Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 2
THIỀN ĐỊNH
CHƯƠNG 11
MÓN QUÀ CHÁNH PHÁP.
Món quà Chánh Pháp này...
sẽ chỉ cho bạn con đường dẫn tới sự bình an nội tâm.
Thân của bạn có thể rối rắm, nhưng tâm của bạn sẽ không.
Người thế gian có thể rối rắm, nhưng bạn sẽ không,
bởi vì tâm đã nhìn thấy.
Đôi
lúc cha mẹ của chư tăng ở Wat Pah Pong đến viến thăm con trai của họ. Tôi ân
hận vì mình không có quà cho những vị khách này. Về phương diện vật chất, ở
phương Tây, họ đã có quá nhiều, nhưng Chánh Pháp thì rất ít. Tôi đã từng đến
đó, và tận mắt nhìn thấy rằng họ không có đủ Chánh Pháp để mang đến sự bình an
và tĩnh lặng. Họ chỉ có những thứ khiến cho đầu óc thêm rối rắm và phiền toái.
Phương
tây đã sẵn phong phú về vật chất và có rất nhiều thứ có thể khiến cho bạn khoan
khoái. Tuy nhiên, người ta không hiểu Pháp, nên họ cảm thấy nó rất phức tạp. Vì
thế hôm nay, tôi tặng cho các bạn một ít Pháp để mang về như món quà từ Wat Pah
Pong và Wat Pah Nanachat.
Chánh
Pháp là gì? Chánh Pháp là thứ có thể cắt
xuyên qua những vấn đề và chướng ngại của chúng ta, làm giảm thiểu chúng dần
cho đến khi không còn gì nữa. Đó gọi là Chánh Pháp. Đó là điều nên được
khảo sát trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, để rồi khi những ý tưởng phát
sinh trong tâm, chúng ta có thể đối phó với chúng.
Chúng
ta ai cũng có vấn đề, dầu là sống tại Thái Lan hay tại các quốc gia khác. Nếu
chúng ta không biết làm sao để giải quyết nó, chúng ta sẽ luôn gặp chuyện đau khổ
và căng thẳng. Chỉ có trí huệ mới giải
quyết được vấn đề, và để có trí huệ, chúng ta phải phát triển và huấn luyện tâm.
Tu
hành không phải là một chuyện xa vời; nó nằm ngay tại đây trong thân và tâm của
chúng ta. Người Tây phương hay người Thái Lan đều như nhau; cả hai đều có thân
và tâm. Một thân thể và tâm trí rối ren có nghĩa là một người rối ren. Một thân
thể và tâm trí bình an là một người bình an.
Thật
ra, tâm giống như nước mưa, trong sạch và thuần khiết. Nhưng nếu chúng ta rót
vào đó vài giọt màu xanh, nó sẽ trở thành màu xanh. Nếu chúng ta rót vào đó
nước màu vàng, nó sẽ thành màu vàng. Tâm cũng vậy. Khi một cảm thọ thoải mái
rót vào tâm, tâm thấy thoải mái. Khi một cảm thọ khó chịu đến, tâm thấy khó
chịu. Nó bị nhuốm màu, giống như nước vậy.
Khi
nước trong, tiếp xúc với màu vàng, nó đổi thành màu vàng. Khi nó tiếp xúc với
màu xanh, nó biến thành màu xanh. Nó luôn thay đổi màu sắc. Thật ra, nước xanh
hay vàng, vốn dĩ trong sạch. Đây cũng là bản chất tự nhiên của tâm - trong sáng
và thuần khiết. Nó trở nên rối rắm chỉ vì nó đuổi theo các cảm thọ, nó lạc lối
trong những cảm thọ khác nhau của nó.
Để
tôi giải thích rõ hơn. Thử tưởng tượng bạn đang ngồi trong một khu rừng yên
tĩnh. Nếu không có gió, cây lá lặng yên. Khi gió thổi qua, chúng lay động. Tâm
cũng tương tự như chiếc lá. Khi nó tiếp xúc với một cảm thọ, nó cũng rung rẩy
và lay động tùy vào bản chất của cảm thọ đó. Và chúng ta càng ít hiểu biết về
Chánh Pháp, tâm càng thích chạy theo các cảm thọ của nó. Khi vui, nó chìm đắm
trong niềm vui; khi khổ nó chìm đắm trong đau khổ. Cứ rối rắm như thế mãi.
Cuối
cùng người ta bị thần kinh. Tại sao? Bởi vì họ không biết. Họ chỉ chạy theo
những cảm thọ của mình. Khi tâm không được chăm sóc dạy dỗ, nó giống như một
đứa trẻ không cha không mẹ - một đứa trẻ mồ côi không có nơi nương tựa và vì
thế nó cảm thấy rất bất an. Cùng thế ấy, nếu tâm không được điều phục với Chánh
Kiến, sự việc sẽ trở nên rất phức tạp.
Phương
pháp điều phục tâm mà tôi nói ở đây là cách làm cho tâm bình an và tĩnh lặng.
Bạn dùng nó để điều phục tâm và quán chiếu thân thể đến khi tâm đã thuần hóa.
Con
người bao gồm hai phần: thân và tâm. Chỉ có hai phần này thôi. “Thân thể” là
vật chất, cái có thể nhìn thấy được với mắt trần. Tâm thì không có khía cạnh
vật chất. Tâm chỉ có thể nhìn thấy với “con mắt trí huệ” hay “con mắt bên
trong”. Hai thứ này, thân và tâm, luôn ở trong trạng thái rối ren, hỗn loạn.
Tâm
là gì? Tâm thực sự không là “thứ” gì cả. Nó là cái nhìn thấy và cảm nhận. Cái
cảm nhận, tiếp thu, và kinh nghiệm mọi hiện tượng trí não, đó gọi là “tâm”. Khi
tôi nói với bạn, tâm bạn nhận biết những gì tôi nói. Âm thanh đi vào lỗ tai bạn
và bạn biết tôi vừa nói những gì. Cái vừa kinh nghiệm này được gọi là “tâm”.
Tâm
không có một tự ngã hay thực chất. Nó không có hình dáng. Nó chỉ kinh nghiệm
những động thái từ trí não mà thôi. Nếu chúng ta dạy cái tâm này có Chánh Kiến,
nó sẽ không có vấn đề gì cả. Nó sẽ an ổn. Tâm là tâm. Đối tượng của tâm là đối
tượng của tâm. Đối tượng của tâm không phải là tâm. Tâm không phải là những đối
tượng đó. Để có thể hiểu rõ tâm và đối tượng của tâm, chúng ta nói rằng tâm là
cái tiếp nhận những đối tượng hiện lên trong đó.
Khi
hai thứ này, tâm và đối tượng của tâm, tiếp cận nhau, chúng tạo nên những cảm
xúc - có cái dễ chịu, có cái khó chịu, có cái mát mẻ, có cái nóng bức - đủ thứ.
Khi chúng ta không có trí huệ để đối phó với những cảm xúc này, tâm sẽ bị khuấy
động.
Thiền
là phát triển tâm để nó trở thành cơ sở của sự phát sinh trí huệ. Ở đây, chúng
ta lấy hơi thở làm đối tượng của tâm. Chúng ta gọi đó là sự chánh niệm về hơi
thở. Chúng ta dùng hơi thở làm đối tượng để thiền quán bởi vì nó có mặt ngay
trong thân thể chúng ta, nó là cách dễ nhất được sử dụng trong thiền môn từ
thời xa xưa.
Khi
ngồi thiền, chúng ta ngồi xếp bằng: chân phải đặt trên chân trái, bàn tay phải
trên bàn tay trái. Lưng thẳng, đầu thẳng. Và tự nhủ: “Bây giờ ta sẽ buông xuống
mọi gánh nặng và lo âu”. Bạn không muốn bất cứ điều gì khiến bạn lo lắng. Hãy
buông bỏ tất cả mọi lo âu vào lúc này.
Sau
đó, chú tâm vào hơi thở. Rồi hít vào và thở ra. Đừng cố điều khiển hơi thở dài
ra hoặc ngắn đi. Đừng cố làm cho nó mạnh hơn hoặc nhẹ hơn. Chỉ để tự nhiên, thả
lỏng cơ thể. Sự chánh niệm, khởi sinh từ tâm, sẽ nhận biết hơi thở ra và hơi
thở vào.
Hãy bình thản. Đừng nghĩ đến bất cứ
điều gì. Điều duy nhất bạn phải làm là chú tâm vào hơi thở ra và hơi thở vào.
Ngoài việc đó ra, bạn không cần phải làm điều gì khác! Chú tâm hoàn toàn vào hơi thở ra và
hơi thở vào khi chúng xảy ra. Nhận biết phần đầu, phần giữa, và phần cuối của
mỗi hơi thở. Khi hít vào, phần đầu của hơi thở là ở chót mũi; phần giữa nơi
tim; và phần cuối nơi bụng. Khi thở ra, thì ngược lại: phần đầu hơi thở ở nơi
bụng; phần giữa ở nơi tim; và phần cuối ở nơi chót mũi.
Tập
trung sự chú ý vào cả ba điểm này sẽ giảm thiểu mọi lo âu. Đừng nghĩ đến bất cứ
điều gì khác. Cột chặt sự chú ý của bạn vào hơi thở. Đôi lúc, có những ý tưởng
khác sẽ đi vào đầu và làm bạn xao lãng. Không sao. Cứ việc kéo sự chú ý của bạn
trở lại với hơi thở. Tâm có thể phán đoán và khảo sát những cảm thọ của nó,
nhưng tiếp tục luyện tập, liên tục nhận biết phần đầu, phần giữa, phần cuối của
mỗi hơi thở.
Cuối
cùng, tâm sẽ nhận biết hơi thở ở ba điểm này trong mọi thời khắc. Khi bạn tu
tập như thế một thời gian, tâm sẽ quen dần. Sự mệt mõi sẽ biến mất. Thân thể sẽ
cảm thấy nhẹ nhàng hơn và hơi thở sẽ ngày càng trở nên thanh nhẹ hơn. Sự tỉnh
thức hay chánh niệm sẽ bảo vệ tâm và canh chừng nó.
Chúng
ta tu tập như thế này cho đến khi tâm bình an và tĩnh lặng, cho đến khi tâm
hoàn toàn thâm nhập vào hơi thở, trở thành một với hơi thở. Tâm an định, không
rối loạn. Nó biết đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối của mỗi hơi thở và tập
trung vào đó.
Rồi
khi tâm đã bình an, chúng ta chỉ theo dõi hơi thở ra và hơi thở vào tại chót
mũi mà thôi. Chúng ta không cần phải chạy theo nó xuống dưới bụng và đi trở
ngược lên nữa. Chỉ tập trung vào chót mũi, nơi hơi thở đi vào và đi ra.
Đây
gọi là “an định tâm”, tức là khiến cho tâm thanh thản và bình an. Khi sự tĩnh
lặng phát sinh, tâm dừng lại; nó dừng lại với đối tượng duy nhất của nó - hơi
thở. Đây là phương pháp làm cho tâm an định để trí huệ có thể phát sinh.
Đây
là sự khởi đầu, là nền tảng tu hành của chúng ta. Bạn nên cố gắn thực tập như
thế mỗi ngày, ở bất cứ nơi nào. Dầu là ở nhà, trong xe hơi, ngoài công viên,
nằm hay ngồi, bạn nên tỉnh thức và quan sát tâm liên tục.
Đây
gọi là pháp điều phục tâm và nên thực hành trong sinh hoạt - đi, đứng, nằm, và
ngồi. Điều chúng ta cần là nhận biết trạng thái của tâm trong từng giây phút,
và để làm thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức, nhận biết chính mình. Tâm đang vui
vẻ hay tâm đang đau khổ vậy? Nó có đang rối loạn không? Nhận biết tâm bằng cách
này giúp cho tâm trở nên tĩnh lặng, và khi nó tĩnh lặng, trí huệ sẽ phát sinh.
Với
tâm tĩnh lặng, hãy khảo sát đối tượng thiền quán: thân thể, từ đỉnh đầu đến gót
chân, rồi ngược trở lên đỉnh đầu. Cứ làm như thế mãi. Mang sự chú ý của bạn tới
tóc, lông, móng tay, răng, và da. Trong pháp thiền này, chúng ta sẽ nhận thấy
rằng toàn bộ thân thể bao gồm bốn nguyên tố: đất, nước, gió, và lửa.
Phần
đặc và cứng trong cơ thể hình thành từ nguyên tố đất; những phần chất lỏng và
chảy là nguyên tố nước; Các thứ không khí đi lên đi xuống cơ thể tạo thành
nguyên tố gió; và hơi ấm trong cơ thể tạo nên nguyên tố lửa.
Tất
cả gồm thâu lại tạo thành cái mà chúng ta gọi là “con người”. Tuy nhiên, khi
thân thể tan rã, thì chỉ còn bốn nguyên tố mà thôi. Đức Phật dạy rằng không có
cái gọi là “con người”, không có người Thái Lan, không có người Tây phương,
không có người Á Đông, không có ai cả, mà cuối cùng cũng chỉ có bốn nguyên tố
này - chỉ bấy nhiêu thôi! Chúng ta cho rằng có một người hay một chúng sinh,
nhưng trên thực tế thì không hề có những thứ đó.
Dầu
nói riêng như những nguyên tố đất, nước, gió và lửa hay nói chung với cái danh
xưng “con người”, tất cả những thứ này đều vô thường, khổ và vô ngã. Chúng
không ổn định lâu dài, không chắc chắn, và luôn thay đổi - Chúng không ổn định
quá một phút.
Thân
thể chúng ta không ổn định và luôn thay đổi liên tục. Tóc thay đổi, móng tay
thay đổi, răng thay đổi, da thay đổi, lông thay đổi, mọi thứ trong thân thể đều
thay đổi, một cách hoàn toàn. Tâm chúng ta cũng như vậy, nó luôn thay đổi.
Chúng không có một tự ngã hay thực chất. Nó không thật sự là “chúng ta” hay
“chúng nó”, mặc dầu nó có thể nghĩ như thế. Nếu chúng ta không có trí huệ và
chúng ta tin tưởng vào cái thân và tâm này của mình, nó sẽ lừa gạt chúng ta
mãi. Và chúng ta cứ khổ rồi vui, vui rồi khổ.
Tâm
là một thứ bất ổn. Thân cũng bất ổn. Đi chung với nhau , chúng mang tính chất
vô thường, là nguyên nhân của khổ đau và không có tự ngã. Những thứ này, Đức
Phật nói không phải là chúng sinh, không phải là linh hồn, không phải là “chúng
ta” hay “chúng nó”. Chúng chỉ là những nguyên tố: đất, nước, gió, và lửa. Chỉ
đơn giản là những nguyên tố mà thôi.
Khi
tâm nhìn thấy được sự thật về điều này, nó sẽ xả bỏ mọi dính mắc cho rằng tôi xinh đẹp, tôi tốt, tôi ác độc, tôi đau khổ, tôi có cái này, tôi có
cái kia. Bạn sẽ kinh nghiệm một trạng thái hợp nhất, bởi bạn nhận ra rằng tất
cả mọi người trên căn bản, đều như nhau. Không có cái “ta”. Chỉ có những nguyên
tố.
Khi
bạn quán chiếu và nhìn nhận sự vô thường, khổ, và vô ngã, bạn không còn bám víu
vào một tự ngã, một con người, một cái “ta”, “anh ta”, hay “cô ta” nữa. Khi tâm
đã thấy điều này, nó sẽ trở nên bình thản. Nó nhìn thấy tất cả mọi thứ đều như
nhau, mọi thứ đều vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.
Và
rồi tâm dừng lại. Tâm là Chánh Pháp. Tham, sân, si sẽ giảm thiểu dần cho đến
khi chỉ còn lại tâm - chỉ cái tâm thanh tịnh mà thôi. Đây gọi là “tu thiền”.
Món
quà Chánh Pháp này tôi tặng cho bạn để bạn nghiền ngẫm và quán xét trong đời
sống hằng ngày của mình. Nó sẽ cho bạn thấy con đường dẫn tới sự bình an nội
tâm. Nó sẽ trả lại cho tâm sự tĩnh lặng. Thân thể của bạn có thể đang rối loạn,
nhưng tâm của bạn sẽ không. Những người thế gian rối rắm, nhưng bạn thì không,
bởi vì tâm đã nhìn thấy chân lý. Tâm là Chánh Pháp. Đây là Chánh đạo, là pháp
môn đúng đắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét