Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 3
TRÍ HUỆ
CHƯƠNG 23
QUÁN CHIẾU LÀ GÌ?
Sự giảng dạy sau đây được trích từ buổi vấn đáp tại tu viện Wat
Gor Nork trong kỳ kiết hạ năm 1979, giữa Đại Đức Ajahn Chah và một nhóm đệ tử
nói tiếng Anh. Các câu hỏi được sắp xếp trình tự chuyển tiếp để giúp bạn đọc dễ
hiểu hơn.
Sự giác ngộ vượt lên trên tiến trình tư duy.
Và rồi, hành giả không còn bị lừa gạt bởi sự
tư duy nữa.
Hỏi: Khi ngài dạy về giá trị của sự quán chiếu, có phải ngài đang
nói về việc ngồi thiền và suy tư về một đề mục nào đó không – về 32 phần của
thân thể, chẳng hạn?
Đáp: Điều đó không cần thiết
khi tâm đã hoàn toàn tĩnh lặng. Khi sự tĩnh lặng đã được thiết lập, bạn sẽ biết
được đối tượng thích hợp cho sự khảo sát. Nếu đó là sự quán chiếu “thật”, thì
sẽ không có sự phân biệt giữa “đúng” và “sai”, “tốt” và “xấu”, không có những
thứ như thế. Bạn không ngồi đó suy nghĩ, “Ồ, điều này giống như thế này, điều kia
giống như thế kia, v.v…”. Đó là một hình thức quán chiếu thô tạp. Sự quán chiếu
trong thiền định không chỉ là vấn đền về suy tư mà đúng ra phải gọi nó là “sự
quán chiếu trong tĩnh lặng”. Trong khi làm công việc của mình hàng ngày, chúng
ta suy tư với sự tỉnh thức về bản chất của sự việc xuyên qua sự so sánh. Đây là
một loại khảo sát thô tạp, nhưng nó dẫn đến điều thật.
Hỏi: Khi ngài nói về việc quán chiếu thân và tâm, chúng ta có dùng
đến sự suy nghĩ không? Sự suy nghĩ có thể nào đưa đến sự chứng ngộ không? Đây
phải là thiền minh sát không?
Đáp: Lúc ban đầu, chúng ta cần sử dụng sự suy nghĩ, mặc dầu sau này
chúng ta vượt lên khỏi đó. Khi chúng ta quán chiếu thật sự, tất cả mọi tư tưởng
nhị nguyên đều chấm dứt, mặc dầu lúc đầu chúng ta cần phải suy nghĩ theo lối
nhị nguyên để khởi sự. Cuối cùng thì tất cả mọi suy nghĩ đều kết thúc.
Hỏi: Ngài nói rằng tâm cần có đủ tĩnh lặng (thiền định) trước khi
quán chiếu. Vậy tĩnh lặng đến bao nhiêu là đủ?
Đáp: Tĩnh lặng đủ để có sự hiện diện của tâm.
Hỏi: Ngài nói ở lại với hiện tại. Có phải đó là không suy nghĩ về
quá khứ và tương lai?
Đáp: Suy nghĩ về quá khứ và tương lai không sao cả, nếu bạn hiểu
thực chất của những điều này, nhưng bạn không được dính mắc vào chúng. Khi bạn
xem sự suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, đó là trí huệ. Đừng tin vào những thứ đó! Hãy
nhận ra rằng tất cả những thứ đó chỉ sinh rồi diệt. Cứ xem mọi thứ là như thế
thôi – tâm là tâm – nó không là một thứ gì, hay một người nào. Hạnh phúc chỉ là
hạnh phúc, khổ chỉ là khổ - nó chỉ vậy thôi. Khi bạn nhìn thấy được như vậy,
bạn sẽ không còn nghi ngờ.
Hỏi: Sự quán chiếu thật có giống như sự suy nghĩ không?
Đáp: Chúng ta dùng sự suy nghĩ như một công cụ, nhưng cái biết phát
sinh từ đó thì vượt lên trên tiến trình của tư duy, và từ cái biết này, chúng
ta không còn bị lừa gạt bởi sự suy nghĩ của chúng ta nữa. Bạn nhận ra rằng tất
cả những suy nghĩ chỉ là sự dao động của tâm, và cái biết thì không sinh và
không diệt. Theo bạn nghĩ thì sự dao động gọi là “tâm” xuất phát từ đâu? Cái mà
chúng ta gọi là “tâm” – tất cả sự dao động – chỉ là cái trạng thái tâm trí
thông thường. Nó không thật là tâm. Cái tâm thật chỉ ở đó; nó không sinh và
không diệt.
Nhưng nếu chỉ nói
thôi, thì bạn sẽ không thể hiểu những thứ này. Chúng ta cần xem xét tính chất
vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Chúng ta cần phải sử dụng sự suy nghĩ để
quán chiếu bản chất của các pháp hữu vi. Kết quả của việc làm này là trí huệ,
và nếu đó là trí huệ thật, mọi thứ sẽ kết thúc, hoàn tất – chúng ta nhận ra sự
rỗng không. Dầu sự suy nghĩ còn đó, nó hoàn toàn rỗng không – bạn không bị nó
ảnh hưởng.
Hỏi: Làm thế nào để đạt đến cái tâm thật này?
Đáp: Làm việc với cái tâm bạn sẳn có, dĩ nhiên! Hãy quán chiếu rằng
tất cả các pháp phát sinh trong tâm đều không chắc chắn, không có gì bền vững
cả. Hãy thấy nó rõ ràng và thấy rằng không có một nơi nào để nắm giữ một thứ gì
cả - tất cả đều rỗng không.
Khi bạn nhìn thấy thực
chất của các pháp sinh khởi trong tâm, bạn sẽ không cần làm việc với sự suy
nghĩ nữa. Bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa về điều này.
Chúng ta tạm gọi là
cái “tâm thật” hay “chân tâm” để cho dễ hiểu và tiện việc nghiên cứu, nhưng
thật sự thì thiên nhiên như thế thôi. Ví dụ, chúng ta ngồi trên sàn đá ở đây.
Sàn nhà là nền – nó không di động hay đi đâu cả. Lầu, bên trên chúng ta, là cái
được xây cất lên từ cái nền này. Lầu cũng giống như những thứ mà chúng ta nhìn
thấy trong tâm: hình sắc, cảm xúc, ký ức, suy nghĩ. Thật ra, chúng không tồn
tại theo cách chúng ta nghĩ, chúng chỉ là cái tâm trí thông thường. Chúng sinh
khởi rồi lại hủy diệt; chúng không có thực chất, không thật sự tồn tại.
Có một câu chuyện
trong kinh nói về việc đức Xá-lợi-phất sát hạch một tỳ kheo trước khi cho phép
ông ấy trở thành một du tăng khổ hạnh. Ngài hỏi vị tỳ kheo, ông ta sẽ trả lời
như thế nào nếu có người hỏi ông, “Điều gì xảy ra sau khi Đức Phật chết?” vị tỳ
kheo trả lời, “Khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sinh khởi, chúng lại hoại
diệt”. Đức Xá-lợi-phất để ông ấy đi.
Tuy nhiên, tu hành
không phải là ở đó để bàn về sự sinh và diệt. Bạn phải tự mình nhìn thấy điều
này. Khi ngồi thiền, chỉ việc nhìn thấy những gì đang thật sự diễn ra. Đừng
chạy theo một thứ gì. Quán chiếu không có nghĩa là dính mắc vào suy nghĩ. Sự
suy nghĩ trong thiền của một hành giả tầm Đạo không giống như sự suy nghĩ ở thế
gian. Chừng nào bạn chưa hiểu quán chiếu là gì, thì bạn càng suy nghĩ, sự việc
càng trở nên rối rắm.
Lý do mà tôi nhấn mạnh
về sự phát triển chánh niệm là, chúng ta cần nhìn rõ những gì đang xảy ra.
Chúng ta phải hiểu những quá trình của tâm. Khi sự chánh niệm và hiểu biết như
thế hiện diện, mọi thứ sẽ được chăm sóc. Tại sao một người hiểu Đạo không bao
giờ hành xử từ sự tức giận hay vô minh? Những điều kiện hay nguyên nhân phát
sinh những thứ này không tồn tại. Chúng đến từ đâu? Chánh niệm đã khống chế tất
cả mọi thứ.
Hỏi: Có phải cái tâm mà ngài đang nói đến là “Tâm Nguyên Thủy”
không?
Đáp: Ý bạn là sao?
Hỏi: Theo ngài nói thì hình như có một thứ gì khác bên ngoài cái
thân-tâm thông thường. Có thứ gì khác không? Ngài gọi nó là gì?
Đáp: Không có gì cả, và chúng ta không gọi nó là một thứ gì. Hãy kết
thúc với chúng. Ngay cả cái biết cũng không thuộc về một người nào, cho nên hãy
kết thúc nó luôn! Tâm thức không phải là một cá thể, không phải là một tự ngã,
cho nên hãy kết thúc với nó – kết thúc tất cả mọi thứ! Không có gì đáng để ham
muốn! Chúng chỉ là một đống phiền phức. Khi bạn nhìn thấy điều này rõ ràng, mọi
thứ đều kết thúc.
Hỏi: Chúng ta có thể gọi nó là “Tâm Nguyên Thủy” không?
Đáp: Bạn có thể gọi nó là bất cứ thứ gì bạn muốn. Nhưng bạn phải
hiểu điều này rõ ràng. Nếu bạn không sử dụng cái thực tại hữu vi, chúng ta sẽ
không có từ ngữ và khái niệm để quán xét cái thực tại vô vi – tức là Pháp. Điểm
này rất quan trọng.
Hỏi: Mức định ở giai đoạn này là gì? Và sự chánh niệm phải như thế
nào?
Đáp: Bạn không cần suy nghĩ kiểu đó. Nếu bạn không có đủ định lực,
bạn sẽ không thể đối phó với những câu hỏi này. Bạn cần có đủ định lực để biết
điều gì đang xảy ra – đủ để sự sáng suốt và hiểu biết phát sinh.
Những câu hỏi như thế
này chứng tỏ bạn vẫn còn nghi ngờ. Bạn cần đủ tĩnh lặng để không còn nghi ngờ
vào những gì mình đang làm. Nếu bạn thật sự tu hành, bạn sẽ hiểu điều này. Càng
tiếp tục hỏi những câu như thế, bạn càng làm cho mình rối rắm thêm. Thảo luận
thì không sao nếu sự thảo luận có thể giúp cho sự quán chiếu, nhưng nó không
cho bạn thấy thực chất của sự việc. Bạn không thể hiểu Đạo qua một người khác.
Bạn phải tự mình nhìn thấy Đạo.
Nếu bạn đã hiểu những
gì tôi nói, bạn không cần phải làm gì nữa. Nếu vẫn còn việc để làm, thì bổn
phận của bạn là làm điều đó.
Chỉ việc tiếp tục
buông bỏ tất cả, và biết rằng đó là điều bạn đang làm. Bạn không phải chất vấn
mình mãi, lo lắng về những việc như “Bao nhiêu thiền định?” Bất cứ thứ gì phát
sinh trong sự tu hành của bạn, cứ buông bỏ nó, biết rằng tất cả đều không chắc
chắn, đều tạm bợ. Hãy nhớ như thế! Tất cả đều không chắc chắn. Hãy kết thúc với
chúng! Đây là con đường dẫn bạn tới cội nguồn – cái Tâm Nguyên Thủy của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét