Thích Nhất Hạnh
Phương Pháp Thực Tập Hạnh Phúc
Phần II.
CHUYỂN HÓA VÀ TRỊ LIỆU
(Từ 16 đến 23)
16. Hiểu và thương
Hiểu
và thương tuy hai chữ mà một ý. Một buổi sáng kia, cậu con trai của bạn thức
dậy thì thấy đã gần giờ đi học. Cậu liền đến đánh thức em gái của
mình còn đang ngủ, để hai anh em có thể kịp ăn sáng trước khi đến trường. Em
bé ấy thay vì cám ơn lại gắt lên: " Đi đi! Kệ tôi!"
Cậu
bé có thể đã nổi giận vì thái độ không dễ
thương của em và có thể đi vào bếp để mách lại với bạn điều
đó. Nhưng cậu bé chợt nhớ rằng tối hôm qua em bé đã ho nhiều, chắc
em đã bị sốt, không ngủ được, nên sáng nay mới khó chịu như vậy. Khi hiểu được
điều đó, cậu bé không còn thấy giận em gái nữa.
Khi
bạn đã hiểu, không thể nào mà bạn không thương. Và khó mà bạn có thể tiếp
tục giận được.
Khi bạn đã hiểu thì bạn biết phải làm gì để người kia bớt đau khổ, bạn làm chuyện ấy rất tự nhiên không thấy cần phải cố gắng nhiều. Cho nên muốn hiểu sâu, ta nên tập nhìn mọi loài với con mắt từ bi.
17. Tình thương chân thật
Muốn
thương ai, ta phải hiểu người đó. Nếu chỉ muốn chiếm hữu người
đó làm của riêng thì đó chưa phải là thương. Ta không thể gọi đó
là thương nếu ta chỉ biết lo cho ta, cho những nhu cầu của riêng ta
còn những nhu cầu của người đó thì ta không hề để ý đến. Tình
thương chân thật chỉ có khi ta thấy được những gì người thương ta cần hay
không cần.
Khi
ta hiểu rõ ai, không thể nào mà ta không thương cho được. Lâu
lâu ta nên ngồi sát cạnh người thương của ta, cầm tay người ấy và khẽ nói:
"Này em của anh, em có nghĩ là anh đã hiểu em chưa? Hay anh vẫn còn vụng
về và làm cho em đau khổ? Hãy nói cho anh biết, bởi anh muốn thương em thật
lòng!" Nếu ta thực tâm muốn tìm hiểu người thương thì
giọng nói của ta sẽ biểu lộ sự quan tâm và người ấy sẽ mũi
lòng.
Cánh cửa cảm thông đã mở, chuyện gì mà ta làm chẳng được. Người ta đôi khi không có thì giờ hoặc không đủ cam đảm để hỏi con trai của mình những câu hỏi tương tự: " Con của ba, ba thương con, nhưng không biết ba đã hiểu được con chưa? " Ta phải có cam đảm đặt câu hỏi đó với con cái ta, nếu thương mà không hiểu, thì tình thương đó chưa đúng cách, trái lại càng thương ta càng làm cho người ta thương "bị thương". Phải có hiểu mới có thương thật sự. Khi được hiểu, người được thương sẽ nở như một bông hoa.
18. Từ bi quán
Từ
là đem niềm vui đến cho người, bi là lấy nỗi khổ của người ra. Chúng
ta ai cũng có hạt giống từ bi, và nhờ thực tập quán
chiếu " thương người như thể thương thân " ta triển
khai những hạt giống này thành những nguồn năng lực dồi
dào. Từ bi là tình thương đích thực không kỳ thị vướng
mắc nên không gây khổ đau phiền não.
Chất
liệu của từ bi là sự hiểu biết, khả năng đi vào da thịt của
người kia, làm một với họ, với mọi niềm đau nổi khổ của họ. Bi có nghĩa
là thông cảm với cái khổ của người và có năng lực chuyển
hóa cái khổ đó.
Chúng
ta có thể bắt đầu tập quán chiếu về những người đau khổ về thể
chất, những người yếu đuối bịnh hoạn, những người cùng cực bơ vơ
không có ai nương tựa. Những người này ở đâu cũng có, rất dễ thấy. Có những trường
hợp vi tế hơn. Có những người có vẻ không có gì là đau khổ, họ rất
kín đáo, nhưng nếu quan sát kỹ, ta cũng thấy được những dấu hiệu chứng
tỏ họ cũng có những niềm đau. Cả những người sống trên nhung lụa cũng có
những đau khổ của họ.
Khi
ta quán chiếu về những người này, lấy họ làm đối tượng cho sự thực
tập để quán chiếu về từ bi, ta phải nhìn cho sâu và cho lâu
vào nỗi đau của họ, dù khi đang ngồi thiền hay thực sự tiếp
xúc với họ, ta phải nhìn cho kỹ để thấu triệt nỗi đau của họ đến
khi ta cảm thấy niềm xót thương trào dâng trong lòng.
Nhờ quán
chiếu sâu sắc như vậy mà xúc cảm của ta biến
thành hành động. Ta thấy câu nói " tôi thương anh vô cùng" chưa
đủ mà ta tìm mọi cách để làm vơi nỗi khổ của người kia. Từ bi có mặt
khi ta thực sự làm người kia bớt khổ. Cho nên ta phải làm nẩy nở và nuôi
dưỡng lòng từ bi trong ta. Khi ta tiếp xúc với người
kia, ý nghĩ, lời nói và hành động của ta phải thể hiện được lòng
từ, dù thân khẩu của người kia chưa thanh tịnh cũng vậy.
Ta
phải thực tập như thế nào mà lòng từ bi của ta lúc nào cũng
có mặt, chứ không phải chỉ có mặt khi người kia dễ thương. Tình
thương của ta như vậy mới đích thực và vững chắc. Ta có nhiều an
lạc hơn và người kia cũng được an lạc theo. Niềm đau của họ
sẽ từ từ giảm thiểu và đời sống của họ dần dần sáng
sủa và tươi mát hơn.
Ta
cũng có thể quán chiếu về những người làm ta đau khổ vì
chính họ cũng đang đau khổ. Đó là điều chắc chắn. Chỉ cần tập theo
dõi hơi thở và quán chiếu là ta có thể thấy được niềm vui của
họ. Một phần những nỗi đau khổ và khó khăn của họ là do cha mẹ họ
trao truyền từ khi họ còn nhỏ. Mà cha mẹ họ cũng có thể là nạn nhân của
ông bà tổ tiên họ. Những hạt giống xấu cứ như vậy được truyền
trao đời này sang đời kia.
Nếu
thấy rõ điều đó, ta sẽ không còn trách cứ hay giận hờn họ nữa. Ta đã
hiểu được lý do vì sao họ đối xử không đẹp với ta. Ta không giận
mà trái lại ta cầu mong sao cho họ bớt khổ đau. Ta không cần phải tìm
đến họ để hòa giải. Khi ta biết nhìn sâu, ta đã hòa giải với
chính ta rồi.
Mọi vấn
đề đã được giải quyết. Lòng ta nhẹ nhàng và môi ta nở nụ cười
tươi. Sớm muộn gì người kia cũng thấy được thái độ hòa ái của
ta và cũng sẽ trở nên tươi mát như ta.
Cho
nên có từ bi, ta có an lạc hạnh phúc mà người khác cũng có được an
lạc hạnh phúc. Chánh niệm là chất liệu nuôi dưỡng cây hiểu
biết để từ đó hoa từ bi nở ngát hương thơm. Từ
bi không phải là một ý tưởng chỉ nằm trong đầu ta. Không phải chỉ
cần ngồi yên một chổ và quán tưởng về từ bi là ta
có thể gieo rắc tình thương đến mọi nơi như gửi đi những
luồng âm thanh hay ánh sáng. Từ bi phải được thể hiện cụ
thể hơn qua cách ta ăn ở đối xử với mọi người chung quanh.
Tình
thương là một nguồn suối dạt dào nằm sâu trong lòng ta, chỉ cần ý thức được
điều đó là ta đã có thể ban phát niềm vui đến cho bao người. Một câu
nói hiểu biết dễ thương cũng đủ làm vơi bớt nỗi khổ, đánh tan mọi nghi
kỵ hiểu lầm, đem lại tin yêu và tự do. Một hành động đúng
lúc có thể cứu sống một mạng người. Mà hành động và lời
nói ta chân chánh là nhờ ý nghĩ ta chân chánh.
Khi có tình thương chân thật thì tất cả những gì ta nghĩ, nói và làm đều trở nên phép lạ và đem lại nhiều lợi lạc.
19. Thiền ôm
Ôm
là một tập quán đẹp của người Tây Phương. Chúng ta có thể đóng
góp phần hơi thở ý thức vào việc này. Khi ôm một em bé trên
tay, ôm mẹ, ôm con hay ôm một người thân, nếu ta biết theo dõi hơi thở,
ta sẽ thấy hạnh phúc bội phần. Bởi nếu trong lúc ôm mà ta nghĩ đến
chuyện khác, có khác gì ta ôm một người nộm, ta không tiếp xúc thật sự
với người ấy, ta làm một cách máy móc, do đó cái ôm không có ý
nghĩa.
Tại
một khoá tu dành cho các nhà tâm lý trị liệu ở Colorado, một thiền
sinh, sau khi được thực tập thiền ôm, khi trở về nhà đã ôm
vợ mình thật cẩn trọng và sâu sắc như chưa bao giờ được ôm
vợ, làm bà vợ rất ngạc nhiên và hết sức cảm động. Nhờ vậy
bà vợ đã điện thoại xin tham dự khóa tu ở Chicago.
Phải thực
tập nhiều mới thấy thoải mái trong khi thiền ôm. Có người vừa
ôm vừa vỗ vào lưng bạn như để chứng tỏ rằng ta đang có mặt. Bạn
chỉ cần theo dõi hơi thở là bạn thấy mình đang có mặt thật sự với
người kia. Hai người đang thật sự có mặt với nhau trong giờ
phút hiện tại, và đó có thể là giây phút đẹp nhất trong cuộc đời bạn.
Nếu
cháu bé cưng của bạn đang đến với bạn mà bạn lại đang lo nghĩ về quá
khứ, suy tính về tương lai hay đang giận dữ thì tuy cháu đứng
đó mà bạn đâu thấy nó. Nó chỉ như một bóng ma vì chính bạn cũng đang là một
bóng ma. Muốn thấy rõ con, tiếp xúc được với con, bạn phải tiếp
xúc được với chính mình, phải làm mình có mặt trong giây phút hiện tại. Trở
về với hơi thở là trở về với con người thực
của mình để thấy sự hiện diện của những người thân là một thực tại nhiệm
mầu.
Thiền
ôm được thiết lập trước hết cho những người trong cùng một gia tộc.
Đã có những người cha và người con hòa giải được với
nhau nhờ ôm nhau trong ý thức. Trong im lặng hai cha
con ôm nhau, tuy không nói, nhưng đã xóa bỏ mọi hờn oán và nguyện
làm mới trở lại tình thương giữa hai người. Hai mẹ
con cũng vậy.
Vào ngày cúng giỗ tổ tiên hay cúng giỗ đầu năm, sau khi lạy ông bà, anh em nên quay lại ôm nhau trong chánh niệm. Phải ôm cho sâu sắc và thành kính. Chắp tay xá nhau thật sâu trước khi ôm và sau khi ôm. Thiền ôm là một nghi lễ. Nếu không có một cung kính tột độ, đó không phải là thiền ôm. Đó có thể là phá hoại thiền ôm. Lạy ông bà và tổ tiên sẽ không có ý nghĩ gì nếu con cháu không chịu hòa giải với nhau. Chúng ta nên thiết lập truyền thống đẹp đẽ này trong truyền thống gia đình.
20. Đầu tư vào tăng thân
Dù có bao nhiêu tiền trong nhà đi nữa, mình vẫn có thể chết dể dàng vì nỗi quạnh hiu và những khổ đau của mình. Cho nên nếu có được một người bạn tốt, xây dựng được một tăng thân tốt gồm những người bạn chân thật biết nâng đỡ và bảo bọc ta trong lúc khó khăn, đó là một nguồn đầu tư lớn. Những người bạn này giúp ta tiếp xúc với những yếu tố tươi mát và lành mạnh trong con người ta và chung quanh ta, nhờ đó ta trở nên một thành phần vững chãi của tăng thân, đem niềm vui và sự hiểu biết đến cho mọi người, cùng giúp nhau tiến tu trên con đường giải thoát.
21. Cháu chắc là niềm vui của
ông bà
Người
già rất thích được sống gần con cháu. Mà ở Tây Phương con cháu
thường gửi ông bà vào nhà dưỡng lão. Cho nên người già ở Tây
Phương thật là tội nghiệp. Họ không được sống gần con cháu.
Trong nhà dưỡng lão, họ chỉ tiếp xúc với những người già. Cuối
tuần con cháu mới đến thăm được một vài giờ và sau khi con cháu ra về, họ
càng cảm thấy lẽ loi cô độc.
Ở Việt Nam, ông bà lúc nào cũng sống với con cháu, kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe. Ta phải giữ gìn truyền thống này để người già luôn được gần gũi người trẻ, để người trẻ học được những cái hay của ông bà và để ông bà có niềm vui được nâng niu các cháu và ôm các cháu vào lòng.
22. Tăng thân tu học
Xây
dựng một tăng thân là điều cần thiết để cùng nhau sinh hoạt trong thương
yêu và hiểu biết. Ở Làng Hồng, trẻ em là mối lưu tâm đặc
biệt của người lớn. Mỗi người có trách nhiệm giúp đỡ các em, làm
cho các em sung sướng hạnh phúc vì nếu các em có sung sướng hạnh
phúc thì người lớn mới có thể có niềm vui.
Ngày
xưa gia đình ở Việt Nam là một mái nhà lớn qui tụ ông
bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, anh chị em, bà con, mọi
người cùng sống với nhau dưới một mái nhà rất êm vui và ấm
áp. Xung quanh nhà là vườn cây xum xê bóng mát, ta có thể bắt võng đu
đưa vào những buổi trưa hè. Có những buổi tối quây quần ăn cơm ngoài
sân, hàn huyên chuyện trò và nhìn ngắm trăng lên. Vào thời ấy trong gia
đình ít có những vấn đề trầm trọng như ngày nay.
Ngày
nay một gia đình thường chỉ có cha mẹ và một hai đứa con.
Khi cha mẹ lục đục cãi vã nhau là các con lãnh đủ, không biết cầu
cứu ai và núp trốn ở đâu. Vì nhà thường chỉ có dăm ba phòng, có chạy vào cầu
tiêu trốn vẫn nghe ba mẹ cãi vã om sòm, và không khí ngột ngạt không có chỗ
để thoát ra vì nhà lúc nào cửa cũng đóng kín mít.
Thế
nên chúng ta cần thiết lập những trung tâm tu học thay
thế những đại gia đình ngày xưa, xây dựng một nơi mà ở
đó mọi người đều biết sống trong chánh niệm và mỗi người có
thể đóng vai chú bác, cô hay dì cho mọi người nương nhờ. Chúng
ta ai cũng cần thuộc về một nơi nào đó, nơi mà mọi sự mọi vật đều
nhắc nhở ta một đời sống hiền hòa an lạc, từ tiếng
chuông ngân êm ả, đến vườn trúc xanh mượt, đến nét cong dịu
dàng của mái chùa cổ kính đơn sơ.
Những
người sống ở đó toát ra một vẻ tươi mát thanh thản nhờ ở sự thực
tập tỉnh thức. Họ như những cây đại thụ và khách nhàn du muốn
đến ngồi nghỉ mát dưới tàng cây. Đôi khi chỉ cần nghĩ đến họ thôi mình
cũng đã thấy tâm hồn an tỉnh trở lại và mình có thể mỉm
cười.
Ta
cũng có thể biến gia đình chúng ta thành một nơi tu học, mọi
người trong gia đình cùng thực tập, sống hòa hợp tỉnh
thức. Cha mẹ con cái đều tập thở, tập mỉm cười, tập ngồi
thiền, ăn cơm, uống trà trong chánh niệm.
Nếu có chuông thì cái chuông cũng là một thành phần của gia đình vì chuông giúp ta tu học. Gối ngồi thiền cũng vậy. Không khí trong lành cũng là một người bạn tu của ta. Gần nhà nếu có công viên thì ta đi thiền hành trong công viên. Do đó ta có đủ điều kiện để xây dựng một tăng thân tu học tại nhà. Lâu lâu ta mời một vài người bạn tới tham gia một ngày quán niệm với ta. Việc tu học sẽ dễ dàng và mau có tiến bộ nếu ta xây dựng được một tăng thân.
23. Đạo Phật đi vào cuộc đời
Trong
chiến tranh Việt Nam, nhiều xóm làng bị bom đạn tàn phá. Đồng bào khắp
nơi rên siết quằn quại. Cùng với các thầy, các sư
cô sư chú trong chùa, sau nhiều băn khoăn suy nghĩ, chúng
tôi quyết định rời thiền viện để ra cứu giúp đồng
bào. Đạo Phật bắt đầu đi vào cuộc đời từ lúc
đó. Bởi vì thấy và hiểu để làm gì nếu ta không hành động?
Chúng
ta phải ý thức được thực trạng của thế giới để biết
rõ cần phải làm gì. Giữa những khó khăn nguy hiểm, nếu ta vẫn giữ
được nụ cười và hơi thở chánh niệm, thì mọi người, mọi loài
quanh ta sẽ hưởng được nhiều lợi lạc. Khi bước chân đi ta có tiếp
xúc được một cách ngọt ngào với trái đất không? Trái đất như một bà mẹ
hiền, ta muốn thương yêu vỗ về với từng bước chân an vui tỉnh
thức. Từng bước chân an lạc tỉnh thức, đó là điều ta phải thực
tập mỗi ngày nếu ta muốn tiếp tục cuộc hành trình lâu
dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét