Thích Nhất Hạnh
Chương 80
Hãy tinh tiến lên để đạt giải thoát!
Khi
Bụt và các vị khất sĩ tới được rừng Sala thì trời đã gần xế chiều,
Bụt bảo thầy Ananda chuẩn bị chỗ nằm cho Bụt giữa hai cây sala, rồi Bụt nằm
xuống trong tư thế sư tử tọa, đầu hướng về phương Bắc. Các
vị khất sĩ chia nhau ngồi bao quanh Bụt. Họ biết rằng trong đêm nay,
tại rừng cây sala này, Bụt sẽ nhập Niết bàn.
Bụt đưa
mắt nhìn rừng cây rồi nói với Ananda:
-
Này Ananda, thầy hãy nhìn xem, bây giờ đâu phải là mùa hoa, mà những cây sala
này đang nở hoa trắng xóa. Hoa rụng trên áo Như Lai và trên cả áo các
vị khất sĩ, thầy thấy không? Rừng này đẹp lắm! Thầy có thấy mặt
trời đang ngã về phía Tây và chân trời thật rạng rỡ hay không?
Thầy có nghe gió nhẹ rì rào trong các cành sala không? Vạn
vật đối với Như Lai thật mầu nhiệm. Này các vị khất sĩ, nếu
các vị muốn tỏ lòng cung kính và biết ơn Như Lai thì
các vị chỉ có thể bày tỏ điều đó bằng cách sống đúng chánh
pháp và đi trong chánh pháp mà thôi.
Lúc
đó trời vẫn còn nóng và đại đức Upavana đang đứng trước mặt Bụt
để quạt cho Người. Bụt bảo đại đức đứng sang một bên để đại đức có
dịp nhìn lại cảnh rừng cây và cảnh trời chiều huy hoàng đang diễn
ra trước mắt.
Bụt
hỏi đại đức Anuruddha:
-
Ananda ở đâu, Như Lai không thấy?
Một
vị khất sĩ thưa:
-
Con thấy sư huynh Ananda đang đứng nấp và khóc sau một cội
cây. Sư huynh nói một mình: “Ta chưa thành
tựu được đạo nghiệp mà thầy ta đã tịch. Có ai thương ta bằng
thầy ta thương ta đâu”.
Bụt
bảo vị khất sĩ đi gọi đại đức Ananda về.
Người an
ủi đại đức Ananda:
-
Ananda, đừng buồn khổ nữa, Như Lai đã từng nhắc thầy là vạn
pháp vô thường, có sinh thì có diệt, có thành thì có hoại, có hợp thì có
tan. Làm sao có sinh mà không có diệt cho được? Làm sao có thành mà không có
hoại cho được? Làm sao có hợp mà không có tan cho được? Ananda, mấy mươi năm
nay thầy đã thân cận Như Lai, chăm sóc Như Lai với tất cả
tấm lòng thương mến của thầy. Thầy đã đem hết lòng hết
sức để giúp đỡ Như Lai, Như Lai rất cảm ơn thầy, công
đức của thầy rất lớn. Nhưng Ananda, thầy có thể đi xa hơn, nếu thầy cố
gắng thêm chút nữa thì thầy sẽ thoát được sinh tử, đạt tới tự
do, và vượt thoát mọi đau khổ và bi ai. Điều đó tin chắc thầy
làm được và cũng là điều sẽ làm cho Như Lai vui lòng nhất.
Xoay
qua các vị khất sĩ, Bụt nói:
- Làm
thị giả cho Như Lai, thầy Ananda đã làm rất tốt công việc của mình,
giúp đở và chăm sóc Như Lai tận tình chu đáo.
Đại
đức Ananda lau nước mắt, bạch:
- Thưa
Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng nhập Niết bàn ở đây. Kurinara chỉ
là một đô thị nhỏ, tường vôi vách đất. Có nhiều nơi xứng đáng hơn để Thế
Tôn nhập Niết bàn như Sampa, như Rajagaha, như Savatthi, như Sakata,
như Kosambi, hay Banarasi. Xin đức Thế Tôn chọn một nơi như thế
để nhập diệt để cho đông đảo quần chúng có cơ
duyên nhìn mặt Thế Tôn một lần cuối.
Bụt
bảo:
-
Ananda, Kusinara cũng là một nơi quan trọng, dù nó chỉ là một đô
thị tường vôi vách đất. Ananda, Như Lai muốn thầy hiểu được tâm
ý của Như Lai.
Rồi
Bụt bảo đại đức Ananda vào thành phố Kusirana báo tin cho những người
trong bộ tộc Malla biết rằng đêm nay vào canh cuối, Bụt sẽ nhập Niết
bàn trong rừng cây sala của họ.
Những
người trong bộ tộc Malla nghe tin Bụt sắp nhập diệt liền
vội vã đi gặp Người. Một du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda nghe nói có
Bụt ở ngoài rừng cũng theo họ tìm tới. Trong khi những người trong bộ tộc
Malla thay phiên nhau tới ra mắt và làm lễ Bụt thì du sĩ Subhadda
tới thương thuyết với đại đức Ananda để ông được gặp và hầu
chuyện Bụt. Đại đức không cho, bảo là Bụt đang mệt không thể tiếp
được ông.
Nghe
được những câu trao đổi giữa hai người, Bụt bảo Ananda:
-
Thầy cứ cho du sĩ Subhadda vào đi, Như Lai có thể tiếp ông ấy.
Du
sĩ Subhadda ra trình diện trước Bụt, đã từng nghe nói tới đạo
phong của Bụt, ông sẵn có lòng mến mộ Bụt từ lâu, ông lạy xuống và
bạch:
-
Bạch đức Thế Tôn, con đã nghe nói tới các vị lãnh
đạo các giáo phái như Purana Kassapa, Makhali Gosala, Ajita
Kesakambali, Pakudha Kaccayana, Sanjaya Belatthiputta và Nigantha Nathaputta ...
Con muốn hỏi Thế Tôn xem trong những vị đó có ai thật sự là người đạt
đạo không?
Bụt
hỏi:
-
Subhadda, họ có đạt đạo hay không đạt đạo, việc đó không nên bàn tới bây giờ vì
không cần thiết. Subhadda, Như Lai sẽ chỉ cho ông con
đường tu học để tự ông có thể đạt ngộ.
Rồi
Bụt dạy cho Subhadda về đạo lý Bát chánh đạo.
Và
Người kết luận:
-
Subhadda, ở đâu trong đoàn thể nào mà có sự thực hành Bát chánh đạo
một cách chuyên cần là ở đó có người đạt đạo. Subhadda, ông cố thực
tập phép này đi rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo, không cần
phải đặt câu hỏi người này hay người khác có thật là người đạt đạo hay
không.
Được
Bụt dạy, du sĩ Subhadda thấy tâm hồn mở rộng, ông sung
sướng quá. Ông xin Bụt được xuất gia là đệ tử,
Bụt chấp nhận. Người giao Ananda làm lễ xuất gia tại chỗ cho du
sĩ Subhadda.
Subhadda
cũng là người đệ tử cuối cùng của Bụt.
Sau
khi Subhadda đã được cạo đầu, thọ giới, khoác áo cà sa và được
trao cho một bình bát, Bụt đưa mắt nhìn các vị khất
sĩ ngồi bao quanh Người. Lúc bấy giờ số lượng các vị khất sĩ đã
tăng lên gần năm trăm vị, trong đó có các vị từ địa phương khác tới, Bụt nói:
-
Này các vị khất sĩ! Nếu vị nào con thắc mắc điều gì về giáo pháp thì
đây là lúc nên hỏi Như Lai. Đừng để dịp này trôi qua về sau lại hối
hận rằng: “Hôm ấy tôi được diện kiến Bụt vậy mà tôi
quên không hỏi ...”
Bụt
lặp lại câu nói của Người tới ba lần, vẫn không có vị khất
sĩ nào lên tiếng.
Đại
đức Ananda nói:
- Bạch
đức Thế Tôn, thật là vi diệu! Con có đức tin nơi giáo
đoàn khất sĩ, con có đức tin nơi Tăng đoàn, ai cũng thấy
được những lời Thế Tôn nói và giáo pháp của Thế
Tôn dạy sáng tỏ như ban ngày, và không ai còn có thắc
mắc nghi ngờ gì nữa về giáo pháp ấy và về con
đường thực hiện.
Bụt
nói:
-
Ananda, đó là thầy nói từ niềm tin của thầy, Như Lai thì thấy bằng
cái thấy trực tiếp của Như Lai, Như Lai thấy trong đại
chúng khất sĩ ở đây ai cũng có đức tin vững
vàng nơi Tam Bảo, và trình độ thấp kém nhất trong
số các các vị cũng đã là quả vị nhập lưu.
Bụt
đưa mắt im lặng nhìn đại chúng, rồi Người nói:
-
Này các vị khất sĩ, hãy nghe Như lai nói đây: “Vạn
pháp vô thường, có sinh thì có diệt, các vị hãy tinh tấn lên để
đạt tới giải thoát”.
Nói
xong, Bụt nhắm mắt. Đó là lời nói sau cùng của Người.
Bỗng
nhiên đại địa rung động, hoa sala rụng xuống như mưa, mọi
người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Ai cũng biết là Bụt
đã nhập Niết bàn.
(Đọc
tới đây xin độc giả tạm ngưng và thở thật nhẹ vài ba phút rồi hãy đọc tiếp).
Bụt
đã diệt độ. Một số các vị khất sĩ giang hai tay lên, nằm bò ra
đất và khóc thương thảm thiết. Họ rên rỉ:
-
Bụt đã nhập Niết bàn! Thế Tôn đã diệt độ! Con mắt của thế
gian không còn nữa! Chúng ta biết nương tựa vào đâu?
Trong
khi những vị khất sĩ này lăn lộn và khóc than như thế thì một số các
vị khất sĩ khác ngồi bất động, theo dõi hơi
thở và quán chiếu về những điều Bụt dạy. Đại
đức Anuruddha lên tiếng:
-
Này các huynh đệ! Các huynh đệ đừng khóc thương thảm sầu như
thế! Đức Thế Tôn đã dạy có sinh thì có diệt, có thành thì có hoại, có
hợp thì có tan. Nếu các huynh đệ hiểu và vâng
theo lời đức Thế Tôn, thì xin các huynh đệ đừng làm náo
loạn. Xin trở về chỗ ngồi của mình, và xin im lặng, theo
dõi hơi thở. Hãy tôn trọng sự tĩnh lặng của giây phút
này.
Mọi
người trở về chỗ ngồi theo lời chỉ dạy của đại
đức Anuruddha. Đại đức hướng dẫn đại chúng khất
sĩ đọc lên những đoạn pháp mà đa số đã thuộc lòng,
những đoạn nói về vô thường, vô ngã, buông bỏ và giải thoát.
Không khí trở lại trang nghiêm như cũ.
Những
cây đuốc đã được dân chúng trong bộ tộc Malla thắp lên, bập bùng tỏa chiếu
ánh sáng trên khung cảnh huyền diệu.
Sau
thời tĩnh mặc, đại đức Anuruddha bắt đầu nói pháp
thoại. Pháp thoại của đại đức ca ngợi công hạnh của
Bụt, ca ngợi trí tuệ của Bụt và đức đại hùng, đại
lực, đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả của Người. Đại
đức Anuruddha nói xong thì đến lượt đại đức Ananda lên
tiếng. Đại đức kể lại những kỷ niệm đẹp đẽ đã trôi qua ra
giữa Bụt và đại đức trong suốt trên bốn mươi năm trời. Suốt đêm,
hai đại đức thay nhau nói pháp thoại. Đại chúng năm
trăm vị khất sĩ và ba trăm vị cư sĩ đều ngồi im
lặng lắng nghe. Những cây đuốc gần tàn đã được nối tiếp bằng những cây
đuốc khác. Cứ như thế cho đến khi trời sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét