Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thích Từ Hòa và Thích Phước Lượng
GIỚI - ĐỊNH - TUỆ
A- DẪN NHẬP
Tam vô
lậu học là môn học thù thắng gồm có Giới-Định-Tuệ. Ba
môn học này chỉ có trong giáo pháp của Đức Phật.
Trong ý
nghĩa chiết tự: lậu có nghĩa là phiền não. Do vậy, Tam vô lậu học có ý
nghĩa là ba môn học giúp hành giả vượt khỏi sự trói
buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại. Lậu cũng có nghĩa
là rơi rớt, nên Tam vô lậu học là phương tiện giúp hành
giả không còn rơi rớt trong ba cõi, tâm không còn bị ràng
buộc bởi mọi lậu hoặc.
Như
vậy, Tam vô lậu học là ba môn học đoạn trừ phiền
não, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn, không còn nằm
trong sự kiềm tỏa của tam giới và không dừng lại ở phước
báo sanh thiên.
B- NỘI DUNG
I- GIỚI VÔ LẬU HỌC
1)-
Định nghĩa: Giới có những ý nghĩa như sau:
-
Giới (Sila) tức là «phòng phi chỉ ác«, nghĩa là đề phòng điều trái quấy,
dừng chỉ mọi điều ác, cũng có nghĩa là «chỉ ác tác thiện« tức là
ngưng làm điều ác, làm mọi điều thiện, trên đây là chỉ về ý nghĩa tổng
quát của giới.
-
Giới có nghĩa là điều phục, chế ngự, tức Tỳ nại
da (Vinaya). Chế ngự ở đây với những ý nghĩa chế ngự bằng
sự tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến, chế ngự bằng kham
nhẫn, chế ngự bằng tinh tấn... mục đích để đạt sự thanh
tịnh ba nghiệp.
- Giới
luật cũng có nghĩa là Biệt giải thoát (Pratimoksa-s), cũng gọi
là xứ xứ giải thoát hay tùy thuận giải thoát. Biệt giải
thoát tức là giữ giới phần nào thì được giải thoát phần
đó. Giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít
thì giải thoát ít. Còn tùy thuận giải thoát là
tùy hành giả trì giới cách nào thì hiệu quả theo đó
mà thành tựu thuộc về hữu vi hay vô vi. Pratimoksa-(s)
cũng có nghĩa là trói buộc, giữ gìn, thúc liễm những hành động của
thân và khẩu không để tạo ác nghiệp.
Giới
luật cũng đồng ý nghĩa luân lý đạo đức, cách cư xử, nếp
sống hướng thượng...
2)- Mục
đích hình thành giới bổn (Pratimoksa; Patimokkha):
Trong Tăng
Chi Bộ kinh, 3B - trang 73, Đức Phật dạy 10 mục đích hình
thành giới bổn như sau:
1.
Để Tăng chúng được cực thịnh
2.
Để Tăng chúng được an ổn
3.
Để chặn đứng các người khó điều phục
4.
Để các vị Tỳ kheo tốt được sống an ổn
5.
Để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại
6.
Để chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai
7.
Để đem lại niềm tin thanh tịnh chính đáng cho những người
chưa tin
8.
Để làm tăng trưởng niềm tin thanh tịnh chính đáng cho
những ai đã có lòng tin
9.
Để cho chánh pháp được tồn tại
10.
Để cho giới luật được chấp nhận
Với
những điều kiện trên, chúng ta thấy mục đích hình
thành giới bổn cũng là để ngăn ngừa điều ác, làm
và tăng trưởng điều thiện. Như Luật tạng nói: «Giới là để chế
ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để
được hân hoan, hân hoan là để được hỷ, hỷ là để được khinh
an, khinh an là để được lạc, lạc để được định, định để được chánh
kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly
tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để
có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ
trước Niết bàn«.
3)-
Phân loại giới:
a)- Giới
theo quan điểm Đại thừa (Mahayana) gồm ba loại:
* Nhiếp
luật nghi giới: Là giới có những giới điều cụ thể để thực
hành theo các thứ bậc tu hành, gồm có các giới của tại
gia và xuất gia. Đó là Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập
thiện giới cho hàng Phật tử tại gia. Sa di và Sa
di ni có 10 giới, Thức xoa ma na ni thêm 6 học giới, Tỳ
kheo 250 giới, Tỳ kheo ni 348 giới, Bồ Tát (tại
gia và xuất gia) có 10 giới trọng và 48 giới khinh.
* Nhiếp
thiện pháp giới: Có nghĩa là người thực hành chuyên tâm thực
hành những hành vi toàn thiện, coi đó cũng là một hình thức thực
hành giới.
* Nhiêu
ích hữu tình giới: Nghĩa là lấy tiêu chí hành động vì mục đích lợi lạc tha
nhân và quần sanh làm giới hạnh.
b)- Giới thế
gian và xuất thế gian:
*
Giới thế gian: Là giới luật đưa đến quả báo hữu lậu, tức
chưa ra khỏi tam giới. Nghĩa là người thực hành giới này chỉ hưởng phước
nhân thiên, vẫn còn luân hồi trong ba cõi: Dục giới, Sắc
giới, Vô sắc giới. Ví dụ: 5 giới thuộc về nhân thừa, hay các dạng giới
cấm thủ của ngoại đạo.
*
Giới xuất thế gian: Là giới đưa hành giả đến quả vị vô
lậu, tức được tự tại giải thoát khỏi tam giới, không còn bị
rơi rớt trong sanh tử. Ví dụ người thực hành giới Tỳ
kheo tinh chuyên và viên mãn, đó là nhân. Sẽ được hưởng quả
vị A La Hán (vô sanh), đó là quả. Thực hành giới vô lậu sẽ
được hưởng quả vô lậu. Đây mới chính là Giới vô lậu học.
c)- Giới
theo ba bậc: Hạ, Trung và Thượng:
*
Giới bậc Hạ: Là giới thọ trì do mưu cầu danh lợi, vì động
lực tham ái, do vậy còn tái sinh.
*
Giới bậc Trung: Giới thọ trì vì còn ham quả báo được công
đức, tức còn chấp tướng, chấp phước, hay giữ giới để có lợi
lạc giải thoát riêng mình, gọi là giới bậc Trung.
*
Giới bậc Thượng: Là thực hành giới vì kỉnh giới, tin giới, vì mục
đích lợi tha, không chấp ngã nhân vì cầu với ý
nghĩa Ba la mật, là giới bậc Thượng.
4)- Tính
chất - nền tảng của giới - lợi ích của sự giữ giới:
a)- Tính
chất:
Giới
bổn được đặt trên căn bản để giữ thân tâm được thanh
tịnh, dần dần triệt tiêu những phiền não, tham, sân, si. Giới
trong Phật pháp mang đậm tính nhân văn, nhân bản, đó
là tinh thần linh động trong sự phân biệt từng loại:
khinh, trọng, tánh tướng, hay trong mỗi trường hợp mà có cách ứng
xử trì giới phù hợp: khai, giá, trì, phạm. Vậy nên giới học trong Phật
pháp không mang tính giáo điều (dognia) cứng nhắc và cực
đoan bế tắc như một số tôn giáo khác. Tinh thần này phù
hợp với quan điểm «tự tại vô ngại« và «tùy duyên bất biến« hay
«Phật pháp bất định pháp« của Phật giáo.
b)-
Nền tảng:
Giới
được đặt trên nền tảng tự lợi và lợi tha, tự thanh tịnh bản
thân, cũng là để thanh tịnh quần thể sống, thanh tịnh quốc
độ. Nếu bạn trì giới đúng nghĩa thì cũng có nghĩa góp phần thánh
hóa nếp sống của mọi người.
c)- Lợi
ích của sự giữ giới:
«Giới
luật chính là bậc thang đầu của đạo quả giác ngộ, là nền tảng
của thiền định, trí tuệ, là ngọc anh lạc để trang
nghiêm pháp thân, là thuyền bè để đưa người qua bể khổ sanh tử, là
kho tàng vô lượng công đức« (HT Thích Thiện Siêu).
Giới
như đèn sáng lớn
Soi
sáng đêm tối tăm
Giới
như gương báu sáng
Chiếu
rõ tất cả pháp -- (Kinh Phạm Võng - Bồ Tát giới)
Người
có giới đức sẽ hưởng được 5 sự lợi ích như sau:
1.
Người trì giới sẽ thừa hưởng gia tài pháp bảo nhờ
có tinh cần
2.
Được tiếng tốt đồn xa
3.
Không sợ hãi rụt rè khi đến trước hội chúng đông đảo
4.
Khi chết, tâm không rối loạn
5.
Sau khi mệnh chung được sanh vào thiện thú, thiên giới --
(Trung Bộ II)
Tuy
nhiên, trong kinh Hạt muối (Tăng Chi Bộ kinh I) và kinh Đại nghiệp
phân biệt (Trung Bộ III), Đức Phật đã nêu rõ sự trì giới và phạm
giới với những hậu quả còn tùy thuộc vào tâm ý hay những tác
nghiệp (ác hay thiện) đã gây tạo ra trước đó.
II- ĐỊNH VÔ LẬU HỌC
1)-
Định nghĩa:
Định
(Samàdhi-p) cũng dịch là Tam ma đề, hay chỉ, là chỉ cho trạng
thái tâm ý chuyên chú tập trung vào một đề mục, một đối tượng,
một biểu thức nhất định ngõ hầu để tâm không bị xao động,
nhiễu loạn, phân tán do những tác động chủ quan và khách quan.
2)-
Phân loại:
a)-
Định cận hành và định an chỉ:
-
Định cận hành: Là định có được do hành giả sử dụng các
pháp quán sát và tưởng tư những đề mục: sáu tưởng niệm,
quán xác chết, quán sự an ổn, quán Tứ niệm xứ, quán sự hình
thành và phân tán của tứ đại.
-
Định an chỉ: Là sự nhất tâm đạt được liền sau định cận hành,
do quán tưởng mà tâm ý được lắng đọng, dừng nghỉ mọi vọng thức.
b)-
Định thế gian và định xuất thế gian
-
Định thế gian: Là sự nhất tâm có chiều hướng thiện nhưng không
có được tác dụng liễu thoát sanh tử, xuất ly tam giới,
nghĩa là hành giả còn bế tắc trong lục đạo. Ví dụ sự chuyên
chú của những nhà khoa họạc vào một mục tiêu thí nghiệm, đưa đến
sự nhất tâm, tâm ý không bị chi phối bởi những ngoại duyên,
nhưng đó là định phát sinh có giới hạn, tự phát và không có chí hướng.
Người ta còn gọi đó là một thứ «phàm phu thiền«.
Hay
như hình thức tu định của một số ngoại đạo hạn chế ở mức
độ cầu phước báo sanh thiên, vì theo quan niệm của họ, Phạm
Thiên (Brahma) hay Thượng đế là đấng chí thượng. Người ta còn gọi
đây là «ngoại đạo thiền«.
-
Định xuất thế gian: Là định thuộc về Thánh đạo, người đạt được định
này tức đã thoát khỏi sự kiềm tỏa của tam giới (Dục
giới, Sắc giới và Vô sắc giới), được giải thoát khỏi
dòng bộc lưu sanh tử. Định xuất thế gian câu hữu đi những quả
vị vô sanh (A La Hán), Duyên Giác (Bích Chi Phật)... Đây mới
chính là Định vô lậu học.
Theo quan
điểm Đại thừa, định xuất thế gian còn được phân loại như sau:
- Tiểu
thừa thiền: Chỉ cho phương tiện tu định đưa đến kết quả Thanh
Văn (A La Hán) do tu 16 pháp quán, và Duyên Giác do tu
pháp quán nhân duyên. Đây là pháp tu cho người có chí cầu giải thoát,
tâm thích trầm lặng yên tĩnh, tránh cảnh duyên... thường thực
hành các pháp Ngũ đình tâm quán, Tứ niệm xứ, Thập nhị nhân
duyên... để phá trừ kiến chấp, ngã chấp, cũng gọi là thiền đối
trị. Quả vị pháp tu này là các bậc Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà
Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật an trú trong cảnh Niết
bàn tịch tịnh.
- Đại
thừa thiền: Thiền định câu hữu với 51 bậc của Bồ
Tát do tu quán nhị không (ngã không và pháp
không). Trong Bát Nhã Tâm kinh có đoạn: «Quán Tự Tại Bồ
Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ
uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách... Tam thế chư Phật y
Bát nhã Ba la mật đa cố đắc A nậu đa la tam miệu tam
Bồ đề«.
Pháp
tu này để cho những người có căn cơ cao, thích hoạt động,
có lòng từ bi thương xót chúng sanh, thường lăn lộn trong cảnh
đời, chung sống trong xã hội mà tâm hồn luôn luôn an định:
«cư trần bất nhiễm trần«, có hạnh nguyện của Bồ Tát.
Pháp tu
thiền định Đại thừa là dùng trí Bát nhã quán chiếu các
pháp ngũ uẩn giai không (ngã, nhân, chúng sanh, thọ mệnh),
dứt được vô minh hoặc chướng và trần sa hoặc chướng, phổ
độ chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Phương
pháp tu thiền định này là y cứ vào kinh Kim Cương,
Lăng Nghiêm, Viên Giác, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... mà quán Tứ
cú kệ, Nhất tâm tam quán, Lục độ, Thập độ..., không chấp nhị
biên, không thiên vô hữu.
Hành thiền
pháp Đại thừa là định trong cảnh động, lấy cảnh trần lao để
làm môi trường tu hành và hóa độ chúng sanh. Chỗ giải
thoát của hàng Đại thừa thiền là Vô trụ xứ Niết bàn, lên đến Thập
địa Bồ Tát thì phá được một phần vô minh, chứng được một phần pháp
thân, cho đến khi viên mãn thành bậc Diệu giác tức
là Phật.
- Tối
thượng thừa thiền: Là pháp thiền định dành cho các bậc thượng
căn, thượng trí, khỏi dùng phương tiện, giáo ngoại biệt truyền, không
dùng văn tự dài dòng mà là «trực chỉ chơn tâm, kiến
tánh thành Phật« (chỉ thẳng nơi tâm người, kiến tánh thành Phật).
Người đại
trí không cần giảng dạy nhiều, chỉ cần nói qua một câu, một bài kệ hay
một cử chỉ, hành động là khai thị được tánh giác của họ, làm tỏ ngộ tức khắc
bao nhiêu nghiệp hoặc, phiền não chấp trước lâu đời. Nay chỉ
trong một sát na là tiêu tan hết, tâm quang sáng
suốt, định tánh hiển bày, cũng như khi mây tan gió tạnh thì mặt
trời chiếu sáng giữa hư không.
III.- TUỆ VÔ LẬU HỌC
1)-
Định nghĩa:
Tuệ
vô lậu học là môn học làm phát sinh trí tuệ vô lậu. Tuệ
là nói gọn của hai từ trí và tuệ.
Theo
Từ điển Phật học (Phân viện Nghiên cứu PH - Hà Nội) định
nghĩa: Trí là đối với đạo lý hết thảy sự vật có khả năng đoán định phải
trái, chánh tà... mà chọn lấy hay từ bỏ mặt này hay mặt khác thì gọi
là trí. Quán lý Tứ đế hay Thập nhị nhân duyên đều là trí.
Tuệ là cái tác dụng phân biệt sự lý, quyết đoán nghi ngờ, thông
đạt sự lý... Thông đạt sự tướng hữu vi thì gọi là
trí. Thông đạt không tướng vô vi thì gọi là tuệ. Hay định
nghĩa chung về trí tuệ là: quyết đoán là trí, tuyển chọn là tuệ. Biết
rõ Tục đế là trí, biết rõ Chân đế là tuệ.
Theo Đại
cương câu xá luận (HT Thích Thiện Siêu) xác định: «Đặc sắc của trí là
tính quyết định, đặc sắc của tuệ là tính phân biệt rõ
ràng sự lý các pháp«. Như vậy, tuy có những nhận định khác
nhau về trí và tuệ, nhưng ta nhận thấy rằng có một sự đồng nhất về mặt ý
nghĩa. Trí có tác dụng của tuệ, tuệ bao hàm tác dụng của
trí. Do vậy, gộp chung trí và tuệ lại mà gọi chung là trí tuệ. Nhưng có một quan
điểm chung nhất đó là: Thông đạt sự tướng hữu vi, hay chỉ
biết rõ Tục đế gọi là trí. Thông đạt không tướng vô
vi hay biết rõ Chân đế gọi là Tuệ. Và đây chính là Tuệ vô lậu (Anàsravam).
Theo
định nghĩa của ngài Buddhaghosa thì: «Trí tuệ có đặc tính thấu nhập
vào các pháp. Trí tuệ có phận sự phá tan bóng tối của ảo tưởng bao
phủ tự tính của các pháp - biểu hiện của nó là không bị mê mờ bởi
vì thiền định là nguyên nhân trực tiếp của nó« (Tinh
hoa và sự phát triển của đạo Phật, dịch giả Chơn Pháp - Nguyễn Hữu Hiệu
- Tu thư ĐH Vạn Hạnh, Saigon, 1970). Như vậy, dù nhìn góc độ nào
đi nữa thì trí tuệ (vô lậu) vẫn là chất liệu tinh anh cao tột
nhất để quyết đoán và chọn lựa đối với mọi sự, mọi vật.
2)-
Nội dung của tuệ học:
Nội
dung của tuệ học chính là toàn bộ giáo lý mà Đức
Phật đã thuyết giảng trong 45 năm, được tập trung
trong giáo lý Tứ đế và lý Duyên khởi. Nó bao gồm đủ
cả giới học và định học. Do vậy, đối tượng của tuệ học là giới
học và định học, hay giáo lý Tứ đế và Nhân
duyên sinh.
Trong
phẩm Chuyển pháp luân thứ 2 của kinh Tương Ưng V, nội dung
của Tuệ học là sự thấu rõ tường tận về 4 chân lý bao gồm:
-
Thế nào là khổ
-
Nguồn gốc của khổ
-
Sự diệt tận các khổ
-
Các phương pháp để diệt tận khổ
Cốt
lõi thứ hai nội dung của Tuệ học chính là sự hiểu rõ về giáo
lý Nhân duyên hay Duyên khởi. Trong kinh Phật Tự Thuyết
thuộc kinh Tiểu Bộ số 1, nội dung của giáo lý Duyên khởi là:
«Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt.
Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này diệt, cái kia diệt«. Như vậy, hiểu
rõ hay có trí tuệ về lý Duyên khởi chính là trực
nhận rằng các pháp hiện hữu trên thế gian này đều do
nhiều yếu tố, nhờ nhiều nhân duyên mà có mặt và cũng
do nhân duyên mà đoạn diệt. Hiểu rằng vì bản chất của
các pháp là như vậy, cho nên các pháp là vô thường, là vô ngã, nằm
ngoài sự sáng tạo của đấng «tối cao«.
Từ
hai nội dung cốt lõi trên, chúng ta có thể kết luận: trí
tuệ vô lậu khác hẳn trí tuệ hay trí thức thế
gian. Trí tuệ thế gian là nhờ sự học tập hay kinh nghiệm cuộc
sống mà có được. Còn trí tuệ vô lậu là thành quả có được
nhờ vào công năng tu tập và thể nghiệm bản thân. Trí
tuệ thế gian chỉ là yếu tố trợ duyên để có thể
làm tăng trưởng trí tuệ vô lậu, chứ nó không thể giải
thoát hoàn toàn được. Trí tuệ vô lậu là con đường đưa
đến cuộc sống an lạc hạnh phúc, giải thoát ngay
trong hiện tại và tương lai. Trí tuệ vô lậu nhìn
đúng sự thật nhân sinh và vũ trụ; nó không bao giờ xem
xét sự vật bằng cảm quan, bằng suy lường, bằng cảm nhận; mà nó nhìn
vào sự vật, hiện tượng nhờ vào sự thể nghiệm thiền tập và đi
vào chánh định, chánh kiến. Do vậy, chỉ có hành thiền mới đưa đến trí
tuệ vô lậu.
3)-
Phân loại trí tuệ:
a)
Đứng về mặt phân biệt thì trí tuệ có hai loại: tuệ hữu
lậu và tuệ vô lậu, hay còn gọi là tuệ thế gian và xuất
thế gian. Tuệ hữu lậu là tuệ có quan hệ mật thiết với phiền
não thế gian và không có khả năng dứt trừ phiền não ấy. Đó
là thứ trí tuệ phổ thông, còn gọi là thế tục
trí (Jnànam-laukikam; Knowledge of the world). Trí tuệ này chỉ
có công năng hiểu biết các pháp trên mặt hiện tượng. Trí
tuệ này còn câu hữu với tham, sân, si, mạn, phiền não... Do
vậy chưa có công năng đoạn trừ chấp thủ.
Trí vô
lậu là trí thanh tịnh, có công năng cắt đứt mối quan hệ với phiền
não. Sự hiểu biết các pháp nằm ngoài phạm trù đối
đãi và chấp thủ, đưa đến giải thoát và giải thoát tri
kiến, chứng vô lậu Niết bàn.
b)
Đứng về mặt tính chất thì trí tuệ được chia làm hai loại
là căn bản trí và hậu đắc trí.
* Căn
bản trí hay còn gọi là chánh trí, vô phân biệt trí. Trí này
là căn bản sinh ra nhất thiết công đức, là giác
tánh viên minh mà mỗi chúng sanh vốn đã có sẵn. Đó
là bản thể của tâm vốn là trong lặng, sáng suốt, nhưng vì bị vọng
niệm, phiền não che lấp, cho nên những đức tính sáng suốt trong
lặng ấy không hiển lộ ra được.
* Hậu
đắc trí hay còn gọi là tục trí, như lượng trí. Là trí tuệ có
được nhờ công phu tu tập Giới-Định-Tuệ mà có được. Có thể hiểu hậu
đắc trí là một quá trình thanh lọc tâm khỏi các triền phược, phiền
não... để trở về căn bản trí. Trong hậu đắc trí đã có mầm mống
của căn bản trí. Nơi tâm thể của chúng ta đã có căn bản
trí, sở dĩ chúng ta chưa nhận diện được nó do
vì mê chấp vọng cầu... dấy khởi che lấp. Như gã cùng tử có viên
minh châu trong tay áo mà không nhận biết. Cho nên chúng
ta cần phải tu tập để có hậu đắc trí, và nhờ vào hậu đắc
trí như là một phương tiện để thể nhập căn bản
trí vốn có của mình.
c)
Trên phương diện tu tập thì trí tuệ có ba loại: văn
tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Đây là các cấp độ trí tuệ thứ tự từ
thấp lên cao và làm căn bản liên hệ cho nhau.
* Văn
tuệ: Là phương pháp tu tập trí tuệ nhờ vào sự nghe hoặc trực
tiếp nghiên cứu, tụng đọc giáo lý mà lãnh hội ý nghĩa,
phát sanh trí tuệ.
* Tư
tuệ: Là trí tuệ có được nhờ vào quá trình tư duy, xét đoán,
trầm tư về những lời dạy của Đức Phật mà khai sáng thêm trí tuệ.
Đây là giai đoạn tiếp theo văn tuệ, tư duy những gì đã được
nghe, được đọc... Đó là tư duy về giáo lý Tứ đế, Thập
nhị nhân duyên... liên hệ đến con người và sự vật.
*
Tu tuệ: Khi đã có văn tuệ, tư tuệ thì đem áp dụng trí
tuệ đó vào cuộc sống mà tu tập và hành trì thông
qua thiền định, để thể nghiệm và thể nhập sự thật của các
pháp. Chính nhờ tu tuệ mà có được chánh trí, chứng ngộ Niết
bàn tối thượng. Chính trí tuệ này là trí tuệ thâm nhập thực
tại vô ngã của các pháp mà Đức Phật có được ngay
đêm thành đạo.
4- Lợi
ích của trí tuệ:
Lợi
ích của trí tuệ không thể nghĩ bàn đối với cuộc sống hiện tại và
tương lai. Chính vì thế mà Phật giáo lấy trí tuệ làm sự
nghiệp (duy tuệ thị nghiệp). Muốn xây dựng một cuộc sống hạnh
phúc, an lạc trọn vẹn cho tự thân và cho tha nhân, muốn hiểu
được chính mình và hiểu được người thì phải có trí tuệ để quán
chiếu; muốn bước lên bờ giác ngộ giải thoát, trí tuệ vô
lậu là yếu tố quyết định. Tu tập về trí tuệ vô
lậu sẽ đạt được nhiều lợi ích. Tuy thế, tóm tắt lại
thì có những lợi ích thiết thực thể hiện rõ qua các điểm
sau:
* Trí
tuệ tẩy trừ phiền não
Phiền
não là ngọn lửa luôn luôn ngủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng
ta bất cứ lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành,
mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Tu tập là nhằm từng
bước đoạn trừ phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...). Vậy
thì lấy gì để đoạn trừ phiền não? Ấy là trí tuệ. Trí tuệ ấy chất
chứa lòng từ, bi, hỷ, xả, chánh định và chánh kiến. Phật
giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm - gươm trí tuệ, và chỉ công
nhận một kẻ thù - vô minh (Avijjà). Đây là một minh chứng hiện
thực và sống động, chứ không phải là lời nói suông.
Và đạo Phật đặt sự hiểu biết bằng thực nghiệm lên trên hiểu
qua sách vở và suy nghĩ. Phật giáo xây dựng cuộc sống an
lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ chứ không phải bằng đức
tin. Đức tin đối với Phật giáo chỉ là một phương tiện bước
đầu trong tiến trình đi đến giác ngộ. Cốt tủy của đạo Phật là
vậy.
Trong
kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: «Này các Tỳ kheo, nếu người
có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh giác,
không để sanh ra tội lỗi. Thế là trong pháp của ta có thể được sự giải
thoát... Người có trí tuệ chân thật, ấy là chiếc thuyền chắc vượt
qua biển già, bệnh, chết; cũng là ngọn đèn chiếu sáng cảnh tối
tăm mờ ám; là món thuốc hay trị các thứ bệnh; là lưỡi búa bén chặt đứt
cây phiền não. Thế nên các ông phải dùng tuệ: văn, tư, tu mà tự làm cho
thêm phần lợi ích. Nếu người có trí tuệ chiếu soi, dù
cho nhục nhãn thì cũng là người thấy được rõ ràng«.
*
Nếm được vị ngọt Thánh quả và xứng đáng được cúng dường
Chúng
ta biết rằng tuệ được phát sanh là nhờ tu tập thiền định. Vị ngọt
của Thánh quả là vị ngọt trong trạng thái thành tựu thiền
định của các bậc Thánh. Trong lúc an trú tâm vào định cũng
như xuất định, thì bậc Thánh giả cảm nhận được niềm hỷ lạc vô
biên sâu lắng trong tâm thức, không thể diễn tả được trọn
vẹn bằng ngôn từ. Vị ngọt thiền lạc ấy vượt ra
ngoài nhận thức của phàm phu, vị ngọt ấy đậm nhạt khác nhau tùy
vào công hạnh thành tựu của từng Thánh quả. Cũng như vị
vua thưởng thức sự hoan lạc của bậc đế vương, chư
Thiên thưởng thức Thiên lạc, còn các bậc Thánh thì thưởng thức Thánh
lạc siêu thế. Thánh lạc này đạt được nhờ vào tâm tác
ý duy nhất vào Niết bàn. Và chỉ có hành giả nào thực sự thành
tựu trí tuệ trong tu tập thì mới cảm nhận được trạng
thái ấy mà thôi. Người có được trí tuệ vô lậu như các bậc Thánh
quả và chư Phật thì xứng đáng được sự cúng dường của chư
Thiên và loài người. Vì đã thành tựu mọi công hạnh xuất
thế, là ruộng phước của thế gian, là nơi quy ngưỡng của chúng
sanh gieo trồng mọi công đức trong cuộc đời.
* Thẩm
thấu được sự vật và thể nhập chân lý
Lợi
ích rốt ráo của tuệ là giúp cho hành giả nhìn thấy
rõ nhân sinh và vũ trụ đúng như thật với bản
chất của chúng; đó là thấy được duyên sinh tính, vô thường tính
và vô ngã tính qua giáo lý Tứ đế và Duyên khởi.
Do thấy được như vậy nên hành giả tự tin nơi mình khả năng chuyển
mê khai ngộ. Trí tuệ mở cửa đi đến tự do (tự tại), xa
lìa khổ đau do chấp thủ, không thấy có «ta« và «tự ngã của ta«. Từ đó
mà thể nhập chân lý, đó là chân như, là tuệ giác của tự
tâm, của bản lai diện mục, là Phật tính hằng chuyển.
C- KẾT LUẬN
Giới-Định-Tuệ
là ba môn học căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật
giáo. Bởi vì toàn bộ giáo lý Phật giáo không nằm
ngoài phạm vi Giới-Định-Tuệ. Do vậy, nói học Phật là học Giới-Định-Tuệ, tu
Phật là tu Giới-Định-Tuệ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét