Thích Nhất Hạnh
Phương Pháp Thực Tập Hạnh Phúc
Phần III.
AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN
(Từ 16 đến hết)
16. Khổ đau là chất liệu
nuôi dưỡng tình thương
Ở Việt
Nam, trong bốn mươi năm qua, đạo Phật đã đi vào cuộc đời. Trong
chiến tranh, chúng tôi không thể chỉ ngồi thực sự thực tập thiền
tọa và tụng kinh trong chùa. Chúng tôi thực tập thiền
ở khắp nơi, nhất là những nơi có khổ đau, chết chóc. Tiếp xúc với những
khổ đau trong chiến tranh, ta có thể chữa lành những khổ đau riêng mình, những
khổ đau từ một đời sống hời hợt, thiếu ý nghĩa. Khi phải đối
diện với chết chóc, với thương tích, với máu chảy, ta nhận ra rằng
ta có thể là nguồn an ủi cho những kẻ đang khổ đau, ta có thể giúp họ
bằng tình thương, bằng niềm vui, ta không phải là một kẻ vô ích. Cho
nên ngay giữa những khổ đau tột cùng, giữa những gian lao nguy hiểm, ta vẫn thấy
có một niềm vui lớn khi hiểu được rằng thế nào là thực tập tình
thương.
Một mùa
đông kia, tôi đã cùng một vài người bạn đi thăm một trại tỵ nạn ở Hồng
Kông. Ở đó chúng tôi chứng kiến rất nhiều điều thương tâm.
Có những em bé mới một hay hai tuổi đã phải theo cha mẹ vượt biển ra
đi, trong chuyến đi các em đều mất cả cha lẫn mẹ. Thế mà bây giờ người ta sắp sửa
trả các em về nước vì người ta cho là các em đã ra đi một cách bất hợp
pháp. Khi chính mình tai nghe mắt thấy những cảnh tượng thương
tâm này, ta thấy những đau khổ của bạn bè ta ở Âu Châu hay Mỹ
Châu thật chẳng đáng kể.
Sau
mỗi chuyến cứu trợ về, tôi thấy thành phố Paris thật là xa lạ, như ở trong
mơ. Tôi thấy hai thế giới sao mà cách biệt nhau quá, một
bên khổ đau tràn ngập, một bên phù phiếm xa hoa. Tôi tự hỏi tại sao ở
đây người ta có thể sống được như vậy trong khi tình trạng bên kia
quá thê thảm?
Nếu
bạn chỉ ở Paris suốt mười năm không tiếp xúc gì hết với thế giới bên
ngoài thì bạn sẽ thấy ở Paris người ta sống như vậy là điều tự
nhiên.
Thực tập thiền là để tiếp xúc. Đôi khi không cần phải đến tận nơi có khổ đau mới tiếp xúc được. Ta chỉ cần ngồi yên một chỗ, theo dõi tình hình đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là ta có thể hiểu và thấy được tất cả. Ta để tâm đến mọi việc xảy ra chung quanh, nên ta có thêm hiểu biết, thêm yêu thương và ta bắt tay hành động ngay tại nơi ta ở mà chẳng cần phải đi đâu xa.
17. Tình thương qua hành động
Chúng
ta đã đi với nhau một đoạn đường khá dài, và tôi đã đưa ra một số phương
pháp để chúng ta cùng tu tập nuôi dưỡng chánh niệm, ý
thức được những gì đang xãy ra trong ta và ngoài ta. Bây giờ ta đã bước
vào một thế giới rộng lớn hơn nên ta cần thêm một số chỉ dẫn để
bảo trọng thân thể giúp bạn chọn một lối sống thích hợp trong thế
giới văn minh hiện tại.
18. Mười bốn giới tiếp hiện
- Giới
thứ nhất: Không được thờ hay thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay một lý
thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật
Giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận
thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không là
những chân lý tuyệt đối để bảo vệ và thờ phụng.
- Giới
thứ hai: Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện
có là những chân lý bất di bất dịch, như thế để tránh sự trở
thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học thái độ phá chấp và cởi mở
để đón nhận quan điểm của kẻ khác. Chân lý chỉ có thể thực
chứng trong sự sống mà không thể tìm kiếm trong kiến thức và
khái niệm. Phải nguyện suốt đời là một người đi tìm học và phải thường
trực quán sát sự sống nơi chính mình và nơi cuộc đời.
- Giới
thứ ba: Không được ép buộc người khác, kể cả trẻ em, theo quan
điểm mình, bất cứ bằng cách nào : uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt,
sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Phải tôn trọng sự khác
biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy
nhiên nên dùng những phương tiện đối thọai ái ngữ và bất
bạo động để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
- Giới
thứ tư: Không được trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt
trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Phải tìm tới
với những kẻ khổ đau bằng các phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình
ảnh, âm thanh....Nên thường xuyên tự đánh thức mình và
những người xung quanh về sự có mặt của những đau khổ hiện
thực khắp nơi trên thế giới.
- Giới
thứ năm: Không nên tích lũy tiền bạc và của cải trong khi
nhiều người đang đói khổ thiếu thốn. Không được đặt danh vọng và
quyền hành làm mục tiêu của đời mình. Phải sống giản dị, và phải biết chia
xẻ thì giờ, khả năng và tài vật mình có với những kẻ thiếu thốn.
- Giới
thứ sáu: Không được giữ tâm sân hận và oán thù. Hãy học
cách quán chiếu và chuyển hóa những hạt giống của sân
hận và oán thù khi những hạt giống này còn chưa phát khởi trên ý
thức. Khi tâm niệm sân hận và oán thù đã phát khởi, hãy nắm
lấy hơi thở chánh niệm và quán chiếu về bề sâu để thấy
được bản chất của tâm niệm sân hận và oán thù của mình
và cũng để thấy được tự tánh và hoàn cảnh của những người
đã gây lên tâm niệm sâu hận và oán thù ấy. Nên lấy con mắt từ
bi để nhìn mọi người và mọi loài.
- Giới
thứ bảy: Không được buông thả theo loạn tưởng và hoàn cảnh để
tự đánh mất mình. Phải biết thực tập hơi thở và nụ cười chánh
niệm để trở về tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giờ
phút hiện tại. Hãy tập tiếp xúc với những gì mầu nhiệm,
tươi mát và lành mạnh trong ta và quanh ta để liên tục gieo
trồng những hạt giống an lành, hạnh phúc và hiểu biết làm động
lực chuyển hóa chiều sâu của tâm thức trên đường thành
tựu đạo nghiệp.
-Giới
thứ tám:Không được nói và làm những điều có thể tạo nên sự bất
hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Phải xử dụng ái ngữ và
hành động hòa giải để giúp giải quyết những vụ bất
hòa dù lớn, dù nhỏ.
-Giới
thứ chín: Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính
phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù. Không được loan truyền
những tin mình không biết là có thực. Không được phê bình và lên án
những điều mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thật và
có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phải
có cam đảm nói ra sự thực về những tình trạng bất công, dù hành động
này có thể mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.
- Giới
thứ mười: Không được lợi dụng đạo Phật và các đoàn thể giáo
hội vào mục tiêu quyền bính. Không được biến các giáo
đoàn thành những đảng hoạt động chính trị. Sống trung trực đời
sống tâm linh và tôn giáo mình, giáo đoàn trong
đó mình sống phải có thái độ rõ rệt, về những tình trạng áp
bức và bất công xã hội, và xử dụng ảnh hưởng mình để chuyển
đổi các tình trạng ấy mà không nên dấn thân vào những cuộc tranh
chấp phe phái.
- Giới
thứ mười một: Không được sống theo tà mệnh. Không được sinh sống bằng những
nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên.
Không được đầu tư vào nhữnh doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người
trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác.
Nên chọn một nghề có thể giúp mình thực hiện được lý tưởng từ
bi cứu khổ của đạo Phật.
- Giới
thứ mười hai: Không dược giết hại sinh mạng, không được tán thành sự chém
giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng, ngăn chận chiến
tranh, xây dựng hòa bình
- Giới
thứ mười ba: Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải không
phải của mình tạo ra. Phải biết ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm
giàu bất lương không kể gì đến sự đau khổ của những kẻ bị áp
bức và thua thiệt.
- Giới thứ mười bốn: Không được đối xử với thân thể mình một cách khinh xuất. Phải biết bảo trọng thân thể mình, xem thân thể mình là đền thờ của tâm linh, là chiếc thuyền vượt biển. Phải học bảo tồn tinh, khí và thần để có thể có đủ năng lực hành đạo.
PHẦN
DÀNH CHO GIỚI CƯ SĨ
Phải ý thức trọn vẹn trách nhiệm của mình về sự cho ra đời những sinh mạng mới và phải thường xuyên nghĩ tới môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.
1. Câu chuyện của dòng sông
Có
một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông ca
hát nhảy nhót tung tăn từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng,
dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông
còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp
ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.
Một
ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong lòng
nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt
mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám
mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững từng cao khó mà bắt được, nhất là
mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên
dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó thì
dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.
Một
ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu
trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề tuyệt
vọng, không còn muốn sống nữa. "Không còn mây để chạy theo, ta sống để
làm gì?"
Tối
hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp
xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài mà
không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông nghe tiếng
mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của
mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.
Dòng
sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn
trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây sinh ra từ
nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng
vẫn là nước như một đám mây.
Sáng
hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một
điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu
nay dòng sông chỉ chú ý đến mây, không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới hiểu
rằng bầu trời là quê hương của các đám mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu
trời không bao giờ thay đổi. Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở
nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.
Dòng
sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng
sông sẽ mãi mãi vững bền.
Trưa
hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông
không còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.
Đám
mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào.
Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào
cũng là một dòng sông, chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài hòa
đã kết hợp mây và sông.
Tối
hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng lòng
đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như
một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt.
Có
một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần
(Bồ tát Thanh Lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung)
Dòng
sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt
tay nhau đi thiền hành về biển cả.
Chẳng có gì phải chạy đuổi theo. Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai. Còn nơi nào đẹp hơn nữa?
2. Xây dựng thế kỷ thứ 21
Ngày
nay người ta hay dùng danh từ "chính sách". Cái gì cũng chính sách
này, chính sách nọ. Tôi đã nghe phong phang rằng các nước tự gọi
là tiến bộ đang bàn tính về chính sách đưa qua các đồ phế thải rác rến
của nước họ bỏ bên các nước của thế giới thứ ba. Tôi nghĩ rằng chúng
ta cần có một chính sách để đối diện với những khổ đau của chúng
ta. Đau khổ không phải là không có ích. Cho nên ta phải biết xử dụng
khổ đau thế nào để có lợi cho ta và cho người khác.
Thế
kỷ thứ hai mươi có quá nhiều khổ đau: hai cuộc đại chiến tàn khốc, những trại tập
trung thời Đức Quốc xã, những cuộc thảm sát ở Cam bốt, những trận đói lớn, những
cuộc di tản từ Việt Nam, Trung Mỹ, và nhiều nơi khác dân chúng
cũng bỏ nước chạy trốn không biết về đâu. Cho nên chúng
ta cũng cần có một chính sách cho những loại phân rác này.
Chúng
ta phải dùng những khổ đau của thế kỷ hai mươi làm phân bón những cây hoa
được mọc lên trong thế kỷ hai mươi mốt. Khi ta thấy những hình ảnh thảm
khốc tại những trại tập trung của Đức quốc xã, ta rùng mình sợ
hãi. Ta nói: " Không bao giờ tôi nhúng tay vào những công việc tương tợ.
Chỉ có họ mới nhẫn tâm làm điều đó". Nhưng nếu ta có mặt ở đó,
có thể ta cũng sẻ bị lôi kéo làm y như vậy, hoặc là ta sẽ hèn
nhát đến nổi không dám lên tiếng ngăn cản điều đó. Đó là điều
đã xảy ra cho nhiều người. Cho nên ta phải dùng tất cả những kinh nghiệm đau
thương này làm phân bón cho đất đai tương lai được màu mỡ, cho thế kỷ hai
mươi mốt có được nhiều hoa thơm.
Ở
Đức hiện nay, giới trẻ có mặc cảm là dân tộc họ có trách nhiệm về
những cuộc tàn sát thời chiến tranh. Những người có trách nhiệm nên
cùng nhau sám hối để thế hệ tương lai tránh được những lỗi
lầm cũ, và biết chọn một đời sống tỉnh thức hơn. Một
trong những đóa hoa cần phải được vun trồng tưới tắm cho giới
trẻ của thế kỷ hai mươi mốt là biết chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn
hóa. Đoá hoa thứ hai là khả năng nhận diện được sự có mặt của những
khổ đau, có những khổ đau quá vô ích trong xã hội hiện
nay.
Nếu chúng
ta thực tâm muốn học hỏi với nhau, chúng ta nên
ngồi lại với nhau để kiểm điểm những lỗi lầm cũ.
Với hiểu biết và thương yêu, chúng ta có thể mở một con
đường sáng và hiến tặng một khu vườn đẹp cho thế kỷ hai mươi mốt.
Ta
hãy cầm tay một em bé và mời em ra ngồi với ta ngoài bãi cỏ. Ta và em hãy cùng
ngắm cỏ xanh, ngắm những đoá hoa nhỏ mọc trên cỏ. Rồi nhìn trời cao, thở
và mỉm cười. Bằng cách đó, ta dạy cho em biết sống an lạc, biết
thương thức những vẻ đẹp xung quanh, và không cần phải chạy đuổi
theo một cái gì khác.
Hạnh
phúc ở trong tầm tay của ta, trong từng phút giây, trong từng hơi thở,
trong từng bước chân.
Tôi
rất vui đã được cùng đi với bạn trên chặng đường khá dài. Tôi mong là bạn cũng
vui. Chúng ta sẽ còn gặp lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét