Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 3
TRÍ HUỆ
CHƯƠNG 35
DÒNG NƯỚC TĨNH LẶNG.
Tâm của bạn sẽ giống như dòng nước
chảy,
thế nhưng nó tĩnh lặng.
Tĩnh lặng nhưng trôi chảy.
Cho nên tôi gọi nó là “dòng nước
tĩnh lặng chảy”
Trí huệ có
thể phát sinh tại đây.
Ngay bây
giờ, làm ơn chú ý. Đừng để tâm đuổi theo những thứ khác. Cứ tưởng tượng là bạn
đang ngồi trên một ngọn núi hay ở một nơi nào đó trong rừng, chỉ một mình thôi.
Bạn đang làm gì vào lúc này? Thân và tâm, chỉ có hai thứ này thôi. Tất cả những
gì nằm bên trong con người ngồi ở đây được gọi là thân thể. Tâm là cái nhận biết và suy nghĩ vào lúc này. Cả hai thứ
này cũng được gọi là nàma và rùpa. Nàma chỉ cái không có rùpa hay
hình thể. Tất cả tư tưởng và cảm xúc, hay bốn uẩn: thọ, tưởng, hành, thức, đều
là nàma. Chúng đều không có hình thể. Khi mắt nhìn thấy hình thể đó gọi là nàma và rùpa, hay chỉ là thân và tâm.
Hãy hiểu rằng cái ngồi đây bây giờ
chỉ là thân và tâm. Nhưng chúng ta thường lẫn lộn hai thứ này với nhau. Nếu bạn
muốn được bình an, bạn phải biết sự thật về chúng. Tâm trong tình trạng hiện
tại của nó là cái tâm chưa được huấn luyện. Nó không trong sạch và sáng tỏ. Nó
chưa phải là cái tâm thuần khiết. Chúng ta phải huấn luyện cái tâm này thêm nữa
xuyên qua sự hành thiền.
Có người nghĩ rằng thiền là ngồi
trong một tư thế đặc biệt nào đó, nhưng thật sự thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là
những phương tiện để hành thiền. Bạn có thể tu hành suốt ngày đêm. Định(1)
có nghĩa là “tâm thiết lập vững vàng”. Để phát triển định lực, bạn không cần
phải giam cái tâm lại. Có người cố đạt sự bình an bằng cách ngồi yên lặng, và
không cho phép thứ gì quấy nhiễu họ, nhưng như thế cũng không đúng. Tu hành là
để phát triển trí huệ và sự hiểu biết.
Định
là cái tâm vững vàng, tâm nhất điểm.
Nó cố định ở điểm nào vậy? Nó cố định tại cái điểm thăng bằng. Nhưng người tu
thiền bằng cách cố yên lặng tâm của họ, sẽ nói, “Tôi cố ngồi thiền, nhưng tâm
tôi không đứng yên lấy một phút. Lúc thì nó bay qua bên này, lúc thì nó bay qua
bên kia. Làm sao để cho nó dừng lại?” Bạn không cần phải làm cho nó dừng lại,
đó không phải là vấn đề. Nơi nào có sự chuyển động, nơi đó sự hiểu biết có thể
phát sinh. Người ta than phiền, “Nó cứ chạy mất, và tôi kéo nó lại, nhưng rồi
nó chạy đi nữa, và tôi lại kéo nó lại. Họ cứ ngồi đó giằng tới kéo lui mãi.
Họ nghĩ rằng tâm của họ đang chạy
lung tung khắp chốn, nhưng thật sự, nó chỉ có vẻ như đang chạy thôi. Ví dụ, hãy
xem xét cái chánh điện ở đây. “Ồ! Nó lớn quá!” bạn nói. Thật ra nó không lớn
chút nào. Nó lớn hay nhỏ đều tùy thuộc vào nhận thức của bạn về nó. Thật sự thì
cái chánh điện này chỉ rộng như thế thôi, không lớn, không nhỏ, nhưng người ta
cứ chạy theo cảm xúc của họ. Thiền là để tìm thấy sự bình an nội tâm: trước hết
bạn phải hiểu sự bình an là gì. Nếu bạn không hiểu nó, bạn sẽ không thể tìm
thấy nó.
Thí dụ, hôm nay bạn đến tu viện,
mang theo một cây bút đắt tiền. Giả sử, trên đường đến đây, bạn để cây bút
trong túi áo của bạn, nhưng sau đó, bạn lấy nó ra và để nó ở một nơi khác –
trong túi quần sau của bạn, chẳng hạn. Rồi giờ bạn thò tay vào túi áo… Nó không
có ở đó! Bạn hoảng hốt. Bạn hoảng hốt vì bạn hiểu lầm, vì bạn không biết sự
thật của vấn đề. Và rồi bạn đau khổ vì nghĩ mình đánh mất cây bút. Sự hiểu biết
sai lầm của bạn khiến cho bạn khổ. “Buồn quá! Mới mua cây bút được vài ngày mà
đã mất rồi”.
Nhưng rồi bạn nhớ ra, “Ồ, biết rồi!
Khi tôi sử dụng nó xong thì tôi đã để cây bút ở túi quần sau”. Thế là bạn thấy
nhẹ nhõm ngay! Thấy không? Bạn vui vẻ rồi. Bạn không còn lo lắng về cây bút của
mình. Khi bạn sờ vào túi quần sau, nó ở đó. Tâm của bạn đánh lừa bạn suốt thời
gian qua. Bây giờ nhìn thấy cây bút, nỗi lo của bạn lắng dịu. Thứ bình an này đến tự sự nhìn thấy nguyên
nhân của vấn đề, hay nguyên nhân của sự khổ. Bạn vừa tìm thấy cây bút nằm
trong túi quần sau, thì sự khổ chấm dứt.
Cho nên, bạn phải quán chiếu để có
thể tìm thấy sự bình an. Điều mà người ta nói là sự bình an, chỉ là sự lắng yên
của tâm, không phải sự lắng yên của phiền não. Phiền não chỉ tạm thời bị chặn
đứng, giống như mảng cỏ bị tảng đá đè lên trên. Nếu ba, bốn ngày bạn lấy tảng
đá đi, thì không bao lâu, cỏ sẽ mọc trở lại. Cỏ không chết, nó chỉ bị đè nén.
Nó cũng giống như việc ngồi thiền: tâm lắng dịu nhưng phiền não thì không. Thiền định mang tới một sự bình an, nhưng nó
cũng giống như đá đè lên cỏ. Nó chỉ tạm thời. Để đạt được bình an thật sự, bạn
phải phát triển trí huệ. Sự bình an của trí huệ thì giống như việc đặt tảng
đá lên mảng cỏ và không nhấc nó lên, cứ để nó ở đó. Cỏ không thể nào mọc lên
lại. Đây chính là sự bình an thật, sự lắng dịu của phiền não.
Chúng ta nói về trí huệ và sự tĩnh
lặng như hai thứ riêng biệt, nhưng thật ra, chúng là một và giống nhau. Trí huệ là chức năng động của thiền định;
thiền định là khía cạnh tĩnh của trí huệ. Chúng phát sinh cùng một chỗ
nhưng có chức năng khác nhau, khuynh hướng khác nhau. Giống như trái xoài ở
đây. Lúc đầu, nó là một trái xoài xanh nhỏ, rồi nó lớn lên dần cho đến khi nó
chín. Trái nhỏ, trái lớn, và trái chín, đều là cùng một trái xoài, nhưng điều
kiện của nó thay đổi. Trong sự tu hành, một điều kiện gọi là thiền định, điều
kiện đến sau gọi là trí huệ, nhưng thật sự thì giới, định, huệ đều là một thứ,
giống như trái xoài vậy.
Trong trường hợp nào cũng vậy, bất
kể bạn nói đến khía cạnh nào của sự tu hành, bạn phải luôn bắt đầu với cái tâm.
Bạn có biết cái tâm này là gì không? Nó ở đâu vậy? Không ai biết cả. Chúng ta
chỉ biết là chúng ta muốn đi qua bên này hay bên kia, chúng ta muốn điều này
hay điều kia, chúng ta cảm thấy tốt hay xấu, nhưng tâm thì thật khó biết. Tâm
là cái gì? Tâm không có hình thể. Cái tiếp nhận những cảm thọ tốt và xấu, chúng
ta gọi là “tâm”. Nó giống như người chủ nhà. Người chủ nhà ở mãi trong nhà, còn
khách khứa thì đến gặp họ. Chủ nhà là người tiếp khách. Ai tiếp nhận các cảm
thọ? Đó là cái chúng ta gọi là “tâm”. Nhưng con người không thể nhìn thấy nó,
cho nên họ cứ suy nghĩ lòng vòng. “Tâm là gì? Nó có phải là bộ óc không?” Đừng
làm vấn đề rối rắm như thế. Nhưng cái tiếp nhận các cảm thọ là gì? Có cảm thọ
nó thích, có cái nó không thích. Ai thế? Có một người nào đó thích hay không
thích sao? Hẳn nhiên, nhưng chúng ta không thể thấy nó. Chúng ta cho nó là một
tự ngã, nhưng thật ra, nó chỉ là một pháp vô hình (nàma-dhamma).
Do đó, chúng ta bắt đầu tu hành bằng
cách lắng dịu tâm. Đặt sự nhận biết vào trong tâm. Nếu tâm nhận biết, nó sẽ
được bình an. Có người không thiết lập sự nhận biết, họ chỉ muốn được bình an,
kiểu trống rỗng. Vì thế họ không bao giờ học hỏi được điều gì. nếu chúng ta
không có “người biết” này, chúng ta lấy gì làm nền tảng cho sự tu hành của
mình?
Nếu không có dài, sẽ không có
ngắn. Nếu không có đúng, sẽ không có
sai. Con người thời nay cứ nghiên cứu mãi, tìm kiếm điều thiện và điều ác.
Nhưng cái vượt lên trên sự thiện ác thì họ không biết chút nào cả. Họ chỉ biết
cái đúng và cái sai – “Tôi chỉ muốn cái đúng thôi. Tôi không muốn biết về cái
sai. Để làm gì?” Nếu bạn chỉ cố lấy cái đúng thôi, thì không ba lâu nó sẽ lại
sai. Đúng dẫn tới sai. Họ nghiên cứu về cái dài và cái ngắn, nhưng cái không
dài , không ngắn thì họ không biết chút nào cả. Một con dao có cạnh bén, cạnh
cùn, và một cái tay cầm. Cái tay cầm, cạnh cùn, cạnh bén đều là những phần của
cùng một con dao: khi bạn nhặt con dao lên, bạn được cả ba phần.
Cùng thế ấy, nếu bạn lấy cái tốt, cái xấu theo sau. Nếu bạn lấy cái hạnh phúc, đau
khổ theo sau. Sự tu hành dính mắc vào sự tốt lành và khước từ sự xấu là Đạo của
trẻ con. Nó giống như đồ chơi. Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ có thể hiểu được bấy
nhiêu, thì cũng không sao, nhưng nếu bạn bám vào điều tốt, thì điều xấu sẽ đi
theo. Khúc cuối của con đường sẽ rối rắm. Nếu bạn không nghiên cứu điều này, sự
tu hành của bạn không thể hoàn tất.
Thử lấy một ví dụ. Nếu bạn có con,
giả sử bạn chỉ muốn yêu thương chúng và không bao giờ giận ghét chúng. Đây là
lối suy nghĩ của những người không biết bản chất của con người. Nếu bạn nắm giữ
tình thương, sự thù ghét sẽ theo sau. Tương tự thế, người ta học hỏi Giáo Pháp
để phát triển trí huệ, cho nên họ xem xét kỹ điều thiện và điều ác. Rồi sau khi
nhận ra điều thiện và điều ác, họ làm gì? Họ cố bám vào điều thiện, và điều ác
đi theo sau. Họ không học hỏi cái vượt lên trên thiện ác. Đây là điều bạn nên
quán xét.
Những người như thế nói, “Tôi sẽ như
thế này”, “Tôi sẽ như thế kia”, nhưng họ không bao giờ nói, “Tôi không là thứ
gì cả, bởi vì đâu có thứ gì thật sự là tôi”. Họ chưa học hỏi điều này. Tất cả
những gì họ muốn chỉ là sự thiện lành, và nếu họ đạt được điều đó, họ lạc lối
trong đó. Thế nhưng, khi sự việc trở nên sáng sủa, thuận lợi, họ thối đọa và
trở nên xấu, cho nên, con người cứ tốt rồi xấu, xấu rồi tốt như thế mãi.
Hãy huấn luyện tâm cho đến khi nó
thuần khiết. Tâm thuần khiết lên trên cả thiện và ác, vượt lên cả sự thuần
khiết. Thế là hoàn tất. Đó là khi sự tu hành kết thúc. Chỉ khi bạn có thể khiến
cho tâm vượt lên cả hạnh phúc lẫn khổ đau, bạn mới tìm thấy sự bình an thật. Đó
là sự bình an chân chánh. Đây là đề tài mà đa số người không nghiên cứu; họ
không thật sự nhìn thấy điều này. Đừng nghĩ rằng huấn luyện tâm là chỉ ngồi đó
yên lặng. Có người than phiền, “Tôi không thể thiền, tôi quá hiếu động. Mỗi khi
ngồi xuống, tôi nghĩ đến chuyện này, chuyện kia. Tôi không thể tu hành. Nghiệp
chướng tôi nặng nề quá. Tôi nên dừng hết những nghiệp ác của mình trước, rồi
mới trở lại để tu thiền”. Được, cứ thử đi. Dừng cho hết nghiệp ác của bạn.
Những cái gọi là chướng ngại là
những cái chúng ta phải học hỏi. Mỗi khi chúng ta ngồi, tâm liền chạy ra ngoài.
Chúng ta đi theo nó, rồi cố mang nó lại và quan sát nó. Nhưng rồi nó lại chạy
nữa. Đây là điều bạn cần quán xét! Đa số người không muốn học bài học của họ từ
thiên nhiên – giống như một cậu học trò nghịch ngợm không muốn làm bài tập của
mình. Họ không muốn nhìn thấy tâm thay đổi. Nhưng như vậy thì họ phát triển trí
huệ bằng cách nào? Chúng ta phải sống với sự thay đổi này. Khi chúng ta biết
rằng đây là bản chất của nó, chúng ta sẽ hiểu nó.
Giả sử bạn có một con khỉ nuôi trong
nhà. Con khỉ không ở yên một chỗ được lâu, nó nhảy quanh và chụp cái này, nắm
cái kia. Nhưng khỉ là vậy đó. Bây giờ, bạn đến tu viện và nhìn thấy một con khỉ
ở đây. Con khỉ này cũng không đứng yên một chỗ, nó nhảy nhót lung tung giống
như con khỉ ở nhà vậy. Nhưng nó không làm phiền bạn, phải không? Nếu bạn đã
từng nuôi một con khỉ, bạn sẽ biết chúng ra sao. Khi bạn hiểu biết một con khỉ,
thì bất kể bạn đi đâu, nhìn thấy bao nhiêu con khỉ, bạn sẽ không bị chúng phiền
nhiễu, đúng không? Đó là bởi vì bạn là người hiểu bản chất của con khỉ.
Nếu chúng ta hiểu khỉ, chúng ta sẽ
không trở thành khỉ. Nhưng nếu bạn không hiểu khỉ, bạn có thể trở thành một con
khỉ! Hiểu không? Nếu bạn thấy chúng nắm cái này, chụp cái kia, và bạn la lên,
“Ê, ngừng lại!” rồi bạn tức giận – “Con khỉ mất dạy đó!” – Thế thì bạn là một
người không biết gì về khỉ. Một người hiểu khỉ nhận thấy rằng con khỉ ở nhà và
con khỉ ở tu viện cũng như nhau. Tại sao lại tức giận? Một khi bạn nhìn thấy
bản chất của loài khỉ, thế là xong; bạn có thể được bình an bằng sự hiểu biết
đó.
Sự bình an là như thế. Chúng ta phải
biết các cảm xúc. Có cảm xúc thoải mái, có cảm xúc khó chịu, nhưng điều đó
không quan trọng. Đó là vấn đề của chúng. Cũng giống như con khỉ vậy. Chúng ta
nên hiểu cảm xúc và biết cách buông bỏ chúng. Cảm xúc không chắc chắn. Chúng
tạm bợ, không hoàn mỹ và vô chủ. Mọi thứ chúng ta tiếp cận đều là như thế cả.
Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý tiếp nhận cảm xúc, chúng ta biết chúng
giống như loài khỉ. Và rồi chúng ta có thể bình an.
Phải có những thứ này. Nếu không có
các cảm xúc, bạn không thể phát triển trí huệ. Với một người học trò nghiêm
túc, thì càng có nhiều cảm xúc càng tốt. Nhưng nhiều thiền giả rất sợ các cảm
xúc. Họ không muốn đối phó với chúng. Đây là học trò không muốn đi tới trường,
không nghe lời thầy. Những cảm xúc này đang dạy dỗ chúng ta. Khi chúng ta nhận
biết các cảm xúc, chúng ta đang tu hành. Sự bình an bên trong các cảm xúc thì
cũng giống như sự hiểu biết con khỉ ở đây. Khi bạn hiểu bản chất của tâm, bạn
sẽ không còn bị nó phiền nhiễu.
Sự tu hành cũng vậy. Đạo không ở đâu
xa, nó ở ngay trong chúng ta. Đạo không liên quan đến những ông thần trên trời
hay những thứ như thế. Nó chỉ là chúng ta, về những gì chúng ta đang làm ngay
bây giờ và ở đây. Hãy quan sát chính mình. Đôi lúc có sự hạnh phúc, đôi lúc có
khổ đau, đôi lúc thương, đôi lúc ghét. Đây là Đạo. Bạn phải học hỏi kinh nghiệm
của mình.
Bạn phải biết các cảm xúc trước khi
bạn có thể buông bỏ chúng. Khi bạn nhìn thấy rằng các cảm xúc đều vô thường,
chúng sẽ không làm phiền bạn nữa. Khi một cảm xúc vừa nảy sinh, chỉ việc nói
với mình, “Nó là một thứ không chắc chắn”. Khi tâm trạng thay đổi, “Hừm, không
chắc”. Bạn có thể sống bình an với những thứ này, giống như khi nhìn thấy con
khỉ mà không bị quấy rầy. Nếu bạn biết sự thật về những cảm xúc, đó là bạn hiểu
Đạo. Bạn buông bỏ các cảm xúc, vì thấy rằng chúng đều không chắc chắn.
Sự không chắc chắn mà chúng ta nói
đến ở đây là Phật. Phật là Pháp. Pháp là tính chất của sự không chắc chắn. Bất
cứ ai nhìn thấy sự không chắc chắn của sự việc nhìn thấy cái thực tại không
thay đổi của chúng. Pháp là như vậy đó. Và đó là Đức Phật. Nếu bạn nhìn thấy
Pháp, bạn nhìn thấy Phật. Nhìn thấy Phật, bạn nhìn thấy Pháp. Nếu bạn biết sự
vô thường, không chắc chắn, bạn sẽ buông bỏ sự việc và không nắm giữ chúng nữa.
Bạn nói, “Đừng làm vỡ cái ly của
tôi!” Bạn có thể ngăn cản một thứ có thể vỡ để nó đừng vỡ không? Nó sẽ vỡ, sớm
hay muộn thôi. Nếu bạn không làm vỡ nó, một người khác sẽ làm. Đức Phật bảo
chúng ta chấp nhận điều này, Ngài nhìn thấy rằng, cái ly này vốn đã vỡ rồi. Sự
hiểu biết của Đức Phật là như thế. Ngài nhìn thấy cái ly vỡ bên trong cái ly
chưa vỡ. Mỗi khi bạn dùng cái ly này, bạn nên ngẫm nghĩ rằng nó đã vỡ. Khi thời
gian đến, nó sẽ vỡ. Hãy dùng cái ly, hãy chăm sóc nó, cho đến ngày nó tụt khỏi
tay bạn và vỡ tan. Không sao cả. Bởi vì bạn đã nhìn thấy sự vỡ tan của nó từ
trước!
“Tôi rất thích cái ly này”, bạn nói,
“Tôi hy vọng nó không bao giờ vỡ”. Vài bữa sau, con chó làm vỡ nó. “Tôi sẽ giết
con chó khốn nạn đó!” Bạn ghét con chó vì nó làm vỡ cái ly yêu thích của bạn.
Nếu có người nào đó làm vỡ cái ly đó, bạn cũng ghét họ luôn. Tại sao vậy? Bởi
vì bạn ngăn mình lại, và nước không có chỗ thoát. Bạn xây một cái đập nước mà
không có đập tràn. Điều duy nhất cái đập có thể làm là vỡ tung, phải không? Khi
bạn xây một cái đập, bạn cũng phải làm một cái đập tràn. Khi nó dâng quá cao,
nó có thể chảy ra ngoài một cách an toàn. Bạn phải có một cái van an toàn như
thế. Sự vô thường là cái van an toàn của Thánh Nhân. Nếu bạn có cái van an toàn
này, bạn sẽ bình an.
Đi, đứng, nằm, ngồi, hãy tu hành
liên tục, dùng chánh niệm để canh gác và bảo vệ tâm. Chừng nào bạn không vứt bỏ
Phật, bạn sẽ không đau khổ. Vừa vứt bỏ Phật, vừa vứt bỏ sự quán chiếu về tính
chất tạm bợ, bất toàn, và vô chủ, là bạn đau khổ ngay. Nếu bạn có thể tu hành
được bấy nhiêu, thì đã đủ. Đau khổ sẽ không phát sinh, hoặc nếu nó có phát
sinh, bạn có thể giải quyết ổn thỏa, và điều này khiến cho sự khổ không phát
sinh trong tương lai. Đây là dứt điểm của sự tu hành, một điểm nơi sự khổ không
còn phát sinh. Và tại sao sự khổ không còn phát sinh? Bởi vì chúng ta đã nhận
ra nguyên nhân của sự khổ. Bạn không cần đi xa hơn điểm này. Chỉ bấy nhiêu là
đủ.
Quán chiếu điều này trong tâm của
bạn. Tất cả các bạn đều có Năm Giới làm nền tảng. Không cần phải nghiên cứu tam
tạng kinh điển. Chỉ việc tập trung vào Năm Giới này. Lúc đầu, bạn sẽ phạm lỗi
lầm. Khi bạn nhận ra điều này, hãy dừng lại ngay, quay lại và tái thiết lập
giới hạnh của bạn. Có thể bạn sẽ đi lạc và làm một lỗi lầm khác. Khi bạn nhận
ra điều này, tái thiết lập chính mình. Nếu bạn tu hành như thế này, bạn sẽ có
chánh niệm liên tục, trong mọi tư thế. Khi đến giờ ngồi thiền, bạn ngồi thiền.
Nhưng thiền không chỉ là ngồi. Bạn phải cho phép tâm kinh nghiệm sự việc hoàn
toàn, cho phép sự việc diễn ra tự nhiên và xem xét bản chất của chúng. Bạn xem
xét chúng như thế nào? Hãy nhìn thấy chúng là vô thường, bất toàn, và vô chủ.
Tất cả đều không chắc chắn. “Cái này đẹp quá. Tôi phải có nó”. Đó không phải là
một điều chắc chắn. “Tôi không thích cái này chút nào cả”. Hãy nói với mình
ngay lúc đó, “Không chắc!” Nhưng nếu bạn cố xem sự việc là thật: “Tôi sẽ lấy
cho được thứ này…”. Bạn đã đi lạc hướng. Đừng làm thế. Bất kể bạn thích một
điều gì đến chừng nào, bạn nên suy nghĩ là nó không chắc chắn. Có một món ăn có
vẻ rất thơm ngon, nhưng bạn nên suy nghĩ rằng nó không phải là điều chắc chắn.
Nó có thể trông rất chắc chắn, trông rất ngon, nhưng bạn vẫn phải nói với mình,
“Không chắc!” Nếu bạn muốn kiểm tra xem nó có chắc chắn không, hãy thử ăn món
đó mỗi ngày. Mỗi một ngày, nhớ nhé. Cuối cùng, bạn sẽ than phiền, “Món này ngán
quá, không thấy ngon nữa”. Vậy là bạn sẽ nghĩ, “Thật ra, tôi thích món kia
hơn”. Nhưng đó cũng không phải là một điều chắc chắn!
Có người ngồi thiền cho đến đờ đẫn
cả ra, chẳng khác gì người chết. Họ không thể phân biệt phía nào là nam, phía
nào là bắc. Đừng đi đến chỗ cực đoan như vậy. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ khi đi
kinh hành, hãy thay đổi tư thế. Hãy có trí huệ. Nếu bạn mệt mỏi quá, hãy nghỉ
một lát. Khi vừa thức giấc, hãy tiếp tục tu hành; đừng để mình rơi vào trạng
thái đờ đẫn. Bạn phải tu hành như vậy. Phải hợp lý, có trí huệ, và thận trọng.
Khởi sự tu hành từ chính thân và tâm
của bạn, nhìn thấy chúng vô thường. Hãy nhớ như thế khi thấy thức ăn thơm ngon.
Bạn tự nhủ, “Không phải là một điều chắc chắn!” Bạn phải đánh trước. Thường thì
lần nào bạn cũng bị nó đánh trước, phải vậy không? Nếu bạn không thích một thứ
gì, bạn khổ sở vì điều đó. Đây là cách sự việc đánh đấm chúng ta. Bạn chưa bao
giờ có cơ hội ra tay trước!
Hãy tu hành trong mọi tư thế. Đi,
đứng, nằm, ngồi – bạn có thể kinh nghiệm sự tức giận trong bất cứ tư thế nào,
đúng không? Bạn có thể nổi giận khi bạn đang đi, khi đang ngồi, hay đang nằm.
Bạn có thể kinh nghiệm ham muốn trong bất kỳ tư thế nào. Cho nên, sự tu hành
của chúng ta phải nới rộng đến mọi tư thế. Đừng chỉ phô trương, hãy thật sự
làm. Khi ngồi thiền, một điều gì đó có thể phát sinh. Trước khi nó lắng dịu,
thì một thứ khác đã chạy xông vào. Bất cứ khi nào những thứ này xuất hiện, chỉ
việc nói với bạn, “Không chắc, không chắc”. Hãy đấm nó trước khi nó có cơ hội
đấm bạn.
Đây là điểm quan trọng. Nếu bạn biết
rằng mọi việc điều vô thường, sự suy nghĩ của bạn sẽ tháo mở dần. Khi bạn quán
chiếu về sự không chắc chắn của những chuyện đã qua, bạn sẽ nhìn thấy rằng mọi
thứ đều đi cùng một đường. Mỗi khi có điều gì đó phát sinh, tất cả những gì bạn
cần nói là, “Ồ, lại một đứa khác!”
Nếu tâm bạn bình an, nó sẽ giống như
dòng nước tĩnh lặng đang trôi chảy. Bạn có bao giờ thấy dòng nước tĩnh lặng
đang trôi chảy không? Đúng như thế! Bạn đã từng thấy dòng nước chảy và dòng
nước tĩnh lặng, nhưng có lẽ chưa bao giờ thấy một dòng nước tĩnh lặng chảy.
Ngay tại đó, ngay cái nơi mà suy nghĩ không thể mang bạn tới, ngay trong sự
bình an, bạn có thể phát triển trí huệ. Tâm của bạn sẽ giống như dòng nước
chảy, thế nhưng nó tĩnh lặng. Tĩnh lặng nhưng trôi chảy. Cho nên tôi gọi nó là
“dòng nước tĩnh lặng chảy”. Trí huệ có thể phát sinh tại đây.
------------------------------------------------------
(1)
Định (samàdhi), hay thiền định, là một trạng tái tâm lý chứng được bằng phép tu
thiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét