Thích Nhất Hạnh
Chương 75
Những giọt nước mắt sung sướng của Sudatta.
Mười
hôm sau, Bụt khoác y, ôm bát và rời thành Vương Xá. Người hướng
lên miền Bắc, vượt sông Hằng, tới thăm các đệ tử khất
sĩ ở tu viện Trùng Các. Rồi Người lại lên đường, hướng về
thủ đô Savatthi. Mùa mưa sắp tới, Người về tu viện Cấp Cô Độc để
kịp thời chuẩn bị cho khóa an cư. Cùng theo Người có đại
đức Ananda, các đại đức Sariputta, Moggallana và khoảng ba trăm
vị khất sĩ khác.
Tới
Savatthi, Bụt về thẳng tu viện Jetavana. Các thầy chờ Bụt ở đây rất
đông. Năm nay các vị khất sĩ và nữ khất sĩ đã tụ về an
cư. Tin tức về những cuộc biến động ở kinh đô Magadha ai
cũng được biết. Thấy Bụt về bình an và khỏe mạnh, mọi người đều vui
mừng. Ni sư Khema lãnh đạo một đoàn nữ khất sĩ đến thăm
viếng Bụt. Năm nay bà được đưa lên làm vị lãnh đạo tối
cao bên ni giới. Ni sư Pajapati đã viên tịch mười
năm về trước.
Quốc
vương Pesanadi nghe Bụt về cũng lập tức đến tu
viện thăm Người. Vua hỏi thăm Bụt về tình hình ở
Rajagaha. Bụt thuật cho vua nghe mọi chuyện, trong đó có buổi gặp gỡ giữa Người
và thái hậu Videhi em ruột của vua. Bụt cho biết là thái
hậu vẫn được bình yên nhưng chắc là trong lòng còn nhiều buồn khổ,
vua cũng cho Bụt biết là vua đã gửi một sứ đoàn qua Rajagaha cách đây hơn một
tháng, và yêu cầu Ajatasattu Videhiputta giải thích tại sao
có chuyện giam giữ quốc vương Bimbisara và hai vị đại thần. Quốc
vương Ajatasattu là cháu của vua. Ông bảo nếu cần thiết sẽ triệu
hồi Ajatasattu phải về Savatthi để giải bày mọi sự. Hiện vẫn chưa thấy sứ
đoàn trở về. Vua cũng cho biết là để tỏ ý phản kháng
hành động của quốc vương xứ Magadha, ông đã thu hồi
lại thục ấp mà thượng hoàng đã tặng nước Magadha hơn sáu muơi mấy năm về
trước, khi em gái vua về làm chánh hậu của quốc vương Bimbisara. Thục ấp này
thuộc địa phận Baranasi xứ Kasi.
Ngày an
cư đã đến. Các trung tâm tu học ở vùng thủ đô và các
vùng lân cận đều có đầy đủ các vị khất sĩ và nữ khất
sĩ cư trú. Cứ mười lăm hôm Bụt lại thuyết pháp một lần tại
Jetavana, và các giới khất sĩ cũng như nữ khất sĩ từ
các trung tâm khác đều tới tham dự. Pháp thoại của Bụt
thường được nói vào buổi chiều, ngay sau giờ thọ thực, vì vậy các
vị khất sĩ từ những trung tâm xa, đến ngày có pháp thoại,
phải nghỉ khất thực để có thời gian đi thẳng về tu
viện. Các vị đại đức ở thủ đô cố gắng sắp đặt để cúng
dường thực phẩm cho các vị ngay khi các vị tới tu viện, để các
vị có đủ thời gian thọ thực và kịp nghe pháp.
Pháp
thoại đầu mà Bụt nói trong mùa an cư năm nay có đề tài
là hạnh phúc. Bụt dạy hạnh phúc là có thật và ta có
thể thực hiện được hạnh phúc ngay trong đời sống
này nếu ta biết hành theo chánh pháp.
Trước
hết, Bụt cho biết hạnh phúc không phải là thỏa mãn sự đam
mê vào dục lạc. Dục lạc có thể cho người một ảo
tưởng về hạnh phúc, nhưng thật sự chỉ là tiềm ẩn của khổ đau. Người
lấy ví dụ như có một người bị bệnh cùi hủi, sống biệt lập ở trong rừng.
Người này luôn luôn cảm thấy ngứa ngáy xốn xang rất khó chịu. Ông ta
đào một cái hố, chất cành khô và những gốc cây mục xuống hố và đốt
cháy cho đến khi hố có đầy than hồng, rồi ông ta đứng bên cạnh hố,
đưa tay chân mình mẩy lên trên hố than để hứng lấy cái nóng của than lửa đang
cháy. Trong khi làm như thế, ông ta thấy rất đã ngứa và cảm thấy sung
sướng. Ngày nào không được hơ mình trên hố than, ông ta rất làm khó chịu
và đau khổ. May mắn cho ông ta, mấy năm sau bệnh cùi hủi của ông được
chữa lành. Ông trở về sống đời sống bình thường trong
thôn xóm. Một hôm, ông ta vào rừng và thấy mấy người bệnh hủi cũng đang đưa tay
chân mình mẩy của họ hơ trên hố than rừng giống ông ngày xưa. Ông
thấy thương xót họ vô cùng. Hố than rất nóng, tới
gần ông chịu còn không nổi. Thế mà ngày xưa ông đã từng hơ tay
chân mình mẩy vào đấy và cho là sung sướng thoải mái vô cùng, bây giờ thì cái
hố than đã trở thành một sự khó chịu và khổ đau khi ông bước lại gần
nó. Bụt nói: “Dục lạc cũng chỉ là một hố than hồng, chỉ có người bị
bệnh mới thấy dục lạc là vui, là sung sướng, những người lành
mạnh đều phải lánh xa hố than của dục lạc”.
Nếu đam
mê dục lạc không phải là hạnh phúc thì cái gì là hạnh phúc?
Bụt dạy: “Sống thư thái, tự do, tiếp xúc được với
những mầu nhiệm của cuộc sống tức là có hạnh phúc, ý
thức được những gì xảy ra trong giờ phút hiện tại; không tham đắm vào
bất cứ pháp nào mà cũng không ghét bỏ bất cứ một pháp nào”.
Người
có hạnh phúc biết quý trọng những gì mầu nhiệm đang xảy ra
trong hiện tại; một làn gió mát, một buổi sáng đẹp trời, một đóa hoa vàng,
một nhành trúc tím, một nụ cười của trẻ thơ, một bữa cơm ngon miệng. Người
có hạnh phúc biết thưởng thức những thứ ấy nhưng không
bị ràng buộc vào những thứ ấy. Thấy được vạn
pháp là vô thường và vô ngã. Người ấy không nhận
thức sai lầm là các pháp như những gì có thường và có ngã, do đó
người ấy không bị ràng buộc bởi các pháp kia, không bị tham đắm vào
các pháp kia. Không bị ràng buộc, không tham đắm, người ấy sống an
nhiên tự tại, không lo âu, không sợ hãi, không đau buồn, không tiếc
nuối. Biết rằng một bông hoa có thể sớm nở rồi tàn, người ấy thấy được tự
tính sinh diệt vô thường của các pháp cho nên không vì sự sinh
diệt của vạn pháp mà sầu khổ và lo âu. Cũng vì
thế nên hạnh phúc của người ấy là hạnh phúc chân thật.
Người ấy không lo âu và sợ hãi ngay cả về sự sinh
diệt của chính mình.
Có
người cho rằng, muốn có hạnh phúc trong tương lai thì phải chịu khổ
trong hiện tại, vì vậy họ hy sinh hiện tại bằng
cách chịu khổ chịu cực, đày đọa trí não cũng như thể xác, để mua lấy hạnh
phúc trong tương lai. Bụt dạy rằng: “Cuộc sống thực sự chỉ có mặt trong
giây phút hiện tại, hy sinh hiện tại là phế bỏ sự
sống”. Có người nghĩ muốn có an lạc và giải thoát trong
tương lai thì phải hành hạ xác thân trong hiện tại. Nghĩ như
thế, họ áp dụng những phép tu khổ hạnh, chịu đói
khát và đau đớn trong thân xác và trong tâm trí, dùng khổ đau
trong hiện tại, để mua hạnh phúc trong tương lai. Bụt
dạy lối tu hành đó không những làm cho người tu chịu đau
khổ trong hiện tại mà còn gây đau khổ trong tương lai
nữa.
Có
người cho rằng, đời sống quá ngắn ngủi, không nên nghĩ tới tương lai,
phải tận lực hưởng thụ những thú vui dục lạc ngay trong giờ
phút hiện tại. Bụt dạy rằng: “Tham đắm vào dục lạc như thế cũng
giống như nướng mình trên hố than rừng, hành động này chỉ đem lại khổ đau ngay
trong hiện tại và cho cả tương lai”.
Phương
pháp tu học của Bụt vượt ra ngoài hai cách sống vừa kể. Bụt
dạy rằng phép sống khôn ngoan nhất là phép sống đem lại hạnh
phúc trong hiện tại mà cũng sẽ đem lại hạnh phúc trong
tương lai.
Tu
tập theo đạo giải thoát không phải là ép xác khổ
hạnh để cầu mong một hạnh phúc tương lai. Khi vị khất
sĩ ăn ngày một bữa, thực tập thiền tọa, thực tập thiền
hành, thực tập Tứ niệm xứ, thực tập Tứ vô lượng
tâm, thực tập phép Quán niệm hơi thở, vị khất sĩ ấy
tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung
quanh ngay trong giờ phút hiện tại. Ăn mỗi ngày một bữa có thể giúp
cho cơ thể nhẹ nhàng, có thể cho ta nhiều thời giờ hơn để tu
tập, để sống thoải mái và tự do, và để giúp ích cho người khác.
Không lập gia đình, không có vợ con không phải là một sự ép
xác khổ hạnh mà cũng là để sống tự do và thoải
mái để có thời gian tu tập và giúp ích cho kẻ khác.
Sống đời sống phạm hạnh, người khất sĩ phải thấy được niềm
vui và hạnh phúc trong giây phút của cuộc sống hàng ngày. Nếu người
nào sống đời sống phạm hạnh mà vẫn cảm thấy bị khổ đau, ép
buộc, thiếu tự do, đó là đã sống không đúng theo tinh thần chánh
pháp, đó là sống mà vẫn còn ham muốn, dính mắc và chưa biết hài lòng với hiện
tại. Nhìn vào một vị khất sĩ sống phạm hạnh, người ta phải thấy
có mặt của sự thoải mái, sự định tĩnh và niềm an lạc, đó
mới thực sự là phép sống đúng với chánh pháp. Nếp sống này đem
lại hạnh phúc trong hiện tại mà chắc chắn cũng
đem lại hạnh phúc trong tương lai.
Sau
buổi pháp thoại, nữ cư sĩ Punnalakkhana xin đến viếng Bụt. Bà là
nội trợ của cư sĩ Sudatta Anathapindika, người đã xây
dựng tu viện Jetavana để cúng dường giáo đoàn khất
sĩ. Nữ cư sĩ báo tin cho Bụt biết là cư sĩ Sudatta bị ốm đã
hơn mười hôm nay, và rất khổ đau vì không đến dự được buổi pháp
thoại này. Bệnh của cư sĩ ngày càng nặng. Cư sĩ rất lo
sẽ không được nhìn thấy Bụt trước khi qua đời.
Ngày
hôm sau, Bụt đi thăm cư sĩ Sudatta, cùng đi với Người có hai đại
đức Sariputta và Ananda, được thấy Bụt và hai đại đức, cư sĩ rất mừng
rỡ. Ông ngồi trên một chiếc ghế dựa, nét mặt xanh xao, Bụt bảo:
-
Này Sudatta, suốt đời ông đã sống một cuộc sống có ý
nghĩa và có hạnh phúc. Ông đã làm vơi nổi khổ của biết bao nhiêu
người. Danh từ Anathapindika mà thiên hạ tặng cho ông là một trong
những bằng chứng lớn của sự thành công của ông. Tu
viện Jetavana là một bằng chứng lớn khác. Ông đã đóng góp thật nhiều để giáo
pháp của đạo giác ngộ được truyền đi khắp chốn. Ông đã sống
theo chánh pháp, đã tạo được hạnh phúc cho bản thân,
cho gia đình và cho rất nhiều người trong xã hội. Bây giờ ông
nên tĩnh dưỡng, tôi sẽ nhờ đại đức Sariputta thỉnh thoảng tới
thăm ông và hướng dẫn sự tu học cho ông. Ông không nên cố
gắng để tìm đến tu viện, bởi vì di chuyển như thế sẽ làm
cho ông mất sức nhiều hơn.
Cư
sĩ Sudatta chắp tay tạ ơn Bụt.
Mười
lăm hôm sau, vào giờ pháp thoại, Bụt nói về đời
sống người tại gia, về hạnh phúc chân thực mà
người cư sĩ có thể thực hiện ngay trong
đời sống hiện tại.
Bụt
ôn lại những nguyên tắc sống “hạnh phúc trong hiện tại, hạnh
phúc trong tương lai” mà Người đã diễn bày trong kỳ pháp
thoại trước, rồi Bụt nói:
-
Này các vị khất sĩ, sống đời sống phạm hạnh là để
có an lạc hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, và nếp
sống phạm hạnh ấy chắc chắn sẽ đem lại hạnh
phúc hạnh trong tương lai, nhưng không phải chỉ người xuất
gia mới sống được theo nguyên tắc ấy.
Những
người cư sĩ sống ở thành thị và trong xóm làng cũng có thể theo nguyên tắc ấy của chánh
pháp mà làm cho đời sống càng ngày càng có thêm hạnh phúc. Trước
hết là đừng vì ước muốn giàu sang mà chúi đầu vào công việc, bỏ mất cơ hội
tạo hạnh phúc cho mình và cho gia đình mình trong giờ
phút hiện tại. Hạnh phúc trước hết là sự tỉnh thức. Một cái
nhìn đầy hiểu biết, một nụ cười bao dung, một câu
nói thương yêu, một bữa cơm đầm ấm và tỉnh thức ... đó
là hạnh phúc trong hiện tại. Nuôi dưỡng sự tỉnh
thức trong hiện tại, ta sẽ tránh không gây khổ đau cho ta và cho
những người khác. Bằng cái nhìn, bằng lời nói, bằng nụ cười, bằng
những cử chỉ thân thiện, ta tạo ra hạnh phúc cho ta và cho
mọi người ngay trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc này không cần
đến giàu sang và danh vọng.
Bụt
kể cho đại chúng nghe câu chuyện của Sigala, một
người gia chủ trẻ tuổi mà Bụt gặp ở thành phố Rajagaha nhiều năm về
trước.
Buổi
sáng nọ, khoác y, mang bát và rời tu viện Trúc Lâm lúc trời mới
rạng sáng. Người gặp một chàng trai tên Sigala, con của một thương
gia sống ở ngoại ô thành phố. Sigala đang đứng ở ngoài trời và
đang cúi lạy sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng và Hạ một cách cung
kính.
Bụt tới
gần và hỏi chàng lạy như thế để làm gì? Sigala thưa là từ hồi còn bé,
chàng đã được phụ thân chỉ dạy mỗi buổi sáng phải ra lạy sáu phương.
Chàng vâng lời cha, sáng nào cũng ra lạy như thế, nhưng không biết để làm
gì. Bụt nói: “Hãy thực tập cách quán
chiếu bằng việc lễ lạy như thế, điều này cũng là một lối sống có
thể đưa tới hạnh phúc trong hiện tại và trong tương
lai”. Người dạy rằng lạy phương Đông là để quán chiếu cách đối xử với
ơn cha mẹ, lạy phương Nam là để quán chiếu cách đối xử với
ơn sư trưởng, lạy phương Tây là để quán chiếu cách đối xử với
tình vợ con, lạy phương Bắc là để quán chiếu cách đối xử với
tình bè bạn, lạy phương Hạ là để quán chiếu cách đối xử với người cộng
sự, lạy phương Thượng là để quán chiếu cách đối xử với những
bậc hiền nhân.
Bụt
lại dạy Sigala về phép thọ trì năm giới, phép quán chiếu để
đừng vội vã hành động khi trong tâm có tham dục, sân hận, si
mê và sợ hãi. Bụt dạy Sigala tránh xa sáu loại hành động có thể đưa
đến khổ đau: không say sưa, không đi lang thang trong thành phố vào đêm khuya,
không lui tới những chốn cờ bạc, không lui tới những
nơi ăn chơi trụy lạc, không la cà với những bạn xấu và
không lười biếng ỷ lại.
Bụt
lại dạy cho Sigala biết phân biệt thế nào là một người bạn tốt. Người
nói:
-
Một người bạn tốt là một người đối xử với mình một cách chung thủy, khi
mình giàu sang hoặc sa sút, hạnh phúc hay khổ
đau, thành công hay thất bại, đắc thế hoặc thất thế thì
người bạn ấy vẫn không hề thay đổi. Người bạn ấy biết lắng nghe và chia
xẻ những buồn vui của mình, nói cho mình nghe những lo lắng và
buồn vui của người ấy. Một người bạn tốt là một người bạn hiểu biết.
Kể xong
chuyện Sigala, Bụt nói:
- Hạnh
phúc chân thật là một điều có thể thực hiện ngay trong
đời sống hiện tại này của người cư sĩ nếu quy tụ được càng nhiều
những điều kiện sau đây:
1.
Được thân cận với những người hiền đức, xa lánh những kẻ đang đi
trên con đường sa đọa.
2.
Được sống trong một môi trường thuận tiện cho sự tu học và tạo
những nhân lành.
3.
Được có cơ hội học hỏi thêm về giáo pháp, về giới luật, về công nghệ
và về ngôn ngữ văn chương.
4.
Được phụng dưỡng cha mẹ và có thời giờ để chăm sóc vợ
chồng con cái của mình.
5.
Được chia sẻ công sức, tài vật và niềm vui với kẻ khác.
6.
Được có cơ hội vun trồng đạo đức.
7.
Được thực tập các đức khiêm nhường, biết ơn và tri
túc của đạo giác ngộ.
8.
Được học hỏi đạo lý giải thoát với các vị khất sĩ.
9.
Được sống một cuộc sống trong sạch theo nguyên tắc Bốn sự thật.
10.
Được học cách thiền quán để tháo bỏ những phiền
não và ưu sầu trong cuộc sống.
Tới
đây, Bụt mở lời khen những cư sĩ đã và đang sống
theo chánh pháp trong cuộc sống hàng ngày, trong gia
đình và xã hội. Bụt đặc biệt nhắc tới cư
sĩ Sudatta Anathapindika. Bụt nói Sudatta là người đã quy tụ được
nhiều điều kiện để làm cho đời sống có ý nghĩa,
có hạnh phúc và có lợi ích cho nhiều người. Đạo
tâm của Sudatta rất lớn và cuộc đời của Sudatta đã được hướng theo
bởi những nguyên tắc của chánh pháp, Bụt nhấn mạnh rằng có những
người giàu có hơn Sudatta nhiều gấp bội, nhưng đứng về phương
diện hạnh phúc thì không thể nào so sánh được với Sudatta.
Hôm
ấy, nội trợ của cư sĩ Sudatta là Punnalakkhana cũng có mặt trong
buổi pháp thoại. Nghe Bụt nói, bà cảm động đến rơi nước mắt,
bà đứng dậy và bạch:
- Bạch
đức Thế Tôn, cuộc sống của người cư sĩ có nhiều khi thật bận rộn,
nhất là khi mình được thừa hưởng một gia sản lớn. Con thấy khi mình
có một cơ nghiệp bình thường, sự tu đạo sẽ dễ dàng hơn. Nhìều
khi nhìn những vị khất sĩ không nhà, không cửa, không vợ, không con,
cầm một chiếc bình bát, đi thong dong trên mọi nẻo
đường khất thực, chúng con thấy thèm muốn sự thảnh
thơi ấy một cách lạ kỳ. Chúng con ước muốn được sống như thế, nhưng
mà chúng con có nhiều sợi dây ràng buộc quá, biết phải làm sao?
Bụt
dạy:
- Nữ
cư sĩ Punnalakkana! Vị khất sĩ cũng có nhiều trách
nhiệm đấy chứ. Nếp sống phạm hạnh là nếp
sống buộc vị khất sĩ phải an trú ngày đêm
trong chánh niệm, trong giới luật. Người khất sĩ lại còn
phải nghĩ đến trách nhiệm độ sinh.
Này
các vị cư sĩ! Như Lai đã tìm ra một phương
cách để quý vị có thể được sống giống như các vị khất sĩ. Phương
cách đó là Bát quan trai giới. Các vị có thể đến tu viện, xin thọ tám
giới, sống trong thời gian trọn vẹn một ngày một đêm, ngày ăn
một bữa, thực tập thiền tọa, thiền hành, sống trong phạm
hạnh, tỉnh thức, tinh cần, thong dong và an lạc, giống
hệt như các vị khất sĩ, và các vị khất sĩ có thể được mời
để tuyên giới, hướng dẫn và chỉ dạy trong các ngày tu Bát quan trai. Sau thời
gian một ngày, một đêm sống như thế, các vị lại xả giới và trở
về đời sống thế gian, chỉ giữ lại năm giới và quy y Tam
Bảo.
Punnalakkhana sung
sướng hỏi Bụt:
-
Bạch Thế Tôn, tám giới của pháp chế Bát quan trai là tám
giới nào, tại sao gọi là quan, tại sao gọi là trai, xin Thế Tôn khai
thị cho chúng đệ tử được biết.
-
Tám giới là: không sát hại sinh mạng, không trộm cướp, không dâm
dục, không vọng ngữ, không uống rượu, không trang sức, không nằm và ngồi
trên giường chiếu sang trọng và không sử dụng tiền bạc. Tám
giới ấy là để phòng ngừa sự phát sinh của vọng niệm và tạp
niệm trong thời gian tu tập nên gọi là quan. Quan có nghĩa
là phòng ngừa, còn trai có nghĩa là chỉ ăn một bữa trước giờ ngọ, để
có thời giờ tu tập.
Mười
hôm sau, người nhà của cư sĩ Sudatta tới tìm đại
đức Sariputta, báo tin là bệnh tình của cư sĩ trở nặng.
Đại
đức cùng đại đức Ananda đến thăm. Cư sĩ Sudatta nằm
trên giường bệnh để tiếp hai vị đại đức. Người nhà nhắc ghế để
hai đại đức ngồi gần bên giường.
Biết cư
sĩ không sống được bao nhiêu ngày nữa, đại đức Sariputta khai
thị:
- Cư
sĩ Sudatta, ông nên quán tưởng như sau: mắt, không phải là tôi,
tai không phải là tôi, mũi, lưỡi thân cũng không phải là tôi.
Đợi cư
sĩ quán tưởng xong, đại đức nói:
- Cư
sĩ tiếp tục quán tưởng; những gì tôi thấy không phải là tôi, những gì
tôi nghe không phải là tôi, những gì tôi ngửi, nếm, xúc chạm cũng không phải là
tôi.
Rồi đại
đức dạy cho cư sĩ quán chiếu vô ngã trong sáu thức:
cái thấy không phải là tôi, cái nghe không phải là tôi, tri giác, vị
giác, xúc giác và ý thức cũng không phải là tôi. Đại
đức nói:
-
Sáu căn, sáu trần và sáu thức không phải là tôi. Sáu đại là
đất, nước, lửa, gió, không gian và tâm thức cũng không phải
là tôi. Tôi không bị ràng buộc và giới hạn trong những yếu
tố ấy. Tôi không bị sinh tử ràng buộc và hạn
chế. Sinh tử không chạm được tới tôi. Tôi mỉm cười, bởi vì
tôi không sinh cũng không diệt. Sinh không làm cho tôi có,
tử không làm cho tôi mất đi.
Thực
tập tới đó, cư sĩ Sudatta khóc. Nước mắt chảy ràn
rụa trên hai má ông.
Đại
đức Ananda hỏi:
-
Cư sĩ có tiếc nuối gì không?
-
Thưa đại đức Ananda, con không tiếc nuối, con quán
chiếu rất thành công. Con khóc vì con cảm động quá. Con
được phụng sự Bụt và gần gũi các vị khất sĩ đã hơn ba mươi
năm nay, vậy mà chưa bao giờ con được nếm mùi vị giáo
lý thậm thâm vi diệu như hôm nay.
- Cư
sĩ Sudatta, giáo lý này đức Thế Tôn đã giảng dạy cho các
vị khất sĩ và nữ khất sĩ được nghe.
-
Thưa đại đức Ananda, đệ tử của cư sĩ chúng con có
người cũng có thể nghe, hiểu và hành được giáo lý thậm thâm này.
Xin đại đức Ananda bạch với Bụt để Người cho
phép giới cư sĩ chúng con được nghe, hiểu và thực
hành giáo lý thậm thâm đó.
Cư
sĩ Sudatta ra đi ngay buổi chiều hôm ấy. Các đại đức Sariputta
và Ananda đã ở lại hộ pháp rất lâu cho cư sĩ.
Gia
đình của cư sĩ Anathapindika là một gia đình cư sĩ kiểu
mẫu. Tất cả mọi người trong gia đình từ cha
mẹ đến con cái, người nào cũng có đức tin vững chải nơi Bụt,
người nào cũng siêng năng học hỏi giáo lý và đem áp
dụng vào cuộc sống. Cách đây mấy hôm, cư sĩ được biết tin
rằng con gái út của mình là Sumagadha, lấy chồng ở xứ Anga, đã hóa
độ được rất nhiều dân chúng trong vùng theo Bụt. Chồng của cô trước đó là
một vị quan tổng trấn ở xứ Anga, tín đồ của phái du sĩ lõa
thể. Lần đầu, khi được chồng nài ép đi thăm các vị du sĩ này, cô đã khéo léo từ
chối. Với sự hiểu biết vững vàng về đạo Bụt, cô đã từ
từ cảm hóa được quan tổng trấn và mang được giáo lý Bụt
vào đời sống của dân chúng trong vùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét