Đại Sư Tinh Vân
Làm người, chúng ta cần phải thời khắc tự mình phản tỉnh lấy chính mình, mới có đủ năng lực tu bồi đức hạnh, tiến tu đạo nghiệp. Dưới đây là 12 vấn đề mà chúng ta cần nên tư duy phản tỉnh tự hỏi lấy chính mình.
1. Mình sanh ra trên thế gian này, mình đã từng thành
tựu được những gì có lợi ích cho nhân thế?
2. Đối với ân đức của các bậc thầy tổ, cha mẹ;
mình đã tận tâm, tận lực báo đáp?
3. Mình đã thọ nhận của thế gian biết bao nhiêu
là thiện duyên hỗ trợ dưỡng dục; mình đã hồi đáp được
bao nhiêu?
4. Đối với các bậc thầy tổ, quyến thuộc bạn bè, xã
hội ... v.v.... mình có nợ họ chăng?
5. Thế gian cung cấp cho mình vật thực, quần áo,
nhà ở, dụng cụ, thuốc thang, học hành ... mình cần nên có bổn phận
đền đáp như thế nào?
6. Tự mình có thấu suốt được nguồn gốc nhân duyên bản
lai diện mục của chính mình, khi duyên sanh ra ta từ đâu và khi duyên diệt
ta sẽ về đâu? Ta ra đi với chí hướng, sự nghiệp như thế nào?
7. Mình có từng lắng tâm quán sát thế giới nội
tâm của chính mình và đếm chính xác mỗi ngày bao nhiêu lần mình
trôi lăn, lặn hụp, bay nhảy trong trong các cảnh giới tam đồ, lục
đạo của thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh?
8. Mình có thể kiểm soát rõ về chính mình trong sinh
hoạt mỗi ngày đối mặt với các bệnh dịch độc nhiễm tham sân, si, mạn,
nghi, ác kiến ... mình làm thế nào để hóa giải trị liệu?
9. Mình ngày ngày có hằng sống với thức tâm tỉnh cảnh
giác ba nghiêp thân-khẩu-ý của chính mình? Mỗi lần cảnh tỉnh điều gì?
10. Vận chuyển giữa dòng sống nhân thế, chúng ta cần
nên làm những gì để có được cuộc sống vui tươi tự tại?
11. Mình cần phải ứng phó thế nào để tiêu
trừ phiền não, phá tan vô minh, tìm về chân tâm bản tánh?
12. Mình có cần phải kiến tạo tư lương và sắp
đặt như thế nào cho cuộc sống của chính mình trong hiện tại và
trong tương lai?
Trên là 12 vấn đề về cuộc sống con người, bao
gồm các vấn đề giữa mình và người, giữa mình và xã hội,
giữa mình và quốc gia.
Thông thường chúng ta mỗi ngày chỉ suy nghĩ đến lợi
ích cho riêng mình, rất ít quan tâm đến phúc lợi của
người khác. Do bởi chúng ta thường đem cái tự ngã kiến lập
trên quốc gia xã hội mà tạo nên nhiều tệ hại, rồi khi gặp điểm
khó khăn, trắc trở, trước không chịu kiểm điểm lấy chính mình,
mà lại oán trời trách đất và đổ lỗi cho người; thậm chí là oán
trách vận mệnh đen tối đưa đẩy, chứ không biết những trắc
trở kia là do tư tưởng hành vi bất chánh đang cư
trú trong nội tâm của chính mình tạo nên, do vậy phải lặn hụp trong
cuộc sống phiền não, lo âu, buồn khổ.
Lục tổ Huệ Năng thường khuyến cáo các môn đồ:
”Vận tốt, tâm tốt sớm
phát đạt vinh hoa.
Tâm tốt, vận không
tốt, đời sống vẫn ấm no hạnh phúc.
Vận tốt, tâm
không tốt, e rằng không thể đảm bảo được tiền trình cuộc sống.
Tâm, vận đều không tốt
thì cả một đời nhận chịu sự đau khổ, nghèo cùng “.
Câu chuyện như vầy: Châu Lợi Bàn Đà Già sanh tánh ngu
muội. Nhưng do biết thành tâm sám hối những chướng nghiệp tội
trong quá khứ; đồng thời nỗ lực hành trì lời Phật
giáo huấn mà cuối cùng ông đã thành tựu được đạo
quả. Còn Đề Bà Đạt Đa vốn được sanh ra trong dòng quý tộc vương
tử, thông minh tài trí, nhưng do tâm nổi tham dục lợi dưỡng, phá
tăng hại Phật mà cuối cùng phải nhận lấy ác quả, sống trong đau
khổ đến cuối đời, đọa vô gián địa ngục.
Do vậy, bậc thánh nhân nói rằng, quán nhìn việc xưa mà
đoán biết được việc hiện tại; bất luận là khoa học kỹ thuật tiến bộ đến
đâu, chúng ta vẫn cần phải tự mình đặt chí hướng cho
chính mình, kiện toàn cho chính mình mới bảo đẳm được sự sinh tồn. Lại
nữa “Phản Quan Tự Kỷ”, hằng sống với thức tâm tỉnh giác,
chăm bón thiện duyên, là việc không thể thiếu để cất bước hướng vào cảnh
giới an lạc giải thoát!
Trích Nấc Thang Cuộc Đời
Việt dịch Thich Nữ Huệ Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét