Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 3
TRÍ HUỆ
CHƯƠNG 32
TỨ DIỆU ĐẾ.
Không có cách nào khắc phục đau
khổ
tốt hơn là cách nhìn thấy,
“đây không phải là tôi, đây không
phải là của tôi”
Đây là
phương pháp tối thượng.
Làm thầy
đã nhiều năm, tôi cũng có khó khăn của riêng mình. Hiện tại có khoảng 40 tu
viện chi nhánh dưới sự chỉ đạo của tu viện Wat Pah Pong, nhưng cho đến hôm nay,
tôi vẫn có khá nhiều các tín đồ rất khó dạy. Có người biết cách tu hành, nhưng
không màng tu; có người không biết cách tu hành và cũng không màng tìm hiểu.
Tôi không biết phải làm gì với họ. Tâm của con người là như thế sao? Vô minh là
điều không tốt, nhưng dầu cho tôi có nói gì, họ cũng không nghe. Tôi không biết
phải làm gì hơn. Người ta quá nghi ngờ sự tu hành của họ; họ luôn nghi ngờ. Ai
cũng muốn giác ngộ, nhưng họ không muốn tu hành. Vô ích thôi. Khi tôi bảo họ
thiền, họ sợ, hoặc nếu không sợ thì là buồn ngủ. Đa số thích làm những thứ mà
tôi không dạy. Khi tôi nói chuyện với những vị thầy khác, họ nói rằng những đệ
tử của họ cũng vậy. Làm thầy thật là khổ tâm.
Bài pháp mà tôi tặng bạn hôm nay là
cách để giải quyết vấn đề trong giây phút hiện tại, trong đời sống này. Có
người nói rằng họ quá bận rộn, không có thời giờ để tu hành. “Chúng tôi phải làm
sao đây?” họ hỏi. Tôi bảo với họ rằng thiền cũng giống như hít thở. Trong lúc
làm việc, chúng ta thở, trong lúc ngủ, chúng ta thở, trong lúc ngồi, chúng ta
thở. Chúng ta có thời gian để thở, bởi vì chúng ta thấy tầm quan trọng của hơi
thở. Cùng thế ấy, nếu chúng ta thấy tầm
quan trọng của việc hành thiền, chúng ta sẽ tìm thời gian để thiền.
Trong các bạn đây, có ai đau khổ bao
giờ chưa? Có ai từng cảm thấy hạnh phúc chưa? Chân lý nằm ở đây; đây là nơi bạn
tu hành. Ai là người hạnh phúc? Tâm hạnh phúc. Ai là người đau khổ. Tâm đau
khổ. Nơi nào những thứ này sinh khởi, nơi đó chúng hoại diệt. Đâu là nguyên
nhân của những thứ này? Đây chính là vấn đề của chúng ta. Nếu bạn biết sự khổ,
nguyên nhân của sự khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường dẫn đến sự dứt khổ, chúng
ta có thể giải quyết vấn đề.
Có hai thứ khổ: sự khổ thông thường
và sự khổ khác thường. Sự khổ thông thường là cái khổ thuộc về bản chất cố hữu
của các điều kiện: đi khổ, đứng khổ, ngồi khổ, nằm khổ. Ngay cả Đức Phật cũng
trải qua những thứ này. Ngài kinh nghiệm cả hạnh phúc lẫn khổ đau, nhưng Ngài
biết chúng là những điều kiện tự nhiên. Ngài biết vượt lên trên những cảm xúc
vui sướng và đau khổ thông thường này bởi Ngài biết bản chất của chúng. Bởi vì
Ngài biết những “sự khổ tự nhiên” này, chúng không làm tâm Ngài xao động.
Loại khổ thứ hai là loại khổ lẻn vào
từ bên ngoài, “sự khổ khác thường”. Lúc bị bệnh, chúng ta đến gặp bác sĩ để
được chích một mũi thuốc. Khi kim đâm vào da, nó hơi đau, nhưng điều kiện này
tự nhiên thôi. Khi mũi kim rút ra, cái đau đó dần biến mất. Đây là loại khổ
thông thường. Nó không sao, ai cũng trải qua khổ này. Loại khổ khác thường là
cái phát sinh từ sự dính mắc vào sự việc. Đây cũng giống như chích một mũi
thuốc độc. Loại khổ này không bình thường, nó là loại khổ đưa đến cái chết.
Quan niệm sai lầm, không biết bản
chất vô thường của các pháp hữu vi, là một vấn đề khác. Các pháp hữu vi nằm
trong phạm vi của luật luân hồi(1) (samsàra). Không muốn sự việc
thay đổi – nếu chúng ta nghĩ như thế, chúng ta sẽ đau khổ. Khi chúng ta nghĩ
rằng thân thể là “mình” hay “thuộc về mình”, chúng ta lo sợ khi thấy nó thay
đổi. Giả sử chúng ta mất thứ gì đó. Nếu chúng ta nghĩ rằng thứ đó thật sự là
của chúng ta, chúng ta sẽ dằn vặt mãi về điều đó. Nếu chúng ta không nhìn thấy
rằng nó là một pháp hữu vi tuân theo quy luật tự nhiên, chúng ta sẽ khổ. Chẳng
hạn, khi bạn hít vào mà không thở ra, hay thở ra mà không hít vào, bạn có sống
được không? Các pháp hữu vi phải biến chuyển một cách tự nhiên như thế. Nhìn
thấy điều này là ngộ Đạo, là nhìn thấy sự vô thường, sự thay đổi. Chúng ta sống
lệ thuộc vào sự thay đổi này. Khi chúng ta nhận biết bản chất của sự việc,
chúng ta có thể buông bỏ chúng.
Tu
hành là để hiểu bản chất của sự việc, để rồi đau khổ không còn phát sinh. Nếu chúng ta suy nghĩ sai lạc,
chúng ta tự mình xung đột với tự nhiên, với Đạo, và với chân lý. Giả sử bạn bị
bệnh và phải đi đến bệnh viện. Đa số người sẽ nghĩ, “Xin đừng để tôi chết, tôi
muốn lành bệnh”. Đây là lối suy nghĩ sai lầm; nó sẽ dẫn tới sự khổ đau. Bạn
phải nghĩ, “Nếu tôi lành bệnh thì tốt. Nếu tôi chết, cũng không sao”. Nếu bạn
nghĩ như thế, thì dầu bạn chết, hay lành bệnh, bạn không có lo lắng gì. Bằng
cách này, chúng ta hòa nhịp với diễn biến tự nhiên của mọi sự việc. Muốn lành
bệnh bằng mọi giá và sợ chết – đó là cái tâm không hiểu luật nhân duyên.
Đức Phật thấu hiểu được điều này. Sự
giảng dạy của Ngài luôn thích hợp, không bao giờ lỗi thời, luôn luôn đúng. Nếu
chúng ta mang sự dạy dỗ của Ngài vào trong tâm, chúng ta sẽ đạt được cái phần
thưởng bình an và phúc lạc.
Một người phụ nữ hỏi tôi cách đối
phó với sự tức giận. Tôi bảo bà rằng lần tới khi bà nổi nóng, hãy vặn đồng hồ
reng và để nó trước mặt bà. Sau đó để sự tức giận hai tiếng đồng hồ rời khỏi bà.
Nếu nó thật là sự tức giận của bà, bà có thể bảo nó đi chỗ khác như thế này:
“Trong vòng hai tiếng, cút đi!” Nhưng sự tức giận đó thực ra không phải của
chúng ta, làm sao ra lệnh cho nó. Đôi khi quá hai giờ rồi nó vẫn còn ở đó;
nhưng có lúc chưa đầy hai giờ, nó đã đi mất rồi. Bám chặt vào sự tức giận như
thế đó là một sở hữu cá nhân sẽ gây ra đau khổ. Nếu nó thuộc về chúng ta, chắc
hẳn nó đã vâng lời chúng ta. Sự kiện nó không vâng lời chứng tỏ rằng nó là một
sự lừa đảo. Đừng bị nó lừa. Bất kể là tâm vui hay buồn, bất kể nó thương hay
ghét, đừng bị nó lừa.
Khi bạn tức giận, bạn cảm thấy dễ
chịu hay khó chịu? Nếu là khó chịu, tại sao bạn không vứt bỏ cảm giác đó? Làm
sao bạn có thể cho rằng mình là người thông minh khi bạn bám chặt vào những thứ
đó? Từ ngày sinh ra, tâm đã lừa cho bạn tức giận bao nhiêu lần rồi? Có những
ngày tâm có thể khiến cho cả nhà gây gổ, hay khiến cho bạn khóc suốt đêm. Thế
nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nổi giận; chúng ta vẫn bám chặt vào sự việc và đau
khổ. Nếu bạn không thấy cái khổ, bạn sẽ tiếp tục đau khổ. Nếu bạn nhìn thấy cái
khổ của sự tức giận, chỉ việc ném nó đi. Nếu bạn không ném nó đi, nó sẽ tiếp
tục gây ra khổ. Luật luân hồi là như thế đó. Nếu chúng ta biết bản chất của nó,
chúng ta có thể giải quyết vấn đề.
Không
có cách nào có thể khắc phục đau khổ tốt hơn là cách nhìn thấy ”đây không phải
là tôi, đây không phải là của tôi”. Đây là phương pháp tối thượng. Nhưng chúng ta không chú ý đến
điều này. Khi đau khổ phát sinh, chúng ta chỉ than khóc mà không học hỏi từ đó.
Chúng ta phải xem xét những thứ này cho kỹ, để phát triển Phật, tức “người
biết”.
Bây giờ, tôi sẽ cho bạn một ít giáo
pháp không nằm trong kinh điển. Đa số người đọc kinh mà không thấy Pháp. Họ
không nhìn thấy hoặc là họ không hiểu.
Giả sử hai người đang đi với nhau và
nhìn thấy một con vịt và một con gà. Một người nói, “Tại sao gà không thể giống
vịt, và tại sao vịt không thể giống gà?” Điều họ muốn không thể xảy ra. Chừng
nào họ còn suy nghĩ kiểu đó, họ sẽ khổ. Người kia nhìn thấy gà là gà, vịt là
vịt. Chỉ thế thôi. Không có vấn đề gì cả.
Cùng thế ấy, luật vô thường nói rằng
tất cả mọi thứ đều vô thường. Nếu bạn muốn sự việc thường hằng, bạn sẽ đau khổ.
Một người nhìn thấy sự việc bẩm sinh là vô thường sẽ bình thản và không xung
đột. Một người muốn sự việc thường còn mãi sẽ bấn loạn và có thể sẽ mất ngủ về
chuyện đó.
Nếu muốn thấy Pháp, bạn phải nhìn ở
đâu? Bạn phải nhìn bên trong thân thể và tâm. Bạn sẽ không tìm thấy nó trên kệ
sách. Để thật sự nhìn thấy Pháp, bạn phải thật sự nhìn bên trong thân và tâm
của mình – chỉ có hai thứ này thôi. Tâm không thể nhìn thấy được bằng mắt trần,
mà phải được nhìn thấy bằng “con mắt trí huệ”. Cái Pháp ở trong thân phải được
nhìn thấy bên trong thân. Và chúng ta xem xét thân thể với cái gì? Chúng ta xem
xét thân thể với cái tâm. Pháp không ở nơi nào khác, bởi vì cả hạnh phúc lẫn
khổ đau phát sinh ngay tại đây. Không lẽ hạnh phúc phát sinh từ ngọn cây? Hay
từ sông suối, hay thời tiết? Hạnh phúc và đau khổ là những cảm xúc phát sinh
bên trong cái thân và tâm này của chúng ta.
Khi chúng ta làm thế, trí huệ sẽ
phát sinh trong tâm. Rồi bất kể chúng ta nhìn ở đâu, nơi đó là Pháp. Chúng ta
luôn luôn nhìn thấy sự vô thường, khổ, và vô ngã. Nhưng hiện giờ chúng ta không
thấy như thế; chúng ta sẽ luôn nhìn sự việc như là chính mình và thuộc về mình.
Điều này có nghĩa là chúng ta không nhìn thấy sự thật của cái thực tại quy ước.
Ví dụ tất cả chúng ta ở đây, ai cũng có tên. Tên là một quy ước. Dĩ nhiên, nó
cũng hữu ích. Bốn người đàn ông, A, B, C, và D, mỗi người đều có một cái tên
riêng cho tiện nói chuyện và làm việc với nhau. Nếu chúng ta muốn nói với ông
A, chúng ta có thể gọi tên ông A và ông ấy sẽ đến. Đây là cái tiện lợi của quy
ước. Nhưng nếu quán xét cho tường tận, chúng ta sẽ thấy rằng không có ai ở đó
cả. Chúng ta sẽ nhìn thấu sự việc và thấy chỉ có đất, nước, gió, lửa – bốn
nguyên tố đó mà thôi. Cái thân thể này chỉ có bấy nhiêu thôi.
Nhưng chúng ta không nhìn thấy như
thế, vì chúng ta bị dính mắc vào tự ngã. Nếu chúng ta nhìn thấy, chúng ta sẽ
nhận ra rằng, cái mà chúng ta gọi là con người, thật sự không có gì nhiều. Phần
rắn chắc là nguyên tố đất; phần chất lõng là nguyên tố nước, phần bao gồm không
khí và những dòng năng lượng chảy xuyên qua thân thể, gọi là nguyên tố gió; và
phần cung cấp và sản sinh sức nóng là nguyên tố lửa. Khi đất, nước, gió, lửa
tập hợp lại với nhau, chúng ta gọi là một con người. Khi chúng ta phân tích một
người và chỉ thấy có bốn nguyên tố này thôi, thì người đó ở đâu ra?
Cho nên, nhìn thấy rằng “đây không
phải là tôi và không thuộc về tôi” mới thật sự là tu hành cao thâm nhất. “Tôi
và của tôi” chỉ là những quy ước. Nếu chúng ta hiểu mọi thứ như thế, chúng ta
sẽ bình an. Nếu ngay lúc này, chúng ta nhận ra chân lý vô thường, đó là, sự
việc không phải là chúng ta hay thuộc về chúng ta, thì khi chúng ta suy thoái,
chúng ta vui vẻ chấp nhận, khi chúng ta giàu sang, chúng ta không kiêu căng.
Hãy biết rằng chúng chỉ là vô thường, những nguyên tố đất, nước, gió, và lửa.
Nhìn thấy được điều này không phải
dễ, nhưng không phải không làm được. Nếu chúng ta thành công, chúng ta sẽ thấy
mãn nguyện, chúng ta sẽ ít tức giận, ít tham lam, và ít si mê hơn. Pháp sẽ luôn
hiện diện trong tâm chúng ta. Lòng ganh tỵ và sự thù ghét không tồn tại, bởi vì
mọi người đều là đất, nước, gió, lửa. Không có gì hơn. Khi chúng ta chấp nhận
sự thật này, chúng ta sẽ nhìn thấy chân lý trong giáo lý của Phật.
Nếu
chúng ta có thể nhìn thấy chân lý trong giáo lý của Phật, chúng ta đã chẳng cần
đến quá nhiều thầy như thế! Không cần phải đi nghe pháp mỗi ngày. Khi chúng ta hiểu, chúng ta chỉ
làm những gì chúng ta cần làm. Nhưng lý do mà con người khó dạy là bởi họ không
chấp nhận sự giảng dạy và cứ tranh cãi với vị thầy. Trước mặt người thầy, họ
ứng xử phải phép, nhưng sau lưng ông, họ giống như những tên trộm!
Nếu
bạn không cẩn trọng, bạn sẽ không thấy Pháp. Bạn phải cẩn trọng, phải xem xét
sự giảng dạy kỹ lưỡng. Cái
hoa này có đẹp không? Bạn có nhìn thấy sự xấu xí trong đó không? Nó xinh đẹp
như thế được bao lâu? Trong vòng ba, bốn ngày, khi nó mất đi vẻ đẹp của nó, bạn
có vất nó đi không? Tại sao nó thay đổi như thế? Con người bám chặt vào cái
đẹp, dính mắc vào điều tốt. Nếu có thứ gì tốt đẹp họ say mê nó. Đức Phật dạy
chúng ta nhìn những thứ xinh đẹp và biết là chúng xinh đẹp, nhưng đừng dính mắc
vào chúng. Nếu có cảm giác sung sướng, đừng mê đắm vào đó. Sự tốt đẹp không phải là thứ chắc chắn. Không có gì chắc chắn cả. Đây là chân lý. Những thứ không
thật, chẳng hạn như sắc đẹp, là những thứ đổi thay. Nếu chúng ta nghĩ rằng một
thứ gì đó xinh đẹp, thì khi vẻ đẹp nó tàn phai, tâm chúng ta đánh mất vẻ đẹp
của nó. Khi sự việc không còn tốt, tâm chúng ta đánh mất sự tốt lành của nó.
Chúng ta “đầu tư” tâm trí của mình vào những thứ vật chất như thế đó. Khi chúng
bị hủy diệt hay hư hỏng, chúng ta đau khổ, bởi vì chúng ta bám giữ chúng như
thể chúng là của chúng ta. Thật ra, những thứ này chỉ là cấu trúc của thiên
nhiên. Vẻ đẹp hiển lộ và nhanh chóng phai tàn. Kẻ trí thấy rõ điều này.
Nếu
chúng ta cho rằng một thứ gì đó là xinh đẹp, chúng ta nên nói với mình là nó
không phải vậy. Nếu chúng ta nghĩ rằng một thứ gì đó là xấu xí, hãy nói với
mình là nó không phải vậy.
Tập nhìn sự việc theo cách này, liên tục suy nghĩ theo cách này. Và rồi chúng
ta sẽ nhìn thấy sự thật bên trong những thứ không thật, nhìn thấy sự chắc chắn
bên trong những thứ không chắc chắn.
Tôi vừa giải thích phương pháp để
hiểu sự khổ, nguyên nhân của sự khổ, sự dứt khổ, và con đường dẫn đến sự chấm
dứt khổ đau. Khi bạn biết sự khổ, bạn nên vứt nó đi, biết nguyên nhân của sự
khổ, bạn cũng nên vứt bỏ nó luôn. Tập nhìn thấy sự chấm dứt đau khổ. Nhìn thấy
sự vô thường, khổ, vô ngã, và sự khổ sẽ chấm dứt.
Chúng ta tu hành để làm gì? Chúng ta
tu hành để có thể xả bỏ, không phải để đạt một thứ gì cả. Một người phụ nữ nói
với tôi rằng bà đang đau khổ. Khi tôi hỏi bà ta muốn điều gì, bà nói bà muốn
giác ngộ. “Chừng nào bà còn muốn giác ngộ”, tôi trả lời, “bà sẽ không bao giờ
giác ngộ. Đừng muốn một thứ gì cả”.
Khi chúng ta biết chân lý của sự
khổ, chúng ta vứt bỏ sự khổ. Khi chúng ta biết nguyên nhân của sự khổ, chúng ta
sẽ không tạo ra những nguyên nhân đó, mà chúng ta tu hành là để mang sự khổ đến
chỗ dừng nghỉ. Sự tu hành dẫn đến sự dứt khổ là nhìn thấy rằng “đây không phải
là một tư ngã, đây không phải là ‘tôi’ hay ‘của tôi’”. Nhìn thấy như thế có thể
khiến cho khổ đau chấm dứt, giống như chúng ta đạt đến mục tiêu của mình và
dừng lại. Đó là sự chấm dứt. Đó là đến gần Niết Bàn. Nói cách khác, tới là khổ,
lui là khổ, và dừng là khổ. Không tới, không lui, không dừng… Khi điều đó xảy
ra, có thứ gì còn lại không? Thân và tâm chấm dứt ở đây. Đây là sự chấm dứt
khổ. Khó hiểu lắm, phải không? Nhưng nếu chúng ta chuyên cần và kiên trì thực
tập sự giảng dạy này, chúng ta sẽ vượt lên mọi thứ, và chúng ta sẽ hiểu. Đây là
sự giảng dạy rốt ráo của Đức Phật. Giáo
lý của Phật chấm dứt tại một điểm có sự xả bỏ hoàn toàn.
Đừng vội phán đoán sự giảng dạy này
là đúng hay sai. Chỉ việc lắng nghe trước. Nếu tôi tặng cho bạn một thứ trái
cây và nói rằng nó rất ngon, bạn nên nhớ lời tôi nói, nhưng không tin tôi một
cách mù quáng, bởi vì bạn vẫn chưa nếm thử. Nếu bạn muốn biết trái cây đó là
chua hay ngọt, bạn nên cắt một lát và nếm thử, hãy tự mình nhận biết mùi vị của
nó.
Đức Phật không có thầy. Một ngày nọ,
một người tu khổ hạnh hỏi ai là thầy của Ngài, và Đức Phật trả lời là Ngài
không có thầy. Vị tu sĩ lắc đầu bỏ đi. Đức Phật quá thành thật. Ngài đang nói
chuyện với một người không thể biết hay chấp nhận sự thật. Đó là tại sao tôi
bảo bạn đừng vội tin tôi. Đức Phật nói
rằng tin người khác một cách dễ dàng là ngu ngốc, bởi vì bạn vẫn chưa có sự
hiểu biết rõ ràng bên trong. Đó là tại sao Đức Phật nói, “Tôi không có
thầy”. Đây là sự thật. Nhưng bạn nên hiểu điều này cho đúng để không phải thất
lễ với thầy của mình. Đừng cứ nói, “Tôi không có thầy”. Bạn phải dựa vào vị
thầy để hiểu biết điều gì là đúng, điều gì là sai, và rồi bạn tu hành theo như
thế.
Vào thời Đức Phật, có một số đệ tử
không thích Ngài, bởi vì Đức Phật thúc đẩy họ chuyên cần và cảnh giác. Những
người biếng nhác vừa sợ Đức Phật, vừa tức giận Ngài. Khi Ngài mất, một nhóm đệ
tử thì than khóc và đau khổ vì thầy không còn ở đó để hướng dẫn họ. Nhóm đệ tử
kia cảm thấy vui vẻ và nhẹ nhõm vì không còn ai ở đó để dòm chừng và bảo họ phải
làm gì. Nhóm thứ ba thì hoàn toàn bình thản, vì hiểu rằng những gì sinh thì
phải diệt. Bạn thuộc nhóm người nào?
Thời nay, sự việc cũng không khác gì
nhiều. Vị thầy nào cũng có vài đệ tử oán giận họ. Có thể họ không tỏ ra mặt,
nhưng nó ở đó trong tâm của họ. Điều đó là bình thường đối với những người vẫn
còn phiền não. Ngay cả Đức Phật cũng có người ghét. Tôi cũng có những tín đồ
oán giận mình. Tôi bảo họ buông bỏ những thói quen xấu, nhưng họ vẫn thích những
thói quen bất hảo của mình, nên họ ghét tôi. Những người như thế rất nhiều. Chỉ những người thông minh mới kiên quyết tu
hành đến nơi đến chốn.
------------------------------------------------------
(1)
Luân hồi chỉ những sự việc lập đi lập lại nối tiếp nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét