng Thức là nhận thức. Thế thì, trong con người chúng ta không có gì ngoài năm uẩn. Năm uẩn kết hợp thì hình thành kết tạo ra con người tức là có sự sống. Đến khi nhân duyên khác khởi lên, năm uẩn tan rã thì con người chết.

Tóm lại, thân và tâm của con người là sự tập hợp của ngũ uẩn chớ không có gì khác, nhưng nếu bây giờ chúng ta đồng hóa thân và tâm này là Ta, là Của Ta thì Đức Phật gọi đây là tà kiến. Thí dụ có người chỉ thấy một chiếc xe. Nếu nhìn chiếc xe mà chỉ biết là chiếc xe thôi thì đây là tâm tỉnh thức, an lạc. Ngược lại, nếu nhìn chiếc xe đó mà cho là nó đẹp hay xấu, rẻ tiền hay đắt tiền... thì ta đang sống với tự ngã. Tại sao? Bởi vì Ta là người khen nó đẹp hoặc Ta là người chê nó xấu chớ chiếc xe tự nó chỉ là chiếc xe chớ bản thân nó không có đẹp hay xấu gì hết. Một khi chúng ta cộng thêm tự ngã là Ta hay Cái Của Ta vào bất cứ hiện tượng gì trên thế gian thì lập tức nỗi khổ niềm đau cũng từ đó phát sinh. Ngược lại, người giác ngộ thì mắt vẫn thấy sắc, tai vẫn nghe âm thanh, mũi vẫn ngửi mùi, lưỡi vẫn nếm thức ăn, thân vẫn có cảm xúc, nhưng chỉ thấy biết một cách khách quan, không chấp thêm ngã kiến vào thì không bao giờ có khổ vui mà chỉ có an lạc. Tại sao? Bởi vì: “Chư Pháp tùng bổn lai, Thường tự tịch diệt tướng” nghĩa là các pháp từ xưa đến nay, tánh chúng thường vắng lặng, không hạnh phúc và cũng chẳng có khổ đau. Thế thì tất cả các Pháp đều là  tự tánh thanh tịnh bản nhiên nghĩa là tự tánh của chúng là vậy (như thị), không khổ, không vui. Vì thế khi nói khổ đau hay hạnh phúc là có sự hiện diện của bản ngã trong đó mà thôi. Khi không còn sống với bản ngã, người đó trở về sống với thực tánh pháp thì gọi là giải thoát rồi.

Bây giờ  biết rõ thấu đáo sự vận hành của ngũ uẩn, chúng ta thấy rõ rằng không có một xác thân nào cả mà chỉ là sự vận hành tự nhiên của ngũ uẩn mà con người lầm lẫn cho rằng đó là thân của Ta.

Tuy con người là sự kết hợp của ngũ uẩn, nhưng mỗi uẩn là vô thường vô ngã nên toàn khối cũng là vô thường vô ngã tức là Không, Tuy nhiên, mỗi uẩn đều nương tựa vào các uẩn kia mà tồn tại. Khi thấu rõ bản chất thật của con người và vũ trụ mà chúng ta đang sống thì chúng ta sẽ không còn bám vúi vào cái thân giả hợp, sẽ không còn thấy nó là Ta hay là Của Ta thì những phiền não khổ đau sẽ đoạn diệt. Hãy quán ngũ uẩn của Thân và Tâm cũng giống như một miếng sắt nóng đỏ cho nên nếu bạn nắm (chấp thủ) chỗ nào cũng bị phỏng cả. Thế giới của tham ái và si mê cũng giống như miếng sắt nóng đỏ kia nếu bạn có khuynh hướng chấp thủ, bám vúi vào thì nguyên nhân khổ đau sẽ hình thành trong bạn.

Đức Phật dạy rằng ngũ uẩn là Vô Ngã, nên đừng dính mắc vào chúng, không xem chúng là Ta hay là Của Ta. Khi Đức Phật còn tại thế, vẫn dựa vào thân ngũ uẩn để sống như tất cả mọi chúng sinh trên thế gian, Ngài vẫn có đau bệnh, có cảm giác khổ vui, có trí nhớ, có suy nghĩ, có tâm…nhưng sự khác nhau giữa Đức Phật và chúng sinh là Ngài không dính mắc vào những thứ ấy, không xem chúng là Tự Ngã, là Ta hay là Của Ta. Đức Phật vẫn biết đấy chứ, nhưng Ngài hiểu biết cuộc đời đúng theo bản chất thật của nó (thực tánh pháp)  cho nên cái hiểu biết đó rất thực và rỏ ràng. 

Đức Phật hằng ngày cũng phải đối diện với cuộc đời, hằng ngày cũng ăn, cũng nói, cũng nghe, cũng thấy biết nhưng không bao giờ Đức Phật cho rằng Ta nghe, Ta thấy, Ta nói.. vì vậy trong Ngài rất thanh tịnh, không dính mắc vào bất cứ hiện tượng gì.

Vì tầm quan trọng của ngũ uẩn, chính ngài Xá Lợi Phất cũng dạy rằng:

Người đã đắc Quả Nhập Lưu phải gia công chuyên cần quán niệm ngũ uẩn ấy một cách đầy đủ, và tự mình chứng nghiệm rằng năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã. Kết quả là thế nào? -- Vị ấy sẽ tiến đạt thêm lên một tầng, thành tựu Đạo và Quả Tư Đà Hàm. Rồi vị Thánh ấy hành thiền về đề mục gì? -- Cũng lại ngũ thủ uẩn ấy nữa. Và do công phu hành thiền nầy vị ấy đắc Quả Bất Lai (A Na Hàm). Rồi vị A Na Hàm hành thiền về đề mục gì? -- Cũng ngũ thủ uẩn. Đến đây vị ấy đắc Quả A La Hán”.

Dựa theo sự tu chứng của Tôn giả Xá Lợi Phất, muốn có giải thoát thì hành giả cần phải gia công quán niệm để tự mình nhận biết rốt ráo rằng ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã nghĩa là mỗi uẩn không có tự thể, cho nên năm uẩn bây giờ không có tự thể. Vì năm uẩn là vô ngã nên chúng phải chịu sự biến chuyển của luật vô thường là sinh, trụ, dị, diệt. Khi thấy sự sinh diệt, không bền không chắc, có đó rồi mất đó, con người mới đau khổ. Nếu hành giả tự mình chứng nghiệm rằng ngũ uẩn là vô ngã, vô thường và khổ thì mọi chấp trước, bám víu vào thân, tâm sẽ không còn và lúc đó hành giả sẽ không còn bất cứ khổ ách nào tức là có giải thoát.

Sau cùng, khi nói vô ngã, Đức Phật căn cứ nơi bản thân con người và chúng sinh mà nói vô ngã. Thế thì bản thân chúng sinh hiện hữu những gì? Chẳng qua là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nếu bỏ năm thứ ấy đi thì không còn cái gì gọi là chúng sinh nữa. Nhưng vì vô minh che lấp cho nên chúng sinh luôn dựa vào ngũ uẩn đó để chấp mình làm ngã. Dựa theo tinh thần Phật giáo, tất cả mọi vật thể trên thế gian này đều là vô thường, vô ngã ngay cả những thứ mà chúng ta gọi là hạnh phúc hay khổ đau. Bởi vì nếu thật sự có thực hạnh phúc hay khổ đau thì chúng sẽ không bao giờ mất nó, nhưng đâu có hạnh phúc hay khổ đau nào vĩnh viễn ở mãi với Ta. Những bậc giác ngộ thì họ đạt đến đỉnh cao của sự giải thoát mà ở trong đó sẽ không có hạnh phúc, cũng chẳng hề có khổ đau mà chỉ có thanh tịnh an lạc Niết bàn.

--------------------------------------

(1) Quan điểm Phật giáo Đại thừa về Thức uẩn, giới thiệu thêm hai tâm nữa. Ngoài sáu thức căn bản ở trên, ngài Vô Trước, Thế Thân của Duy Thức tông đã giới thiệu thêm Mạt na thức và A lại da thức để giúp chúng sinh thấy rõ công năng, sự vận hành của ý thức.

Tâm thứ ba là thức thứ bảy tức là Mạt na thức. Tâm này có công năng giúp cho ý thức chọn lựa sự so sánh, phân biệt những gì có lợi cho tự Ngã tức là  những gì có lợi cho Ta và cái của Ta nằm trong A lại da thức rồi sau đó quyết định sai năm thức đầu (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức) hành động và dĩ nhiên tác tạo ra nghiệp. Tuy thức thứ bảy có tính toán quyết định gì đi chăng nữa thì cũng do thức thứ sáu là ý thức thúc đẩy, xúi giục cho nên ý thức mới là thức nguy hiểm nhất. Thức thứ bảy này là thức ngu si nhất và thức thứ sáu là thức khôn ngoan nhất và cũng là tội lỗi nhất trong bát thức tâm vương. Vì thế Mạt na thức thường được gọi là tâm nghiệp, tâm đồng lõa dẫn dắt chúng sinh vào biển sinh tử luân hồi.

4)Tâm sau cùng là thức thứ tám tức là A lại da thức, là kho chứa tất cả kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, kỷ niệm và tất cả những chủng tử thiện, ác, tốt, xấu và vô ký. Có thể ví A lại da thức là cái kho ví như ông vua làm chủ cả giang san, vàng bạc, gấm vóc, lụa là, binh khí…Mạt na thức ví như ông đại tướng là người đánh nam dẹp bắc tức là tạo nghiệp, nhưng chính Mạt na thức lại biết rất rõ ràng những gì nhà vua cất giữ trong cái kho. Nhưng muốn đánh đấm hay phân phát cơm gạo cho ai thì phải có sự xúi giục, hướng dẫn, chỉ bảo của ông quân sư tức là ý thức. Ông quân sư bày vẽ theo hướng nào thì ông đại tướng thực hành theo hướng đó nghĩa là vào kho lương lấy tiền gạo ra phân phát cho quân lính. Sự phân phát thì do tiền ngũ thức thực hiện. Vì Mạt na thức lúc nào cũng tính toán và làm việc gì cũng nghĩ đến lợi cho A lai da thức nghĩa là lợi cho Ta và cái của Ta nên bị ý thức đánh lừa khiến con người sa vào hầm tăm tối, tạo tội nghiệp để phải chịu quả khổ đời đời.

Tóm lại, dựa theo Duy thức luận của Vô Trước  và Thế Thân của Phật giáo Đại thừa, thức bây giờ có tám loại nên gọi là bát thức tâm vương: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt na thức và A lại da thức. Thức là nền tảng của thọ, tưởng, hành. Thức là Tâm vương còn thọ, tưởng, hành là Tâm sở. Duy thức triển khai bát thức tâm với mục đích khai thác các khía cạnh sâu kín của thức. Mặt khác, A lại da thức làm căn bản cho các hoạt động tâm lý trở về sau khi không còn điều kiện hoạt động. Nhờ khả năng bảo tồn của A lại da thức mà các hiện tượng tâm lý phát khởi trở lại khi hội đủ các yếu tố. Có thể hiểu A lại da thức như là một cái kho chứa và Mạt na thức là người giữ kho. Chính Mạt na thức vào trong cái kho để chuyển các chủng tử ra hay vào mà Duy thức gọi là hiện hành hay biến hành và từ đó tưởng uẩn mới biết được vật đó là gì. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***