1 thg 7, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 3 - CHƯƠNG 25

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 3

TRÍ HUỆ

CHƯƠNG 25

SỐNG VỚI RẮN HỔ MANG.

Bạn để cái tốt ở đó, và bạn cũng để cái không tốt ở đó.

Hãy để cái thích và cái không thích của bạn ở đó.

Hãy đối xử với chúng như bạn đối xử với một con rắn hổ mang.

Đừng can thiệp vào.

Giáo lý mà chúng ta nghiên cứu tại Wat Pah pong là cách tu hành để thoát khổ. Để tu hành như thế, bạn phải xem những động thái khác nhau của tâm, tất cả những thứ bạn thích và không thích, giống như một con rắn hổ mang. Hổ mang là loài rắn cực độc, có thể giết chết bạn ngay tại chỗ nếu nó cắn trúng bạn. Những cảm thọ của chúng ta cũng vậy. Những cảm thọ chúng ta thích thì độc hại, nhưng cảm thọ chúng ta không thích cũng độc hại. Cả hai thứ đều không cho tâm bình an, và cả hai đều ngăn cản chúng ta hiểu biết đúng chân lý như điều Phật dạy.

Do đó chúng ta phải cố duy trì sự chánh niệm suốt ngày đêm. Bất kể bạn đang làm gì, bạn phải làm với chánh niệm. Khi bạn có thể thiết lập sự chánh niệm này, bạn sẽ thấy một sự hiểu biết rõ ràng phát sinh cùng một lúc, và hai điều kiện này sẽ mang đến trí huệ. Cho nên, chánh niệm, sự hiểu biết rõ ràng, và trí huệ sẽ làm việc với nhau, và bạn sẽ giống như một người thức tỉnh cả ngày lẫn đêm.

Sự giảng dạy của Đức Phật không phải là loại giáo lý chỉ để cho chúng ta lắng nghe và tiếp nhận bằng đầu óc. Chúng là sự giảng dạy mà xuyên qua sự thực hành có thể phát sinh và nhận biết trong tâm của chúng ta. Bất cứ chúng ta đi đến đâu, bất cứ chúng ta làm gì, chúng ta nên luôn có sự giảng dạy này trong tâm. Và ý tôi nói “có sự giảng dạy” hay “có chân lý” là, bất kể chúng ta làm gì hay nói gì, chúng ta làm và nói với trí huệ. Khi chúng ta suy nghĩ và quán chiếu, chúng ta làm với trí huệ. Người có chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng, phối hợp với trí huệ, là người gần Phật.

Khi bạn rời khỏi nơi đây, bạn nên tập mang mọi thứ vào trong tâm mình. Xem xét tâm mình với sự chánh niệm và hiểu biết rõ ràng, và phát triển trí huệ này. Với ba điều kiện này hiện diện, sự xả bỏ sẽ phát sinh. Bạn sẽ biết sự sinh và diệt không ngừng của mọi hiện tượng.

Bạn nên biết rằng cái sinh và cái diệt chỉ là động thái của tâm. Khi một thứ gì đó phát sinh, nó hủy diệt và được nối tiếp bằng những sự phát sinh và hủy diệt khác. Trong ngôn ngữ của Đạo, chúng ta gọi đây là sự sinh và diệt. Và chỉ có bấy nhiêu thôi. Khi khổ đau phát sinh, nó hủy diệt, và khi nó hủy diệt, khổ đau sẽ phát sinh trở lại. Chỉ có sự khổ sinh và diệt. Khi bạn nhìn thấy bấy nhiêu, bạn sẽ nhận biết sự sinh diệt này một cách liên tục. Và khi cái biết của bạn đã liên tục, bạn sẽ thấy mọi thứ chỉ là vậy mà thôi. Tất cả chỉ là sự sinh và diệt.

Sự chứng ngộ này sẽ dẫn tới một cảm giác thản nhiên đối với thế gian. Cảm giác đó phát sinh khi chúng ta thấy rằng không có gì đáng để ham muốn, chỉ có sự sinh và diệt mà thôi. Đây là lúc tâm đạt đến sự xả bỏ - xả bỏ tất cả đúng với bản chất của nó. Chúng ta biết rõ những gì sinh và diệt trong tâm. Và “sự biết hạnh phúc” này có nghĩ là chúng ta không đồng hóa mình với nó hay xem nó là của chúng ta. Khi chúng ta không còn đồng hóa mình và bám vào sự hạnh phúc và đau khổ, chúng ta cho phép sự việc diễn tiến một cách tự nhiên.

Cho nên, chúng ta nói rằng những hoạt động tâm thức giống như một con rắn hổ mang độc hại. Nếu chúng ta không xen vào, con rắn hổ mang chỉ việc đường nó nó đi. Dầu nó rất độc hại, chúng ta không bị gì cả, chúng ta không tới gần nắm giữ lấy nó, nên nó không cắn chúng ta. Con rắn làm những gì nó thường làm. Đó là bản chất của nó. Nếu bạn khôn ngoan, bạn sẽ để nó một mình, bạn không dính dấp tới nó, có nghĩa là bạn để cái tốt ở đó, và bạn để cái không tốt ở đó. Hãy để cái thích và không thích của bạn ở đó. Hãy đối xử với chúng như bạn đối xử với con rắn hổ mang. Đừng xen vào. Chúng ta không muốn điều ác, nhưng chúng ta cũng không muốn điều thiện. Chúng ta không muốn cảm giác nặng nề hay nhẹ nhõm, hạnh phúc hay khổ đau. Bằng cách này, khi sự ham muốn của chúng ta chấm dứt, sự bình an sẽ được thiết lập vững vàng.

Khi chúng ta có được thứ bình an này trong tâm, chúng ta có thể tin cậy vào nó. Sự bình an này phát sinh từ sự rối rắm. Sự rối rắm đã kết thúc. Đức Phật gọi sự đạt đến trạng thái giác ngộ rốt ráo là sự “dập tắt”, giống như cách lửa được dập tắt vậy. Chúng ta dập tắt lửa nơi nó xuất hiện. Nơi nào nóng, nơi đó chúng ta có thể làm cho nó mát. Với sự giác ngộ cũng vậy. Niết bàn được tìm thấy trong sự sinh tử luân hồi. Sự giác ngộ và vô minh tồn tại cùng một chỗ, giống như cái nóng và cái lạnh. Nó nóng nơi nó đã lạnh và nó lạnh nơi nó đã nóng. Khi sự nóng bức phát sinh, sự mát mẻ tan biến, và khi có sự mét mẻ, thì không còn có sự nóng. Trong cách này, niết bàn và luân hồi giống như nhau.

Chúng ta được bảo là phải chấm dứt luân hồi sinh tử, có nghĩa là chấm dứt cái vòng rối rắm bất tận. Sự chấm dứt rối rắm này là sự dập tắt ngọn lửa. Khi ngọn lửa bên ngoài được dập tắt, chúng ta có sự mát mẻ. Khi ngọn lửa bên trong tham, sân, si bị dập tắt, thì đây cũng là sự mát mẻ.

Đây là bản chất của sự giác ngộ, nó là sự dập tắt lửa, sự làm mát cái nóng bức. Đây là sự bình an. Đây là sự chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Khi bạn giác ngộ, nó là như thế đó. Nó là sự kết thúc của cái luôn thay đổi và luôn xoay chuyển, là sự kết thúc của tham, sân, si trong tâm chúng ta. Chúng ta dùng từ hạnh phúc để diễn tả trạng thái này, bởi vì đây là sự hiểu biết của người thế gian về cái lý tưởng rốt ráo, nhưng trên thực tế, nó vượt lên cả sự hạnh phúc và khổ đau. Nó là một sự bình an tuyệt đối.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***