Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 2
THIỀN ĐỊNH
CHƯƠNG 19
CỨ LÀM ĐI.
Chỉ chú tâm vào hơi thở ra vào.
Tập trung toàn bộ ý thức của bạn vào hơi thở.
Và cứ làm bấy nhiêu thôi.
Cứ tiếp tục hít vào và
thở ra như vầy. Đừng quan tâm đến những việc khác. Dầu cho có người nào chổng
đầu xuống đất, giơ hai chân lên trời cũng mặc kệ. Đừng để ý. Chỉ chú tâm vào
hơi thở ra vào. Tập trung toàn bộ ý thức của bạn vào hơi thở. Và cứ làm bấy
nhiêu thôi.
Đừng làm thêm gì khác.
Cũng không cần lo lắng là bạn đạt được điều gì. Chỉ nhận biết hơi thở vào và
hơi thở ra. Hít vào và thở ra. Có thể niệm thầm Đức Phật. Chỉ việc tập trung vào hơi thở bằng cách này cho đến khi
đầu óc tĩnh lặng, không còn bồn chồn, không còn căng thẳng, không còn kích
động, mà chỉ có hơi thở vào ra nhịp nhàng mà thôi. Hãy duy trì đầu óc bạn trong
trạng thái này. Bạn không cần mục tiêu nào cả vào lúc này. Đây là giai đoạn đầu
của việc tu tập.
Một khi đầu óc bình an và tĩnh lặng, nó sẽ nhận biết. Nếu bạn
tập trung như vậy mãi hơi thở sẽ lắng dịu, trở nên nhẹ nhàng hơn. Thân thể sẽ
trở nên mềm mại, đầu óc trở nên dễ bảo hơn. Đây là một tiến trình tự nhiên. Bạn ngồi
thiền một cách thoải mái, bạn không cảm thấy uể oải, không buồn ngủ. Đầu óc
bước vào trạng thái thoải mái tự nhiên bất kể nó đang làm gì. Nó tĩnh lặng. Nó
bình an. Và rồi bạn ra khỏi định, bạn sẽ tự nhủ, “Chà, điều gì vừa xảy ra vậy
nhỉ?” Bạn nhớ lại trạng thái bình an mà bạn vừa trải nghiệm. Và bạn không bao
giờ quên được cảm giác đó.
Đó là năng lực của sự
thức tỉnh và sự nhận biết chính mình. Bất kể chúng ta nói hay làm gì, bất kể
chúng ta đi đến đâu, dùng cơm, rửa bát, hãy nhận biết. Luôn luôn thức tỉnh. Hãy
theo sát tâm trí.
Khi bạn thực tập đi
kinh hành, hãy chọn một đoạn đường, chẳng hạn như từ cây này đến cây kia, cách
nhau khoảng một nghìn mét. Kinh hành cũng giống như ngồi thiền. Hãy tập trung
sự chú ý của bạn: “Ngay bây giờ, tôi sẽ dồn hết mọi nỗ lực. Với sự tỉnh thức và
tự nhận biết rõ ràng, tôi sẽ làm cho tâm trí mình tĩnh lặng”. Đối tượng cho sự tập trung này tùy vào
mỗi người. Tìm những gì phù hợp với bạn. Có người khởi đầu bằng chân phải, bước
đi với một mức độ bình thường, và niệm Buddho.
Luôn luôn ý thức về đối tượng đó. Nếu đầu óc trở nên kích động, hãy ngừng lại,
hít thở, lắng dịu đầu óc, và rồi đi kinh hành trở lại. Hãy luôn luôn nhận biết
chính mình. Nhận biết xung quanh, khởi đầu từ con đường, nhận biết mọi giai
đoạn của con đường, khúc đầu. khúc giữa, và khúc cuối. Nhận biết như thế mãi không
ngừng nghỉ.
Kinh hành có nghĩa là
đi tới đi lui. Điều này không dễ đâu. Có người nhìn thấy chúng tôi đi lên đi
xuống một đoạn đường mãi, họ cho rằng chúng tôi điên. Họ không hề biết rằng sự
kinh hành dẫn tới trí huệ lớn lao. Đi tới đi lui. Nếu bạn cảm thấy mệt, thì
đứng lại và lắng yên đầu óc của mình. Hãy tập trung vào công việc cho hơi thở
tự nhiên thoải mái. Khi hơi thở đã thoải mái phần nào, quay trở lại sự chú ý
với việc kinh hành.
Tư thế sẽ tự biết thay
đổi. Đi, đứng, nằm, ngồi. Chúng thay đổi, bởi vì chúng ta không thể làm một tư
thế mãi được. Chúng ta phải thay đổi tư thế, cho nên chúng ta tận dụng bốn tư
thế này để mang lợi ích cho mình. Chúng ta cứ làm như thế. Nhưng nó cũng không
dễ đâu.
Thử tưởng tượng xem:
Lấy một cái ly, đặt nó trên bàn khoảng hai phút. Khi đã được hai phút, đặt cái
lý nước đó ở một nơi khác trên bàn khoảng hai phút. Rồi sau hai phút, đặt cái
ly trở lại vị trí củ, và đợi thêm hai phút nữa. Cứ làm như thế. Làm như thế mãi
cho đến khi bạn bắt đầu cảm thấy khổ sở, cho đến khi bạn nghi ngờ, cho đến khi
bạn nói, “Mình đang làm gì đây, cứ dời cái ly tới lui như một thằng điên?” Đầu
óc sẽ suy nghĩ theo thói quen của nó. Nhưng bất kể ai nói gì, cứ việc di chuyển
cái ly đó mỗi hai phút, được không? – đừng mơ mộng – hai phút chứ không phải
năm phút đâu. Ngay khi hai phút vừa dứt, hãy dời cái ly qua chỗ khác. Chú tâm
vào việc này.
Nhận biết hơi thở vào
và hơi thở ra cũng giống vậy. Ngồi ngay thẳng, với chân phải đặt lên chân trái;
quan sát hơi thở vào cho đến khi nó hoàn toàn biến mất nơi bụng. Khi hơi thở
vào đã hoàn tất, cho phép hơi thở đi ra cho đến khi lá phổi trống rỗng. Đừng
cưỡng ép. Bất kể hơi thở dài hay ngắn, mạnh hay yếu, cứ để nó tự nhiên. Cứ ngồi
đó quan sát hơi thở đi ra, đi vào. Đừng cho phép đầu óc đi lạc hướng. Nếu nó đi
lạc hướng thì ngừng lại, xem thử nó đi tới đâu, tại sao nó không đi theo hơi
thở. Đi theo nó và mang nó trở lại. Giữ nó ở lại với hơi thở, và rồi một ngày
nào đó, bạn sẽ nhìn thấy thành quả của nỗ lực này. Cứ làm như thế mãi. Đừng bận
tâm là mình có đạt được gì hay không. Giống như thóc ở trong kho. Bạn đem nó ra
và gieo trên cánh đồng, như thể bạn ném nó đi; gieo nó khắp nơi trên cánh đồng
mà không quan tâm đến nó, nhưng rồi nó sẽ nẩy mầm, thành cây lúa, và bạn có
được những hạt gạo thơm ngon. Nó là như vậy đó.
Cùng thế ấy. Chỉ việc
ngồi đó. Có thể đôi lúc bạn nghĩ, “Tại sao tôi phải quan sát hơi thở một cách
miệt mài đến thế? Dầu tôi không quan sát thì nó vẫn cứ đi ra, đi vào như bình
thường mà”. Bạn sẽ luôn tìm thấy một điều gì đó để suy nghĩ. Nó là bản chất của
đầu óc. Cứ quên nó đi. Và tiếp tục cố gắng cho đến khi đầu óc yên lặng.
Một khi đầu óc yên
lặng, hơi thở sẽ giảm bớt, thân thể trở nên dễ chịu, đầu óc trở nên tinh tế.
Chúng ta sẽ ở lại trong trạng thái quân bình cho đến khi bạn có cảm tưởng như
hơi thở không còn tồn tại, nhưng không có gì xảy ra với bạn cả. Khi bạn đạt đến
điểm này, đừng hoảng hốt, đừng ngừng lại, đó chỉ là đầu óc của bạn đang lặng
yên. Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì. Chỉ việc ngồi và quan sát bất cứ
hiện tượng gì đang diễn ra trong đầu óc bạn.
Đôi lúc bạn có thể sẽ
bâng khuâng, “Ồ, mình có hít thở không đây?” Đó là một sự sai lầm. Đấy là cái
đầu óc đang suy nghĩ. Bất cứ điều gì xảy ra, hãy để sự việc diễn tiến tự nhiên,
bất kể bạn cảm thấy như thế nào. Hãy nhận biết nó, quan sát nó. Nhưng đừng bị
nó lừa gạt. Cứ làm như thế, làm thế mãi. Làm thường xuyên. Sau bữa ăn, dọn dẹp
và đi thẳng ra ngoài để khởi sự kinh hành. Tập trung vào hơi thở hay niệm Phật. Cứ nghĩ Buddho, Buddho mãi. Tập
trung vào đó trong suốt thời gian bạn đi bộ. Đi cho đến khi con đường mòn hẳn,
cho đến khi nó trở thành một cái rãnh sâu tới bắp chân của bạn, hay tới đầu gối
của bạn nếu cần. Và cứ thế mà đi.
Không phải đi tản bộ
cho chiếu lệ, không phải vừa đi vừa nghĩ lung tung, chuyện này, việc nọ, rồi đi
lên cái chòi của bạn để nhìn cái chiếu ngủ của bạn – sao hấp dẫn quá! – và rồi
nằm xuống, ngủ như heo. Cứ kiểu như vậy, bạn sẽ chẳng đi tới đâu cả.
Cho nên, hãy cố gắn
hết sức cho đến khi bạn chán ngắt và rồi xem thử tật lười biếng của mình lớn
tới đâu. Bất kể bạn kinh nghiệm điều gì, bạn phải đi xuyên qua nó trước khi bạn
có thể khắc phục nó. Không chỉ bằng cách lập đi lập lại chữ “bình an”, và rồi
khi bạn ngồi xuống thiền, sự bình an sẽ hiện đến như sau khi bạn bật công tắc
đèn. Nhưng nếu nó không đến, và bạn bỏ cuộc, bạn sẽ chẳng bao giờ được bình an.
Nói thì dễ, nhưng làm
thì khó. Giống như những tu sĩ muốn hoàn tục, nói rằng: “Trồng lúa có vẻ không
khó lắm. Mình đi làm ruộng thì tốt hơn”. Họ bắt đầu bỏ đi làm ruộng, mà họ
không biết gì về con trâu và cái cày, không biết gì cả. Cuối cùng họ mới hiểu
rằng nói chuyện về việc làm ruộng thì dễ, nhưng khi thật sự làm, họ mới thấy đủ
thứ vấn đề và chướng ngại xảy ra.
Ai cũng muốn tìm kiếm
bình an theo kiểu đó. Thật ra, sự bình an đã sẳn có ở đó, chỉ là bạn không nhận
biết nó mà thôi. Bạn có thể chạy theo nó, bạn có thể bàn luận về nó suốt ngày,
nhưng bạn vẫn không biết nó là gì.
Cho nên hãy thực hành.
Hãy đi theo hơi thở, chú tâm vào hơi thở với câu thần chú Buddho. Chỉ bấy nhiêu thôi. Đừng để tâm trí nghĩ ngợi lung tung.
Vào lúc này, bạn chỉ cần biết chừng đó thôi. Làm thế đi. Làm như sự hướng dẫn
trên. Dầu đầu óc bắt đầu suy nghĩ rằng không có gì xảy ra cả, cứ việc tiếp tục
tu tập. Bất kể bạn nghĩ gì, hãy nhận biết hơi thở của mình.
Thôi được. Hãy thử đi!
Nếu bạn ngồi như thế này và làm chủ được đầu óc, bạn sẽ đạt đến một điểm tốt
nhất, một trạng thái “vừa đúng”. Khi đầu
óc tĩnh lặng, sự nhận biết chính mình sẽ phát sinh một cách tư nhiên. Rồi nếu
bạn muốn ngồi suốt đêm, bạn sẽ không cảm thấy gì cả, bởi vì đầu óc đang hưởng
thụ chính nó. Khi bạn đạt điểm này, bạn đã thuần thục, bạn sẽ cảm thấy muốn
giảng thuyết cho các bạn bè của mình, và bạn có thể nói mãi mà không chán. Đôi
lúc nó là như vậy đó. Giống như Por Sang khi còn là một thiền sinh. Một đêm,
sau khi đi kinh hành và bắt đầu ngồi thiền, đầu óc ông trở nên minh mẫn và nhạy
bén.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét