7 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 1 - CHƯƠNG 5

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 1

GIỚI LUẬT

ĐỨC HẠNH VÀ THẾ GIỚI CỦA LỤC CĂN

CHƯƠNG 5

LỤC CĂN: CỘI NGUỒN CỦA TRÍ HUỆ

Lục căn có thể mang đến cho chúng ta sự khoái lạc và mê đắm,

nhưng chúng cũng có thể dẫn tới sự hiểu biết và trí huệ.

Chúng ta quyết định tu hành theo Phật Pháp để mong đạt được tâm bình an. Nhưng sự bình an chân thật là gì? Sự bình an chân thật, Đức Phật nói, không ở đâu xa xôi - nó ở ngay bên trong chúng ta, chỉ là chúng ta không nhận ra nó mà thôi. Ai cũng mong tìm được sự bình an nhưng chỉ thấy toàn là sự kích động và hỗn loạn. Họ không tin vào chính mình và chưa thỏa mãn với sự tu hành của mình. Nó tương tự như khi chúng ta rời khỏi nhà, đi hết nơi này đến nơi kia, nhưng chừng nào chúng ta chưa về lại nhà, chúng ta sẽ không thấy thoả mãn. Chúng ta vẫn còn công việc để làm. Đó là bởi vì hành trình của chúng ta chưa hoàn tất, chúng ta chưa đạt đến mục tiêu của mình.

Ai cũng muốn được bình an. Khi tôi còn trẻ, tôi tìm kiếm nó khắp nơi. Nhưng đến đâu, tôi cũng không thoả mãn. Tôi lang thang trong rừng, viếng thăm nhiều vị thầy, đi nghe nhiều buổi thuyết Pháp, nhưng ở đâu tôi cũng không thấy thoả mãn. Tại sao vậy? Chúng ta tìm kiếm sự bình an ở những nơi có rất ít cảnh sắc, âm thanh, mùi vị, tin rằng sống yên tĩnh như thế sẽ dẫn tới sự mãn túc. Nhưng sự thật thì, nếu chúng ta sống quá yên lặng ở những nơi mà không có gì xảy ra cả, trí huệ làm sao có thể phát sinh? Chúng ta có cảm nhận được một điều gì không? Thử nghĩ đi. Điều gì sẽ xảy ra nếu mắt không nhìn thấy cảnh sắc, mũi không ngửi được gì, lưỡi không nếm được vị nào, thân thể không có cảm xúc? Sống như thế là sống như một người đui và điếc, một người mà mũi và lưỡi đã sứt mất và thân thể hoàn toàn tê liệt, còn có gì ở đó nữa không? Vậy mà nhiều người nghĩ rằng nếu họ đi đến một nơi không có gì xảy ra, họ sẽ tìm được sự bình an.

Khi mới xuất gia, tôi ngồi thiền và cảm thấy nhiều tiếng động quấy nhiễu mình. Tôi nghĩ, “Làm sao để cho tâm được bình an đây?”. Thế là tôi lấy sáp ong nhét vào hai lỗ tai để tôi không thể nghe gì nữa. Tôi nghĩ rằng như thế là bình an rồi. Nhưng không. Tất cả những tư tưởng và sự hỗn mang không đến từ lỗ tai. Chúng đến từ trong tâm của tôi. Đó mới là nơi để tìm kiếm sự bình an.

Cho nên, dầu là ở đâu, bạn cũng không muốn làm điều gì cả bởi vì bạn cho rằng những việc đó chỉ quấy nhiễu sự tu hành của bạn. Bạn không muốn quét sân hay làm những việc như vậy. Bạn chỉ muốn ngồi yên và tìm sự bình an theo kiểu đó. Vị thầy yêu cầu bạn giúp đỡ trong công việc hàng ngày, nhưng bạn chỉ làm cho chiếu lệ bởi vì bạn cho rằng đó là những chuyện bên ngoài.

Một trong các đệ tử của tôi rất muốn “buông bỏ” và tìm sự bình an. Tôi từng giảng dạy về “sự buông bỏ,” nên anh ta nghĩ rằng bằng cách buông bỏ tất cả, anh sẽ được bình an. Ngay ngày đầu tiên đến đây, anh từ chối làm bất cứ công việc gì. Ngay cả khi gió thổi bay mất nửa cái mái chòi của mình, anh cũng không làm gì cả. Anh nói đó chỉ là chuyện bên ngoài. Thế là anh không bận tâm sửa chữa nó. Khi nắng chiếu, anh dời qua, khi mưa rơi, anh dời lại. Công việc duy nhất của anh là tìm kiếm sự bình an. Những việc khác không đáng để bận tâm.

Một hôm tôi đi ngang qua chòi của anh, nhìn thấy mái nhà sụp đổ. “Ủa, chòi của ai vậy?” tôi hỏi. Khi biết đó là chòi của anh ta, tôi mới nói chuyện với anh, giải thích nhiều việc, chẳng hạn như, bổn phận của tăng sĩ đối với chỗ trú ẩn của mình.“Chúng ta phải có một nơi trú ẩn, và chúng ta phải chăm sóc cho nó. ‛Buông bỏ’ không phải giống như vậy. Nó không có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm của mình. Đó là hành vi của một người ngu. Khi trời mưa, anh dời qua phía bên này cái chòi. Rồi khi trời nắng chói chang, anh dời trở lại phía bên kia. Tại sao vậy? Tại sao anh không quan tâm gì cả thế?” Tôi giảng giải cho anh ta một hồi lâu.

Khi tôi nói xong, anh ta nói, “Ồ, tôi thật không hiểu. Lúc thì ngài dạy tôi buông bỏ, lúc thì ngài bảo tôi bám víu. Tôi không biết phải làm gì đây. Ngay cả khi mái nhà sụp đổ và tôi đã buông bỏ đến mức độ này, ngài vẫn cho rằng làm như thế là không đúng. Tôi thật không biết phải làm gì mới đúng”.

Có những người như vậy đó. Họ ngu đến như thế.

Các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm đều là những thứ có thể giúp bạn phát sinh trí huệ, nếu chúng ta hiểu biết bản chất của chúng. Nếu chúng ta không thật sự hiểu biết chúng, chúng ta từ chối chúng, nói rằng chúng ta không muốn thấy, không muốn nghe, v.v..., bởi vì chúng quấy nhiễu chúng ta. Nếu chúng ta dứt tuyệt những điều này, thì chúng ta lấy gì để mà quán chiếu?

Đây là tại sao chúng ta cần phải thu thúc lục căn. Kiềm thúc là giới. Có giới luật về sự kiềm thúc lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm. Những thứ này là giới luật, và chúng là sự thiền định của chúng ta. Hãy suy ngẫm câu chuyện sau đây về Xá-lợi-phất. Có một lần, trước khi thọ giới tỳ kheo, ông nhìn thấy một vị sa môn đang đi khất thực, và suy nghĩ, “Vị tăng này rất khác thường. Ông không đi quá nhanh hay quá chậm, áo choàng thì rất cũ, nhưng phong thái thì thu thúc”. Xá-lợi-phất cảm thấy thích vị tăng đó, nên tiến đến gần, cung kính chào và hỏi, “Thưa ngài, ngài là ai?”

“Tôi là một sa-môn”.

“Thầy của ngài là ai vậy?”.

“Đức Thích Ca Mâu Ni là thầy của tôi”.

“Đức Thích Ca Mâu Ni dạy điều gì thế?”

“Ngài dạy rằng tất cả các pháp sinh khởi đều do nhân duyên. Khi chúng ngừng, đó là vì nhân duyên ngừng”.

Khi Xá-lợi-phất hỏi về Phật Pháp, vị sa môn cho ông một bài pháp ngắn về lý nhân quả. Các pháp sinh khởi bởi vì có nguyên nhân. Nhân đến trước và quả theo sau. Nếu muốn ngừng quả, nhân phải ngừng trước. Đó là tất cả những gì ông nói, nhưng như thế là đủ đối với Xá-lợi-phất rồi.

Đây là nguyên nhân cho sự phát sinh của pháp. Vào lúc đó, Xá-lợi-phất có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Lục căn của ông đều nguyên vẹn. Nếu không có lục căn đó, liệu ông có đủ nhân duyên để nghe pháp và trí huệ phát sinh không? Liệu ông có chứng ngộ được điều gì không? Nhưng đa số chúng ta sợ tiếp xúc. Hoặc là chúng ta thích tiếp xúc, nhưng chúng ta không đạt được chút trí huệ nào từ đó cả. Thay vì vậy, chúng ta tiếp tục chạy theo lục căn, ham thích lục trần và chìm đắm trong đó. Lục căn có thể mang đến cho chúng ta sự khoái lạc và mê đắm, nhưng chúng cũng có thể dẫn tới sự hiểu biết và trí huệ.

Cho nên chúng ta cần sử dụng mọi thứ để tu tập. Ngay cả những điều xấu. Khi chúng ta nói về sự tu hành, chúng ta không chỉ đề cập đến những điều thiện lành và tốt đẹp. Không phải vậy. Trong thế giới này, có thứ chúng ta thích, có thứ chúng ta không thích. Thường thì những gì chúng ta thích chúng ta muốn có, ngay cả người xuất gia. Bất cứ vị tăng nào chúng ta không thích, chúng ta không muốn liên hệ với ông, chúng ta chỉ muốn tiếp xúc với những người mình thích. Thấy không? Đây là sự chọn lựa dựa vào sự ưa thích của chúng ta. Thường thì bất cứ những gì chúng ta không thích, chúng ta không muốn thấy hay biết đến chúng. Nhưng Đức Phật muốn chúng ta kinh nghiệm những điều này. Hãy nhìn vào thế gian và nhận biết nó rõ ràng. Nếu chúng ta không biết rõ bản chất của thế gian, chúng ta không đi đến đâu cả. Sống trong thế gian, chúng ta phải hiểu thế gian. Những Thánh Nhân khai ngộ trong quá khứ, bao gồm Đức Phật, đều sống với những thứ này. Họ sống trong thế giới này, giữa những người vô minh, và chứng ngộ chân lý ngay nơi đây, không nơi nào khác. Nhưng họ có trí huệ. Họ đã kiềm lục căn của họ.

Kiềm thúc không có nghĩa là chúng ta không thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc, hay suy nghĩ gì cả. Nếu hành giả không hiểu điều này, thì ngay khi họ vừa nhìn thấy hay nghe một điều gì, họ sẽ chạy như bay đi nơi khác, cho rằng làm như thế, trần cảnh sẽ mất dần ảnh hưởng đối với họ, để rồi cuối cùng họ sẽ vượt lên khỏi nó. Nhưng họ sẽ không đi đâu cả. Họ sẽ không thể vượt lên một thứ gì cả bằng cách đó. Nếu họ chạy đi nơi khác, mà không hiểu bản chất của nó, thì sớm muộn rồi, nó cũng sẽ quay lại, và họ sẽ phải đối diện với nó lần nữa.

Chẳng hạn, có những hành giả không bao giờ hài lòng, dầu họ ở tại tu viện, trong rừng, hay trên núi. Họ đi lang thang, nhìn qua nhìn lại, cho rằng họ sẽ tìm thấy sự mãn túc bằng cách đó. Họ lên đến đỉnh núi và reo lên, “A! Đây rồi, ta đã tìm được rồi”. Họ sống bình an được vài ngày và rồi cảm thấy chán, bất tiện đủ thứ. “Hay mình thử ra bờ biển”. “Ồ, ở đây mát mẻ, thoải mái quá. Chỗ này thích hợp với mình hơn”. Sau một thời gian, họ lại chán. Chán rừng, chán núi, chán biển, chán hết mọi thứ. Đây không phải là sự chán ngán thế gian theo đúng nghĩa mà nhà Phật gọi là Chánh Kiến. Mà nó chỉ là sự buồn chán bởi một quan niệm sai lầm.

Khi họ trở về lại tu viện, “Bây giờ, mình sẽ làm gì đây? Mình đã đi khắp nơi và trở lại với tay không”. Thế rồi, họ quăng bỏ y bát và hoàn tục. Tại sao họ hoàn tục? Bởi vì họ không hiểu ý nghĩa của sự tu hành. Họ không thấy còn có gì để làm nữa. Họ lên bắc, xuống nam, lên núi, xuống biển, mà vẫn không liễu ngộ điều gì cả. Vậy là xong, họ “chết”. Đó là bởi vì họ cứ tìm cách trốn tránh mọi thứ. Trí huệ không phát sinh.

Sau đây là một thí dụ khác. Giả sử có một nhà sư quyết định chấp nhận thực tại thay vì trốn chạy. Ông tự lo cho mình. Ông biết chính mình và những người khác. Ông không ngừng đối phó với những vấn đề thân, tâm và thế gian. Giả sử ông là vị sư trụ trì. Một vị trụ trì phải đương đầu với hàng trăm công việc liên tục đòi hỏi sự chú ý của ông. Người ta không hỏi bạn điều này, thì hỏi bạn điều kia, cho nên bạn phải luôn tỉnh táo, luôn cảnh giác. Trước khi bạn có thì giờ để chợp mắt ngủ, chúng đã đánh thức bạn với một vấn đề khác. Tình trạng này khiến bạn phải xem xét và hiểu biết sự việc. Bạn trở nên tinh xảo hơn đối với chính mình và những người khác trong nhiều phương diện.

Sự tinh xảo này phát sinh từ sự tiếp cận, từ sự đương đầu và đối phó với sự việc, không phải từ sự lẩn tránh chúng. Chúng ta không trốn chạy vấn đề với thân thể của mình, hay trong tâm, mà bằng cách sử dụng trí huệ của mình. Chúng ta hiểu biết với trí huệ ngay tại đây, chúng ta không trốn chạy bất cứ một điều gì cả.

Đây là nguồn gốc của trí huệ. Bạn phải làm việc, phải liên hệ với những thứ khác. Ví dụ, sống trong một tu viện lớn, chúng ta cùng phải làm việc để chăm sóc mọi thứ trong ngoài. Bạn có thể nói rằng tất cả những thứ này là phiền não. Sống với nhiều tăng, ni, và với nhiều người tại gia lui tới mỗi ngày, có thể phát sinh nhiều phiền não. Nhưng chúng ta phải sống như thế, để có thể phát triển trí huệ và từ bỏ vô minh. Chúng ta muốn gì chứ? Chúng ta sống là để xoá tan sự vô minh hay để tăng trưởng chúng?

Chúng ta phải quán xét. Mỗi khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm tiếp xúc với trần cảnh, chúng ta phải bình tĩnh và cảnh giác. Khi sự đau khổ phát sinh, ai là người đau khổ? Tại sao sự đau khổ này phát sinh? Vị trụ trì một tu viện phải chăm sóc nhiều đệ tử: điều này có thể gây ra nhiều đau khổ. Nếu chúng ta sợ đau khổ và không muốn đối diện chúng, chúng ta đi đâu để tranh đấu với chúng? Nếu đau khổ phát sinh và chúng ta không biết, làm sao chúng ta đối phó với chúng?

Thoát ly khổ đau có nghĩa là biết cách thoát khỏi khổ đau, chứ không có nghĩa là trốn chạy mỗi khi đau khổ phát sinh. Làm như thế chỉ mang sự đau khổ đi theo bạn mà thôi.

Nếu bạn muốn nhận biết khổ đau, bạn phải nhìn vào tình trạng hiện tại. Vấn đề này sinh ở nơi nào, thì phải được hóa giải ở ngay tại nơi đó. Nơi nào có khổ đau, nơi đó phát sinh sự chấm dứt khổ đau. Khổ đau phải chấm dứt tại nơi nó phát sinh. Bạn phải giải quyết vấn đề tại nơi đó. Kẻ trốn tránh khổ đau vì sợ hãi là kẻ khờ dại nhất thế gian. Họ chỉ làm cho sự vô minh của mình sâu dày thêm mà thôi.

Đau khổ là chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế bao gồm chân lý về sự khổ, chân lý về nguyên nhân của sự khổ, chân lý về sự diệt khổ, và chân lý về con đường để diệt khổ. Đừng xem sự đau khổ như là một điều ghê tởm, xấu xa. Trốn tránh khổ đau là không tu hành theo chánh pháp.

Đức Phật dạy chúng ta cách “trốn tránh” có trí huệ. Chẳng hạn, giả sử bạn đạp một cái gai và cảm thấy rất đau. Bạn sờ quanh chỗ đau, nhưng không tìm thấy gì, nên bạn nhún vai và bước đi tiếp. Một lúc sau, bạn lại đạp lên một thứ gì khác, và lại cảm thấy đau. Điều này cứ lặp lại mãi.

Nguyên nhân của sự đau đó là gì? Đó là cái gai mắc kẹt trong bàn chân bạn. Sự đau đớn này luôn kế cận một bên. Mỗi khi sự đau đớn phát sinh, bạn nhìn lại bàn chân và sờ quanh một chút, nhưng không tìm thấy cái gai, nên bạn lại thôi. Một lúc sau, nó lại đau và bạn lại nhìn lần nữa.

Khi đau khổ phát sinh, bạn phải lưu ý, đừng làm ngơ. Mỗi khi thấy đau, bạn lại tự nhắc mình, “Cái gai vẫn còn ở đó”. Mỗi khi bạn thấy đau, cái ý tưởng muốn dứt bỏ cái gai cũng phát sinh. Nếu bạn không lấy nó ra, bạn sẽ tiếp tục bị đau. Sự đau đớn sẽ cứ quay trở lại mãi, cho đến khi ý muốn loại bỏ cái gai chiếm cứ toàn bộ tâm trí của bạn. Và rồi sẽ có một lúc bạn không chịu nổi nữa và quyết định lấy cho được cái gai đó ra ngoài – bởi vì nó nhức quá!

Nỗ lực tu hành của chúng ta cũng phải giống như thế. Nơi nào có khổ đau, nơi đó có xung đột và chúng ta phải xem xét. Hãy thẳng thắn đối diện với vấn đề. Lấy cái gai ra khỏi bàn chân của bạn. Chỉ việc lôi nó ra. Bạn phải biết tâm của mình bị kẹt ở chỗ nào. Khi bạn xem xét vấn đề của mình, bạn sẽ biết nó, bạn thấy nó, và kinh nghiệm được bản chất thật của nó.

Tuy nhiên, bạn phải kiên định và tinh tấn trong sự tu hành. Mỗi khi một cảm giác khó chịu phát sinh nơi bàn chân của bạn, chẳng hạn, bạn phải tự nhắc nhở mình lấy cái gai đó ra. Bạn không từ bỏ quyết tâm của mình. Cùng thế ấy, khi đau khổ phát sinh trong tâm, chúng ta phải quyết tâm dứt sạch tận gốc rễ mọi phiền não. Đây làm một quyết tâm kiên định và không ngừng nghỉ. Cuối cùng, mọi phiền não sẽ rơi vào tay của chúng ta, và chúng ta có thể kết liễu chúng.

Cho nên, chúng ta làm gì với sự hạnh phúc và khổ đau? Tất cả các pháp sinh khởi bởi do nhân duyên. Khi quả ngừng, đó là vì nhân đã ngừng. Nếu chúng ta không bám víu hay dính mắc vào một điều gì đó, thì cũng như rằng điều đó không hề tồn tại. Nếu có sự hiện hữu thì phải có sự phát sinh. Sự dính mắc hay ràng buộc là điều kiện tiên quyết để đưa đến sự khổ. Mỗi khi sự khổ phát sinh, hãy xem xét nó. Xem xét giây phút hiện tại. Xem xét chính thân và tâm của bạn. Khi hạnh phúc phát sinh: Đâu là nguyên nhân của niềm hạnh phúc đó? Hãy nhìn vào nơi đó. Bất cứ nơi nào những thứ này phát sinh, hãy cảnh giác. Cả hạnh phúc lẫn khổ đau phát sinh từ sự dính mắc.

Những hành giả thuở xưa xem xét tâm của mình như sau: Chỉ có sự sinh khởi và tàn lụi; không có một thực thể thường hằng. Họ suy ngẫm từ mọi khía cạnh và nhận thấy rằng không có gì nhiều với cái tâm này của họ, không có gì vĩnh cữu. Chỉ có sinh và diệt, diệt rồi sinh, không có gì có tính cách lâu dài. Trong khi đi hay ngồi, họ nhận biết sự việc như thế đó. Nhìn nơi đâu, họ cũng chỉ thấy khổ đau, chỉ thấy vô thường. Chỉ vậy thôi. Như thể một cục sắt lớn vừa được nung nóng trong lò lửa. Toàn thể cục sắt đều nóng. Nếu bạn chạm nó ở phía trên hay phía dưới, nó cũng đều nóng. Chạm vào bốn phía, phía nào nó cũng nóng. Khắp chỗ đều nóng. Không có một nơi nào trên cục sắt là mát mẻ cả.

Nếu chúng ta không suy ngẫm về những điều này, chúng ta không hiểu biết gì về chúng cả. Chúng ta phải nhìn rõ. Đừng chỉ "bị" sinh ra. Phải biết tiến trình của sự sinh. Những tư tưởng như, "Ô, tôi không chịu nổi người đó, hắn làm gì cũng sai cả", sẽ không còn nảy sinh nữa. Hay, "Tôi rất thích cái đó". Những điều này cũng không nảy sinh nữa. Đó chỉ là những tiêu chuẩn thích và không thích của thế gian. Chúng ta tôn trọng quy ước thế gian, nhưng bên trong chúng ta phải rỗng không. Đây là nơi trú ẩn của những Thánh Nhân. Tất cả chúng ta phải lấy đây làm mục tiêu của sự tu hành. Đừng hoài nghi nữa.

Trước khi đi tu, tôi từng nghĩ rằng: "Chùa chiền ở khắp nơi, nhưng sao chẳng có bao nhiêu người tu hành? Hay nếu họ có đi tu, họ cũng chỉ tu một thời gian ngắn rồi hoàn tục. Còn những người không bỏ cuộc thì vẫn không nỗ lực tu hành. Tại sao vậy?" Thế rồi tôi quyết tâm, "Được, ta sẽ xả bỏ thân tâm mình trong kiếp sống này và thử làm theo lời dạy của Đức Phật cho đến cuối cùng. Ta sẽ chứng ngộ ngay trong kiếp này, bởi vì nếu không, ta sẽ vẫn chìm đắm trong biển khổ. Ta sẽ buông bỏ tất cả những thứ khác và quyết tâm tu hành, bất kể khó nhọc hay khổ đau bao nhiêu, ta cũng sẽ kiên trì. Nếu ta không làm thế, ta sẽ tiếp tục nghi ngờ mãi".

Nghĩ đến như thế, tôi khởi sự tu hành. Bất kể hạnh phúc, đau khổ, hay khó nhọc bao nhiêu, tôi vẫn tiếp tục. Tôi coi cả cuộc đời mình như thể đó chỉ là một ngày một đêm. "Tôi sẽ theo lời dạy của Đức Phật. Tôi sẽ tu hành để hiểu được tại sao thế giới hư ảo này khốn khổ đến thế?" Tôi muốn biết. Tôi muốn tinh thông giáo pháp, tôi muốn biết chân lý là gì, nên tôi quyết định tu hành.

Những người xuất gia chúng ta xả bỏ được bao nhiêu đời sống thế gian? Nếu chúng ta tiến bộ nhiều, có nghĩa là chúng đã xả bỏ được tất cả: Chúng ta xả bỏ tất cả những thứ mà người đời hưởng thụ - cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị và cảm xúc. Chúng ta vất bỏ tất cả, nhưng rồi chúng ta lại kinh nghiệm chúng. Cho nên người tu hành phải thiểu dục tri túc và không dính mắc vào bất cứ thứ gì. Dầu đó là lời nói, miếng ăn, hay bất cứ gì, chúng ta cũng dễ dàng hài lòng: ăn uống giản dị, ngủ giản dị, sống giản dị. Bạn càng tu tập như thế này, bạn càng thấy mãn túc nhiều hơn.

Pháp – bạn phải tự mình chứng ngộ. Tự mình nhận biết có nghĩa là tự mình tu hành. Bạn chỉ có thể nương tựa vào vị thầy khoảng 50% đoạn đường mà thôi. Ngay cả những gì tôi giảng dạy bạn hôm nay tự nó hoàn toàn vô dụng. Tuy rằng đó là những điều đáng nghe, nhưng nếu bạn chỉ tin vào đó vì tôi đã nói như thế, bạn là người khờ dại. Hãy thực hành, hãy nhận biết nó bên trong chính bạn, hãy tự mình làm lấy như thế mới lợi ích hơn nhiều. Và rồi bạn sẽ biết được mùi vị của Đạo Pháp.

Đây là lí do Đức Phật không nói quá tỉ mỉ về những quả vị tu hành, bởi vì đó là những việc không thể nghĩ bàn. Cũng giống như khi bạn cố miêu tả về màu sắc khác nhau với một người mù bẩm sinh: "Nó là màu vàng tươi". Nói như thế chẳng giúp ích được gì cho họ.

Bạn phải tự mình chứng ngộ. Khi ấy bạn mới biết nó thực sự như thế nào. Nếu bạn tự mình nhận biết rõ ràng, bạn sẽ có bằng chứng rõ ràng. Dầu là đi, đứng, nằm hay ngồi, bạn đều sẽ dứt sạch nghi ngờ. Ngay cả khi có người nói, "Anh tu hành sai cách rồi," bạn vẫn không bị lay chuyển, bởi vì bạn đã có bằng chứng rõ ràng về nó.

Là một người tu hành, đó là thái độ của bạn, bất cứ bạn ở đâu. Không ai có thể bảo bạn một điều gì. Bạn phải tự mình nhận biết. Chánh Kiến, bạn phải có. Nhưng để tu hành được như thế dầu chỉ một tháng cũng rất hiếm.

Có một lần tôi đến một tu viện phía bắc, và sống ở đó với một vài vị sư già mới xuất gia. Tôi đã làm tròn những bổn phận mà một vị sư trẻ thường làm - lấy thức ăn cho họ, giặt rửa y bát và đổ bô phóng uế của họ, vv... Tôi không nghĩ là mình đang làm gì cho một người nào, mà chỉ cảm thấy rằng đây là một phần trong sự tu hành của tôi. Bởi vì những người khác không làm những việc này, nên tôi làm. Chỉ thế thôi. Tôi xem đó như là một cơ hội để tạo phước báu, và tôi cảm thấy mãn nguyện.

Vào những ngày rằm hay mồng một, tôi chùi dọn chánh điện và chuẩn bị nước để rửa và uống. Những người không biết gì về việc này, nên họ chỉ đứng nhìn. Tôi không chỉ trích họ, bởi vì họ không biết. Tôi chỉ làm bổn phận, và khi hoàn tất công việc, tôi cảm thấy thật vui. Tôi có sự khích lệ và niềm hăng say trong sự tu hành của mình.

Mỗi khi tôi có thể làm một điều gì trong tu viện, dầu là việc của tôi hay của người khác, nếu thấy thứ gì dơ bẩn, thì tôi dọn sạch. Tôi không làm thế để người khác nể phục mình, nhưng chỉ để sự tu hành của tôi tốt hơn. Dọn sạch chỗ ở của bạn thì cũng giống như dọn sạch tâm của bạn.

Đây là điều mà bạn cần phải nhớ. Sống với nhau trong đạo pháp, với sự thuận hòa và kiềm thúc, với cái tâm được huấn luyện, và rồi bạn sẽ không phải lo lắng về sự hài hòa. Nó tự động phát sinh, và bạn sẽ không có vấn đề gì cả. Nếu công việc quá nặng nhọc, thì chúng ta giúp đỡ nhau, mỗi người một tay. Đó là cách tốt nhất.

Tôi cũng biết vài loại người khác, và họ cho tôi cơ hội để trưởng thành. Chẳng hạn, trong một tu viện lớn, các tỳ kheo và sa di thỏa thuận với nhau là họ giặt y phục vào một ngày nào đó trong tuần. Tôi đi nấu gỗ mít để lấy tinh chất làm thuốc giặt. Lúc đó, có vài vị sư cứ đợi một người nào khác nấu gỗ mít, rồi tới xin thuốc giặt để giặt y phục của họ. Sau đó họ về chòi, treo áo quần lên rồi đi ngủ trưa. Như thế, họ không phải chụm lửa không phải dọn dẹp. Họ cho rằng thế là khôn ngoan. Nhưng đây là ngu ngốc nhất thế gian. Những người này chỉ tăng thêm sự vô minh của họ bởi vì họ không làm gì cả. Họ nhường tất cả công việc cho người khác. Cho nên, lúc ăn, nói, hay khi làm bất cứ việc gì, hãy hãy luôn xét lại chính mình. Bạn có thể muốn sống thoải mái, ăn ngon, mặc sạch, nhưng chúng ta tới đây để làm gì? Nếu chúng ta thường xuyên suy ngẫm về điều này, chúng ta sẽ luôn lưu ý, chúng ta sẽ không quên, sẽ luôn cảnh giác. Hãy sống tỉnh giác như thế - nỗ lực tu tập trong mọi tư thế. Nếu chúng ta không nỗ lực, sự việc sẽ khác hẳn. Lúc ngồi, bạn ngồi như thể bạn đang ở dưới phố: lúc đi, bạn đi như thể bạn đang ở dưới phố. Và rồi bạn muốn đi quanh quẩn dưới phố với những người tại gia.

Nếu không nỗ lực tu hành, tâm sẽ hướng đến một nơi khác. Bạn không kháng cự và cưỡng lại đầu óc của mình, mà cho phép nó trôi nổi theo ngọn gió cảm xúc. Đây gọi là chạy theo cảm xúc của mình. Giống như một đứa trẻ, nếu chúng ta nuông chiều nó quá, nó có thể trở thành một đứa trẻ tốt không? Nếu cha mẹ chiều theo mọi ước muốn của con cái, điều đó có tốt không? Dầu lúc đầu họ có chiều chuộng một chút, nhưng khi đứa trẻ bắt đầu nói được, đôi lúc họ sẽ la đánh chúng bởi vì họ sợ con mình hư đốn. Tâm phải được huấn luyện giống như thế. Bạn phải biết mình và biết cách huấn luyện mình. Nếu bạn không huấn luyện tâm của mình, mà đợi một người nào khác huấn luyện nó cho mình, bạn sẽ gặp phiền phức. Sự tu hành không có giới hạn. Đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào bạn cũng có thể tu hành. Bạn có thể chứng ngộ trong lúc dọn quét sân chùa hay khi nhìn một tia nắng chiều. Nhưng bạn phải luôn tỉnh giác. Nếu bạn hành thiền tính tấn, bạn có thể chứng ngộ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào.

Đừng lơ là. Hãy lưu ý, hãy cảnh giác. Khi đi khất thực, nhiều thứ cảm xúc khác nhau có thể phát sinh, và tất cả đều là pháp để tu tập. Khi bạn trở lại tu viện và ăn cơm, có rất nhiều pháp để bạn quán xét. Nếu bạn luôn nỗ lực, tất cả những thứ này sẽ là đối tượng của thiền quán, trí tuệ sẽ nảy sinh, và bạn sẽ chứng ngộ. Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta sẽ không xem thường sự việc. Chúng ta luôn quán chiếu các pháp.

Một khi đạt đến trình độ này, sự tu hành của chúng ta sẽ không biết có ngày và đêm, nó sẽ tiếp tục không ngừng. Không có gì có thể ô nhiễm sự tu hành của chúng ta, và nếu có, chúng ta sẽ nhận biết ngay lập tức. Tâm sẽ không chạy theo những thứ như: "Tôi nghĩ tôi sẽ đi tới nơi đó, hay có lẽ đi nơi kia... nhưng chỗ nọ có lẽ sẽ vui hơn". Đó là đường lối của thế gian. Đi theo đường đó, và rồi sự tu hành sẽ tiêu tan.

Hãy luôn tỉnh giác. Không ngừng quán xét. Thấy cây, thấy núi, hay thấy thú vật cũng đều là cơ hội để quán xét. Hãy mang tất cả vào trong. Quán xét chúng rõ ràng trong tâm của bạn. Khi một cảm giác nào đó nảy sinh, hãy nhận biết nó rõ ràng.

Bạn có bao giờ thấy một cái lò gạch chưa? Người ta đốt lửa cách cái lò khoảng một thước. Nếu chúng ta làm lò gạch đúng cách, tất cả hơi nóng sẽ đi vào trong lò, và công việc sẽ hoàn tất nhanh chóng. Cùng thế ấy, tất cả mọi cảm xúc của chúng ta cần được kéo vào bên trong để được chuyển thành Chánh Kiến. Lúc nhìn, lúc nghe, lúc ngửi, lúc nếm - tâm kéo tất cả vào trong. Những cảm xúc này có thể dẫn đến sự phát sinh trí huệ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***