Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý độc đáo về giải thoát của Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn đang sống (Hữu dư Niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư Niết bàn). Phật giáo Tiểu thừa hướng tới Vô dư Niết bàn - một Niết bàn tịch diệt, từ bỏ mọi thú vui trần thế. Phật giáo Đại thừa lại hướng tới Hữu dư Niết bàn - một Niết bàn nhân bản, nhập thế và hoạt động cùng những buồn vui nhân thế. Các quan niệm về Niết Bàn đã mang lại một sức hấp dẫn, sức sống mới cho Phật giáo về lối tu hành, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.
Khát vọng về tự do là một
khát vọng cao đẹp của nhân loại. Các học thuyết xã hội về sự giải phóng con
người đều hướng tới một thế giới tự do lý tưởng. Đối với các tôn giáo khác,
luôn hướng đến một thế giới lý tưởng đó là cõi Thiên đường đầy hoa thơm trái
ngọt, chỉ có hạnh phúc, yêu thương, không thù hận. Trong Nho giáo, xã hội lý
tưởng là một xã hội đại đồng. Tuy nhiên sự giải thoát trong Phật giáo là Niết
bàn. Đối với một số người, tiếp cận khái niệm này dưới góc độ hướng ngoại thì
Niết bàn là một khái niệm tương đối khó hiểu, thậm chí còn bị hiểu sai lệch
Niết Bàn thành một nơi có vị trí địa lý, một không gian như Thiên đường, con
người sẽ được về đó sau khi chết.
Đi từ sự khảo cứu kinh
sách Phật giáo và một số công trình nghiên cứu của các chuyên gia về Phật học,
từ góc độ tiếp cận hướng nội, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới
khái niệm Niết bàn và những hình thức chủ yếu của nó, lấy đó làm một trong
những cơ sở để giải thích về sự tồn tại của Phật giáo đến thời đại ngày nay.
1. Niết bàn là gì?
Niết bàn, theo tiếng
Sanscrit là Nirvana, tiếng Pali là Nibhana. Học giả Đoàn Trung Còn giải thích:
Niết bàn là “cảnh trí của nhà tu hành dứt sạch các phiền não và tự biết rằng
mình chẳng còn luyến ái nhục trần của thế gian, và theo lối triết tự thì là
người đã ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não”.
Pháp sư Huyền Trang triết
tự Niết bàn - Nirvana như sau:
1. Nir: ra khỏi, ly khai;
vana: con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay. Nirvana là ly khai con đường
quanh quẩn, chuyển dịch (bứt vòng sinh tử luân hồi);
2. Nir: không; vana: hôi
tanh, dơ bẩn, Nirvana là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch);
3. Nir: xa lìa, đào thải;
vana: rừng rậm, Nirvana là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời
sống).
Mặc dù các cách hiểu này
không đồng nhất song đều có chung một nghĩa căn bản: Niết bàn là sự đoạn trừ
dục vọng, xa lìa phiền não, dứt nghiệp báo luân hồi, thanh tịnh tuyệt đối. Đó
là sự ngưng đọng vĩnh cửu của không gian, thời gian trong cõi tâm linh sâu thẳm
của con người. Như vậy, Niết bàn trong Phật giáo không phải là một cõi Cực lạc
có vị trí không gian thời gian như một cõi thiên đường, mà là một trạng thái
tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, không vọng động, diệt ái tham
dục, xoá bỏ vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não.
Khi nói tới vấn đề con
người, phần lớn các tôn giáo khác đều thừa nhận con người có hai phần: phần xác
và phần hồn; phần xác thì tồn tại tạm thời còn phần hồn thì vĩnh cửu nên sau
khi thân xác bị huỷ hoại, linh hồn phải ở nơi nào đó để đầu thai vào một thân
xác mới, tiếp tục cuộc sống mới. Duy nhất chỉ có triết học Phật giáo không thừa
nhận có linh hồn bất tử, mà là nhân qủa và nghiệp lực tồn tại theo duyên khởi mà tái sinh, bởi thế cũng không cần có một không gian địa lý cho một linh hồn cụ thể nào cư ngụ. Mục đích của giải thoát trong Phật giáo không phải là lên Thiên đường, trở về với
Thánh Thần nào cả mà là sự tận diệt cái cá thể đầy những ham muốn dục vọng với
sự u tối của kiếp người để đạt tới Niết bàn, không còn nghiệp chướng để sanh tử
luân hồi.
Kinh Phật nói như thế nào
về Niết bàn? Đã nhiều lần học trò của Phật hỏi ông về khái niệm này. Ông thường
tránh không trả lời hoặc đáp rằng: “Cái gì ta chưa bộc lộ sẽ không bao giờ được
bộc lộ”. Có gì bí mật trong khái niệm trừu tượng, siêu nghiệm này? Không thể
nói về Niết bàn bằng ngôn từ được. Ngôn từ không thể diễn tả đúng, bất khả thuyết về cái
bản thể tuyệt đối ấy mà chỉ có thể biết được thông qua tu tập và chứng ngộ. Trong Ngũ bộ kinh, có tới 32 từ có nghĩa tương đương với
Niết bàn như: “đáo bỉ ngạn” (bờ bên kia), “đích cao cả”, “hoàn thành”, “chân
lý”, “đăng minh”, “an lạc”, “giải thoát”... Đặc biệt, trong Kinh Niết bàn, khái
niệm này đã được đề cập bằng ngôn ngữ phủ định: “vô sinh”, “khổ diệt”,
“vô minh diệt”, “ái diệt”, “vô uý”, “vô tác”, “vô ám”, “vô ngại”, “vô xuất”...
Trong lôgíc học và ngôn ngữ học, cách định nghĩa thông thường là quy một khái
niệm nhỏ vào một khái niệm lớn hơn rồi chỉ ra những đặc điểm riêng biệt của nó
(định nghĩa qua giống gần gũi và khác biệt về loài). “Diệt hẳn, mát mẻ, dứt
bặt, gọi là đã lìa tất cả các thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh”. “Đấy là sự chấm
dứt rốt ráo của chính dục vọng, vứt bỏ nó, thoát khỏi nó, dứt khỏi nó”.
Phật ví sự tiếp nối giữa
các đời trong vòng luân hồi như sự cháy tiếp nối của các cây nến. Cây nến này
tàn, cây nến khác lại được thắp lên. Sức nóng hay năng lượng của cây nến cũ đã
truyền sang cây nến mới. Giống như vậy, năng lượng của nghiệp truyền qua các
đời. Con người chỉ được giải thoát khi nào tắt dòng năng lượng, chấm dứt nghiệp
báo luân hồi.
Có người hỏi Phật: “Sau
khi chết, người giác ngộ sẽ đi về đâu?”. Phật sai người ấy lượm củi khô, nhóm
lửa. Càng nhiều củi, lửa càng cháy mạnh, khi không bỏ thêm củi nữa thì đám lửa
lụi tàn dần. Phật hỏi: “Lửa đi về đâu?”, người ấy trả lời: “Không! Nó chỉ tắt”. Phật thuyết rằng,
đó chính là điều xảy ra cho người giác ngộ. Dục vọng là củi, là nhiên liệu cho
ngọn lửa cháy, truyền năng lượng qua các kiếp luân hồi triền miên. Nếu không
nuôi dưỡng ngọn lửa đó nữa, nghĩa là không còn dục vọng, nó sẽ lụi tàn. Khi đó,
Niết bàn được hiểu như sự thanh lương, mát mẻ.
Đôi khi, Phật nói tới Niết
bàn như là cái không sinh, không diệt, không tăng trưởng và không giới hạn.
Trong Kinh Trung bộ, Niết bàn được đồng nhất với chân lý tuyệt đối, vượt khỏi
những ý niệm nhị nguyên, tương đối.
Về thực chất, Niết bàn
trong Phật giáo là một khái niệm phi thời gian, phi không gian, vô định về mọi
mặt, không có điểm khởi đầu và cũng không có hồi kết thúc. Vậy, có thể tìm thấy
Niết bàn ở đâu khi Niết bàn không ở trong một không - thời gian cụ thể?
Phật dạy rằng, có thể tìm thấy Niết bàn không phải ở nơi tận cùng của thế
giới mà ở ngay trong tấm thân một thước mấy của con người. Theo Phật, chính tư
duy sai lầm, vô minh đã khiến cho con người không thấy được Niết bàn trong
thực tại. Bởi thế, để đạt được Niết bàn, trước hết, con người phải khắc phục
những sai lầm trong nhận thức của mình, thoát khỏi vô minh, giác ngộ được lẽ
“vô thường”, “khổ” và “vô ngã”. Niết bàn là “vô ngã”: “Niết bàn là cái gì tuyệt
đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết bàn
là vô tướng - vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết bàn ta cũng phải vô tướng như
Niết bàn. Bước qua cửa Niết bàn, ta phải buông xả tất cả, không thể mang theo bất
cứ hành lý trần tục mà hy vọng vào được Niết bàn. Cái thân đã không mang theo
được, mà cả ý niệm về “cái tôi”, về “của ta” cũng không thể mang theo được.
“Cái tôi” càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết rằng: hễ hữu ngã là luân hồi
mà vô ngã là Niết bàn”.
Thoát khỏi cái bản ngã là
đạt tới Niết bàn, nếu con người còn chấp ngã thì sẽ không thoát khỏi những khổ
đau nhân thế. Niết bàn là bản thể tuyệt đối với đặc tính thường - lạc - ngã -
tịnh, trái ngược với vô thường - khổ - vô ngã - bất tịnh của thế giới thực tại.
Walpola Rahula đã phân tích khá sâu sắc trạng thái này: “Người đã chứng ngộ
chân lý, Niết bàn là người hạnh phúc nhất trần gian. Người ấy đã thoát khỏi mọi
mặc cảm và ám ảnh, mọi phiền não và lo âu, không làm cho những người khác bị điêu
đứng. Tinh thần của người ấy thật trong sạch hoàn toàn. Họ không hối tiếc quá
khứ cũng không mơ mộng về tương lai. Họ sống hoàn toàn trong hiện tại. Bởi thế
họ thưởng thức và vui hưởng sự vật một cách thuần tuý, không dự phóng. Họ vui
vẻ, hoan hỷ thưởng thức sự sống hiện tại một cách thuần khiết, sáu giác quan khinh an, không lo
lắng, bình thản và thanh thoát. Vì họ giải thoát khỏi dục vọng ích kỷ, thù hận,
vô minh, kiêu căng ngã mạn và trên cả những thứ bất tịnh xấu xa ấy. Họ trong
sạch, từ hoà, đầy lòng thương bao quát, từ bi, tử tế, thiện cảm và khoan dung.
Họ phục vụ kẻ khác một cách tự nguyện nhiệt thành và trong sạch nhất, vì không
còn nghĩ gì về mình. Họ không tích chứa gì cho bản thân, ngay cả
những gì thuộc tâm linh, bởi họ thoát ra khỏi cái tôi và lòng khao khát trở
thành gì đó...”.
Nhìn chung, Phật giáo thường đề cập tới hai hình thức cơ bản của Niết Bàn: Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn là Niết bàn tương đối, Niết bàn tại thế: nghĩa là, Niết bàn đạt được khi thể xác vẫn còn tồn tại nhưng tâm đã thoát khỏi phiền não. Người đó tuy còn sống nhưng đã được diệt, các nọc độc tham - sân – si, các kiết sử đã tiêu trừ hoặc trong qúa trình tu tập sẽ đạt được một lúc thoáng qua. Bản thân Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đạt tới Hữu dư Niết bàn khi ông 35 tuổi, lúc nhìn thấy sao mai mọc, sau 49 ngày ngồi dưới gốc cây Bồ đề để chiêm nghiệm về chân lý. 45 năm còn lại của cuộc đời, mặc dầu tâm đã xoá bỏ được vô minh, phiền não song ông vẫn không thoát khỏi sanh - lão - bệnh - tử.
Vô dư Niết bàn là Niết bàn
tuyệt đối, Niết bàn xuất thế hay còn gọi là Đại Niết bàn. Kinh Bản sinh giải
thích: “Thế nào là Vô dư Niết bàn?... Đó là trạng thái đã chứng được La Hán,
hết sạch các phiền não, phạm hạnh đã được thành lập, việc cần làm đã làm xong,
đã vứt bỏ mọi gánh nặng, đã chứng tự nghĩa, đã khéo giải thoát, đã được biết
khắp. Tất cả các điều cảm thụ bây giờ đều không còn do nhân dẫn đến, không còn
mong cầu, hy vọng cũng hết, rốt ráo tịch lặng, vĩnh viễn trong mát, ẩn lặng
không hiện, an trú vào cái thanh tĩnh không lý luận, không thể bảo rằng có, cũng
chẳng thể nói rằng không mà cũng không cho rằng chẳng có chẳng không”. Vô dư
Niết bàn chỉ đạt được khi đã chấm dứt sự tồn tại của thân xác, và luân hồi sanh
tử.
Xét về mặt bản chất, Hữu
dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn đều chỉ về trạng thái tâm linh thanh tịnh tuyệt
đối, tự do tự tại của con người. Điểm khác biệt là ở chỗ, Niết bàn đó đạt được
khi thân thể còn sống hay đã chết mà thôi.
2. Khái niệm Niết bàn trong
Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa
Sau thời của Đức Phật, (Phật giáo nguyên
thuỷ tính từ khi Phật tại thế tới 100 năm sau khi ông mất), Phật giáo dần dần
chia thành hai nhánh: Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Hai nhánh này
có quan niệm không giống nhau về Niết bàn. Xuất phát từ lập trường thực tại
luận, Tiểu thừa y theo lời dạy của Đức Phật, dạy rằng, thế giới này tồn tại thực sự, con người cũng tồn tại
thực sự nên những khổ đau của con người cũng là có thật chứ không phải chỉ là
những gì thuộc về cảm giác. Từ đó đi tới kết luận, chỉ có thể giải thoát
khỏi khổ đau bằng con đường tu tập định tâm, thoát tục, xuất gia tu hành, lấy
“diệt tận là cứu cánh” với phương châm diệt
mọi phiền não, chấm
dứt mọi nghiệp duyên sinh tử, giải
thoát khỏi nỗi khổ trong ba cõi, đạt
tới Vô dư Niết bàn (diệt, tận, ly, diệu). Niết bàn mà Tiểu thừa hướng tới là Niết bàn xuất thế, xa lánh
thế gian, đạt được bằng lối tu chứng tứ quả thông qua thiền định và quán chiếu
sự vật hiện tượng. Với Tiểu thừa, vì vô ngã là Niết bàn nên muốn đến được Niết
bàn, con người phải từ bỏ những thú vui trần thế, những ái dục và khao khát
“trở thành”. Không còn những bạo động, buồn vui, chấp ngã nơi nhân thế, Niết bàn
chỉ là sự tịch diệt, tĩnh lặng, thân tâm thanh tịnh. Tuy nhiên lý tưởng
Niết bàn Hữu dư và Vô dư tịch tĩnh là cách mà Đức Phật đã đạt đến bằng con
đường buông xả, thoát ly, dẫu khó thực hiện, nhưng không phải không thể thực hiện
trong đời sống hiện đại ngày nay với mọi người có cơ duyên Phật pháp, có lòng
kiên định và niềm tin vững chắc vào chánh pháp.
Sự ra đời của Đại thừa
thực chất là một trường phái tư duy khác của Phật giáo, xuất phát từ nhu cầu
phục vụ đại chúng và bổ sung thêm những nội dung không được thể hiện trong Tiểu
thừa, mong tìm lại chỗ đứng vị thế Phật giáo trong xã hội. Độc đáo nhất trong
Đại thừa là quan niệm về Niết bàn. Khái niệm Niết bàn trong Đại thừa được cho
là Niết bàn và luân hồi không có gì sai khác. Theo họ, vì bị bóng tối của đám
mây vô minh bao phủ nên con người mới nhầm lẫn hiện tượng ảo giả với bản chất
đích thực của thế giới. Do đó, giải thoát không cần sự chối bỏ thứ gì trong cuộc sống
mà chỉ cần “xuất tự thế gian tướng” để đạt tới trạng thái không còn phân biệt
bờ bên này - sinh tử và bờ bên kia - giải thoát, không còn phân biệt chúng sinh
và Phật, mê và ngộ! Sinh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ đề. Niết bàn và luân
hồi chỉ là một nhưng nhìn trong vô minh thì là luân hồi, nhìn khi giác ngộ là
Niết bàn, giống như nhìn sợi dây thừng trong bóng tối là con rắn nhưng nhìn
trong ánh đèn thì chỉ là sợi dây thừng, không còn đáng sợ nữa. Vì vậy, phải
chấp nhận sống trong luân hồi thì mới chi phối được nghiệp báo luân hồi. Trong
Đại thừa, phái Duy thức bổ sung thêm hai loại Niết bàn nữa, là Tự tính thanh
tịnh Niết bàn và Bất trụ Niết bàn. Thực chất, đó cũng chỉ là những dạng thức
mới của Hữu dư Niết bàn. Tự tính thanh tịnh Niết bàn chính là bản tính thanh
tịnh vốn có ở cái tâm của mỗi người mà khi đạt tới đó, con người được giải
thoát. Còn Bất trụ Niết bàn là khái niệm nói về trạng thái của những con người
sống ngay trong thế giới hiện thực, tồn tại trong luân hồi nhưng vẫn tự do tự
tại, làm chủ bản thân mình; đồng thời, tích cực hoạt động cứu giúp những người
khác để cùng được giải thoát như mình. Họ sống giữa cõi đời với cái tâm “vô sở
đắc” (tâm không cầu được) với khát vọng giúp cho mọi người cùng được giải thoát
khỏi khổ đau như mình. Cuộc đời của Phật Thích Ca là cuộc đời của một con người
“Bất trụ Niết bàn” vì ông đã đạt tới Hữu dư Niết bàn từ năm 35 tuổi nhưng không
dừng lại mà tích cực hoạt động truyền giáo trong 45 năm cho lý tưởng cứu độ
chúng sinh. 45 năm đó là 45 năm Bất trụ Niết bàn của người đã đặt chân tới Niết
bàn nhưng chưa yên vị trong Niết bàn tịch tĩnh.
Như vậy, từ tuyên ngôn
“Lìa sinh tử chứng Niết bàn” (thoát khỏi sinh tử mới đạt tới Niết bàn tối hậu) của Tiểu
thừa tới tuyên ngôn “Liễu sinh tử, đắc Niết bàn” (rõ được sinh tử là đạt tới
Niết bàn) của Đại thừa, tùy theo duyên tu tập Phật tử mà mỗi hướng đi đều có sức hấp dẫn riêng về
phương pháp tu tập. Tới đây, sinh tử hay luân hồi cũng không có gì đáng sợ nữa.
Khổ đau đã trở thành cơ duyên giúp con người vươn tới, đạt được lý tưởng cao
siêu của giải thoát. Quán chiếu vô thường, vô ngã giúp con người thoát khỏi khổ
đau. Để tới được Niết bàn, con người, một mặt, phải giác ngộ được lẽ vô thường;
mặt khác, phải đạt được tự do tinh thần, không bị ngoại cảnh chi phối, hiểu được tính "không" của vạn pháp, khi nào
thoát khỏi chấp ngã (mắc vào cái tôi cá nhân), khi đó con người đạt tới
Niết bàn. Mỗi con đường tu không bao giờ chấm dứt hay rẽ vào ngõ cụt.
Có thể nói sự khác nhau
trong quan niệm về Niết bàn của Tiểu thừa và Đại thừa quy định hai lối tu khác
nhau. Với quan niệm Niết bàn Tiểu thừa thực hành lối tu xuất thế, bậc Thánh
nhân thực sự trong đời sống thực của con người. Với quan niệm Niết bàn Đại thừa
thực hành lối tu nhập thế, sống hoà đồng cùng đời tục, theo sở chấp của chúng
sinh mà hành, nhưng biết vươn lên giữa cuộc đời.
Nhưng dù là Phật giáo Tiểu
thừa hay Đại thừa, người tu hành chân chính luôn đi theo tôn chỉ của Đức Phật
đã dạy, đó là con đường trung đạo, không chấp ngã, không biên kiến và biết chọn
lọc những tinh hoa để tu bồi cho công phu tu tập của mình trở nên viên mãn,
đường lối đúng đắn và phù hợp với xã hội đương thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét