Thiện
Ý
Chỉ có ai đã trải qua nỗi đau
khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận được hạnh phúc tột cùng.
Only a man who has felt
ultimate despair is capable of feeling ultimate bliss.
Alexandre Dumas.
Khổ
đau đến giống như những ngày mưa gió bão bùng để nhắc nhở chúng ta biết
sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió nhẹ hiền hòa. Tất nhiên, không ai muốn
mình bị đau khổ và luôn tìm mọi cách để tránh né chúng. Nhưng,
đôi lúc, chúng ta cần có đau khổ để cảnh báo mình
phải dừng lại để đánh giá cuộc sống của mình. Những người đạt
đến đỉnh cao hạnh phúc trong đời sống là những người biết
hướng tâm nhiều về tâm linh và thường không quan tâm nhiều
đến vật dục. Mỗi ngày, chúng ta phải trải qua một
cuộc đấu tranh lớn bên trong nội tâm. Đó là cuộc đấu tranh giữa thể
xác và tâm linh. Thể xác là nơi phát sinh những đam mê vật
dục mà mình sinh ra đã có sẵn từ giòng họ, hay mình đã tạo tác trong
trong quá khứ. Đau khổ thường xảy ra khi vật dục không
được đáp ứng thỏa đáng, và tâm linh thì cứ tiếp tục đòi
hỏi thêm mãi. Nghĩa là thân và tâm không được hòa hợp, bình
an.
Một
người kia vừa mới chết và được sinh vào một nơi thật là xinh đẹp, bao
quanh với mọi thứ lạc thú không thể nào tưởng tượng được. Một
người bận áo choàng trắng đến đón chào anh ta và nói, “Ngài có thể có
mọi thứ ngài muốn - thức ăn, khoái lạc, mọi thứ giải trí.”
Anh
ta thật là sung sướng, và cả ngày anh ta thử hết tất cả những món mà anh
ta đã mơ ước khi ở trần gian. Nhưng một ngày kia, anh ta đâm chán với tất
cả mọi thứ, và cho gọi người hầu đến, và nói, “Tôi chán hết mọi thứ ở đây rồi,
tôi cần một việc gì đó để làm. Ông có việc gì cho tôi làm hay không?”
Người
hầu buồn bả lắc đầu, rồi đáp, “Xin lỗi ngài. Đó là điều duy nhất chúng
tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của ngài. Không có việc
làm gì ở đây cho ngài cả!”
Nghe
người hầu trả lời xong, anh ta bèn quát lớn, “Thật là hay chưa! Tôi
chẳng thà sinh vào địa ngục.”
Người
hầu đáp nhẹ nhàng, “Vậy ngài nghĩ ngài đang ở đâu đây?”
Theo
như câu chuyện cho thấy, nếu sống ở đời mà không có khổ đau thì đời
người thật là trống vắng và buồn chán! Điều đáng nói ở đây là: Tại
sao đau khổ lại cần thiết trong đời sống? Đau
khổ sẽ mang lại lợi ích gì mà mình cần đến nó? Nếu chúng
ta tư duy cho kỹ mình sẽ thấy tại sao Phật lại nói về khổ đế (sự
thật về khổ), là một trong bốn sự thật (Tứ đế), trong bài giảng
đầu tiên, chuyển pháp luân. Tại sao đức Phật không khởi đầu
bằng đạo đế (sự thật về đạo)? Nhớ lại lịch sử khi đức
Phật còn là thái tử, trong lúc dạo chơi ngoài thành, Ngài đã trực tiếp
nhìn thấy khổ đau. Ngài kinh ngạc phát hiện ra rằng
những khổ đau này không chừa ai cả! Như lời ông Xa nặc đã trả lời:
‘Hễ làm con người tức là phải có bệnh, có lão, và có tử. Không
ai có thể tránh khỏi.’ Ngài lại càng ngạc nhiên thêm khi thấy hầu
như ai cũng mặc nhiên chấp nhận sự thật này mà không hề làm
một cái gì đó để tránh né. Khổ đau là đầu mối khiến thái tử Sĩ
Đạt Ta ưu tư không dứt và là một trong những nguyên nhân khiến
Ngài quyết tâm cầu đạo giải thoát.
Nếu
tôi nhớ không lầm thì trong một đoạn kinh văn có mô tả: Sau khi đức
Phật giác ngộ, Ngài bèn lên đường trở lại núi Tuyết để giáo
hóa cho 5 anh em Kiều Trần Như, như Ngài đã hứa trước khi xuống
núi. Trên đường, Ngài có gặp một hành giả du già khổ hạnh vị hành
giả này thấy Phật tướng hảo, nhưng lại quá sạch sẽ, gọn gàng, trông
không giống một vị du già sư, bèn hỏi: “ Ngài là ai? Tu hạnh gì? Sao trông
nhẹ nhàng, tự tại vậy?” Đức Phật trả lời: “Ta là Phật,
là bậc giác ngộ, đã thấu rõ mọi lẽ sanh diệt của tất cả các
pháp thế gian nên không còn luân hồi sanh tử nữa!.” Vị du
già sư nghe xong, quay lưng bỏ đi. Ông vừa đi, vừa lắc đầu không
tin, và trong đôi mắt có vẻ thương hại Phật vì nghĩ rằng Phật
đã mất trí nên mới dám xưng tụng mình như vậy!
Câu
chuyện cho chúng ta thấy nếu Phật chỉ nói về sự giác ngộ của
Ngài thì có lẽ không ai có thể hiểu nổi được Ngài nói cái gì! Cái mà chúng
ta kinh nghiệm nhiều nhất đó là đau khổ. Và chính vì
vậy, đức Phật đã dạy chúng ta cách nhìn thấy sự thật về đau
khổ để tìm con đường diệt khổ (đạo đế). Sự thật mà
nói, dù chúng ta đã trải nghiệm nhiều về đau khổ, nhưng phần nhiều chúng
ta chỉ biết sợ khổ; và hầu như, ít khi nào học được gì nhiều từ đau
khổ. Bằng chứng là chúng ta luôn chạy theo vật dục để
kiếm tìm hạnh phúc và cố tránh né, càng nhiều càng tốt, tất
cả những gì mang lại khổ đau. Thậm chí mình phát tâm tu là cũng
vì ‘sợ khổ’. Thế mà oái oăm thay, mình lại cứ đụng phải khổ đau hoài!
Thực
ra, khổ đau không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực đáng chán, đáng
sợ; ngược lại, có nhiều lúc chúng ta cần có đau khổ để thức
tỉnh bản thân. Như vậy, đau khổ là một vị thầy, nhắc nhở chúng
ta phải biết ‘hồi đầu hướng thiện’. Cho nên trong 2 câu đầu của 10
Điều Tâm Niệm, Phật dạy:
1. Nghĩ
đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục
vọng dễ sanh.
2.
Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi
dậy…
Cái bệnh
khổ và hoạn nạn ở đây đóng một vai trò cần thiết trong
đời sống tu tập. Đó là chúng giúp diệt trừ dục vọng và
kiêu sa. Như vậy, có tuệ giác nằm bên trong bệnh khổ và hoạn
nạn. Chỉ có điều là chúng ta có nhìn thấy cái tuệ giác bên
trong đó hay không? Vì phần nhiều chúng ta chỉ biết than oán và lo sợ. Chính
tâm phiền não và sợ hãi này đã che lấp tuệ giác của
mình. Cho nên, khiến mình không vận dụng được cặp mắt chánh tri kiến để
thấy rõ giá trị của bệnh khổ và hoạn nạn.
Phật
dạy rằng khi mình thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ trực tiếp, chúng
ta ngay lập tức buông bỏ, cũng giống như khi mình cầm lên cái chảo sắt
đang nóng bỏng sẽ khiến mình rút tay lại (trích đoạn từ bài dịch ‘5 Bước
Hóa Giải Tính Ghen Tức’). Khi chúng ta cảm thấy cái đau
khổ cùng cực, mình sẽ muốn được giải thoát khỏi chúng ngay vì
mình học được từ tuệ giác nằm bên trong mỗi kinh nghiệm, đặc
biệt là càng thống khổ thì tuệ giác càng sâu.
Như câu
chuyện về nàng Liên Hoa Sắc, con một trưởng giả vô cùng sang
giàu. Lúc lên 16 tuổi Liên Hoa Sắc lấy chồng. Sau thời
gian chung sống với chồng, Liên Hoa Sắc sinh một bé gái. Nhưng cảnh
đời trớ trêu cha chồng chết sớm, mẹ chồng dụ dỗ chồng
của Liên Hoa Sắc vào con đường mất hết đạo lý, và bà
còn đối xử tệ bạc với Liên Hoa Sắc. Cuộc sống của Liên Hoa
sắc không khác một tớ gái trong gia đình. Quá buồn tình uất ức, Liên
Hoa Sắc trốn nhà ra đi, bỏ con lại cho chồng, và cũng không dám trở về với gia
đình cha mẹ nên lang thang đó đây, kiếm kế sinh nhai. Sau mấy
năm ổn định lại tinh thần, hương sắc phục hồi, Liên Hoa Sắc tái
giá với một thương gia giàu có. Vì sự nghiệp buôn bán ngược
xuôi, chồng Liên Hoa Sắc ít có ở nhà.
Nhờ
có tay buôn bán, chồng của Liên Hoa Sắc làm ăn ngày một phát đạt. Một
hôm chồng bà lén dẫn về một nàng hầu trẻ đẹp. Để tránh xáo trộn trong gia
đình, chồng bà tậu một biệt thự riêng để nàng hầu cư ngụ. Nhiều đêm, thương
gia lấy lý do giao tế, thăm viếng bạn bè, để đến nhà
riêng ăn ở với nàng hầu. Nghe bà con làng xóm xì xầm, Liên Hoa Sắc để
tâm theo dỏi. Vào một đêm, Liên Hoa Sắc đi bắt ghen kẻ cướp chồng
mình. Khi đột nhập vào ngôi nhà riêng của chồng bắt gặp hai người
đang tâm tình. Nhưng than ôi! Nàng hầu của chồng chính là con
gái mình của đời chồng trước. Tâm thần bấn loạn, Liên Hoa Sắc ngã
ra bất tỉnh. Chán nản thế thái nhân tình, Liên Hoa Sắc quyết
đi làm gái điếm để phá hoại gia thất của các chàng sở khanh.
Một
hôm, Liên Hoa Sắc đến ẩn nấp trong một hoa viên nằm
trên con đường ngài Mục Kiền Liên thường đi qua vào sáng sớm. Liên
Hoa Sắc đón đường ra chọc ghẹo. Nhờ có đạo lực, ngài Mục Kiền
Liên dừng lại từ tốn hỏi thăm và quyết tâm thuyết phục người dâm
nữ trở về nẻo thiện. Ngài dạy Liên Hoa Sắc: Tâm hồn bất
tịnh thì hãy đem Phật pháp mà tẩy. Đức Phật của tôi có
hàng vạn pháp môn rất khế lý khế cơ, con người có thể tùy
theo hoàn cảnh, khả năng, để chọn pháp môn tu tập.
‘Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời’, qua lời giải thích an ủi đạo
lý, Liên Hoa Sắc tỉnh ngộ, nét mặt trở lại tươi tỉnh,
xin đi theo ngài Mục Kiền Liên để bái yết Phật. Liên
Hoa Sắc được Phật cho phép xuất gia, trở thành tỳ kheo
ni gương mẫu, và về sau Liên Hoa Sắc chứng quả A La Hán, trở
thành vị tỳ kheo ni có thần thông số 1.
Tỳ
kheo Ni Liên Hoa Sắc đã thấu rõ tuệ giác bên trong hoàn
cảnh đầy bất hạnh của mình. Khi quản chiếu sâu xa cuộc
đời của Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc, chúng ta thấy sự nổi
bật của đau khổ, luôn biến hoá, thay đổi tiến trình đời sống của
bà. Chúng ta thấy bà sinh ra trong cảnh giàu sang, rồi sau khi lấy
chồng, có con. Đây có thể là giai đoạn hạnh phúc nhất của cuộc
đời bà. Nhưng sau đó, bất hạnh bủa vây sau khi cha chồng
qua đời. Khi lập gia đình lần thứ hai, bà lại có những ngày an
vui, hạnh phúc cho đến khi chồng bà lén lút có nàng hầu.
Khổ đau xen kẽ hạnh phúc. Nhưng chính nhờ những kinh nghiệm đau
khổ mà ngài Liên Hoa Sắc đã dễ dàng thấu hiểu và thực hành đúng
những pháp môn Phật đã chỉ bày, và nhanh chóng chứng thành quả
thánh A La Hán.
Đúng
là: ‘khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy.’ Khổ đau là người bạn chân
thật, không dấu diếm, khoe khoan, không màu mè, kiểu cách. Nó trực
tiếp thức tỉnh chúng ta phải nhìn lại đời mình, xem những giá
trị mình đang theo đuổi có thực sự quan trọng như mình
nghĩ hay không?! Hoạn nạn cũng vậy, nó đã dạy chúng ta biết
dừng lại để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là chân
giá trị của đời sống.
Nhờ
có chánh tri kiến, chúng ta thấy rằng ai cũng cần có khổ đau vì
khổ đau là một liều thuốc đắng giúp trị lành những căn bệnh bất trị. Chúng
ta cảm thấy khổ đau không phải là một cái gì thật đặc biệt, chỉ
có mình phải chịu như trong câu chuyện Phật dạy bà Kisa Gotami về cái
chết của đứa con 7 tuổi của bà. Ai cũng đã từng trải nghiệm khổ đau, bất kể kẻ
sang, người hèn. Cứ mỗi lần kinh nghiệm với khổ đau chúng ta lại
thấy được nhiều điều giá trị. Và nếu chúng ta biết dừng lại, quán
chiếu những kinh nghiệm đó, mình sẽ tìm thấy cái tuệ
giác ngay chính trong kinh nghiệm khổ đau đó. Do đó, khổ đau
không còn là kẻ thù mà có thể là một người bạn tuy khó tính, nhưng rất chân
thật mà ai cũng cần phải có để giúp mình tu tập, chuyển
hóa.
Thiện Ý (tháng 11,
2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét