10 thg 3, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần 11 - Chương 69)

Thích Nhất Hạnh

Chương 69

Chim Cút và chim Ưng.

Tuy chưa bị Bụt gọi riêng để quở trách lần nào, thầy Svastika vẫn biết rằng mình còn có rất nhiều khiếm khuyết trong nếp sống phạm hạnh và thầy cũng biết rằng Bụt thấy hết những khiếm khuyết ấy. Nếu Bụt không rầy hoặc chưa rầy có lẽ là vì Bụt thấy thầy có để tâm hộ trì sáu căn, tuy sự hộ trì này chưa được nghiêm túc. Mỗi lần thấy vị khất sĩ hay nữ khất sĩ nào bị quở trách, Svastika thường xem như chính mình bị quở trách, vì vậy thầy có nhiều cơ hội để tập thúc liễm thân tâm. Nhất là mỗi khi thầy Rahula được Bụt gọi lên giáo hóa là thầy Svastika xem như là chính mình được Bụt gọi. Thầy Rahula đã bước những bước thật vững chãi trên con đường tiến tu phạm hạnh và điều này là một trợ duyên cho sự tu học của thầy Svastika.

Có một lần thầy Svastika ngồi tâm sự với thầy Rahula trong một cụm rừng về sự may mắn được xuất gia theo Bụt của mình. Thầy nói thầy đã được nếm hương vị tịnh lạc và giải thoát rồi thì không còn thấy nếp sống ngoài thế gian là vui thích nữa. Thầy Rahula bảo:

- Tuy vậy, mình không nên vội quá tin nơi mình. Công trình hộ trì sáu căn là công trình căn bản của nếp sống phạm hạnh và ngay các vị đại đệ tử lớn trong giáo đoàn khất sĩ cũng vẫn không dám khinh thường công phu thực tập này.

Rồi Rahula kể cho thầy Svastika nghe về thầy Vangisa. Thầy Vangisa nổi tiếng là một vị khất sĩ vừa có biện tài vừa có khiếu văn chương. Thầy đích thực là một thi sĩ, thầy đã làm nhiều bài thơ kệ ca ngợi Bụt, Pháp và Tăng. Hồi mới xuất gia, thầy Vangisa được theo học với thầy Nigrodhakappa và y chỉ nơi thầy. Hai thầy trò cư trú tại đền Aggalava miền ngoại ô thành Savatthi. Sau đó trưởng lão Nigrodhakappa viên tịch, thầy được về tu viện Cấp Cô Độc. Một hôm, đi khất thực với thầy Ananda, thầy Vangisa thú thật với thầy Ananda rằng tâm thầy không được an tịnh và thầy khẩn cầu thầy Ananda hóa giải dùm. Hỏi ra, thầy Ananda mới biết được rằng tâm của thầy Vangisa còn đang tham đắm vì nhan sắc của một số các vị tiểu thư thường đến cúng dường tại tu viện. Thầy Ananda hiểu rằng thầy Vangisa là một nghệ sĩ, nên tâm hồn dễ rung động bởi những cái đẹp và vì vậy đã mê đắm luôn cái sắc đẹp của chính giáo pháp và giác ngộ. Để giúp thầy Vangisa vượt thoát cái đẹp mong manh, vô thường và có thể gây tai họa của nữ sắc, thầy Ananda đã chỉ dạy thầy Vangisa hãy chiếu rọi ánh sáng vào đối tượng quán niệm để thấy tính cách bất tịnh và chóng tàn hoại của các pháp. Thầy Vangisa đã thực tập theo lời giáo huấn của thầy Ananda, đã thực tập hộ trì sáu căn và đã làm một bài thi kệ tự tính mà nhiều thầy biết đến. Bài thơ ấy như sau:

“ Đã khoác áo cà sa,

  Tham dục còn theo đuổi

  Như trâu nhớ lúa người 

  Quả thật là hổ thẹn!

  Con của nhà đại tướng

  Tài giỏi nghề cung tên

  Ngàn người bắn tứ phía

  Vẫn phá được vòng vây.

  Nay giai nhân có đến,

  Đông hơn là quân tràn,

  An trú nơi chánh pháp

  Ta quyết cũng không sờn.

  Ta đã theo Thế Tôn 

  Của dòng họ Mặt Trời

  Trên đường về thong dong

  Tình ta đã trọn gởi.

  Do hộ trì sáu căn

  Ta ung dung tiến bước

  Não phiền vô lượng

  Nào lay chuyển được ta?”

Thầy Vangisa là người thông minh và tài giỏi, vì vậy đã có lần vướng vào tâm trạng tự hào và âm thầm có ý khinh miệt một số các thầy khác, nhưng may mắn thay, nhờ tu tập chánh niệm, thầy đã thấy được niềm kiêu mạn phát khởi ra trong tâm thầy, và thầy bất giác cảm thấy hổ thẹn. Thầy lại làm ra bài thơ sau để tự tỉnh:

 “Đệ tử Gotama,

   Hãy đoạn trừ kiêu mạn!

   Con đường kiêu mạn này

   Chỉ đưa về khổ thủ!

   Kẻ kiêu mạn ngấm ngầm

  Cũng đi về địa ngục

  Huống chi là những kẻ

  Vênh váo nhìn cuộc đời!

  Học đạo thấy đường ngay,

  Tâm hồn được an lạc

  Niềm vui đó rất cao

  Ta phải mong đạt tới.

  Hãy tập phép chánh niệm

  Để đạt phép tam minh,

  Kiêu mạn đoạn trừ xong

  Mới thành công thật sự”.

Nhờ có cảnh giác cao cho nên thầy Vangisa đã vượt được rất nhiều chướng ngại và đã bước những bước thật dài trên con đường chuyển hóa. Thầy đã đạt tới quả vị Bất Sinh, và điều này đã được trưởng lão Sariputta xác nhận. Ngày tâm trí bừng tỉnh, thầy Vangisa đã làm một bài thi kệ để tỏ lòng biết ơn Bụt. Bài thi kệ ấy như sau:

 “Ngày xưa say thơ mộng

   Ta phiêu bồng khắp nơi

   Cảnh chợ rồi cảnh quê

   Cuối cùng được gặp Bụt!

   Thế Tôn đã thương xót

   Dạy cho ta phép mầu 

   Nghe xong khởi niềm tin

   Khoác áo người khất sĩ.

   An trú trong chánh pháp

   Kiên cố ta một lòng

   Nay chứng được tam minh

   Đền ơn bậc tỉnh thức 

   Hạt giống của mặt trời

   Thế Tôn đã gieo trồng

   Vì chúng sanh u tối

   Người khai mở lối ra

   Bốn thật sự nhiệm mầu

   Con đường tám nẻo chánh

   An lạc và tự do

   Nghĩa lời cùng vi diệu.

   Phạm hạnh đã cao siêu

   Độ sinh càng khéo léo

   Niết bàn cứu muôn loài

   Ơn sâu người chỉ dạy!”

Thầy Sariputta trong một buổi giảng cho các vị khất sĩ trẻ có đem trường hợp của thầy Vangisa ra để làm gương. Thầy bảo: “Thầy Vangisa trong bước đầu tu học cũng đã từng có những tình cảm và những tâm trạng yếu đuối, nhưng sau đó nhờ tu học tinh cần đã vượt thắng được mọi phiền não và chứng ngộ được diệu pháp”. Do vậy, người tu không nên có mặc cảm, dù là mặc cảm tự tôn hay là mặc cảm tự ty. Tu tập chánh niệm, ta sẽ ý thức được những gì đang xảy ra trong nội tâm và ta sẽ không bị lôi cuốn theo những gì đang xảy ra. Hộ trì sáu căn vì vậy là phương pháp rất mầu nhiệm để vững tiến trên đường đạo.

Nghe thầy Rahula kể về thầy Vangisa, thầy Svastika hình dung lại được vị khất sĩ tài hoa này. Tuy thầy đã từng được gặp thầy Vangisa nhưng chưa bao giờ có dịp trò chuyện. Thầy định bụng hôm nào sẽ xin đến làm quen và học hỏi kinh nghiệm tu đạo của thầy Vangisa. Thầy nhớ có một hôm Bụt dùng hình ảnh về biển cả để dạy đại chúng về công phu hộ trì sáu căn. Người nói:

- Này các vị khất sĩ, mắt là một đại dương sâu, trong ấy có đầy những loài thủy quái, có đầy những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm rất nguy hiểm. Nếu không đi trong chánh niệm, chiếc thuyền của quý vị sẽ bị những loài thủy quái, những con nước xoáy và những đợt sóng ngầm ấy làm cho đắm chìm trong biển sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý của quý vị cũng tương tự là những đại dương sâu trong ấy có đầy những loài thủy quái ...

Nhớ tới những lời dạy ấy của Bụt, thầy Svastika thấy sâu sắc vô cùng. Quả thật sáu giác quan của thầy là những đại dương sâu, và những đợt sóng ngầm có thể nổi dậy bất cứ lúc nào và làm cho thầy chìm đắm. Thầy Rahula nói rất phải: “Thầy không nên khinh thường hộ trì lục căn và phải thực tập rất nghiêm chỉnh lời Bụt dạy”.

Câu chuyện về con chim Cút mà Bụt đã kể cho các thầy khất sĩ trẻ nghe trước túp lều của Người tại tu viện Jetavana là một câu chuyện thật dễ nhớ. Câu chuyện này cũng có mục đích nhắc nhở các thầy giữ gìn sáu căn và đừng buông thả tự thân trong tạp niệm. Bụt kể:

- Một hôm nọ, có một con chim Ưng thình lình đáp xuống và chụp lấy một con chim Cút rồi bay vút lên cao. Con chim Cút than khóc, tự trách mình đã đi ra khỏi nơi mà cha mẹ nó bảo không nên ra khỏi, cho nên mới bị tai nạn. “Nếu ta biết nghe lời cha mẹ ta thì con chim Ưng này có làm gì được ta”. Nghe con chim Cút nói thế, chim Ưng hỏi: “Vậy vùng mà cha mẹ mày bảo mày đừng ra khỏi là vùng nào?” Chim Cút trả lời: “Đó là vạt đất mới được cày”. Chim Ưng lấy làm lạ, bay đi, bèn mang con chim Cút trả về chỗ cũ. Trước khi bay đi, chim Ưng nói: “Này Cút, ta đã thả mày ra, mày hãy liệu chừng, ta chỉ thả mày lần này thôi. Lần sau nếu bắt được mày, ta sẽ không tha đâu”.

Chim Cút trở về vạt đất đã được cày, leo lên đứng trên một hòn đất lớn và thách thức chim Ưng: “Này chim Ưng, mày hãy xuống đây, xuống đây xem có thể bắt được ta hay không?”.

Chim Ưng nổi giận, chấp hai cánh vào mình, lao vút xuống với tất cả sức lực của nó. Chim Cút biết thế nên lập tức chui xuống núp dưới hòn đất. Chim Ưng đã bắt không được chim Cút mà còn va vào hòn đất thật mạnh đến nỗi bị bể ngực và quay ra dẫy chết. Này các vị khất sĩ, người tu hành phải an trú trong chánh niệm, hộ trì sáu căn cho nghiêm chỉnh, rời khỏi lãnh vực chánh niệm tức là đi vào lãnh thổ của ma chướng, thế nào cũng bị tai nạn”.

Thầy Svastika nhận thấy trong giáo đoàn của Bụt có nhiều vị khất sĩ trẻ tuổi có đạo hạnh và tài năng. Điều này làm cho thầy phấn khởi. Có một hôm thầy được tháp tùng một số các vị thượng tọa tới dự lễ trai tăng ở tư thất cư sĩ Citta tại thị trấn Macchikasanda và đã khám phá ra sự có mặt im lặng của một vị khất sĩ trẻ tuổi như thế. Cư sĩ Citta là người nổi tiếng tinh thâm giáo lý. Ông là một vị đệ tử cư sĩ có đạo tâm và cũng được quần chúng ái mộ gần như cư sĩ Anathapindika. Ông thường hay thỉnh các vị cao đức tới nhà để cúng dường trai phạn và để được học hỏi. Hôm ấy có trên mười vị khất sĩ cao niên được mời. Chỉ có Svastika và một vị khất sĩ khác tên là Isidatta là hai người trẻ tuổi. Sau khi cúng dường trai tăng, cư sĩ Citta đứng ra đảnh lễ các vị tôn đức, xin phép ngồi xuống một chiếc ghế thấp trước mặt các vị khất sĩ và đặt câu hỏi sau đây:

- Kính bạch các vị tôn đức, con đã được nghe về Bramajala, trong đó nói về sáu mươi hai luận chấp của các học phái đương thời. Con cũng có nghe những câu hỏi về sinh diệt và về linh hồn mà các đạo sĩ thường nêu ra như: “Thế giới là hữu biên hay vô biên, vĩnh cữu hay phải đoạn diệt, linh hồn và thân xác là một hay là khác, Như Lai có còn không sau khi nhập diệt, hay là vừa còn vừa không, hoặc không còn cũng không không ... Bạch các vị tôn đức, do đâu mà có những luận chấp và những câu hỏi có tính cách siêu hình ấy?

Trước câu hỏi của cư sĩ Citta, tất cả các vị khất sĩ đều im lặng, Citta lặp lại câu hỏi này tới ba lần mà cũng không có vị khất sĩ nào lên tiếng để trả lời cả. Thầy Svastika cảm thấy bối rối, cảm thấy nóng bên hai tai. Đột nhiên thầy Isidata lên tiếng, hướng về phía các vị trưởng lão, thầy hỏi:

- Kính bạch các vị trưởng thượng, con có thể trả lời câu hỏi đó của cư sĩ Citta được không?

Các vị khất sĩ lớn trả lời:

- Thầy có thể trả lời nếu thầy muốn.

Hướng về cư sĩ Citta, thầy Isidatta nói:

- Thưa ngài Citta, sở dĩ có những luận chấp và những câu hỏi ấy vì người ta còn mắc kẹt vào ngã kiến. Nếu ngã kiến không còn, người ta sẽ không hỏi những câu hỏi như thế và không chủ trương những luận chấp như thế.

Cư sĩ Citta lộ vẻ ngạc nhiên và thán phục, song ông lại nói:

- Xin đại đức vui lòng cắt nghĩa cho rõ thêm.

- Người không được gần gũi các bậc thiện nhân, không được học hỏi giáo pháp giác ngộ, thường cho rằng thân thể này là ta, hoặc thân thể này là của ta, hoặc có ta trong thân thể này, và có thân thể này trong ta ... Người ấy lại cho rằng cảm thọ là ta, là sở hữu của ta, hoặc có ta trong cảm thọ này và có cảm thọ này trong ta ... Người ấy cũng có cùng một kiến chấp ấy đối với tri giác, tâm hành và nhận thức. Đó là người đang bị mắc kẹt vào ngã kiến, chính vì bị mắc kẹt vào ngã kiến như thế nên mới chủ trương và tin vào những luận chấp như sáu mươi hai luận chấp trong Phạm Võng, và mới hỏi những câu hỏi như những câu hỏi về hữu biên và vô biên, thường và đoạn, một và khác, còn hay là không. Cư sĩ Citta, nếu học hỏi và tu tập để phá trừ được ngã kiến thì những câu hỏi và những luận chấp kia sẽ tự động trở thành vô nghĩa.

Cư sĩ hoàn toàn bị thầy Isidatta chinh phục. Ông kính cẩn hỏi:

- Bạch đại đức, ngài từ đâu tới?

- Cư sĩ Citta, tôi tới từ Avanti.

- Bạch đại đức, tôi nghe nói ở Avanti có một người trẻ tuổi tên là Isidatta đã xuất gia. Đó là một thiếu niên anh tuấn, lỗi lạc phi thường, một người mà chúng tôi nghe tên mà chưa bao giờ từng được gặp. Chẳng hay đại đức có gặp ông ta hay không?

- Cư sĩ Citta, tôi đã có gặp ông ấy.

- Vậy thưa đại đức, vị khất sĩ tài đức ấy hiện bây giờ ở đâu?

Đại đức Isidatta im lặng.

Cư sĩ Citta vốn người thông minh. Ông ngờ rằng vị đại đức đang ngồi trước mặt mình là Isidatta. Ông hỏi:

- Có phải đại đức chính là đại đức Isidatta đó không?

- Thưa phải. Thầy Isidatta trả lời.

Cư sĩ Citta mừng rỡ:

- Vậy thì quý hóa và hân hạnh cho tôi biết mấy. Bạch đại đức Isidatta, vườn xoài và tệ xá tại Macchikasada rất mát mẻ và đầy đủ mọi tiện nghi. Tôi rất mong ước được đại đức đến viếng chúng tôi thường xuyên. Chúng tôi xin nguyện cúng dường đại đức tất cả những gì đại đức cần đến như thực phẩm, y áo, thuốc men và chỗ ở.

Thầy Isidatta im lặng. Sau đó các vị khất sĩ từ giã. Thầy Svastika nghe nói là sau đó, thầy Isidatta không bao giờ trở lại nhà cư sĩ Citta một lần nữa. Và từ đó thầy cũng không còn được gặp lại thầy Isidatta. Hình ảnh thầy Isidata sáng ngời trong tâm thầy Svastika. Thầy Isidatta không những thông minh mà còn rất khiêm nhường nữa. Thầy không màng tới sự cung kính và cúng dường của người cư sĩ, dù là một vị đại cư sĩ như Citta. Thầy Svastika thầm nguyện sẽ học theo hạnh của thầy Isidatta và thầm hẹn là một hôm nào đó có dịp ghé về Avanti, thầy sẽ hỏi thăm để tìm gặp lại vị khất sĩ ấy.

Thầy Svastika biết Bụt rất thương những vị thầy trẻ tuổi có chuyên tâm, có tuệ giác và có chí nguyện lợi tha. Bụt đã từng nói là Người trông cậy thật nhiều ở những vị này trong công trình bồi đắp và trao truyền đạo pháp cho các thế hệ tương lai. Tuy vậy, thầy thấy Bụt đã và đang che chở cho cả các thầy trong giáo đoàn khất sĩ, và Người rất kiên nhẫn trong việc giảng dạy và hóa độ chúng sinh. Có thầy tu tập không thành công, hoàn tục tới sáu lần mà đến khi hồi đầu, Bụt cũng cho phép trở lại giáo đoàn một lần nữa. Có những những vị thiếu thông minh đến nỗi học hoài mà cũng không thuộc được mười sáu phép thở, vậy mà Người vẫn tiếp tục an ủi và khuyến khích.

Hồi đó, tại tu viện Jetava, có một thầy tên Bhaddali. Thầy Bhaddali có những khuyết điểm mà Bụt biết, nhưng Người cố tình làm lơ để tạo cho thầy một cơ hội để chuyển hóa. Thầy không theo kịp đại chúng trong việc chấp tri những quy luật của tu viện. Phép tắc của tu viện có điều khoản là khi thọ trai, vị khất sĩ chỉ ngồi một lần cho đến khi ăn xong bữa cơm mà không được đứng dậy để lấy thêm thức ăn hoặc làm những việc khác. Đó gọi là phép nhất tọa thực. Tuy nhiên, thầy Bhaddali không làm như vậy được, và sống trong đại chúng, thầy thường gây ra những phiền nhiễu cho người khác, Bụt có gọi thầy lên nhiều lần và dạy thầy phép tự vấn mình: “Tôi phải làm gì để cho đại chúng hoan hỷ mỗi sáng mai?”. Vậy mà mấy tháng sau, thầy vẫn chưa thành công, Trong đại chúng có những thầy không đủ kiên nhẫn và có khi nói nặng lời. Biết vậy, có hôm Bụt dạy đại chúng:

- Các vị khất sĩ, mọi cá nhân trong tăng đoàn dù có những khuyết điểm trầm trọng, nhưng thế nào trong con người ấy vẫn có một hạt giống của niềm tin và tình thương. Chúng ta phải cư xử với vị ấy như thế nào để những hạt giống của niềm tin và tình thương trong con người không bị hoàn toàn tiêu diệt. Ví như có một người kia vì bất hạnh mà mù một con mắt, và chỉ còn một con mắt. Cố nhiên người này sẽ tìm cách bảo vệ con mắt còn lại kia, vì biết rằng con mắt kia mà mù nữa thì không còn trông thấy gì nữa. Vậy thì các vị khất sĩ, các vị hãy giúp bảo vệ những hạt giống đức tin và tình thương còn lại nơi người đồng đạo bằng cách đối xử tốt hơn với người ấy.

Hôm ấy, thầy Svastika có mặt. Thầy rất cảm động vì thái độ và tình thương của Bụt.

Bụt tuy là một người rất nhẹ nhàng, nhưng có khi Người cũng rất nghiêm khắc và cũng từng quở trách rất thẳng thắn. Người nào mà Bụt không độ được hoặc chưa độ được quả thật là người không có tương lai. Một hôm, Svastika được chứng nghiệm một cuộc nói chuyện ngắn và rất hào hứng giữa Bụt và một vị điều mã sư, nghĩa là một người huấn luyện điều phục ngựa. Bụt hỏi vị điều mã sư:

- Ông điều phục ngựa như thế nào, xin nói cho chúng tôi nghe đi.

Vị điều mã sư:

- Thế Tôn, có nhiều loại ngựa. Có loại rất dễ, chỉ cần dùng biện pháp nhẹ nhàng. Có loại khó trị hơn phải dùng biện pháp vừa nhẹ nhàng vừa cứng rắn. Có loài khó hơn nữa, chỉ có thể dùng biện pháp mạnh với nó.

Bụt mỉm cười và hỏi:

- Vậy khi gặp loại ngựa chứng mà cả ba biện pháp đều vô hiệu thì ông làm thế nào?

- Bạch Thế Tôn, trong trường hợp ấy thì con phải hạ sát nó. Để nó sống chung trong bầy ngựa thì sẽ làm hư hỏng những con ngựa khác. Bạch đức Thế Tôn, người điều phục các vị đệ tử như thế nào, xin cho con được biết.

Bụt nói:

- Tôi cũng làm tương tự như ông. Có những người chỉ cần ngọt ngào. Có những người vừa cần biện pháp ngọt ngào vừa cần biện pháp cứng rắn. Có những người chỉ có thể dùng biện pháp mạnh mới có thể trị nổi.

- Vậy trong trường hợp cả ba biện pháp đều vô hiệu thì đức Thế Tôn làm gì đối với người bất khả trị đó?

Bụt nói:

- Tôi không thể giết người đó theo kiểu ông giết ngựa. Gặp trường hợp có người không thể sử dụng được một trong ba biện pháp trên thì tôi từ chối không chấp nhận vào giáo đoàn khất sĩ, nhưng đó cũng là điều bất hạnh lớn cho người đó. Không được tu tập theo chánh pháp là đánh mất cơ hội tìm lại chính mình, không được giải thoát ra khỏi vô mình, tà kiến và mãi mãi bị giam cầm trong ngục tù của tham đắm, sân hận và si mê. Đó cũng là một cái chết của người đó. Nhưng dù vậy tôi rất thương xót người đó, và tôi vẫn mong là một ngày kia người đó có thể hồi đầu.

Ngày xưa, thầy Svastika đã có dịp thấy và nghe Bụt quở trách và dạy dỗ thầy Rahula, và thầy cũng đã từng thấy Bụt trách dạy một vài thầy khác. Bây giờ thầy thấy được sau hành động quở trách ấy cả một tình thương của Bụt dành cho giáo đoàn khất sĩ. Thầy Svastika biết Bụt rất thương thầy dù Bụt chưa nói ra điều đó thành lời, nhưng chỉ cần nhìn vào mắt Người là thầy thấy rõ điều đó.

Đêm nay, đức Thế Tôn có khách viếng thăm. Thầy Ananda nhờ thầy Svastika đi đun nước nấu trà. Khách là một vị hiệp sĩ, dáng đi hiên ngang, lưng đeo trường kiếm. Ông cột ngựa ngoài cổng tu viện Jetavana, gươm bên yên ngựa và được thầy Sariputta hướng dẫn vào chiếc am tranh của Bụt. Người ông cao lớn, mắt ông sáng ngời và ông bước những bước dài về phía trước. Thầy Ananda cho thầy Svastika biết đó là hiệp sĩ Rohitassa.

Khi vào dâng trà, thầy Svastika thấy hiệp sĩ Rohitassa và thầy Sariputta đang ngồi đối diện Bụt trên những chiếc gỗ kê thấp, còn thầy Ananda thì đứng hầu sau lưng Bụt. Dâng trà cho Bụt, cho khách và cho hai thầy xong, thầy Svastika cũng đến đứng sau lưng Bụt bên cạnh thầy Ananda. Mọi người lặng thinh một lúc thật lâu sau khi uống trà. Đột nhiên, hiệp sĩ Rohitassa mở lời:

- Bạch đức Thế Tôn, có một cõi nào mà không có sinh, không có già, không có bệnh, và không có chết? Có một cõi nào mà muôn loại không chịu luật sinh diệt luân hồi? Ta có thể di chuyển bằng cách nào để ra khỏi thế giới của sinh diệt để đi tới thế giới không sinh diệt kia?

Bụt trả lời:

- Này, Rohitassa, không thể nào ra khỏi thế giới sinh diệt bằng cách di chuyển, dù ta có đi nhanh cách mấy đi nữa, dù ta có đi nhanh hơn cả ánh sáng.

Nghe Bụt nói như thế, hiệp sĩ chắp hai tay lại:

- Lạy đức Thế Tôn, người dạy rất chí lý. Quả thật ta không thể đi ra khỏi biên giới của thế giới của sinh diệt bằng cách di chuyển, dù bằng tốc độ nào. Con nhớ trong một kiếp trước con đã từng có thần thông và con đã có thể bay trong hư không với tốc độ của một mũi tên, con chỉ cần bước một bước là đã có thể từ bờ biển miền Đông con sang tới bờ biển miền Tây. Con đã cố quyết vượt biên giới của thế giới sinh, lão, bệnh, tử, để đi sang một thế giới khác, một thế giới trong đó ta không còn bị không chế bởi luật sinh diệt. Con đã đi suốt ngày như vậy, ngày này sang ngày khác, không dừng lại hoặc để ăn, hoặc để uống, hoặc để nghỉ ngơi, hoặc để ngủ, hoặc để đi đại tiện hay tiểu tiện ... Con đã đi trên một trăm năm với tốc độ ấy nhưng con đã không đi tới đâu cả và rốt cuộc con đã chết dọc đường ... Quả thật ta không thể nào vượt được biên giới của cõi sinh tử bằng cách di chuyển, dù là di chuyển với tốc độ của ánh sáng.

Bụt dạy:

- Tuy vậy, ta không nói rằng cõi sinh tử này không thể vượt qua được. Này Rohitassa, ông có thể vượt khỏi cõi sinh tử này. Ta sẽ chỉ cho ông con đường để vượt thoát thế giới sinh tử. Này Rohitassa, chính trong tấm thân này của ông mà thế giới sinh tử được sinh khởi và cũng trong chính tấm thân ấy mà ông có thể tìm thấy được sự chấm dứt của thế giới sinh tử. Hãy quán chiếu thân thể ông. Hãy quán chiếu thế giới sinh diệt ngay trong tấm thân của ông. Quán chiếu để thấy được thực tướng vô thường, vô ngã, bất sinh và bất diệt của vạn pháp trong vũ trụ. Rồi ông sẽ thấy thế giới sinh diệt tan biến và thế giới của bất diệt bất sinh hiển lộ. Ông sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau và sợ hãi. Để vượt khỏi thế giới của khổ đau và sinh diệt, ông không cần đi đâu hết. Ông chỉ cần ngồi lại và nhìn thật sâu vào tự tánh của thân thể ông, ông sẽ nhận thức đúng bản chất của sinh tử và giải thoát. 

Thầy Svastika thấy hai mắt của đại đức Sariputta sáng rỡ như hai vì sao. Hiệp sĩ cũng lộ vẻ vui sướng một cách rõ rệt. Svastika cảm động không cùng, pháp Bụt mầu nhiệm đến thế. Thật như là một bản đại hùng ca. Chìa khóa của sự thành công nằm ngay trong lòng bàn tay của mình, thầy Svastika cảm thấy rõ ràng điều đó.


----- Hết Phần 11 -----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***