Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 3
TRÍ HUỆ
CHƯƠNG 24
PHÁP TÁNH.
Vô
số những thay đổi xảy ra trong sự chuyển tiếp từ sinh đến tử cho chúng ta thấy
Pháp, đó là, tất cả mọi thứ đều vô thường, đều hư hoại và tan rã đúng như bản
chất tự nhiên của chúng.
Đôi lúc, một cây ăn trái đang trổ
hoa, thì một ngọn gió nhẹ khuấy động và làm tản mác một số hoa. Những nụ hoa
còn lại chuyển thành những trái xanh nho nhỏ. Một ngọn gió lớn thổi đến, và một
số trái xanh này rụng xuống đất. Những trái còn lại chín đỏ và rồi cuối cùng
cũng rụng.
Con người cũng vậy. Giống như hoa và
trái trong gió, rơi rụng ở những giai đoạn khác nhau trong đời. Có người chết
lúc còn ở trong bào thai. Có người sanh ra vài ngày rồi chết. Có người chết vài
năm sau đó, hay chết sau khi trưởng thành. Những người khác sống đến già mới
chết.
Nhìn thấy đời sống con người, chúng
ta nghĩ đến tình trạng của những trái cây trong gió: cả hai đều không chắc
chắn. Ngay cả trong đời sống xuất gia, bạn cũng có thể nhìn thấy sự không chắc
chắn đó. Có người đến tu với ý định xuất gia, nhưng đổi ý và ra về, với cái đầu
vừa mới cạo. Có người đã là sa di, nhưng quyết định thôi tu. Có người xuất gia
chỉ được một kỳ kiết hạ là đã muốn hoàn tục. Giống như trái cây trong gió – tất
cả đều không chắc chắn.
Tâm chúng ta cũng vậy. Một cảm thọ
sinh khởi, lôi kéo tâm, và rồi tâm sa đọa.
Đức Phật hiểu rõ bản chất không chắc
chắn của sự việc. Ngài quan sát hiện tượng những trái cây trong gió và nghĩ đến
những đệ tử của mình. Ngài thấy họ cũng có cùng bản chất – không chắc chắn! Có
gì khác đâu? Đây là bản chất của các pháp hữu vi.
Cho
nên, nếu bạn tu hành với sự tỉnh giác, bạn không cần một người nào giảng cho
bạn nhiều đến thế để bạn có thể thấy và hiểu. Ví dụ, trong một tiền kiếp, Đức Phật là Quốc vương Janaka
Kumàra. Ngài không cần nghiên cứu quá nhiều. Tất cả những gì Ngài làm là quan
sát cây xoài.
Một hôm, Ngài cùng với đoàn tùy tùng
đến viến thăm một vườn cây. Từ trên lưng voi, nhà vua nhìn thấy một cây xoài
nặng trĩu với những trái xoài chín thơm ngon. Không thể ngừng lại vào lúc đó,
nhà vua quyết dịnh sẽ trở lại sau để hái một ít ăn. Nhưng ông không ngờ rằng
đoàn tùy tùng đi theo sau đã tham lam vơ vét tất cả những trái xoài chín, bằng
cách rung cây và bẻ gãy các nhánh cây làm rơi rụng rất nhiều lá.
Chiều hôm đó, khi nhà vua quay trở
lại vườn xoài, thì thấy cây xoài đó không còn một trái chín nào nữa. Không
những thế, cành cây và lá xoài rơi rụng khắp nơi.
Trong lúc thất vọng và tức giận, nhà
vua nhận thấy một cây xoài khác gần đó, cành lá vẫn còn nguyên vẹn. Ngài hiểu
ngay: cây xoài này không có trái. Nếu cây không có trái, không ai quấy nhiễu
nó, cho nên nó không bị hư hại. Trên đường về, nhà vua trầm tư liên tục về sự kiện
này: “Làm vua thật là phiền toái, bực bội, và khó khăn. Một vị vua phải luôn lo
lắng cho thần dân của mình. Nếu có kẻ muốn tấn công, cướp đoạt, và chiếm cứ một
phần vương quốc của mình thì phải làm sao?” Nhà vua không thể an ổn, ngay cả
khi ngủ, ông cũng thấy ác mộng. Ông thấy trong tâm mình, một cây xoài không có
trái, những cành lá còn nguyên vẹn. “Nếu chúng ta có thể giống như cây xoài
đó”, ông nghĩ, “cành lá của chúng ta cũng sẽ không bị hư hại”.
Nhà vua về cung điện và ngồi thiền.
Cuối cùng ông quyết định đi tu, sau khi nhận ra bài học từ cây xoài. Ông so
sánh mình với cây xoài đó và kết luận rằng nếu một người không dính dấp đến con
đường thế gian, kẻ đó sẽ thật sự độc lập, tự tại, và không còn lo âu. Tâm sẽ
không bị quấy nhiễu. Nghĩ như thế, nhà vua trở thành một vị du tăng khất sĩ.
Từ đó về sau, bất cứ ông đi đến đâu,
hễ có người hỏi thầy ông là ai, ông trả lời, “Cây xoài”. Ông không cần tiếp thu
nhiều giáo lý như chúng ta ở đây. Một cây xoài là đủ thức tỉnh ông đến sự giảng
dạy dẫn vào nội tâm. Và với sự thức tỉnh này, ông trở thành một nhà sư, một
người thiểu dục tri túc, một người vui hưởng sự tĩnh mịch. Ông đã buông bỏ thân
thế hoàng gia của mình, và tâm ông cuối cùng đã bình an.
Chúng ta cũng phải như vậy. Giống
như Đức Phật khi Ngài là Quốc vương Janaka Kumàra, chúng ta nên xem xét sự việc
quanh mình với sự tỉnh giác, bởi mọi thứ trong thế gian đều sẳn sàng dạy dỗ
chúng ta. Với một chút trực giác, chúng
ta có thể nhìn thấy rõ bản chất của thế gian. Chúng ta hiểu ra rằng mọi thứ đều
có thể là thầy của chúng ta. Cây cỏ, chẳng hạn, có thể tiết lộ bản chất của
thực tại. Với trí huệ, bạn không cần hỏi ai điều gì, không cần nghiên cứu. Chỉ học hỏi từ thiên nhiên thôi cũng đủ cho
chúng ta khai ngộ, bởi vì mọi thứ đều đi theo nguyên tắc bất di bất dịch. Tất
cả không rời khỏi chân lý.
Trí huệ đi kèm với sự kiềm thúc và
điềm tĩnh có thể dẫn tới sự giác ngộ xâu xa hơn về quy luật tự nhiên. Bằng cách
này, chúng ta sẽ nhận ra chân lý rốt ráo của vạn vật, đó là vô thường, bất toại
nguyện, và vô ngã. Thử xem xét cây cối. Cây cối trên mặt đất đều như nhau, đều
là một, đều vô thường, khổ, vô ngã. Trước tiên, chúng sinh ra, rồi chúng lớn
lên và trưởng thành, thay đổi không ngừng, cho đến khi chúng chết.
Cùng thế ấy, con người và thú vật
sinh ra, lớn lên và thay đổi không ngừng trong thời gian chúng sống, cho đến
khi chúng chết đi. Vô số những thay đổi
xảy ra trong sự chuyển tiếp từ sinh đến tử cho chúng ta thấy Pháp, có nghĩ là,
tất cả mọi thứ đều vô thường, đều hư hoại và tan rã như bản chất tự nhiên của
chúng. Nếu chúng ta có sự tỉnh giác và hiểu biết, nếu chúng ta xem xét với
trí huệ và chánh niệm, chúng ta sẽ nhìn thấy Pháp ở khắp mọi nơi. Chúng ta sẽ
nhìn thấy con người không ngừng sinh ra, thay đổi, và chết đi. Mọi người đều
phải chịu sự sinh tử luân hồi. Tất cả chúng ta đều như là một. Nhìn thấy một
người rõ ràng thì cũng giống như nhìn thấy mọi người rõ ràng.
Cùng thế ấy, mọi thứ đều là Pháp –
không chỉ những thứ chúng ta thấy bằng mắt trần mà cả những thứ chúng ta thấy
trong tâm. Một ý tưởng nảy sinh, thay đổi và hủy diệt. Nó chỉ là một ấn tượng
sinh và diệt. Đây là bản chất của tâm. Nếu một người không xem xét và khảo sát
như thế này, kẻ đó không thật sự thấy! Nếu một người thật sự thấy, kẻ đó sẽ có
trí huệ để nghe Pháp đúng như lời Phật dạy.
Phật ở đâu?
Phật ở trong Pháp.
Pháp ở đâu?
Pháp ở trong Phật.
Ngay nơi đây, bây giờ!
Tăng ở đâu?
Tăng ở trong Pháp.
Phật, Pháp, Tăng hiện hữu trong tâm
chúng ta, chúng ta cần phải nhìn thấy điều này rõ ràng. Có người tùy tiện nói,
“Ồ, Phật, Pháp, Tăng ở trong tâm tôi”. Thế nhưng sự tu hành của họ thì không
phù hợp với chân lý chút nào. Tâm như thế làm sao nhìn thấy Phật, Pháp, Tăng.
Bởi vì cái tâm trước hết phải là cái tâm biết Pháp. Chỉ khi đó, chúng ta mới
biết chân lý thật sự tồn tại, và rồi chúng ta mới có thể tu hành và nhận biết
nó.
Ví dụ, cảm xúc hay tư tưởng đều
không chắc chắn. Khi sự tức giận phát sinh, nó lớn lên, thay đổi, và cuối cùng
thì tan biến. Hạnh phúc cũng vậy, nó phát sinh, lớn lên, thay đổi và cuối cùng
thì biến mất. Chúng đều rỗng không. Chúng không thật sự là một thứ gì. Bên
trong thì có thân và tâm này. Bên ngoài thì có cây cỏ, cùng với những thứ khác
– tất cả đều phơi bày quy luật vô thường này của vũ trụ.
Dầu đó là cây, là núi, hay là một
con vật, nó đều là Pháp. Mọi thứ đều là Pháp. Pháp này ở đâu vậy? Nói ngắn gọn
thì những gì không phải là Pháp, không tồn tại. Pháp là sự tự nhiên. Đây gọi là
chân Pháp. Kẻ nhìn thấy quy luật tự nhiên, nhìn thấy Pháp. Kẻ nhìn thấy Pháp,
nhìn thấy quy luật tự nhiên.
Vậy
thì nghiên cứu nhiều để làm gì khi thực tại rốt ráo của đời sống, trong từng
phút từng giây, trong mỗi động thái, đều chỉ là một chuỗi sinh diệt bất tận. Nếu chúng ta tỉnh giác và nhận
biết rõ ràng trong mọi tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi), thì trí huệ sẽ tự động
phát sinh, có nghĩ là cái biết Đạo Pháp, ở ngay tại đây và bây giờ.
Ngay bây giờ, Đức Phật – vị Phật
thật sự - vẫn đang sống, bởi Ngài chính là Pháp. Và cái Pháp có thể khiến con
người thành Phật đó, vẫn tồn tại. Nó không hề chạy đi đâu cả! Nó sinh ra hai vị
Phật: Một người trong thân và người kia trong tâm.
“Chân
Pháp”, Đức Phật bảo Ananda, “chỉ có thể được nhận biết xuyên qua sự tu hành”.
Bất cứ ai thấy Pháp, thấy Phật. Bất cứ ai thấy Phật, thấy Pháp. Và thế nghĩ là gì? Trước đó thì
không có Phật, đến khi đấng Siddhatta Gotama giác ngộ Pháp, thì Ngài thành
Phật. Nếu chúng ta giải thích theo cách này, thì Ngài cũng giống như chúng ta.
Nếu chúng ta giác ngộ Pháp, chúng ta sẽ giống như Đức Phật. Đây gọi là Phật
trong tâm.
Chúng ta phải có chánh niệm về mọi
thứ chúng ta làm, bởi chúng ta sẽ là người gặt hái kết quả của những hành động
thiện hay ác của mình. Làm thiện chúng ta có kết quả thiện. Làm ác, chúng ta có
kết quả ác. Tất cả những gì bạn phải làm là xem xét cuộc sống hàng ngày của
mình để hiểu rõ tiến trình nhân quả này. Đức Siddhatta Gotama đã giác ngộ chân
lý này, và nó dẫn tới kết quả là sự xuất hiện của một vị Phật trên thế giới.
Cùng thế ấy, nếu mỗi một người đều tu hành để đạt đến chân lý này, thì họ cũng
sẽ thành Phật.
Cho nên, Đức Phật vẫn tồn tại. Nghe
thế, có người vui vẻ nói rằng: “Nếu Đức Phật còn tại thế, thì tôi sẽ tu hành!”
Bạn nên hiểu nó theo cách này.
Pháp
mà Đức Phật giác ngộ là thứ Pháp vĩnh viễn tồn tại trong thế gian. Nó giống như nước ngầm. Một khi
người ta muốn đào giếng, họ phải đào đủ sâu để tới được nguồn nước. Nước ngầm
vốn sẳn ở đó. Họ không tạo ra nó, họ chỉ khám phá ra nó. Tương tự như thế, Đức
Phật không phát minh ra Pháp. Ngài chỉ khám phá cái vốn đã sẳn ở đó. Qua sự
quán chiếu, Đức Phật nhìn thấy Pháp. Rồi chúng ta nói Đức Phật giác ngộ, bởi sự
giác ngộ là sự nhận biết Pháp. Pháp là chân lý của thế giới này. Bởi vì Ngài
thấy điều này, Đức Siddhatta Gotama được gọi là “Phật”. Và Pháp là cái cho phép
người khác trở thành một vị Phật: “người hiểu biết”, người biết Pháp. Những ai
có đức hạnh và tận tụy với Phật Pháp, kẻ đó không bao giờ thiếu sự thiện lành.
Nếu chúng ta hiểu Pháp, ngay lúc đó, chúng ta nhìn thấy Phật.
Ai
thật sự tu hành, kẻ đó sẽ nghe Phật Pháp dầu đang đi, đứng, nằm, hay ngồi. Đây không phải là một thứ để suy
nghĩ. Nó phát sinh từ cái tâm thanh tịnh. Chúng ta phải tu hành mới có thể nhìn
thấy điều này, và rồi sự tu hành của chúng ta sẽ hoàn tất. Bất kể là đi, đứng,
nằm, ngồi, chúng ta sẽ luôn nghe Pháp của Phật.
Đức
Phật dạy chúng ta sống ở nơi yên tĩnh để có thể tập tự chủ và kiềm thúc lục
căn. Lục căn là nền tảng của sự tu hành, bởi đây là nơi tất cả các pháp sinh
khởi, và chúng chỉ sinh khởi từ những nơi này. Cho nên chúng ta tự chủ và kiềm thúc lục căn để có thể
biết được điều kiện phát sinh tại đó. Tất cả điều thiện và ác đều phát sinh từ
sáu căn này. Chúng là những tính năng chiếm ưu thế trong cơ thể. Mắt chiếm ưu
thế về sự nhìn thấy; tai về sự nghe; mũi về sự ngửi; lưỡi về sự nếm; thân thể
trong sự xúc chạm nóng, lạnh, cứng, mềm; và tâm phát sinh những ấn tượng. Tất
cả những gì chúng ta phải làm là vun bồi sự tu hành của mình chung quanh những
điểm này.
Sự
tu hành của chúng ta đã dễ dàng hơn rất nhiều, những gì cần thiết đã được vạch
sẳn bởi Đức Phật, như thể Đức Phật đã trồng một vườn cây ăn trái, và Ngài mời
chúng ta đến nếm những trái cây này.
Chúng ta không cần trồng một cây nào cả. Dầu cái mà chúng ta quan tâm là giới,
định, huệ, chúng ta không phải đi tìm tòi, sáng lập, hay suy đoán. Chúng ta chỉ
cần làm theo những gì đã được chỉ dẫn trong giáo lý của Phật.
Cho nên, chúng ta là những người có
nhiều phước báu, bởi chúng ta được nghe Phật Pháp. Vườn cây ăn trái đã sẳn ở
đó, trái cây đã chín. Mọi thứ đều đã sẳn sàng và hoàn mỹ. Chỉ cần có người hái
trái cây đó mà ăn – một người có đủ đức tin để tu hành.
Chúng ta rất may mắn. Cứ nhìn chung
quanh chúng ta thì biết. Những loài vật khác không có cơ hội để nghe Pháp,
không có cơ hội để tu hành. Đây là vì những chúng sinh này đang trả nghiệp. Khi
một người không có cơ hội nghe Pháp và tu hành, người đó không có cơ hội thoát
khỏi khổ đau.
Là con người, chúng ta không thể để
cho mình trở thành những kẻ vô đức, vô kỷ luật. Đừng tự biến mình thành kẻ
thiếu may mắn! Đừng trở thành một người không có hy vọng đắc Đạo và giải thoát,
không có hy vọng phát triển đức hạnh. Đừng nghĩ rằng chúng ta không còn hy
vọng! Với lối suy nghĩ đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ bất hạnh như những
con vật kia.
Chúng ta là những chúng sinh đã bước
vào phạm vi ảnh hưởng của Phật. Cho nên chúng ta đã sẵn sàng có đủ phước báu và
khả năng. Nếu chúng ta sửa đổi và phát triển sự hiểu biết, quan niệm, và kiến
thức của mình trong hiện tại, chúng sẽ khiến cho chúng ta ứng xử và tu hành
đúng cách để có thể thấy và biết Pháp ngay trong đời này.
Cho nên chúng ta khác với loài vật.
Chúng ta là những chúng sinh có khả năng và cơ hội để giác ngộ. Đức Phật dạy rằng
Pháp hiện diện trước mắt chúng ta ngay lúc này. Đức Phật ngồi đối diện chúng ta
ngay nơi đây, và bây giờ! Vậy thì bạn tính tìm thấy Phật ở đâu và nơi nào nữa?
Nếu chúng ta không suy nghĩ đúng
đắn, nếu chúng ta không tu hành đúng đắn, chúng ta sẽ rơi xuống lại làm thú
vật, chúng sinh trong địa ngục, ma đói, và quỷ dữ? Thế nào?
Cứ xem xét tâm của bạn. Khi sự tức
giận phát sinh, nó là gì vậy? Ngay tại đó, chỉ việc xem xét nó! Khi sự si mê
phát sinh, nó là gì vậy? Đúng thế, ngay tại đó! Khi tham ái phát sinh, cái gì
đó? Hãy xem xét nó ngay tại đó!
Khi tâm không nhận biết và hiểu rõ
những trạng thái này, nó không còn là tâm của con người. Tất cả mọi điều kiện
đều không ngừng “trở thành”. Sự trở thành dẫn đến sự “sinh khởi” hay tồn tại
như được quyết định bởi điều kiện trong hiện tại. Do đó, chúng ta trở thành và
tồn tại khi tâm điều kiện hóa chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét