Ajahn Sumedho
PHẦN II - TÂM TỈNH THỨC
CHƯƠNG 11
GHI NHẬN KHÔNG GIAN
Trong khi hành thiền, chúng ta tỉnh
thức và chú tâm; chúng ta lắng nghe và sống với giây phút hiện tại như
nó đang xảy ra, và chỉ lắng nghe thôi. Những gì chúng ta làm trong khi
hành thiền là chánh niệm và tỉnh giác về những gì đang xảy diễn, ghi nhận
không gian và các sắc pháp nằm trong không gian đó, nói khác đi, chúng ta
ghi nhận cả hai -- thế giới không điều kiện hay pháp vô vi và thế
giới điều kiện hay pháp hữu vi.
Như có đề cập trong phần đầu
của tập sách nầy, chúng ta có thể ghi nhận không gian trong một căn phòng. Có
lẽ phần lớn người đời không để ý đến không gian; họ thường chỉ ghi nhận
những sự vật có mặt và được bày biện trong căn phòng chẳng hạn như những
con người, các vách tường, sàn nhà, bàn ghế. Nhưng để ghi nhận được không
gian trong căn phòng, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải thôi không chú
ý đến các đồ vật có mặt trong phòng, và để tâm chú ý đến không gian
trong phòng. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta quăng bỏ hết đồ đạt trong
phòng ra ngoài, hay không cho bày biện các đồ đạt trong phòng. Nó chỉ có nghĩa
là chúng ta thôi không tập trung chú ý đến các đồ vật nữa, không dán mắt
vào hết cái nầy đến cái khác mà thôi.
Không gian trong phòng rất là bình
an và tĩnh lặng. Những đồ đạt trong phòng có thể kích thích chúng ta, làm
chúng ta ham thích, chán ghét, hoặc bị lôi cuốn quyến rũ, nhưng không gian thì
không như thế. Mặc dù không gian không thu hút sự chú ý của chúng ta như
các đồ đạt trong phòng, nhưng chúng ta vẫn có thể ý thức và tỉnh giác
trọn vẹn về sự hiện diện của nó, và chúng ta chỉ có thể ý thức về nó khi không
còn bị thu hút bởi các đồ vật bày biện trong phòng. Khi quán tưởng về
không gian trong căn phòng, chúng ta sẽ cảm thấy bình yên và lắng dịu vì tất cả
không gian đều giống nhau; không có sự khác biệt giữa không gian chung
quanh bạn và không gian chung quanh tôi. Nó không phải là của riêng tôi; Tôi
không thể tuyên bố, "Không gian nầy là thuộc về tôi" hay "Không
gian kia là thuộc về bạn."
Không gian luôn luôn có mặt
ở đây. Nó tạo điều kiện cho chúng ta được gần nhau, tụ họp lại
nhau trong căn phòng, trong phần không gian bị giới hạn bởi bốn bức tường nầy.
Không gian cũng có mặt ở ngoài căn phòng; nó bao trùm toàn thể căn nhà, và cả
vũ trụ nầy. Do đó, không gian không hề bị các sự vật ràng buộc và giới
hạn; nó không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì. Trong một góc độ nào đó,
chúng ta có thể xem căn phòng nầy là cái chứa đựng không gian, nhưng thật
ra, không gì có thể chứa đựng được không gian cả, không gian là bao la và
vô tận.
TÂM VÔ BIÊN
Khi chúng ta ghi nhận được
không gian bao phủ chung quanh con người và các đồ vật trong phòng, cái
nhìn của chúng ta về cuộc đời nầy sẽ đổi khác và mở rộng cái nhìn về không
gian vô biên nầy là một cách tu tập để mở rộng tâm thức của chúng
ta. Khi tâm trở thành vô biên, nó sẽ có khả năng chứa đựng được tất cả sự
vật. Khi tâm thu hẹp, sức chứa của nó cũng bị thu hẹp lại. Lúc đó, nó
phải tìm cách dàn xếp, toan tính và kiểm soát mọi sự vật và đẩy ra ngoài
những gì không cần thiết.
Với một cái nhìn chật hẹp,
cuộc đời của chúng ta sẽ bị đè nén, dồn ép và giới hạn; nó sẽ trở thành
một cuộc đấu tranh và vật lộn không ngừng. Nó sẽ luôn luôn bị căng thẳng
vì chúng ta phải luôn luôn tiêu phí rất nhiều năng lực để tổ chức và dàn xếp
mọi việc theo một trật tự nào đó. Nếu bạn có một cái nhìn hạn hẹp về
cuộc đời, bạn sẽ tìm cách làm cho cuộc đời đầy hỗn loạn nầy thành
trật tự và ngăn nắp, và vì thế, đầu óc của bạn sẽ luôn bận bịu, lo toan,
tìm cách nắm giữ những gì bạn yêu thích và chối bỏ những gì bạn chống ghét. Đây
chính là sự đau khổ (dukkha) xuất phát từ tâm si mê. Nó bắt nguồn từ sự
kiện là chúng ta không thể hiểu được bản chất tự nhiên của các pháp thế
gian.
Trong khi đó, tâm vô biên
chứa đựng tất cả. Nó giống như không gian trong căn phòng, cho dù
chúng ta đem chất vào hoặc vứt bỏ đi các đồ vật trong phòng, nó vẫn
cứ như thế và không bao giờ bị hư hại. Thông thường chúng ta nói "có không
gian trong căn phòng nầy", nhưng thật ra, chúng ta phải nói là căn phòng
nầy đang nằm trong không gian hay cả tòa nhà nầy nằm trong không gian
mới đúng. Khi tòa nhà sụp đổ và biến mất đi, không gian vẫn
ở đó. Không gian bao bọc chung quanh tòa nhà, và ngay bây giờ, chúng
ta đang dùng căn phòng nầy để chứa đựng không gian trong đó. Với
cái nhìn nầy, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về cuộc đời. Chúng ta
sẽ thấy là có những bức tường tạo nên hình thể của căn phòng, và có không gian.
Theo một cách nhìn nào đó thì những bức tường giới hạn phần không gian
trong căn phòng. Nhưng nhìn theo một cách khác thì chúng ta sẽ thấy không gian
quả là vô tận.
Không gian là cái gì mà bạn thường
không để ý đến vì nó không thu hút sự chú ý của bạn. Nó không phải là một
bông hoa tuyệt đẹp hay một tai họa khủng khiếp; nó cũng không phải là cái
gì thật đẹp hay thật xấu xa để có thể thu hút sự chú ý của bạn. Bạn có thể bị
chìm đắm trong một giây phút nào đó bởi một cái gì đó đầy sôi
nổi kích động hay khủng khiếp đáng sợ; nhưng bạn đâu có bao giờ bị không gian
làm say đắm hoặc mê lầm phải không các bạn? Để ghi nhận được khoảng không
gian, tâm bạn phải lắng xuống; bạn phải quán tưởng về nó. Lý do là vì không
gian không có những tính chất cực đoan thái quá; nó chỉ mênh mông, bao la
và trùm phủ lên tất cả mà thôi.
Những bông hoa có thể rất đẹp,
với những màu đỏ rực rỡ, vàng cam và tím thẫm, với những hình thể đẹp
mắt làm cho chúng ta mê đắm. Những cặn bả và rác rến hôi thối thì
thật xấu xí và làm chúng ta ghê tởm. Ngược lại, không gian không đẹp, và
nó cũng không làm chúng ta ghê tởm xa lánh. Nó là cái gì đó rất khó ghi
nhận, nhưng nếu không có không gian, sẽ không có bất cứ cái gì khác. Chúng ta
sẽ không thể thấy được cái gì hết.
Nếu chúng ta chất đầy ấp đồ
vật, hay dùng xi măng để trám đầy căn phòng nầy, thì căn phòng sẽ mất đi
không gian. Và rồi, dĩ nhiên, chúng ta sẽ không còn bình hoa đẹp hay
bất cứ vật gì khác để ngắm, cả gian phòng sẽ trở thành một khối đồ
vật hoặc một khối xi măng lớn và cứng nhắc. Nó sẽ trở nên vô dụng phải không
các bạn? Chính vì thế chúng ta cần cả hai, chúng ta vừa cần đồ vật, vừa cần
không gian trong phòng; chúng ta cần nhận rõ giá trị của cả hai: các sắc pháp
và không gian chứa đựng các sắc pháp. Cả hai cũng giống như một cặp vợ chồng
xứng đôi vừa lứa, một cuộc hôn nhân hoàn hảo, một sự hòa hợp hoàn thiện.
Chúng ta phát triển trí tuệ bằng cách quán tưởng cả hai: các sắc pháp và không
gian chứa đựng các sắc pháp ấy.
ÂM THANH CỦA SỰ YÊN LẶNG
Chúng ta có thể áp dụng cái nhìn mở
rộng về các sắc pháp và không gian chứa đựng các sắc pháp nầy vào việc
quán tâm và lấy khoảng không gian trong tâm làm đối tượng quán
sát. Khi nhìn vào trong tâm, chúng ta sẽ thấy có những tư tưởng và tình
cảm -- đây là những điều kiện của tâm thức hay những tâm sở -- chúng sinh rồi
diệt. Thông thường, chúng ta bị lóa mắt, ngạc nhiên, giật mình, phản kháng lại,
hay bị mắc kẹt trong những tư tưởng và tình cảm nầy. Chúng ta đi lang thang
từ tư tưởng nầy đến tư tưởng khác, chúng ta phản ứng lại, tìm cách kiểm soát,
toan tính dàn xếp, hay tìm cách chối bỏ chúng. Và vì thế chúng ta không thể
nhìn rõ cuộc đời. Chúng ta hoặc cứ lo nghĩ tìm cách đè nén, ức
chế hoặc dễ duôi chạy theo những trạng thái tâm; chúng ta bị mắc kẹt giữa hai
thái cực nầy.
Trong khi hành thiền, chúng ta sẽ có
dịp quán tâm. Sự yên lặng của tâm giống như không gian trong căn phòng vậy. Nó
luôn luôn có mặt ở đó, nhưng rất vi tế -- nó không nổi bật để
chúng ta có thể thấy dễ dàng. Nó không có những tính chất cực đoan để kích
thích và thu hút sự chú ý của chúng ta, vì thế chúng ta phải rất tỉnh giác và
chú tâm để ghi nhận nó. Một cách để chú ý đến sự yên lặng của
tâm là ghi nhận âm thanh của sự yên lặng.
Chúng ta có thể khéo léo sử dụng âm
thanh của sự yên lặng (chúng ta có thể gọi âm thanh đặc biệt nầy là âm
thanh nguyên sơ hay âm thanh nguyên thủy của con người, âm thanh của tâm, hay
là cái gì đó cũng được) bằng cách gọi nó lên và chú ý đến đó. Đó
là âm thanh có âm độ rất cao và rất khó mô tả. Ngay cả nếu bạn bịt kín lỗ tai
lại, hay lặn xuống nước, bạn vẫn nghe âm thanh ấy. Nó là âm thanh nền tảng của
tâm. Nó không tùy thuộc vào nhĩ căn của chúng ta. Chúng ta biết
nó độc lập và không tùy thuộc vào chúng ta vì vẫn nghe thấy được độ
cao và sự rung động của nó ngay cả khi nhĩ căn của chúng ta bị đóng kín lại.
Bằng cách chú tâm vào âm thanh của
sự yên lặng trong tâm trong một thời gian nào đó, bạn sẽ bắt đầu biết được
nó. Bạn sẽ dần dần làm quen với cách thấy và biết mới trong đó bạn có
thể quán sát. Đó không phải là một trạng thái tập trung tâm ý có năng lực
chiếm lãnh, chế ngự, và hoàn toàn cuốn hút bạn; nó không phải là một loại tập
trung tâm ý mang tính chất ức chế và đè nén. Lúc đó, thay vì bị cuốn
hút vào trong một đối tượng, tâm của bạn sẽ vẫn tập trung nhưng là một
loại tập trung mang tính chất quân bình, xả bỏ, rộng mở và trùm phủ. Bạn có thể
dùng sự tập trung tâm ý quân bình và cởi mở nầy để nhìn các pháp thế gian
và buông bỏ tất cả.
Bây giờ, tôi thật tình mong các bạn
hãy xem xét và áp dụng phương pháp thấy và biết mới nầy để có thể thật sự
biết thế nào là buông bỏ, thay vì chỉ mong cầu là mình phải buông bỏ nhưng
không biết phải buông bỏ như thế nào. Sau khi học Phật pháp, bạn biết rõ là
mình phải buông bỏ nhưng vẫn không biết làm sao để buông bỏ một cách dễ
dàng. Bạn có thể nghĩ, "Ôi thôi, tôi không thể buông
bỏ được!" Với cách suy nghĩ và phán xét nầy, bạn chỉ củng cố
thêm cái ngã của bạn: "Chỉ có các bạn khác mới biết buông bỏ, còn tôi thì
không thể làm như vậy. Tôi phải buông bỏ vì Sư Sumedho nói là mọi người phải
buông bỏ." Cách suy nghĩ trên vẫn thể hiện cái nhìn dựa trên "tự
ngã" phải không các bạn? Và nó chỉ là một tư tưởng, một điều kiện của
tâm thức, một trạng thái tâm có mặt tạm thời trong không gian bao la vô tận của
tâm thức.
KHÔNG GIAN CHUNG QUANH NHỮNG TƯ
TƯỞNG
Hãy lấy một câu nói đơn giản,
"Tôi là," rồi bắt đầu ghi nhận, quán sát, và suy tưởng trên vùng
không gian nằm chung quanh hai chữ "tôi là" nầy. Thay vì đi tìm
một cái gì khác, bạn hãy duy trì sự chú ý trên vùng không gian bao chung quanh
hay chữ nầy. Bạn hãy nhìn tiến trình tư duy, thật sự xem xét và tìm hiểu quá
trình ấy. Bây giờ, bạn sẽ thấy là bạn không thể thấy được con người đang
suy nghĩ ở trong bạn, vì ngay giây phút mà bạn ghi nhận là bạn đang suy
nghĩ, tiến trình suy nghĩ chấm dứt và biến mất ngay. Bạn có thể tiếp tục lo
nghĩ, "Tôi không biết là điều này sẽ xảy ra hay không. Nếu điều
nầy xảy ra thì sự việc sẽ như thế nào? Ồ, tôi lại đang suy nghĩ rồi."
và khi bạn biết là bạn đang suy nghĩ, tiến trình suy nghĩ lại chấm dứt.
Để xem xét tiến trình tư tưởng, bạn
hãy chú tâm suy nghĩ về một điều gì đó: thí dụ bạn có thể suy nghĩ về một ý
niệm rất bình thường như "Tôi là một con người," rồi chỉ nhìn và quan
sát nó. Nếu bạn quán sát phần đầu của tư tưởng nầy, bạn có thể thấy một
khoảng không gian ngay trước lúc bạn nói "Tôi," Sau đó, nếu
bạn tiếp tục suy nghĩ trong đầu là "Tôi -- là -- một -- con --
người," bạn sẽ thấy có những khoảng không gian trống ở giữa những chữ nầy.
Ở đây, chúng ta chỉ quán sát tư tưởng chứ không đánh giá xem tư
tưởng đó là thông minh hay ngu si đần độn. Trái lại, chúng ta cố ý
suy nghĩ để ghi nhận khoảng không gian nằm giữa mỗi tư tưởng. Với
phương pháp nầy, chúng ta sẽ thấy được bản chất vô thường của tiến trình
tư tưởng.
Đây chỉ là một cách nhìn và xem xét
để chúng ta có thể ghi nhận được khoảng trống khi không có sự suy nghĩ xảy diễn
ra trong tâm. Hãy cố gắng trụ tâm trên không gian của tâm khi không có tư tưởng
nào đang xảy diễn; hãy cố gắng trụ tâm trên phần không gian có trước
và sau khi một tư tưởng xuất hiện rồi chấm dứt. Bạn có thể trụ tâm như thế
trong bao lâu? Hãy suy nghĩ, "Tôi là một con người," và ngay lúc
trước khi bạn bắt đầu suy nghĩ câu nói trên, hãy trụ tâm trên khoảng
không gian trước khi bạn nói lên câu nói nầy. Đó chính là chánh niệm, phải
không các bạn? Tâm của bạn đang rỗng rang, nhưng lúc đó cũng đã có tác ý
muốn nghĩ về một điều gì đó đặc biệt. Sau đó, bạn hãy suy
nghĩ về điều đó, và khi tiến trình suy nghĩ về tư tưởng nầy chấm dứt, bạn
hãy cố gắng trụ tâm lại hay chánh niệm về khoảng không gian xuất hiện ngay sau
khi tiến trình tư tưởng trên chấm dứt. Tâm bạn có trống vắng và rỗng rang
không?
Phần lớn những đau khổ của
chúng ta đều xuất phát từ thói quen suy nghĩ của chính chúng ta. Chúng ta
không thể nào triệt tiêu tiến trình suy nghĩ bằng cách đè nén nó. Vì là
con người, chúng ta sẽ luôn tiếp tục suy nghĩ và suy nghĩ. Vì thế, điều
quan trọng không phải là tìm cách triệt tiêu tư tưởng, mà là thấy và
biết được tiến trình tư tưởng. Và chúng ta thấy và biết được tiến
trình tư tưởng bằng cách tập trung quán niệm trên khoảng không gian của tâm,
thay vì chỉ trụ tâm hay chú ý vào những luồng tư tưởng trong tâm.
Tâm chúng ta thường bị lôi cuốn bởi
những tư tưởng hấp dẫn hay phản ứng chống lại những tư tưởng xấu xa, nhưng khoảng
không gian nằm chung quanh những tư tưởng nầy tự nó không lôi cuốn hấp dẫn hay
làm chúng ta chán ghét. Không có sự khác biệt giữa khoảng không gian chung
quanh một tư tưởng đầy hấp dẫn và khoảng không gian chung quanh một tư
tưởng đầy chán ghét phải không các bạn? Qua việc tập trung quán niệm
trên khoảng không gian nằm giữa những luồng tư tưởng, chúng ta sẽ không còn bị
say khiến bởi những tình cảm yêu ghét về các tư tưởng. Vì thế, khi bạn thấy có
những mặc cảm tội lỗi, những tình cảm than vãn và tự thương xót, hay lòng tham
ái xuất hiện trong tâm, bạn hãy làm theo cách nầy -- cứ chú tâm suy nghĩ về
nó, để cho nó thật sự hiện lên trong tâm một cách có ý thức, rồi ghi nhận
phần không gian bao bọc chung quanh nó.
Làm như thế cũng giống như nhìn
không gian trong căn phòng: bạn không cố ý đi tìm không gian để quán
sát, phải không các bạn? Bạn chỉ đơn giản mở rộng tâm và đón
nhận không gian vì nó luôn luôn ở bên cạnh bạn. Nó không phải là cái mà bạn
phải đi tìm trong cái tủ đựng bát đĩa hay trong căn phòng kế
bên, hay ở dưới sàn nhà -- nó ở ngay tại đây và ngay bây giờ. Vì thế
bạn đang mở rộng tâm để đón nhận sự hiện diện của nó; bạn bắt đầu ghi nhận
là nó đang có mặt tại đây.
Nếu bạn vẫn cứ chú tâm đến
những cái màn, những cánh cửa sổ, hay những con người trong phòng, bạn sẽ không
ghi nhận được không gian. Nhưng bạn cũng không cần phải vứt tất cả
những đồ đạt nầy để ghi nhận không gian. Thay vào đó, bạn chỉ cần mở
rộng tâm và đón nhận không gian; và ghi nhận nó. Thay vì chỉ biết tập
trung trên một đối tượng, bạn hãy hoàn toàn mở rộng tâm thức. Bạn không
lựa chọn một đối tượng bị điều kiện hay một pháp hữu vi nào để quán
chiếu. Trái lại, bạn chỉ cần ý thức hay tỉnh giác về không gian
trong đó các pháp hữu vi đang tồn tại và vận hành.
CÁI THẤY VÀ BIẾT CỦA TÂM PHẬT
Bạn có thể áp dụng cái nhìn rộng mở
và trùm phủ nầy vào thế giới nội tâm của mình. Khi nhắm mắt lại, bạn có thể
lắng nghe những tiếng nói vọng lên từ trong tâm. Chúng nói, "Tôi là thế
nầy…Tôi không nên như thế kia." Bạn có thể dùng những tiếng nói nầy để
nhận ra khoảng không gian giữa những tư tưởng. Thay vì than phiền và làm
trầm trọng hơn về những nỗi ám ảnh và sợ hãi đang diễn ra trong tâm, bạn
có thể mở rộng tâm để thấy những ám ảnh và lo sợ nầy chỉ là những điều
kiện đến rồi đi trong khoảng không vô biên của tâm thức. Bằng cách nầy, thậm
chí một tư tưởng xấu ác cũng có thể giúp bạn thấy được sự trống rỗng của
các pháp.
Thấy và biết bằng cách nầy là phương
pháp rất thiện xảo và khéo léo vì nó giúp bạn chấm dứt được trận chiến tâm
linh trong đó bạn đang tìm cách quét sạch đi những tư tưởng bất thiện của
mình. Hãy để cho ác ma làm xong nhiệm vụ của nó, hay nói khác đi,
hãy để cho những ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm xuất hiện và ra đi, vì
bây giờ bạn đã biết ác ma hay các phiền não đều là vô thường. Chúng
xuất hiện và sẽ ra đi nên bạn không cần phải tiêu diệt nó. Ác ma hay
thiên thần -- tất cả đều giống nhau. Trước kia, khi một tư tưởng xấu
ác hiện ra, bạn liền than vãn: "Trời ơi, ác ma lại theo đuổi
tôi. Tôi phải tìm cách tiêu diệt nó!" Giờ đây, cho dù bạn đang
xua đuổi ác ma hay chào đón thiên thần, tất cả đều là dukkha hay đau
khổ. Nếu bạn có thái độ "mát mẻ và bình thản" của tâm Phật
-- tâm thấy biết các sự vật như nó đang xảy diễn -- thì tất cả sự vật
sẽ biến thành Dhamma hay Pháp. Mọi vật trở thành sự thật như
nó đang là. Bạn thấy và biết tất cả trạng thái tâm đến rồi đi, cái
xấu đi bên cạnh cái tốt, cái thiện xảo đi bên cạnh cái thô thiển và phàm
phu.
Đây là điều mà chúng ta gọi là quán
tưởng hay quán sát -- ghi nhận mọi việc như nó đang xảy diễn. Thay vì
cho là nó nên như thế nầy hay thế khác, bạn chỉ thuần quán sát và ghi nhận.
Mục đích của tôi không phải là giải thích cho bạn thấy sự vật như thế nào,
nhưng là khuyến khích bạn ghi nhận sự vật cho chính bạn. Xin bạn đừng nói
với mọi người là, "Sư Sumedho nói mọi vật đang diễn biến như thế
đó." Tôi không muốn thuyết phục bạn phải chấp nhận một quan điểm
hay một cái nhìn nào đó về cuộc đời; Tôi chỉ cố gắng trình bày cho bạn một
cách nhìn để bạn thử nghiệm, đó là cách quán tưởng trên chính kinh nghiệm
sống của bạn, cách thấy và biết được nội tâm của chính bạn.
***
------------------------------
Câu hỏi:
*Có
người nói về Jhanas hay các tầng thiền chỉ trong pháp thiền của đạo
Phật. Xin sư giải thích về các tầng thiền đó, chúng là gì và liên hệ
với chánh niệm, trí tuệ, và quán tưởng như thế nào?
Trả lời: Jhanas hay các
tầng thiền chỉ là để giúp bạn phát triển tâm. Mỗi Jhana là
mỗi tầng thiền trong đó ý thức của bạn được tinh luyện và trở nên vi tế
hơn. Và như là một tổng thể, các Jhanas giúp bạn tập trung tâm
ý trên những đối tượng ngày càng vi tế hơn. Không phải bằng ý chí mà bằng
công phu chánh niệm và quán tưởng, bạn sẽ ý thức sâu sắc về bản chất và kết quả
của những việc bạn đang làm. Khi hành thiền chỉ, từ tầng thiền
nầy đến tầng thiền khác, bạn sẽ phát triển khả năng tập trung chú ý trên
những đối tượng ngày càng vi tế hơn. Hành thiền chỉ sẽ giúp bạn phát triển
khả năng tập trung tâm ý và đạt được những trạng thái hỷ lạc do những
tầng ý thức được tinh luyện vi tế mang lại.
Đức Phật khuyên chúng ta chỉ nên
xem Jhanas hay thiền chỉ là phương tiện thiện xảo, chứ không
phải là cứu cánh tự nó. Nếu bạn xem nó như cứu cánh, bạn sẽ dính mắc vào những
tầng ý thức vi tế và từ đó, bạn sẽ đau khổ, vì đa phần đời sống con
người là không vi tế và rất thô thiển.
Khác với Jhanas, thiền
Minh Sát hay Vipassana tập trung thấy và biết sự vật như chính
nó, thấy và biết tính chất vô thường của các pháp hữu vi, và những khổ đau
đến từ sự dính mắc. Thiền Minh Sát dạy chúng ta đi ra khỏi khổ đau
không phải bằng con đường tinh luyện tâm ý hoặc làm cho tâm ý ngày càng vi tế
hơn, mà trái lại bằng con đường buông xả tất cả -- buông xả ngay cả
ước mong được nhập vào bất cứ tầng thiền nào.
* Như
vậy có phải trí tuệ là quán trên cái tâm chấp thủ của con người không?
Trả lời: Vâng, trí tuệ luôn ghi nhận hậu
quả của sự chấp thủ và phát triển Chánh Tư Duy. Thí dụ như quán tưởng về Tứ
diệu đế sẽ giúp chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn hay chánh tư duy, để trí
tuệ thâm nhập và xuyên thấu những quan điểm dựa trên tự ngã và tâm kiêu
mạn. Khi có chánh tư duy, chúng ta sẽ không hành thiền Jhanas với
tâm tham ái và ích kỷ; Thiền Jhanas là phương cách thiện
xảo để thanh lọc tâm chứ không phải là phương tiện để đạt những thành
tựu cá nhân. Hành thiền với tâm mong cầu đạt được một cái gì đó là
một điều sai lầm. Đó là thái độ cơ bản xuất phát từ vô minh và tự
ngã, kết hợp với tham ái và chấp thủ. Và điều nầy luôn luôn làm chúng
ta đau khổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét