20 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 2 - CHƯƠNG 16

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 2

THIỀN ĐỊNH

CHƯƠNG 16

CHÌA KHÓA CỦA SỰ GIẢI THOÁT.

Bất kể chúng ta khảo sát những hiện tượng và yếu tố

vật lý hay tâm lý, chỉ khi nào chúng ta xem sự thoát khổ

là mục đích rốt ráo của mình,

chúng ta mới thật sự đi đúng đường.

Lý do duy nhất mà chúng ta nghiên cứu Giáo Pháp, giáo lý của Đức Phật là để tìm đường thoát khổ và tìm đến sự bình an, hạnh phúc. Bất kể chúng ta khảo sát những hiện tượng và yếu tố vật lý hay tâm lý, chỉ khi nào chúng ta xem sự thoát khổ là mục đích rốt ráo của mình, chúng ta mới thật sự đi đúng đường. Đau khổ có một nguyên nhân và có một hay nhiều điều kiện duyên sinh cho sự tồn tại của nó.

Phải hiểu rằng khi tâm an tịnh, tâm an trú trong trạng thái nguyên thủy, chưa bị ô nhiễm của nó. Ngay khi tâm động niệm, nó bị điều kiện hóa(1) (sankhara). Khi tâm ưa thích một thứ gì đó, nó bị điều kiện hóa ngay. Khi sự ganh ghét phát sinh, tâm cũng bị điều kiện hóa. Nếu sự tỉnh giác của chúng ta không bắt kịp những trạng thái của tâm, tâm sẽ chạy theo những cảm xúc đó và bị chúng điều kiện hóa. Mỗi khi tâm động niệm, ngay lúc đó, nó trở thành một pháp hữu vi.

Cho nên, Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu những điều kiện dao dộng này của tâm. Mỗi khi tâm động niệm, nó trở nên bất an, vô thường, khổ, và không thể được xem là một tự ngã. Đây là ba tính chất chung của tất cả mọi hiện tượng hữu vi. Đức Phật dạy chúng ta quan sát và quán chiếu những động thái này của tâm.

Đây cũng giống như lý thuyết Duyên Khởi(2) (paticca samuppada): vô minh là nguyên nhân và điều kiện cho sự phát sinh của nghiệp; nghiệp là nguyên nhân và điều kiện cho sự phát sinh của thức; thức là nguyên nhân và điều kiện cho sự phát sinh của toàn bộ tâm lý và vật lý của một bào thai mới, v.v... Đức Phật tách rời chuỗi nhân duyên này thành mười hai yếu tố để chúng ta dễ quan sát và dễ hiểu. Đây là sự miêu tả thực tại rất chính xác. Tuy nhiên, khi tiến trình này thực sự xảy ra trong đời sống hàng ngày, các học giả không thể nắm bắt kịp với những diễn biến liên tục này. Giống như khi chúng ta té từ ngọn cây xuống đất, nó xảy ra quá nhanh. Chúng ta không kịp nhận ra mình đã rơi ngang qua bao nhiêu cành cây.

Tương tự như vậy, khi tâm tiếp xúc với một cảm thọ, nếu nó thích cảm thọ đó, nó lập tức rơi vào một trạng thái vui vẻ. Nó cho rằng điều đó là tốt mà không nhận ra rằng chuỗi nhân duyên đã đưa nó tới đây. Tiến trình này xảy ra phù hợp với những gì đã được trình bày trong thuyết nhân duyên, nhưng nó cũng đồng thời vượt khỏi giới hạn của lý thuyết đó.

Không có sự cảnh báo trước như, “Đây là vô minh. Đây là sự phát sinh của nghiệp. Đây là tâm thức...”. Tiến trình này không cho các học giả cơ hội để công bố danh sách của những hiện tượng gì đang xảy ra. Mặc dầu Đức Phật đã phân tích và giải thích cặn kẽ mọi diễn biến của tâm, đối với tôi, nó vẫn giống như sự kiện một người rơi từ trên cây xuống. Nếu chúng ta đâm sầm xuống đất, chúng ta đâu có cơ hội để tính toán chính xác xem mình rơi xuống bao nhiêu thước. Điều mà chúng ta biết là chúng ta rớt cái rầm xuống đất và nó đau vô kể.

Tâm cũng thế. Khi nó đuổi theo một thứ gì đó, điều mà chúng ta nhận biết chỉ là vui sướng hay đau khổ. Tất cả những cảm giác thích thú hay thất vọng này đến từ đâu vậy? Nó không đến từ lý thuyết. Không có sách vở nào ghi lại những chi tiết về sự đau khổ và vui sướng của chúng ta. Nỗi đau của chúng ta không phù hợp hoàn toàn với lý thuyết, nhưng cả hai cùng đi chung một đường. Cho nên sự nghiên cứu lý thuyết đơn thuần không thể bắt kịp với thực tại. Đây là tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải phát triển sự hiểu biết rõ ràng về chính mình. Bất cứ thứ gì phát sinh, nó phát sinh trong sự hiểu biết này. Khi “cái biết” hay “cái tâm thức nhận biết” hiểu biết đúng với chân lý, chúng ta nhận ra rằng tâm và những yếu tố tâm lý của nó không thuộc về chúng ta. Cuối cùng thì tất cả những hiện tượng này đều bị thải bỏ như thể chúng là rác rưởi. Chúng ta không nên dính mắc hay cho chúng bất kỳ một giá trị nào.

-----------------------------------------------

Ghi chú

(1) Tâm trở thành pháp hữu vi, hay hiện tượng hữu vi, tức là một vật luôn bị thay đổi, biến chuyển, bị điều kiện hóa, được tạo thành bởi những điều kiện tồn tại trước đó. Xem phụ lục Pháp.

(2) Lý thuyết duyên khởi, tức Mười Hai Nhân Duyên, bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử.  Xem phụ lục Thập Nhị Nhân Duyên.

LÝ THUYẾT VÀ THỰC TẾ.

Đức Phật đã không giảng dạy về tâm và những yếu tố tâm lý của nó là để chúng ta không bị dính mắc vào những quan niệm này. Mục đích duy nhất của Ngài là để chúng ta tự nhận biết chúng là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Và rồi buông bỏ nó. Đặt chúng qua một bên. Nhận biết chúng khi chúng phát sinh. Cái tâm này đã bị điều kiện hóa. Nó đã quen ngoảnh mặt quay lưng với trạng thái nhận biết đơn thuần nguyên thủy của nó. Khi nó đi xa dần, nó tạo ra các pháp hữu vi; các pháp này ảnh hưởng trở lại tâm, và sự tạo tác này cứ nhân lên mãi. Từ đó khởi sinh mọi điều thiện, ác, tốt, xấu... trong thế gian. Đức Phật bảo chúng ta buông bỏ tất cả những thứ này. Tuy nhiên, mới đầu, bạn phải làm quen với giáo lý để rồi sau này bạn mới có thể buông bỏ tất cả. Đây là một tiến trình tự nhiên. Tâm chỉ là thế. Những yếu tố tâm lý cũng chỉ là như thế.

Thử xem xét Bát Chánh Đạo, chẳng hạn. Khi trí tuệ nhìn thấy sự việc đúng đắn với cái tâm khai ngộ, Chánh Kiến sẽ dẫn tới Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, v.v... Tất cả những thứ này liên quan đến những điều kiện tâm lý phát sinh từ cái biết thuần khiết. Cái biết này giống như một ngọn đèn soi sáng con đường phía trước trong đêm tối. Nếu cái biết này đúng, phù hợp với chân lý, nó sẽ tỏa khắp và sáng tỏ mỗi bước đi kế tiếp trên con đường Đạo.

Bất cứ thứ gì chúng ta kinh nghiệm đều phát sinh từ cái biết này. Nếu cái tâm này không hiện hữu, cái biết cũng không tồn tại. Tất cả những thứ này là hiện tượng của tâm. Như Đức Phật nói, tâm chỉ là tâm. Nó không phải là một người, một tự ngã, hay là chính bạn. Nó chẳng phải là “chúng ta” hay “chúng nó”. Đạo chỉ là Đạo. Tiến trình tự nhiên này không phải là mình. Nó không thuộc về chúng ta hay bất cứ người nào. Nó không là thứ gì cả. Bất cứ điều gì chúng ta kinh nghiệm, nó đều nằm trong ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Đức Phật bảo chúng ta buông xuống tất cả.

Thiền giống như một que củi. Sự hiểu biết rõ ràng (vipassanà) ở đầu của cái que và sự tĩnh lặng (samatha) ở đầu kia. Nếu chúng ta nhặt que củi lên, cả hai đầu que đều đi lên. Vậy phần nào là vipassanà, và phần nào là samatha? Đâu là nơi thứ này chấm dứt và thứ kia bắt đầu? Chúng đều là tâm. Khi tâm trở nên bình an, sự bình an bắt đầu phát sinh từ sự tĩnh lặng của thiền chỉ. Chúng ta tập trung và hợp nhất tâm trong trạng thái thiền định. Tuy nhiên, nếu sự bình an và tĩnh lặng yếu dần, phiền não sẽ thay thế vào đó. Tại sao vậy? Bởi vì sự bình an phát sinh từ sự tĩnh lặng thôi sẽ còn có sự dính mắc. Rồi sự dính mắc này sẽ là nguyên nhân của khổ đau. Sự tĩnh lặng không phải là cứu cánh. Đức Phật nhìn thấy từ kinh nghiệm của chính mình rằng sự bình an nội tâm không phải là mục tiêu rốt ráo. Những nguyên nhân tiềm ẩn bên dưới sự hiện hữu vẫn chưa được dứt trừ. Những điều kiện dẫn đến sự tái sinh vẫn còn tồn tại. Sự tu tập của hành giả vẫn chưa đạt tới chỗ hoàn mỹ. Tại sao? Bởi vì sự dính mắc vẫn còn đó. Cho nên, cần dựa vào sự tĩnh lặng của thiền chỉ, hành giả phải khởi quán chiếu, khảo sát, và phân tích bản chất duyên khởi của thực tại cho đến khi giải thoát khỏi mọi ràng buộc, ngay cả sự ràng buộc trong trạng thái tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng vẫn còn là một phần của cảnh giới duyên khởi và hữu vi. Bám víu vào sự bình an này là bám víu vào cái thực tại hữu vi, và chừng nào chúng ta còn bám víu, chúng ta sẽ bị ô nhiễm trong sự hiện hữu và tái sinh. Ham thích sự bình an của trạng thái tĩnh lặng sẽ dẫn đến sự hiện hữu và tái sinh lần nữa. Một khi cái tâm hiếu động trở nên yên tĩnh, hành giả dính mắc vào sự bình an này.

Cho nên Đức Phật xem xét mọi nguyên nhân và điều kiện bên dưới sự tồn tại và tái sinh. Chừng nào còn chưa hoàn toàn thấu suốt được sự việc và hiểu biết chân lý, hành giả tiếp tục nhìn sâu hơn với cái tâm bình an, phản ánh về sự sinh khởi của các pháp thế gian. Sự khảo sát này liên tục mãi cho đến khi hành giả hiểu rõ ràng rằng các pháp hữu vi cũng giống như cục sắt nóng đỏ. Cả năm uẩn của mỗi kinh nghiệm đều là cục sắt nóng đỏ. Khi cục sắt đang cháy đỏ, có chổ nào ta chạm vào mà không bị bỏng không? Có chỗ nào mát mẻ trên cục sắt đó không? Thử chạm vào phía trên, phía dưới, bên trái, bên phải. Có chỗ nào bạn cảm thấy mát mẻ không? Không có. Toàn thể cục sắt đều nóng đỏ. Và chúng ta chạm vào nó đều bị bỏng.

Cho nên, ngay cả sự tĩnh lặng, chúng ta cũng không thể dính mắc vào. Nếu chúng ta đồng hóa mình với sự bình an đó, cho rằng có một người nào đó đang bình an và tĩnh lặng, điều này là chấp thủ vào cái tôi hiện hữu, nó củng cố cái cảm giác rằng có một nhân dạng tự ngã hay một linh hồn tồn tại độc lập.  Cảm giác về tự ngã này là một phần của cái thực tại hữu vi.  Nghĩ rằng, “Tôi bình an”, “Tôi hiếu động”. Tôi buồn”, “Tôi vui”. “Tôi...”, đủ thứ, và cứ thế chúng ta tiếp tục vướn vào cái vòng hiện hữu và tái sinh. Sự đau khổ tiếp diễn. Niềm vui biến mất, thì chúng ta buồn. Khi nỗi buồn tan biến, thì chúng ta vui vẻ. Vướn mắc trong cái vòng bất tận. Chúng ta cứ xoay vần mãi trong cảnh giới địa ngục và thiên đường.

Trước khi đắc Đạo, Đức Phật nhận ra cái mô hình này trong chính tâm của mình. Ngài biết rằng những điều kiện dẫn tới sự tồn tại và tái sinh vẫn chưa chấm dứt. Công việc của Ngài chưa hoàn tất. Tập trung vào tính chất duyên khởi của đời sống, Ngài quán chiếu thuận với tự nhiên: “Vì nguyên nhân này mà có sự sinh, vì có sinh nên có tử, cùng với tất cả những sự đến và đi này”. Đức Phật dùng những đề mục này trong sự thiền quán để có thể hiểu biết chân lý về ngũ uẩn. Mọi thứ, tinh thần và vật chất cũng như mọi thứ được diễn đạt và nghĩ đến, đều bị điều kiện hóa. Một khi nhận ra điều này. Ngài bảo chúng ta đặt nó xuống. Một khi Ngài hiểu biết điều này, Ngài dạy chúng ta buông bỏ chúng. Ngài khích lệ những người khác để họ hiểu biết hợp với chân lý này. Nếu chúng ta không hiểu, chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta sẽ không thể buông bỏ những thứ này. Tuy nhiên, một khi chúng ta nhìn thấy chân lý của sự việc, chúng ta sẽ biết những thứ cảm xúc này lừa gạt chúng ta như thế nào. Khi Đức Phật dạy, “Tâm không có thực chất; nó không là thứ gì cả”.

Tâm không thuộc về bất cứ người nào. Tâm này tự do, không vướng mắc với bất kỳ vấn đề gì. Lý do mà vấn đề phát sinh là vì tâm bị lừa gạt bởi các pháp hữu vi, bị lừa gạt bởi chính sự hiểu biết sai lạc này về tự ngã. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta quan sát cái tâm này. Thuở ban đầu đâu có gì ở đó đâu? Thật sự không có gì cả. Nó không sinh cùng với các pháp hữu vi, mà cũng không diệt cùng với chúng. Khi tâm tiếp xúc với điều tốt, nó không trở nên tốt. Khi tâm tiếp xúc với điều xấu, nó không trở nên xấu. Tâm là như thế khi có sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của một người. Tâm hiểu rằng, đây chỉ là một tình trạng không có thực chất.

Đức Phật thấy rằng tất cả đều vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Ngài muốn chúng ta hiểu biết điều này hoàn toàn. “Cái biết” như thế là hiểu biết đúng chân lý. Khi nó nhận biết hạnh phúc hay đau khổ, nó thản nhiên bất động. Cảm giác hạnh phúc là hình thức của sự sinh. Khuynh hướng trở nên buồn bã là một hình thức của sự tử. Khi có tử thì có sinh, hễ có sinh thì có tử. Cái sinh radiệt đi bị mắc kẹt trong cái vòng trở thành bất tận này. Một khi tâm hành giả đạt được đến mức độ nhận thức này, hành giả không còn nghi ngờ rằng mình có còn sinh tử luân hồi hay không. Không cần hỏi ai nữa.

Đức Phật khảo sát những hiện tượng hữu vi này một cách toàn diện, và vì thế đã có thể buông bỏ tất cả. Cả năm uẩn đều được buông bỏ, và cái biết tiếp diễn như một nhân chứng vô tư của tiến trình. Nếu hành giả kinh nghiệm một điều gì khẳng định, ông không trở nên khẳng định cùng với nó. Ông chỉ quan sát và tỉnh giác. Đối với sự phủ định một điều gì cũng tương tự vậy. Tại sao? Bởi vì tâm của ông được giải phóng ra khỏi các điều kiện ràng buộc. Ông đã thấu suốt chân lý. Những điều kiện dẫn đến sự tái sinh không còn tồn tại. Đây là cái biết chắc chắn và đáng tin cậy. Đây là một cái tâm thật sự bình an. Đây là cái không sinh, không lão, không bệnh, và không tử. Đây không phải là nhân, mà cũng không phải là quả, và cũng không lệ thuộc vào nhân quả. Nó không nằm trong tiến trình duyên khởi. Mọi nguyên nhân đều chấm dứt và không còn điều kiện nào ở đó. Tâm này đã vượt lên trên sinh tử, vượt lên trên khổ đau và hạnh phúc, vượt lên trên thiện ác. Không ngôn từ nào có thể diễn tả nó nữa.

Trở lại với vấn đề thiền chỉ và thiền minh sát. Phát triển những trạng thái này của tâm là điều quan trọng. Chỉ khi chúng ta tự mình phát triển chúng, chúng ta mới biết chúng đích thực là gì. Các học giả có thể đi khắp nơi nghiên cứu lý thuyết kinh điển về những yếu tố tâm lý của tâm, nhưng sự hiểu biết tri thức ấy không thể giúp ích gì cho việc đoạn trừ tham, sân, si. Nếu chúng ta chỉ tìm hiểu tham, sân, si trên lý thuyết, chỉ mô tả tính chất khác nhau của những phiền não này, thì chúng ta chỉ biết một phần phẩm chất của chúng. Nếu chúng ta thấy rằng chúng ta nhìn một điều gì chúng ta không thích và ôm ấp sự thù ghét đó trong tâm mình, chúng ta nên quay lại và học hỏi lại từ đầu. Bởi vì như thế vẫn là không đúng. Sự tu hành chưa đạt đến chỗ hoàn mỹ. Khi sự tu hành đã rốt ráo, sự buông bỏ xảy ra. Hãy hiểu biết như vậy.

Chúng ta phải nhìn sâu vào tâm mình nếu chúng ta muốn thể nghiệm thành quả của sự tu tập. Cố gắn diễn đạt tâm lý của qua vô số trạng thái tâm thức riêng biệt và tính chất của chúng, như thế vẫn chưa đủ, bởi vẫn còn rất nhiều thứ hơn thế nữa. Nếu chúng ta muốn hiểu biết những điều này, hãy hiểu biết chính mình trước.

Cho nên thực hành Phật pháp là điều vô cùng quan trọng. Tu hành chính là cách mà tôi học hỏi. Tôi không biết một chút gì về những trạng thái tâm thức và những yếu tố tâm lý. Tôi chỉ quan sát tính chất của cái biết. Nếu một tư tưởng thù ghét phát sinh, tôi tự hỏi mình tại sao. Nếu một tư tưởng yêu thương phát sinh, tôi cũng tự hỏi tại sao. Tu hành là như vậy. Bất kể bạn goi nó là tư tưởng hay là gì, thì sao chứ? Chỉ việc quán chiếu một điểm này cho đến khi bạn có thể phân giải những cảm giác yêu thương và thù địch, cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất khỏi tâm. Khi tôi có thể ngừng yêu thương và thù ghét trong mọi tình huống, tôi mới có thể vượt lên trên mọi khổ đau. Và rồi bất kể điều gì xảy ra, tâm tự tại và bình an. Không còn thứ gì nữa. Tất cả đều dừng lại.

Hãy tu hành như thế. Đức Phật không muốn chúng ta chỉ biết đến danh tánh và lý thuyết của những thứ này. Mục đích Phật pháp là để tìm cách giải phóng chúng ta khỏi những thứ này qua sự tìm kiếm những nguyên nhân tiềm ẩn.

GIỚI, ĐỊNH, HUỆ

Tôi tu hành mà không biết nhiều đến giáo lý. Tôi chỉ biết rằng con đường giải thoát bắt đầu với đức hạnh. Đức hạnh là khởi đầu tốt lành cho con đường Đạo. Sự bình an sâu xa của thiền định là phần giữa lành. Trí huệ là kết thúc lành. Mặc dầu chúng được phân chia thành ba khía cạnh riêng biệt trong quá trình tu tập, nhưng nếu chúng ta nhìn sâu thì sẽ thấy rằng ba phẩm chất này hợp nhất. Muốn phát huy đức hạnh, bạn phải khôn ngoan. Chúng tôi thường khuyên mọi người phát triển đạo đức trước bằng cách nghiêm trì Ngũ Giới để đức hạnh của họ kiên cố. Tuy nhiên, đức hạnh hoàn mỹ đòi hỏi rất nhiều trí huệ. Chúng ta phải cân nhắc lời nói và hành động của mình và xem xét hậu quả của chúng. Tất cả điều này đều là công việc của trí huệ. Chúng ta phải dựa vào trí huệ của mình để trau dồi đức hạnh.

Trên lý thuyết, đức hạnh đi trước, rồi đến thiền định và rồi trí huệ, nhưng khi xem xét kỹ, tôi thấy rằng trí huệ mới là nền tảng vững chắc cho các khía cạnh khác trong sự tu hành. Để có thể nhận rõ hậu quả của những gì bạn nói hay làm – nhất là những hậu quả tai hại – bạn cần tận dụng trí huệ để hướng dẫn và giám sát, để xem xét kỹ lưỡng những diễn biến của nhân và quả. Điều này sẽ thanh tịnh hóa hành động và lời nói của chúng ta. Một khi đã quen thuộc với hành vi đạo đức hay thiếu đạo đức, chúng ta thấy rõ nơi cần phải tu tập. Rồi chúng ta từ bỏ dần điều ác và phát triển điều thiện. Chúng ta từ bỏ những điều sai và phát huy những điều đúng. Đây là đức hạnh. Khi chúng ta làm như thế, tâm trở nên vững vàng và ổn định dần. Một cái tâm ổn định và vững vàng sẽ không còn sợ hãi, ân hận, và hoang mang về những hành động và lời nói của mình. Đây là định.

Sự hợp nhất ổn định này của tâm hình thành một nguồn năng lượng phụ trợ mãnh liệt trong sự tu hành của chúng ta, dẫn đến sự quán chiếu sâu sắc hơn về những hình tướng, âm thanh, hương vị... mà chúng ta kinh nghiệm. Một khi tâm đã an định và có chánh niệm vững vàng, chúng ta có thể khởi sự nhìn vào thực tại của thân thể, cảm giác, tư tưởng, tâm thức, hình sắc, âm thanh, mùi vị, xúc chạm của thân thể và các đối tượng của tâm. Khi chúng liên tục phát sinh, chúng ta liên tục khảo sát chúng với một quyết tâm kiên định để không đánh mất sự chánh niệm của mình. Và rồi chúng ta sẽ biết những thứ này đích thực là gì. Chúng sinh khởi thuận theo bản chất tự nhiên của chúng. Khi sự hiểu biết của chúng ta tăng trưởng, trí huệ phát sinh. Một khi có sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của sự việc, những quan niệm của của chúng ta bị nhổ tận gốc và kiến thức giáo lý của chúng ta trở thành trí huệ. Đó là cách mà đức hạnh, thiền định và trí huệ hợp nhất và hoạt động như một thể.

Khi trí huệ tăng trưởng, thiền định trở nên vững vàng hơn. Thiền định càng vững vàng, đức hạnh càng trở nên hoàn thiện. Khi đức hạnh hoàn thiện nó bồi dưỡng định lực, và định lực mạnh mẽ dẫn tới sự chín muồi của trí huệ. Cả ba khía cạnh tu hành này quyện vào nhau. Hợp nhất, chúng hình thành Bát Chánh Đạo, con đường của Đức Phật. Một khi giới, định, huệ đi tới tột đỉnh, Đạo này có khả năng diệt trừ những ô nhiễm trong tâm, giúp thanh tịnh tâm. Khi tham, sân, si hiển lộ, Đạo là điều duy nhất có thể diệt bỏ chúng ngay tại chỗ.

Khuôn khổ tu hành là Tứ Diệu Đế: sự khổ, nguồn gốc của sự khổ, sự dứt khổ, con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Đạo bao gồm giới, định, huệ - khuôn khổ của huấn luyện tâm. Ý nghĩ thật sự của chúng không nằm trong những từ này mà nằm trong tâm của bạn. Đó là định nghĩa của giới, định, huệ. Chúng tiến hóa liên tục. Bát Chánh Đạo sẽ khống chế bất cứ cảnh trần nào phát sinh – sắc, thanh, hương, vị, xúc, và đối tượng của tâm. Tuy nhiên, nếu các yếu tố của Bát Chánh Đạo lõng lẽo và yếu đuối, phiền não sẽ chiếm hữu tâm của bạn. Nếu Bát Chánh Đạo vững vàng và dõng mãnh, nó sẽ chế ngự và tiêu diệt mọi phiền não. Đạo và phiền não đi đôi với nhau. Khi chúng ta tu hành, hai lực này đấu nhau liên tục. Nó giống như hai người đang tranh cãi nhau trong tâm, nhưng đó chỉ là Đạo và phiền não đang tranh chấp để giành quyền làm chủ tâm. Đạo hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng quán chiếu của chúng ta. Chừng nào chúng ta có thể quán chiếu vững vàng, phiền não sẽ suy yếu. Nhưng nếu tâm còn dao động, mỗi khi phiền nào nổi lên, và lấy lại sức mạnh của chúng, Đạo sẽ bị đẩy lùi, và phiền não sẽ thay thế nào đó. Cả hai phe sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến một phe chiến thắng, và toàn bộ sự việc xem như kết thúc.

Nếu chúng ta tập trung nỗ lực để tu hành, phiền não sẽ dần dần bị dứt trừ. Một khi phát triển hoàn toàn, Tứ Diệu Đế an trú trong tâm chúng ta. Bất kỳ hình thức đau khổ nào phát sinh, nó luôn có một nguyên nhân. Đó là Chân Lý Thứ Hai. Và nguyên nhân đó là gì? Đức hạnh yếu kém. Thiền định yếu kém. Trí huệ yếu kém. Khi Đạo không bền vững, phiền não chiếm cứ tâm. Khi chúng chiếm cứ, Chân Lý Thứ Hai nhập cuộc, và gây đủ thứ đau khổ. Một khi chúng ta đau khổ, những phẩm chất diệt trừ đau khổ biến mất.

Những điều kiện làm phát sinh Đạo là giới, định, huệ. Khi chúng vững vàng, Đạo không thể bị ngăn trở nữa, mà sẽ phát triển mạnh mẽ để chế ngự mọi ràng buộc đã từng khiến cho chúng ta vô cùng đau khổ. Đau khổ không thể phát sinh bởi vì Đạo đang tiêu trừ các nguyên nhân phiền não. Ở giai đoạn này, sự chấm dứt khổ đau xảy ra. Tại sao Đạo có thể mang đến sự chấm dứt khổ đau? Bởi vì giới, định, huệ đang đạt đến tột đỉnh hoàn thiện, và không còn thứ gì có thể ngăn cản sự tiến triển không ngừng của Đạo. Đây là mục tiêu tối hậu. Nếu hành giả tu hành như thế này, những học thuyết về tâm sẽ không còn chỗ đứng. Khi tâm đã được giải thoát khỏi những thứ này, nó vô cùng vững chắc và đáng tin cậy. Và rồi bất kể con đường nào nó đi, chúng ta không phải thúc ép nó nhiều để buộc nó đi thẳng tới trước.

Hãy thử nhìn những chiếc lá của một cây xoài. Chúng như thế nào? Chỉ xem xét một chiếc lá thôi là chúng ta biết. Dầu có hàng ngàn chiếc lá, chúng ta cũng biết những chiếc là đó là như thế nào. Chỉ cần xem xét một chiếc lá. Những chiếc lá khác cũng như vậy mà thôi. Thân cây cũng vậy. Chúng ta chỉ cần xem xét một cây xoài để biết tính chất của tất cả cây xoài khác. Chỉ xem xét một cây thôi. Dầu có hàng ngàn cây xoài, nếu tôi biết một cây, tôi sẽ biết tất cả. Đây là lời dạy của Phật.

Giới, định, huệ hợp thành Đạo của Đức Phật. Nhưng Đạo không phải là cốt tủy của Giáo pháp. Đạo tự nó không phải là cứu cánh rốt ráo của Đức Như Lai. Nhưng nó là con đường dẫn vào trong. Giống như cách mà bạn đi từ Bangkok tới tu viện Wat Pah Pong. Con đường không phải là mục tiêu của bạn. Điều bạn muốn là đến được tu viện, nhưng bạn cần phải đi trên con đường đó. Và nó là con đường để bạn đến được đây. Bạn phải theo con đường này để đi đến tu viện, và giới, định, huệ cũng như thế. Chúng ta có thể nói rằng chúng không phải là cốt tủy của Phật Giáo, nhưng chúng là phương tiện để đi đến mục đích, kết quả là một sự bình an nội tâm sâu xa. Đó mới là cứu cánh. Một khi chúng ta đạt đến sự bình an này, dầu chúng ta có nghe tiếng động gì, tâm vẫn thản nhiên, không dao động. Một khi chúng ta đạt đến sự bình an này, không còn gì để làm nữa. Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ tất cả. Bất cứ điều gì xảy ra, không có gì để lo lắng cả. Rồi chúng ta sẽ thật sự nhận biết. Chúng ta không còn dễ dàng tin vào những gì người khác nói.

Nguyên lý cơ bản của Đạo Phật là sự rỗng không của mọi hiện tượng, nó không phụ thuộc vào thần thông hay những năng lực phi thường huyền bí khác. Đức Phật không đặt nặng những thứ này. Tuy nhiên, những năng lực như thế tồn tại và có thể được phát triển, nhưng khía cạnh này của Giáo pháp mang tính chất lừa đảo, nên Đức Phật không khuyến khích hay quảng bá. Những người mà Ngài khen ngợi là những người có thể giải thoát chính mình khỏi khổ đau. Công việc này đòi hỏi sự huấn luyện. Và những công cụ để thực hiện công việc là lòng bác ái, đức hạnh, thiền định, và trí huệ. Chúng ta phải tận dụng chúng và cùng huấn luyện với chúng. Tất cả những công cụ này hợp nhất để hình thành Đạo – con đường đi vào bên trong, và trí huệ là bước đầu tiên. Đạo này không thể thành thục nếu tâm chứa đầy phiền não, nhưng nếu chúng ta có đạo tâm kiên cố, Đạo sẽ tiêu trừ những chướng ngại này. Tu hành là sự tranh chấp liên miên giữa hai năng lực này. Chúng chiến đấu không ngừng nghỉ cho đến phút cuối cùng.

HIỂM HỌA CỦA SỰ RÀNG BUỘC

Sử dụng những công cụ tu hành đòi hỏi nhiều gian khổ và thách thức gay go. Chúng ta dựa vào sự nhẫn nại, chịu đựng và thiểu dục tri túc. Chúng ta phải tự mình làm lấy, tự mình kinh nghiệm lấy, tự mình chứng ngộ lấy. Tuy nhiên, các học giả thường hoang mang rất nhiều. Ví dụ, khi họ ngồi thiền và tâm vừa kinh nghiệm một chút tĩnh lặng, họ liền nghĩ, “Đây rồi, đây nhất định là cảnh giới sơ thiền”. Đầu óc họ làm việc như vậy đó. Và một khi những tư tưởng này phát sinh, sự tĩnh lặng mà họ mới đạt được biến mất. Không lâu sau, họ lại nghĩ rằng họ đã vào nhị thiền. Đừng suy đoán gì cả. Không có dấu hiệu nào cho biết mức độ thiền định mà chúng ta kinh nghiệm là gì. Không có những bảng hiệu giống như bảng chỉ đường thông thường cho bạn biết, “Đường này tới Wat Pah Pong”. Tôi không thấy có điều đó.

Mặc dầu một số học giả nổi tiếng mô tả những cảnh giới sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, nhưng những gì họ viết chỉ là lý thuyết. Nếu tâm thật sự đạt đến những trạng thái bình an thâm sâu này, nó không biết chút gì về những miêu tả trên. Nó biết, nhưng cái nó biết không giống như những lý thuyết mà chúng ta đọc. Nếu các học giả cố lôi cái lý thuyết của họ vào phòng thiền, rồi ngồi đó bâng khuâng, “Hừm... đây là gì nhỉ? Có phải là sơ thiền không? Thế là xong! Sự bình an của họ tiêu tan mất, và họ không thể nghiệm được điều gì thực thụ cả. Tại sao vậy? Bởi vì có sự ham muốn, và một khi sự ham muốn phát sinh, bạn biết điều gì xảy ra chứ? Tâm liền rời khỏi thiền. Thế nên chúng ta cần phải buông bỏ mọi sự suy tưởng và phán đoán. Từ bỏ chúng hoàn toàn. Chỉ xem xét thân, khẩu, ý và đặt hết tâm trí vào sự tu tập. Quan sát các động thái của tâm, nhưng đừng lôi kinh điển vào đó với bạn. Nếu không mọi thứ sẽ rối cả lên, bởi vì không có gì trong cuốn sách đó phù hợp hoàn toàn với thực tại.

Nhưng người ta nghiên cứu quá nhiều, đầu óc đầy ắp kiến thức, thường không thành công trong sự tu tập. Họ bị mắc kẹt ở đẳng cấp kiến thức. Sự thật là, chúng ta không thể đo lường tâm bằng những tiêu chuẩn bên ngoài thế gian. Nếu tâm trở nên bình an, cứ để nó bình an. Những mức độ bình an sâu xa nhất thật sự tồn tại. Về phần tôi, tôi không biết nhiều về lý thuyết. Sau khi xuất gia ba năm, tôi vẫn chưa biết thiền định là gì. Tôi cố suy ngẫm về nó, cố hiểu nó khi tôi thiền, nhưng làm thế chỉ khiến tâm tôi trở nên hiếu động và xao lãng hơn! Dòng tư tưởng càng dày đặc hơn. Cho nên, nhiều lúc không ngồi thiền, tôi lại thấy bình an hơn. Ối trời ơi, thật là khó khăn, khó chịu quá, nhưng dầu gặp rất nhiều trở ngại, tôi không bao giờ đầu hàng. Tôi cứ tiếp tục, không cố gắn làm điều gì đó đặc biệt, tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng mỗi khi tôi quyết định làm cho tâm nhập định, nó chạy nhảy lung tung. “Cái gì trong đó vậy?”, tôi ngạc nhiên. “Tại sao lại như vậy?”

Sau này, tôi mới nhận ra rằng thiền cũng giống như sự hít thở. Nếu chúng ta cố ép cho hơi thở theo ý muốn, chúng ta thấy rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi tản bộ và không để ý tới hơi thở, thì nó rất thư giãn. Từ đó tôi nhận ra, “À há, có thể làm tâm mình cũng như vậy”. Khi một người đi bộ tới lui làm việc mỗi ngày, không để ý đến hơi thở của họ, vậy hơi thở có khiến cho họ phiền não không? Không, chúng tự nhiên thoải mái. Nhưng khi tôi ngồi xuống thiền, quyết chí làm tâm bình an, sự dính mắc và ràng buộc nảy sinh. Khi tôi cố điều khiển hơi thở để nó cạn hay sâu hơn, nó chỉ làm cho tôi căng thẳng hơn mà thôi. Tại sao? Bởi vì ý chí mà tôi đang sử dụng bị ô nhiễm bởi chính sự dính mắc và ràng buộc. Tôi không biết điều gì đang xảy ra. Tất cả những sự thất vọng và khó nhọc phát sinh là vì tôi mang sự ham muốn vào thiền định.

“SỰ BÙNG NỔ TỰ PHÁT”

Có lần, tôi sống tại một tu viện trong rừng cách một ngôi làng khoảng một dặm. Một đêm nọ, dân làng thiết tiệc ăn mừng rất náo nhiệt trong khi tôi đang đi kinh hành. Lúc đó khoảng 11 giờ khuya và tôi cảm thấy hơi lạ. Tôi cảm thấy như đây là giữa trưa. Tâm tôi vắng lặng. Hầu như không có tư tưởng nào ở đó cả. Tôi cảm thấy rất thư giãn và nhẹ nhàng. Tôi đi kinh hành cho đến khi thấy mệt và tôi vào ngồi trong chòi tranh của mình. Tôi vừa ngồi xuống, chưa kịp xếp bằng, thì thật kỳ lạ, tâm tôi cứ muốn đi vào một trạng thái bình an sâu xa. Nó tự muốn như vậy. Tôi vừa ngồi xuống, tâm liền trở nên rất bình an. Nó rất vững vàng. Không phải tôi không thể nghe tiếng hát, nhảy múa của dân làng – tôi vẫn có thể nghe – chỉ là tôi cũng có thể không cho tiếng động đi vào trong.

Kỳ lạ thật. Khi tôi không lưu ý đến tiếng động, nó hoàn toàn yên lặng – không nghe một thứ gì cả. Nhưng nếu tôi muốn nghe, tôi vẫn có thể nghe mà không bị nó quấy nhiễu. Nó giống như hai vật đặt cạnh nhau nhưng không chạm nhau trong tâm của tôi. Tôi có thể thấy rằng tâm và đối tượng của nó là hai thứ khác nhau và riêng biệt. Rồi tôi hiểu: Khi tâm hợp nhất trong thiền định, nếu bạn hướng sự chú ý của mình ra ngoài, bạn có thể nghe tiếng động, nhưng nếu bạn để nó an trụ trong sự rỗng không của nó, nó hoàn toàn vắng lặng. Khi tiếng động đi vào, tôi có thể thấy rằng cái biết và tiếng động là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Tôi quán xét: “Nếu đây không phải là bản chất của nó, thì là gì nữa?” Đó là bản chất thực của nó. Cả hai thứ này hoàn toàn riêng biệt. Tôi tiếp tục khảo sát như vậy cho đến khi sự hiểu biết của tôi đi sâu hơn nữa: “À, đây là điều quan trọng. Khi sự tiếp nhận các hiện tượng bị cắt đứt, kết quả là sự bình an”. Ảo giác lúc trước về sự liên tục biến thành bình an nội tâm. Cho nên tôi tiếp tục thiền, nỗ lực thêm nữa. Tâm đã tập trung hoàn toàn vào thiền và không quan tâm vào những thứ khác. Nếu tôi xả thiền vào lúc này, đó chỉ là vì nó đã hoàn tất. Tâm chỉ còn lại một sự quân bình nội tâm hoàn toàn!

Cuối cùng tôi cũng ngừng lại, nhưng chỉ có tư thế ngồi là thay đổi mà thôi. Tâm tôi vẫn không thay đổi, không dao động, không mệt mỏi. Tôi kéo cái gối lại, tính nghỉ một lát. Khi tôi nằm xuống, tâm vẫn bình an như trước. Rồi, ngay trước khi tôi chạm vào cái gối, sự nhận biết của tâm bắt đầu đi vào trong; tôi không biết nó đi đâu, nhưng nó cứ chảy sâu dần và sâu dần vào bên trong. Nó giống như dòng nước đang chạy xuống trong ống đến cái vòi khóa. Cái biết trong đó hoàn toàn vi tế và minh bạch. Một khi thoát qua khỏi điểm đó, tâm được tự do để thâm nhập vào trong. Nó đi vào trong, tới một nơi, không có một thứ gì cả . Hoàn toàn không có một thứ gì từ bên ngoài có thể vào đến nơi đó. Sau khi ở đó một hồi, tâm đi ngược trở ra. Tuy nhiên, khi tôi nói nó đi lui ra, không có nghĩa là tôi khiến cho nó đi trở ra. Tôi chỉ quan sát và làm một nhân chứng, chỉ nhận biết và chứng kiến. Tâm lui ra dần cho đến khi nó trở lại điểm “bình thường”.

Một khi trạng thái tâm thức bình thường của tôi trở lại, nghi vấn nảy sinh, “Đó là cái gì vậy?!” Câu trả lời lập tức, “Những thứ này tự nó xảy ra. Bạn không cần tìm kiếm một sự giải đáp”. Câu trả lời này đủ thỏa mãn đầu óc của tôi.

Sau một hồi, tâm tôi lại bắt đầu chảy vào trong, tôi không hề cố gắn xoay chuyển tâm. Tự nó làm thế. Khi tâm đi sâu vào bên trong, nó đụng cái vòi nước đó nữa. Lần này thân thể tôi tan vỡ thành những mãnh vụn. Một lần nữa tâm được giải phóng để đi sâu vào chính nó. Hoàn toàn tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng sâu xa. Hoàn toàn không có gì ở đó. Tâm ở lại một thời gian, tùy thích, và rồi lui trở ra. Nó đi theo sự khởi động và xung lượng của chính nó. Tôi không cố làm ảnh hưởng tâm xoay theo hướng nào cả. Tôi chỉ là kẻ chứng kiến.

Tâm tôi trở lại trạng thái tâm thức bình thường của nó, và tôi không nghi vấn hay suy đoán nữa đối với những gì xảy ra. Khi tôi tiếp tục thiền, tâm lại đi vào trong. Những lần như thế, toàn thể vũ trụ tan vỡ thành những mãnh li ti. Mặt đất, núi non, đồng ruộng, và rừng rậm – cả thế giới – phân hủy thành những nguyên tố trong không gian. Con người biến mất. Mọi thứ biến mất. Không còn lại gì nữa.

Tâm, sau khi đi vào trong, trụ lại đó thời gian. Tôi không biết chính xác nó ở lại đó bao lâu. Thật khó diễn tả vô cùng. Không có gì để tôi có thể so sánh, không có gì thích hợp cả. Tâm tự nó làm tất cả. Tôi chỉ quan sát. Cuối cùng nó trở về trạng thái tâm thức bình thường. Bạn không thể đặt tên cho những sự kiện này? Ai biết được?

HẰNG THUẬN THIÊN NHIÊN.

Khi chúng ta bắt đầu vận dụng sự bình an và tĩnh lặng mà chúng ta phát triển được qua sự thiền định để quán chiếu những thứ này, trí huệ phát sinh. Tôi gọi đây là trí huệ. Đây là Vipassanà. Nó không phải một thứ để bịa đặt và diễn giải. Nếu chúng ta có trí huệ, vipassanà sẽ phát triển tự nhiên. Chúng ta không phải đặt tên cho những gì xảy ra. Nếu chỉ có một chút sáng suốt, chúng ta gọi đây là “chút ít vipassanà”. Nếu cái biết phù hợp với chân lý, bạn gọi nó là “vipassanà rốt ráo”. Tôi thích dùng chữ trí huệ hơn. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình sẽ hành thiền minh sát, chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối. Sự minh sát chỉ nên bắt đầu sau khi tâm đã bình an và tĩnh lặng. Và rồi tiến trình xảy ra một cách tự nhiên. Chúng ta không thể miễn cưỡng nó.

Đức Phật dạy rằng tiến trình này phát triển theo tốc độ riêng của nó. Một khi sự tu hành đã đạt đến mức độ này, chúng ta cho phép nó phát triển thuận theo những năng lực bẩm sinh, đạo tâm và phước báu tích lũy từ quá khứ. Nhưng chúng ta không bao giờ ngừng nỗ lực. Tiến bộ nhanh hay chậm không phải là chuyện của chúng ta - nó không nằm trong khả năng của chúng ta. Cũng giống như việc trồng cây. Cây tự nó cần phải mọc nhanh chừng nào. Nếu chúng ta muốn nó mọc nhanh hơn khả năng tự nhiên của nó, hoặc làm cho nó chậm hơn, đó chỉ là ảo tưởng (ngoài trừ chúng ta dùng những thủ đoạn để can thiệp vào sự biến đổi quá trình phát triển tự nhiên của cây). Chúng ta làm bổn phận của mình và rồi kết quả sẽ đến - giống như việc trồng cây vậy. Ví dụ như chúng ta muốn trồng một cây ớt. Bổn phận của chúng ta là đào một cái lỗ, gieo hạt ớt, tưới nước, bón phân, bắt sâu. Đây là công việc của chúng ta, và chỉ bấy nhiêu thôi. Cây ớt mọc hay không tùy nơi nó. Đó không phải công việc của chúng ta. Chúng ta không thể lôi  kéo cái cây để làm cho nó mọc nhanh hơn. Chúng ta chỉ có bổn phận tưới nước và bón phân. Tu hành theo cách này sẽ thoải mái hơn nhiều.

Nếu chúng ta đắc Đạo trong đời này, cũng tốt. Nếu chúng ta phải đợi đến vài kiếp sau, cũng không trở ngại gì. Chúng ta có niềm tin vững chắc vào Giáo pháp. Chúng ta đắc Đạo nhanh hay chậm còn tùy vào những nhân duyên, năng khiếu bẩm sinh, đạo tâm và phước báu mà chúng ta tích lũy từ trước. Tu hành như thế này, tâm sẽ thanh thản. Nếu tâm nôn nóng, nó muốn phải có kết quả ngay. Như vậy là sai. Đừng ảo tưởng. Đừng áp bức. Làm thế chỉ tạo nên đau khổ!

Một khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta biết những gì là bổn phận của mình và những gì là không phải. Tâm biết vai trò của nó. Nếu không hiểu biết, chúng ta sẽ cố thúc ép nó. Điều này phản ánh Chân Lý Thứ Hai, đó là tham ái khiến đau khổ phát sinh. Nếu chúng ta suy ngẫm Chân Lý này, chúng ta hiểu rằng, miễn cưỡng kết quả trong sự tu hành là sai lầm hoàn toàn. Hiểu biết cách làm việc của tâm, chúng ta buông bỏ và cho phép sự việc phát triển phù hợp với căn cơ, năng khiếu bẩm sinh, và phước báu của mình. Chúng ta cứ tiếp tục làm bổn phận của mình. Đừng lo sự khai ngộ sẽ lâu hay mau. Bởi chúng ta phải cần đến vài trăm kiếp hay vài ngàn kiếp người nữa để đắc Đạo, thì sao chứ? Dầu là bao nhiêu kiếp nữa, chúng ta vẫn cứ tu hành với một cái tâm thanh thản và vui vẻ với mức độ tiến hóa của mình. Một khi tâm đã nhập lưu, chúng ta không có gì phải sợ. Nó sẽ vượt lên ngay cả điều ác nhỏ nhất. Đức Phật dạy rằng tâm của một satàpanna (Tư đà hoàn - Thánh nhân Dự lưu), người đạt mức khai ngộ đầu tiên, đã bước vào dòng Pháp lưu dẫn đến sự đắc Đạo. Những người này sẽ không bao giờ phải sinh vào cảnh giới thấp kém, hay sa vào địa ngục. Làm sao họ có thể sa vào địa ngục khi tâm của họ đã buông bỏ điều ác? Họ đã nhìn thấy những hiểm họa của nghiệp ác. Dầu bạn có ép họ nói hay làm điều ác, họ không thể làm thế, cho nên không cách nào họ có thể sa vào cảnh giới địa ngục hay những nơi thấp hèn. Tâm của họ trôi chảy theo Pháp lưu.

Một khi bạn đã dự lưu (vào dòng), bạn biết bổn phận của mình là gì. Bạn biết cách tu hành. Bạn biết lúc nào nên phấn đấu, lúc nào nên thư giãn. Bạn hiểu thân tâm của mình, tiến trình vật lý  và tâm lý này, và bạn từ bỏ những thứ cần phải bỏ, liên tục từ bỏ mà không chút nghi ngờ. 

THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM.

Trong cuộc đời tu hành của tôi, tôi không có gắn tinh thông quá nhiều thứ. Chỉ một thôi. Tôi tinh luyện cái tâm này. Chẳng hạn, chúng ta nhìn vào một thân thể. Nếu chúng ta thấy mình ưa thích một thân thể nào đó, hãy phân tích nó. Hãy quan sát kỹ: tóc, lông, da, răng, móng tay. Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu những phần này trên cơ thể một cách toàn diện và lập đi lập lại. Hãy hình dung chúng tách rời riêng rẽ, đốt chúng cháy, và lột lớp da bên ngoài. Bạn quán chiếu như thế đó. Hãy kiên trì hành thiền cho đến khi định lực vững vàng. Hãy nhìn mọi người như nhau. Chẳng hạn, buổi sáng khi các tỳ kheo và sa di đi vào làng hóa duyên, dầu là thấy ai - một dân làng hay một tỳ kheo khác - họ đều hình dung anh ta hay cô ta như một cái xác chết, một cái xác đang đi loạng choạng trên đường phía trước họ. Cứ nhận thức như thế. Đây là cách để phấn đấu từ bỏ. Nó dẫn tới sự điềm tĩnh và tiến bộ. Khi nhìn thấy phụ nữ quyến rũ, hãy hình dung cô ta như xác chết biết đi, thân thể cô ta thối rữa và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hãy nhìn mọi người như thế. Đừng để họ đến quá gần! Đừng để những say đắm và ham muốn lưu lại trong tâm bạn. Nếu bạn nhìn thấy những người khác mục rữa và hôi thối, tôi dám chắc là bạn không say đắm quá lâu. Hãy quán chiếu cho đến khi bạn cảm thấy những gì mình thấy thực sự là như vậy, cho đến khi nó rõ ràng, cho đến khi bạn thông thạo. Bất kể bạn đi đến đâu, bạn cũng sẽ không lạc lối. Đặt hết tâm trí của bạn vào đó. Nhìn thấy ai bạn cũng chỉ nhìn thấy một xác chết. Bất kể là nam hay nữ, cứ xem đó như một xác chết. Và đừng quên nhìn vào chính mình như một xác chết! Cuối cùng, đây là tất cả những gì còn lại. Hãy cố phát triển cách nhìn này cho đến chỗ hoàn mỹ. Huấn luyện với nó cho đến khi nó trở thành một phần trong tâm trí bạn. Tin tôi đi, điều này rất thú vị - nếu bạn thật sự làm thế. Nhưng nếu bạn cứ bận rộn đọc nó từ sách vở, bạn sẽ bị trở ngại. Bạn phải làm nó, thực hiện nó với tất cả sự tinh cần. Làm cho đến khi sự quán chiếu này trở thành một phần của bạn. Hãy lấy sự chứng ngộ chân lý làm mục tiêu. Nếu bạn được thúc đẩy bởi ước muốn thoát khổ, đó là bạn đang đi đúng đường.

Thời nay, có nhiều người giảng dạy thiền minh sát (vippassanà) và nhiều pháp thiền khác nhau. Nhưng sự thật thì thiền minh sát không phải dễ. Chúng ta không thể nhảy ngay vào đó. Pháp thiền này sẽ không có kết quả nếu nó không xuất phát từ một tiêu chuẩn đức hạnh cao. Hãy tự biết mình. Đức hạnh và giới luật rất cần thiết, bởi nếu thân, khẩu, ý của chúng ta không thanh tịnh, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đứng vững trong pháp thiền minh sát này. Thiền định mà không có đức hạnh là bỏ đi phần quan trọng trong Đạo.

Cùng thế ấy, đôi lúc bạn nghe người ta nói, “Bạn không cần đạt đến trạng thái tĩnh lặng. Cứ đi thẳng vào thiền minh sát”. Những người cẩu thả ưa đi ngang về tắt mới nói như thế. Họ nói rằng bạn không cần bận tâm về giới luật. Nghiêm trì, tịnh hóa phẩm hạnh là một công việc đầy thử thách, không phải chuyện đùa. Nếu chúng ta có thể bỏ qua phần đạo đức, thì dễ hơn nhiều phải không? Mỗi khi có vấn đề, chúng ta chỉ việc tránh nó bằng cách cho qua, như kiểu “khó quá bỏ qua”. Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng thích bỏ qua những vấn đề khó khăn. Hãy cẩn thận với cách hành xử đó!

Có một lần, một tỳ kheo đến gặp tôi và nói rằng anh ta là một thiền giả thứ thiệt. Anh xin phép ở lại tu viện với tôi và hỏi thăm về thời khóa biểu sinh hoạt và tiêu chuẩn tu hành ở đây. Tôi giải thích với anh ta rằng trong tu viện này, chúng ta sống dựa vào luật tạng, đó là giới luật của người xuất gia do Đức Phật đề ra, và nếu anh ta muốn tu với tôi, anh cũng phải từ bỏ tiền bạc cùng với áo tu trước kia và thuốc men của anh. Anh ta bảo với tôi rằng đường lối tu hành của anh là, “không dính mắc vào mọi quy ước”. Tôi nói với anh ta là tôi không hiểu anh nói gì. “Cứ để tôi ở lại đây”, anh ta yêu cầu, “và tôi vẫn giữ tất cả tiền bạc tư trang của tôi nhưng tôi không dính mắc vào nó. Tiền bạc chỉ là một quy ước thôi”. Tôi nói, “Dĩ nhiên là được. Nếu anh có thể ăn muối mà không thấy mặn, thì anh cứ sử dụng tiền mà không dính mắc vào đó”. Đúng là nói chuyện viễn vông. Thật ra anh ta lười biếng, không muốn chấp hành những chi tiết trong giới luật. Không dễ đâu. Tôi nói, “Nếu anh có thể ăn muối và đoan chắc với tôi rằng nó mặn, tôi sẽ tin anh. Nhưng nếu anh nói rằng nó sẽ không mặn, hãy để tôi cho anh bịch muối để ăn. Cứ thử đi. Nó không mặn thật sao? Không dính mắc vào các quy ước không chỉ là nói miệng mà thôi. Nếu anh nói chuyện kiểu này, anh không thể ở lại đây với tôi”. Thế là anh ta bỏ đi.

Khi bắt đầu phát triển sự tĩnh lặng của thiền chỉ, đừng thử một hai lần rồi thôi vì thấy tâm không bình an. Như vậy là sai. Bạn phải hành thiền suốt một thời gian dài. Tai sao phải cần đến một thời gian dài? Thử nghĩ xem. Chúng ta cho phép tâm chạy nhảy lung tung trong bao nhiêu năm rồi? Mỗi khi tâm ra lệnh cho chúng ta đi hướng nào, chúng ta chạy theo hướng đó. Để an định một cái tâm lăng xăng, để làm cho nó dừng lại, làm cho nó tĩnh lặng, một vài tháng tu thiền không đủ đâu. Có đúng không? Khi chúng ta khởi sự huấn luyện tâm để nó bình thản trong mọi hoàn cảnh, hãy hiểu rằng vào lúc đầu, khi có một cảm thọ phát sinh, tâm sẽ không bình an được. Nó sẽ xao lãng và rối loạn. Tại sao? Bởi vì nó ham muốn. Chúng ta không muốn tâm suy nghĩ. Chúng ta không muốn tâm chạy ra ngoài. Chúng ta càng muốn tâm trở thành một điều gì, chúng ta càng mời gọi và đẩy nó vào. “Tôi không muốn những thứ này, tại sao chúng cứ quay trở lại mãi?”.

Là thế đó! Chúng ta muốn sự việc tồn tại theo một cách nào đó, bởi chúng ta không hiểu tâm của mình. Có thể phải lâu lắm chúng ta mới nhận ra rằng đùa chơi với những thứ này là một sự nhầm lẫn. Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ nhận ra, “Ồ, những thứ này đến bởi vì mình mời gọi chúng”.

Muốn không có một điều gì, muốn được bình an, muốn không bị xao lãng và hiếu động - đều là sự ham muốn. Chúng là những cục sắt nóng đỏ. Nhưng đừng lo. Cứ tiếp tục tu hành. Mỗi khi chúng ta kinh nghiệm một cảm thọ, hãy quán xét nó, tính vô thường, khổ, vô ngã của nó. Và rồi phản ánh và khảo sát: Những cảm thọ uế trược này gần như luôn đi kèm với việc suy nghĩ quá nhiều. Cảm thọ đi tới đâu, suy nghĩ cứ lẽo đẽo theo tới đó. Sự suy nghĩ và trí huệ là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Sự suy nghĩ chỉ phản ứng và chạy theo những cảm thọ vui buồn của chúng ta, và nó tiếp diễn không ngừng. Nhưng với cách trí huệ làm việc, nó sẽ mang tâm vào sự tĩnh lặng và bình an. Tâm dừng lại và không đi đâu nữa. Chỉ có cái biết và sự nhận biết về những gì đang được kinh nghiệm: khi cảm thọ này phát sinh, tâm là như thế này; khi cảm thọ kia phát sinh, tâm là như thế kia. Chúng ta giữ vững “cái biết”. Cuối cùng thì sự huyên thuyên này, sự lo âu này và phán xét kia – đều là thứ vô nghĩa, không có thực chất. Tất cả đều vô thường, khổ và không phải là tôi hay của tôi. Hãy ném nó vào một trong ba phân loại này, và dập tắt cuộc nổi loạn. Dập tắt nó ngay tại nơi nó phát sinh. Sau này, khi chúng ta ngồi thiền trở lại, nó sẽ xuất hiện nữa. Cứ canh gác nó. Theo dõi nó.

Giống như việc chăn trâu. Bạn có một ít lúa và con trâu. Con trâu muốn ăn lúa này. Trâu thích ăn lúa, phải không? Tâm của bạn cũng giống như con trâu. Những cảm thọ uế trược là những cây lúa. Cái biết là người chăn trâu. Tu hành cũng như vậy. Không khác. Hãy tự mình so sánh thì biết. Khi chăn trâu, bạn làm gì? Bạn cho phép nó đi tự do, nhưng bạn phải trông chừng nó. Nếu nó đi gần những cây lúa, bạn phải đuổi nó ra. Khi con trâu bị đuổi, nó lùi lại. Nhưng đừng lơ là. Nếu bạn gặp phải một con trâu cứng đầu, không quan tâm đến sự cảnh báo của bạn, hãy lấy một que củi và đánh mạnh vào mông đít của nó. Rồi nó sẽ không dám đến gần mấy cây lúa. Nhưng đừng vội mừng. Nếu bạn nằm xuống và ngủ quên, những cây lúa đó sẽ hóa kiếp hết. Tu hành cũng vậy: bạn canh gác tâm của mình; cái biết trông chừng tâm.

“Những người canh chừng tâm của mình sẽ thoát khỏi cái bẫy của Ma vương”. Tuy nhiên, cái biết này cũng chính là tâm, cho nên tâm sẽ quan sát chính nó. Cái nhận biết những điều này là “cái biết”. Cái biết theo dõi tâm, và từ cái biết này mà trí huệ phát sinh. Tâm thường bị vướn vào những cảm thọ, từ cảm thọ này đến cảm thọ khác  - y hệt như con trâu của chúng ta vậy. Bất kể nó đi về hướng nào, canh chừng nó cẩn thận. Nếu nó tiến sát gần những cây lúa, xua nó ra. Nếu nó không nghe, đánh vào đít nó. “Bét”. Đây là cách bạn vô hiệu hóa ham muốn của nó.

Huấn luyện tâm cũng vậy. Khi tâm kinh nghiệm một cảm thọ và dính mắc vào nó, công việc của cái biết là dạy nó. Phân tích cái cảm thọ đó là tốt hay xấu. Giải thích với cái tâm cách mà bản chất của nó vận hành khi nó gặp cảm thọ đó – cách làm việc của nhân quả. Và khi nó nắm bắt một thứ gì đó mà nó nghĩ là dễ thương, cái biết lại phải dạy dỗ nó, lại phải giải thích về nhân quả, cho đến khi tâm có thể vứt bỏ điều đó qua một bên. Điều này dẫn đến sự bình an nội tâm. Sau khi nhận ra rằng bất cứ thứ gì nó nắm bắt đều là ảo tưởng, là vô thường, tâm sẽ dừng lại. Nó không còn bị những thứ ấy quấy nhiễu, bởi vì nó bị giám sát và khiển trách không ngừng. Hãy quyết tâm ngăn trở sự ham muốn của tâm. Thách thức nó đến cùng, cho đến khi sự giảng dạy thấm sâu vào tâm. Đó là cách bạn huấn luyện tâm.

Kể từ ngày tôi vào rừng để hành thiền, tôi tu hành như thế đó. Khi tôi huấn luyện các đệ tử của mình, tôi huấn luyện họ tu hành theo cách đó. Bởi vì tôi muốn họ nhìn thấy chân lý, thay vì chỉ đọc nó từ kinh điển. Tôi muốn họ biết rõ là tâm của họ đã thoát khỏi những định kiến chưa. Khi sự giải thoát xảy ra, bạn biết; và khi sự giải thoát chưa xảy ra, hãy quán chiếu tiến trình nhân quả của mọi việc, quán chiếu cho đến khi bạn hiểu biết hoàn toàn. Một khi tiến trình nhân quả được thấu suốt, nó sẽ tự động rời khỏi chúng ta. Đừng bỏ cuộc cho đến khi nó thả bạn ra. Khảo sát không ngừng ngay tại đây. Đức Phật dạy rằng bạn phải hiểu biết chính mình. Các bậc minh triết xưa nay đều tự họ nhận biết chân lý. Bạn phải khám phá nó ngay trong tâm của bạn. Hãy biết chính mình.

Nếu bạn tin tưởng vào những gì mình biết và có tự tin, bạn sẽ bình thản đối với lời khen chê của thế gian. Bất kể người khác nói gì, bạn đều bình thản. Tại sao? Bởi vì bạn biết chính mình. Bạn có dễ dàng tin họ không? Dĩ nhiên là không. Bạn vẫn tiếp tục tu hành. Khi ai đó tán thán bạn, không bận tâm. Khi có người chỉ trích bạn, hãy nhìn lại chính mình. Họ buộc tội mình? Nhưng nếu sự thật không phải, sự buộc tội của họ không có giá trị. Nếu là vậy, thì chuyện gì mà bạn phải tức giận họ? Khi bạn có thể nghĩ được như thế, đời sống sẽ dễ chịu và không có vấn đề. Và rồi không có gì xảy ra là sai lầm cả. Mọi thứ đều là Pháp. Đó là cách tôi tu hành.

ĐI THEO TRUNG ĐẠO.

Đó là con đường ngắn nhất và trực chỉ nhất. Bạn có thể đến đây tranh cãi với tôi về Giáo Pháp, nhưng tôi không tham dự. Thay vì tranh cãi, tôi chỉ tặng cho bạn vài điều để suy ngẫm. Đức Phật dạy: hãy buông bỏ tất cả. Hãy buông bỏ với sự hiểu biết và tỉnh giác. Không có sự hiểu biết và tỉnh giác, sự buông bỏ đó không khác gì hơn sự buông bỏ của con trâu, con bò. Nếu bạn không đặt tâm trí vào đó, sự buông bỏ như thế là không đúng. Bạn buông bỏ vì hiểu bản chất của thế gian. Đây là sự buông bỏ mà không còn dính mắc lại nữa. Đức Phật dạy rằng trong giai đoạn đầu trên đường tu hành, bạn cần phải phấn đấu hết sức, phát triển tới cùng, và bám giữ rất nhiều. Bám vào Phật. Bám vào Pháp. Bám vào Tăng đoàn. Bám thật chặt. Đó là những gì Đức Phật dạy. Bám giữ với lòng thành tâm, kiên trì và bám thật chặt.

Trong quá trình tìm kiếm của tôi, tôi đã thử gần hết mọi phương pháp thiền quán. Tôi hy sinh cả đời mình cho Đạo, bởi vì tôi tin vào sự khai ngộ và pháp môn tu hành của mình. Những thứ này có thật, như lời Phật dạy. Nhưng để nhận ra chúng, đòi hỏi phải nổ lực tu hành, sự tu hành đúng cách. Bạn phải đi tới cùng. Sự huấn luyện cần phải có lòng can đảm – can đảm để nhìn thẳng vào chính mình và để thay đổi mọi thứ tận gốc rễ, can đảm để làm những gì cần phải làm. Và bằng cách nào? Huấn luyện tâm. Những tư tưởng trong đầu bảo chúng ta đi một đàng, nhưng Đức Phật bảo chúng ta đi một ngã. Tại sao chúng ta cần phải huấn luyện? Bởi vì tâm hoàn toàn bị ô nhiễm và đầy dẫy phiền não. Đó là cái tâm chưa được hoán chuyển qua sự huấn luyện. Nó không đáng tin cậy. Nó chưa có đức hạnh. Vì thế, Đức Phật bảo chúng ta đừng tin vào cái tâm uế trược này.

Nếu chúng ta xem xét kỹ những quy luật xuất gia tại đây, chúng ta sẽ thấy rằng chúng đều xoay quanh sự huấn luyện tâm. Và mỗi khi huấn luyện tâm, chúng ta cảm thấy nóng nảy và bực bội. Khi vừa cảm thấy nóng nảy và bực bội, chúng ta bắt đầu than vãn, “Trời ơi, tu kiểu này khó khăn quá! Không thể làm nổi”. Nhưng Đức Phật không nghĩ như thế. Ngài cho rằng khi sự huấn luyện tâm khiến cho chúng ta nóng nảy và bực bội, điều đó có nghĩa chúng ta đang đi đúng đường. Nhưng chúng ta không nghĩ vậy, chúng ta cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Sự nhầm lẫn này thường xảy ra ở những người mới tu và nó khiến cho sự tu hành có vẻ như khổ ải. Lúc ban đầu, chúng ta cảm thấy nóng nảy và bực bội, cho nên chúng ta nghĩ mình đi lạc hướng. Ai cũng muốn cảm thấy dễ chịu, nhưng họ ít khi xem xét điều đó là đúng hay sai. Dĩ nhiên, khi chúng ta đối trị với phiền não và thách thức những ham muốn của mình, chúng ta sẽ cảm thấy khổ sở. Chúng ta bực bội, tức giận, cáu gắt và bỏ cuộc. Thế nhưng, Đức Phật nói rằng chúng ta đi đúng đường. Chúng ta đang đối mặt với những phiền não của mình, và chúng là cái nóng nảy và bực bội.

Đức Phật dạy rằng chính những phiền não là cái bị khuấy động và bực bội. Ai cũng bị như vậy. Đó là lý do mà người ta cảm thấy sự tu hành rất khó nhọc. Người ta không xem xét sự việc rõ ràng. Thường thì họ lạc mất Đạo vì một trong hai thứ: say mê dục lạc và khổ hạnh ép xác. Họ bị mắc kẹt trong hai thái cực này. Một mặt thì họ thích buông thả. Khi thích thứ gì, họ làm thứ đó. Họ thích sống thoải mái. Họ thích nằm và thư giãn trong sự thoải mái. Bất kể là gì, họ đều muốn làm điều đó trong sự thoải mái. Đây gọi là say đắm trong dục lạc, bám vào cảm giác được thoả mãn. Say đắm như thế làm sao có thể tu hành tiến bộ được?

Còn nếu chúng ta không cho phép mình đuổi theo sự thoải mái, dục lạc và cảm giác dễ chịu, chúng ta đè nén cảm xúc ham muốn, khiến trở nên bức rức. Chúng ta tức giận, cau có và đau khổ. Đây là tình trạng rời xa Đạo vì sự khổ hạnh ép xác. Đây không phải là đường lối của bậc giác ngộ. Đức Phật cảnh báo rằng, chúng ta không nên rơi vào hai thái cực này: sự say đắm dục lạc và sự khổ hạnh. Khi cảm thấy hạnh phúc, chỉ việc nhận biết nó với chánh niệm. Khi cảm thấy tức giận, thù ghét, phải biết là bạn đang đi lạc ra khỏi con đường của Phật, đó là con đường của người thế tục. Một hành giả bình an không đi vào những con đường đó. Ông bước thẳng trên con đường chính giữa, với hai bên là sự say đắm dục lạc ở bên trái và sự khổ hạnh ép xác ở bên phải. Cứ đi ở giữa, không dính vào bên nào, đây là sự tu hành đúng đắn.

Nếu bạn muốn huấn luyện như thế, bạn phải đi theo Trung Đạo, không bị khuấy động bởi hạnh phúc và đau khổ. Đó là buông bỏ dục lạc và khổ hạnh. Con đường Trung Đạo của Đức Phật thì đầy gian nan và thử thách. Chỉ có hai thái cực tốt và xấu. Nếu chúng ta tin vào những gì chúng ta nói, chúng ta phải làm theo lệnh của chúng. Khi chúng ta tức giận một người nào, chúng ta liền nghĩ sẽ tìm thứ gì để tấn công họ. Không có sự nhẫn nại. Nếu chúng ta thương yêu người nào, chúng ta muốn vuốt ve họ từ đầu đến chân. Tôi nói có đúng không? Cả hai thứ này đều hoàn toàn lạc khỏi Trung Đạo. Giáo lý của Đức Phật là buông bỏ những thứ này dần dần. Đây là con đường thoát khỏi luân hồi sinh tử, vui buồn, thiện ác...

Những ai ham muốn bám lấy thế gian sẽ không nhìn thấy trung đạo. Họ cứ tiếp tục nhảy qua nhảy lại ở hai bên thiện ác. Họ cứ chạy tới chạy lui, nhưng họ không ở lại cái nơi không có sự hiện hữu và sinh tử. Họ không thấy nơi đó, họ không ở lại đó. Hoặc là họ đi xuống, ra khỏi nhà, và bị chó cắn hay họ trèo lên cây để bị chim kền kền mổ. Vì đây là sự hiện hữu.

Loài người không nhìn thấy cái không sinh tử. Tâm của con người không nhìn thấy nó. Trung Đạo mà Đức Phật đi vượt lên trên sự hiện hữu và tái sinh. Tâm vượt lên trên thiện ác là tâm đã được giải thoát. Đây là con đường của bậc minh triết an nhiên tự tại. Nếu chúng ta không đi con đường này, chúng ta không bao giờ là một thánh nhân tự tại. Sự an nhiên tự tại này sẽ không bao giờ có cơ hội trổ hoa. Tại sao? Bởi vì có sự sinh diệt. Con đường của Đức Phật không có sinh và diệt. Không có cao thấp. Không có hạnh phúc và khổ đau. Không có thiện và ác. Đây là con đường trực chỉ thẳng tới sự bình an và tĩnh lặng hoàn toàn, xa lìa sự khoái lạc và đau khổ, hạnh phúc và phiền não. Đây là cách tu hành. Kinh nghiệm điều này, tâm có thể dừng lại sự dính mắc. Nó có thể ngừng đặt câu hỏi. Nó cũng không cần tìm kiếm câu trả lời. Thấy không! Đó là lý do Đức Phật nói rằng, Đạo là điều mà kẻ trí tự mình nhận biết. Không cần hỏi ai khác. Chúng ta tự mình hiểu, không chút nghi ngờ, rằng mọi việc thật sự đúng y như lời Phật dạy.

TU HÀNH THÀNH TÂM.

Tôi vừa kể cho bạn chút ít về sự tu hành của tôi. Tôi không có nhiều kiến thức về lý thuyết. Tôi không nghiên cứu nhiều. Cái mà tôi thật sự nghiên cứu là cái tâm này của tôi, và tôi học hỏi một cách tự nhiên qua sự thử nghiệm, mò mẫm. Khi tôi thích một thứ gì, tôi xem xét sự việc đang xảy ra và nơi mà nó dẫn tôi tới. Dĩ nhiên, nó dẫn tôi tới một nơi đau khổ. Sự tu hành của tôi là quan sát chính mình. Khi sự hiểu biết lớn thêm, tôi nhận biết mình rõ thêm.

Hãy tu hành với tất cả sự thành tâm! Cố đừng suy nghĩ quá nhiều. Nếu ngồi thiền mà thấy mình mong muốn tâm đạt được điều gì, thì tốt hơn nên dừng lại. Khi tâm bạn bắt đầu trở nên yên lặng và bạn nghĩ, “Đây rồi! Chắc là nó chứ gì? Phải nó đây không?”, thế thì hãy dừng lại. Đem tất cả những kiến thức về lý thuyết, về sự phân tích của bạn mà gói lại, bỏ nó vào trong hộc tủ. Đừng lôi nó ra để bàn luận hay giảng giải. Đó không phải là loại kiến thức có thể thẩm thấu vào trong. Đó là một kiến thức khác.

Khi nhìn thấy thực tại về điều gì, lúc đó chúng ta mới biết là nó không giống như những gì được mô tả trên sách vở. Chẳng hạn, chúng ta viết xuống những chữ “ham muốn dục lạc”. Khi sự ham muốn dục lạc thật sự áp đảo tâm, những chữ này không thể truyền đạt cùng một ý nghĩa như thực tại. Chữ “tức giận” cũng vậy. Chúng ta có thể viết hai chữ này lên bảng đen, nhưng khi chúng ta thật sự tức giận thì cảm giác đó khác hẳn. Chúng ta không thể đọc hai chữ đó đủ nhanh và tâm đã bị nuốt trọng bởi sự tức giận.

Điểm này vô cùng quan trọng. Sự giảng dạy trên lý thuyết cũng chính xác, nhưng đem sự giảng dạy đó vào tâm mới là điều quan trọng. Chúng ta phải thâm nhập vào trong. Nếu Đạo không mang vào tâm, bạn chưa thật sự hiểu Đạo. Bạn chưa thấy Đạo. Sau này, khi có chút kinh nghiệm tu hành, tôi mới nhận thấy những vị thiền sư ấy giảng dạy là sự thật. Tôi biết cách để hiểu. Và sự hiểu biết này dẫn tới sự hiểu biết khác. Đạo bén rễ trong tâm tôi. Nhưng phải lâu lắm, lâu lắm, tôi mới nhận ra rằng tất cả những vị thiền sư đó nói thật sự đến từ kinh nghiệm, không phải từ sách vở. Chúng ta phải dựa vào sự hiểu biết và chứng ngộ của chính mình. Khi tự mình tu hành, tôi dần kinh nghiệm tất cả những điều này và phải nhận ra rằng vị thầy nói đúng. Cho nên tôi tiếp tục.

Hãy tận dụng mọi cơ hội để tu hành. Bất kể bạn thấy bình an hay không, đừng vội lo. Ưu tiên hàng đầu vào lúc này là thiết lập nề nếp tu hành và tạo nhân duyên cho sự giải thoát trong tương lai. Một khi đã làm thế rồi, bạn không cần lo lắng đến kết quả. Đừng lo là bạn tu hành có kết quả hay không. Lo lắng là không bình an. Nhưng nếu bạn không làm bổn phận của mình, làm sao bạn có thể kỳ vọng vào kết quả? Kẻ tìm sẽ thấy. Kẻ ăn sẽ no. Tu hành có nghĩa là phát triển giới, định, huệ trong tâm chúng ta. Nhớ nghĩ đến Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Từ bỏ tất cả mọi thứ mà không có ngoại lệ. Hành động của chúng ta chính là nguyên nhân và điều kiện chín muồi ngay trong kiếp này. Cho nên hãy tinh cần và thành tâm.

Dầu chúng ta có ngồi trên ghế để thiền, chúng ta vẫn có thể tập trung. Lúc đầu, chúng ta không tập trung vào nhiều thứ - chỉ hơi thở thôi. Nếu thích, chúng ta có thể lập đi lập lại chữ “Phật, Pháp, Tăng” cùng với mỗi hơi thở. Trong khi tập trung sự chú ý, hãy cố đừng kiềm chế hơi thở. Chừng nào chúng ta vẫn chưa thoải mái về hơi thở, thì có nghĩa là chúng ta chưa làm đúng cách. Tuy nhiên, một khi chúng ta thư giãn với hơi thở của mình, cảm thấy nó dễ chịu, nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra, chúng ta đang làm đúng cách. Nếu chúng ta chưa làm đúng, hãy dừng lại một chút, tái lập sự chánh niệm về hơi thở trở lại.

Nếu trong lúc thiền, bạn cảm thấy muốn kinh nghiệm những hiện tượng như xuất hồn hay tâm trở nên chiếu diệu hay bạn thấy tâm ảnh như cảnh mê cung thiên giới v.v..., cũng đừng sợ. Chỉ việc nhận biết diễn biến tâm, với tất cả thứ gì bạn đang kinh nghiệm và tiếp tục thiền. Đôi lúc hơi thở sẽ chậm hay dừng lại. Đừng lo lắng, không có gì phải sợ. Bạn chỉ nhận biết hơi thở dừng lại. Sự thật thì hơi thở vẫn còn đó, chỉ là nó hoạt động ở mức độ vi tế hơn rất nhiều. Sau một hồi thì hơi thở sẽ tự nó trở lại bình thường.

Lúc ban đầu, cứ tâp trung làm cho tâm bình bình an và điềm tĩnh. Dầu là ngồi trên ghế, đi xe, đi tàu, hay bất cứ nơi nào, bạn nên luyện tập thành thạo đến độ bạn đi vào trạng thái bình an khi mình muốn. Khi bạn lên xe, và ngồi xuống, hãy nhanh chóng mang tâm vào trạng thái bình an. Bất cứ ở đâu bạn cũng có thể ngồi thiền. Mức độ thành thạo này cho thấy bạn đã quen dần với Đạo. Rồi bạn bắt đầu khảo sát. Tận dụng năng lực của cái tâm bình an để khảo sát những gì bạn kinh nghiệm – đôi lúc đó là điều bạn thấy, có lúc đó là thứ bạn nghe, ngửi, nếm, cảm xúc với thân thể, hay suy nghĩ và cảm giác trong đầu. Bất cứ cảm thọ nào phát sinh – thích hay không thích – cứ quán chiếu nó. Chỉ việc nhận biết những gì bạn đang kinh nghiệm, đừng suy nghĩ hay diễn giải nó. Nếu nó tốt, nhân biết rằng nó tốt. Nếu nó xấu, nhận biết nó xấu. Đây là pháp hữu vi. Thiện ác, nó đều vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Tất cả đều không đáng tin cậy. Không đáng để dính mắc vào. Nếu bạn có thể duy trì sự bình an và khảo sát này, trí huệ sẽ tự động phát sinh. Mọi thứ mà bạn cảm nhận hay kinh nghiệm đều lọt thỏm vào ba cái hố: vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Đây là thiền minh sát.

Khi tâm đã bình an rồi, mỗi cảm thọ phát sinh, hãy ném chúng vào các hố rác. Đây là cốt tủy của thiền minh sát: vứt bỏ mọi thứ vào ba cái hố vô thường, khổ, vô ngã. Tốt, xấu, ghê tởm, hay bất cứ thứ gì cứ ném nó xuống đó. Không bao lâu, sự hiểu biết và khai ngộ sẽ đơm hoa kết trái. Bạn hãy kiên trì tu tập mãi như thế.

HÃY LÀM ĐI.

Đã đến lúc chúng ta cần phải tu thiền. Thiền để hiểu biết, để buông bỏ, và để bình an. Hãy tự mình kinh nghiệm lấy. Cũng giống như người muốn hiểu rõ tôi, họ phải đến sống ở đây. Rồi với sự tiếp xúc hằng ngày, chúng ta sẽ hiểu nhau.

Tôi từng là một du tăng, lang thang đến nhiều nơi để viếng thăm các vị thầy và tìm kiếm sự tĩnh mịch. Tôi không đi đây đó để thuyết pháp, mà để nghe pháp từ các vị thầy Phật giáo nổi tiếng. Tôi không đi tới đó để giảng dạy họ, mà để lắng nghe sự khuyên bảo của họ. Ngay cả khi những vị tăng trẻ hay còn ít tuổi đạo hơn muốn giảng giải Phật pháp cho tôi, tôi cũng nhẫn nại lắng nghe. Tuy nhiên, tôi hiếm khi tham dự các buổi thảo luận về Phật pháp. Tôi không nhìn thấy sự lợi ích nào ở điều này. Một tôi chấp nhận một sự giảng dạy nào đó, tôi thực hành ngay lập tức. Những gì tôi làm vì mục đích xả bỏ. Chúng ta không cần phải tinh thông kinh điển. Mỗi một ngày qua chúng ta già thêm, mỗi ngày chúng ta nắm bắt một ảo tưởng khác, quên mất chân tánh. Thực hành giáo pháp và nghiên cứu giáo pháp là hai việc khác hẳn nhau.

Tôi không chỉ trích một pháp môn thiền nào. Chừng nào chúng ta hiểu rõ mục đích và ý nghĩa thật sự của chúng, thì chúng ta không có gì là sai cả. Tuy nhiên, tự cho mình là thiền giả Phật giáo, nhưng không nghiêm trì giới luật của người xuất gia, theo tôi nghĩ, sẽ không đi đến đâu cả. Tại sao? Bởi vì chúng ta cố bỏ qua phần quan trọng trong Đạo, bỏ qua giới, định, huệ. Có thể có người bảo với bạn rằng, bạn không nên dính mắc vào sự tĩnh lặng của thiền chỉ: “Đừng mất thời giờ với thiền chỉ, cứ đi ngay vào thiền minh sát”. Theo sự hiểu biết của tôi, nếu chúng ta muốn nhảy ngang vào thiền minh sát, chúng ta khó có thể thành tựu hành trình tâm linh của mình một cách mỹ mãn.

Đừng bỏ đường lối tu hành và thiền định của các chân sư nổi tiếng, như các Đại đức Ajahn Sao, Mun, Taungrut và Upali. Con đường mà họ giảng dạy hoàn toàn chân thật và đáng tin cậy. Nếu chúng ta đi theo bước chân của họ, chúng ta sẽ thấy rõ chính mình. Ajahn Sao rất quan tâm đến đức hạnh của ngài. Ngài không nói rằng chúng ta nên bỏ qua giới luật. Nếu các vị chân sư vĩ đại của Truyền Thống Trong Rừng này khuyên chúng ta hành trì và trì giới theo một cách nào đó, vậy thì, để tỏ lòng tôn kính họ, chúng ta nên làm theo những gì họ giảng dạy. Nếu họ nói là như thế, thì làm như thế. Nếu họ nói đừng làm làm thế vì điều đó là sai, thì đừng làm. Chúng ta tu hành vì chúng ta có niềm tin. Chúng ta có quyết tâm không lay chuyển. Chúng ta tu hành cho đến khi nhìn thấy Giáo pháp trong chính tâm của mình, cho đến khi chúng ta là Giáo Pháp. Đây là những gì các vị thầy giảng dạy. Các đệ tử của họ tôn trọng, kính nể, và yêu thương họ, bởi vì qua sự tu hành, họ đã nhìn thấy điều mà các vị thầy của họ đã thấy.

Hãy thử đi. Làm giống như tôi nói vậy. Nếu bạn thật sự làm thế, bạn sẽ thấy Pháp, sẽ là Pháp. Nếu bạn có quyết tâm thực sự, đâu có gì có thể ngăn cản bạn? Những phiền não trong tâm sẽ bị chế ngự nếu bạn đối phó với chúng đúng cách: là một người từ bỏ, một người tiết kiệm lời nói, một người thiểu dục tri túc, là người buông bỏ quan điểm và ý kiến phát sinh từ sự tự mãn và kiêu hãnh. Và rồi bạn sẽ có thể nhẫn nại lắng nghe một người khác, dầu những gì họ nói chưa đúng. Và bạn cũng nhẫn nại lắng nghe, tiếp thu ý kiến người khác khi họ nói đúng. Hãy xem xét chính mình như thế. Tôi cam đoan với bạn rằng, bạn có thể làm được, nếu bạn cố gắn. Tuy nhiên, các học giả hiếm khi thực hành Giáo Pháp. Có vài người, nhưng rất ít. Thật xấu hổ.

Sự việc bạn đi đến đây nghe Pháp đã là đáng khen rồi. Nó cho thấy sức mạnh nội tâm. Có vài tu viện chỉ khuyến khích người ta nghiên cứu kinh điển. Các sư cứ nghiên cứu mãi, học mãi, mà vẫn không thấy đích, và không bao giờ buông bỏ những thứ cần buông bỏ. Họ chỉ khảo sát chữ “bình an”. Nhưng nếu bạn dừng lại trong sự tĩnh lặng, bạn sẽ khám phá ra một thứ có giá trị thật sự. Đây là cách bạn khảo sát. Sự khảo sát này thật sự có ý nghĩa, có giá trị và hoàn toàn không lay chuyển. Nó trực chỉ vào những gì bạn học hỏi từ lý thuyết kinh điển. Nếu các học giả không hành thiền, kiến thức của họ chỉ là sự hiểu biết nhỏ nhoi. Một khi họ thực hành giáo pháp, những điều mà họ nghiên cứu mới trở nên rõ ràng và sâu sắc.

Cho nên, hãy tu hành đi! Hãy phát triển sự hiểu biết này. Hãy thử sống trong rừng và trong một cái chòi nhỏ xíu. Trải qua sự huấn luyện này một thời gian sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích hơn việc chỉ ngồi nghiên cứu giáo lý. Rồi bạn có thể thảo luận với chính mình. Khi bạn quan sát tâm, bạn có cảm tưởng như thể tâm đang buông bỏ và nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên của nó. Khi tâm gợn sóng và lung lay từ trạng thái tĩnh lặng này, thì tiến trình duyên khởi phát động. Hãy vô cùng thận trọng và canh phòng tiến trình này. Một khi tâm động niệm và bị ném ra khỏi trạng thái tĩnh lặng tự nhiên của nó, sự tu hành của bạn không còn đi đúng hướng. Bạn rơi vào hai thái cực: say mê dục lạc hay khổ hạnh ép xác. Đó là nơi dẫn đến các chuỗi nhân duyên sinh khởi bất tận. Những thứ này nó nảy sinh từ tâm của chính bạn.

Thật ra, quan sát hoạt động của tâm cũng rất thú vị. Dầu có phải nói đề tài này suốt ngày, tôi cũng thấy vui. Khi bạn hiểu cách làm việc của tâm, bạn sẽ nhìn thấy sự hoạt động của tiến trình duyên khởi và cách nó tiếp nối xuyên qua sự tẩy não của những phiền não chướng ngại trong tâm. Tôi nhìn thấy tâm như một trụ điểm. Các trạng thái tâm lý là những vị khách tham quan nơi này – là vui, là buồn, là tức giận, là yêu thương, đau khổ và hạnh phúc. Hãy huấn luyện tâm để canh phòng và nhận biết tất cả với cặp mắt của chánh niệm. Hãy ngồi đó và quan sát, ngồi ở chổ đó suốt ngày.

Đây là sự chánh niệm vững vàng của Đức Phật; nó canh phòng và bảo vệ tâm. Bạn đang ngồi ngay đây. Từ lúc bạn ra khỏi bào thai, tất cả các quan khách đều đến viến chỗ này. Bất kể họ đến thường xuyên hay không, họ luôn cùng đến chỗ này, ngày nơi đây. Hãy quan sát. Biết hết những vị khách này, sự chánh niệm của Đức Phật ngồi một mình, vững vàng. Những vị khách đó đến đây để gây ảnh hưởng hầu có thể điều kiện hóa và chế ngự tâm của bạn trong những cách khác nhau. Họ có thể lôi kéo tâm vào những vấn đề của họ, các trạng thái tâm lý phát sinh. Bất kể vấn đề là gì, chỉ việc quên nó đi, không có gì quan trọng cả. Dù ai vào ra cũng mặc nhiên. Chừng nào bạn vẫn còn ngồi ở đó, họ không có chỗ nào ngồi cả. Họ đến chỉ muốn rót vào tai bạn những điều nhãm nhí. Bất kể những vị khách huyên thuyên này xuất hiện bao nhiêu lần, họ luôn bị đụng độ bởi người ngồi canh gác ở cùng một chỗ. Chỉ việc quan sát và nhận biết ngay tại nơi đây là đủ để nhìn thấy toàn thể Giáo pháp. Bạn tự mình khảo luận, quan sát, và quán chiếu.

Đây là cách để thảo luận Giáo Pháp. Tôi không biết nói điều gì khác. Tôi có thể tiếp tục nói chuyện như thế, nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ là nói và nghe. Hãy thực hành đi! Nếu bạn nhìn vào chính mình, bạn sẽ kinh nghiệm. Bạn có pháp môn để đi theo. Bạn tiếp tục tu hành, tinh trạng sẽ thay đổi và bạn phải điều chỉnh cách làm việc để hóa giải những vấn đề phát sinh vào thời điểm đó. Có thể phải rất lâu bạn mới nhìn thấy một dấu hiệu rõ ràng. Nếu bạn đi cùng con đường tôi đi, hành trình này chắc chắn xảy ra trong tâm bạn. Nếu không, bạn sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.

Cũng như khi bạn nghe một tiếng động. Cái nghe là một thứ, tiếng động là một thứ khác, và chúng ta ý thức rõ ràng cả hai thứ này mà không cần ghép chúng lại với nhau. Thiên nhiên đã cung cấp cho chúng ta nguyên liệu để khảo sát trên đường tìm kiếm chân lý. Cuối cùng, tâm tự nó mổ xẻ và tách rời mọi hiện tượng. Nói ngắn gọn, tâm không bị dính măc. Khi tai nghe tiếng động, hãy quan sát những gì xảy ra trong tâm. Tâm có vướn mắc, và bị lôi kéo bởi tiếng động đó không? Nó có bực bội không? Ít nhất hãy biết được như vậy. Và rồi tiếng động đi vào, nó sẽ không quấy nhiễu tâm.

Sống nơi đây, chúng ta sử dụng những thứ gần bên mình, bởi dầu chúng ta có muốn trốn tránh tiếng động, chúng ta cũng không làm gì được. Cách duy nhất là huấn luyện tâm, để nó không lay chuyển bởi những tiếng động. Hãy để tiếng động xuống. Những âm thanh mà chúng ta buông xuống, chúng ta vẫn có thể nghe, nhưng chúng ta không quan tâm đến nó, chúng không quan trọng, bởi vì chúng ta đã đặt xuống rồi. Nó tự động tách rời nhau thông qua sự xả bỏ. Và rồi, ngay cả khi chúng ta muốn nắm giữ một âm thanh nào đó, tâm sẽ không còn dính mắc. Vì một khi chúng ta thấu hiểu thực chất của lục trần, tâm đã nhìn thấy rõ ràng, mọi thứ mà chúng ta cảm nhận, tất cả mọi thứ, đều mang ba tính chất của thế gian, đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.

Sự chánh niệm và tâm quyện lẫn vào nhau để không ngừng quan sát lẫn nhau. Khi tâm được huấn luyện đến mức độ này, bất kể là chúng ta chọn con đường nào để đi, chúng ta vẫn đi đúng hướng. Chúng ta sẽ phát triển khả năng khảo sát hiện tượng, một trong những yếu tố quan trọng của sự giác ngộ, và sự khảo sát này sẽ tiếp diễn với xung lượng của chính nó.

Hãy thảo luận Chánh Pháp với chính bạn. Hãy tháo gỡ và phóng thích cảm xúc, ký ức, sự nhận thức, suy nghĩ, ham muốn và tâm thức. Với những người đã chế ngự tâm của họ, tiến trình phản ánh và khảo sát này tự động tuôn chảy. Họ không còn phải cố ý xoay chuyển nó. Tâm hướng về phía nào, sự quán chiếu thích ứng đến đó ngay lập tức.

THIẾT LẬP CƠ SỞ CHO SỰ HÀNH THIỀN.

Tu hành đạt đến mức độ này, bạn sẽ có thêm một lợi ích thú vị khác. Mọi tình trạng ngủ ngáy, nói chuyện trong giấc ngủ, nghiến răng, và trăn trở đều sẽ ngừng hẳn. Ngay cả khi ngủ rất say, lúc thức dậy, bạn cũng sẽ không cảm thấy nặng nề và buồn ngủ. Bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tỉnh táo như thể bạn đang thức trong suốt thời gian này. Lúc trước tôi hay ngáy, nhưng một khi tâm luôn trong trạng thái tỉnh thức, tôi không ngáy nữa. Làm sao có thể ngáy khi bạn tỉnh thức? Chỉ khi cơ thể mệt mỏi và ngủ bạn mới ngáy. Tâm hoàn toàn tỉnh thức suốt ngày đêm. Đây là tỉnh giác thuần khiết và cao độ của Đức Phật: một người hiểu biết, giác ngộ, an lạc và chiếu sáng rực rỡ. Sự tỉnh giác rõ ràng này không bao giờ ngủ. Năng lượng của nó là thứ năng lượng tự phát tự dưỡng và nó không bao giờ buồn ngủ hay trì trệ. Ở giai đoạn này, chúng ta có thể thức liên tục hai, ba ngày. Khi thân thể bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, chúng ta ngồi xuống thiền, lập tức nhập định sâu khoảng năm, mười phút, và rồi ra khỏi định, chúng ta cảm thấy tươi tỉnh và tràn đầy sinh lực như thể chúng ta vừa ngủ một đêm dài. Nếu chúng ta không quan tâm đến thân thể, thì ngủ là điều không quan trọng nhất. Chúng ta chăm sóc cơ thể, nhưng chúng ta không lo lắng tình trạng thể chất của nó. Hãy để nó đi theo quy luật tự nhiên. Chúng ta không cần làm gì cả. Nó tự biết làm gì. Cứ như thể có người hối thúc chúng ta tiếp tục phấn đấu. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy biếng nhác, có tiếng nói bên trong luôn đánh thức sự tinh cần của chúng ta. Sự trì trệ không thể nảy sinh trong giai đoạn này, bởi vì nổ lực và sự tiến bộ đã đạt đến một xung lực bất thối chuyển. Hãy thử cho biết. Bạn đã nghiên cứu và học hỏi nhiều rồi. Bây giờ là lúc nghiên cứu và tìm hiểu chính mình.

Vào giai đoạn đầu trên đường tu hành, đời sống ẩn cư là một điều kiện rất quan trọng. Khi bạn sống một mình trong sự tĩnh mịch, bạn sẽ nhớ lại lời dạy của Đại đức Xá-lợi-phất: “Sự ẩn cư thể xác là nguyên nhân và điều kiện để phát sinh sự ẩn cư của tâm, những trạng thái định sâu lắng rời xa mọi sự tiếp xúc của lục căn. Và rồi, và rồi sự ẩn cư của tâm trở thành nguyên nhân cho sự ẩn cư khỏi những phiền não. Sự khai ngộ bắt đầu từ đây”. Thế nhưng có người vẫn nói rằng, đời sống ẩn đạt là không cần thiết: “Nếu tâm bạn bình an, bạn ở đâu cũng không sao”. Đúng là thế, nhưng vào giai đoạn đầu trong sự tu hành, chúng ta nên nhớ rằng sống ẩn dật trong một môi trường thích hợp là điều kiện tiên quyết. Hôm nay hay một ngày gần đây, hãy tìm đến một nơi hẻo lánh trong rừng sâu. Hãy thử sống một mình. Hoạc bạn có thể đến một vùng núi non hoang vu. Hãy đi và sống một mình. Bạn sẽ kinh nghiệm điều thú vị suốt đêm trường. Và rồi bạn sẽ biết chính mình. Ngay cả tôi, có lúc tôi cũng cho rằng đời sống ẩn dật là không quan trọng lắm, nhưng một khi tôi thật sự làm thế, tôi nhớ lại lời dạy của Đức Phật. Đấng Giác Ngộ khích lệ các đệ tử của Ngài tu hành ở nơi xa xôi hẻo lánh. Vào lúc đầu, hãy xay đắp nền tảng cho sự ẩn cư nội tâm, và rồi điều này sẽ cũng cố sự ẩn cư khỏi các phiền não.

Giả sử bạn là một người tại gia với gia đình và nhà cửa. Bạn tìm đâu ra sự tĩnh mịch đây? Khi bạn về nhà, bước vào cửa là đã đối diện với đủ thứ rối rắm và phiền phức. Không có chỗ ẩn cư cho thể xác. Cho nên bạn đi đến một nơi xa xôi và bầu không khí ở đây hoàn toàn khác hẳn. Bạn phải hiểu tầm quan trọng của đời sống ẩn dật trong giai đoạn tu hành đầu tiên. Sau đó bạn đi tìm một vị thiền sư. Ông ta hay bà ta sẽ hướng dẫn, khuyên dạy, và chỉ ra những điểm sai lầm của bạn, bởi vì đó là những sự hiểu lầm mà bạn cho là mình đúng. Một khi vị thầy giải thích, bạn hiểu chính mình sai chỗ nào. Chính cái nơi mà vị thầy nói rằng bạn sai là nơi mà bạn nghĩ mình đúng.

Tôi nghe nói rằng có một số những học giả Phật Giáo vẫn đang tìm tòi và nghiên cứu dựa vào kinh điển. Không ai nói rằng chúng ta không nên nghiên cứu. Khi đến lúc phải mở sách ra để nghiên cứu, chúng ta học theo lối đó. Nhưng khi đến lức phải cầm binh ra trận, chúng ta phải chiến đấu theo những lối mà có thể không phù hợp với lý thuyết. Nếu một binh sĩ ra trận và chiến đấu dựa vào những gì anh ta đọc trong sách, anh ta sẽ không thể chống chọi với kẻ thù của mình. Khi người binh sĩ hết lòng chiến đấu và trận chiến là thật, anh ta phải chiến đấu bằng cách vượt lên trên lý thuyết. Nó là như vậy. Lời của Phật trong kinh điển chỉ là sự hướng dẫn và ví dụ, nghiên cứu kinh điển đôi khi có thể dẫn tới những bất cẩn.

Con đường của các thiền sư Phái Trong Rừng là con đường từ bỏ. Trên con đường này chỉ có sự từ bỏ mà thôi. Chúng ta nhổ tận gốc mọi quan điểm xuất phát từ lòng kiêu hãnh. Chúng ta nhổ tận gốc cái cảm giác về tự ngã của mình. Tôi đoan chắc với bạn, lối tu hành này thách thức bạn đến cùng, nhưng bất kể khó khăn bao nhiêu, bạn cũng đừng vứt bỏ sự giảng dạy của các vị sư này. Nếu không có sự hướng dẫn thích đáng, tâm và định có thể rất huyển ảo và lừa gạt. Tôi luôn đối phó với những hiện tượng như thế một cách cẩn trọng. Khi còn là một tỳ kheo trẻ, mới tu dược vài năm, tôi không thể tin tưởng tâm của mình. Tuy nhiên có một lần tôi đạt được khá nhiều kinh nghiệm và có thể tin cậy vào sự việc của tâm, thì không điều gì có thể gây phiền phức cho tôi nữa. Ngay cả những hiện tượng bất thường phát sinh, tôi cứ để nó như vậy. Nếu chúng ta am hiểu cách làm việc của những thứ này, chúng tự động tan biến. Tất cả đều là nhiên liệu cho trí huệ. Theo thời gian, chúng ta sẽ thấy hoàn toàn bình thản.

Trong khi thiền, những thứ mà bình thường không có vấn đề lại trở thành vấn đề. Chẳng hạn, chúng ta ngồi chéo chân theo kiểu kiết già với quyết tâm cứng rắn: “Được! Lần này không thể lẻn đi ra ngoài nữa. Ta sẽ tập trung tâm trí. Hãy xem đây!” Cách này không hiệu quả đâu! Mỗi lần tôi làm thế, buổi thiền của tôi chẳng đi đến đâu cả. Nhưng chúng ta thích làm ra vẻ can đảm. Theo kinh nghiệm của tôi, thiền định tiến triển theo một nhịp độ riêng của nó. Nhiều đêm khi tôi ngồi xuống thiền, tôi tự nhủ: “Đêm nay ta sẽ không rời khỏi chỗ này cho đến ít nhất một giờ sáng”. Chỉ với ý tưởng này thôi, tôi đã tạo ra một ít ác nghiệp rồi, bởi vì không bao lâu thì thân thể tôi đau nhức đủ chổ, đến mức tôi có cảm tưởng mình sắp chết chắc. Thế nhưng có những lúc tôi thiền trôi chảy lại là những lúc tôi không áp đặt thời hạn cho buổi thiền của mình. Tôi không đặt ra mục tiêu bảy giờ, hay tám giờ, hay bất cứ điều gì, chỉ tiếp tục ngồi, kiên định ngồi, buông bỏ, và bình thản. Đừng miễn cưỡng việc hành thiền. Đừng ép buộc tâm với những đòi hỏi không thực tế rằng nó phải nhập định – bởi làm thế, bạn sẽ thấy tâm càng hiếu động hơn, khó hiểu hơn bình thường. Cứ cho phép tâm thư giãn, thoải mái và an ổn.

Cho phép hơi thở luân chuyển nhẹ nhàng, vừa phải, không quá ngắn, quá dài. Đừng cố là cho nó thành một thứ đặc biệt. Hãy để thân thể thư giãn và thoải mái. Và tiếp tục thiền. Đôi khi tâm bạn sẽ hỏi, “Chúng ta thiền đến khi nào? Lúc nào thì dừng đây? Thôi mai ngồi tiếp vậy”. Nó mè nheo không ngớt như thế. Bạn phải nói, “Nghe đây, anh bạn, hãy để cho tôi yên”. Cái bản chất lười biếng này cần được đè nén thường xuyên, bởi nó chẳng qua cũng chỉ là một thứ phiền não đến để quấy nhiễu bạn. Đừng quan tâm đến nó. Bạn phải cứng rắn với nó. “Dầu ta có nghĩ sớm, hay thiền đến tận giữa đêm, thì cũng không phải chuyện của ngươi”. Bạn phải dứt khoát với gã nhiều chuyện đó. Và rồi bạn tiếp tục ngồi thiền bao lâu tuỳ thích.

Khi bạn cho phép tâm thư giản và thoải mái, nó trở nên bình an. Qua kinh nghiệm này bạn sẽ thấy rõ năng lực của sự dính mắc. Khi bạn có thể ngồi tiếp tục trong một thời gian dài hay ngắn một cách thoải mái và thư giãn, bạn sẽ biết là mình đã nắm được then chốt của việc hành thiền. Bạn sẽ hiểu sự ràng buộc và dính mắc đã ô nhiễm tâm như thế nào.

Có vài người khi ngồi thiền, họ thắp một cây hương và nghĩ, “Mình sẽ không đứng dậy cho đến khi cây hương tàn”. Rồi họ ngồi. Một lúc sau, họ mở mắt và nhận ra là họ mới ngồi được có năm phút. Họ nhìn trừng trừng lên cây hương và thất vọng vì nó còn quá dài. Họ nhắm mắt lại và tiếp tục thiền. Nhưng không bao lâu, họ lại mở mắt ra để nhìn chừng cây hương. Những người này sẽ không đi tới đâu cả. Đừng làm như thế. Ngồi đó mà nghĩ đến cây hương suốt cả buổi thiền, “Không biết nó đã tàn chưa?” thì thiền làm sao có kết quả chứ. Đừng quan trọng hóa những việc như thế. Tâm không phải làm bất cứ điều gì đặc biệt cả.

Nếu chúng ta thực sự muốn phát triển tâm qua sự thiền định, đừng để loại phiền não tham ái xâm chiếm tâm chúng ta. Khi chúng ta ngồi thiền và những tâm ảnh lạ lùng hay vài cảm thọ nào đó sinh ra, điều trước tiên phải làm là xem xét trạng thái của tâm. Đừng bỏ qua nguyên tắc căn bản này. Những hình ảnh như thế có thể phát sinh vì trong tâm đã tương đối bình an. Đừng mong muốn chúng xuất hiện, và cũng đừng mong muốn chúng không xuất hiện. Nếu chúng nảy sinh, hãy xem xét chúng, đừng để cho chúng lừa gạt mình. Cứ nhớ rằng chúng không thuộc về chúng ta. Chúng cũng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã như tất cả những thứ khác. Ngay cả khi chúng là thật, cũng đừng suy nghĩ hay quan tâm nhiều đến chúng. Hãy tái lập chánh niệm của bạn lên hơi thở một cách mạnh mẽ. Hãy hít vào thật sâu, và thở ra thật chậm. Làm như thế ít nhất ba lần để đuổi hình ảnh đó đi. Cứ tái lập sự chú ý của bạn lên hơi thở.

Đừng nghĩ ngợi nhiều về những hiện tượng như thế. Chúng chỉ vậy thôi, và bản chất của chúng rất lừa đảo. Hoặc là chúng ta ưa thích, say đắm chúng, hoặc là tâm bị tẩm độc với sự sợ hãi. Chúng không có gì đáng tin cậy cả. Hãy nhớ, chúng không thuộc về chúng ta, cho nên đừng chạy theo những tâm ảnh hay những cảm thọ này. Thay vì thế, hãy thiết lập chánh niệm vào hơi thở và xem xét hiện trạng của tâm. Đây là quy tắc. Nếu chúng ta từ bỏ quy tắc cơ bản này và bị cuốn hút vào những gì mà chúng ta tin là mình nhìn thấy, chúng ta có thể quên mất chính mình, và bắt đầu lảm nhảm – hay có thể bị điên. Chúng ta có thể mất thăng bằng tâm trí đến độ không thể duy trì sự quan hệ bình thường với người khác. Bất kể điều gì xảy ra, chỉ việc tiếp tục nhận biết tâm. Những kinh nghiệm thiền lạ lùng có thể hữu ích với người có trí huệ, nhưng khá nguy hiểm đối với kẻ sơ cơ. Bất cứ điều gì xảy ra, đừng phấn chấn hay hoảng hốt. Kinh nghiệm thiền sẽ xảy đến. Cứ để chúng đến rồi đi.

(Tiếp theo...)

SỰ QUÁN CHIẾU.

Một cách khác để tu hành là quán chiếu và xem xét mọi thứ chúng ta thấy, làm, và kinh nghiệm.. Đừng bỏ đi việc hành thiền. Có vài người, sau khi ngồi thiền hay đi kinh hành, cho rằng đấy là xong, họ có thể ngừng nghĩ. Họ ngừng tập trung tâm trí vào đối tượng thiền hay đề tài quán chiếu của họ. Họ bỏ rơi nó hoàn toàn. Đừng tu hành kiểu đó. Bất cứ bạn thấy gì, hãy tìm hiểu bản chất thật sự của nó. Quán chiếu những người tốt trên thế gian. Quán chiếu những kẻ ác. Hãy có cái nhìn thấu suốt nơi người giàu có và quyền lực, nơi người bất hạnh và nghèo khó. Khi nhìn thấy một đứa trẻ, một người già, hay một thanh niên, thiếu nữ, hãy khảo sát ý nghĩ của tuổi tác. Mọi thứ đều là nhiên liệu cho sự khảo sát. Đây là cách bạn phát triển tâm.

Sự quán chiếu dẫn tới sự giác ngộ là sự quán chiếu về tiến trình nhân quả trong mọi hình thái của nó: lớn và nhỏ, đen hay trắng, tốt hay xấu. Mọi thứ.  Khi bạn suy nghĩ, hãy nhận biết rằng nó chỉ là một tư tưởng và rằng nó chỉ là vậy mà thôi, không hơn, không kém. Tất cả những thứ này rồi kết thúc nơi nhà mồ của vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, cho nên đừng bám chặt vào chúng. Đây là nhà mồ của tất cả mọi hiện tượng hữu vi. Hãy xem xét chúng, chôn chúng để bạn có thể kinh nghiệm chân lý.

Thấu suốt tính chất vô thường tức là không cho phép mình đau khổ. Đây là sự khảo sát với trí huệ. Chẳng hạn, bạn nhận được một thứ gì mà chúng ta thường cho là tốt đẹp và thích thú, và rồi chúng ta vui vẻ. Hãy nhìn cho lâu và cho kỹ vào sự tốt đẹp và vui thú này. Sau khi có nó một thời gian, chúng ta cảm thấy chán. Chúng ta muốn bán hay cho nó đi, hoặc chúng ta sẳn sàng quẳng nó. Tại sao? Đâu là lý do cho động thái này? Mọi thứ đều vô thường và thay đổi, đó là vậy. Toàn bộ sự việc này là như vậy đó, và một khi chúng ta hiểu rõ một sự kiện, thì bất kể bao nhiêu sự kiện tương tự như thế phát sinh, chúng ta đều hiểu cả. Các pháp thế gian đều là như thế. Cho nên, cáo câu nói, “Nếu bạn đã thấy một, bạn sẽ nhìn thấy tất cả”

Đôi lúc chúng ta thấy những điều chúng ta không thích, hay chúng ta nghe tiếng động khó chịu và trở nên bức rức. Hãy khảo sát nó. Bởi vì có thể một ngày nào đó, chúng ta lại thấy thích hình ảnh hay âm thanh này. Biết đâu lúc đó chúng ta lại yêu thích cùng những thứ mà chúng ta đã từng ghét cay ghét đắng. Có thể lắm! Rồi chúng ta hiểu ra, “À há, Vạn pháp đều vô thường, không thể thỏa mãn hoàn toàn, và không có tự ngã”. Sự bám víu vào những thứ mà chúng ta thích sở hữu hoặc ghét cay đắng ấy sẽ rơi rụng. Chúng ta nhận thấy các pháp thế gian đều như nhau. Và rồi mọi thứ chúng ta kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Đạo rõ ràng hơn.

Những gì tôi vừa nói là để bạn suy ngẫm, và chúng cũng là lý thuyết mà thôi. Khi người ta đến gặp tôi, thì tôi nói. Nhưng đây không phải là những thứ để chúng ta lải nhải suốt ngày. Cứ làm đi. Thực hành đi. Cũng giống như khi chúng ta gọi vài người bạn và mời họ cùng đi với chúng ta đến một nơi nào đó, chúng ta nhận được câu trả lời và rồi chúng ta lên đường, mà không lôi thôi, rầy rà gì cả. Chúng ta nói vừa đủ và ngừng lại ở đó. Tôi có thể chỉ cho bạn một vài điều về việc hành thiền, bởi vì tôi có kinh nghiệm. Nhưng biết đâu tôi có thể sai. Công việc của bạn là thực hành và khảo sát, tự mình tìm hiểu xem những điều tôi nói có phù hợp với chân lý hay không.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***