Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 3
TRÍ HUỆ
CHƯƠNG 33
KINH ĐIỂN RỖNG TUẾCH.
Nếu không thật sự tu hành,
bạn sẽ không bao giờ hiểu,
dầu bạn có
đọc hết tam tạng kinh điển.
Có hai
cách hộ trì Phật Pháp. Một cách bằng sự cúng dường vật chất, bao gồm vật thực,
y phục, chỗ ở, và thuốc men. Cúng dường vật chất là giúp tăng chúng sống an ổn
đủ để tu hành. Điều này trực tiếp khích lệ sự học hỏi giáo pháp, và từ đó mang
đến sự hưng thịnh lâu dài của Phật giáo.
Phật Pháp có thể ví như một cội cây.
Cây có rễ, thân, cành, và lá. Lá và cành cây lệ thuộc vào rễ cây để hấp thụ
dinh dưỡng từ đất. Tư tưởng của chúng ta cũng ví như cành cây và lá cây, chúng
phụ thuộc vào rễ cây, tức cái tâm, để hấp thụ dinh dưỡng và gởi đến chúng. Và
rồi, những cành cây này sẽ kết trái, tức là lời nói, hành động của chúng ta. Bất kể trạng thái tâm là gì, khôn khéo hay
không khôn khéo đều thể hiện ra ngoài xuyên qua hành động và lời nói của chúng
ta.
Cho nên, sự hộ trì Phật Pháp xuyên
qua sự áp dụng thực tiễn những lời giảng dạy mới là sự hộ trì quan trọng. Ví
dụ, trong buỗi lễ truyền giới, vị thầy miêu tả những hành động không khôn ngoan
mà chúng ta cần xa lánh. Nhưng nếu bạn chỉ thọ giới, mà không suy ngẫm về ý
nghĩa của giới luật, thì ắt khó tiến bộ. Bạn không thật sự tu hành. Sự hộ trì
Phật Pháp, do đó, phải xuất phát từ sự quyết tâm tu hành, từ sự kiềm thúc thân
và tâm, từ chánh niệm và trí huệ. Rồi bạn sẽ biết Phật Pháp là gì. Nếu không thật sự tu hành, bạn sẽ không bao
giờ hiểu, dầu bạn có đọc hết tam tạng kinh điển.
Vào thời của Đức Phật, có một vị tỳ
kheo tên là Tuccho Pothila. Pothila nổi tiếng là người thông làu kinh điển. Ông
có đến mười tám ngôi chùa, và là một pháp sư lỗi lạc, được mọi người kính
trọng. Nghe đến danh “Pothila”, ai cũng nể và không ai dám thẩm vấn sự giảng
dạy của ông.
Ngày nọ, ông đến gặp Đức Phật. Khi
ông bước vào, Phật nói, “Chào Đại Đức Kinh Điển Rỗng Tuếch”. Khi ông bái từ,
Phật nói, “Đại Đức Kinh Điển Rỗng Tuếch đi về à?” Đức Phật chỉ nói bấy nhiêu
thôi. Đại đức Pothila rất hoang mang, “Tại sao Đức Phật nói thế? Ý ông ấy là
gì?” Ông cứ suy nghĩ mãi, và nghiền ngẫm những điều ông học hỏi từ trước đến
nay, cho đến khi ông nhận ra, “À, thì ra Đại Đức Kinh Điển Rỗng Tuếch chính là
ta, một nhà sư học mà không hành”. Khi xem xét tâm của chính mình, ông mới thấy
mình không khác gì một người tại gia chút nào. Bất cứ thứ gì họ khát vọng, đó
cũng là khát vọng của ông; bất cứ thứ gì họ thích thú, đó cũng là điều ông
thích thú. Ông không có phẩm chất của một sa môn(1) chân chánh,
không có cái phẩm chất sâu sắc nào đáng để đặt ông vào hàng Thánh Nhân Cao
Thượng và mang đến sự bình an thật sự.
Do đó, ông quyết định tu hành. Nhưng
ông không biết đi đâu. Tất cả những vị thầy quanh đây đều từng là học trò của
ông. Không ai dám thâu nhận ông. Thông thường, khi gặp lại thầy củ, người ta
rụt rè e ngại và trịnh trọng tôn kính, và vì thế không ai dám làm thầy của ông.
Cuối cùng, ông đến gặp một vị sa di
trẻ khai ngộ, và xin được thọ giáo. Thầy sa di bảo, “Được, ông có thể tu hành
với tôi, nếu ông thành tâm. Nếu ông không thành tâm, tôi sẽ không nhận ông”.
Đại đức liền phát thệ làm đệ tử của vị thầy sa di đó.
Sau đó, vị sa di bảo ông mặc hết y
vào – những cái y rất đắt tiền – thì vị sa di chỉ một cái vũng bùn gần đó và
nói, “Được, bây giờ ông hãy chạy xuống vũng bùn đó. Nếu tôi chưa bảo dừng thì
ông chớ nên dừng. Nếu tôi chưa bảo lên thì chớ nên lên. Rồi… chạy đi!”
Lúc bấy giờ, Pothila trong bộ tam y
tươm tất, chạy tới vũng bùn đó và nhảy vào, cho đến khi toàn thân lấm đầy bùn,
thầy sa di mới nói, “Ông có thể ra khỏi đó được rồi”. Pothila chạy ra khỏi vũng
bùn.
Pothila rõ ràng đã giũ bỏ hết lòng
kiêu hãnh của mình, và sẳn sàng tiếp nhận sự giáo huấn. Nếu chưa sẳn sàng học, thì
một vị thầy nổi tiếng như ông đã chẳng nhảy vào vũng bùn dơ đó. Thấy thế, thầy
sa di biết là Pothila thật sự quyết tâm tu hành. Cho nên thầy cho ông một bài
pháp, dạy ông quan sát các đối tượng của lục căn, qua một ví dụ về người bắt
rắn mối. Con rắn mối chạy trốn dưới một gò mối, và nếu cái gò mối có sáu lỗ,
người đó phải làm sao. Ông phải lấp kín năm lỗ, chỉ chừa một lỗ, rồi ông chỉ
việc ngồi trước cái lỗ đó mà canh chừng. Khi con rắn mối chạy ra, ông có thể
lập tức bắt nó.
Chúng
ta quán sát tâm như thế đó. Đóng tất cả năm căn – tai, mắt, mũi, lưỡi, và thân,
chỉ chừa cái tâm. “Đóng” các căn nghĩa là kiềm thúc và trấn tĩnh chúng. Thiền cũng giống như việc bắt rắn
mối. Chúng ta dùng sati để ghi nhận
hơi thở. Sati là sự tỉnh giác, đó là khi bạn tự hỏi, “Tôi đang làm gì đây?” Sampajanna là sự nhận biết rằng “lúc này
tôi đang làm việc đó, việc khác”. Chúng ta quan sát hơi thở vào và ra với sati
và sampajanna.
Phẩm chất tỉnh giác này chỉ phát
sinh từ sự tu hành, không phải từ sự nghiên cứu kinh điển. Hãy nhận biết mọi
cảm xúc. Tâm có thể yên lặng một hồi và rồi các cảm xúc lại đến. Sati làm việc
cùng với những cảm xúc này, ghi nhận chúng. Có sati tức có sự tỉnh thức rõ ràng
là “Tôi sẽ nói”, “Tôi sẽ đi”, “Tôi sẽ ngồi”, v.v… - và rồi có sampajanna tức có
sự nhận biết rằng “Lúc này tôi đang đi”, “Tôi đang nằm xuống”, “Tôi đang kinh
nghiệm một tâm trạng như thế đó”. Với sati và sampajanna, chúng ta nhận biết
tâm của mình qua từng phút giây. Chúng ta biết tâm ứng xử với cảm xúc như thế
nào.
Cái nhận biết lục trần gọi là tâm.
Lục trần lẻn nhẹ vào tâm. Ví dụ, một tiếng động đi tới tai và thẳng vào tâm,
rồi tâm biết đó là tiếng chim hay tiếng xe chạy, hay tiếng gì đó. Cái tâm biết
tiếng động này vẫn còn rất thô thiển. Nó chỉ là cái tâm bình thường. Sự quấy
nhiễu có thể phát sinh bên trong “người biết” này. Chúng ta phải huấn luyện
“người biết” thêm nữa để trở thành “người biết đúng với chân lý” hay Buddho. Nếu chúng ta không biết đúng với
chân lý, chúng ta sẽ bị quấy rầy bởi tiếng người, tiếng xe cộ, tiếng động, v.v…
Cái tâm bình thường chưa được huấn luyện, xem tiếng động như sự quấy nhiễu. Nó
biết phù hợp với sự ưa ghét của nó, không hẳn phù hợp với chân lý. Chúng ta
phải huấn luyện nó thêm, để nó biết với tuệ giác rằng tiếng động chỉ là tiếng
động. Nếu chúng ta không dính mắc vào tiếng động, thì không có sự quấy nhiễu.
Tiếng động phát sinh và chúng ta chỉ việc ghi nhận nó. Đây gọi là cái biết thật
về sự phát sinh của lục trần. Nếu chúng ta phát triển Buddho – sự hiểu biết rõ
ràng rằng tiếng động chỉ là tiếng động – thì tiếng động sẽ không quấy nhiễu
chúng ta. Tiếng động phát sinh dựa vào luật nhân duyên, nó không là một tự ngã,
không có tự tính, không phải là “chúng ta” hay “chúng nó”. Nó chỉ là tiếng động
thôi. Và rồi tâm xả bỏ.
Sự hiểu biết rõ ràng này gọi là
Buddho. Với nó, chúng ta có thể cho phép tiếng động là tiếng động, rồi nó không
thể quấy nhiễu chúng ta nữa trừ khi chúng ta quấy nhiễu nó với sự suy nghĩ.
“Tôi không muốn nghe tiếng động đó, ồn ào quá”. Đau khổ phát sinh từ thái độ
này. Ngay nơi đây là nguyên nhân của khổ: chúng ta không biết chân lý của sự
việc, chúng ta chưa phát triển Buddho. Chúng ta chưa thấu hiểu, chưa tỉnh thức,
chưa nhận biết. Đó là cái tâm tự nhiên, chưa được huấn luyện, một cái tâm chưa
thật sự hữu ích.
Chúng ta phải phát triển tâm, như
cách chúng ta phát triển thân thể. Để phát triển thân thể, chúng ta phải tập
thể dục, chạy bộ mỗi buổi sáng, chẳng hạn.
Không bao lâu, thân thể sẽ trở nên dẻo dai, mạnh khỏe. Tập thể dục tâm
thì khác. Thay vì vận động nó, chúng ta dừng nó lại.
Chẳng hạn, khi tu thiền, chúng ta
lấy hơi thở ra vào làm đối tượng tập trung và quán chiếu. Chúng ta ghi nhận hơi
thở, có nghĩa là chúng ta đi theo hơi thở với sự tỉnh thức, ghi nhận nhịp độ
của nó, sự ra vào của nó, và buông bỏ những thứ khác. Sự chú tâm vào một đối
tượng như thế lâu dần sẽ khiến tâm lắng dịu. Nếu chúng ta cứ để tâm lang thang
mãi, nó sẽ không bao giờ dừng nghỉ.
Tâm “dừng nghỉ” là tâm không còn
chạy lăng xăng nữa. Nó giống như một con dao bén. Nếu chúng ta sử dụng con dao
một cách bừa bãi, đụng thứ gì cũng cắt – đá, gạch, v.v…, con dao đó sẽ cùn rất
nhanh. Chúng ta chỉ nên dùng nó để cắt những thứ đã định cho nó. Cùng thế ấy,
nếu chúng ta để tâm đuổi theo tư tưởng và cảm xúc vô nghĩa, tâm sẽ mệt mỏi và
suy yếu. Nếu tâm mệt mỏi, trí huệ sẽ
không phát sinh, bởi vì một cái tâm mệt mỏi, không có năng lượng là cái tâm
không an định.
Nếu
tâm không dừng nghỉ, bạn sẽ không thể thấy bản chất của lục trần. Cái biết rằng tâm là tâm, trần
cảnh là trần cảnh, là nền tảng mà từ đó Phật Giáo nảy sinh và phát triển. Đây
là cốt tủy của Phật Pháp. Khi chúng ta xem xét chính mình và cách cư xử của
mình, chúng ta sẽ thấy mình giống như những đứa trẻ. Một đứa trẻ không biết gì
cả. Đối với một người lớn, thì cách chơi đùa, nhảy nhót của một đứa trẻ thấy
dường như không có mục đích gì. Nếu tâm của bạn chưa được huấn luyện, nó giống
như một đứa trẻ. Chúng ta nói chuyện mà không nhận biết rõ ràng là mình đang
nói gì, và chúng ta hành động một cách thiếu trí huệ. Chúng ta có thể khiến cho
mình lụn bại hay gây ra thiệt hại nặng nề mà có thể vẫn không biết.
Cho nên chúng ta cần huấn luyện cái
tâm này. Đức Phật bảo chúng ta huấn luyện tâm, dạy dỗ tâm. Dầu chúng ta có hộ
trì Phật Pháp với bốn món vật dụng, sự hộ trì đó chỉ ở trên mặt mà thôi, nó chỉ
vào phần vỏ cây chứ không vào đến lõi cây. Sự hộ trì chân chánh, cái lõi cây,
đến từ sự tu hành, từ sự trau dồi thân, khẩu, ý của chúng ta cho phù hợp với sự
giảng dạy. Điều này mới hữu ích hơn. Nếu chúng ta thành thật, có sự kiềm thúc
và trí huệ, sự tu hành của chúng ta sẽ chấn hưng Phật Giáo. Không còn nguyên
nhân cho sự thù địch và công kích. Đây là chủ trương của tôn giáo chúng ta.
Nếu chúng ta xem thường Giới Luật,
thì dầu cho vị thầy có rao giảng chân lý, sự tu hành của chúng ta cũng sẽ bất
toàn. Chúng ta có thể nghiên cứu giáo lý và có thể thuộc nó nằm lòng, nhưng nếu
thật sự muốn hiểu biết nó, chúng ta phải tu hành. Nếu không, chúng ta có thể
gây chướng ngại cho sự tầm Đạo của mình trong những kiếp vị lai.
Cho nên, sự tu hành cũng giống như
chiếc chìa khóa mở tủ sắt. Nếu chúng ta có đúng cái chìa khóa trong tay, chìa
khóa của sự hành thiền, thì bất kể cái tủ sắt bị khóa chặt cách mấy, chỉ cần
chúng ta đút chìa khóa vào vặn là khóa mở ra ngay. Nếu không có chìa khóa,
chúng ta không thể mở khóa. Chúng ta sẽ không bao giờ biết trong tủ có những
gì.
Thật ra có hai loại kiến thức. Một
người đắc Đạo không nói từ trí nhớ, mà nói từ chân lý. Người thế gian thường
nói chuyện từ trí nhớ, không những thế, họ còn thêu dệt thêm, họ nói với sự
kiêu hãnh. Ví dụ, giả sử có hai người không thấy mặt nhau đã lâu. Một hôm, họ
gặp nhau trên một chuyến xe lửa. “Hay quá”, một người nói. “Tôi mới vừa nghĩ
tới anh!” Thật ra họ chẳng hề nhớ tới nhau, nhưng khi họ phấn khởi, họ chỉ buộc
miệng nói thế. Và rồi trở thành một sự dối gạt. Đúng thế, đó là sự dối gạt xuất
phát từ sự buông thả lục căn, bất cẩn với chúng. Đây là sự dối gạt mà không có
ý thức. Nó là một thứ phiền não vi tế, và nó xảy ra rất thường.
Trở lại với việc huấn luyện tâm của
Toccho Pothila. Pothila làm theo sự hướng dẫn của vị thầy sa di: hít vào, thở
ra, nhận biết một cách tỉnh thức mỗi hơi thở vào ra, cho đến khi ông nhìn thấy
cái gã bịp bợm bên trong ông, giống như con rắn mối chạy ra khỏi gò mối. Ông
nhìn thấy chúng, và nhận thức bản chất thật của chúng ngay lúc chúng phát sinh.
Ông nhìn thấy cách tâm liên tục bày ra chuyện này, dựng lên chuyện kia.
Sự
suy nghĩ là một pháp hữu vi, một thứ được cấu tạo nên từ những điều kiện hỗ trợ. Nó không phải là một pháp vô vi,
một thứ tự nó hiện hữu, không phải được tạo nên. Cái tâm được huấn luyện thành
thục, với sự nhận biết rõ ràng, sẽ không tạo dựng nên các tâm thái. Cái tâm này
hiểu thấu Chân Lý Cao Thượng và không còn lệ thuộc vào những thứ bên ngoài.
Biết Chân Lý Cao Thượng là biết sự thật. Cái tâm chế tạo trốn tránh sự thật
này, nói rằng, “Cái đó đẹp” hay “Cái này xinh quá”. Nhưng nếu có Buddho trong
tâm, nó không còn có thể lừa gạt chúng ta, bởi vì chúng ta biết đường lối của
tâm. Tâm không còn có thể tạo nên những ấn tượng ảo, bởi vì có sự nhận biết rõ
ràng rằng mọi ấn tượng trong tâm đều không ổn định, không hoàn mỹ, và là nguyên
nhân của khổ đau đối với kẻ nắm giữ nó.
Bất kể đi tới đâu, “người biết” luôn
ở trong tâm Pothila. Ông quan sát những chế tạo khác nhau của tâm với sự hiểu
biết rõ ràng. Ông nhìn thấy cách tâm phỉnh gạt ông trong nhiều cách khác nhau,
và thấu hiểu điều cốt tủy của sự tu hành: cái tâm lừa đảo này dẫn chúng ta tới hạnh phúc và khổ
đau tột cùng và khiến chúng ta xoay chuyển mãi trong vòng luân hồi, với những
sự buồn vui, tốt xấu của nó”. Tuccho Pothila chứng ngộ chân lý, và nhận ra điều
cốt tủy của sự tu hành, giống như người đàn ông nắm được cái đuôi của con rắn
mối.
Đối với chúng ta cũng vậy. Chỉ có
cái tâm này là quan trọng. Đó là tại sao chúng ta huấn luyện tâm. Bây giờ,
chúng ta tính huấn luyện nó với cái gì đây? Bằng
cách duy trì sự chánh niệm và nhận biết liên tục, chúng ta có thể biết được tâm.
Cái “người biết” này là vượt lên trên tâm; nó là cái biết trạng thái của tâm. Cái
biết rằng tâm chỉ là tâm, chính là “người biết”. “Người biết” ngồi ở đó trên
tâm và đó là lý do nó có thể quan sát tâm, dạy dỗ tâm để biết điều gì là đúng,
điều gì là sai. Cuối cùng mọi thứ đều quay về cái tâm này. Nếu tâm kẹt trong
những chế biến liên tục của nó, sự nhận biết không hiện diện và sự tu hành sẽ
không có kết quả.
Cho nên, chúng ta phải huấn luyện
cái tâm này để lắng nghe Giáo Pháp, để phát triển Buddho, sự nhận biết rõ ràng,
cái tồn tại ở bên trên cái tâm bình thường và biết tất cả những gì xảy ra bên
trong đó. Đó là tại sao chúng ta quán chiếu chữ Buddho , để chúng ta có thể
biết cái tâm vượt lên trên cái tâm. Chỉ
việc quan sát tất cả những động thái của tâm, bất kể là tốt hay xấu, cho đến
khi “người biết” nhận ra rằng tâm chỉ là tâm, không có một tự ngã. Đây gọi là
quán chiếu tâm. Nhìn thấy được như thế, chúng ta sẽ hiểu rằng tâm là một
thứ tạm bợ, bất toàn và vô chủ.
Chúng ta có thể tổng kết như sau:
Tâm là cái nhận biết lục trần, tức sáu đối tượng của tâm. Lục trần khác với
tâm. “Người biết” biết bản chất của tâm và lục trần. Chúng ta phải dùng sati để
liên tục tẩy rửa tâm. Ai cũng có sati, ngay cả mèo cũng có sati, đó là khi nó
rình bắt một con mồi. Cả chó cũng có sati, đó là khi nó sủa người nào đó. Đây
là một hình thức sati, nhưng nó chưa phù hợp với Chánh Pháp. Ai cũng có sati,
nhưng ở những mức độ khác nhau, giống như cách nhìn khác nhau đối với sự việc.
Chẳng hạn, khi tôi bảo người ta quán chiếu thân thể, có người nói, “Có gì ở đó
mà quán chiếu? Ai cũng có thể nhìn thấy nó – răng, tóc, móng tay, và da, chúng
tôi đã thấy hết rồi”.
Con người là vậy đó. Đúng là họ có
thể nhìn thấy thân thể, nhưng cái nhìn của họ bị lệch lạc. Họ không nhìn với
Buddho, “người biết”, người giác ngộ. Họ chỉ nhìn thấy thân thể theo cách
thường chứ không thể nhìn thấy bằng con mắt trí huệ. Chỉ nhìn thấy thân thể
thôi thì không đủ đâu. Bạn phải nhìn thấy cái thân thể bên trong thân thể, và
rồi sự việc trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Chỉ nhìn thấy thân thể thôi, bạn sẽ
bị nó phỉnh gạt, bị bề ngoài của nó mê hoặc. Không nhìn thấy tính chất tạm bợ,
bất toàn và vô chủ, sự ham muốn dục lạc.
Bạn bị cuốn hút bởi hình dáng, âm
thanh, mùi vị, và cảm giác. Nhìn thân thể như thế là nhìn với cặp mắt trần tục,
dẫn đến sự yêu, ghét và phân biệt giữa thích và không thích. Phiền não sẽ phát
sinh.
Đức Phật dạy rằng chúng ta phải nhìn
với “con mắt trí huệ”. Nhìn thấy cái thân thể bên trong cái thân thể. Nếu bạn
thật sự nhìn vào trong thân thể… ối! Thật là gớm guốc. Có những thứ hôm nay và
ngày hôm qua trộn lẫn trong đó, bạn không biết thứ gì là thứ gì. Cái nhìn theo
cách này thì rõ ràng hơn nhiều so với cái nhìn với con mắt trần tục, với con
mắt điên loạn chỉ muốn nhìn những thứ nó thích. Hãy quán chiếu với con mắt của
tâm, với con mắt huệ.
Đây là sự tu hành có thể nhổ bỏ tận
gốc sự bám víu vào ngũ uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Dứt trừ tận gốc sự bám víu là dứt trừ tận gốc của sự khổ. Nếu đau khổ
phát sinh, nó phát sinh tại đây, nơi có sự bám víu vào ngũ uẩn. Không phải
ngũ uẩn tự nó là khổ, nhưng sự bám giữ chúng như thể chúng là của riêng – đó là
khổ.
Nếu bạn thấy rõ sự thật về những thứ
này qua sự hành thiền, đau khổ sẽ được tháo gỡ, giống như bạn tháo mở một con
ốc hay cái bù-lon. Tâm cũng tháo gỡ theo cách ấy; nó xả bỏ, lùi khỏi sự dính
mắc vào cái tốt, cái xấu, vào của cải, lời khen chê, hạnh phúc và khổ đau.
Nếu chúng ta không biết sự thật về
những điều này, nó cũng giống như con ốc bị vặn chặt. Con ốc siết chặt dần cho
đến khi nó đè bẹp bạn và bạn đau khổ đủ phía. Khi bạn biết bản chất của sự
việc, bạn tháo mở con ốc. Sự chán ngán phát sinh. Bạn thấy mệt mỏi đối với các
pháp thế gian và bạn không còn lưu luyến chúng nữa. Nếu bạn tháo gỡ tâm theo
cách này, bạn sẽ tìm thấy sự bình an.
Con
người chỉ có một vấn đề - đó là sự bám giữ. Chỉ vì điều này thôi mà họ thù ghét và giết hại lẫn nhau.
Tất cả mọi vấn đề - cá nhân, gia đình, xã hội – đều nảy sinh từ một gốc rễ này.
Không ai thắng cả. Họ giết hại lẫn nhau, nhưng cuối cùng chẳng ai giành được
điều gì. Được mất, khen chê, vui buồn – đều là những pháp thế gian. Những pháp
này nhấn chìm thế nhân. Chúng là những kẻ phá rối. Nếu bạn không suy ngẫm về
bản chất thật của chúng, bạn sẽ đau khổ. Người ta sẳn sàng giết người vì danh
lợi. Tại sao vậy? Bởi vì họ quá coi trọng chúng. Họ được bổ nhiệm vào một địa
vị nào đó và rồi họ say sưa với quyền lực của họ. Họ trở nên kiêu hãnh.
Chúng
ta nên hiểu bản chất của tài sản, danh dự, lời khen, và niềm hạnh phúc thế gian. Đừng để chúng đi vào đầu của bạn.
Nếu bạn không thực sự hiểu biết những thứ này bạn sẽ bị lừa gạt bởi thế lực,
bởi con cái và thân quyến của bạn… bởi đủ thứ hết! Nếu bạn hiểu rõ, bạn sẽ biết
rằng chúng đều là những điều kiện vô thường. Nếu bạn dính mắc vào chúng, chúng
sẽ ô nhiễm bạn.
Khi người ta mới sinh ra, họ chỉ là
thân và tâm, chỉ vậy thôi. Sau này, họ có thêm cái tên “John”, hay “Smith”, hay
bất cứ gì. Đây là quy ước, và rồi nhiều năm về sau, cái tên của họ lại gắn thêm
chữ “Bác sĩ”, hay “Đạ tá”, hay gì đó. Nếu chúng ta không thật sự hiểu những điều
này, chúng ta cho rằng chúng là thật và mang theo chúng với mình suốt ngày.
Chúng ta mang theo của cải, chức vị, và tên tuổi theo với mình. Nếu bạn có thế
lực, bạn có thể làm đủ thứ chuyện. “Nhốt tên đó vào ngục. Xử tử tên kia”. Chức
vị đi đôi với thế lực. Chúng ta bám chặt vào địa vị của mình. Vừa có chức vị, người ta chuẩn bị ra
lệnh. Không cần biết là đúng hay sai, và ngày càng rời xa Đạo. Một người hiểu
Đạo sẽ không cư xử như vậy. Nếu tài sản
và địa vị đến với bạn, cứ để nó giản dị là tài sản và địa vị. Đừng đồng hóa
chúng với bạn. Cứ sử dụng chúng để làm tròn trách nhiệm của bạn và chỉ vậy
thôi. Bạn vẫn là bạn, không biến thành một thứ khác, không có gì khác cả.
Sống như thế là chúng ta không bị ảo
tưởng thế gian lừa gạt. Bất kỳ thứ gì đến với bạn, nó chỉ là những điều kiện.
Không có thứ gì có thể cám dỗ tâm để nó bày trò, dựng chuyện; không có gì quyến
rũ tâm vào ba thứ độc – tham, sân, si.
Đây mới là người hộ trì Phật Pháp
thật sự. Dầu là bạn nằm trong số người được hộ trì (chư Tăng), hay những người
hộ trì (người thế tục), hãy xem xét điều này cho kỹ. Hãy trau dồi giới luật bên
trong bạn. Đây là cách chắc chắn nhất để hộ trì Phật Pháp. Hộ trì Phật Pháp
bằng sự cống hiến vật thực, chỗ ở, thuốc men cũng tốt, nhưng sự cống hiến đó
chỉ đi được tới phần gỗ dác của Phật Pháp. Một cội cây có vỏ cây, gỗ dác, và
lõi cây. Cả ba phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại, giống như giới, định, huệ. Giới
luật chỉnh đốn lời nói và hành động của bạn. Thiền định tập trung tâm ý. Trí
huệ hiểu biết hoàn toàn bản chất của tất cả điều kiện. Nghiên cứu như thế, tu
hành như thế, và rồi bạn sẽ biết Phật Pháp rốt ráo.
Nếu bạn không nhận ra điều này, bạn
sẽ bị phỉnh gạt bởi tài sản, bởi địa vị, bởi bất cứ thứ gì bạn tiếp xúc. Chúng
ta phải xem xét cuộc sống của mình và làm cho chúng phù hợp với sự giảng dạy.
Chúng ta nên suy ngẫm rằng tất cả chúng sinh trên thế giới đều là một phần
trong cái toàn thể. Chúng ta giống như chúng, chúng giống như chúng ta. Chúng
cũng biết vui buồn như chúng ta. Như nhau cả. Nếu chúng ta suy ngẫm như thế, sự
bình an và hiểu biết sẽ phát sinh. Đây là nền tảng của Phật Pháp.
------------------------------------------------------
(1)
Sa môn (samana), có nghĩa là người xuất gia, người đã khước từ mọi thú vui trần
tục, và chỉ thực hành cầu sự bình an nội tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét