Ajahn Sumedho
PHẦN II - TÂM TỈNH THỨC
CHƯƠNG 10
THANH LỌC TÂM
Khi quán niệm hơi thở (anapanasati),
bạn trụ tâm trên hơi thở. Nếu muốn, mỗi lần bạn có thể tập như thế khoảng mười
phút. Khi hành thiền lâu hơn mười phút, bạn có thể quán hơi thở trong mười hay
mười lăm phút đầu, cho đến khi tâm định và lắng xuống. Nếu tâm vẫn chưa an, bạn
hãy tìm cách xem lại trong phương pháp thực hành có gì trục trặc. Bạn phải nhận
ra được trạng thái tâm của mình lúc ấy; bạn sẽ thấy rằng tâm có thể
dễ định hơn vào một thời điểm nào đó trong ngày. Nếu tâm
khó định, có thể là vì bạn đang mệt mỏi, hay thân thể không được
khỏe. Sau bửa ăn, tâm khó định vì năng lượng của cơ thể được dành ưu
tiên cho việc tiêu hóa thức ăn.
Sau khi tập trung đi sâu vào
việc quán hơi thở khoảng mười phút, bạn hãy buông hơi thở ra, không tập trung vào
nó nữa. Thay vào đó, hãy quán sát những gì xảy ra, những gì đến rồi
đi trong tâm; Hãy ghi nhận những tư tưởng và tình cảm sinh khởi. Ngay
chính giây phút mà bạn biết là bạn đang suy nghĩ hay thấy là
bạn đang bị chìm đắm trong suy nghĩ, đó chính là giây phút mà
bạn đang chánh niệm. Nhưng ngay sau đó, bạn bắt đầu phán đoán
và đánh giá sự thấy và biết của mình. Nếu lúc ấy, bạn bắt đầu cảm
thấy tội lỗi hay có phản ứng chống lại với việc bị chìm đắm trong suy
nghĩ, thì đó là lúc mà bạn đang lại tiếp tục tiến trình suy nghĩ của
mình. Hay nếu bạn cố gắng tìm hiểu tại sao mình lại miên man suy nghĩ, đó
chính là lúc mà bạn đang phân tích tâm của bạn. Vì thế hãy tiếp tục
buông bỏ những suy nghĩ của mình và chỉ thuần quán sát mà thôi.
Lúc đầu chúng ta không thể chánh niệm
liên tục được vì chúng ta có thói quen suy nghĩ hay đi lang thang từ
tư tưởng nầy đến tư tưởng khác. Vì thế, chúng ta phải tập chánh niệm trong
từng chập hay từng sát na. Khi thấy là mình đang bị chìm đắm trong suy
nghĩ, ngay lúc đó bạn hãy trở về chánh niệm, để thấy được quá trình sinh
và diệt của những tư tưởng và tình cảm của mình.
Thiền Minh Sát (tiếng Pali là Vipassana)
có nghĩa là thấy một cách rõ ràng và biết rằng tất cả những gì đến sẽ ra
đi và những gì sinh ra đều diệt tận. Đây là phương pháp hành thiền mà
Đức Phật đã tìm ra và chỉ dạy lại cho chúng ta, và nếu thực hành theo cách đó,
chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng những điều kiện xảy ra trong tâm, thấy và
biết rằng chúng không ngừng thay đổi, chúng không phải là những tính chất của
một cá thể, hay một cái ngã biệt lập. Những chúng sinh chưa giác ngộ không thể
thấy như vậy. Họ xem tất cả những tư tưởng, ký ức, tình cảm, nhận thức, khái
niệm, và ý thức về cơ thể là thể hiện của một cái ngã biệt lập. Nhưng những
Phật tử như chúng tôi xem tất cả những gì xảy ra trong tâm đơn thuần chỉ
là những điều kiện và những điều kiện nầy đến rồi đi, sinh rồi
diệt. Nói khác đi, khi hành thiền minh sát, chúng ta chỉ làm một việc
rất đơn giản, đó là thấy và biết tất cả những điều kiện sinh và diệt trong thân
và tâm.
QUÁ TRÌNH THANH LỌC TÂM
Phần lớn những chúng sanh mê lầm và
vô tâm thường đè nén và đẩy lùi hoặc xoá bỏ
nhiều điều trong ý thức của họ. Chúng ta ức chế tất cả và chỉ chấp
nhận một số điều kiện nào đó trong tâm mình. Đây là một thói quen
được xã hội huân tập: Chúng ta chỉ cho phép hiện diện và hoạt động trong ý
thức của mình những gì mà xã hội chấp nhận. Vì xã hội bảo chúng ta phải suy
nghĩ với lý trí và chỉ nên có những tình cảm mà mọi người chấp nhận, nên chúng
ta đẩy lùi và dấu nhẹm trong tâm những tình cảm tiêu cực như thù hận, xấu
xa, điên rồ, ngu xuẩn hay bần tiện. Nhưng những tình cảm bị đè nén
nầy sẽ không biến mất; chúng chỉ nằm yên ở đó. Chúng ta không thể
triệt tiêu tư tưởng và tình cảm bằng cách đè nén chúng; Hành động đè
nén thật ra chỉ là thái độ không chú ý đến mà thôi. Nhưng cuối cùng, những
gì bị đè nén cũng sẽ trồi lên -- và đôi khi lại trồi lên trong những
hoàn cảnh làm cho chúng ta vô cùng bối rối và xấu hổ.
Trong khi hành thiền, chúng
ta để cho những gì bị đè nén từ lâu trồi lên và hiện ra trong tâm,
cho dù chúng có vô lý và đáng sợ đến đâu. Khi chúng xuất hiện lên
trong tâm, chúng ta hãy buông bỏ, tự khắc chúng sẽ biến mất. Đây chính là quá
trình trong sạch hay thanh lọc tâm. Nó giống như tiến trình của việc chữa bịnh
bằng cách rửa ruột vậy. Những gì tuôn ra từ ruột sẽ rất xấu xa và hôi thối,
nhưng khi đã ra khỏi ruột rồi, bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe hơn nhiều.
Nếu sống ở đời mà không có trí
tuệ, chúng ta sẽ luôn tìm cách mưu toan, vận động, lôi kéo, điều khiển và
kiểm soát mọi người, thậm chí ngay cả chính bản thân của mình, để bòn mót
và chắt lọc giữ lấy những gì mình thích, và chối bỏ những gì mình không thích.
Và rồi, khi cuộc đời không cho phép chúng ta điều khiển và kiểm soát mọi
việc theo ý muốn của mình, chúng ta sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng, và tất cả
những gì mà chúng ta che đậy và dấu diếm từ trước đến nay sẽ tự phơi
bày hay bị lột trần -- đó là biến cố tâm lý mà chúng ta gọi là sự khủng hoảng
tinh thần hay khủng hoảng thần kinh. Tuy nhiên, nếu hành thiền, bạn sẽ vẫn trải
qua những cuộc khủng hoảng tinh thần nhưng đó là những cuộc khủng hoảng mà
bạn vẫn có khả năng điều khiển và làm chủ được mình. Bạn sẽ nhận ra rằng
tất cả những tư tưởng và tình cảm bất thiện chỉ là những điều kiện của
tâm, chúng đến rồi đi và không có tự ngã. Bạn có thể tự cởi trói cho mình bằng
cách buông bỏ thay vì tìm cách kiểm soát hoặc đè nén chúng. Và qua việc
làm đó, bạn khai mở và giải phóng tâm thức của mình.
Để thanh lọc tâm, chúng ta phải để
cho những tư tưởng và tình cảm bị đè nén và ức chế từ lâu được trồi lên và hiện
ra trong tâm một cách có ý thức. Tuy nhiên, người đời lại thường cho ý
thức là cái gì thuộc về riêng mình, vì thế nên khi có sự bấn loạn hoặc phiền
não xảy ra trong tâm, chúng ta thường nghĩ , "Tôi là một người đầy
rối loạn và khổ sở." Nhưng khi hành thiền, chúng ta biết được rằng ý
thức không phải là tự ngã, nó không phải là một người hay một cá nhân
nào đó. Ý thức chỉ là một điều kiện của thế giới tự nhiên. Khi
quán sát bản chất thay đổi không ngừng của ý thức, bạn sẽ biết rằng nó
không phải là cái ngã, và sự thấy biết nầy chính là công cụ hay cách thức giúp
bạn tháo gở và giải phóng tất cả những gì bị ức chế và đè nén trong tâm.
Nó sẽ giúp những tư tưởng và tình cảm tiêu cực và bất thiện mà bạn chống ghét
và đè nén xuất hiện rồi vĩnh viễn biến mất.
Bất cứ cái gì cũng có thể hiện lên
trong ý thức. Nó có thể đẹp hay ghê tởm, thiện hay ác, hợp lý
hay điên rồ. Nhưng trong khi hành thiền, những tính chất nầy không quan
trọng. Bạn chỉ cần biết là ý thức đang thay đổi và biết là nó không có cái
ngã biệt lập -- nó là vô ngã. Khi bạn hiểu và thấy được điều nầy đầy đủ và
rõ ràng, bạn có thể dùng ý thức để giải phóng, buông xả, mở trói, thay vì
cố ý tìm cách chọn lọc rồi dấu nhẹm vào tâm thức những tình cảm và tư tưởng mà bạn
thích hoặc không thích.
Trong thiền minh sát, chúng ta không
lựa chọn gì hết. Chúng ta để cho tất cả -- ngay cả những gì tầm
thường và vô giá trị -- hiện ra trong tâm, rồi buông bỏ nó. Chúng ta thấy và
biết những điều kiện nầy đơn thuần như chỉ là những điều kiện. Và
vì thế, tự bản chất, thiền minh sát là một việc làm đầy bi mẫn. Chúng
ta không tìm cách chiếm hữu và chấp thủ vào mỗi sự vật như thể nó là một thực
thể có thật, là một con người có thật hay là một cái gì "thuộc về chúng
ta". Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy và biết mỗi sự vật như là
một điều kiện sinh rồi diệt. Ngay cả nếu có những tư tưởng hay cái
nhìn điên loạn, chúng ta vẫn có thể để cho chúng hiện lên trong tâm
rồi quán sát thay vì đè nén hay chạy theo sự sai khiến của chúng. Ức chế
hay mê lầm chạy theo những tư tưởng và tình cảm là hai thái cực; Trung Đạo
theo như lời Đức Phật dạy là sự thấy biết thuần túy những điều kiện như là
những điều kiện.
Cho phép mọi sự vật hiện ra có nghĩa
là để cho những tư tưởng mà bạn không thích hay những nỗi lo âu sợ hãi
hiện lên trong tâm. Để làm được việc này, bạn phải thành tâm nghĩ về những tư
tưởng nầy. Vì thế, hãy suy nghĩ một cách có ý thức về những điều mà
bạn đã giấu giếm một cách bí mật và hy vọng là người đời không một ai
sẽ biết về chúng, về những gì mà bạn sợ sệt và không dám
nghĩ đến. Những tình cảm bị ức chế và đè nén nầy chính là
những động lực đã bí mật điều khiển cuộc đời bạn, vì thế bạn phải chủ tâm
làm cho chúng hiện lên trong tâm để có thể nhận diện được chúng. Nhưng khi
chúng hiện lên rồi, bạn phải lắng nghe rồi buông xả thay vì bám vào chúng và
cho chúng là một cái gì đó đặc biệt khác thường. Hãy xem chúng chỉ là
những điều kiện đến rồi đi trong tâm.
HÃY LÀ NHÂN CHỨNG CỦA
NHỮNG ĐIỀU KIỆN SINH KHỞI TRONG TÂM
Thế giới của ngũ dục là thế giới
duyên sinh hay thế giới điều kiện. Thế giới nầy còn có tên là thế
giới hữu vi. Bản chất của nó là bất toại nguyện, bởi vì nó có sự
bắt đầu -- và tất cả những gì có sự bắt đầu đều phải có sự chấm
dứt. Nếu một cái gì đó được sinh ra, chắc chắn nó sẽ hoại diệt.
Vì thế, nếu bạn đi tìm cái ngã thật sự, hay một linh hồn trường cửu trong
thế giới hữu vi nầy, chắc chắn bạn sẽ tuyệt vọng và đi đến chỗ bế
tắc. Đây không phải là một lý thuyết về một linh hồn trường cữu mà bạn
phải tin vì một người nào đó bảo bạn phải tin; trái lại, nó là cái mà bạn
có thể trực tiếp thấy, biết và tự mình kiểm nghiệm. Chúng ta hành thiền bằng
cách quán sát các loại thức được thiết lập qua sự tiếp xúc của sáu căn và
sáu trần để tự chúng ta có thể kiểm nghiệm xem lý thuyết trên quả thật là đúng
hay không.
Bạn có thể quán sát bất cứ điều
gì có thể nhận thức được, qua sự tiếp xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
và ý. Tất cả những gì bạn nhận thức được đều chỉ là những điều kiện
hay duyên -- những tư tưởng cao siêu, những ham muốn thấp hèn, hay bất cứ tình
cảm chủ quan nào của bạn. Trong khi hành thiền, chúng ta chỉ làm nhân chứng
quán sát những điều kiện sinh khởi trong thân và tâm; chúng ta trở thành
sự thấy và sự biết về những điều kiện trong thân và tâm. Chúng ta nhận
biết rằng những điều kiện nầy đang thay đổi, chúng là bất toại nguyện, và
chúng không có cái tự ngã biệt lập. "Người đang thấy và biết đó
là ai?" Khi hành thiền, bạn sẽ ghi nhận là khi có sự tức giận xuất hiện
trong tâm, bạn có thể biết là đang có sự tức giận trong tâm. Nếu sự
tức giận là bản chất thật sự của bạn thì bạn không thể nào quán sát được
nó -- lúc đó bạn chính là cơn giận hay cơn giận và bạn trở thành là
một. Nhưng cơn giận đến rồi đi và nó là một điều kiện luôn thay đổi;
rõ ràng nó không phải là bạn.
Có thể hiện nay bạn chỉ hiểu một
cách lý thuyết và có một ít tuệ giác để hiểu được điều nầy, nhưng nếu quả
thật muốn thoát ly sinh tử, bạn phải chịu đựng và quán sát những điều kiện
dường như không thể nào chịu đựng được của tâm thức. Bạn sẽ dùng trí
tuệ để quan sát sự sinh và diệt của các điều kiện trong thân và tâm,
xem xét chúng thật kỹ để qua sự thấy và biết về chúng, bạn có thể để
cho chúng tự ra đi.
HÃY CAN ĐẢM XEM XÉT SỰ THẬT
Trong khi hành thiền, chúng ta phải
có can đảm để cho những lo âu sợ hãi và lòng sân hận trồi lên và hiện ra
trong tâm. Những điều mà chúng ta không thích -- chẳng hạn như sự nhàm
chán, ngu xuẩn, buông lung và hoài nghi -- là những điều mà chúng ta
thường đẩy sang một bên hoặc đè nén và nhận chìm sâu xuống
tận đáy của tâm thức. Chúng ta không muốn bị phiền nhiễu bởi những gì
tầm thường, điên loạn, và ngu muội; chúng ta muốn hướng sự chú ý về những
gì quan trọng và tốt đẹp. Chúng ta không muốn biết rằng chúng
ta đang có những tư tưởng rồ dại và ngu xuẩn.
Lòng sân hận là cái mà chúng ta
thường ức chế; chúng ta không muốn nghĩ đến nó. Điều nầy quả thật là
đúng vì xã hội dạy chúng ta chỉ được thương yêu chứ không được thù ghét
con người. Chúng ta nên chỉ yêu cha mẹ chúng ta và không bao giờ được thù
ghét con cái của mình. Nhưng chúng ta không thể nào mãi mãi yêu một cái
gì đó; tình thương là một điều kiện luôn thay đổi, tâm sân hận cũng
thế.
Trong khi hành thiền, chúng ta có
thể để sự sân hận hiện ra trong tâm vì về bản chất, đây là một
hành động thiện. Mục đích của nó là thanh lọc tâm, chứ không
phải hãm hại người khác. Vì thế, hãy tin tưởng ở động cơ tốt đẹp của việc
làm nầy. Đừng sợ hãi khi tâm sân hận được cho phép xuất hiện nhằm mục đích
thanh lọc tâm vì lúc đó bạn không hướng sự sân hận về một người nào đó. Trong
khi hành thiền, ước nguyện của bạn là thanh lọc tâm, và bạn phải tin tưởng vào
ước nguyện nầy. Cho dù bạn có mong được giác ngộ hay không, đó là một
chuyện khác. Nhưng hãy tin tưởng vào nguyện vọng hướng đến giải thoát và
Niết Bàn của bạn.
Khi bạn thấy và biết được sự lo
âu sợ hãi từ lâu bị chôn vùi trong tâm, nó sẽ không làm bạn sợ hãi nữa. Chỉ khi
nào bạn vô tâm tìm cách chống lại nó, nó mới có sức mạnh chế ngự bạn. Khi bạn
nhận chân rằng sự lo sợ chỉ là một điều kiện đi qua tâm, nó giống như một
con rồng. Mới thoạt nhìn, hình như nó có sức mạnh hãm hại bạn, nhưng khi bạn
thật sự đối diện với nó, bất thình lình nó sẽ thu mình lại và không
còn đe dọa nữa. Sức mạnh của nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự mê lầm của
bạn, tùy thuộc vào việc bạn có cho là nó thật sự có sức mạnh hung hãn hay không.
Nếu bạn thét lên, "Ối trời ơi!" và cao bay xa chạy bất cứ lúc nào có
một hình ảnh ghê sợ hiện lên trong tâm, hình ảnh đó sẽ chế ngự bạn suốt
đời. Nhưng nếu bạn ý thức để cho những điều lo sợ hiện lên trong tâm,
thì nó sẽ không còn quyền năng chế ngự bạn. Nó chỉ chế ngự bạn khi bạn cho
phép nó làm việc đó bằng cách phản ứng lại nó.
Chính vì thế, chúng ta xem tâm như
một tấm gương: nó phản ảnh tất cả mọi vật và sự việc. Nhưng những hình
ảnh được phản chiếu trong gương không phải là tấm gương. Những gì xấu xa
nhất có thể hiện lên trong tấm gương nhưng nó vẫn không làm hư hại tấm gương.
Có thể những hình ảnh trong gương không mấy gì đẹp đẽ để nhìn ngắm, nhưng
nó chỉ là phản ảnh. Không chóng thì chầy, nó sẽ ra đi, và rồi mọi việc sẽ
bình thường trở lại. Chính vì thế mà chúng ta phải có khả năng chịu đựng để
nhìn thấy những hình ảnh xấu xa gớm ghiếc đi qua tâm. Chúng ta phải
hiểu chúng chỉ là những phản ảnh trong tâm, chứ không phải là những vấn đề
cá nhân của chúng ta, và càng không phải là nhân cách của chúng ta. Chúng chỉ
là những điều kiện được tạo tác và sinh khởi, giống như cái thế gian mà
chúng ta đang sống, thế thôi.
QUÁN TƯỞNG NHỮNG HÌNH ẢNH TỪ BÊN
NGOÀI
Nhờ sáu giác quan mà bạn thể
nghiệm được những gì đang xảy ra chung quanh và những kinh nghiệm nầy
sẽ được phản ảnh qua tâm. Nếu bạn đến một thành phố lớn, tất cả
những bảng quảng cáo ở đó sẽ lôi cuốn và kích thích giác quan của bạn. Xã
hội của chúng ta vận hành theo nguyên tắc của tham ái và dục vọng. Chúng ta
không thể không tham muốn và thèm khát vì những hình ảnh kích thích tham ái
luôn luôn có mặt trước tấm gương "tâm" của chúng ta. Phần lớn sản
phẩm con người tạo ra là để ca ngợi và chiêm ngưỡng cái ngã của
họ; đa phần sản phẩm con người làm ra không làm thân và tâm chúng ta lắng
dịu. Chúng thường làm chúng ta bị kích động, sôi nổi, nhàm chán hoặc buồn
bã và tuyệt vọng. Ít người tạo ra những sản phẩm đẹp đem lại sự an lạc và
hòa hợp cho nhân loại.
Nhưng thôn quê và các vùng rừng núi
với hoa cỏ và ruộng đồng thêng thang, trời xanh bao la, suối nguồn róc
rách, và thác ghềnh hùng vĩ thường không kích thích ái dục trong con người;
Chúng mang lại sự tĩnh lặng và lắng dịu cho tâm và giác quan chúng ta. Được về
miền quê sau nhiều tháng ở thành thị quả thật như trút đi gánh nặng, vì lúc đó
giác quan chúng ta có thể nương tựa và an trú giữa lòng thiên nhiên hiền hòa
thay vì bám vào những vật luôn kích thích sự tham đắm của cái ngã. Vì thế
trong cuộc sống, bạn nên để ý đến những gì tiếp xúc với giác quan của bạn.
Đừng vội lên án buộc tội bản thân cho tất cả những gì ô nhiễm sinh khởi trong
tâm, và đừng làm phức tạp thêm những khó khăn cá nhân vì bản chất của thế gian
là như thế đó.
Bất cứ cái gì cũng có thể sinh khởi
trong tâm, nhưng cho dù chúng đến từ bên ngoài hay bên trong chúng
ta, điều này không quan trọng -- tất cả đều vô thường, bất toại
nguyện, và không có tự ngã. Khi bạn sợ hãi, đó là kinh nghiệm có thật của
bạn. Nếu bạn gặp một siêu nhân từ ngoại tầng không gian hay thấy được linh
hồn của người mẹ quá cố, tất cả những cảm nhận nầy đều rất thật, thật như những
cái bình thường mà tất cả chúng ta đều có thể thể nghiệm, như ngửi hương
thơm của một đóa hoa hay ngắm nhìn tôn tượng Đức Phật. Cho dù đó
là kinh nghiệm gì đi nữa, cho dù những gì sinh khởi trong tâm là hoang
tưởng, thô thiển hay trần tục, nó vẫn chỉ là một điều kiện sinh khởi trong
tâm mà thôi.
GIÃ TỪ NHỮNG ĐIỀU KIỆN GÂY ĐAU
KHỔ KHÓ CHỊU
Thỉnh thoảng, khi bạn quán sát và mở
rộng tâm thức, tất cả những gì bị đè nén trong tâm có thể ào ạt trào lên.
Trong năm đầu tiên tu tập ở miền đông bắc Thái lan, tôi đã trải qua những
trận thanh lọc tâm khá nặng nề khi tôi cho tất cả những gì chứa chất trong tôi
từ lâu trào ra trong tâm thức. Tôi chỉ ngồi đó, và những điều kiện
gớm ghiếc nầy cứ tiếp tục hiện ra. Tôi nhớ lại tất cả những gì tôi đã
làm, ngược dòng thời gian về tận những ngày thơ ấu. Cuối cùng, tôi có một cái
nhìn rất lạ, gần giống như cái nhìn của những người mắc bệnh "phân liệt
tâm thần (schizophrenia)." Khi ngồi và quán sát, tôi thấy mẹ tôi và tất cả
những người mà tôi quen biết đang từ trong trí não của tôi đi
ra. Tôi chợt nghĩ, "Đây chính là bệnh điên, tôi sắp bị điên
rồi!" Nhưng không biết tại sao, tôi vẫn không lo ngại về điều nầy,
tôi không hoãng sợ chút nào cả; Ngược lại, tôi bắt bầy cảm thấy lý thú và hoan
hỷ về việc nầy. Cha tôi, mẹ tôi, chị tôi -- tất cả mọi người mà tôi đã
biết -- đang từ trong trí não của tôi bước ra! "Giã từ những người thân
thương nhé!" Sáng ngày hôm sau, tôi cảm thấy như vừa trút đi một áp
lực hết sức nặng nề. Cảm giác thoải mái nầy giống như cảm giác khi một ung
nhọt đầy mủ gớm ghiết vừa vỡ ra, và sự đau nhức đột nhiên biến
mất. Tôi ngắm nhìn chung quanh, và mọi vật trở nên đẹp đẽ lạ
thường! Cái cốc nhỏ mà tôi đang cư trú thật ra chỉ là một túp lều
tranh thô kệch và xiêu vẹo, nhưng lúc đó nó giống như một lâu đài nguy nga
tráng lệ. Ngay cả cái nhà tắm của tôi cũng trở nên xinh đẹp lạ thường, ánh
sáng mặt trời xuyên qua tấm vách đan bằng tre chiếu vào cái chậu nhỏ bằng
nhựa làm cho nó có vẻ thoát tục và nhẹ nhàng làm sao. Tôi đi bách bộ ra
ngoài và cả cánh rừng nhỏ như ngời sáng hẳn lên. Từ hồi bé đến giờ, tôi
chưa bao giờ thấy thế giới chung quanh đẹp đẽ đến thế.
Tôi chợt nhận ra là
mình đã được xã hội huân tập để sống với sự tự ý thức và kiềm
chế chính mình. Tiến trình huân tập nầy, tiến trình tự ý thức dày dò, trăn trở
và quằn quại bởi những nỗi lo sợ và tham ái nầy đã trở thành màng lọc cho
tất cả những gì đi qua đời tôi. Nó làm tôi nhớ lại những cửa kiếng xe hơi
không ai lau chùi, và những cửa kiếng bị những lớp bụi và khói dày che phủ
khiến chúng ta không thể nào thấy và chiêm ngưỡng được cảnh đẹp ở bên
ngoài. Khi hành thiền, tôi buông bỏ và từ giã tất cả, lúc đó giống như tôi
đang rửa sạch các cửa kiếng dơ bẩn nầy. Và xuyên qua các cửa kiếng
vừa được lau sạch, thế giới trở nên xinh đẹp lạ
thường. Do đó, hành thiền là làm cho tất cả hiện lên trong tâm, nhận
biết chúng, rồi buông xả tất cả. Đó chính là quá trình thanh lọc tâm.
ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG BÓNG MA
Thật may mắn là
phần đông các thiền sinh không thấy những hình ảnh khủng khiếp hay bị
phân liệt tâm thần trong lúc hành thiền. Thường thường "những vong linh từ
cõi chết" sẽ hiện ra trong tâm để khóc lóc và than phiền là
"Ngươi đã xúc phạm đến ta." "Tại sao ngươi đã không
làm việc này cho ta." Những than oán nầy hình như sẽ tiếp tục hiện lên
trong tâm chúng ta một thời gian nào đó rồi ngưng hẳn.
Ở Thái Lan, khi điều này xảy
ra, người ta cho là hồn ma hiện về, vì thế gia đình sẽ cúng dường trai
tăng. Chư tăng sẽ đến nhà thí chủ và tụng kinh, "Nguyện cầu cho tất
cả chúng sinh được thoát khỏi khổ đau và phiền não." Và lúc nào cũng
thế, bóng ma sẽ biến mất sau đó. Tôi không hiểu tại sao, bạn có thể
suy đoán thêm về việc nầy -- nhưng thái độ khoan dung và từ ái luôn
là hành động mang lại nhiều phước báu. Vì thế, khi thấy
mình đang bị một vong linh nào đó ám ảnh, bạn nên làm một việc phước
thiện -- như cúng dường chư tăng hay chư ni, hay giúp đỡ một người nghèo khổ
nào đó -- và nguyện rằng "Con xin hồi hướng phước báu
nầy đến những vong linh khổ nạn nầy."
Từ lúc mới sinh ra, người Thái
Lan đã quen tin là có ma quỷ trên đời. Họ có những câu chuyện đầy
tưởng tượng và hoang đường về ma quỷ và luôn nói về thế giới ma quỷ. Ngay
cả những người có học vấn cao trong xã hội Thái cũng tin là có ma quỷ; đó là
một phần văn hóa của họ. Nhưng trong tuổi thơ của tôi, không ai dạy tôi tin vào
những điều nầy. Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi nói là không có ma quỷ
trên đời nầy. Vì thế nên khi có dịp đến Thái Lan nơi mà người ta
cho rằng có nhiều ma quỷ kinh hãi lắm, tôi chưa hề thấy một con ma nào. Khi
chúng tôi xây thiền viện Bung Wai, tôi được gửi vào ở trong rừng nơi mà
người ta đồn là những loài ma quái ác nhất thường lãng vãng. Tôi cũng
không biết về điều này mãi cho đến ngày thứ ba sau khi ở đó,
người ta mới bảo là có một con ma ghê gớm lắm đang trú ngụ trong khu rừng
mà tôi đang ở. Nhưng dưới cái nhìn của tôi, khu rừng mà tôi đang
ở và tu tập là tuyệt đẹp. Nhưng người tin là có ma sẽ thấy ma khi
họ đi vào khu rừng đó.
Thế thì hiện tượng ma quỷ là gì? Tâm
chúng ta phản ứng như thế nào với vấn đề nầy? Tôi không yêu cầu bạn
phải tin hay không tin vào những điều nầy, nhưng tôi mong bạn hiểu cách
vận hành của tâm. Khi đã được huân tập nhìn cuộc đời như thế nào
thì những gì bạn tin là có thật sẽ sinh khởi trong tâm bạn. Nếu sống trong một
gia đình dạy bạn tin là có ma từ lúc nhỏ, bạn sẽ rất dễ tin vào những gì
người khác nói với bạn, bạn sẽ không đặt nghi vấn về vấn đề nầy. Ngay
cả khi vào đại học và hiểu cuộc đời sâu sắc hơn, ở bình diện tình cảm
bạn vẫn sợ ma vì đây là cái nhìn được huân tập từ nhỏ. Tất cả
chúng ta đều có những lo sợ và quan kiến được huân tập từ lúc còn thơ
ấu. Và chúng ta phải để cho những lo sợ hay những quan kiến nầy trồi lên
và hiện ra trong tâm nếu chúng ta muốn thoát khỏi những kiềm kẹp của chúng.
BIẾT ĐƯỢC PHÁP HỮU VI VÀ PHÁP
VÔ VI
Chúng ta phải biết rằng những lo sợ
và nhận thức của chúng ta chỉ là những điều kiện hay những gì do nhân
duyên tạo thành. Chúng không phải là sự thật tuyệt đối. Trong quá
trình phát triển tâm linh, chúng ta sẽ tiến đến một trạng thái quân bình
khi nhận ra rằng những gì sinh khởi trong tâm chỉ là những điều kiện do
nhân duyên tạo thành; điều nầy có nghĩa là chúng bắt đầu rồi chấm
dứt. Cho dù chúng là những điều kiện vật chất hay tinh thần, chủ thể
hay khách thể, chúng đều có cùng những tính chất, đó là vô thường, bất
toại nguyện, và vô ngã.
Pháp vô vi hay pháp không điều kiện
là cái mà bạn không thể hiểu bằng khái niệm vì tất cả những khái niệm đều
thuộc về các pháp hữu vi hay các pháp điều kiện. Pháp vô vi là cái mà bạn
phải trực nhận. Niết Bàn là pháp không điều kiện, vì thế nên khi nói chúng
ta hướng về Niết Bàn, điều nầy có nghĩa là chúng ta hướng về các pháp vô
vi hay các pháp không điều kiện.
Thế thì pháp vô vi là gì? Bạn không
thể thấy, ngửi, nếm, xúc chạm, nghe, hay suy nghĩ về pháp vô vi nhưng nó là nơi
mà tất cả pháp hữu vi hội tụ về. Nó không thuộc về cảm giác. Nó là sự an tịnh.
Nó không sinh khởi hay hoại diệt, không có sự bắt đầu hay chấm
dứt. Chính nó là cội nguồn mà từ đó tất cả các pháp hữu vi được sinh
khởi. Khi để tất cả sự việc hiện lên trong tâm và ra đi, bạn
đang để cho chúng trở về với pháp vô vi hay pháp không điều kiện.
Thế thì mục tiêu tối hậu của con
người là thấy và biết rằng các pháp điều kiện chỉ là những điều kiện,
và pháp không điều kiện chỉ là pháp không điều kiện. Mục tiêu
tối hậu của con người là trở thành chính sự biết và thấy đó. Nói
khác đi, mục tiêu tối hậu của chúng ta là chánh niệm. Đó không phải chỉ là
một niềm tin tôn giáo, đó là cái mà chính bạn phải thực hành -- và không ai có
thể làm thế điều nầy cho bạn. Và đạo Phật là chiếc xe, là quy
ước, là cách thức, là truyền thống giúp bạn phá vỡ và đi xuyên qua những
ảo tưởng, thoát khỏi những trói buộc của những điều kiện của thế giới luân
hồi sinh tử. Khi thấy được pháp không điều kiện, hay pháp vô vi, hay
Niết bàn, lúc đó, bạn đang ở trạng thái vô sanh và bất tử.
***
------------------------------
Câu hỏi:
* Chúng
ta nên dành bao nhiêu công sức và ý chí trong lúc hành thiền? Tôi nghe Sư giảng
về tâm thanh tịnh và rạng rỡ, nên tôi cố gắng tinh tấn để tâm thanh tịnh
và rực sáng bằng cách chấm dứt hoặc ngừng lại dòng suy nghĩ của mình. Nhưng làm
như thế, tôi chỉ thấy căng thẳng và cứng nhắc, nhưng tôi lại nhớ đến những
gì Sư nói về tâm buông bỏ, nên tôi cố gắng thư giản. Nhưng sau đó, tôi lại
dã dượi buồn ngủ, và trí óc từ từ uể oải và hôn trầm. Xin Sư giảng thêm về vai
trò của sự tinh tấn và ý chí trong khi thực hành giáo pháp.
Trả lời: Chúng ta nên để ý đến vai trò
của Chánh tinh tấn hay tinh tấn đúng đắn, chứ không phải ý chí hay quyết
tâm tinh tấn. Trong thế giới phương Tây, chúng ta luôn có đầy quyết
tâm và ý chí. Nhưng quyết tâm và ý chí nầy nhất định không phải là Chánh tinh
tấn.
Thỉnh thoảng chúng ta vận dụng
tâm để ép buộc và thúc đẩy chúng ta làm việc. Nhưng rồi, có những
lúc, chúng ta không cố gắng gì cả và nằm lăn ra đó. Đây là hai thái cực.
Một mặt, bạn dùng quá nhiều sức để làm việc mà bạn không thể chịu dựng lâu
dài. Mặt khác, vì bạn thả nổi, không làm gì cả, bạn dùng quá ít năng lực để rồi
lăn đùng ra đó mà ngủ.
Chánh tinh tấn đến từ chánh
niệm và chánh niệm luôn chứa đựng khả năng chịu đựng. Nếu sử dụng
năng lượng vừa phải trong một hoàn cảnh nào đó, bạn sẽ có khả năng chịu
đựng lâu dài. Đôi khi, bạn phải sử dụng một năng lượng rất lớn trong một lúc
nào đó, nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc biệt và hiếm hoi. Trong xã hội
hiện đại, nhiều lúc bạn có thể sử dụng rất ít năng lượng và chỉ cần trôi
theo dòng chảy của cuộc đời vì xã hội có thể lo cho bạn -- bạn chỉ cần
sống qua ngày là đủ. Chánh tinh tấn là biết sử dụng đúng năng
lượng trong một thời điểm nào đó và trong một hoàn cảnh
nào đó. Chính niệm sẽ chỉ cho chúng ta thấy khi nào chúng ta mệt mỏi
quá độ và cần phải đi ngủ, khi nào phải dùng sức thật nhiều để
làm một việc cần nhiều sức lực, và khi nào chỉ cần sống với cái bình thường của
cuộc đời -- cứ sống theo dòng diễn biến của mọi sự vật mà không theo
thái cực nầy hoặc thái cực kia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét