Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 2
THIỀN ĐỊNH
CHƯƠNG 17
THIỀN ĐỊNH.
Cố đừng suy nghĩ quá nhiều.
Nếu bạn phải nghĩ, thì suy nghĩ với sự tỉnh
giác.
Hãy làm cho tâm bình an trước.
Nơi nào có sự hiểu biết, nơi đó không cần có
sự suy nghĩ.
Sự tỉnh giác sẽ thay thế vào đó,
Và trí huệ phát sinh.
Tại sao bạn hành
thiền? Bởi vì tâm của bạn không hiểu những gì cần được hiểu. Nói cách khác, bạn
không thật sự hiểu biết điều gì và chuyện gì đang xảy ra. Bạn không biết đâu là
sai, đâu là đúng, đâu là thứ mang đến khổ đau và khiến bạn nghi ngờ. Bạn đến
đây để tìm kiếm sự bình an và kiềm thúc là vì tâm bạn bất an. Chúng cứ bị lung
lay bởi sự nghi ngờ và hiếu động.
Mặc dầu, dường như có
rất nhiều cách để tu hành, chung quy chỉ có một mà thôi. Cũng như những cây ăn
trái, chúng ta cũng có thể có trái sớm hơn bằng cách trồng cây chiết, nhưng cây
đó sẽ không dẻo dai và bền bỉ. Nếu chúng ta trồng cây từ hạt, thì cây lớn lên
sẽ khỏe mạnh và có nhiều sức chịu đựng hơn. Sự tu hành cũng vậy.
Khi mới tu hành, tôi
chưa hiểu điều này. Chừng nào tôi còn chưa hiểu biết đúng đắn, tôi vẫn thấy
việc tu hành là khổ sở. Có lúc tôi đặt mục tiêu của mình quá cao, có lúc thì
quá thấp. Tôi chưa biết thế nào là sự quân bình. Tu hành một cách bình an là
không đặt tâm quá cao hay quá thấp, mà ở điểm quân bình.
Tu hành nhiều cách
khác nhau với nhiều vị thầy khác nhau có thể rất rối rắm. Vị thầy này bảo bạn
tu cách này, vị kia bảo bạn tu cách kia. Bạn không biết đâu là đúng, đâu là
sai, không biết cốt tủy của sự tu hành là gì. Kết quả là sự rối rắm và nghi
ngờ. Không ai biết cách để hài hòa sự tu hành của họ. Cho nên cố đừng suy nghĩ quá nhiều. Nếu bạn phải nghĩ, thì suy nghĩ với
sự tỉnh giác. Hãy làm cho tâm bình an trước. Nơi nào có sự hiểu biết, nơi ấy
không cần suy nghĩ. Sự tỉnh giác sẽ thay thế vào đó, và trí huệ phát sinh.
Lối suy nghĩ bình thường không phải là trí huệ, đó chỉ là sự lang thang không
có chủ đích và không ý thức của tâm mà kết quả chỉ là sự hiếu động.
Ở giai đoạn này bạn
không cần phải suy nghĩ. Suy nghĩ chỉ khuấy động tâm. Lúc thiền, bạn phải dứt
khoát với mình rằng đây là lúc để huấn luyện tâm và không có thứ gì khác. Đừng
để tâm chạy lăng xăng, bên trái hay bên phải, lên trên hay xuống dưới. Vào lúc
này, bổn phận duy nhất của chúng ta là thực hành chánh niệm về hơi thở. Tập
trung sự chú ý nơi đỉnh đầu và di chuyển nó xuống thân thể, tới các đầu ngón
chân, rồi đi trở lại lên đỉnh đầu. Truyền sự tỉnh giác của bạn theo sự chú ý,
xuyên qua thân thể và quan sát với trí huệ. Chúng ta thực hành như thế để đạt
sự hiểu biết cơ bản về thân thể của mình. Rồi chúng ta bắt đầu thiền. Hãy nhớ
rằng bổn phận duy nhất của bạn là quan sát hơi thở ra và hơi thở vào. Đừng cố
ép hơi thở dài hay ngắn hơn bình thường. Hãy để nó trôi chảy đều đặn, nhẹ
nhàng. Thực tập buông bỏ với mỗi hơi thở vào và hơi thở ra.
Trong lúc thiền, bạn không cần để tâm đến cảm xúc. Mỗi khi tâm
bị quấy nhiễu bởi sự tiếp xúc với lục trần, cảm xúc nảy sinh trong tâm, chỉ
việc để nó đi qua. Bất kể những cảm xúc là tốt hay xấu đều không quan trọng.
Đừng cho chúng một ý nghĩ nào cả, mà chỉ việc để chúng đi qua và hướng sự chú ý
của bạn vào hơi thở. Duy trì sự tỉnh giác về hơi thở vào và hơi thở ra. Chỉ việc
quan sát hơi thở mà không tìm cách điều khiển hay miễn cưỡng nó. Đừng dính mắc.
Khi bạn liên tục như thế, tâm sẽ dần yên tĩnh, hơi thở trở nên thanh nhẹ hơn,
cho đến khi nó dường như không còn ở đó nữa. Thân và tâm cảm thấy nhẹ nhàng và
đầy sinh lực. Những gì còn lại là cái
biết nhất điểm. Tâm sẽ đạt đến trạng thái tĩnh lặng.
Nếu tâm hiếu động, tái
lập chánh niệm và hơi thở vào thật sâu cho đến khi không còn chỗ chứa nữa. Sau
đó thở ra hoàn toàn cho đến khi không còn lại gì hết. Thở vào thật sâu và thở
ra hoàn toàn. Làm như thế hai, ba lần, rồi tập trung sự chú ý lên hơi thở trở
lại. Tâm sẽ yên lặng hơn. Mỗi khi một cảm thọ kích động tâm, cứ việc lập lại
tiến trình trên. Khi bạn đi kinh hành cũng vậy. Nếu đang đi mà tâm bị kích
động, hãy dừng lại, lắng dịu tâm, tái lập chánh niệm lên đối tượng thiền, và
rồi tiếp tục đi. Ngồi thiền hay đi kinh hành cũng như nhau, chỉ là tư thế khác
mà thôi.
Đôi lúc tâm có thể
khởi nghi ngờ. Hãy là người biết, là
người liên tục theo dõi và xem xét cái tâm hiếu động trong bất kỳ hình thái nào
của nó. Đây gọi là chánh niệm. Sự
chánh niệm canh chùng và chăm sóc tâm. Bạn phải duy trì cái biết này và không
bất cẩn hay đi lạc hướng, bất kể tình trạng nào của tâm vào lúc đó là gì.
Một khi tâm đã hợp nhất
với chánh niệm, một loại tỉnh giác mới sẽ phát sinh. Một cái tâm bình an sẽ
được giám sát bởi chính sự bình an đó, cũng giống như một con gà bị nhốt trong
chuồng: con gà không thể ra ngoài, nhưng vẫn có thể đi tới đi lui trong chuồng.
Cùng thế ấy, sự tỉnh thức phát sinh khi tâm bình an và có chánh niệm là loại
tỉnh thức không gây phiền phức. Không có sự suy nghĩ và cảm xúc nào nảy sinh
bên trong cái tâm bình an để gây bất lợi cho bạn.
Bạn cố duy trì sự tỉnh
giác với chánh niệm và “kéo tâm trở lại”. Mặc dù tôi nói thế, nhưng trên thực
tế, tâm không đi đâu cả, chỉ là đối tượng của sự tỉnh giác bị thay đổi. Bạn
phải giữ cho tâm ở ngay tại đây và bây giờ. Chừng nào còn có chánh niệm, chừng
đó còn có sự hiện diện của tâm. Nó giống như bạn đang kéo tâm trở lại. Khi
chánh niệm được tái lập, chỉ trong chớp mắt, bạn đã quay lại với tâm mà không
cần có sự lôi kéo nào cả.
Khi sự hiểu biết trọn
vẹn, một sự tỉnh giác liên tục và không gián đoạn, chúng ta gọi đây là sự hiện
diện của tâm. Mỗi khi nhận biết hơi thở, tâm đang ở đó. Phải có cả hai, đó là
chánh niệm và sự nhận biết. Ngay lúc này, bạn hoàn toàn ý thức về hơi thở của
mình. Bài tập quan sát hơi thở này giúp phát triển cả hai: chánh niệm và sự
nhận biết. Cùng thế ấy, khi có chánh niệm và sự nhận biết, trí huệ sẽ đồng thời
phát sinh, và rồi cả ba sẽ cũng cố lẫn nhau.
Với trí huệ, sự thấu
hiểu về lục trần sẽ phát sinh. Chẳng hạn, trong lúc thiền, bạn có thể nhớ đến
một điều gì đó, nhưng trí huệ sẽ lập tức đẩy lùi ý nghĩ đó với câu “Không có gì
quan trọng cả”, hay “Bỏ xuống đi”. Hay nếu tư tưởng đang bận tâm về công việc
dang dỡ, trí huệ sẽ đáp trả “Không, ta không muốn dính vào chuyện đó”, “Buông
bỏ đi”, hay “Không có gì là chắc chắn cả”. Đây là cách mà bạn đối phó với lục
trần trong lúc hành thiền, nhận biết chúng như những sự việc “không chắc chắn,
không bền vững”, và duy trì sự tỉnh giác này.
Bạn nên buông bỏ mọi
suy nghĩ, các cuộc nói chuyện bên trong tâm, và tất cả nghi ngờ. Đừng dính mắc
vào những thứ này trong lúc hành thiền. Cuối cùng thì tất cả những gì còn lại
trong tâm sẽ chỉ còn là thể trạng thuần khiết nhất của sự chánh niệm, sự nhận
biết, và trí huệ. Mỗi khi những thứ này yếu đi, tạp niệm sẽ phát sinh. Cứ cố
gắng buông bỏ những tạp niệm đó ngay lập tức, chỉ giữ lại chánh niệm như thế
cho đến khi nó có thể hiện diện liên tục trong tất cả thời gian.
Bây giờ, chúng ta nói
đến công cụ hay phương tiện để hành thiền – tâm thiện lành. Nói cách khác, đó
là những phẩm chất rộng lượng, tốt bụng, và sẵn lòng giúp đỡ. Những thứ này
phải được duy trì, phải là nền tảng của một tâm hồn thuần khiết. Ví dụ, hãy bắt
đầu dứt bỏ lòng tham, xuyên qua sự bố thí. Một người ích kỷ sẽ không hạnh phúc.
Sự ích kỷ sẽ mang đến cảm giác không thỏa mãn, thế nhưng con người thường rất
ích kỷ mà không biết điều đó ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Bạn có thể kinh nghiệm
điều này bất cứ lúc nào, nhất là khi bạn đang đói. Giả sử bạn có hai trái táo,
và bạn có cơ hội chia sẽ chúng với một người bạn. Bạn suy nghĩ
một hồi, và dĩ nhiên, ý muốn chia sẻ luôn ở đó, nhưng bạn muốn cho người kia
trái táo nhỏ hơn. Cho trái lớn sẽ… ô, thật là xấu hổ. Khó nghĩ quá. Bạn bảo họ
tự chọn lấy, nhưng rồi bạn nói, “Lấy trái này nè!” và đưa cho họ trái táo nhỏ!
Đây là một hình thức của sự ích kỷ mà chúng ta ít khi nhận ra. Bạn dằn vặt rất
nhiều trước khi ban tặng. Dầu bạn thật sự muốn cho trái táo nhỏ, bạn miễn cưỡng
đưa trái táo lớn. Tuy vậy, sau khi bạn đưa trái táo lớn, bạn lại cảm thấy nhẹ nhõm
trong lòng. Huấn luyện tâm đi ngược với thói thường, đòi hỏi sự kỷ luật chính
mình – bạn phải biết cách ban tặng và biết cách buông bỏ, không cho phép sự ích
kỷ lấn lướt. Một khi bạn học được cách ban tặng, tâm bạn sẽ hoan hỉ. Nếu bạn còn
lưỡng lự, thì trong lúc đó bạn sẽ thấy khổ sở, và dầu bạn có cho đi, cảm giác
miễn cưỡng vẫn còn ở đó. Nhưng khi bạn dứt khoát cho đi, vấn đề kết thúc. Đây
là cách làm đúng đắn để đi ngược lại thói thường.
Làm thế này, bạn chiến
thắng bản thân. Nếu bạn không làm thế, bạn sẽ là nạn nhân của chính mình và
tiếp tục là một người ích kỷ. Tất cả chúng ta đã từng sống ích kỷ - nó là một
thứ phiền não cần phải đoạn tuyệt. Trong kinh Pali, bố thí mang đến hạnh phúc
cho người khác và giúp tâm dứt trừ phiền não. Bạn nên suy ngẫm về điều này và
thực tập ban tặng.
Tu hành kiều này là
săn đuổi lòng tham và những phiền não của bạn. Nếu phiền não phát sinh trong
tâm. Bạn phải làm điều gì để hóa giải chúng. Phiền não giống như một con mèo
hoang. Nếu bạn cho nó ăn uống thỏa thích, nó luôn quay lại tìm kiếm thêm; nhưng
nếu bạn ngừng cho nó ăn, sau một vài ngày, nó sẽ không lui tới nữa. Phiền não
chướng ngại cũng vậy. Nếu bạn ngừng nuôi dưỡng chúng, chúng sẽ không đến quấy
nhiễu bạn. Chúng sẽ để bạn yên. Cho nên, thay vì sợ hãi phiền não, hãy khiến
cho chúng sợ hãi bạn. Bạn làm thế bằng cách liễu ngộ Đạo trong tâm của bạn.
Đạo phát sinh từ đâu?
Nó phát sinh với cái biết của chúng ta. Ai cũng có thể biết và hiểu đạo. Đạo
không phải là một thứ cần phải lục lọi, tìm kiếm trong sách vở. Cứ suy ngẫm đi
rồi bạn sẽ hiểu những điều tôi nói ở đây. Ai cũng có phền não, đúng không?
Trong quá khứ, bạn đã từng nuông chiều chúng, nhưng đã đến lúc bạn phải thấy
bản chất của chúng và không cho phép chúng làm phiền bạn nữa.
Bước kế tiếp trong sự
tu hành là nghiêm trì giới luật. Giới luật canh chừng và trưởng dưỡng sự tu
hành cũng giống như cha mẹ trông nom con cái. Trì giới không chỉ có ý nghĩa là
tránh làm hại người khác, mà phải giúp đỡ và khích lệ họ. Ít nhất bạn phải tuân
thủ Ngũ Giới, đó là:
Không giết hại hay cố ý hãm hại người khác, mà còn phải có tình thương với
muôn loài.
Không xâm phạm quyền lợi của người khác – không trộm cắp, mà còn giúp đỡ, bố
thí.
Biết điều độ trong quan hệ tình dục. Gia đình đặt trên cơ
sở quan hệ vợ chồng. Người chồng hay người vợ phải biết tính khí, nhu cầu, và
ước muốn của người phối ngẫu. Biết điều độ và giới hạn những hoạt động sinh lý.
Có người không biết giới hạn. Có một chồng hay một vợ vẫn chưa đủ. Theo tôi
thấy thì ngay cả một người vợ hay một người chồng đã là quá nhiều rồi. Bạn phải
cố tịnh hóa và huấn luyện tâm để biết điều độ. Tâm biết điều độ là cái tâm thực
sự thuần khiết. Nó giống như cái dạ dày của bạn, xem thử nó thật sự cần bao
nhiêu là đủ. Nếu bạn ăn quá nhiều, bạn sẽ gặp phiền phức.
Hãy thành thật trong
lời nói – đấy cũng chính là phương tiện để dứt trừ phiền não. Bạn phải ngay
thẳng và thành thật.
Tránh dùng các chất kích thích thần kinh, chất say sưa. Bạn nên kiềm chế và
tốt nhất là tránh xa những thứ này. Con người hiện đang say sưa với gia đình,
thân quyến, bạn bè, của cải, và danh vọng của họ. Bấy nhiêu đó cũng quá nhiều rồi.
Không cần phải thêm những chất say khác.
Những thứ này khiến cho đầu óc tối tăm, mịt mờ. Những ai say sưa quá nhiều, cần
nên biết những thứ này đang áp bức bạn mỗi ngày.
Một khi giới hạnh đã
thanh tịnh, bạn sẽ tự nhiên thành thật và tốt bụng với người khác. Điều này
mang đến cảm giác tự tại, không còn lo âu và ân hận. Không ân hận là hình thức
của hạnh phúc. Nó gần giống như hỉ lạc. Bạn ăn ngủ một cách thoải mái với niềm
vui phát sinh từ giới hạnh. Đây là nguyên tắc tu hành – tránh xa ác nghiệp để
thiện hạnh có thể phát sinh. Nếu đức hạnh được duy trì như thế này, điều ác sẽ
biến mất và điều thiện sẽ thay thế vào đó.
Những vấn đề không kết
thúc ở đây. Một khi hành giả đạt được một chút an lạc, họ thường đánh mất sự
chuyên tâm và không muốn đi tiếp. Họ bị kẹt trong sự an lạc. Họ không muốn tiến
xa hơn. Đúng là nó rất dễ chịu, nhưng bạn không có sự hiểu biết thật sự. Bạn
phải tiếp tục quán xét để tránh bị lừa. Quán xét tới lui mãi về sự bất lợi của
niềm vui này. Nó vô thường, không bền vững. Không bao lâu nó sẽ rời khỏi bạn.
Một khi hạnh phúc tan biến, đau khổ lại phát sinh. Ngay cả chúng ta sinh ra ở
một nơi như thiên đường, cuối cùng cũng khóc lóc và đau khổ.
Cho nên Đức Phật dạy
rằng hạnh phúc mang theo với nó là sự bất toại nguyện. Thường thì hành giả khi
kinh nghiệm thứ hạnh phúc này, họ không thật sự hiểu biết về nó. Sự bình an thật sự vững chắc và lâu dài bị che đậy bởi thứ hạnh phúc ảo tưởng này. Thứ hạnh
phúc này là một dạng phiền não vi tế, và chúng ta dính mắc vào đó. Ai cũng
thích hạnh phúc. Hạnh phúc hiện diện bởi vì chúng ta thích một điều gì đó.
Nhưng ngay khi sự yêu thích đó chuyển sang sự chán ghét, đau khổ phát sinh. Nó
không chắc chắn, bạn không nên bám chặt vào đó. Bạn nên xem xét nó rồi để nó ra đi, sau khi nhìn thấy cả cái lợi và cái hại của thứ hạnh phúc này.
Khi bạn nhìn thấy các pháp đều không hoàn mỹ, tâm của bạn sẽ
biết thế nào là quán chiếu sự buông bỏ. Tâm vỡ mộng và tìm đường giải thoát. Sự vỡ mộng này phát sinh
sau khi tâm nhìn thấy thực chất của sắc tướng, thực chất của mùi vị, thực chất
của sự yêu thương và thù ghét. Chúng ta không còn muốn bám víu vào sự việc này
nữa. Sự bám víu sẽ nới lỏng dần cho đến khi bạn có thể sống một cách thoải mái,
quan sát sự việc với tâm bình thản, không một chút ràng buộc. Đây là sự bình an
phát sinh từ sự tu hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét