Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 2
THIỀN ĐỊNH
CHƯƠNG 18
PHÁP CHIẾN.
Chúng ta chinh phục chính mình, không phải
người khác.
Chúng ta chiến đấu, nhưng chỉ chiến đấu
với những phiền não của chính mình.
Nếu có sự tham lam, chúng ta chống lại nó;
nếu có sự thù ghét, chúng ta ngăn chặn nó;
nếu có sự si mê, chúng ta dứt bỏ nó.
Đấu tranh với lòng
tham, với tâm thù ghét, với sự yêu thích – chúng là kẻ thù của chúng ta. Trong
sự tu hành của Phật Giáo, chúng ta chiến đấu tham, sân, si với sự trợ giúp của
Giáo Pháp và với sự nhẫn nại, chịu đựng. Chúng ta chiến đấu bằng cách chống lại
những cảm xúc khác nhau của chúng ta.
Phật pháp và thế gian
tương quan mật thiết với nhau. Nơi nào có Phật pháp, nơi đó có thế gian. Nơi
nào có phiền não, nơi đó có những người chế ngự phiền não, những người luôn
chiến đấu với chúng. Đây là trận chiến nội tại. Chinh phục người khác là đường lối thế gian. Trong sự tu hành, chúng ta
không đánh nhau với người khác, mà chinh phục chính tâm của mình, kiên nhẫn
chịu đựng và kháng cự lại những cảm xúc của mình.
Trong sự tu hành,
chúng ta không nuôi dưỡng lòng thù hận, buông bỏ ác ý trong mọi tư tưởng và
hành động, giải phóng mình ra khỏi sự ganh ghét, tức giận. Sự tức giận thường
dẫn tới sự trả thù. Nếu chúng ta cho phép một ý nghĩ không tốt gây thiệt hại đi
ngang qua và kết thúc tại đó, thì chúng ta không cần phải tìm cách trả thù nữa.
Chúng ta nhìn thấy hành động là nghiệp. “Trả thù” có nghĩa là tiếp tục hành
động theo ý nghĩ đó, nó đi xa hơn cả tư tưởng. Lối hành xử này sẽ gắn kết tạo
nên một chuỗi báo thù bất tận, và rồi hận thù chẳng bao giờ được buông bỏ.
Điều Đức Phật dạy,
phải có lòng từ bi đối với tất cả sinh linh. Vì thế, để huấn luyện chính mình
như những người đã rời khỏi thế gian – những người xuất gia – chúng ta phải tập
buông bỏ mọi hình thức bất thiện, tất cả những thứ gây ra thù địch. Chúng ta chinh phục chính mình, không phải
người khác. Chúng ta chiến đấu, nhưng
chỉ chiến đấu với phiền não của mình; nếu có sự tham lam, chúng ta chống lại
nó; nếu có sự thù ghét, chúng ta chiến đấu với nó; nếu có sự si mê, chúng ta cố
gắn dứt bỏ nó.
Đây gọi là Pháp chiến.
Cuộc chiến này của tâm thực sự rất khó khăn. Trận chiến gian khổ nhất. Chúng ta
tu hành để quán chiếu điều này, để học cách chiến đấu với tham, sân, si. Đây là
trách nhiệm hàng đầu của chúng ta. Rất ít người chiến đấu theo kiểu này. Đa số
họ chiến đấu với những thứ khác; họ không chiến đấu với phiền não. Họ cũng hiếm
khi nhận ra nó.
Đức Phật dạy chúng ta
buông bỏ và trau dồi đức hạnh. Đây là chánh đạo. Một khi bước vào Đạo, chúng ta
phải học hỏi, và điều này có nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để đối
phó với những khó khăn. Khi chúng ta cảm thấy chán ngán hay lười biếng, chúng
ta phải ép mình tiếp tục. Có vậy chúng ta mới có thể đạt Đạo. Nếu chúng ta
quyết tâm tu hành và quán chiếu, chúng ta chắc chắn sẽ giác ngộ.
Đức Phật khuyên chúng
ta buông bỏ quan điểm. Có vài quan điểm không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng
ta bám chặt vào những quan điểm này cứ như chúng là chân lý. Sự bám víu này
khiến chúng ta xoay vần mãi trong cái vòng sinh tử, không bao giờ đạt đến chỗ
tột cùng của Đạo. Nơi có nhiều người sống với nhau, như tăng đoàn sống chung
trong một tu viện, họ có thể tu hành thoải mái nếu quan điểm hài hòa. Nhưng
ngay cả hai hoặc ba vị sư cũng khó có thể chung sống với nhau nếu quan điểm họ
khác nhau. Khi chúng ta khiêm tốn và buông bỏ những quan điểm của mình, thì dầu
đoàn thể nào, có bao nhiêu người đi nữa, chúng ta cũng đều hòa hợp với nhau
trong Phật, Pháp, Tăng.
Không nhất thiết đông
người là mất hòa khí. Cứ nhìn con rết xem. Con rết có rất nhiều chân, phải
không? Có lẽ bạn nghĩ rằng nó sẽ khó đi tới đi lui lắm, nhưng thật sự thì
không. Nó có thứ tự, và nhịp độ riêng của nó. Sự tu hành của chúng ta cũng vậy.
Nếu chúng ta tu hành như các vị Thánh Tăng thời Đức Phật tu hành, thì sẽ không
khó. Những vị đó là những người tu hành tốt, người đi đúng đường, người tu hành
để thoát khổ đau, và những người tu hành đúng cách. Bốn phẩm chất này nếu được
thiết lập trong chúng ta, sẽ khiến chúng ta trở thành những người tu hành chân
chánh của Tăng Đoàn. Và rồi dầu đoàn thể có cả trăm hay cả ngàn người, chúng ta
đều hòa hợp và đi cùng một con đường. Chúng ta có những kiến thức và kinh
nghiệm khác nhau, nhưng chúng ta giống nhau. Dầu cho quan điểm khác nhau, nếu
chúng ta tu hành đúng đắn, sẽ không có sự xung đột. Cũng như tất cả sông ngòi
chảy ra biển, khi chúng hòa vào biển, chúng đều cùng một màu sắc và cùng một vị
mặn. Khi chúng ta bước vào Đạo, chỉ có một con đường. Dầu chúng ta đi đến từ
nơi khác nhau, chúng ta hòa hợp và nhập thành một.
Đức Phật dạy chúng ta
về giá trị của chánh niệm liên tục. Bất kể là đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta đều
có năng lực của sự chánh niệm. Khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta thấy chính
mình, thấy tâm của mình. Nếu chúng ta không có chánh niệm, chúng ta sẽ không
biết điều gì cả, chúng ta không ý thức được điều gì đang xảy ra. Cho nên chánh
niệm rất quan trọng. Với sự chánh niệm liên tục, chúng ta luôn nghe Pháp, cũng
như lỗ tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm thấy xúc chạm, tất
cả đều là Pháp. Phật Pháp luôn hiện diện.
Dầu chúng ta đi tới
trước, hay đi lui, chúng ta đều gặp Pháp – tất cả đều là Pháp nếu chúng ta có
chánh niệm. Quan sát một con vật chạy lòng vòng trong rừng, chúng ta nhìn thấy
con vậy đó giống như chúng ta. Chúng trốn tránh khổ đau và chạy theo hạnh phúc,
như con người vậy. Điều gì chúng không thích, chúng lẩn tránh. Chúng cũng sợ
chết như con người. Nếu chúng ta suy ngẫm điều này, chúng ta sẽ thấy rằng tất
cả chúng sinh đều có những bản năng như thế. Suy nghĩ như vậy sẽ đúng với chân
lý, thấy rằng tất cả chúng sinh đều là bạn đường trong chuyến xe sinh, lão,
bệnh, và tử.
Vì thế chúng ta phải
có chánh niệm. Bất kể chúng ta suy nghĩ hay cảm giác điều gì, chúng ta phải
nhận biết nó. Khi tâm hoàn toàn hiểu biết, chúng ta tu hành đúng cách. Nếu
chúng ta không có chánh niệm dầu chỉ năm phút, chúng ta điên rồ trong năm phút,
bất cẩn trong năm phút. Có chánh niệm là
biết chính mình, biết tình trạng diễn biến tâm mình và cuộc đời mình, là có sự
hiểu biết và nhận thức rõ ràng, là lắng nghe Pháp trong tất cả thời gian.
Hãy tu hành mỗi ngày.
Bất kể bạn cảm thấy lười biếng hay tinh cần, cứ tu hành. Đừng chỉ tu hành khi
bạn thích. Nếu bạn tu hành dựa theo cảm xúc của mình, đó không phải là Pháp, nó
là phiền não. Ngày hay đêm, tâm bình an hay không, không quan trọng. Cứ tu
hành.
Hãy cố giữ chánh niệm
trong tất cả thời gian: lúc đi, đứng, nằm, và ngồi. Nếu chúng ta có thể làm những công việc khác nhau trôi chảy tốt đẹp
trong một ngày, đó là vì nội tâm của chúng ta bình an. Khi có sự bình an nội
tâm trong công việc hằng ngày, chúng ta dễ đạt được sự bình an trong lúc hành
thiền. Chúng đi đôi với nhau. Cho nên, hãy nỗ lực tu hành. Đây là sự huấn
luyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét