7 thg 7, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 31

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 31

CĂN NHÀ THẬT CỦA CHÚNG TA.

Một bài pháp cho đệ tử già tại gia sắp chết,

và cho những người thân của bà.

Hãy lắng nghe Pháp với lòng thành khẩn và tôn trọng. Khi tôi đang nói, hãy tập trung tâm trí vào lời nói của tôi như thể Đức Phật đang ngồi trước mặt mình. Hãy nhắm mắt lại và thư giãn, trấn tĩnh và chú tâm. Hãy khiêm tốn cho phép trí huệ, chân lý, và sự thanh tịnh ở lại bên trong bạn để tỏ lòng tôn kính đối với một Bậc Toàn Giác.

Hôm nay tôi không tặng bạn một thứ gì vật chất, mà chỉ là Chánh Pháp, giáo lý của Đức Thích Ca Mâu Ni. Bạn nên hiểu rằng ngay cả Đức Phật, với công đức sâu dày, cũng không thể tránh được sự hoại diệt của thân thể. Khi Ngài già, Ngài để thân thể lại và buông bỏ gánh nặng này. Và lúc này, bạn cũng phải biết mãn nguyện với khoảng thời gian dài mà bạn sống lệ thuộc vào thân thể của mình. Bạn nên thấy thế là đủ.

Hãy nghĩ đến những đồ dùng trong nhà mà bạn từng có bấy lâu nay – bát, ly, đĩa. Khi bạn mới có chúng lần đầu, chúng sạch sẽ và sáng loáng, nhưng sau khi sử dụng một thời gian, chúng bắt đầu cũ kỹ. Có cái vỡ, có cái thất lạc, những cái còn lại đang cũ dần; chúng không bền lâu. Và bản chất của chúng là như thế đó. Thân thể của bạn cũng vậy, liên tục thay đổi từ ngày bạn sinh ra, cho đến khi bạn già. Bạn phải chấp nhận điều này. Đức Phật nói rằng nhân duyên(1), bất kể là những nhân duyên bên trong hay bên ngoài, đều không có tự tính; bản chất của chúng là thay đổi. Hãy quán chiếu chân lý này rõ ràng.

Cái đống thịt đang suy sụp, nằm ở đây, là thực tại, là chân pháp. Những sự thật này về thân thể là thực tại; chúng là sự giảng dạy muôn thuở của Đức Phật. Ngài dạy cho chúng ta quán chiếu điều này, tập chấp nhận bản chất của nó. Chúng ta có thể sống hòa bình với thân thể, bất kể tình trạng của nó là gì. Đức Phật dạy rằng, chúng ta nên biết chắc là chỉ có thân thể của mình bị giam hãm, và đừng để tâm bị giam chung với nó. Giờ đây, khi thân thể bạn suy sụp với tuổi già, đừng kháng cự, nhưng cũng đừng để tâm thái hóa nó. tách rời tâm khỏi đó. Cho tâm năng lượng bằng cách nhận biết chân lý về bản chất của sự việc. Đức Phật dạy rằng đây là bản chất tự nhiên của thân thể; nó không thể làm gì khác. Một khi sinh ra, nó già và bệnh, và rồi nó chết. Đây là một chân lý vĩ đại mà bạn đang chứng kiến. Hãy xem xét thân thể với trí huệ và nhận ra điều này.

Nếu căn nhà của bạn bị ngập lụt hay bị cháy rụi, hãy để mối đe dọa đó chỉ ảnh hưởng đến căn nhà mà thôi. Nếu có nước lụt, đừng để nó làm lụt tâm của bạn. Nếu có hỏa hoạn, đừng để nó đốt cháy tâm của bạn. Hãy để nó chỉ là căn nhà – là thứ bên ngoài – bị ngập lụt hay thiêu rụi. Đây là lúc cho phép tâm buông bỏ sự ràng buộc.

Bạn đã sống một thời gian rất dài. Mắt bạn đã thấy nhiều hình dáng và màu sắc, tai bạn đã nghe nhều thứ âm thanh, bạn đã từng trải rất nhiều việc. Và chúng chỉ là thế - là những kinh nghiệm. Bạn đã ăn nhiều thức ăn thơm ngon, tất cả những mùi vị đó cũng chỉ là mùi vị, không có gì hơn. Những mùi vị dở cũng chỉ là mùi vị, chỉ vậy thôi. Nếu mắt nhìn thấy một hình dáng xinh đẹp, nó chỉ vậy thôi - một hình dáng xinh đẹp. Một hình dáng xấu xí chỉ là một hình dáng xấu xí. Tai nghe một âm thanh du dương, mê li, và nó cũng chỉ vậy thôi, không có gì hơn. Một âm thanh chói tai, nhức óc cũng chỉ bấy nhiêu thôi.

Đức Phật nói rằng bất kể giàu hay ghèo, già hay trẻ, con người hay thú vật, không một chúng sinh nào trên thế gian này có thể giữ cho nó mãi trong một tình trạng nào đó quá lâu. Mọi thứ đều kinh nghiệm sự đổi thay và mất mát. Đây là một sự thật về cuộc sống của chúng ta không thể thay đổi. Nhưng Đức Phật nói rằng điều chúng ta có thể làm là quán chiếu thân và tâm để nhìn thấy sự không có tự tính của nó, để nhìn thấy rằng cả thân và tâm đều không phải là “tôi” hay “của tôi”. Chúng chỉ là một thực tại tạm bợ. Giống như căn nhà của bạn, nó chỉ là của bạn trên quy ước. Bạn không thể mang nó đi bất cứ nơi nào. Cùng thế ấy, tài sản, sở hữu, và gia đình cũng chỉ là của bạn trên danh nghĩa. Chúng không thật sự thuộc về bạn; chúng thuộc về thiên nhiên.

Chân lý này không chỉ đúng với bạn; chúng ta đều có cùng cảnh ngộ - ngay cả Đức Phật và những đệ tử khai ngộ của Ngài cũng vậy. Họ chỉ khác chúng ta một điều, đó là, họ chấp nhận bản chất của sự việc. Họ thấy rằng sự việc không thể khác hơn thế.

Cho nên Đức Phật khuyên chúng ta nên xem xét và khảo sát thân thể, từ đầu đến chân, và rồi từ gót chân lên đến đỉnh đầu trở lại. Hãy xem xét thân thể. Bạn thấy gì ở đó? Có một thứ gì thật sự thanh tịnh ở đó không? Bạn có tìm thấy một thứ gì lâu bền không? Toàn bộ thân thể này đang suy thoái dần. Hãy nhìn thấy rằng nó không thuộc về chúng ta. Đó là bản chất tự nhiên của thân thể, bởi vì các hiện tượng hữu vi đều biến đổi. Thật ra, không có điều gì sai với bản chất đó của thân thể. Không phải cái thân thể này gây ra đau khổ, mà chính lối suy nghĩ sai lạc của bạn. Khi bạn nhìn sự việc sai, sự rối rắm là điều không thể tránh được.

Giống như một con suối. Nước luôn chảy xuống dốc. Đó là bản chất của nó. Nếu có người muốn nước chảy ngược lên, đó phải là người điên. Dầu đi tới đâu, lối suy nghĩ ngu ngốc của họ sẽ không để tâm của họ được bình an. Họ sẽ mãi đau khổ bởi quan niệm sai lầm của họ, họ sẽ tiếp tục hoang mang và đau khổ. Nếu họ có Chánh Kiến, họ sẽ biết là nước phải chảy xuống, cho đến khi họ nhận ra và chấp nhận sự thật đó, họ mới hết đau khổ.

Con suối phải chảy xuống dốc cũng giống như thân thể của bạn. Bạn đã từng trẻ trung, rồi thân thể già nua và đi dần tới cái chết. Đừng ở đó ước muốn nó khác hơn thế; đó là thứ mà bạn không thể sửa đổi. Đức Phật bảo chúng ta nhận biết bản chất của sự việc rồi xả bỏ sự dính mắc vào chúng. Hãy lấy cảm giác xả bỏ này làm nơi trú ẩn của bạn. Tiếp tục thiền quán dầu bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Hãy để tâm trụ nơi hơi thở. Hít thở vài hơi thật sâu và rồi tập trung sự chú ý của bạn nơi hơi thở, cùng câu niệm Bud-dho (Đức Phật). Hãy tu hành liên tục như thế. Càng thấy mệt, bạn càng chú tâm nhiều hơn, để bạn có thể đối phó với những đau đớn trong thân thể. Khi cảm thấy mệt, hãy dừng tất cả suy nghĩ của bạn để tâm tái tập trung, và rồi trở lại với sự nhận biết hơi thở. Cứ tiếp tục niệm, Bud-dho, Bud-dho.

Buông bỏ mọi thứ bên ngoài. Đừng nghĩ đến con cái, thân quyến của mình; đừng nghĩ đến một thứ gì cả. Hãy bỏ hết xuống. Hãy tập trung vào một điểm, và để cái tâm trầm tỉnh đó ở lại với hơi thở. Hãy để hơi thở là đối tượng nhận biết duy nhất của nó. Tập trung mãi cho đến khi tâm trở nên vi tế dần, cho đến khi mọi cảm xúc trở thành vô nghĩa, cho đến khi sự tỉnh giác và hiểu biết rõ ràng. Rồi bất cứ cảm xúc đau khổ nào phát sinh, nó sẽ tự động tan biến.

Hãy xem những hơi thở ra vào như thể chúng là thân quyến đến thăm bạn. Khi người thân rời khỏi, bạn tiễn họ ra về. Bạn quan sát cho đến khi họ đi xuống đường và mất dạng, và rồi bạn đi vào nhà, chúng ta quan sát hơi thở cùng với cách đó. Nếu hơi thở thô tạp, chúng ta biết là nó thô tạp; nếu nó vi tế, chúng ta biết điều đó. Hơi thở càng lúc càng thanh nhẹ dần, rồi cuối cùng, hơi thở biến mất hoàn toàn và tất cả chỉ còn lại là thức tỉnh và cảnh giác. Đây gọi là gặp gỡ Đức Phật. Chúng ta có sự nhận biết tỉnh thức rõ ràng gọi là Phật, là “người biết”, người thức tỉnh, người chiếu diệu. Đây gọi là gặp và sống với Đức Phật, với sự hiểu biết và sáng suốt. Chỉ có vị Phật trong lịch sử mới chết đi. Đức Phật thật, cái biết rõ ràng, vẫn có thể kinh nghiệm được và đạt được trong ngày hôm nay. Và chúng ta đạt được điều đó, tâm được hợp nhất.

Cho nên hãy xả bỏ, hãy đặt mọi thứ xuống. Đừng bị phỉng gạt bởi những hình ảnh hay âm thanh xuất hiện trong tâm trong lúc thiền. Bỏ chúng xuống hết. Đừng nắm giữ một điều gì. Chỉ ở lại với sự tỉnh giác hợp nhất này. Đừng lo nghĩ quá khứ hay tương lai; cứ tĩnh lặng và bạn sẽ đạt đến một nơi không có sự đi tới, đi lui, hay dừng lại, nơi không có gì nắm giữ và dính mắc. Tại sao? Bởi vì không có tự ngã, không có “tôi” hay “của tôi” nữa. Tất cả đều biến mất. Đức Phật dạy chúng ta trở nên rỗng không như thế, không mang theo một thứ gì cả. Để biết, và nhận biết, rồi xả bỏ.

Đạo là con đường vượt lên sự sinh tử, và sự chứng Đạo là công việc mà tất cả chúng ta phải tự mình làm lấy. Cho nên, hãy tiếp tục xả bỏ và hiểu biết giáo lý. Hãy nỗ lực quán chiếu. Đừng lo nghĩ về gia đình của mình. Vào lúc này, họ là như thế, nhưng một ngày nào đó, họ sẽ giống như bạn thôi. Không ai có thể trốn tránh định mệnh này. Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ những thứ có tính chất tạm bợ đó. Nếu bạn đặt mọi thứ xuống, bạn sẽ thấy chân lý; nếu không, bạn sẽ không thấy chân lý. Nó là như thế. Và với ai cũng vậy. Cho nên đừng nắm giữ bất kỳ thứ gì.

Nếu bạn bắt gặp mình suy nghĩ, điều đó không sao, miễn là suy nghĩ một cách khôn ngoan. Đừng suy nghĩ ngu xuẩn. Nếu bạn nghĩ đến con cái, nghĩ đến chúng với trí huệ. Tâm hướng về điều gì, suy nghĩ về điều đó với trí huệ, bạn buông bỏ nó, và không đau khổ. Tâm vui vẻ và bình an. Nó không sao lãng và không bấn loạn. Ngay lúc này, điều bạn có thể trông cậy vào là hơi thở của bạn.

Đây là công việc của bạn, không phải của một người nào khác. Hãy để người khác làm công việc của họ. Bạn có bổn phận và trách nhiệm của bạn; bạn không cần phải lo lắng về những bổn phận của gia quyến bạn. Đừng làm thêm một việc gì khác, hãy bỏ xuống hết. Sự buông bỏ này sẽ khiến tâm an ổn. Trách nhiệm duy nhất của bạn lúc này là tập trung tâm ý và mang nó tới chỗ bình an. Hãy để những thứ khác cho người khác. Hình sắc, âm thanh, hương vị - hãy để những thứ đó cho người khác chăm lo. Bỏ mọi thứ xuống và làm công việc của bạn, hoàn tất trách nhiệm của bạn. Bất cứ thứ gì phát sinh trong tâm, cứ nói với nó, “Đừng quấy rầy tôi. Bạn không phải là việc của tôi”. Chỉ việc nói thế với chính bạn khi bạn nhìn thấy những pháp đó phát sinh.

Cái ý tưởng thích sống lâu sẽ khiến bạn đau khổ. Nhưng cái ý tưởng muốn chết sớm hay chết ngay cũng không đúng. Nó đau khổ, phải không? Bạn không thể làm gì nhiều với thân thể. Bạn có thể làm cho nó đẹp, làm cho nó trông có vẻ hấp dẫn và tươi mát một thời gian, giống như những thiếu nữ tô son và để móng tay mọc thật dài, nhưng khi tuổi già đến, mọi người đều có cùng một cảnh ngộ, thân thể là vậy đó, bạn không thể làm cho nó khác hơn thế. Nhưng điều bạn có thể cải thiện và làm đẹp là tâm của bạn.

Ai cũng có thể xây một căn nhà từ gỗ và gạch, nhưng thứ nhà đó không phải căn nhà thật của chúng ta, nó chỉ là của chúng ta trên quy ước. Nó là căn nhà của thế gian, và nó đi theo đường lối của thế gian. Căn nhà thật của chúng ta là sự bình an nội tâm. Một căn nhà vật chất, bên ngoài có xinh đẹp mấy, nhưng nó không mang đến bình an – bạn luôn lo lắng về nó, về điều này, điều kia – cho nên chúng ta nói rằng nó không phải căn nhà thật của chúng ta, nó ở bên ngoài chúng ta. Sớm muộn rồi chúng ta cũng phải rời bỏ nó. Nó không phải là một nơi chúng ta có thể sống vĩnh viễn trong đó, bởi vì nó không thật sự thuộc về chúng ta, nó thuộc về thế giới thiên nhiên. Thân thể của chúng ta cũng vậy. Chúng ta xem nó là một tự ngã, là “tôi” hay “của tôi”, nhưng thật ra, nó không bao giờ là thế, nó chỉ là một vật chất thế gian khác. Thân thể của bạn đi theo quy luật tự nhiên từ khi bạn sinh ra, và bây giờ nó già và bệnh. Muốn nó khác hơn thế cũng ngu xuẩn như con vịt trở thành con gà. Khi bạn thấy quy luật không thể thay đổi này – rằng con vịt phải là con vịt và con gà phải là con gà, rằng thân thể phải già, và chết – bạn sẽ tìm thấy can đảm và sức mạnh của sự buông bỏ. Dầu bạn hết mực mong muốn cho thân thể này bền lâu, nó sẽ không thể như thế.

Đức Phật nói,

Các Pháp hữu vi đều vô thường

Với bản chất sinh và diệt

Sinh ra rồi, chúng đều phải diệt

Nhân duyên dừng nghỉ mới là chân hạnh phúc.

Chữ vô thường ám chỉ cho thân và tâm này. Chúng sinh ra rồi tan biến. Thế nhưng ai cũng muốn chúng thường hằng. Đây là vô minh. Hãy xem xét hơi thở. Nó đi vào, rồi lại đi ra; đó là tính chất của nó, nó phải như thế. Sự hít vào và thở ra phải luân chuyển, phải có sự thay đổi. Các nhân duyên tồn tại đều xuyên qua sự thay đổi; bạn không thể ngăn cản nó. Thử nghĩ đi, bạn có thể nào thở ra mãi mà không hít vào không? Chúng ta muốn sự việc tồn tại mãi, nhưng chúng không thể như thế được. Một khi hơi thở đi vào, nó phải đi ra. Khi nó đi ra, nó lại đi vào, và nó là như thế, không phải sao? Đã sinh ra, chúng ta tất yếu phải già và chết, đó là lẽ tự nhiên. Nếu các nhân duyên không làm công việc của chúng, nếu sự hít thở không luân chuyển như thế, nhân loại đã chẳng tồn tại đến hôm nay.

Vừa sinh ra là chúng ta đã nắm chắc cái chết. Sự sinh và tử của chúng ta chỉ là một thứ. Nó giống như một cội cây: hễ có rễ thì phải có thân và cành; hễ có thân cây thì phải có rễ cây. Bạn không thể có thứ này mà không có thứ kia. Thật buồn cười khi bạn thấy người ta đau khổ và bấn loạn đến chừng nào trước sự chết, và vui mừng phấn khởi  bao nhiêu khi một đứa trẻ ra đời. Chỉ là ảo giác. Không ai xem xét cho rõ. Nếu bạn muốn khóc, bạn nên khóc nơi rễ cây, khóc nơi có sự sinh, bởi nếu không có sinh thì đâu có tử. Hiểu không?

Đừng nghĩ nhiều quá. Chỉ nghỉ, “Đây là bản chất của sự việc”. Đây là công việc của bạn, bổn phận của bạn. Ngay lúc này, không ai có thể giúp cho bạn, không có gì mà thân quyến và tài sản của bạn có thể làm cho bạn. Điều duy nhất có thể giúp được bạn trong lúc này là sự tỉnh giác.

Cho nên, đừng do dự. Hãy vứt bỏ hết.

Dầu bạn không buông bỏ, mọi thứ cũng sẽ rời bỏ bạn. Bạn có thấy điều đó không, toàn bộ cơ thể đang cố tụt khỏi bạn? Tóc bạn chẳng hạn. Khi bạn còn trẻ, nó dày và đen mượt, nhưng bây giờ thì nó rụng gần hết. Nó đang rời khỏi bạn. Mắt bạn rất rõ, nhưng bây giờ chúng yếu kém, lờ mờ. Khi các cơ quan của bạn cảm thấy đủ, chúng ra đi, bởi đây không phải là nhà của chúng. Khi bạn còn trẻ, răng bạn chắc và khỏe; bây giờ chúng rung rinh bên cạnh những cái răng giả. Mắt, tai, mũi, lưỡi của bạn – tất cả đang cố rời khỏi bạn bởi vì đây không phải là nhà của chúng. Bạn không thể xây một căn nhà vĩnh cửu trong thế giới duyên khởi(2), bạn chỉ có thể ở đó một thời gian ngắn và rồi bạn phải đi. Giống như một người mướn nhà đang quan sát căn nhà trọ nhỏ bé của mình với cặp mắt lem nhem. Răng rụng, mắt mờ, thân thể bệnh hoạn, mọi thứ đều rời bỏ bạn.

Cho nên, bạn không cần lo nghĩ về một thứ gì, bởi vì đây không phải là căn nhà thật của bạn; nó chỉ là một căn nhà trọ, một chỗ ở tạm. Đã sinh ra ở thế gian, bạn nên quán chiếu bản chất của nó. Mọi thứ đều chuẩn bị tan biến. Hãy xem xét thân thể của bạn. Có thứ gì ở đó vẫn còn trong tình trạng ban đầu của nó không? Da của bạn có giống như trước không? Tóc của bạn có giống y như xưa không? Chúng không còn giống như trước nữa, phải không? Chúng đi đâu vậy? Đây là bản chất tự nhiên của chúng. Khi thời điểm đã đến, nhân duyên tan rã. Trong thế giới này, không có gì có thể tin cậy được. Chỉ là một chuỗi phiền toái bất tận. Không bình an chút nào cả.

Khi chúng ta không có căn nhà thật, chúng ta giống như một lữ khách vô định, nay đây, mai đó, dừng ở đâu đó một lát và rồi lại lên đường. Khi còn chưa về tới căn nhà thật của mình, chúng ta vẫn cảm thấy bất an, giống như trường hợp một dân làng bỏ làng ra đi. Chỉ khi nào anh ta trở về nhà, anh ta mới cảm thấy thư giãn và an ổn.

Không nơi nào trên thế giới mà con người có thể tìm thấy sự bình an thật. Người nghèo không thấy bình an, và người giàu cũng vậy. Người lớn không thấy bình an, và trẻ con cũng vậy. Người thất học không thấy bình an, và người có học cũng vậy. Người có ít thấy khổ và người có nhiều cũng thấy khổ. Trẻ con, người lớn, người già, ai cũng khổ. Không có gì ở đó cả, ngoại trừ sự khổ đau.

Khi bạn quán chiếu sự việc theo cách này, bạn sẽ thấy sự vô thường, khổ, và bất toại nguyện. Tại sao những thứ này vô thường và bất toại nguyện? Bởi vì chúng không có tự tính (vô ngã).

Cả cái thân thể đau bệnh đang nằm ở đây, và cái tâm nhận biết sự bệnh đau đó, đều là pháp (dhamma). Cái không có hình sắc như tư tưởng, cảm xúc, và sự nhận thức được gọi là pháp thật (nàma-dhamma). Cái bị hành hạ với sự đau nhức gọi là pháp giả (rùpa-dhamma). Cái vật chất là pháp và cái phi vật chất cũng là pháp. Cho nên chúng ta sống với pháp, trong pháp, và chúng ta là pháp. Thật vậy, không có một tự ngã nào cả; chỉ có các pháp liên tục phát sinh và hoại diệt. Chúng ta trải qua sự sinh và tử trong từng phút giây. Đây là bản chất của sự việc.

Khi chúng ta nghĩ đến Đức Phật, về những lời dạy đầy chân lý của Ngài, chúng ta mới thấy Ngài thật đáng được tôn kính đến dường nào. Mỗi khi chúng ta thấy sự thật về một điều gì đó, chúng ta nhìn thấy sự giảng dạy của Ngài. Dầu chúng ta không thật sự tu hành. Nhưng dầu chúng ta hiểu biết, nghiên cứu và thực hành giáo lý, chừng nào chúng ta chưa nhìn thấy chân lý, chúng ta vẫn là kẻ không nhà.

Hãy hiểu điều này. Tất cả mọi người, tất cả thú vật, đều đang chuẩn bị rời đi. Khi một người đã sống trong khoảng thời gian thích đáng, kẻ đó phải đi tiếp tục. Giàu, nghèo, trẻ, và già đều phải trải qua sự thay đổi này.

Khi bạn nhận ra rằng đó là bản chất của thế gian, bạn sẽ cảm thấy chán ngắt. Khi bạn nhìn thấy rằng không có gì là thật và có thực chất để bạn có thể bám giữ, bạn sẽ cảm thấy chán ngắt và không còn ảo tưởng. Chán ngán không có nghĩa là chán ghét. Chỉ là tâm bạn đã hiểu rõ. Tân nhìn thấy rằng không có gì để bạn có thể sửa đổi trình trạng này; thế giới là như vậy thôi. Biết được như vậy, bạn có thể buông bỏ mọi ràng buộc, buông bỏ với một cái tâm không vui, không buồn, nhưng bình an bởi bạn đã thấy bản chất biến đổi của chúng với trí huệ. Tất cả nhân duyên đều vô thường.

Khi bạn xem xét sự việc như thế đó, bạn sẽ thấy chúng chán ngắt, và bạn trở nên thản nhiên. Bạn không còn mê đắm thú vui dục lạc. Bạn sẽ thấy rằng, nếu bạn có quá nhiều thứ, bạn phải ra sức rất nhiều, có nhiều thứ để buông bỏ. Nếu bạn sở hữu ít, bạn có ít thứ để buông bỏ. Giàu thì giàu, sống lâu thì sống lâu. Không có gì đặc biệt cả.

Điều quan trọng là chúng ta làm theo lời Phật dạy, và xây cất căn nhà của riêng mình, xây cất nó bằng phương pháp mà tôi vừa giải thích. Hãy xây căn nhà cho mình. Xả bỏ. Xả bỏ cho đến khi tâm đạt đến sự bình an. Hạnh phúc thế gian không phải là nhà của chúng ta. Cả hạnh phúc và khổ đau đều suy thoái và hoại diệt.

Đức Phật nhìn thấy rằng tất cả nhân duyên đều vô thường, cho nên Ngài bảo chúng ta đừng dính mắc đến chúng. Đến cuối đời, chúng ta không có sự lựa chọn nào cả. Vậy thì buông bỏ chúng trước khi chúng ta đi đến đó không phải tốt hơn sao? Chúng là một gánh nặng. Tại sao không vứt bỏ gánh nặng đó ngay bây giờ? Hãy buông bỏ, thư giãn, và để gia quyến của bạn chăm sóc cho bạn.

Những ai chăm sóc người bệnh phát triển tâm thiện lành và đức hạnh. Người bệnh là người cho người khác cơ hội phụng sự, và do đó không nên gây khó khăn cho những người chăm sóc mình. Nếu có đau nhức hay vấn đề gì hãy nói cho họ biết và giữ cho tâm luôn thiện lành. Người châm sóc cho người bệnh luôn có tấm lòng tốt, sự nhiệt tình, và không để ác cảm trong tâm. Đây là cơ hội để bạn trả nợ tới người khác. Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, bạn lệ thuộc vào cha mẹ mình. Bạn hiện diện nơi đây là vì cha mẹ bạn đã giúp bạn trong nhiều cách. Bạn thiếu họ một món nợ ân nghĩa rất lớn.

Cho nên hôm nay, tất cả con cái và thân quyến có mặt ở đây, hãy quan sát cách cha mẹ bạn trở thành con cái của bạn. Bà đã già dần cho đến khi bà trở thành một đứa con nít trở lại. Trí nhớ của bà đã mất dần, mắt đã mờ, và tai đã lãng. Đôi lúc bà nói năng vụn về. Đừng để điều đó làm bạn bực tức. Bạn, người chăm sóc bệnh nhân, cũng phải biết cách buông bỏ. Đừng dính mắc vào sự việc, cứ để bà làm theo ý bà. Khi một đứa trẻ không vâng lời, đôi khi cha mẹ để nó làm theo ý nó, để họ được yên ổn, để nó vui vẻ. Giờ đây, mẹ của bạn cũng giống như đứa trẻ đó. Trí nhớ và nhận thức của bà rối loạn. Đôi lúc bà loay hoay mãi mới nhớ tên của bạn. Hay khi yêu cầu điều này, nhưng lại nói điều khác. Đó là điều bình thường thôi, đừng tức giận.

Hãy để người bệnh nhớ mãi lòng tốt của người chăm sóc và chịu đựng những cảm giác đau buồn. Hãy nỗ lực hơn nữa, đừng để tâm bấn loạn và mất tập trung, và đừng làm sự việc khó khăn thêm cho những người chăm sóc bạn. Hãy để người chăm sóc bệnh nhân chỉ có tâm tốt bụng và đức hạnh. Đừng để cảm thấy chán ghét khía cạnh không đẹp của công việc, chùi rữa, dọn dẹp thứ ô uế. Hãy cố gắn hết sức mình. Mọi người trong gia đình nên giúp một tay.

Bà là người mẹ duy nhất của bạn. Bà đã cho bạn sự sống; bà là thầy giáo, là y sĩ, và là người chăm sóc bạn – bà từng là tất cả đối với bạn. Sự việc bà nuôi nấng bạn lớn lên, chia sẻ sự giàu có với bạn, và để bạn thừa kế sự giàu có của bà, chứng tỏ bà là một người mẹ rất tốt. Đó là tại sao Đức Phật dạy những phẩm hạnh như: biết món nợ ân nghĩa của chúng ta, và cố gắn đền đáp nó. Đây là hai pháp bổ sung. Nếu cha mẹ của chúng ta đang cần giúp đở, không khỏe, hay đang gặp khó khăn, chúng ta làm hết sức mình để giúp đở họ. Đây là loại đức hạnh duy trì thế giới. Nó ngăn cản thân quyến chia rẽ, khiến họ sống ổn định và thuận hòa.

Hôm nay tôi mang đến cho các bạn món quà của Giáo Pháp trong thời điểm bệnh hoạn. Tôi không có một tài sản vật chất nào để tặng các bạn, nhưng dường như căn nhà này đã có rất nhiều thứ ở đó rồi. Cho nên tôi tặng bạn Giáo Pháp, một thứ có giá trị lâu dài, một thứ mà bạn sẽ không bao giờ có thể dùng hết. Sau khi nhận nó, bạn có thể chuyển nó đến nhiều người khác và nó sẽ không bao giờ sút kém. Đó là tính chất của chân lý. Tôi vui mừng vì mình có thể tặng cho các bạn món quà Giáo Pháp này và hy vọng nó sẽ cho các bạn sức mạnh để đối phó với nỗi đau của mình.

------------------------------------------------------

(1) Nhân duyên là nguyên nhân và điều kiện.

(2) Thế giới duyên khởi là thế giới mà mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên mà sinh ra.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***