Thích Nhất Hạnh
Chương 62
Đừng vội tin cũng đừng vội bài bác.
Mùa
an cư hoàn mãn, đại đức Sariputta đến từ biệt Bụt để lên
đường hành hóa, Bụt mỉm cười hiền lành và gật đầu tạm biệt đại đức. Đại
đức Sariputta cảm tạ và lên đường ngay sau đó.
Trưa
hôm ấy có một vị khất sĩ lên tìm Bụt và phàn nàn với Người
là thầy đã bị đại đức Sariputta hất hủi. Bụt hỏi sự tình như
thế nào. Vị khất sĩ ấy đáp:
-
Con hỏi thầy ấy đi đâu, thầy ấy đã không thèm trả lời mà lại còn xô
con ngã rồi bỏ đi không thèm xin lỗi.
Bụt
bảo Ananda:
-
Chắc Sariputta chưa đi xa đâu. Ananda, hãy nhờ một vị sa di đi
tìm đại đức Sariputta về. Tối hôm nay chúng ta sẽ tập
họp đại chúng ở giảng đường Jeta.
Đại
đức Ananda vâng mệnh. Chiều hôm ấy đại
đức Sariputta trở về tu viện với vị sa di. Thầy
lên trình diện Bụt. Bụt bảo:
Sariputta,
tối hôm nay chúng ta sẽ họp tại giảng đường, vì có vị khất
sĩ buộc tội thầy đã xô ngã thầy ấy và bỏ đi không nói lời
nào.
Các đại
đức Moggallana và Ananda chiều hôm đó đi khắp các tăng xá của tu viện.
Tới đâu họ cũng thông báo về cuộc họp tối nay.
Tối
hôm ấy, tại giảng đường không thiếu mặt ai. Ai cũng muốn
biết đại đức Sariputta phản ứng thế nào trước những người
lâu nay đã có thái độ ganh ghét và hờn giận mình. Ai
cũng biết rằng đại đức là một đệ tử lớn của Bụt và được Bụt tin
cậy, và vì vậy ông đã là mục tiêu của rất nhiều
sự hiểu lầm và ganh ghét.
Trong giới
môn đệ của Bụt, có người nghĩ rằng Bụt đã tin cậy Sariputta một
cách thái quá, rằng Người đã quá nghe lời Sariputta, hoặc đã đi
tới những quyết định dưới ảnh hưởng nặng nề của vị đại
đức này. Có người lại nghĩ rằng họ bị Bụt quở trách và giáo điều
từ đó đã xuất hiện là vì Bụt đã nghe những lời nói ra nói vào
của đại đức Sariputta. Và họ đem lòng hận thù đại đức. Họ
nhắc mãi tới việc năm xưa có lần Bụt đã mời Sariputta ngồi chung một ghế.
Có
một thầy tên là Kokalika, trước đây cũng từng cư trú tại tu
viện Jetava, và đã từng thù ghét các sư huynh Sariputta và
Moggallana đến mức không ai có thể can ngăn được. Chuyện đã xảy ra
cách trên tám năm, nhưng vẫn còn đậm nét trong lòng thầy Ananda. Theo thầy
Kokalika thì cả hai vị đại đệ tử Bụt là Sariputta và Moggallana đều
là những người tu hành giả dối, đều là người hành động theo ái
dục. Niềm ganh tỵ và hận thù của thầy Kokalika quá lớn
khiến không ai có thể hòa giải được. Chính Bụt đã có lần gọi thầy tới
và bảo: “Này khất sĩ Kokalika, đừng có nói rằng Sariputta và
Moggallana là những người bị ái dục chi phối. Họ là những người
có đạo đức chân thật và tính tình rất hòa nhã”.
Tuy
nhiên, vì tâm thầy Kokalika đã bị hận thù che lấp nên thầy
không tiếp nhận được lời của Bụt. Cuối cùng thầy bỏ tu
viện ra đi. Sau đó thầy mắc một chứng bịnh rất kỳ lạ. Da thầy trở
nên sần sùi, rồi tự nhiên đầy mình mọc ra hàng vạn cái mụt nhỏ lớn
bằng hạt cải, những cái mụt này lớn dần lên bằng những hạt đậu. Rồi những chiếc
mụt ấy vỡ ra, chảy đầy máu và mủ. Thuốc men nào cũng không chữa được, Bụt cho gọi
thầy về tu viện để chăm sóc, nhưng thầy không về. Sau đó thầy mạng
chung. Bụt rất xót thương. Người bảo: “Hận thù và ganh ghét là
những chất độc làm ung thối tâm hồn, sau khi làm ung thối
tâm hồn, những chất độc ấy còn tàn hoại thân thể và gây
thành những chứng bệnh rất kỳ lạ. Này các vị khất sĩ, các vị đừng để cho
những chất độc ấy thấm vào thân tâm”.
Đại
đức Ananda biết hết những tình tiết đó cho nên đã ngần ngại rất
nhiều trước khi nhận trách nhiệm làm thị giả cho Bụt. Trong
những điều kiện thầy đưa ra có điều kiện là nếu làm
thị giả cho Bụt, thầy xin Bụt đừng bao giờ cho thầy áo, đừng cho thầy ngủ
chung một phòng và đừng bao giờ chia cho thầy những thức ăn mà người
ta cúng dường riêng cho Bụt. Thầy biết rất rõ là trong số những người
đến quy y với Bụt, có nhiều người muốn được Bụt tiếp xử bằng một thái
độ đặc biệt, và nếu không được tiếp xử như thế họ cảm
thấy bị tổn thương và từ sự buồn tủi đó họ có thể sinh ra hờn oán và ghét
bỏ luôn cả Bụt và những người đệ tử lớn bên cạnh Bụt.
Đại
đức Ananda nhớ lại rằng, hồi Bụt an cư tại làng Kaimasadamya ở
Kosambi, có một người đàn bà tên là Magandika đã vì không được Bụt đối xử một
cách đặc biệt mà sinh lòng thù hận Bụt. Magandika là một phụ
nữ xinh đẹp, con gái của một gia đình Bà la môn. Thuở đó, Bụt đã
bốn mươì bốn tuổi. Lần đầu, thấy Bụt, cô đem lòng yêu mến Người, rồi khi tình
cảm đó lớn mạnh, cô đòi hỏi Bụt phải dành sự quan tâm đặc biệt đối với cô. Cô đã
làm mọi cách để Bụt đối xử với cô như một người đặc biệt, nhưng cô
không thành công. Rốt cuộc, tình cảm biến thành thù hận.
Sau này, khi cô trở thành thứ hậu của vua Udena xứ Vamsa, cô đã dùng quyền
thế và phương tiện của mình để sai khiến người khác đi nói
xấu và nhục mạ Bụt, gây áp lực cho quan quyền để ngăn cản Bụt
và giáo đoàn tới thuyết pháp. Cô lại tìm cách trả
thù và hành hạ vương phi Samavati, một người rất được vua
Udayana ân sủng, chỉ vì người này là đệ tử rất thuần kính của Bụt.
Thấy Bụt bị nhục mạ và làm khó đủ điều, đại đức Ananda đề nghị người
nên đi hành đạo tại một xứ khác. Bụt hỏi:
-
Nếu tới xứ khác mà cũng bị nhục mạ và gây khó khăn nữa, thì phải chăng ta sẽ đi
tiếp nữa hay sao?
Ananda
nói:
-
Dạ, nếu vậy thì ta lại tới một xứ khác nữa.
Bụt
dạy:
-
Nói như thế không được. Này Ananda, khi gặp khó khăn, ta không nên nản lòng. Ta
phải từ trong môi trường khó khăn ấy để tìm ra giải pháp ổn
thỏa. Ananda, nếu ta thực tập phép hành xã, ta sẽ không thấy khó chịu
khi bị nhục mạ, và những lời nhục mạ ấy không động được đến ta. Những
người chửi rủa ta sẽ không làm tổn thương được ta
và chí hướng ta nếu ta thực tập được phép xả; còn họ, họ sẽ
phải chịu đựng những kết quả từ sự chửi rủa ấy của họ. Khi một người ngửng
mặt phun nhổ nước bọt lên trời với ý định làm bẩn người khác, thì chính
nước bọt ấy sẽ rơi xuống mặt của người đã nhổ nước bọt.
Bụt
đã thành công năm xưa ấy, Ananda thấy lòng bình thản và không lo ngại
gì cho đại đức Sariputta tối nay. Đạo hạnh của Sariputta đã
được số đông các huynh đệ công nhận. Nếu đứng vào địa
vị của Bụt, chắc Ananda cũng phải làm như Bụt và cũng phải trân trọng đại
đức Sariputta. Sư huynh Sariputta thật xứng đáng ở địa
vị một huynh trưởng. Thông minh xuất chúng, kiến
giải và đạo hạnh cao siêu, sư huynh đã từng thay thế
Bụt nhiều lần trong việc lãnh đạo giáo đoàn. Sư
huynh đã thuyết pháp nhiều lần và nhiều bài pháp
thoại của sư huynh đã được Bụt khen ngợi và cũng đã được trùng
tuyên lại cho đại chúng. Chính bài pháp Dấu Chân Voi -
Hatthipadopanna sutta - là do sư huynh nói. Trong bài pháp này sư huynh đã dạy về Tứ diệu
đế. Sư huynh không lặp lại những lời của Bụt, mà đã diễn
giải theo một cách rất kỳ thú, căn cứ vào sự tu
chứng của bản thân sư huynh. Những lời sư huynh nói về
bốn yếu tố đất, nước, lửa và không khí liên hệ tới năm
uẩn thật là những giáo lý cực kỳ mới mẻ.
Khi
Bụt bước vào giảng đường, tất cả các vị khất sĩ đều đứng
dậy. Người đưa tay mời đại chúng an tọa. Người cũng ngồi xuống pháp
tọa đã đặt sẳn ở giảng đường và ra hiệu cho đại đức Sariputta
tới ngồi trên một chiếc ghế thấp bên tay phải của Người.
Đợi
cho mọi người an tọa hết. Bụt mới xoay lại nói với đại
đức Sariputta:
-
Sariputta, có vị khất sĩ buộc tội thầy xô vị ấy ngã và bỏ đi mà
không xin lỗi. Thầy có điều gì nói về việc này không?
Đại
đức Sariputta đứng dậy chắp tay xá Bụt rồi chắp
tay xá đại chúng. Thầy lên tiếng:
- Bạch
Thế Tôn, một người thầy tu không tu, không quán niệm nơi thân
thể, không có ý thức về những động tác của thân thể, một người
thầy tu như thế có thể xô ngã một người bạn đồng tu của mình và bỏ đi
mà không thèm xin lỗi.
Nhưng,
thưa Thế Tôn, con nhớ bài học mà ngày xưa Người đã dạy
cho khất sĩ Rahula, hồi ấy mới mười tám tuổi, cách đây đã trên mười
bốn năm. Thế Tôn dạy Rahula học theo hạnh của đất, của nước, của lửa
và của không khí, để nuôi dưỡng và phát triển bốn đức Từ, Bi, Hỷ và
Xả. Hôm ấy con cũng có mặt. Thế Tôn dạy Rahula, nhưng con đã có duyên
học và thực tập bài học ấy trong suốt mười bốn năm qua và
con đã nhiều lần thầm biết ơn Thế Tôn về bài học ấy.
Thưa Thế
Tôn, con đã tập hành sự như đất, và con đã thành công. Đất bao
giờ cũng dày dặn, rộng lớn, bao la, có khả năng thu
nhận và chuyển hóa. Dù người ta đổ và rải lên những thứ tinh sạch như
hoa, nước thơm, sữa thơm hoặc đổ và rải xuống đất những thứ dơ
bẩn và hôi hám như phân, nước tiểu, máu, mủ, đàm, nhớt nhúa ... thì đất
cũng tiếp nhận những thứ đó một cách thản nhiên, không tham đắm,
không giận hờn, cũng không ghê tởm ...
Con
cũng đã tập hành sự như nước. Khi người ta giặt những thứ thơm tho
hoặc dơ bẩn trong nước, nước cũng không vì thế mà cảm
thấy tham đắm hoặc tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Nước bao
la, lưu chuyển, có năng lực hóa giải và gạn lọc. Lạy Bụt,
con đã quán niệm để thân và tâm con được như nước.
Con
cũng đã tập hành sự như lửa. Lửa đốt cháy mọi thứ kể cả những
cái đẹp đẽ hoặc hôi hám và dơ bẩn, nhưng lửa không vì
vậy mà cảm thấy hoặc tham đắm hoặc tủi nhục, buồn giận và chán
chường. Lửa có năng lực thiêu đốt, gạn lọc và hóa giải. Lạy
Bụt, con đã quán niệm để thân và tâm con được như lửa.
Con
cũng đã tập hành sự như không khí. Không khí thổi đi những thứ
mùi hoặc thơm hoặc thối, dù mùi đó là mùi máu mủ, phân và nước tiểu, mà
không cảm thấy tham đắm hoặc tủi nhục, buồn giận hay chán chường.
Không khí có khả năng giải tỏa, gạn lọc và hóa giải. Lạy Bụt, con
đã quán niệm để thân và tâm con được như không khí.
Bạch
Thế Tôn, một người thầy tu đã biết quán niệm nơi thân thể, đã
có ý thức về những động tác của thân thể, một người thầy tu như
thế không có thể xô ngã một người bạn đồng tu và bỏ đi mà không
thèm xin lỗi.
Thế
Tôn, như một em bé dòng dõi hạ tiện, áo quần rách rưới ôm bát vào
làng xóm mà xin ăn; trong lòng không có tự phụ, con cũng thế, trái
tim con cũng như trái tim của một em bé dòng dõi hạ tiện, luôn luôn
tràn đầy khiêm cung, không dám lên mặt với ai ...
Đại
đức Sariputta còn vẫn còn muốn nói nữa, nhưng vị khất sĩ buộc
tội ngài đã đứng dậy. Vị này vắt chéo áo sanghati lên vai, và
lạy xuống trước Bụt, rồi quỳ xuống với hai bàn tay chắp lại, vị ấy nói:
-
Bạch Thế Tôn, con đã phạm giới, con đã buộc tội sư
huynh Sariputta một cách oan uổng, con xin sám hối trước
Bụt và đại chúng để được thanh tịnh, và tự nguyện từ nay về sau
sẽ không tái phạm.
Bụt
nói:
-
Thầy đã nhận là mình có lỗi trước đại chúng và sám hối. Điều này
rất tốt, đại chúng đã chấp nhận sự sám hối của thầy.
Quay
lại đại đức Sariputta, Bụt nói:
-
Mong đại đức Sariputta bỏ qua lỗi lầm của vị khất
sĩ này.
-
Con xin sẵn lòng bỏ qua nếu thầy ấy hối cải, và con cũng xin thầy ấy bỏ qua
và tha thứ những lỗi lầm có thể có của con.
Vị khất
sĩ đến trước Sariputta chắp tay lại làm lễ, đại
đức Sariputta đứng dậy đáp lễ. Hai vị cung kính lạy
nhau. Đại chúng rất hoan hỷ. Không khí rất cởi mở và hòa
dịu. Đại đức Ananda đứng dậy nói:
- Sư
huynh Sariputta, mời sư huynh ở lại với các huynh
đệ dăm ba hôm rồi sau đó hãy lên đường đi hành hóa. Mọi
người rất muốn được gặp gỡ thân mật với sư huynh.
Đại
đức Sariputta mỉm cười, im lặng gật đầu chấp thuận.
Sau mùa
an cư, Bụt đi du hành ở nhiều thị trấn trong xứ. Một hôm, Người đến
Kesaputta, thị trấn của bộ tộc Kalama. Giới trẻ tìm đến gặp Người rất đông, họ
đã từng nghe tiếng sa môn Gotama nhưng chưa lần nào được gặp.
Một
thanh niên chắp tay hỏi Bụt:
- Thưa
sa môn Gotama, lâu nay có rất nhiều vị đạo sĩ Bà la
môn đến viếng xứ Kesaputta này, để giảng dạy đạo lý. Vị nào cũng nói
chỉ có đạo lý của mình là đúng chánh pháp và thường hay chê
bai những đạo lý khác. Chúng con thật là bối rối, không biết
đường nào mà đi, và rốt cuộc chúng con sinh ra nghi ngờ tất
cả. Sa môn, chúng con nghe nói Người là bậc giác ngộ tôn kính
nhất, xin Người cho chúng con biết là nên tin theo ai và không
nên tin theo ai? Ai là nói đúng và ai là người
đang truyền bá tà thuyết?
Bụt
nói:
-
Trong trường hợp này, nếu các bạn có sinh tâm nghi ngờ, đó cũng
là việc tự nhiên, dễ hiểu.
Này
các bạn, các bạn nên suy xét, đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó là điều
mà người ta thường luôn nói đến, dù điều đó có trong kinh điển, dù điều đó
là do một bậc thầy mà thiên hạ tôn sùng nói ra. Các bạn chỉ
nên chấp nhận và tin vào những điều mà các bạn thực hành và chứng
nghiệm thấy đúng với chân lý tự nhiên của cuộc sống, phù hợp với lý
trí của các bạn, những điều mà nếu các bạn đem ra thực
hành thì chắc chắn đưa tới những kết quả tốt
đẹp cho đời sống của các bạn và cho chúng sinh. Còn những điều không phù
hợp với lý trí, những điều không do các bạn tự chứng nghiệm mà nhận thấy, những
điều chỉ là hý luận nói suông, những điều mà nếu đem ra thực
hành thì chỉ đưa tới khổ đau và đổ vỡ hoặc không mang đến một
kết quả tốt đẹp nào cho bản thân và chúng sinh, những điều đó các bạn
nên bác bỏ, đừng chấp nhận nữa.
Người
thanh niên Kalama nói:
-
Xin sa môn Gotama chỉ bày thêm cho chúng con.
Bụt
hỏi:
-
Này các bạn, ví như có một người để cho tham vọng, giận hờn và si
mê chế ngự tâm mình, thì những tham dục giận hờn và si
mê ấy sẽ làm cho người kia vui hay là khổ?
-
Thưa sa môn, những tham vọng, giận hờn và si mê ấy sẽ làm
cho người kia phạm vào tội ác và sẽ đem lại khổ đau lâu
dài cho người ấy.
- Vậy
thì sống theo tham vọng, giận hờn và si mê có phải
là lối sống mà các bạn nên chấp nhận và khuyến khích không?
-
Thưa không.
- Giả
dụ có một người kia sống theo hạnh Từ, Bi, Hỷ, và Xả, biết đem
lại hạnh phúc cho kẻ khác, biết làm giảm bớt nổi khổ của
người đời, biết vui theo niềm vui của kẻ khác, biết đối xử với kẻ khác một cách
không kỳ thị, không oán trách, thì những hạnh Từ, Bi, Hỷ, và Xả ấy sẽ làm cho
người ấy vui hay là khổ?
-
Những hạnh ấy không những sẽ làm cho người ấy có hạnh phúc mà còn làm
cho mọi người sống chung quanh có hạnh phúc nữa.
- Vậy
thì sống theo Từ, Bi, Hỷ, và Xả có phải là lối sống mà các bạn
nên chấp nhận và khuyến khích không?
-
Thưa sa môn, có.
-
Hay lắm, các bạn. Các bạn hiện có đầy đủ tư cách để phán
xét những gì nên tin và nên chấp nhận, và những gì không nên tin và không
nên chấp nhận. Tôi xin nhắc lại: “Chỉ nên tin và chấp nhận những
gì mà các bạn đã kinh nghiệm bằng thực chứng và thuận theo quy luật tự nhiên,
những gì được các bậc hiền nhân chấp nhận và khuyến khích, những
gì mà nếu các bạn thực hành sẽ đem lại niềm vui và hạnh
phúc cho mình và cho kẻ khác. Những gì trái với những điều nêu trên thì
nên từ chối, đừng chấp nhận”.
Những
người trẻ trong bộ tộc Klama rất lấy làm hoan hỷ sau khi nghe Bụt
nói. Họ nhận thấy giáo lý của Bụt rất phù
hợp với lý trí họ, không đòi hỏi một đức
tin không điều kiện. Họ thấy nơi giáo lý giải thoát ấy có một
niềm tôn trọng tự do tư tưởng rất lớn. Nhiều người xin
được quy y làm học trò của Bụt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét