Thích Trung Hữu
- Hỏi “đi tu là đi đâu?” nghe có vẻ dư thừa. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này. Vì thật tế cho thấy rằng có những người sau khi xuất gia rồi không biết mình nên làm gì.
Có người ở chùa mấy mươi năm mà không ý thức được mình đang ở đoạn đường nào trên con đường mà mình đang đi. Trong bài viết nhỏ này, người viết xin ôn lại một vài lời dạy của Đức Phật ngày xưa, như một gợi ý để nhắc nhau tu hành trong thời đại phức tạp này.
Ngày
nay một người sau khi cạo tóc xuất gia thường được thầy tổ gửi
vào các trường Phật học để học. Cứ như thế học hết trường này đến
trường khác. Có người học xong các chương trình Phật học rồi thì
theo học các trường bên ngoài. Sau khi học xong, một số người trở thành giảng
sư, một số đi dạy ở các trường Phật học, một số người thì tổ chức làm
những việc khác như làm từ thiện, tổ chức phóng sinh, và một số thì
hầu như… thất nghiệp, không có việc gì làm. Có lẽ vì vậy mà
nhiều Tăng Ni đã theo học hết trường này đến lớp khác. Họ rất sợ
không còn lớp để học, vì hình như ngoài việc đi học ra họ không còn biết làm
gì. Học cho hết thời gian… Những cách học và làm việc trên đây thật
ra không có việc nào gọi là tu đúng nghĩa, không phải là cốt lõi của
sự tu hành theo lời Phật dạy.
Muốn
biết cốt lõi của Phật giáo là gì, ta hãy quay trở lại cội
nguồn ban đầu của Phật giáo thì rõ. Bản thân Đức
Phật và những đệ tử của Ngài khi đó, đi tu đều vì mục đích được giác
ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, những khổ đau phiền
não. Việc truyền bá Chánh pháp chỉ thực hiện sau khi
đã giác ngộ, đã chứng được một trong bốn quả Thanh văn, hay chí ít
cũng đã nắm được pháp môn tu và hưởng được phần nào hương vị giải
thoát.
Chính
vì chủ trương như thế nên khi Đức Phật còn tại thế, người nào
sau khi xuất gia cũng tập trung vào việc tu tập để chứng
quả và coi đó là bổn phận duy nhất của mình. Và đây là lý
do vì sao vào thời Đức Phật, số người chứng quả vị rất
nhiều. Rõ ràng, cốt lõi của việc tu hành trong đạo
Phật là để giác ngộ và giải thoát, chứ không phải bất cứ
cái gì khác. Đọc Kinh tạng Nikaya và A-hàm, chúng ta thấy
có rất nhiều bài kinh nói về “mục đích tối cao mà các thiện
nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình hướng đến” và đều thống nhất một mục tiêu duy nhất là
đoạn trừ sinh tử, như được ghi trong kinh Sela (thuộc Trung
bộ kinh): “Rồi Tôn giả Sela với hội chúng sống một
mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao
lâu, Tôn giả chứng được mục đích tối cao mà các thiện
nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia
đình hướng đến. Đó là vô thượng phạm hạnh ngay trong hiện
tại, tự chứng đạt và an trú. Sanh đã tận, phạm hạnh đã
thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác
nữa. Vị này biết như vậy và Tôn giả Sela với hội chúng trở
thành các vị A-la-hán”.
Đặc
biệt trong Tiểu Kinh có ví dụ lõi cây (thuộc Trung bộ kinh) Đức
Phật đã dạy rất rõ ràng về mục đích của xuất gia,
về cốt lõi của tu hành: “Này Bà-la-môn, ví như một
người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, đứng trước
một cây lớn, cao thẳng, có lõi cây, nhưng người ấy không biết mình đã bỏ qua
lõi cây, bỏ qua dác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy
chúng mang đi và tưởng rằng đó là lõi cây. Một người khác nhìn thấy
vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết dác cây, không
biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi
cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, người này bỏ
qua lõi cây mà chặt cành lá lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây.
Và người này không đạt mục đích tìm lõi cây để có thể thành tựu’”.
Trong đó, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng là cành lá, giới
đức là vỏ ngoài, thiền định là vỏ trong, tri kiến là
dác cây, và tâm giải thoát bất động là lõi cây.
Đức
Phật chê trách những ai tu hành vì để đạt được lợi
dưỡng, tôn kính, danh vọng, giới đức, thiền định, tri
kiến và tuyên bố rằng đó đều không phải là mục đích chân
chính của “người vì lòng tin xuất gia, sống đời phạm hạnh, tu
tập giải thoát”. Và Ngài kết luận rằng: “Như vậy, này
Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn
kính, danh vọng, không phải vì thành tựu giới đức, không
phải vì thành tựu thiền định, không phải vì tri kiến. Và này
Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm
hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của
phạm hạnh”. Tâm giải thoát bất động chính là giải thoát khỏi phiền
não khổ đau của cuộc đời, giải thoát khỏi sinh tử luân
hồi, và đó mới là mục đích tối cao của việc tu tập Phật
pháp.
Đọc
lại những lời dạy của Đức Phật, nhìn lại chúng ta ngày nay như
thế nào? Chúng ta đã đạt được (hay có ý muốn đạt
được) lõi cây chưa? Chỉ e là ngay cả dác cây, vỏ trong, vỏ ngoài cũng không thể
tìm thấy, mà chỉ có cành lá, tức là chỉ có lợi dưỡng, cung kính, danh
vọng mà thôi. Chúng ta đạt được cái điều thấp nhất mà Đức
Phật chê trách. Ấy vậy mà không ít người khi có những điều đó
lại rất tự hào, rất hãnh diện. Chúng ta không biết, hoặc đã quên
đi cốt lõi của việc tu hành. Ngày nay chúng ta không
khó bắt gặp những người chỉ mới làm được một số việc như từ thiện, thuyết
pháp, dẫn chương trình, đưa tin tức Phật sự, tập hợp được
một tín đồ, được danh tiếng, cung kính, cúng dường, được cử
làm chức vụ trong Giáo hội… thì liền “hoan hỷ, tự mãn… khen mình, chê người,
rằng ta được lợi dưỡng như vậy, được danh vọng như vậy, còn
các Tỷ-kheo khác ít được biết đến, ít có uy quyền”. Rõ ràng chúng ta đã bám
víu vào cái mà Đức Phật dạy chúng ta phải từ bỏ.
Chúng
ta đã bị lạc đường rồi! Cho nên càng đi chúng ta đã xa
rời với lý tưởng thật sự của người tu hành theo giáo pháp của Phật.
Những
người lạc quan cho rằng Phật giáo hiện nay đang rất phát triển
vì làm được nhiều việc, có nhiều tín đồ theo. Tôi thì không nghĩ như
vậy. Ngược lại, tôi cho rằng chính những cái mà ta cho là đang phát triển đó
lại là biểu hiện của một sự thiếu hụt bên trong. Điều này có thể hiểu
theo hai cách: Hoặc là do bị thiếu hụt bên trong nên người ta cố
gắng làm cho cái bề ngoài phát triển, hoặc là do chỉ tập trung phát triển
cái bề ngoài mà bỏ qua cái bên trong. Dù sao thì chúng ta cũng cần
phải nhìn lại tình trạng tu tập hiện nay và cần chú
trọng trở về với mục đích và lý tưởng thật sự của
việc tu hành, của đời sống tu sĩ.
Khi
đọc về con đường tu hành và hoằng hóa của Đức Phật, chúng ta thật
sự hâm mộ và yêu thương cuộc sống ấy biết mấy. Sau
khi xuất gia cho một vị nào đó, Đức Phật đã dạy họ phương
pháp tu tập. Vị đệ tử ấy vâng lời Đức Phật, đã “lựa
một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi
tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm” để thực tập pháp ấy cho
đến khi giác ngộ. Trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng
có thể làm được việc đó, nếu như chúng ta “đủ can đảm” buông bỏ đi
những “thành tựu” bên ngoài, đủ dũng khí xả ly tiền tài, vật
chất, danh vọng, địa vị. Một vị thầy, sau khi xuất gia cho đệ
tử, ngoài việc dạy oai nghi tế hạnh của người tu sĩ thì
điều quan trọng là phải định hướng, hướng dẫn con đường tu tập, cũng
như tạo điều kiện cho đệ tử tu hành để đạt được mục
đích chân chính của người tu, tức là giác ngộ và giải thoát,
như Đức Phật đã từng làm.
Như
đã đề cập ngay từ đầu, chúng ta đi tu không phải để đi tìm việc
làm, mà là đi tìm sự giác ngộ. Chúng ta buông bỏ cả cuộc
đời của mình, vào chùa ở không phải chỉ để chuyển từ “bán hủ
tiếu mặn sang bán hủ tiếu chay”. Việc làm thì có giới hạn nên
sẽ có nhiều người bị thất nghiệp, nhưng tu hành để đạt được giải
thoát là việc mà ta có thể phải làm cả cuộc đời, thậm chí còn trải
qua vô lượng kiếp tu. Giáo pháp của Đức Phật là để tu, để
hành trì và chứng đắc, chứ không phải để trưng bày, tạo ra danh vọng, địa vị,
tiền tài phục vụ cho vu lợi cá nhân. Và cũng chỉ có tu, chứ không chỉ rao giảng
suông, mới làm cho giáo pháp của Đức Phật sống động giữa cuộc
đời. “Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống,
hãy tu tập thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về
sau”.
Mong
sao những lời dạy tha thiết của Đấng Từ phụ không chỉ là lời hay ý
đẹp chỉ nằm trên những trang kinh …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét