Thích Nhất Hạnh
Phương Pháp Thực Tập Hạnh Phúc
Phần III.
AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN
(Từ 1 đến 8)
1. Tương tức
Nếu
bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một đám
mây bay trong ấy.
Không
có mây thì không có mưa, không có mưa thì cây cối không mọc được, và nếu
không có cây thì làm sao có tờ giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có
mặt là vì đám mây có mặt, không có mây thì không có tờ giấy. Đám
mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi
là tương tức. Chữ này tiếng Anh tôi dịch là inter-being, chưa có
trong tự điển.
Nếu
nhìn tờ giấy kỹ hơn, sâu hơn, ta cũng sẽ thấy ánh nắng mặt trời lấp
lánh trong đó. Bởi vì nếu không có ánh mặt trời, làm sao rừng
cây mọc được. Dĩ nhiên không có gì mọc được nếu
không có mặt trời. Cho nên trong tờ giấy cũng có ánh mặt trời.
Tờ giấy và ánh mặt trời phải nương vào nhau mà có. Nếu ta tiếp tục quán
chiếu, ta sẽ thấy bác tiều phu đang cưa cây và đem cây đến nhà máy để cây được
chế biến làm ra bột giấy.
Ta
cũng sẽ thấy đồng lúa vì nếu không có lúa bác tiều phu đâu có cơm để
ăn mỗi ngày. Rồi ta thấy cả hai người đã sinh ra bác tiều phu. Do đó
ta thấy nếu không có tất cả các điều kiện kể trên, tờ giấy
không thể nào có mặt được. Nhìn sâu hơn nữa ta cũng sẽ thấy ta có mặt
trong tờ giấy. Cái này không có gì khó hiểu, vì khi ta nhìn tờ giấy, tờ giấy
là một phần của trí giác ta. Cho nên bạn và tôi đều có mặt trong tờ giấy.
Có thể nói rằng tờ giấy chứa đựng tất cả, không có gì mà không có mặt trong tờ
giấy; không gian, thời gian, đất nước, khóang chất, ánh mặt trời, đám
mây, dòng sông, hơi nóng....
Mọi
thứ nương nhau mà có trong tờ giấy này. Mọi thứ có mặt trong nhau, vì vậy tôi
mới dịch tương tức là "inter- be". Giả sử ta
gửi trả ánh nắng lại cho mặt trời thì tờ giấy này
còn hiện hữu được không? Không có ánh mặt trời, không còn gì có
thể tồn tại. Cũng vậy, nếu ta gửi trả bác tiều phu lại cho bố mẹ bác thì tờ
giấy này cũng không thể có mặt.
Vì vậy tờ giấy này được làm ra bởi những yếu tố "không phải giấy", như là tâm thức của ta, bác tiều phu, ánh nắng mặt trời...., tờ giấy không thể nào được tạo tác ra. Do đó, tờ giấy tuy rất mỏng nhưng chứa đựng cả vũ trụ trong lòng nó.
2. Hoa và rác
Nhơ
và sạch, thơm và hôi, đó là ý niệm của tâm thức ta. Một
bông hồng mới được cắt vào chưng trong bình, còn xinh tươi và thơm
ngát. Trái lại thùng rác thì đầy vật xú uế và hôi
hám. Nhìn như vậy là nhìn bề ngoài.
Nhìn
sâu hơn ta sẽ thấy rằng chỉ trong vòng năm ngày đóa hoa
thơm sẽ biến thành rác. Ta chẳng cần phải đợi đến năm
ngày mới thấy rõ điều đó. Ngay bây giờ nếu ta biết nhìn đóa hoa cho kỹ và sâu
là ta có thể thấy được sự có mặt của rác. Khi ta nhìn thùng rác cũng
vậy, ta biết chỉ trong vòng vài tháng những vật hôi hám kia sẽ biến
thành rau cải tươi ngon hay thành những đoá hồng xinh đẹp. Nếu bạn là
một người làm vườn giỏi, bạn sẽ thấy hoa trong rác và rác trong hoa không có gì
khó khăn. Rác và hoa nương nhau mà có. Trong hoa có rác, trong rác có hoa,
không thể có cái này mà không có cái kia. Không có cái nào quý hơn cái nào, cái
nào cũng quý như nhau.
Hiểu
được lý tương tức của vạn sự, vạn vật, ta không còn bị dính
mắc bởi tâm phân biệt, không còn dơ và sạch, đẹp và xấu.
Tại
nhiều thành phố lớn ở Phi, Thái Lan, Việt Nam... có nhiều em bé mới mười bốn,
mười lăm tuổi đã phải làm nghề mãi dâm. Các em rất đau khổ. Các em đâu muốn
làm nghề này nhưng vì gia đình nghèo, các em bỏ quê lên thành phố để
tìm việc và bị người ta gạt gẫm, dụ dỗ. Người ta nói làm nghề này các
em kiếm được nhiều tiền hơn là bán hàng rong. Một khi sập bẫy, các em khó thoát
ra được và từ đó các em mang mặc cảm tội lỗi, thấy mình không còn được
trong sạnh như bao cô gái nhà lành khác. Và các em thấy cuộc đời là địa
ngục.
Nếu
các em đó biết nhìn sâu vào con người mình, nhìn sâu vào hoàn cảnh xã
hội, các em sẽ thấy rằng sở dĩ các em như thế này là vì người khác
như thế kia, không thể nào khác hơn. Tại sao cô con gái nhà lành phải hãnh
diện vì tư cách "con gái nhà lành" của mình? Cô được gọi
là nhà lành vì nếp sống của gia đình cô như vậy, cô được
nuôi nấng,dạy dỗ, bảo bọc, có đủ điều kiện để làm cô gái nhà lành.
Còn người làm mãi dâm đã không có những điều kiện trên, nên họ trở
thành như vậy. Có gì phải ngạc nhiên hay mang mặc cảm? Chúng
ta không ai thật sự có bàn tay sạch hết. Cũng không ai có quyền nói rằng
" tôi không chịu trách nhiệm". Em bé mãi dâm ở thành phố Manila, Sài
Gòn hay New-York, sở dĩ như vậy là tại vì chúng ta đã
quá bận rộn, quá ích kỷ, không có thì giờ ngó ngàng tới em. Nhìn
sâu vào đời sống của em ta thấy rõ đời sống của những người
không phải là mãi dâm, những người được gọi là "lương thiện". Và nhìn
sâu vào đời sống của những người không phải là mãi dâm, vào cách chúng
ta sống hằng ngày, ta thấy được em bé mãi dâm.
Cái
này làm ra cái kia, không thể có cái này mà không có cái kia. Nhìn vào cái
giàu, cái nghèo cũng vậy. Nước này sung túc thì nước kia đói khổ. Cái
này có vì cái kia có. Cái sung túc được làm bởi những cái
không sung túc. Cái nghèo khổ được làm bởi những cái
không nghèo khổ. Đó là sự thật về bất công xã hội. Giống y
như khi ta nhìn vào tờ giấy vậy. Cho nên ta phải cẩn thận, đừng để
mình bị giam hãm trong ý niệm.
Ta phải thấu triệt lý tương tức, mọi thứ có mặt trong nhau. Ta có mặt trong mọt thứ. Cho nên ta chịu trách nhiệm về mọi việc xảy ra quanh ta. Nếu em bé mãi dâm hiểu được lý tương tức, em sẽ trút được gánh nặng của mặc cảm trong em. Em mang nổi đau nhức của cả thế gian chứ không phải chỉ của riêng em. Và muốn giúp em thật sự, ta phải thấy được chính ta trong em và em trong ta, lúc đó ta mới có thể chia sớt với em tất cả gian truân của cuộc đời này.
3. Vững chãi thảnh thơi
Nếu
ta thấy được trái đất là thân thể ta thì ta sẽ cảm nhận được biết bao
nổi đớn đau của trái đất. Chiến tranh, đói khổ, sự ô nhiễm, cộng
thêm những mưu đồ kinh tế và chính trị đã gây tàn phá khắp nơi.
Hàng
ngày có biết bao trẻ em bị mù vì bị thiếu dinh dưỡng, bàn tay của những em bé
khác sờ soạng trong những đóng rác cao ngất để mong tìm được chút thức
ăn thừa. Người lớn thì chết mòn mỏi trong ngục tù
vì tranh đấu chống áp bức. Những dòng sông thì cạn khô và không
khí càng lúc càng ngột ngạt khó thở.
Mặc
dù Nga và Mỹ đã bắt tay thân thiện nhưng mỗi bên vẫn còn đủ bom nguyên
tử để làm nổ tung quả đất này. Có nhiều người hiểu được hoàn cảnh bi
thương của thế giới và lòng họ rất đau xót.
Họ biết cần phải làm gì và họ xông pha trong mọi địa hạt hầu mong đem
lại một chút nào thay đổi. Nhưng sau một thời gian nổ lực làm việc, họ
có thể thấm mệt và chán nản nếu họ không đủ niềm tin và sức mạnh bên
trong. Sức mạnh thật sự không nằm ở chổ ta có nhiều quyền hành, tiền
bạc hay khí giới, sức mạnh thật sự nằm sâu trong lòng ta khi ta
có đủ trầm tĩnh và vững chãi.
Nếu hằng ngày biết sống đời sống có chánh niệm, ta sẽ nuôi dưỡng được sự vững chãi đó. Thực tập thiền trong mọi sinh hoạt của đời sống giúp ta có đủ sáng suốt, ý chí và kiên nhẫn để đối diện với mọi thăng trầm. Ta trở nên những khí cụ trung kiên cho việc xây dựng hòa bình an lạc. Tôi đã thấy được nhiều người rất dũng cảm trong nhiều đoàn thể nhân bản và tôn giáo, suốt đời phụng sự tận tụy để bảo vệ những người cô thế nghèo khổ. Họ cực lực chống chiến tranh leo thang và nạn kỳ thị chủng tộc. Đi tới đâu họ cũng gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống hiểu biết và thương yêu.
4. Tinh thần bất nhị
Khi
muốn hiểu một điều gì, ta không thể đứng ngoài và quan sát nó. Ta phải
đi sâu và hòa nhập làm một với nó, ta mới có thể hiểu được. Khi muốn hiểu một
người, ta phải ở trong da thịt họ, đau nỗi đau của họ, và vui niềm
vui của họ. Động từ "hiểu" tiếng Pháp gọi
là "comprendre"; "com" có nghĩa cùng với
và "prendre" có nghĩa là nắm lấy. "Comprendre" là
nắm lấy vật đó và nhập làm một với nó. Không có cách nào khác hơn. Nhà Phật
gọi đó là không hai, bất nhị.
Cách
đây mười lăm năm, tôi giúp một số bạn lo phụ trách các trẻ em mồ
côi ở Việt nam. Các tác viên xã hội ở Việt nam gửi
hình của các em qua, ghi rõ tên tuổi, năm sinh và hoàn cảnh của
mỗi em. Công việc của tôi là dịch những tờ đơn nầy ra tiếng Pháp để tìm người bảo
trợ cho các em. Người bảo trợ sẽ gửi cho gia đình các
em một số tiền để các em có tiền ăn và đi học. Chúng tôi có hằng chục
người tình nguyện dịch những cái đơn đó ra tiếng nước ngoài.
Mỗi
ngày tôi dịch khoảng ba mươi tờ đơn. Tôi không đọc tờ đơn mà để thời
gian ngắm hình của em bé. Chỉ trong chừng ba mươi giây là tôi trở
thành em bé. Rồi tôi cầm bút lên và dịch tờ đơn qua một tờ giấy khác. Sau
đó tôi mới nhận thấy là không phải tôi dịch tờ đơn mà chính em bé và
tôi cùng làm công việc đó. Nhìn hình của em bé, lòng tôi tràn đầy cảm
thương và tôi trở thành em bé đó lúc nào không hay và cả
hai chúng tôi cùng nhau dịch tờ đơn. Điều đó rất tự nhiên. Ta
không cần phải thiền tập lâu năm mới có thể làm việc đó. Ta chỉ
cần nhìn cho kỹ, làm cho con người của mình có mặt đích thị, thì em
bé liền có mặt trong ta và ta có mặt trong em bé.
5. Chữa trị những vết thương
chiến tranh
Trong
chiến tranh Việt Nam, giả dụ người Mỹ thấu hiểu được nguyên tắc bất
nhị thì cả hai nước đã không mang nhiều vết thương trầm trọng, những
vết thương khó chữa lành dù chiến tranh đã chấm dứt. Đây là một bài học
cho mọi người.
Năm
ngoái chúng tôi có tổ chức một khóa tu cho cựu chiến binh ở Mỹ. Không
khí khóa tu khá ngột ngạt vì nhiều người vẫn còn bị thương tích chiến
tranh làm đau nhức không nguôi. Một người thố lộ là chỉ trong một trận đánh
mà đơn vị anh ta đã mất bốn trăm mười bảy người và trong suốt mười
lăm năm trời anh ta vẫn mang xác chết của bốn trăm mười bảy người
lính này trên vai. Một người khác tâm sự là vì quá căm hận khi thấy chiến hữu
mình bị giết chết nên anh ta đã gài bẫy giết năm trẻ em
trong một làng nọ.
Từ
đó anh sống trong một cơn ác mộng dài, không bao giờ còn đủ cam đảm để
ngồi gần bất cứ một em bé nào. Bao nhiêu đau thương đã được kể ra và
chính niềm đau đã không cho anh ta tiếp xúc được với những mầu
nhiệm của cuộc sống.
Vì
vậy mà chúng ta cần giúp nhau để học tiếp xúc.
Trong khóa tu, một cựu chiến binh nói đây là lần đầu tiên trong mười lăm năm
qua, anh cảm thấy an toàn giữa một đám đông. Trong suốt mười
lăm năm, anh không nuốt được một thức ăn nào cứng. Anh chỉ ăn trái
cây và uống nước trái cây. Anh hoàn toàn sống tách biệt với thế
giới bên ngoài. Nhưng chỉ sau ba ngày dự khóa tu, anh đã có thể bắt đầu liên
lạc và nói chuyện với người khác. Những người như anh rất cần sự thương
yêu giúp đở của ta để có thể tiếp xúc lại với cuộc sống.
Trong
khóa tu, chúng tôi cùng tập thở và tập cười, nhắc nhở nhau trở về với
đóa hoa trong tâm ta, trở về với trời xanh, với cây lá để che chở nuôi
nấng ta.
Chúng
tôi cùng ăn cơm, cùng uống trà trong im lặng, thưởng thức từng
ly trà, từng món ăn như thưởng thức cái bánh in thời thơ ấu. Chúng
tôi bước từng bước chậm rãi thong thả, ý thức được sự tiếp
xúc của bàn chân với mặt đất, của buồng phổi với không khí trong
lành. Chúng tôi cùng ngồi với nhau, thở với nhau, đi với
nhau và cùng chia sẽ học tập về những kinh nghiệm đau
thương trong chiến tranh Việt Nam.
Bài
học ở Việt Nam phải giúp chúng ta sáng mắt. Chúng
ta phải thấy được rằng chúng ta là của nhau, không ai có thể
chia cắt thực tại thành những mảnh rời rạc. Sự an lạc của
cái này là sự an lạc của cái kia, chúng ta không thể làm việc
một cách riêng rẽ, chúng ta phải ngồi lại với
nhau và cùng chung xây dựng lại. Phe nào cũng là phe của
ta, không có phe nào ta cần phải loại bỏ. Các cựu chiến binh đã lấy kinh
nghiệm đau thương của mình làm áng sáng chiếu sâu vào cội rễ của chiến
tranh và soi đường dẫn tới hòa bình.
6. Trái tim mặt trời
Ta
biết rằng trái tim ta ngừng đập, dòng sinh mạng của ta sẽ ngừng, cho nên ta rất
trân quí trái tim ta. Ngoài trái tim nầy còn có một trái tim khác cũng rất cần
cho sự sống của ta mà lại thường ít để ý đến. Đó là mặt trời,
trái tim thứ hai của ta, trái tim đem lại sự sống cho muôn loài. Không
có mặt trời thì không có gì có thể tồn tại, kể cả cây cỏ. Nếu
cây cỏ không sống được thì làm sao lòai người và cầm thú có thể sống
được.
Mọi
loài đều phải tiêu thụ ánh mặt trời để sống. Thân thể ta
sống được không phải chỉ nhờ có trái tim, nó cũng cần được nuôi dưỡng bởi
không khí. Nếu bầu khí quyển biến mất thì còn đâu mạng sống của ta. Cho nên
không có một cái gì trong vũ trụ mà không liên hệ đến ta,
dù là một hạt sỏi bé tí nằm sâu dưới lòng biển hay là sự di chuyển của
ánh sáng dù đã một triệu năm qua.
Nhà thơ Walt Whitman đã nói: "Chiếc lá mỏng manh kia là gì nếu
không là sự vận chuyển đã hằng triệu năm của các vì sao...".
Đây không phải là triết lý suông mà là một cái nhìn thấu triệt và sâu thẳm. Thật vậy, ông đã nói rằng: "Tôi rộng lớn, tôi vĩ đại lắm. Tôi chứa đựng cả toàn thể vũ trụ".
7. Nhìn sâu
Muốn
thấy rõ mọi việc, ta cần phải nhìn sâu vào lòng sự vật. Khi
ta bơi lội trong dòng sông trong mát, ta phải có khả năng thấy mình là dòng
sông.
Một
ngày nọ, tôi ngồi ăn cơm với một vài người bạn tại đại học Boston ở Mỹ. Trước
mắt tôi là dòng sông Charles thơ mộng. Dòng sông thơ mộng vì có thể vì tôi
xa quê hương quá lâu và tôi vốn rất thích sông. Tôi rời các bạn và tìm lối xuống
sông rửa mặt và ngâm chân như tôi vẫn thường làm ở quê nhà. Khi
tôi trở lại chỗ ngồi, một người bạn giáo sư nói: "Thầy làm vậy
nguy hiểm lắm đó. Thầy có súc miệng dưới sông không?" Tôi nói có
và vị giáo sư khuyên tôi nên đi chích thuốc ngừa ngay.
Tôi
hơi bàng hoàng. Tôi không ngờ các dòng sông bên này bị ô nhiễm nặng
nề đến như vậy. Những dòng sông như vậy gọi là những dòng sông chết. Ở Việt
Nam, đôi khi sông có nhiều bùn và rác nhưng không đến nỗi không uống được. Tôi
nghe nói ở Đức, sông Rhine có nhiều hóa chất đến nỗi đem rửa phim cũng được.
Nếu
ta còn muốn tắm gội trong dòng sông, uống nước dòng sông hay đi dạo chơi ven
sông thì ta phải biết nhìn dòng sông như là nhìn chính ta để cảm được những vui
buồn, thất vọng của nó. Nếu ta không cảm được những gì sông núi cảm,
những gì cỏ cây hay chim muông cầm thú dần dần sẽ chết và lúc đó
ta sẽ mất hết an lạc.
Nếu ta là một người thích leo núi, thích cảnh đồng quê, thích rừng cây xanh mát, ta phải biết rằng rừng cây là buồng phổi thứ hai của ta, cũng như mặt trời là trái tim thứ hai của ta vậy. Nếu không hiểu vậy, ta sẽ tàn phá hàng triệu mẫu cây mà không thương tiếc với mưa át xích, đồng thời ta hủy họai khí ozone khiến ánh mặt trời không được lọc bớt khi tới với chúng ta. Ta tự chôn mình trong cái vỏ chật hẹp của mình mà không biết ; chỉ vì ta mãi lo trau chuốt cái bản ngã nhỏ bé đó mà ta vô tình hủy hoại cả cái ta rộng lớn mênh mông. Đã đến lúc ta phải trở về con người thật của ta, con người hòa đồng trong đại thể, vừa là sông núi, rừng cây, ánh mặt trời, bầu khí quyển... Ta phải hành động gấp rút để còn có hy vọng cho ngày mai.
8. Nghệ thuật sống tỉnh thức
Thiên
nhiên là bà mẹ của ta. Chỉ vì sống xa thiên nhiên nên ta sinh bệnh. Một
số chúng ta sống trong những cái nhà hộp gọi là appartement làm bằng
xi măng và thép cứng, cao vút khỏi mặt đất, nên không còn cơ hội tiếp
xúc với trời đất. Điều này rất quan trọng. Có nhiều thành phố không có một
bóng cây. Màu xanh hoàn toàn thiếu vắng.
Có
lần tôi tưởng tượng hình ảnh một thành phố chỉ còn trơ trọi một
cội cây. Cội cây vẫn còn đẹp nhưng trông rất cô đơn, đứng lẽ
loi buồn bã giữa những tòa cao ốc đồ sộ. Nhiều người đã lâm bệnh nặng
và các bác sĩ không tìm được nguyên do. May mắn có một
ông bác sĩ giỏi thấy rõ được nguyên do, nên người bệnh nào đến
ông cũng cho toa thuốc như sau: "Mỗi ngày lấy xe buýt đến trung
tâm thành phố để nhìn ngắm cội cây. Khi đến gần cây, hãy thực
tập thở vào, thở ra ba hơi trước khi ôm cây vào lòng trong mười
lăm phút, vừa ôm vừa theo dõi hơi thở. Phải thấy rõ màu xanh của lá
và hít thở hương thơm của vỏ cây. Thực tập như vậy vài tuần lễ,
bạn sẽ khỏi bệnh".
Bệnh
nhân làm theo và thấy khỏe ra thật, nhưng số người đến ôm cây càng lúc càng
đông; họ phải đứng sắp hàng dài cả cây số. Ta cũng biết con người của thời
đại văn minh này khó có đủ kiên nhẩn, do đó, việc chờ chực ba bốn tiếng
đồng hồ để được ôm cội cây vượt quá sức chịu đựng của họ
nên họ liền biểu tình phản kháng. Họ ra một cái luật mới là mỗi người
chỉ được phép ôm cây năm phút thôi, sau đó lại trụt xuống còn một phút, thành
ra cơ hội được lành bệnh lại càng bị giảm thiểu.
Chẳng
bao lâu chúng ta cũng sẽ lâm vào tình huống bi thảm đó nếu
ta sống không có tỉnh thức. Ta phải thấy rõ từng hành động ta làm để bảo
vệ trái đất, bà Mẹ của ta. Ta bảo vệ Mẹ tức là ta bảo vệ chính
ta và con cái của ta.
Khi
nhìn vào thùng rác, ta phải thấy được hoa, xà lách, cà chua, dưa chuột sẽ
mọc lên từ đó. Khi vứt một cái cỏ chuối vào thùng rác, ta biết là vỏ chuối
ấy sẽ được biến thành hoa và rau cải. Còn khi ta vứt một cái bao
ny-lông vào thùng rác, ta biết rằng rất khó hoặc là phải lâu lắm, mấy trăm
năm, nó mới có thể biến thành hoa. Cái đó chính là sự thực tập thiền
quán. "Vứt một cái bao ny lông trong thùng rác, tôi biết là tôi đang
vứt một cái bao ny lông vào thùng rác". Chỉ bằng sự thực tập chánh
niệm ta mới có thể giữ gìn và bảo vệ bà Mẹ của ta, tức
là trái đất này.
Có chánh
niệm trong từng hành động, trong từng giây phút là xây dựng hòa
bình hạnh phúc cho hiện tại và tương lai. Có chánh niệm soi
sáng, ta trở nên dè dặt hơn trong việc dùng những sản phẩm phá hoại sinh
môi, và đó là bước cơ bản đưa đến an lạc và hạnh phúc thật
sự.
Một
trong những ung nhọt của thế giới ngày nay là những đồ phế thải
nguyên tử. Nó tạo nên một đống rác khổng lồ phải mất 250 ngàn năm mới có thể biến
thành hoa. 40 tiểu bang trong số 50 tiểu bang Hoa Kỳ đã bị ô nhiễm bởi
những đồ phế thải nguyên tử.
Chúng
ta đang biến trái đất thành một nơi không thể sống được nữa, và tương lai
con cháu ta sẽ ra sao? Ta phải mau mau dừng lại và tập sống cho có tỉnh thức thì
mới mong cứu vãn được tình thế nguy ngập hiện tại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét