Ajahn Sumedho
PHẦN III - SỐNG ĐẠO
CHƯƠNG 20
HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI
Đối với chúng ta, quán
tưởng về tương lai là một điều quan trọng. Tương lai là cái chưa xảy ra; nó là
cái không thể biết được. Nó ẩn chứa những gì có thể xảy ra, cho
dù đó là điều tốt lành hay xấu dữ, vui sướng hay khổ đau. Là
Phật tử, chúng ta quán tưởng về tương lai vì chúng ta biết rằng những gì chúng
ta làm trong hiện tại là nguyên nhân của những gì sẽ xảy đến với chúng ta
trong tương lai. Lời dạy của Đức Phật rất giản dị: chúng ta làm điều
tốt sẽ gặt quả tốt, và làm điều xấu sẽ gặt quả xấu. Đây là luật nhân
quả hay nghiệp báo. Nếu trong cuộc sống hiện tại chúng ta gây thiệt
hại, đối xử tàn tệ với người khác, và ích kỷ, thì trong tương lai
chúng ta sẽ chịu quả xấu. Hiểu được quy luật nghiệp báo, chúng ta sẽ thấy
rằng có trách nhiệm về cách sống, hành động và lời nói của chúng ta trong
hiện tại là quan trọng. Chúng ta biết rằng làm người, điều quan trọng là phải
sống đúng theo chánh pháp.
TƯƠNG LAI LÀ CÁI KHÔNG THỂ
BIẾT ĐƯỢC
Tương lai -- bạn hiểu
tương lai như thế nào? Khi nghĩ về tương lai, bạn có cảm tưởng gì? Chỉ cần tự
hỏi: Bạn muốn điều gì xảy ra trong tương lai? Cái gì làm bạn lo âu, sợ
hãi, mong đợi, hay hy vọng? Đây là thái độ của chúng ta mỗi lần nghĩ
về tương lai phải không các bạn? Mong đợi, suy đoán, phỏng chừng, hy
vọng, ước ao, lo âu, sợ hãi, chờ đón -- đây là những trạng thái tâm
thường sinh khởi khi chúng ta nghĩ về tương lai bởi vì tương lai là cái mà
chúng ta không thể biết được. Chúng ta suy đoán rất nhiều về tương
lai. Có người đi xem đồng bóng hoặc bói toán để đoán giải về tương
lai, và họ sẽ giải thích, "Có thể điều nầy hay điều nọ sẽ xảy
ra."
Nhưng hành thiền không
phải là suy đoán. Trong khi hành thiền, chúng ta quán sát các pháp
như chúng đang thật sự xảy diễn, và chúng ta nhận ra rằng tương lai là cái
không thể biết được. Tương lai là cái gì đó bao la và vô cùng bí
ẩn, bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra trong tương lai -- từ cái tốt nhất
cho đến cái xấu nhất.
Nhưng chúng ta thường rất
sợ hãi khi nghĩ về tương lai vì chúng ta biết là trong tương lai, chúng ta sẽ
phải chết và xa lìa những gì chúng ta yêu mến. Chúng ta không muốn nghĩ nhiều
về tương lai, vì nó nhắc nhở chúng ta đến cái chết và sự biệt ly. Bị dính
mắc vào cuộc sống hiện tại làm chúng ta rất sợ chết. Chúng ta bị dính chặt vào
cuộc sống -- vào cái hình hài nầy, vào những người thân yêu, của cải và tài
sản, và vào cái thế giới mà chúng ta đang cảm nhận -- đến nỗi chỉ
nghĩ đến lúc phải chia tay với những đối tượng vừa kể trên cũng đủ làm chúng ta
ưu sầu và phiền não. Vì thế chúng ta bám víu một cách tuyệt vọng vào cuộc sống,
con người, đồ vật và vào cái cảm giác ổn định và an toàn để rồi
với thời gian đi qua, chúng ta cũng phải chịu để cho tất cả những cái nầy tuột
khỏi tầm tay và không gì có thể chận lại được. Vì thế đối với
chúng ta, chết là một trong những điều bí ẩn đáng kinh sợ nhất.
Thời buổi nầy, con người
thích suy đoán về những gì xảy ra khi người ta chết. Quan điểm duy
vật cho là chết là hết. Người tin ở thuyết tái sinh cho là linh hồn con người
sẽ được tái sinh dưới một dạng khác. Một số quan điểm tôn giáo
cho là sau khi chết con người sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa
ngục. Nhưng một điều bạn phải tự nhận là vì chưa chết nên bạn không
thể biết được cái gì sẽ xảy ra. Tương lai là điều không thể biết
được, chỉ có trước mắt, chúng ta biết là chúng ta đang sống trong tấm thân
nầy, đang bị gắn chặt và bận rộn với cuộc sống nầy. Vì thế ngay bây giờ, chúng
ta phải trực diện với sự tồn tại nầy và cuộc đời nầy, trong khung cảnh
không ngừng thay đổi và sinh diệt của tâm thức.
Thay vì suy đoán về
những gì sẽ xảy ra sau khi thân xác nầy hoại diệt, Đức Phật chỉ cho chúng
ta thấy rằng trong giới hạn của tâm thức con người, có một con đường giúp chúng
ta đi ra khỏi khổ đau -- đó là sự tỉnh thức và chánh niệm về những gì đang
xảy ra trong hiện tại. Đây là con đường giúp chúng ta thoát khỏi sự sinh ngay
từ trong tâm thức. Và con đường thoát ly sự sinh nầy cũng là
con đường thoát ly sự chết vì nếu không có sinh thì cũng sẽ không có chết.
Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy được cách thoát ra khỏi sự tái sinh trong
ngay giây phút hiện tại -- ngay cả khi tấm thân vật lý này vẫn sống, vẫn thở,
vẫn suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận và thể nghiệm. Với tâm Chánh Niệm và Tỉnh Giác,
sẽ không còn sự tái sinh bắt nguồn từ vô minh; sẽ chỉ có những luồng
vận động, những dòng chảy tự nhiên của tâm thức và một sự ghi
nhận đơn thuần và tĩnh lặng, thay vì chỉ có những cuồng lưu và bão táp của
lo sợ và tham ái do vô minh thúc đẩy. Và với tâm Chính Niệm và Tỉnh
Giác, sẽ chỉ có tâm thức mở rộng và niềm tin tưởng để tiếp cận với cái
tương lai mà chúng ta không thể nào biết được .
Chánh Kiến, hay khả năng
thấy được sự vận hành của các Pháp như nó đang thật sự xảy diễn, là
con đường hoàn toàn vắng bóng sự sợ hãi bởi vì Pháp là bao la và vô tận.
Pháp là vĩnh hằng. Pháp là cái gì thật sự vĩ đại và đầy phép lạ. Bởi
vì không thể hiểu được Pháp qua con đường nhận thức và tri thức, nên chúng
ta chỉ có thể mở rộng tâm thức để tiếp nhận Pháp, mở rộng tâm thức để tiếp
cận với những gì không thể biết được, những gì bí ẩn. Kinh nghiệm nầy có
thể làm chúng ta khiếp sợ. Người đời thường mô tả kinh nghiệm chứng ngộ
tâm linh như một cái gì kinh sợ và khủng khiếp. Nó sẽ xô ngã và kéo phăng đi
tất cả những gì mà chúng ta đồng hóa, gắn chặt và tùy thuộc vào, tất cả
những gì làm chúng ta cảm thấy yên ổn và thoải mái. Bất thình lình, tất
cả đều bị lấy mất, giật khỏi tay của bạn, và bạn không còn gì để bám
vào cả. Nhưng điều kỳ diệu của sự chứng ngộ tâm linh là khi bạn có thể
chấp nhận được kinh nghiệm đáng sợ và khủng khiếp nầy, đó cũng chính
là lúc mà bạn sẽ tìm thấy được sự bình an thật sự. Lúc đó, bạn có thể
thật sự bình an mà hoàn toàn mở rộng tâm, hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận bất cứ
hiểm nguy nào và tỉnh giác với những gì mà chúng ta không thể biết được.
Ngoài việc suy đoán
về tương lai, chúng ta thường tìm cách tự bảo vệ và chống lại sự khống chế của
tương lai. Nhưng càng tự bảo vệ, chúng ta chỉ càng thêm lo âu và sợ hãi. Chúng
ta nghĩ rằng tự vệ là biện pháp an toàn. Chúng ta cho rằng để không bị tấn
công, chúng ta phải thật hùng mạnh để không ai dám tấn công, nhưng làm như
thế bắt buộc chúng ta phải liên tục ở trong tư thế phòng ngự và chống đở,
phải không các bạn? Và điều nầy chắc chắn sẽ dẫn đến thất
bại. Chúng ta có thể hung hãn và lên gân, nhưng chúng ta không thể gồng
mình và lên gân mãi mãi. Một lúc nào đó, chúng ta phải buông xả và thư
giản. Và lúc mà chúng ta thư giản cũng là lúc mà kẻ thù có thể dễ dàng tấn
công. Vì thế, tất cả những biện pháp phòng vệ và chống đở không thể giúp
chúng ta đối phó lại cái tương lai mà chúng ta hoàn toàn không biết gì cả.
HOÀN TOÀN MỞ RỘNG TÂM VÀ
HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG
Một trong những định
nghĩa của sự chứng ngộ tâm linh là đó là kinh nghiệm mà trong đó bạn
tự mình buông bỏ tất cả và chấp nhận bất cứ cái gì có thể xảy ra, cho
dù đó là những gì khủng khiếp nhất; thậm chí lúc đó, bạn cũng không
nhờ Thượng Đế giúp; khi bị ai đó tấn công, bạn cũng không kêu gào "Xin hãy
cứu tôi"; bạn hoàn toàn đón nhận tất cả hiểm nguy mà không tìm
cách đối phó lại và hoàn toàn nhạy cảm với sự vận hành của hành tinh, vũ
trụ, và những điều bí ẩn vĩ đại bao quanh chúng ta. Đối với
tôi, toàn bộ mục đích của cuộc sống và sự hoàn thiện tối thượng của con người
chính là thái độ hoàn toàn mở rộng nầy và thái độ hoàn toàn chấp nhận bất cứ
điều gì xảy ra trên cuộc đời nầy. Chúng ta sẽ thấy rằng cách duy nhất để
đi ra khỏi khổ đau không phải là tìm cách bảo vệ chúng ta khỏi sự khống chế của
khổ đau mà là làm cho tâm chúng ta hoàn toàn mở rộng để tiếp nhận khổ
đau.
Xã hội thường tìm cách bảo
vệ con người khỏi sự khống chế của những gì mà họ không thể
biết được. Họ đặt ra chế độ bảo hiểm, phúc lợi về hưu bổng,
và đủ loại chế độ an toàn xã hội mà người đời đòi hỏi và
mong đợi. Nhưng cuộc sống tâm linh trong đạo Phật như được thể
hiện qua hình ảnh vị sa môn là hoàn toàn khác hẳn. Cuộc sống vật chất của vị sa
môn hay khất sĩ là hoàn toàn tùy thuộc vào sự bố thí của người khác và vị sa
môn không bao giờ tìm cách bảo vệ mình; họ sống hơi khác với người đời
thường, bên ngoài những ràng buộc của xã hội, với tấm y vàng và đầu cạo
trọc. Lề lối và cách sống của một vị sa môn là những thể hiện bên ngoài
của một quá trình tu tập nội tâm. Để có được nội tâm của vị sa môn hay khất sĩ,
bạn phải sẵn sàng tự nguyện tin tưởng vào sự vận hành của Pháp và chân lý tuyệt
đối. Càng hành thiền, bạn sẽ càng có cái nhìn trí tuệ về những gì đang
thật sự xảy ra, và bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng ở giáo Pháp, và tự
tin hơn. Càng thực hành giáo pháp, bạn sẽ càng sẵn sàng mở rộng tâm thức hoàn
toàn để tiếp cận với những gì bí ẩn, bao la, và đáng khiếp sợ từ bên
ngoài -- mà không hề run sợ.
Là con người, chúng ta là
những sinh vật nhỏ bé và yếu đuối. So với vũ trụ, chúng ta rất yếu ớt
và mềm mại. Thí dụ, làn da của chúng ta rất mềm mỏng và dễ bị thương tích.
Nhưng cho dù yếu đuối giữa vũ trụ bao la và đầy bí ẩn nầy, chúng ta vẫn
có thể hoàn toàn tin tưởng. Nhờ hành thiền và từ đó có được cái nhìn trí
tuệ, tôi biết là tôi có thể hoàn toàn tin tưởng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự
bao dung và kỳ diệu của vũ trụ.
Chúng ta không thể thật sự
thấy và biết rỏ được toàn thể vũ trụ bao la nầy; chúng ta chỉ có thể mở
rộng tâm để tiếp cận và đón nhận nó. Ý thức con người thường chỉ
tiếp nhận được thế giới qua cửa ngỏ của sáu giác quan; chúng ta khó có thể
nhìn xa hơn nữa. Nhưng khi càng buông bỏ những dính mắc vào thế giới nầy --
nghĩa là càng ít bám vào và đồng hóa mình với nó -- chúng ta sẽ
bắt đầu thoáng thấy được sự bất tử. Chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận
được cõi bất tử (amaravati), thấy được sự thống nhất xuyên suốt các Pháp,
cùng với năng lượng từ bi trùm phủ tất cả trong cái tổng thể kỳ diệu của vũ
trụ.
Là những chúng sinh riêng
lẻ, rõ ràng là chúng ta có rất nhiều giới hạn, nhưng sự kiện được sinh ra
làm người cũng bao hàm ý nghĩa là chúng ta có khả năng hiểu được toàn bộ vũ
trụ. Nhưng sự hiểu biết nầy không đến từ những nhận thức mà là từ sự mở
rộng của tâm thức để tiếp cận với vũ trụ. Chúng ta không dựa vào một
giáo thuyết nào đó để tìm hiểu về vũ trụ. Khi mở rộng tâm thức, chúng ta
sẽ trực tiếp thể nghiệm toàn thể vũ trụ. Đây chính là tinh thần vô úy. Đó là
tinh thần sẵn sàng chịu đau đớn, sẵn sàng cảm nhận tất cả, và sẵn sàng chịu
đựng nỗi khổ đau, niềm tuyệt vọng, và sự hoang mang bấn loạn của cuộc sống
trong cõi dục giới nầy.
Vì thế tương lai là cái
chúng ta không thể biết được. Là những người đi tìm đạo,
chúng ta hãy hướng về cái không biết được. Trong khi hành thiền, thay
vì cứ bám chặt vào những cái biết được, chúng ta hãy mở rộng tâm và
hướng về cái không biết được. Điều mà chúng ta trân trọng và mong đợi
là rất đơn giản: đó là sự mở rộng tâm thức, sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng
cuộc đời như chúng ta đang sống với chính nó -- với tất cả những bước
thăng trầm, may mắn và bất hạnh, niềm hoan lạc và nỗi đau đớn của
nó. Chúng ta sẽ không còn kêu gào và cầu mong Thượng Đế bảo vệ, giúp
đở và ban nhiều phúc lành cho chúng ta. Chúng ta sẽ không còn chỉ mong cầu có
thật nhiều sức khoẻ và thụ hưởng những khoái lạc. Chúng ta sẽ chấp nhận bất cứ
những gì đến với chúng ta, cái gì cũng được. Đây là cách chúng
ta tiếp cận với tương lai, không phải bằng cách phòng ngự và bảo vệ, mà là mở
rộng tâm để tiếp nhận nó.
***
------------------------------
Câu hỏi:
* Khi
một người nào đó bị tai họa, Sư sẽ đề nghị giải quyết như thế nào?
Trả lời: Tôi sẽ đề nghị là
họ nên thật sự cố gắng chấp nhận thực tại. Họ có thể ghi nhận thực tế đó,
thay vì tìm cách đẩy nó sang một bên, chỉ biết than khóc, hay phản ứng
chống lại nó. Họ có thể cố gắng đơn thuần ghi nhận và chấp nhận
rằng đây là sự vận hành tự nhiên của các Pháp, và chịu đựng tình cảm
ưu sầu và buồn khổ do tai họa mang đến. Rồi họ sẽ có khả năng buông
bỏ nó. Buông bỏ ở đây không có nghĩa là tai họa sẽ biến mất như ý họ
muốn, nhưng có nghĩa là họ không tìm cách tranh chấp với nó hay tác động
đến nó nữa.
Đời sống là như thế đấy.
Là con người, tất cả chúng ta đều trải qua kinh nghiệm mất mát người
thương. Đây chỉ là một phần của kiếp người và loài người đã luôn trải qua
kinh nghiệm nầy. Chúng ta phải chứng kiến cha mẹ qua đời. Có thể
chúng ta phải chịu cảnh mất con hay bè bạn. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận
những điều kinh khủng xảy ra trong đời. Nhưng với tâm chánh niệm và tỉnh giác,
chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra. Có thể chúng ta sẽ
cảm thấy buồn và thương tiếc, nhưng chúng ta có thể chấp nhận cảm giác đau
khổ ấy. Khả năng chấp nhận sự khổ đau tự nó cũng đã dung chứa sự bình an
và tự tại; và kinh nghiệm đời người luôn mang theo chất liệu khổ đau với
nó.
Mỗi buổi sáng ở tu viện,
chúng tôi tụng đọc, "Tất cả những gì thương yêu và đem lại hạnh
phúc cho con rồi sẽ thay đổi." Bạn có thể cho đọc tụng như thế
là kỳ quặc, nhưng đó là quán tưởng về chân lý vô thường của cuộc đời --
những gì chúng ta yêu thương, những gì làm chúng ta toại nguyện rồi sẽ
thay đổi. Chúng ta sẽ đau khổ nếu chúng ta không muốn thay đổi
và không chấp nhận bất cứ thay đổi nào. Nhưng nếu tâm chúng ta mở rộng với
cuộc đời, chúng ta sẽ thấy là những lúc chúng ta đau khổ cũng là
những lúc chúng ta trưởng thành. Những người có cuộc sống quá dễ dãi đôi
khi không bao giờ trưởng thành; họ thường hư hỏng và tự mãn. Chỉ khi nào bạn bị
bắt buộc phải thật sự nhìn thẳng vào và chấp nhận những nỗi đau, lúc đó
bạn mới có thể trở thành người trí tuệ và trưởng thành hơn.
Có người mời tôi nói
chuyện với các bịnh nhân AIDS ở vùng San Francisco, bang California. Dĩ nhiên
AIDS là một chứng bịnh rất hiểm nghèo và kèm theo nó là tất cả những gì xấu xa
và ghê tởm nhất. Một hệ thống miễn nhiễm bị hư hỏng có lẽ là một trong
những điều khổ sở nhất xảy ra cho con người. Vì thế những người mắc
bệnh AIDS thường xem đây là nỗi đau riêng của họ với tình cảm cay cú
và phẫn uất, hay với mặc cảm tội lỗi và hối hận. Bạn có thể xem đây là sự
trừng phạt của Thượng đế vì bạn đã không sống một cuộc đời đạo
đức. Bạn có thể cảm thấy cuộc đời không tử tế với bạn, bạn có thể căm
thù Thượng Đế vì ngài bắt bạn phải chịu chứng bịnh khủng khiếp nầy. Bạn có
thể giơ cao những cú đấm lên trời rồi cảm thấy thương hại và đổ lỗi
cho chính mình. Hay ngược lại, bạn có thể xem kinh nghiệm nầy là một cơ
hội để thức tỉnh về cuộc đời, một cơ hội để thật sự nhìn và hiểu
cuộc đời.
Khi bạn biết là bạn sắp
chết, đôi khi điều này sẽ làm cho khoảng đời còn lại của bạn tăng giá
trị hẳn lên. Nếu bạn biết bạn sẽ chết trong sáu tháng nữa, và nếu bạn có chút
trí tuệ nào đó, bạn sẽ không đi lang thang và lãng phí sáu tháng này trong
những việc phù phiếm và vô ích. Nếu còn đầy đủ sức khỏe, có thể bạn sẽ
nghĩ, "Tôi vẫn còn nhiều thời gian phía trước mà. Tôi không cần phải hành
thiền ngay bây giờ đâu, vì khi lớn tuổi hơn, tôi vẫn có thể làm việc nầy.
Bây giờ thì tôi sẽ vui chơi và hưởng thụ trước cái đã." Trong chừng
mực nào đó, khi biết là bạn sẽ chết trong sáu tháng nữa có thể là
một điều đau đớn, nhưng một mặt khác, nó sẽ thức tỉnh bạn. Đó là điều
quan trọng -- sự tỉnh thức và sẵn sàng học hỏi từ cuộc đời -- cho dù
bạn đã làm gì hay điều gì đã xảy ra đi nữa. Trong mỗi
người chúng ta, lúc nào cũng có khả năng thức tỉnh này, cho dù chúng ta đã
làm gì đi nữa trong cuộc đời nầy.
Tôi nhìn cuộc sống của
chúng ta trong sắc thân nầy chỉ như là một giai đoạn chuyển
tiếp. Chúng ta không thật sự thuộc về thế gian nầy. Trái đất nầy
không phải là mái nhà thật sự của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng
với thực tại của kiếp người nầy. Cứ lẩn quẩn và dính mắc trong cõi nhân sinh là
việc không đáng làm, nhưng chúng ta cũng không nên xem thường và chối bỏ
kiếp sống làm người nầy. Sống làm người là để thức tỉnh và hiểu. Nếu bạn
có thể thức dậy từ giấc mơ của cuộc đời thì bạn không hề phí phạm đời
mình. Nếu bạn sống lâu -- như một trăm năm chẳng hạn -- mà cứ chạy theo
những tư tưởng mê lầm và ích kỷ, thì một trăm năm đó quả thật là hoang phí.
Nhưng nếu bạn thức tỉnh -- ngay cả nếu đời bạn rất là ngắn ngủi -- thì ít
ra, bạn đã không hề phí phạm nó.
HỒI HƯỚNG PHƯỚC BÁU
Nguyện cho các thí chủ cùng chung tay làm việc phước lành này luôn được an vui hạnh phúc, trí tuệ sáng suốt, bồ đề tâm tăng trưởng
và tu hành ngày càng tinh tấn.
Phần phước báu thanh cao
nầy cũng xin dâng đến ông bà, cha mẹ và các bậc ân nhân đã quá vãng
hay còn hiện tiền của các thí chủ. Nguyện cho các vị ấy hằng được an vui.
Nguyện cho tất cả chúng
sanh thưòng tịnh lạc, Phật đạo sớm viên thành. Nguyện cho Chánh
Pháp được lưu truyền phổ cập khắp thế gian.
NAM
MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét